Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tôi đến thăm ông vào một buổi chiều giáp Tết, khi ngoài phố, người người tấp nập đi mua sắm, không khí mùa xuân đang len lỏi vào từng nhà. Trong căn phòng nhỏ đầy những tủ sách, Giáo sư Hồ Ngọc Đại - cha đẻ của Công nghệ Giáo dục và trường Thực nghiệm với mái tóc bạc trắng, ánh mắt sáng quắc, tinh anh, ông thong thả pha một ấm trà, chậm rãi mời khách.
Ở tuổi 85, ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết, ông nói chuyện về công nghệ giáo dục, về sự nghiệp“trồng người”, về trẻ con, một cách say mê, thẳng thắn, nhưng cũng đầy trăn trở.
Mấy ngày nay, dư luận dậy sóng về việc tranh luận "nảy lửa" giữa ông và HĐGD thẩm định sách giáo khoa Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tôi đã hỏi ông về "số phận" của chương trình Giáo dục Công nghệ. Thoáng một chút ưu tư, ông bảo: "Không có tình huống nào không có lối thoát, chân lý sẽ tồn tại. Tôi tin vào điều đó”.
Chắc hẳn thời gian qua, Giáo sư đã trải qua rất nhiều tâm trạng sau khi đứa con tinh thần mà suốt 40 năm ông tâm huyết, nghiên cứu đã bị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa từ chối. Ông có thể chia sẻ điều gì lúc này không, thưa Giáo sư?
- Tôi vẫn nói với mọi người rằng buổi đối thoại giữa nhóm tác giả bộ sách Công nghệ Giáo dục (CNGD) và Bộ Giáo dục và Đào tạo chính là "cơ hội vàng" để bộc lộ ra tất cả những suy nghĩ của mỗi bên, nếu không thì cứ ấm ức mãi. Tất cả mọi điều đều dần dần rõ ra, tường minh hết, công luận cũng đã dần biết. Trước đây cứ úp mở, úp mở. Tôi chỉ muốn nói với các anh ở Văn phòng Bộ rằng đây là sự khác biệt về trình độ tư duy. Nghe thì có vẻ là kiêu ngạo nhưng mà tôi nói thật.
Tôi cũng không bất ngờ, không oán giận gì Hội đồng thẩm định vì đó là công việc của họ được giao như thế. Họ làm đúng theo trách nhiệm, thẩm quyền của họ, nhưng trách nhiệm đó đúng hay sai thì cần tính toán lại.
Giáo sư có thể lý giải vì sao SGK Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục đã thực nghiệm 40 năm, hiện được đưa vào sử dụng trên 48 tỉnh thành với trên 900.000 học sinh, nhưng hiện nay vẫn dừng ở "thực nghiệm"?
- Họ không chấp nhận một tư duy đi ngược lại với những gì đã cũ kỹ, đã tồn tại nhiều năm.
Khi triển khai CNGD ở Việt Nam, ông có lường được trước những khó khăn không?
- Có chứ. Tôi có lường trước được điều đó, bởi sách giáo khoa công nghệ của tôi với lối tư duy hiện đại.
Tôi nghĩ rằng bất cứ điều gì mới lạ, ban đầu đều vấp phải những trở ngại của số đông? Nhiều năm qua Giáo sư đã phải đối mặt với điều đó như thế nào?
- Mấy chục năm qua, tôi luôn vấp phải sự chống đối. Nhưng với tôi điều đó không ăn thua.Vì tôi không sai, mà cái gì không sai thì nó sẽ tồn tại. Ít nhất là anh phải làm đúng trước đã, thì nó mới tồn tại được, còn đúng đến mức độ nào, thuần khiết đến mức độ nào thì hiện nay sách đã thành công nghệ chuẩn, công nghệ tinh.
Tuy nhiên với tôi không quan trọng, tôi chỉ làm theo cái mình nghĩ đúng. Còn ai nói gì cũng được, tôi không quan tâm.
Có khi nào ông nản lòng không?
- Tôi ý thức được trách nhiệm của tôi đối với lịch sử. Không phải là đối với cá nhân tôi đâu. Lịch sử thế nào thì sẽ có một người như thế, có một ví dụ như thế. Tôi lấy ví dụ cụ thể: Có rất nhiều nhà giáo nhưng phải có một vị như Khổng Tử, có rất nhiều nhà triết học nhưng phải có một vị như Mác. Có rất nhiều nhà giáo dục nhưng phải có một vị như Hồ Ngọc Đại. Đó là tất yếu chứ không phải cá nhân, không phải huênh hoang.Tôi không huênh hoang.
Nhiều người hỏi tôi có nản không, có ức không, tôi bảo: "Tôi không ức". Tôi hoàn toàn thản nhiên.
Thưa Giáo sư, không năm nào chúng ta không nói đến cải cách giáo dục. Đã có không biết bao nhiêu công trình nghiên cứu, hội thảo tiêu tốn tiền của nhưng cho đến nay nền giáo dục của chúng ta vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập. Vậy, đâu thực sự là nguyên nhân?
- Đó là do vấn đề về tư duy, tầm nhìn triết học.
Nhìn lại suốt một đời của Giáo sư có thể thấy rằng ông đã cống hiến một cách nghiêm túc cho khoa học, không màng đến chức danh, ông đã từ chối chức vụ Bộ trưởng để làm một thầy giáo dạy lớp 1. Lúc đó, tại sao ông lại quyết định như vậy?
- Tôi đã từng dạy từ lớp 1 cho đến tiến sĩ nhưng sau đó tôi ý thức được vai trò của tiểu học. Tôi cũng may là đi vào tập thể nghiên cứu về tiểu học, gặp những nhà nghiên cứu lớn nhất của thế giới nghiên cứu về trẻ con. Ban đầu tôi ngạc nhiên, sao những nhà nghiên cứu lớn nhất của thế kỷ lại tập trung vào nghiên cứu trẻ con. Điều đó đã giác ngộ tôi.
Tôi chọn dạy học sinh lớp 1, từ chối làm Bộ trưởng. Cái đó là tôi nói rất thật. Đất nước này có hàng vạn người giỏi hơn tôi. Không có Bộ trưởng này sẽ có Bộ trưởng khác. Nhưng việc giáo dục trẻ con không mấy ai giỏi hơn, để tôi làm. Trẻ con có tác động rất lớn đối với tôi, nên tôi thương và bênh chúng lắm.
Khi mở trường Thực nghiệm năm 1978, rất nhiều trí thức, quan chức ở Hà Nội đã gửi con cho Giáo sư. Tôi nghĩ rằng đó là những phụ huynh rất dũng cảm. Vậy ông có thể lý giải lý do nào mà suốt 40 năm qua, ông đã thuyết phục được phụ huynh tin vào những triết lý giáo dục mình?
- Từ nhỏ tôi đã thấy xót xa với những đứa trẻ con lắm, một cái gì xót xa rất tự nhiên. Tôi đã nhận ra bản tính tự nhiên của con người, nên khi dạy học tôi không bắt trẻ con phải theo người lớn. Càng ngày tôi càng ý thức làm thế nào cho trẻ con không khổ. Giáo dục phải tôn trọng trẻ từ nhỏ. Phải tôn trọng cái tự nhiên. Sau này tôi ý thức trẻ con chính là dân tộc. Tôi nhìn vào trẻ con tôi thấy dân tộc.
Tôi dạy trẻ con cách hợp tác, tôi không dạy trẻ con phục tùng hay đấu tranh. Tôi thấy trẻ con toàn bị bắt nạt, trong xã hội ai hơn nhau một tý là bắt nạt, không biết tôn trọng người khác, không biết hợp tác nên tôi đề cao hợp tác, đưa ra triết lý hợp tác: Hợp tác giữa giáo viên và học trò, gia đình và nhà trường, phụ huynh và giáo viên, giáo viên với giáo viên, học trò với học trò. Đã có hợp tác thì cũng sẽ có đấu tranh, cũng có phục tùng, nhưng khi hợp tác được thì nó vượt lên trên. Tôi thay đổi toàn diện phương pháp nhà trường, nhà trường phải thực sự là môi trường hợp tác. Như vậy nó sẽ bền vững.
Tôi rất biết ơn phụ huynh của trường thực nghiệm, những phụ huynh lứa đầu tiên. Họ tốt lắm, họ tin tôi, tin vào những gì tôi làm. Niềm tin đó vô giá. Ban đầu khi thấy con cãi lại thì cha mẹ cũng khó chịu lắm. Nhưng học trò thực nghiệm nó có bản lĩnh, nó tự tin lắm, và nói phải thuyết phục nó mới nghe.
Nhưng cũng sẽ phải mấy chục năm nữa tôi mới thật sự thuyết phục được, khi nhiều thế hệ học trò thực nghiệm nó ngày càng lớn lên. Hàng nghìn học sinh trưởng thành, lúc đó mọi người sẽ tin.
Hiện nay ở nước ta, việc học tập của học sinh nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía nhà trường, gia đình, người thân, thậm chí cả xã hội và nhiều người mắc bệnh thành tích. Điều đó vô tình khiến việc học trở thành cuộc “cạnh tranh” và tạo áp lực vô hình rất lớn lên học sinh. Giáo sư nghĩ sao về điều này?
- Đó là vấn đề biểu hiện ở mọi đối tượng. Học sinh thì quá chú trọng đến điểm số, thành tích mà thiếu hiểu biết xã hội, thiếu kỹ năng sống, còn sinh viên ra trường thiếu kiến thức thực tế. Giáo viên hay nhà trường cũng dung túng, bao che lỗi của học sinh do sợ ảnh hưởng thi đua hàng tuần của lớp, trường... Điều đó làm mất niềm tin của xã hội vào giáo dục.
Thực tế thấy rằng, khi trường phái Thực nghiệm bị vùi dập trong mưa "gạch đá" nhưng khi hỏi học sinh từng học ở thực nghiệm hay giáo viên, tôi dường như không thấy có bất kỳ sự dao động nào. Họ đều cho rằng bị hấp dẫn bởi những bài học luôn hàm chứa tư duy mới mẻ, sinh động. Tôi nghĩ đó đã là những phần thưởng quá quý giá đối với những người làm giáo dục, ông có nghĩ vậy không?
- Đó là niềm an ủi lớn nhất đối với tôi. Tôi có thiện chí, thiện tâm.Có cái thiện tâm ấy thì mới có cơ sở để tồn tại.
Tôi nhớ có một cậu học sinh kể với tôi thế này: "Em ngồi ở sân bay Đan Mạch, nhìn thấy một người ở phía xa và nghĩ là người Việt Nam nên đến gần và trò chuyện. Người đó nói rằng em có phải là học sinh trường Thực nghiệm không, bảo có một điều gì khác biệt lắm".
Hay có người nói với tôi rằng "Trò của thầy, đứa nào ra đứa nấy". Đó là phần thưởng lớn nhất đối với tôi rồi.
Nhưng không phải tất cả học trò đều phù hợp với phương pháp giáo dục của ông. Đó có là lý do chúng ta cần có nhiều cơ hội để chọn lựa?
- Nhưng đó là tất yếu của lịch sử. Nó là phương pháp tất yếu phải đến. Chứ không phải là cái may rủi cá nhân. Tôi ví dụ thế này: Hàng tỷ năm con người hay con vật trên thế giới, tất cả đều phải đi bộ. Nhưng cuối thế kỷ 19, con người không đi bộ nữa, họ nghĩ ra cái xe đạp. Đấy là lao động trí óc. Đến nửa đầu thế kỷ 20 đã có con tàu vũ trụ. Một tư duy giải phóng, mọi thứ sẽ đi nhanh. Nền giáo dục một khi được giải phóng, dân tộc sẽ phát triển nhanh lắm.
Cho nên nền giáo dục cần phải có một đầu óc nào đó dẫn dắt thì đất nước mới phát triển đi lên được. Tôi là người làm khoa học thuần tuý, theo đúng nghĩa đen. Chương trình công nghệ là tất yếu của lịch sử, lịch sử không thể không đi qua được. Công nghệ chẳng qua là quá trình tất yếu và tối ưu. Đã là công nghệ thì nó rất chắc chắn, vững chắc, ai làm cũng được.
Bản tính một người gốc miền Trung điển hình là cương trực. Thêm nữa những người làm khoa học thường cá biệt, rất quyết liệt, cứng đầu, hay tranh luận và theo đuổi đến tận cùng vấn đề ấy. Có phải điều đó là một rào cản đối với ông?
- Tôi sống rất thật. Tôi sống một cách tự nhiên.
Tôi nhớ có một chuyện thế này về nhà khoa học Ga-li-lê. Lúc ấy ông bị nhà thờ buộc phải tuyên thệ là Trái Đất đứng yên (từ bỏ lý thuyết của ông rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời) thì ngay sau khi quay đầu lại, Ga-li-lê đã thì thầm: "Dù sao nó vẫn chuyến động".
Hay như nhà triết học Socrates. Ông ấy bị buộc tội là làm hư hỏng lớp thanh niên, đang vận động lớp thanh niên sống cách khác. Nếu ông ấy thừa nhận là sai lầm thì ông ấy sẽ được tha tội chết. Nhưng ông ấy không thừa nhận. Có một cậu học trò khóc với ông bảo rằng "thầy chết oan". Ông mới bảo rằng "Thế con muốn ta chết có tội à".
Điều đó để nói rằng nếu có một lòng tin chính kiến, thì người ta tin vào điều người ta làm. Nên sau này đến lượt tôi, tôi tin vào những điều tôi làm vì tôi cả đời cống hiến cho khoa học. Từ năm 18, 19 tuổi cho đến ngày nay tôi không một ngày rời xa nhà trường.
Ga-li-lê là nhà khoa học nổi tiếng thời Cổ đại, ông sinh ra ở thành Pisa Italia. Suốt đời ông theo đuổi chân lý, hiến thân cho khoa học, dám giữ vững nguyên tắc của mình. Ông bị kết tội vì dám tuyên bố: Trái đất quay quanh Mặt trời.
Hơn 300 năm sau, năm 1979 Tòa thánh La Mã đã công khai sửa cho Ga-li-lê. Giáo hoàng chính thức tuyên bố, phán quyết của Tòa thánh La Mã đối với Ga-li-lê là sai lầm nghiêm trọng. Lịch sử cuối cùng đã có pháp quyết công bằng đúng đắn đối với nhà khoa học vĩ đại này, tên tuổi của Ga-li-lê mãi mãi được loài người kính trọng.
Giáo sư nghĩ gì về câu "tính cách tạo nên số phận"? Từ góc độ này, ông tham chiếu mình như thế nào?
- Tính cách là số phận. Tôi biết được số phận mình như thế, ý thức được trách nhiệm của tôi đối với đất nước. Tôi có suy nghĩ thế này: Mỗi một người đều có số phận của mình.
Trên các diễn đàn giáo dục, có thể nói Giáo sư rất thẳng thắn, có những quan điểm hay lời nói gây sốc. Tôi có nhớ một câu con trai ông từng chia sẻ "ba tôi rất kém ngoại giao, không biết nói những lời làm đẹp lòng người khác – bị chửi có lẽ cũng là điều dễ hiểu"... Giáo sư có cho rằng đó là điểm yếu của mình?
- Không, đó là điểm mạnh của tôi đó. Bởi vì tôi không chỉ cần người đường thời, cần một số người mà tôi cần nhiều người hiểu, tin tôi. Tôi là người nhận ra xu hướng lịch sử, tính tất yếu của lịch sử, giá trị của lịch sử. Từ năm 1978, tại Bộ Công an, tôi đã nói rằng tiêu cực sẽ lên đến Bộ Chính trị và Chính phủ. Lúc đó ai dám nói như vậy? Hay "một nền giáo dục mà càng ngày càng lụn bại đi"... Cái đó là tôi nói thật, chứ không sợ làm mất lòng những người bình thường.
Nhưng tôi không nói sai, quan trọng là những điều tôi nói đều đúng. Đó là những điều tôi thực sự nghĩ và thực sự làm. Cả đời tôi không bao giờ nói dối. Có thể không nói, còn đã nói là nói thật. Vì tôi có tư cách của tôi.
Giáo sư cho rằng, cuốn sách ông dành tâm huyết, công phu nhất là Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục và ông không chấp, để ý những người phê phán và nhất định không sửa. Ông có nghĩ mình có chút cực đoan không?
- Bộ sách của tôi là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh, bỏ ra 40 năm để viết sách và thực nghiệm sách, thậm chí trước đó còn có thêm 8 năm thực nghiệm tại Liên bang Nga và được trường Lô-mô-nô-xốp đánh giá cao.
Tôi không chữa, xong là xong.Tôi sẽ không chỉnh sửa gì vì trong mấy chục năm qua đã điều chỉnh rất nhiều. Sản phẩm tôi đưa ra là một sản phẩm đã hoàn chỉnh. Tôi nói: "Các cậu cứ đề nghị, đấy là theo tư duy các cậu. Với tư duy của tôi, với trình độ của tôi, tôi không sửa". Nếu sửa là sửa theo tư duy thấp hơn. Tôi ở đây là đại diện cho một trình độ phát triển tư duy, chứ không phải tôi cá nhân.
Tôi nghĩ rằng tranh luận khoa học là hoạt động hết sức thiết yếu và cơ bản, nhưng phải trên tinh thần khách quan, cầu thị, hướng tới mục đích chung. Có tranh luận thì mới có những cái mới, sáng tạo, ông nghĩ sao?
- Nhưng tranh luận cũng phải trên cơ sở khoa học.
Trong cuộc tranh luận đầu tháng 1 vừa rồi, một số ý kiến trong hội đồng thẩm định SGK của Bộ Giáo dục cho rằng "Hội đồng làm việc nghiêm túc, cũng không đến nỗi cũ kỹ về tư duy, hội đồng làm việc khách quan, công tâm, không có một sức ép nào và đều là những người có trình độ", Giáo sư đánh giá thế nào?
- Việc này không đơn giản là biểu quyết thông qua. Trò chơi biểu quyết, thủ thuật này không phải lúc nào cũng đúng.
Giáo sư và Hội đồng thẩm định SGK Bộ Giáo dục Đào tạo không tìm được tiếng nói chung. Ông sau đó giải thích không có ý xúc phạm GS Trần Đình Sử, mà chỉ là sự khác biệt về tư duy. Khi đã khác biệt về tư duy, sẽ khó có cùng tiếng nói. Đến bây giờ, giả sử thời gian quay ngược lại, Giáo sư sẽ xử lý tình huống này thế nào?
- Tôi là người làm khoa học, tôi bảo vệ quan điểm của tôi. Vì nếu mình không bảo vệ được quan điểm của mình thì ai sẽ là người bảo vệ mình? Tôi tin vào công trình của của tôi, vì những công trình ở trường Lô- mô-nô -xốp đánh giá là những công trình tầm cỡ thế giới. Ai không tin mặc họ, nhưng tôi vẫn tin.
Theo quan điểm của ông, công thức nào để đi đến thành công?
- Mỗi một thời điểm có một giá trị. Anh không thể mang thế hệ này áp đặt với thế hệ khác, người này áp vào người khác. Tôi có một nguyên tắc là những gì tôi có thì tôi đã dùng hết sức rồi, không hơn được nữa. Sức chỉ cố đến thế thôi.
Giáo sư thường dạy dỗ con cái mình như thế nào?
- Tôi có một đứa con trai, sinh năm 1973. Tôi dạy mà như không dạy, tôi không bao giờ can thiệp. Con tôi nó cũng lành nên tôi không áp lực gì. Tôi quan sát thôi, không khen, chê hay phạt con bao giờ. Tôi tạo mọi điều kiện để con phát triển theo lối tự nhiên. Chúng tôi cũng có tranh luận, nhưng không cãi nhau bao giờ. Nó có ý kiến thì tôi nghe.
Nó học xong thạc sĩ rồi. Có một điều nó không làm tiến sĩ, tôi mừng lắm. Tôi mừng khi nó bỏ không làm tiếp nữa bởi vì làm phải tốn kém lắm. Tôi thấy vô nghĩa lắm.
Thế còn với tư cách là một người chồng thì sao, thưa giáo sư?
- Nói thật là tôi rất biết ơn vợ tôi. Phải nói là biết ơn đấy, chứ không chỉ làm cảm ơn đâu. Lo tất tật mọi thứ để tôi làm khoa học. Bà vợ biết tính tôi, nên bà không bao giờ phàn nàn.
Một ngày của Giáo sư như thế nào? Ông có thường xuyên đi du lịch hay tập thể dục không?
- Tôi dậy từ 5 giờ sáng. Tôi đi làm bình thường. Trước đây ngày nào cũng đi làm, cả thứ 7 chủ nhật. Giờ thứ 7, chủ nhật tôi đi chơi.
Tôi cũng tập thể dục để giữ sức khoẻ, để con cái mình đỡ vất vả, người khác đỡ vất vả. Thỉnh thoảng tôi cũng xem một vài chương trình thể thao. Phần lớn tôi dành thời gian để đọc và viết.
Nếu phải đánh giá về mình, giáo sư tự nhận mình là người như thế nào?
- Tôi sống tự nhiên, bình thường như mọi người. Sống tự nhiên, làm việc tự nhiên. Tự nhiên như một người tự nhiên, chả có gì đặc biệt cả. Tôi không ảo tưởng, tôi không mơ tưởng viển vông.
Đến thời điểm này, Giáo sư nghĩ bài toán khó giải nhất của mình là gì?
- Đó là vấn đề thời gian.
Điều Giáo sư tiếc nuối nhất?
- Tôi không có tiếc nuối. Bởi ngày nào tôi làm cái gì cũng là làm hết sức mình. Chỉ làm hết sức và cũng chỉ có thế thôi. Và quan trọng nhất là tôi không bao giờ phản bội chính mình.
Vậy tài sản lớn nhất Giáo sư dành cho con cái mình là gì?
- Đó là một hệ tư tưởng giáo dục. Một công nghệ giáo dục đã có.
Thứ 2 là có uy tín xã hội. Càng về lâu nó càng lớn. Trước mắt chưa đâu vào đâu, nhưng càng về sau nó càng lớn. Rồi con tôi sẽ tự hào về bố nó, về gia đình nó. Chắc chắn là như vậy.
Tôi rất có ý thức đối với đất nước và tôi phải để lại cái gì có ý nghĩa thiết thực cho đất nước.
Ông không phải là một người dễ chấp nhận thất bại, có đúng vậy không, thưa Giáo sư?
- Không có tình huống nào không có lối thoát, chân lý sẽ tồn tại. Cuộc sống có quy luật của nó. Tôi sống tự nhiên như thế nào thì tôi cư xử như vậy. Có người chấp nhận, có người không, tôi không quan tâm.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.