Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chào Alisa Phạm và Vicky Ngô! Cảm giác là sinh viên nhỏ tuổi nhất (11 và 13 tuổi) của trường đại học như thế nào nhỉ? Những ngày đầu đến trường, các bạn có tò mò không, các em gặp phải khó khăn hay thuận lợi thế nào?
Vicky Ngô: Lần đầu tiên em đến trường có 2 chú bảo vệ đi theo giám sát và đưa vào tận lớp học. Ở trường có một mình em nhỏ tuổi như vậy. Ban đầu các bạn cũng chỉ nghĩ em là một em bé bị lạc trong trường hoặc là một cô bé 18 tuổi nhưng bị lùn, bởi thường những người châu Á cũng nhỏ bé hơn. Thời điểm đó báo chí chưa thông tin nhiều. Nhưng khi em nói em 13 tuổi, các bạn rất sốc.
Vì nhỏ tuổi nên khi em đến trường có một bộ phận bảo vệ gồm 10 người luân phiên để đảm bảo an toàn đến trường. Họ đưa đến lớp học, dẫn từ lớp nọ sang lớp kia nhằm bảo đảm an toàn. Thêm nữa, nhà trường sẽ phân công một nhóm 5 bạn học sinh khoá trên lần lượt ngồi cùng trong các lớp để tìm hiểu xem em có thích ứng với môi trường, quan sát tương tác của em và các bạn sinh viên trong lớp, có vui vẻ, có tiếp thu, hiểu bài không từ lúc nhập học cho đến lúc tốt nghiệp đại học.
Ngoài ra, mỗi tuần em cũng gặp người phụ trách về tâm sinh lý cũng như gặp người phụ trách về vấn đề học tập. Họ có các bài phỏng vấn, bài kiểm tra hỏi về sự tương tác với các giảng viên, tâm sinh lý và mức độ hiểu bài của em. Tuỳ vào mức độ và các môn học mà em sẽ có thể yêu cầu người kèm cặp riêng, là các gia sư, giáo viên hay mức độ cao hơn là các giáo sư.
Còn Alisa Phạm thì sao, em còn vượt qua kỷ lục của chị gái cách đây hai năm, tức là lúc vào Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand, em mới 11 tuổi.
Alisa Phạm: Em vào đại học khi 11 tuổi nhưng lúc đó dịch Covid-19 nên học online, ban đầu các bạn chỉ nghĩ là mặt em trẻ thôi. Ngày đầu đến trường em thấy rất vui, cảm giác mình rất VIP, vì được nhiều người đi theo bảo vệ. Nhưng lúc đó em chỉ sợ bị lạc trong trường vì trường đại học quá rộng, phải di chuyển giữa các toà nhà cao tầng để đến các lớp học, các bạn thì to cao mà mình thì nhỏ tí xíu. Các bạn rất ngạc nhiên, có người nhận ra và hỏi là "Có phải bạn là cô bé được đăng trên báo hôm trước không?". Khi biết em chính là cô bé đó, nhiều bạn rất vui, rất tự hào khi ngồi cạnh, chụp hình và coi em là một người nổi tiếng trong lớp (cười).
Cũng giống như chị Vicky, trước khi em nhập học, AUT đã có một cuộc họp chính thống gồm 6 bộ phận: Ban Hiệu trưởng, Hội đồng tuyển sinh của trường, 2 Trưởng khoa bộ môn, Trưởng Bộ phận về tâm sinh lý sinh viên, Bộ phận tuyển sinh sinh viên quốc tế của trường, phía gia đình, luật sư và em. Đây là cuộc thảo luận kéo dài nhiều giờ. Khi em nổi tiếng, có rất nhiều người ở Việt Nam lo lắng có thể em đang bị "ép" trưởng thành quá sức, nhưng mọi người không hiểu được trước khi quyết định cho em nhập học, Bộ trưởng Giáo dục New Zealand và trường AUT đã họp riêng để cân nhắc kỹ, ưu tiên số 1 là bảo vệ em tuổi thơ, tâm lý của em trước rồi sau đó mới đến kiến thức học đại học. Nghĩa là, không phải em cứ học giỏi, thi đỗ là được chấp nhận thành sinh viên.
4 năm trước, Alisa Phạm từ Việt Nam đến New Zealand cùng mẹ và chị Vicky Ngô (khi ấy Alisa mới học lớp 2, Vicky lớp 6). Cuộc sống của các em thay đổi thế nào, hoà nhập vào môi trường mới ở nước ngoài với văn hoá khác biệt, bất đồng ngôn ngữ, các em gặp khó khăn gì?
Vicky Ngô: Gia đình em sang New Zealand từ tháng 12/2017. Ban đầu chỉ là ý định đi du lịch, nhưng hai chị em thích ở đây quá nên mẹ quyết định xin visa ở lại. Do không có ý định cho việc đi học tại New Zealand trước đó nên tụi em không có mang theo học bạ, lúc đó bên này đang là dịp hè, ở Việt Nam là dịp Tết nên mẹ liên lạc về trường Việt Nam mà chẳng có ai trả lời.
May mắn mẹ đến trường St Thomas's và thuyết phục xin không có bảng điểm nhưng có thể làm kiểm tra và phỏng vấn. Sau các thủ tục đó, nhà trường thấy em có đủ điều kiện, cho phép nhập học với điều kiện sau đó phải đưa ra được học bạ ở Việt Nam. Sau nghỉ Tết, mẹ liên lạc về trường ở Việt Nam, làm thủ tục dịch thuật, công chứng học bạ gửi sang và tụi em mới được nhập học chính thức.
Alisa Phạm: Lúc mới sang, em và chị Vicky không giỏi tiếng Anh, không tự gọi đồ ăn được. Khi ở Việt Nam, do ở trường chỉ dạy về màu sắc hay các con số cơ bản mà không dạy giao tiếp thông thường nên khi sang New Zealand không biết làm thế nào. Lúc đầu mẹ gọi đồ ăn cho nhưng sau khuyến khích tụi em tự làm.
Vicky Ngô: Mẹ muốn 2 chị em tự làm nên ra nguyên tắc "nếu không tự gọi được đồ ăn sẽ không cho đi ăn tiệm nữa". Em gọi đồ ăn KFC nhưng tiếng Anh của em dở quá, nói bằng đủ kiểu từ chỉ chỏ, ngôn ngữ hình thể nhưng người bán hàng cũng không hiểu gì cả. Cuối cùng không mua được đồ ăn nên 2 chị em phải nhịn dù rất thèm. Xuất phát điểm từ việc không biết gọi đồ ăn, không biết Tiếng Anh thì giờ tụi em đã tự gọi được các món mình yêu thích, tính toán làm sao cho phù hợp để vừa có thể tiết kiệm tiền nhưng cũng có thể biết thêm nhiều món ăn, lựa chọn món phù hợp với sức khoẻ, tài chính. Giờ tự biết tính toán và phân loại các chi phí như tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền điện nước, internet, xem phim, tiền đi chơi... tổng hợp thành một file Exel gửi lại mẹ để cả nhà cùng theo dõi quản lý chi tiêu.
Các em có phương pháp học Tiếng Anh thế nào để có thể nhanh chóng hoà nhập, giao tiếp thuận lợi với các bạn cùng lớp?
Vicky Ngô: Em học Tiếng Anh ở Việt Nam 5 năm liền tại tiểu học, cũng là học sinh giỏi ở trường nhưng khi sang đây đến đồ ăn cũng không gọi được, muốn đi vệ sinh cũng không biết nói sao. Khi bạn bè, thầy cô nói chuyện tụi em đều không hiểu. Lúc đó em nghĩ cách làm thế nào để tìm bạn ở trường, không thể hai chị em cứ tối ngày chơi với nhau được. Hai đứa cố gắng nghe lỏm các bạn đang nói về chủ đề gì. Ví dụ về phim thì hai chị em về nhà sẽ tìm hiểu, tự nói một mình. Tụi em cố gắng chuẩn bị các chủ đề trước để giao tiếp với bạn bè, hoà nhập chung với mọi người. Dần dần sau khi nói chuyện với giáo viên và các bạn nhiều hơn thì Tiếng Anh cũng cải thiện hơn.
Alisa Phạm: Về giao tiếp với các bạn, mẹ gợi ý "năm câu hỏi thần kỳ" để làm quen với các bạn ở lớp. Mẹ dạy năm câu hỏi về ý nghĩa cái tên, món ăn yêu thích, bạn đến từ vùng đất nào, chơi môn thể thao gì và thích cuốn sách nào nhất. Ban đầu chỉ cần nói được những điều mình đã chuẩn bị, cũng không hiểu hết các bạn nói gì. Nhưng cách này đã khiến em làm quen được với nhiều bạn trong lớp. Giờ thì Tiếng Anh nói nhanh hơn Tiếng Việt rồi.
Vicky Ngô học vượt từ lớp 7 lên lớp 9 và vào thẳng Đại học Công nghệ Auckland (AUT) năm 13 tuổi. Còn Alisa Phạm chỉ mất 4 năm để từ lớp hai vào đại học, học vượt 5 năm cấp ba trong vòng 10 tháng để hoàn thành chương trình cấp ba. Alisa hoàn thành 60 tín chỉ điều kiện tuyển sinh đại học chỉ mất 4 tuần. Làm thế nào để có thể đạt được thành tích "khủng" như vậy?
Alisa Phạm: Hai chị em có những sở thích khác nhau, nên phương pháp học tập cũng hoàn toàn khác nhau. Nhưng có một điểm chung là mỗi ngày đều phải có thời gian biểu cố định: thời gian nào tự học, thời gian nào học ở trường, thời gian chơi, ngủ, nghỉ...
Tụi em trước khi đi ngủ sẽ làm một danh sách các đầu việc ngày mai sẽ phải làm gì rồi thực hiện. Tối hôm sau trước khi đi ngủ sẽ kiểm tra xem trong ngày những việc gì đã làm xong và việc gì chưa hoàn thành thì mai phải thực hiện tiếp. Hơn 1.500 ngày tại xứ Kiwi, ngày nào cũng như vậy.
Thứ hai là phải đo hiệu quả chỉ số thời gian. Tức là sẽ phải phân chia bao nhiêu tiếng ngủ trong một ngày, bao nhiêu tiếng học trên lớp... Tổng thời gian tự học phải luôn luôn lớn hơn hoặc bằng thời gian học trên lớp. Còn lại thời gian đi chơi...
Khi mới đến New Zealand, buổi sáng sớm thường âm 5 độ C, ban đầu tụi em không dậy được sớm. Nhưng bí quyết là mỗi ngày sẽ quyết tâm dậy sớm hơn 15 phút. Và sau 2 tháng thì dậy được đúng vào lúc 5h, sau đó làm vệ sinh cá nhân mất khoảng 30 phút và chuẩn bị đồ ăn, rồi ngồi vào bàn học. Phải mất đúng một năm mẹ phải đồng hành và dậy sớm cùng, nhắc nhở mọi thứ thì mọi việc mới đi vào nề nếp.
Vicky Ngô: Lúc đầu em cũng thấy rất khó để dậy sớm. Thời điểm ấy là cuối năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát, em đang chuẩn bị thi nên vẫn tự giác dậy sớm, rồi hai chị em phân việc ai gấp chăn, màn. Nếu buồn ngủ sẽ uống trà để tỉnh ngủ. Còn bí kíp chống buồn ngủ của Alisa, khi đó mới 7 tuổi là phải có đồ ăn vặt.
Alisa Phạm: Hai chị em tự học từ lúc 5h30 đến 9h sáng, tập trung học các môn học để thi đại học. Thời điểm em thi đại học là năm 2021, vẫn đang dịch Covid nên lớp 9 học online từ 9h sáng đến 3h chiều. Thời gian sau đó là ăn tối, chơi và đi ngủ tầm 9-10h. Trong thời gian trước và sau khi ăn tối sẽ học những môn riêng. Còn lúc đi thi thì phải dậy lúc 3h sáng để chuẩn bị bài thi. Em tìm trên website của Bộ giáo dục những bài thi từ 15 năm trước và tự luyện thực hành. Phương pháp của em là lúc học không viết nhiều mà thích vẽ minh hoạ, vẽ các biểu đồ và hình.
Còn có được thành tích đó cũng là do luyện tập thể thao, ngoài việc học chúng em luyện các môn thể thao như bơi lội, squash (một dạng tennis trong nhà)..., rèn luyện tính kiên trì và ý thức không từ bỏ. Mặc dù mẹ rất khó khăn để nuôi 2 chị em nhưng sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê huấn luyện viên riêng. Cô giáo tụi em là Owen Carols đã 2 lần vô địch Olympic thế giới. Đến nay 2 chị em đã học với cô được 5 năm.
Vicky Ngô: Em nhớ là vào mùa đông mà lúc đó phải đi học bơi, thời tiết toàn dưới 10 độ C, hồ bơi trong nhà nhưng vẫn rất lạnh nên khi phải đi học bơi thì không ai muốn đi. Nhưng bạn bè ai cũng biết bơi giỏi chẳng lẽ mình lại sợ nước. Có một nguyên tắc sống mà hai chị em luôn phấn đấu là "không bao giờ bỏ cuộc". Bây giờ chúng em có thể biết bơi sải, bơi bướm, bơi ngửa và bản thân em có thể bơi ngửa 2 tiếng đồng hồ.
Những tháng đầu 2018, vừa ưu tiên rèn luyện ý chí, sự quyết tâm song song với việc rèn luyện văn hoá là nền tảng để chúng em bứt phá những năm sau. Ví dụ để có thể tập trung làm bài thi liên tục trong vòng 6-8 tiếng thì cần phải có một sự kiên trì. Mà tính kiên trì, tập trung không thể có trong ngày một ngày hai. Năm đầu tiên đến đây, tụi em chỉ rèn luyện tính tập trung thông qua việc thổi sáo, chơi piano, luyện đánh máy 10 ngón thì tối đa cũng chỉ được khoảng 45 phút là muốn bỏ đi chơi. Đến năm thứ 2 thông qua hoạt động thể thao mới duy trì thể lực và tập trung lên được từ 1-2 tiếng. Phải mất 3 năm tiếp theo mới có thể tập trung cao độ trên 4 tiếng, sức làm việc hiệu quả như người lớn. Tất cả nhờ vào kỹ năng đọc sách nhanh và "sơ đồ tư duy bản chất".
Tụi em được rèn luyện tính độc lập, tự chịu trách nhiệm, một phần cũng bởi hoàn cảnh sống theo quy định ở New Zealand, trẻ em dưới 14 tuổi không được ở nhà một mình. Mẹ chỉ có một mình, khi mẹ đi họp, hoặc gặp gỡ đối tác, mẹ mang tụi em đi "họp" cùng khắp mọi nơi. Và trong lúc ngồi chờ mẹ họp ở bàn bên cạnh thì thường Alisa sẽ mang theo truyện để đọc, hoặc bút màu để vẽ tranh, còn em thì mang theo rubik và sách toán IQ để thư giãn.
Và làm thế nào để vượt cấp được? Hành trình đó có gian nan không, nhất là ở hệ thống giáo dục của New Zealand?
Vicky Ngô: Trong hệ thống giáo dục New Zealand, nếu muốn học vượt cấp, tụi em cần được xem xét cụ thể và được sự đồng ý đồng thời của Bộ trưởng Giáo dục và trường đại học.
Để có thể học vượt cấp, trong hai năm mẹ đã phải viết hơn 1.000 email gửi các bên liên quan. Có nghĩa là không hiển nhiên nhà trường cho học vượt. Mẹ đã phải tìm hiểu hiến pháp của New Zealand, nghiên cứu các tổ chức quốc tế mà New Zealand là thành viên như là Khối Thịnh vượng chung, thành viên của OECD, thành viên của Liên Hợp Quốc và UNICEF. Đối với các nghị định song phương và đa phương mẹ tìm hiểu các luận điểm nói về quyền trẻ em để dựa vào đó để đấu tranh liên bộ gồm Bộ Di trú, Bộ Lao động, Bộ Giáo dục.
Các em dành thời gian thế nào để vui chơi như các bạn cùng trang lứa?
Vicky Ngô: Em không nghĩ tuổi thơ của em khác các bạn. Em bị nghiện chơi rubik, sudoku và nghiện chơi Pokemon. Mỗi ngày em dành 1 tiếng để chơi. Tụi em vẫn có thời gian chơi sau giờ học hoặc vào những ngày cuối tuần đều có khoảng thời gian riêng, làm những việc mà các bạn lứa tuổi thường hay làm. Em có quan điểm học ra học, chơi ra chơi, vì vậy học không có nghĩa là sẽ mất tuổi thơ.
Alisa Phạm: Hai chị em có lợi thế mạnh là quản lý thời gian, chứ không phải là học nhiều, cũng không chăm chỉ. Em và chị Vicky không phải là chị em ruột nên nhiều thứ cũng khác nhau. Em vẫn có bạn, đi những nơi mà các bạn đi, xem những bộ phim đoạt giải Oscar chiếu ở rạp dành cho độ tuổi. Thường các ca học kết thúc lúc 3h chiều, thời gian từ đó đến 7h tối chúng em sẽ đi bơi hoặc chơi các môn nghệ thuật, thể thao. 7h-9h tối mới học bài. Tính ra là trong một tuần có 3 buổi đi bơi và có 2 buổi đánh squash. Chúng em mỗi người có 40 tiếng một tuần dành cho hoạt động vui chơi, thể thao và thiện nguyện.
Nghe nói, Alisa Phạm thích nấu ăn, vẽ truyện tranh và chơi game. Em có thể chia sẻ thêm về sở thích này?
Alisa Phạm: Mỗi ngày em dành 45 phút để vẽ truyện tranh, vẽ phim hoạt hình và thiết kế thời trang. Em cũng thích chơi board game như trò thị trường chứng khoán, cờ tỷ phú, ricco. Cuối tuần thường rủ nhóm bạn thân là người bản địa đi xem phim, chơi công viên hay chơi games online.
Và em thích nấu món ăn nào nhất?
Alisa Phạm: Em có thể chế biến bánh kẹp, KFC, mì spaghety, há cảo của Trung Quốc, sushi của Nhật Bản, một số món ăn đường phố như đồ ăn của Mexico, Brazil... Em cũng cuốn được món nem rán, thịt kho của Việt Nam.
Còn Vicky Ngô thì sao, em có sở thích đặc biệt nào?
Vicky Ngô: Alisa hướng ngoại, còn em hướng nội. Alisa nói nhiều, em ít nói hơn. Alisa thích nấu ăn, em thì lựa chọn rủa chén. Alisa thoải mái nói được 5 ngôn ngữ, em lại chật vật sửa phát âm tiếng Anh. Em rất yêu Toán, còn Alisa vẫn tự tin với trình độ Toán chỉ lớp 5 của em ấy là đủ xài rồi. Em thích đọc văn người ta viết như Harry Potter, thám tử Conan, trong khi Alisa thích tự sáng tác thơ của riêng mình và sắp tự xuất bản cuốn tự truyện.
Hai chị em có thường hay xích mích không. Ai là người hay bị "bắt nạt"?
Vicky Ngô: Alisa kém em 4 tuổi nhưng ở nhà thường làm leader, sẽ phân công công việc và em sẽ thực hiện.
Alisa Phạm: Chị Vicky sẽ rửa chén, còn em lau chén, nấu ăn. Hai chị em cùng nhau giặt đồ. Đi chợ thì em sẽ là người chọn nguyên liệu để nấu món gì, bao nhiêu là đủ, chị Vicky sẽ tính toán tiền xem có phù hợp không và thanh toán. Trong gia đình mẹ có đưa ra định mức chi tiêu, một tuần ba mẹ con tiêu khoảng 100 đô và chúng em tự quản lý và tính toán. Giả sử nếu tính toán sai, tuần sau phải chi tiêu ít lại để bù vào.
Vicky Ngô: Hai chị em chỉ mâu thuẫn khi em rửa bát xong mà Alisa vẫn chưa chịu đi lau bát, hay giặt đồ xong mà khi tìm không thấy một chiếc tất chẳng hạn, khi bị mẹ hỏi, Alisa sẽ lấy lý do là gió thổi bay mất rồi! Sau đó em ấy sẽ tìm thấy kẹt trong máy giặt hoặc rơi xuống gầm giường của Alisa. Thường thì em hay bị Alisa bắt nạt hơn.
Được Tổ chức Thần đồng Thế giới (Global Child Prodigy Award) công nhận là thần đồng. Các em quan niệm thế nào là thần đồng, cách mọi người đối xử với các em là một thần đồng, cảm giác thế nào là khi niềm tự hào của Việt Nam?
Vicky Ngô: Theo em thần đồng là một người rất giỏi trong một lĩnh vực nào đó, có thể ở lứa tuổi nhỏ hơn bình thường. Nếu theo tiêu chuẩn đó thì thật ra em cũng không nghĩ mình là thần đồng gì, vì những cái tụi em biết có rất nhiều người khác họ giỏi hơn mình. Họ có thể còn nhỏ tuổi hơn mình và có thể còn không có điều kiện như mình nữa. Mục tiêu quan trọng không phải định danh thần đồng mà phải hoàn thiện bản thân, ngay lập tức đóng góp cho xã hội. Hiện tại, hai chị em đang điều hành quỹ từ thiện Gamma Soldiers tài trợ cho các bạn nhỏ tài năng có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam và đồng hành cùng Powai hỗ trợ cho các trẻ em mồ côi vì mất ba mẹ trong đại dịch Covid-19.
Alisa Phạm: Thần đồng là người có những phát kiến trên thế giới mà chưa ai từng làm trước đó. Ví dụ như Albert Einstein, người ta gọi ông là thần đồng vì trước đó chưa ai phát kiến ra thuyết tương đối. Có thể mọi người gọi em là thần đồng vì ở lứa tuổi nhỏ như em ở Việt Nam chưa có người nào làm. Nhưng như thế chưa đủ, thần đồng phải đóng góp được gì cho xã hội, nên em chưa đóng góp được gì, chưa giúp được ai nên em không nghĩ mình là thần đồng. Còn việc trở thành người nổi tiếng, khi đi ra ngoài mọi người biết đến em nhiều hơn thì em cũng thấy vui, mọi người nhận ra mình.
Hôm trước cả nhà đi ăn ở nhà hàng, mọi người đang ăn rất vui vẻ tự dưng có một bạn chỉ trỏ, rất chú ý. Em không thấy áp lực mà chỉ thấy vui vì có cơ hội tiếp xúc được nhiều người hơn và có nhiều bạn bè hơn.
Vicky Ngô: Cuộc sống của chúng em chẳng thay đổi gì. Mẹ vẫn phải đi làm tới 4 job để có tiền nuôi chúng em học vì chi phí học tự túc rất tốn kém. Chúng em phải tiếp xúc với một lượng người cần giúp đỡ rất nhiều, vẫn làm hoạt động thiện nguyện. Chúng em dạy Toán, tiếng Anh và phương pháp học tập cho nhiều bạn nhỏ trên thế giới, đến từ trẻ em nghèo ở Việt Nam. Dạy hoàn toàn miễn phí.
Vicky Ngô tốt nghiệp đại học văn bằng kép là toán ứng dụng và tài chính của Đại học AUT ở tuổi 15 và đang theo đuổi tiến sĩ ngành khoa học dữ liệu. Lý do em chọn ngành này?
Vicky Ngô: Khi cấp 3 em học thiên về tự nhiên nên khi lên đại học cũng muốn học Toán cơ bản như chú Ngô Bảo Châu. Em đã liên hệ với chú Ngô Bảo Châu và các giáo sư khác để xin lời khuyên. Khi em định học Toán cơ bản mẹ có hỏi "sau này con sẽ dùng nó vào mục đích gì, con muốn làm giáo sư hay học Toán để ứng dụng?". Sau một tháng học Toán, thấy dễ quá nên em đăng ký thêm một bằng thứ hai là ngành tài chính cho vừa sức hơn. Hiện tại em đang hoàn thành chứng chỉ tài chính CFA.
Còn Alisa Phạm, tại sao em chọn học chuyên ngành Xây dựng thương hiệu và quảng cáo?
Alisa Phạm: Lúc đầu em muốn học luật và trở thành luật sư nhưng nhà trường bảo em còn nhỏ quá, khuyên em học ngành khác cho đến khi đủ tuổi rồi quay lại ngành luật. Trong luật đại cương có rất nhiều vấn đề như giết người, tranh chấp, tình dục... Như em đã chia sẻ lúc đầu là khi đi học, em có một phận giám sát về tâm sinh lý. Sau khi tìm hiểu họ không đồng ý cho trẻ dưới 14 tuổi học luật, nếu học luật sẽ đồng nghĩa với việc phải sửa lại giáo trình của trường. Trong khi giáo trình về luật hình sự thì không thể sửa các yếu tố về giết người, hiếp dâm, cướp của được. Nên trường ra quy định là vẫn cho em học luật nhưng sẽ giữ thư mời cho đến khi em đủ tuổi. Sau đó em đã chọn học truyền thông. Trong lúc chờ đợi học luật, em muốn trở thành một nhà báo viết về kinh tế, có thể phân tích thương hiệu của doanh nghiệp, vấn đề định giá doanh nghiệp... Nhưng mơ ước lớn nhất vẫn là trở thành luật sư.
Vicky Ngô tốt nghiệp đại học ở lứa tuổi 15 và không được cấp thị thực lao động vì chưa đủ tuổi, đứng trước nguy cơ bị rời khỏi New Zealand, em đã lo lắng và làm thế nào?
Vicky Ngô: Vì New Zealand chưa có tiền lệ cấp thị thực làm việc cho trẻ em dưới 15 nên quá trình đấu tranh xin cấp thị thực cho em là rất khó khăn và đi vào ngõ cụt. 3 mẹ con đã trải qua giai đoạn "sống ngày nào biết ngày đó".
Em tốt nghiệp xuất sắc đại học văn bằng kép tại Đại học AUT năm 15 tuổi, được thư mời làm việc từ các tập đoàn lớn của Việt Nam cũng như New Zealand nhưng lại không thể đi làm hợp pháp. Muốn tiếp tục đi học ở Việt Nam cũng không được vì hai nền giáo dục không tương thích. Gia đình em đã liên lạc với khoảng 10 trường đại học ở Việt Nam nhưng họ đều trả lời không có cơ chế cho một đứa bé 15 tuổi đi học thạc sĩ. Phòng nhân sự thuộc một vài tập đoàn lớn ở Việt Nam, vẫn loay hoay vì không thể tìm ra lời giải hợp pháp liên quan đến vấn đề thuế thu nhập, bảo hiểm lao động cho một nhân sự 15 tuổi nếu đồng ý nhận em. Các tập đoàn ở New Zealand cũng gặp khó khăn tương tự. Bế tắc nên em mới lựa chọn ở lại học tiến sĩ như một giải pháp tình thế vì không muốn mẹ phải lựa chọn giữa em và Alisa. Theo luật, ở độ tuổi 11 thì Alisa không thể ở lại New Zealand một mình mà không có người giám hộ.
Cả em và em Alisa đều tha thiết muốn về Việt Nam làm việc, cống hiến. Em cũng rất mong các cơ quan chức năng, các nhà làm chính sách cho biết chúng em có cơ hội để về Việt Nam làm việc ngay bây giờ được không? Luật lao động cho phép không? Đóng thuế như thế nào? Chế độ bảo hiểm ra sao? Vì chỉ 2 năm nữa, Alisa tốt nghiệp đại học, khi đó em đang ở độ tuổi 13 và em ấy không muốn học lên tiến sĩ.
Dự định sắp tới của các em? Nếu về Việt Nam nơi các em muốn đi nhất là nơi nào?
Vicky Ngô: Sắp tới em có dự định về Việt Nam để tham gia một số chương trình thiện nguyện ở miền Nam.
Alisa Phạm: Em sẽ về và tham gia một số chương trình thực tế với mong muốn truyền cảm hứng học tập cho nhiều trẻ em ở Việt Nam.
Vicky Ngô: Em cũng không biết tương lai sẽ thế nào. Hiện tại với áp lực tài chính, mẹ cố gắng duy trì cho tụi em học được ở bên này được năm nào thì tính năm ấy. Alisa thì mẹ cũng cố gắng để em ấy tốt nghiệp đại học vì hiện nay tụi em cũng đang học tự túc, các chi phí rất lớn. Kể cả em học xong tiến sĩ thì em mới 17 tuổi, thì theo luật Việt Nam vẫn chưa đi làm được.
Cảm ơn Vicky Ngô và Alisa Phạm đã chia sẻ và chúc các em ngày càng thành công hơn nữa!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.