Không xử Aqua One của Share Liên vì ngâm dự án, thiếu nước sạch như KĐT Thanh Hà còn tiếp diễn
Không xử chủ đầu tư "ôm và ngâm" dự án, tình trạng thiếu nước sạch như KĐT Thanh Hà chỉ mới bắt đầu
Vũ Khoa
Thứ bảy, ngày 21/10/2023 08:34 AM (GMT+7)
Câu chuyện người dân KĐT Thanh Hà thiếu nước chỉ là sự khởi đầu cho tình trạng thiếu nước trầm trọng, khi mà hệ thống cấp nước sạch đang quá tải. Nếu tình trạng doanh nghiệp như Công ty CP nước Aqua One của Shark Liên ôm dự án rồi ngâm mãi không triển khai thì việc thiếu nước không thể giải quyết bằng mệnh lệnh hành chính.
Hệ thống cấp nước sạch quá tải, KĐT Thanh Hà thiếu nước là không tránh khỏi
Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại KĐT Thanh Hà, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội khiến hàng nghìn người dân sinh sống tại đây bức xúc. Rất nhiều cuộc họp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cấp nước đã diễn ra, nhưng đến nay nước sinh hoạt cho KĐT này vẫn chưa được cấp ổn định lại.
Với tình trạng thiếu ổn định trong cấp nước cho KĐT Thanh Hà, tại văn bản 8311/SXD-HT ngày 16/10, Sở Xây dựng Sở xây dựng đề nghị Nước sạch Hà Đông phối với hợp với Công ty CP Nước mặt Sông Đuống, Công ty Nước sạch Sông Đà, Cienco5, Nước sạch Thanh Hà và Nước sạch Nam Hà Nội điều tiết nguồn cấp ổn định cho KĐT Thanh Hà sản lượng 2.000 m3/ngày đêm.
Chia sẻ với PV Dân Việt về đề nghị này, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông Lại Văn Thịnh cho biết, "Sở Xây dựng với trách nhiệm quản lý nhà nước về chuyên ngành. Nói cấp 2.000m3, nhưng có dễ đâu. Đấy là đề xuất cua thành phố, có hay không có lại là chuyện khác. May ra dùng xe téc, nhưng như vậy phải chở hàng trăm xe téc. Với điều kiện giao thông Hà Nội là không thể. Không chỉ thế, hiện iệc cấp nước từ nhà máy Sông Đuống đến nay đã quá tải, nhà máy có công suất 180.000m3 ngày đêm nhưng hiện tại đã bơm 200.000m3/ngày đêm. Rõ ràng, nguyên nhân của những khó khăn này có nguyên do bởi thiếu từ nguồn cấp nước".
Theo Chủ tịch Công ty nước sạch Hà Đông, nguồn cấp nước nói riêng với Nước sạch Hà Đông đang thiếu trầm trọng. Ngay địa bàn Mỗ Lao, Văn Quán, Học viện Mật mã, C500 đều đang thiếu nước dẫn đến việc điều tiết gặp phải những rào cản lớn khi "đắp" chỗ này lại thiếu nơi khác.
"Theo thoả thuận hiện tại giữa các doanh nghiệp, Nước sạch sông Đà đã cấp thiếu 15.000m3, Sông Đuống thiếu 7.000m3. Do đó, về lâu dài vấn đề tăng trưởng cơ học sẽ khiến việc cung cấp nước sạch gặp nhiều bất lợi nếu không giải quyết được tình trạng thiếu nước ngay từ nhà máy mà sự việc diễn ra tại KĐT Thành Hà là một ví dụ điển hình", ông Thịnh nhấn mạnh.
Còn tình trạng chủ đầu tư ôm dự án nước sạch rồi "rút lui"
Theo báo cáo về về kết quả giám sát tình hình cung cấp nước sạch của Ban Đô thị - HĐND TP. Hà Nội, riêng trên địa bàn huyện Thanh Oai có 80% hộ dân được tiếp cận nguồn nước sạch, với khoảng 51.144 hộ dân. Nhưng trên thực tế, việc hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch còn gặp khó khăn do các chủ đầu tư triển khai chậm hoặc "rút lui" khiến nguồn nước điều tiết trở nên thiếu trầm trọng.
Ví dụ như Nhà máy nước Xuân Mai tại Hòa Bình, công suất 200.000m2/ngày đêm, nhà đầu tư là Công ty CP nước Aqua One, tiến độ hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên đến nay vẫn đang thực hiện giải phóng mặt bằng và công tác chuẩn bị đầu tư để tập trung hoàn thành xây dựng nhà máy. Công suất giai đoạn 1 là 100.000m3/ngày đêm để bổ sung nguồn nước cho khu vực Hà Đông, Thanh Oai.
Nguyên nhân chậm được Ban Đô thị thành phố chỉ ra là do các sở ngành còn thiếu quyết liệt trong thanh tra, kiểm tra và đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án. Bên cạnh đó, năng lực chủ đầu tư còn hạn chế.
Trong nhóm dự án Chủ đầu tư không thực hiện dự án, doanh nghiệp của bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) cũng góp mặt với Dự án đầu tư phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho một số khu vực ngoại thành. Trong đó có 17 xã thuộc huyện Thanh Oai do Công ty CP nước Aqua One và Công ty nước mặt sông Đuống là Chủ đầu tư.
Tìm hiểu của PV cho thấy, do Công ty CP nước sạch Aqua One và Công ty nước mặt sông Đuống không thực hiện dự án nên thành phố buộc phải thu hồi và giao nhà đầu tư khác.
Đáng nói, ban đầu tiến độ dự án dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng do nhóm doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Shark Liên không triển khai, nên đến nay dự án mới chỉ hoàn thành công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở.
Được biết, Hồ sơ dự án hiện mới được trình thẩm định tại Cục hạ tầng Bộ Xây dựng, đến giữa năm 2023, các đơn vị vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục để triển khai thực hiện đầu tư. Nhằm phục hồi dự án phục vụ người dân, thành phố đã giao Công ty nước sạch Hà Nội, Công ty CP Viwaco và Công ty cấp nước Hà Nam đang triển khai mở rộng tại các xã còn lại.
Ban Đô thị thành phố khẳng định, qua báo cáo của các đơn vị và giám sát cho thấy về cơ bản các dự án trên không có vướng mắc lớn. Nguyên nhân chậm triển khai chủ yếu là do các chủ đầu tư thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ, kế hoạch được phê duyệt.
Một số Chủ đầu tư hạn chế về năng lực tài chính, vốn, công nghệ. Mặc dù thành phố đã có cơ chế tạo điều kiện để các chủ đầu tư được vay vốn từ Quỹ đầu tư, song việc tiếp cận nguồn vốn còn gặp khó khăn do doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để được vay vốn". Mặt khác, công tác phối hợp giữa Chủ đầu tư với chính quyền cơ sở của một số dự án còn chưa tốt, chưa kịp thời.
"Một số dự án chậm là do Chủ đầu tư tính toán đến hiệu quả dự án nên chưa quyết liệt thực hiện. Đồng thời còn chờ tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư phát triển nguồn nước tập trung", Trưởng Ban Đô thị thành phố Đàm Văn Huân nhấn mạnh.
Còn nhiều khúc mắc về giá?
Mặc dù liên quan nhiều đến các dự án chậm tiến độ, "rút lui" khỏi Dự án đầu tư phát triển mạng lưới phân phối nước sạch như đã nêu trên, nhưng trong các kiến nghị với UBND thành phố, Sông Đuống vẫn nêu nhiều kiến nghị liên quan đến công tác cấp nước sạch tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố và các doanh nghiệp liên quan.
Một số nội dung có thể kể đến như, đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư cấp nước theo Quyết định số 3846/QĐ-UBND ngày 24/6/2017.
Mặt khác, Sông Đuống cũng đề nghị thành phố có văn bản chỉ đạo Công ty CP VIWACO, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông thực hiện thanh toán giá nước theo đúng Quyết định số 3342/QĐ-UBND ngày 14/9/2022 và Quyết định số 3541/QĐ-UBND ngày 7/7/2023 của UBND thành phố.
Đồng thời đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn SDWTP thực hiện thanh toán phần chênh lệch giữa mức tạm thanh toán (mức 5.069,76 đồng/m2) và giá chính thức được duyệt tại Quyết định 3342/QĐ-UBND đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đù cho đơn vị.
Hướng dẫn, tạo điều kiện để các đơn vị cấp nước bán lẻ (HAWACOM, Nước sạch số 2, VIWACO) sớm được triển khai thực hiện việc đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước cho khu vực huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Thường Tín, Thanh Oai và tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Chỉ đạo các đơn vị lưu thông, điều tiết, vận hành tiếp nhận nước theo đúng vùng phục vụ cấp nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống, đặc biệt như khu vực Đông Anh, Sóc Sơn, Long Biên.
Giám sát và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện cấp nước, giảm ngầm các nhà máy nước ngầm theo đúng Quy hoạch cấp nước Thủ đô đã được phê duyệt nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các đơn vị cấp nước, đảm bảo an ninh, an toàn cấp nước cho khu vực Thủ đô.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.