Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thưa ông, trong bối cảnh nền kinh tế cả nước gặp khó khăn, với vai trò là người đứng đầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, chịu trách nhiệm về mọi vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, ông đã dẫn dắt, đưa Bắc Giang trở thành một tỉnh dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023. Mấu chốt nào để Bắc Giang đạt được con số tăng trưởng ấn tượng 13,45%/năm?
- Nhìn lại năm 2023, có thể thấy suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và cả nước; khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhiều vấn đề mới phát sinh vượt ngoài dự báo. Trong bối cảnh đó, Bắc Giang cũng không ngoại lệ, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể nói tỉnh Bắc Giang đã có một năm 2023 rất thành công, đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực.
Bắc Giang đã phát triển rất đồng bộ, cả kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Trong phát triển kinh tế, cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng; trong đó công nghiệp ngày càng khẳng định rõ vai trò là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu, cơ cấu lao động. Để được như vậy phải có nền tảng từ nhiều năm trước. Bắc Giang phát triển công nghiệp đi sau nên đã đúc rút được kinh nghiệm từ các địa phương đi trước, nhất là trong định hướng thu hút đầu tư, lựa chọn các nhà đầu tư, dự án đầu tư thân thiện với môi trường, công nghệ cao, đầu tư theo cụm liên kết nên tính ổn định cao hơn. Vì vậy, trong điều kiện khó khăn của năm 2023, trong bối cảnh nhiều đơn hàng cắt giảm nhưng ở Bắc Giang các doanh nghiệp vẫn duy trì phát triển sản xuất, công nhân không phải nghỉ việc, không có đình công. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Năm nay Bắc Giang thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 3 tỷ đô la, cao nhất từ trước đến nay, trong đó trên 50% số vốn là từ các dự án hiện có mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Điều đó cho thấy, Bắc Giang có môi trường tốt, là địa bàn làm ăn tốt nên doanh nghiệp mới mở rộng đầu tư. Tôi cho đây chính là động lực để có được con số tăng trưởng kinh tế 13,45%.
Lĩnh vực nông nghiệp rất khó đạt được mức tăng trưởng cao vì diện tích ngày càng bị thu hẹp để phát triển công nghiệp, đô thị; muốn tăng trưởng chỉ có thể tăng năng suất. Mặc dù vậy năm 2023, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá tốt 2,6%.
Ngoài tăng trưởng kinh tế, điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh cũng rất đáng ngưỡng mộ - xếp thứ 4/63 tỉnh, thành. Bắc Giang đã có cách làm khác biệt thế nào để giữ chân lâu dài các nhà đầu tư lớn và tiếp tục thu hút các nhà đầu tư khác?
- Bắc Giang luôn xác định muốn giữ chân lâu dài các nhà đầu tư hiện có và tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới tiền đề đầu tiên và quan trọng nhất là phải tạo được môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và tỉnh đã làm khá tốt điều này. Các nhà đầu tư đến Bắc Giang được chăm sóc, được quan tâm từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Nhiều nhà đầu tư tại Bắc Giang ghi nhận, đánh giá rất cao các cơ quan chức năng của tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất. Đã có doanh nghiệp chia sẻ với tôi họ rất xúc động khi liên lạc với chủ tịch xã để làm việc, 9h tối lãnh đạo xã vẫn sẵn sàng đón tiếp.
Với các dự án lớn, chúng tôi đều thành lập tổ công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, giám đốc các sở, ngành tham gia và khi có khó khăn vướng mắc gì thì hỗ trợ xử lý ngay. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, lao động, lưu thông hàng hóa, vấn đề tiếp cận vốn, thị trường; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng các KCN, bảo đảm nguồn điện phục vụ sản xuất,… Môi trường pháp lý ngày càng được cải thiện, chính sách đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn.
Cũng giống như vẻ đẹp của người phụ nữ phải đến từ nhiều yếu tố. Để thu hút được các nhà đầu tư, Bắc Giang cũng như vậy, chúng tôi vừa tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo tốt các vấn đề xã hội, cùng với đó là sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền các cấp, tạo cho doanh nghiệp có niềm tin sẽ luôn nhận được sự hỗ trợ tốt nhất khi đầu tư tại tỉnh. Bất kỳ doanh nghiệp nào cần gặp lãnh đạo tỉnh chúng tôi đều sẵn sàng lắng nghe các ý kiến phản ánh, kiến nghị. Tỉnh cũng đã thiết lập hệ thống đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời chỉ đạo giải quyết, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Có thể nói, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá rất cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Bắc Giang. Điều này đã được phản ánh rất rõ thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), khi năm vừa qua tỉnh Bắc Giang vươn lên vị trí thứ 02/63 tỉnh, thành phố.
Có nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ phát triển nông nghiệp chưa tăng cao được là do Bắc Giang đang tập trung cho công nghiệp, dịch vụ mà sao nhãng nông nghiệp? Theo ông thì có câu chuyện như vậy không?
- Tỉnh Bắc Giang luôn định hướng phát triển theo thế "kiềng 3 chân", phát triển đồng bộ cả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ để tạo ra sự phát triển ổn định, cân bằng, vững chắc. Nông nghiệp được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế, có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực khó để tạo được mức tăng trưởng cao do lợi nhuận từ nông nghiệp thấp hơn so với các ngành, lĩnh vực khác. Vừa rồi chúng tôi đánh giá việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều khó khăn, chưa đa dạng. Tuy nhiên, có lẽ ít địa phương nào mà lĩnh vực nông nghiệp có sự quan tâm như ở Bắc Giang. Chúng tôi đã ban hành rất nhiều nghị quyết về cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy nông nghiệp, như: Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, liên kết hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; chính sách hỗ trợ sản xuất giống; chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh...
Tới đây chúng tôi sẽ chỉ đạo tập trung hơn nữa vào nông nghiệp, đặc biệt là tập trung phát triển dịch vụ trong nông nghiệp, kể cả nông nghiệp chế biến, du lịch miệt vườn,... Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh vừa họp bàn thống nhất giao nhiệm vụ trọng tâm cho một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong năm 2024 phải tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, nhất là về vấn đề quy hoạch, đất đai để phát triển bằng được du lịch cộng đồng. Chẳng hạn vùng Lục Ngạn có thế mạnh về cây ăn quả, phải phát triển mạnh về du lịch cộng đồng, du lịch miệt vườn để nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhắc đến Bắc Giang, không thể không nhắc đến "xứ sở" của vải thiều. Là một người con sinh ra, lớn lên và gắn bó với vùng đất vải, chúng tôi cũng được biết ông đặc biệt coi trọng phát triển chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, vải thiều đã được xuất khẩu sang hơn 30 nước và có mặt ở các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ. Bắc Giang còn tham vọng nào lớn hơn nữa cho quả vải thiều không?
- Vải thiều là một trong các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của Bắc Giang, đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu sang hơn 30 nước trên thế giới. Tuy nhiên quả vải thiều vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Tôi mong muốn vải thiều Bắc Giang sẽ còn bay cao, bay xa hơn nữa và đặc biệt là giá trị của quả vải thiều sẽ còn lớn hơn nữa.
Tôi nhớ lúc còn làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp năm 2016, vải chỉ khoảng 10.000-12.000 đồng/kg, lên hỏi bà con, các bác có nghĩ đến vải của mình bán được 40.000 - 50.000 đồng/kg không thì họ bảo chỉ cần bán 10.000 đồng là có lãi rồi. Nhưng vừa qua giá bán bình quân tại vườn đã đạt khoảng 25.000 – 40.000 đồng/kg, giá bán đến tay người tiêu dùng tại Nhật Bản lên đến 400.000 – 500.000 đồng/kg.
Chúng tôi đã và đang tập trung chỉ đạo mở rộng những vùng trồng vải an toàn, sản xuất theo quy trình hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Hiện nay, tổng diện tích trồng vải của tỉnh Bắc Giang gần 30.000 ha, trong đó đã có trên 17.000 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global GAP.
Quan trọng nữa để nâng giá trị quả vài là phải tìm được công nghệ để bảo quản được lâu và chế biến sâu để tạo ra nhiều sản phẩm, không chỉ bán tươi.
Hiện tại xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, sang Nhật phải đi đường hàng không, chất lượng rất tốt nhưng giá thành hơi cao. Nếu có công nghệ bảo quản tốt, vải thiều có thể xuất khẩu với số lượng lớn đi theo đường biển, sẽ giảm đáng kể chi phí và giá thành. Tôi biết công nghệ sấy lạnh của Nhật Bản có thể làm khô quả vải nhưng vẫn giữ nguyên hương vị. Nếu làm được như thế thì để bán quả vài hàng trăm nghìn/kg là hết sức bình thường. Về lâu dài, tôi nghĩ vẫn phải tập trung đẩy mạnh chế biến vải thiều để nâng cao giá trị và đặc biệt là giảm thiểu rủi ro từ các yếu tố thị trường.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mới đây cũng định hướng rõ về việc phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Bắc Giang sẽ xây dựng người nông dân văn minh như thế nào và trong hình dung của Bí thư Tỉnh uỷ thì người nông dân Bắc Giang sẽ thế nào trong 5-10 năm tới?
- Hiện nay khu vực nông thôn và giai cấp nông dân của Bắc Giang đã rất khác. Ở Bắc Giang, nguồn lao động trẻ dồi dào, có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ đều đi làm công nghiệp nhưng vẫn tăng gia sản xuất, thu nhập rất tốt. Đồng ruộng ở Bắc Giang được đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hoá, người nông dân không phải quá vất vả vì đã có máy móc thay cho sức người, nông dân sản xuất ứng dụng công nghệ 4.0. Đấy chính là hình ảnh người nông dân ở thời kỳ hiện đại hoá, công nghiệp hoá.
Mô hình ở Bắc Giang là "ly nông không ly hương", người dân ở đây sáng có xe đưa đến nhà máy tại các khu công nghiệp làm, chiều có xe đón về, vẫn có thời gian chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Vì thế, đời sống ở khu vực nông thôn thay đổi rất nhanh. Trong tương lai, Bắc Giang phát triển đô thị không chỉ tập trung ở các trung tâm mà đưa đô thị về nông thôn, đưa "phố về làng", hình thành những vùng quê đáng sống. Nông dân bây giờ đi làm công nghiệp không cần phải dồn xuống thành phố mà ở các vùng nông thôn chất lượng, cuộc sống vẫn đầy đủ, không khí trong lành. Hiện nay các vùng nông thôn của Bắc Giang có rất nhiều biệt thự, các dịch vụ khác cũng phát triển. Đến vùng nông thôn bắt gặp rất nhiều câu lạc bộ bóng chuyền hơi, nhảy dân vũ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao rất sôi động.
Tôi cho rằng 5 năm nữa, nông thôn của Bắc Giang sẽ còn khác rất nhiều. Khi đời sống được nâng lên thì ý thức, trách nhiệm của người dân cũng sẽ khác. Mọi thứ cần phải có quá trình và sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.
Để làm được điều đó, trước hết phải quy hoạch cho tốt. Quy hoạch ở đô thị khác, nông thôn khác, những vùng nào là đất lúa thì phải giữ, chỗ nào làm công nghiệp, chỗ nào làm đô thị. "Đô thị trong nông thôn" cũng phải khác so với ở thành phố.
Thứ hai là phải có hệ thống hạ tầng giao thông tốt. Giao thông nông thôn trước đây xây dựng mặt đường 3 đến 5m, giờ phải tăng lên 7,5m, vì hiện nay rất nhiều người dân đã có ô tô.
Cả 3 khu vực (công nghiệp và xây dựng, nông lâm nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng) như một thế "kiềng 3 chân" giúp cho Bắc Giang có sự tăng trưởng vững vàng. Ông nghĩ đó là do lợi thế về địa lý hay do yếu tố con người?
- Tôi nghĩ là cả hai. Với đặc điểm địa hình đa dạng (cả đồng bằng, trung du và miền núi) là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang phát triển. Đồng bằng thì phát triển công nghiệp, trung du miền núi hình thành vùng trồng cây ăn quả, vùng núi cao phát triển lâm nghiệp. Hiện nay chúng tôi có 140.000ha rừng và đang yêu cầu 3 huyện phải giữ chặt rừng. Chúng tôi vừa có quy hoạch vùng Sơn Động. Sơn Động sẽ có lợi thế về phát triển, thu hút những người giàu về đó sinh sống. Bây giờ khoảng cách, đường xá không còn là vấn đề nữa. Chúng tôi định hướng khu nào để phát triển công nghiệp thì là khu để kiếm tiền, còn Sơn Động sẽ là nơi để người dân tiêu tiền.
Chúng tôi xác định con người là yếu tố hết sức quan trọng. Phải có được tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, hoạch định được và kiên trì mục tiêu ấy, chứ không có tư duy nhiệm kỳ.
Lợi thế của Bắc Giang là có nhiều khu công nghiệp, có rất nhiều các nhà máy lớn… Phát triển kinh tế nhưng cũng cần phải quan tâm đến môi trường, tôi rất muốn hỏi, ông quan tâm tới vấn đề môi trường như thế nào? Bắc Giang sẽ làm gì để có thể phát triển công nghiệp lâu dài nhưng cũng đảm bảo về môi trường, đảm bảo về tài nguyên?
- Chúng tôi chú trọng việc lựa chọn các nhà đầu tư ngay từ đầu. Trong quy hoạch cũng phải quy hoạch các điều kiện, tiêu chuẩn về môi trường, kể cả về tỷ lệ cây xanh và khu xử lý nước thải, các yếu tố như thu gom rác thải, rác xử lý công nghiệp, quy hoạch các nhà máy đốt rác điện.
Vừa rồi có doanh nghiệp lớn muốn đầu tư 7 triệu đô la nhưng chúng tôi không chấp nhận vì vấn đề liên quan đến nước thải, môi trường không được đảm bảo. Đó là cách chúng tôi lựa chọn, để vừa đảm bảo được vấn đề kinh tế, vấn đề xã hội, vấn đề môi trường, làm sao cho tốt, bền vững. Chúng tôi xác định rằng, không thể thu được 1 đồng đầu tư mà tương lai lại phải bỏ ra 10 đồng để cải thiện môi trường.
Trong định hướng phát triển kinh tế, Bắc Giang định hướng phát triển về du lịch như thế nào? Tôi được biết Bắc Giang có quy hoạch rất nhiều sân golf và hiện đã đi vào hoạt động 2 sân. Vậy Bắc Giang sẽ chú trọng phát triển du lịch golf hay vẫn tập trung phát triển du lịch nông nghiệp như trước đây?
- Về phát triển dịch vụ, Bắc Giang phát triển rất đa dạng, nhiều sản phẩm dịch vụ, trong đó có cả tiềm năng phát triển du lịch công nghiệp. Bắc Giang cũng đang tập trung vào dịch vụ. Chúng tôi cũng có 4 sản phẩm du lịch: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử văn hoá tâm linh và du lịch golf. Chúng tôi quy hoạch 13 sân golf. Những nơi để quy hoạch sân golf là địa hình trung du, không phải rừng, không phải đất lúa mà chủ yếu là đồi cây ăn quả, rất thuận lợi bởi cảnh quan, không gian đẹp. Thứ 2, Bắc Giang có lợi thế về vị trí, là cửa ngõ của thủ đô Hà Nội, từ sân bay Nội Bài về đây mất 1 tiếng. Riêng Bắc Ninh và Bắc Giang có khoảng gần 30.000 chuyên gia nước ngoài, nhu cầu chơi golf của họ rất lớn. Chúng tôi khi tiếp xúc với nhà đầu tư, họ đều hỏi có sân golf không, và khi tôi đưa ra quy hoạch, họ rất quan tâm.
Nếu phân tích về khía cạnh bảo vệ đất đai, đất dành cho sân golf là đất để dành, đất dự trữ vì xây dựng sân golf không cần phải có công trình hiện đại, kiên cố, chỉ là san đồi, trồng cây, trồng cỏ, tạo môi trường cảnh quan. Nếu cần vẫn phát triển công nghiệp, phát triển đô thị được. Mà đặc biệt nay mai xu hướng người dân sẽ về những vùng cao thì đấy chính là đất để xây dựng đô thị.
Còn về mặt kinh tế, một sân golf 100ha, 18 lỗ, một năm có thể nộp thuế được 50 tỷ đồng, giải quyết được 500 lao động. Trong khi đó nếu tính về mặt nông nghiệp, bằng đấy đất chỉ là vài quả đồi trồng cây ăn quả, mấy chục hộ gia đình ở đó thì thu về không được bao nhiêu.
Về môi trường, sân golf không gây ra vấn đề trầm trọng về môi trường. Nếu gây ô nhiễm môi trường thì tại sao châu Âu họ xây dựng nhiều sân golf thế. Ngay ở quanh thủ đô của Thái Lan đã xây dựng gần 200 sân golf, quanh Tokyo của Nhật xây dựng 256 sân golf. Trong khi cả nước mình mới có 48 sân golf. Tôi đã thuyết phục và muốn xây dựng Bắc Giang trở thành "thủ phủ sân golf".
Bên cạnh những nỗ lực đạt được, có những chỉ tiêu nào mà Bắc Giang đặt ra nhưng chưa hoàn thành trong năm vừa qua, còn điều gì mà ông chưa hài lòng, còn trăn trở?
- Trăn trở thì cũng còn nhiều. Thực chất trong thành quả đấy còn nhiều thứ chưa bằng lòng. Chúng tôi luôn luôn phải giải quyết các mâu thuẫn, hết cái này xong lại cái khác để cho quá trình phát triển.
Điều chưa hài lòng vẫn là vấn đề thể chế, cơ chế chính sách. Đâu đó vẫn còn những cán bộ vẫn sợ trách nhiệm, vẫn đùn đẩy, né tránh, sợ sai. Trong thực tiễn vẫn còn những việc mà nếu dám làm, dám quyết liệt hơn thì Bắc Giang không chỉ dừng ở đó mà dư địa của Bắc Giang vẫn còn nhiều, còn có thể phát triển tốt hơn nữa.
Với vai trò của người đứng đầu một tỉnh, cá nhân ông, ông muốn người dân cả nước biết đến Bắc Giang qua những hình ảnh như thế nào trong 10-20 năm tới. Người ta sẽ biết tới Bắc Giang là thủ phủ golf, hay là khu công nghiệp, hay là cây vải?
- Vừa qua trong một kỳ họp của tỉnh, chúng tôi cũng có nói đến định hình của Bắc Giang đến năm 2030, năm 2040, năm 2050 hình ảnh như thế nào? Tôi tin rằng, duy trì được nhịp độ phát triển như hiện nay thì đến 2030 hình ảnh của tỉnh Bắc Giang sẽ rất khác. Trước hết về quy mô nền kinh tế sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Hiện nay quy mô kinh tế của tỉnh khoảng 7,6 tỷ đô la, chúng tôi đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng này và đến năm 2028 quy mô kinh tế sẽ là 15 tỷ đô la. Trước đây, Bắc Giang là tỉnh không được nhiều người biết đến, nhưng trong 5-7 năm qua đã có bước phát triển đột phá, nhiều chỉ tiêu đã vươn lên top 10 của cả nước.
Chúng tôi cũng mong muốn xây dựng, phát triển tỉnh Bắc Giang theo tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, trở thành cực tăng trưởng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, là khu vực kinh tế trọng điểm. Bắc Giang sẽ phát triển hài hoà không chỉ có công nghiệp, mà còn phát triển cả nông nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là phát triển dịch vụ. Bắc Giang không chỉ là nơi kiếm tiền mà còn là nơi tiêu tiền, là nơi đáng sống.
Bắc Giang sẽ làm thế nào để giữ vững vị trí tăng trưởng kinh tế đứng đầu như hiện nay. Những tiềm năng nào của Bắc Giang còn chưa được khai thác?
- Đây là áp lực chúng tôi phải duy trì, làm sao để Bắc Giang giữ vững được các chỉ số, các vị thế, không để trồi sụt. Hiện nay có 10 khu công nghiệp đang làm hồ sơ để trình Thủ tướng để phê duyệt. Ngoài ra quỹ để phát triển khu công nghiệp ở Bắc Giang vẫn còn và vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư. Ngay trong năm 2024, chúng tôi khẳng định sẽ tăng trưởng trên 10% bởi vì một số "ông lớn" ngành công nghiệp đã đi vào sản xuất. Việt Nam là một trong những địa bàn mà các nhà đầu tư quan tâm. Bắc Giang cũng là một địa chỉ mà các nhà đầu tư hỏi rất nhiều.
Dư địa của Bắc Giang còn rất nhiều như đất đai, lao động, nhân lực... Bắc Giang đang có "dân số vàng", có 2 triệu dân nhưng 1,1 triệu dân ở trong độ tuổi lao động và xuất khẩu lao động cũng rất nhiều.
Tại sao Bắc Giang phát triển được? Quan trọng nhất là toàn bộ hệ thống từ tỉnh đến cấp cơ sở đều chuyển động. Cái mới của chúng tôi năm 2024 là tập trung phát triển 3 An trong nghị quyết của tỉnh uỷ, đó là An ninh, Anh sinh, An toàn. Đó là vấn đề đảm bảo vấn đề an ninh trật tự, làm tốt an sinh xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau, ai cũng được hưởng thành quả của sự phát triển. Còn an toàn là vấn để tổng thể cả về an sinh và an ninh. An toàn là môi trường sống an toàn, an toàn về vệ sinh an toàn thực phẩm, về dịch bệnh. Đó chính là chỉ số bao trùm và thể hiện người dân là trung tâm, người dân là chủ thể, còn tất cả phục vụ nhân dân.
Một người làm chính trị, một vị trí là người đứng đầu chịu trách nhiệm, chắc chắn sẽ rất bận rộn. Nhưng tôi muốn hỏi cách để ông cân bằng cuộc sống như thế nào? Ông dành thời gian thế nào cho gia đình, bạn bè người thân và các sở thích cá nhân?
- Việc cân bằng rất khó. Tôi có 2 nguyên lý hết sức cơ bản là về nhà quên việc ngoài đường, mà ngoài đường thì quên việc ở nhà. Tôi thống nhất với vợ là không mang công việc về nhà, dành thời gian cho vợ con, nhặt rau, quét nhà, làm các công việc bình thường.
Tôi cũng hay chơi thể thao. Dù bận rộn nhưng sẽ cố gắng dành thời gian khoảng nửa tiếng cuối giờ chiều đánh cầu lông, giảm stress.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.