Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 1.

Không ít người dân phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội chưa hết bàng hoàng vì rất lâu năm mới có trận ngập lụt lớn như những ngày sau trận bão Yagi vừa qua. Nhiều ngõ, ngách tại tuyến phố Phúc Tân thuộc khu vực ngoài đê bao sông Hồng ngập sâu bởi lượng mưa lớn và nước sông dâng cao trên mức báo động 2. Hầu hết các hộ gia đình trong khu vực Phúc Tân phải di dời đến nơi ở an toàn.

Chị Thanh Hường (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) cho biết, người dân trong khu vực đều phải di chuyển và mang theo nhiều đồ dùng cần thiết đến nơi ở khác. Một số người phải chấp nhận đi thuê khách sạn, nhà nghỉ để ở tạm vài ngày do không tìm được chỗ ở an toàn.


Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 2.
Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 3.

Hà Nội ngập sâu khiến nhiều người già không kịp chạy lụt.

"Ngay từ tối 10/9 đã có dấu hiệu nước dâng cao khiến một số nơi ngập. Gia đình tôi cũng nghĩ sẽ di chuyển chỗ khác vào hôm sau. Tuy nhiên, ngay đêm hôm đó nước ngập lên rất nhanh và chúng tôi phải thu dọn đồ đạc để di dời đến nơi an toàn. Ở khu vực này cũng từng có một số lần ngập nước nhưng đây là lần ngập nặng nề nhất tôi từng trải qua", anh Hoàng Công (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ.

Nhiều người dân cũng cho biết nước lên rất nhanh và có nhà bị nước tràn vào nhà ngập sâu đến 70 - 80 cm và buộc phải cắt điện hoàn toàn. Những người dân sinh sống tại khu vực này cũng lo lắng sau khi nước dời đi sẽ để lại nhiều hậu quả, gây thiệt hại tài sản, tiền của.

UBND quận Hoàn Kiếm phải thông báo và vận động sơ tán hơn 250 hộ phường Phúc Tân; xác định số hộ khó khăn cần hỗ trợ nơi sơ tán là 17 hộ, trong đó, 15 hộ tự di chuyển và nhờ hỗ trợ di chuyển, 2 hộ đã di chuyển về địa điểm của phường tại 360 Phúc Tân. Ngoài những hộ gia đình bị ngập sâu, một số hộ ở phía ngoài vẫn bám trụ, dùng bao cát và những tấm gỗ để chặn cửa, tạm thời mực nước chưa vào đến nhà.


Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 4.

Trong khi tại bờ hữu sông Hồng, người dân phường Phúc Tân oằn mình chạy lũ trong đêm thì tại bờ tả dòng sông này, TP Hà Nội đã quy hoạch xây dựng 2 Khu đô thị (KĐT) ngay… ngoài đê. Nhiều người không khỏi băn khoăn, khi quy hoạch, cơ quan chức năng đã tính toán kỹ về khả năng ngập lụt?

Tháng 3/2023, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch Phân KĐT sông Hồng, tỉ lệ 1/5000, với quy mô gần 11.000 ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.

Phân khu quy hoạch có diện tích gần 11.000 ha, trong đó sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông trên 5.400 ha (50%). Phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng. Phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá.


Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 5.

Khu vực chợ đầu mối Long Biên bị ngập sâu.

Quy mô dân số tối đa dự kiến đạt mức 300.000 người vào năm 2030. Điểm nhấn quan trọng ở quy hoạch này là 3.000 ha bãi giữa sông Hồng. Chiều dài đô thị dọc hai bờ sông khoảng 40 km.

Trong năm 2024, TP Hà Nội có 2 KĐT nằm trong quy hoạch Phân KĐT sông Hồng tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thứ nhất, dự án KĐT thông minh - sinh thái rộng 268 ha gần cầu Nhật Tân. Vị trí cụ thể của dự án là thuộc địa bàn các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, huyện Đông Anh. Dự án tiếp giáp với cầu Tứ Liên và khu đô thị Vinhomes Cổ Loa của tập đoàn Vingroup.

Tổng chi phí thực hiện dự án KĐT thông minh - sinh thái là hơn 33.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,3 tỷ USD), chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là hơn 2.000 tỷ đồng. Quy mô dân số khoảng 38.500 người. Dự án sẽ xây dựng gần 13.000 sản phẩm, bao gồm: biệt thự, căn hộ chung cư thương mại, căn hộ chung cư nhà ở xã hội… Hiện, khu vực xây dựng dự án hiện chủ yếu là đất nông nghiệp, người dân đang trồng hoa màu, cây cảnh…

Thứ hai là, KĐT sinh thái đa chức năng phục vụ du lịch sông Hồng nằm tại các phường Liên Mạc, Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm. Đây cũng là vị trí sát nơi sắp xây dựng cầu Thượng Cát nối Bắc Từ Liêm với Đông Anh. KĐT này có diện tích 94 ha.


Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 6.

Theo khảo sát của PV Dân Việt, ngày 14/9 (3 ngày sau "đỉnh" lũ tại Hà Nội), nhiều khu vực ngoài đê Phương Trạch thuộc thôn Lực Canh, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh (khu vực xây dựng dự án KĐT thông minh - sinh thái 268 ha) vẫn ngập rất sâu. Người dân vẫn chưa thể ở và đi lại bình thường, một số khu vực vẫn phải di chuyển bằng thuyền. Sau đợt nước sông Hồng dân vì mưa lũ do bão Yagi, người dân canh tác nông nghiệp tại thôn Lực Canh chịu nhiều thiệt hại về vật nuôi, cây trồng.


Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 7.

Sự khác biệt giữa trong đê và ngoài đê ở xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội khi gặp ngập lụt.

Ông Hoàng Quỳnh, người dân địa phương cho biết, từ chiều ngày 10/9 nước sông Hồng bắt đầu dâng và lên rất nhanh khiến ông và nhiều người dân khác không thể "cứu" hết số vật nuôi. "Tôi chỉ kịp di chuyển được đàn lợn ra ngoài khu vực an toàn, còn mất trắng gà, vịt và lứa cá chưa kịp thu hoạch. Nhiều của cải tích cóp bao năm bây giờ mất trắng. Nước lên cao nhất ra sát chân đê, rất nhiều hoa màu và gia súc, gia cầm của nông dân mất trắng sau trận lũ lụt vừa qua", ông Quỳnh chia sẻ.

Ông Quỳnh cho biết thêm, nhiều ngôi nhà tại các xã Xuân Canh và Tàm Xá bị nước ngập lên gần mái nhà. Người dân hầu như đều phải di dời đến vị trí an toàn và không kịp mang theo nhiều của cải.

Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 8.

KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, giải quyết bài toán thoát lũ là vấn đề quan trọng hàng đầu, đòi hỏi việc bố trí nguồn lực thích hợp, thích ứng với giải pháp khoa học nhằm đảm bảo an toàn. Bởi dòng nước sông Hồng có tính biến đổi lớn giữa các mức báo động và mỗi cấp độ báo động lũ sẽ có mức ảnh hưởng khác nhau đến dự án.

Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 9.

"Việc phát triển KĐT ngoài đê sông Hồng cần làm tốt phòng chống lũ, trị thủy sông Hồng để bảo vệ các khu dân cư. Đặc biệt, giải quyết bài toán thoát lũ là vấn đề quan trọng hàng đầu, đòi hỏi việc bố trí nguồn lực thích hợp, có giải pháp khoa học thích ứng nhằm đảm bảo an toàn, môi trường sinh thái, bên cạnh việc xây dựng những dự án, công trình kiến trúc. Trước hết, phải tập trung đánh giá quy hoạch phòng, chống lũ cho lưu vực sông Hồng, với những kịch bản cụ thể, trong đó tuân thủ một cách tuyệt đối quy hoạch thoát lũ, bảo vệ môi trường đã được phê duyệt", ông Chính chia sẻ.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, sau cơn bão số 3 Yagi thì cần thiết phải có sự điều chỉnh các biện pháp phòng chống và thoát lũ tốt hơn cho người dân sinh sống khu vực ven đê.

"Trước đây, các khu vực ven sông và bãi giữa sông Hồng được đánh giá là những địa điểm quan trọng để phát triển đô thị, tạo ra sự hài hòa giữa tự nhiên và con người. Tuy nhiên, việc nước sông dâng cao trong chu kỳ biến đổi khí hậu càng khẳng định tính cấp bách của việc nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới để phát triển bền vững khu vực ven sông", ông Nghiêm cho biết.

Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 10.

Theo ông Nghiêm, chúng ta cần học hỏi và áp dụng các giải pháp tại nhiều quốc gia có kinh nghiệm sống chung với mực nước dâng cao. Cơn bão số 3 là bài học để rút kinh nghiệm và nghiên cứu các giải pháp khoa học mới như: xây dựng hạ tầng chống ngập, phát triển nhà nổi và hành lang thoát lũ cho các khu dân cư hai bên bờ sông.

Ông Bùi Trung Dung, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, về mặt công nghệ thì việc nâng nền không quá quan trọng, bởi khoa học kỹ thuật và vật liệu hiện nay hoàn toàn xử lý được vấn đề đó. Hiện nay, người ta có thể xây nhà chống lũ giống như nhiều quốc gia phát triển nhà ở trên biển. Quan trọng nhất là diện tích thoát lũ ra sao, việc này cần sự tính toán tỉ mỉ từ các nhà khoa học.

"Công tác chống lũ của Hà Nội được chú trọng trong những năm qua, đã xây dựng nhiều kịch bản, báo động cấp nào đều có. Tuy nhiên, khi xây dựng khu đô thị ngoài đê thì phải chú trọng công tác thoát lũ. Đã quy hoạch những KĐT ngoài đê thì khi nước lên thì sẽ ở tầng cao hơn", ông Dung nói.

Ông Bùi Trung Dung cũng cho biết, các khu đô thị phát triển theo quy hoạch ven sông Hồng là cần thiết, bởi, nhu cầu ở tại Hà Nội là rất lơn, trong khi đất đai lại có hạn. Ngoài ra, đất tại nhiều khu vực ven sông có giá trị lớn và không phải ai cũng đủ điều kiện để mua.

Nhiều kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch khẳng định việc phát triển thành phố dọc hai bên bờ sông là hướng đi đúng đắn. Trong đó, Hà Nội cần chú ý đến những thách thức trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt là phải bảo đảm an toàn thoát lũ. Để làm được, cần có cơ sở khoa học, tính toán đến an toàn hành lang thoát lũ và tính liên kết của khu vực này với các khu vực khác khi có lũ.

Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 11.

PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng, phát triển đô thị ngoài đê phải áp dụng theo các quy định của Luật Đê điều, những khu xây dựng ở bãi sông, ven đê có nằm trong vùng thoát lũ hay không, việc này phải nhận định và tính toán chính xác. Từ đó, mới tính đến quy trình thực hiện xây dựng KĐT.

"Những năm vừa qua chúng ta chưa gặp trận bão lũ nào lớn như cơn bão số 3 vừa qua nên có phần chủ quan. Những tác động trong và sau bão đã khiến nhiều tỉnh, thành điêu đứng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, lũ lụt ngày càng lớn thì nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng thì hậu quả còn trầm trọng hơn", ông Tứ nói.

Đối với những công trình xây dựng thì cần có phương án chuẩn bị trước như việc thiết kế nhà nhiều tầng. Trong đó, tầng 1 sẽ để trống nhằm tránh nước lũ dâng cao khi có thiên tai. Tuy nhiên, quy hoạch xây dựng KĐT ngoài đê sông Hồng phải tính toán cẩn thận, không thể chỗ nào cũng có thể xây dựng.


Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 12.
Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 13.
Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 14.
Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 15.
Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 16.

Nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội sau 3 ngày nước vẫn chưa rút hết.

"Theo quan điểm của tôi việc xây dựng KĐT ngoài đê sông Hồng là không khả thi và sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Ví dụ cụ thể như cơn bão số 3 vừa qua, những khu vực ngoài đê đều ngập rất nặng, thiệt hại nhiều tài sản", ông Tứ chia sẻ.

Ngoài ra, ông Tứ cho biết việc xây dựng nhà chống lũ tại khu vực ven sông Hồng là không khả thi. Bởi, lũ tại các sông lớn thì rất nguy hiểm và khó lường. Thậm chí, nếu xảy ra vỡ đập thì không có giải pháp nào cứu nguy. Đặc thù tại sông Hồng cũng rất khác những quốc gia khác nên không thể áp dụng máy móc.

Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 17.

GS Vũ Trọng Hồng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu quan điểm, việc xây dựng thành phố, KĐT ven sông là rất nguy hiểm, không an toàn. Cơn bão số 3 vừa qua là minh chứng rõ ràng cho sự tàn phá khốc liệt đối với những khu vực ven đê ra sao, chưa kể biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, phức tạp. Do đó, việc xây dựng công trình nhà ở ngoài ven đê là không phù hợp với quy định của Luật Phòng chống thiên tai.

"Nếu làm thành phố ở ven sông, ngoài đê là rất nguy hiểm, rủi ro lớn cho người dân sinh sống. Việc ứng cứu khi có thảm họa thiên tai cũng rất khó khăn. Do vậy cần xem xét lại việc xây dựng các KĐT ven sông, thậm chí là công trình bên trong những sát chân đê", ông Hồng nhận định.

Hà Nội quy hoạch phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng có khả thi?- Ảnh 18.

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem