Kỳ 2: Người “bố” của “vua đạo chích” - Ảnh 1.

Thượng tá Đào Đức Thực đã nghỉ hưu mấy năm rồi.

Thời gian của anh bây giờ chủ yếu là dành cho việc đi tìm mộ cha – một liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Ngoài ra, là để vui vầy cùng con cháu, bạn bè. 60 tuổi, trông anh vẫn chắc nịch, nhanh nhẹn như một võ sỹ.

Anh Thực nói với tôi:

- Anh bảo, thằng Công ít học, nhưng trường đời dạy cho nó nhiều. 39 tuổi, thời gian ở tù gần bằng thời gian tại ngoại. Nó tuy mới học hết lớp 5, nhưng là đứa thông minh, có tư chất. Hình như ở nó hội tụ đủ sự hào hoa, mã thượng, không ăn trộm của nhà nghèo khó. Lấy được tiền của mang đi ăn tiêu, chiêu đãi bạn bè hết cả, có để được đồng nào đâu.

Kỳ 2: Người “bố” của “vua đạo chích” - Ảnh 2.

Từ đâu mà Công gọi anh là bố và coi anh như bố? 

- Tôi thì chỉ nghĩ, Công nó cũng là con người. Nó có tội, pháp luật trừng trị nó. Công chỉ là đối tượng, không là kẻ thù của chúng tôi. Với tất cả tội phạm, anh em chúng tôi đều có cái nhìn như thế. Là cán bộ điều tra, tham gia phá những vụ án do Công gây ra, khi tiếp xúc với Công, tôi cũng thẳng thắn nói những nhận xét, những ấn tượng tốt của mình với nó. Để làm gì ư? Để đánh thức cái thiên lương trong người nó. Nhờ thế, Công rất hợp tác, công việc của chúng tôi cũng thuận lợi hơn nhiều.

Nhưng cũng phải còn những gì nữa chứ? Tại sao nó không gọi người khác là bố, mà chỉ là anh? Người bắt nó, điều tra nó trong những vụ án lớn?

- Tôi đã nói rồi. Tôi sống với nó bằng cái tình của con người với con người. Nguyên tắc là thế. Chính từ nguyên tắc này, tôi cảm hóa được nó. "Voi dữ thì có nài hay". Kể thêm anh nghe, hồi ấy, nó có con bé người yêu, là hàng xóm. Cứ mỗi lần thằng này "nhập kho" là y như rằng con bé có mặt. Nó vật nài để được gặp, được gửi quà cho Công, chí ít cũng nhận được thư từ, những lời nhắn gửi tâm sự của Công. Tôi, một cán bộ chấp pháp. Những gì không thuộc phạm vi vụ án, tôi đều giúp hai đứa: Đưa thư, gửi quà, nhắn nhe qua lại về sự nhớ nhung của chúng nó, lời khuyên nhủ, van lơn của con bé đến với Công trong việc hoàn lương…

Khám nhà, thu hồi tang vật, cái gì không thuộc phạm vi vụ án, tôi đều cho gửi lại để con bé cầm về, cất giữ cho Công… Và rất tự nhiên, nó gọi tôi là bố, xưng con tự bao giờ cũng chẳng rõ. Mười mấy năm rồi, tình cảm bố con ngày càng bền chặt. Tôi cũng như nó, đều mất bố. Tôi mất bố từ nhỏ, vì chiến tranh. Bố nó mất năm 2010, khi nó vẫn ở trong tù. Hình như chúng tôi "đồng điệu".

Kỳ 2: Người “bố” của “vua đạo chích” - Ảnh 3.

Kỳ 2: Người “bố” của “vua đạo chích” - Ảnh 4.

Công này, nghe bảo hồi lấy trộm cặp ngà voi của cụ Tố Hữu, khi bị bắt giam, em có mấy bài lục bát vui lắm à?

- Em thì biết thơ phú là gì hả anh? Cái thằng học lớp 5 như em thì thơ phú gì? Chẳng qua, ngồi trong nhà giam nó buồn. Nghĩ, cụ Tố Hữu là nhà thơ lớn của đất nước, mình cũng bắt chước, làm mấy dòng nghịch thôi. Hồi ấy, có một tờ báo nào đó, biết chuyện, đem đăng lên, thế thôi.

Em cũng không nhớ hết, đọc đại loại anh nghe thôi nhé:

Kỳ 2: Người “bố” của “vua đạo chích” - Ảnh 5.

KHÔNG ĐỀ

Cụ xưa nổi tiếng nhờ thơ

Tôi nay nổi tiếng là nhờ ngà voi

Ngà voi Cụ để khách coi

Tôi đây mượn tạm, Cụ nhờ đòi ngay

Đòi được bởi số Cụ may

Còn tôi bóc lịch tính ngày xa quê

Tù lâu còn có ngày về

Ngà còn để thế lại bê ra đường

Lần này tù bởi coi thường

Lần sau cẩn thận xóa đường vân tay

Được ngà đắt rẻ bán ngay

Điều tra hỏi đến chối ngay thì huề…

Nó là thế. Em cũng không biết lúc ấy Cụ Tố Hữu đang năm viện 108 và chuẩn bị "đi xa" mãi mãi.

Ngoài việc làm đạo chích, em còn làm việc gì nữa?

- Em đi ăn trộm, nhiều khi cũng chỉ vì sự "thích". Thích thì đi trộm; nổi máu "yêng hùng" lên thì trộm. Thấy chỗ nào càng khó vào lại cố quyết vào cho được. Anh phải biết, những năm 90, em đi buôn điện thoại từ Trung Quốc vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Mỗi chiếc, em lãi hàng chỉ vàng. Rồi buôn quần áo, đưa đón các đoàn thăm quan của ngành Giáo dục sang Trung Quốc. Hồi ấy, em yêu một cô làm trong ngành cung cấp thiết bị trường học, có mối nào, cô ấy lại giới thiệu cho em. Em làm ra nhiều tiền lắm. Cứ mỗi lần "trúng quả" em có thể bao trọn cả một nhà hàng, quán Karaoke để chiêu đãi bạn bè thâu đêm suốt sáng. Lúc nào hết tiền mới lại đi "làm".

Kỳ 2: Người “bố” của “vua đạo chích” - Ảnh 6.

Em có nói thật với cô ấy về nghề trộm của mình không?

- Không anh ạ! Chỉ nói là mình buôn bán đồ "Tàu" thôi!

Nghe bảo em có một mối tình rất đẹp ở quê nhà, giờ cô ấy thế nào rồi?

- Chuyện lâu rồi mà anh? Nhà cô ấy cũng ở gần đây thôi, giờ thì chồng con yên ấm rồi. Mà anh đừng nói tên cô ấy ra nhé. Để cho người ta yên thôi anh ạ. Lâu lắm rồi, em không gặp cô ấy nữa.

Kỳ 2: Người “bố” của “vua đạo chích” - Ảnh 7.

12 năm lừng lẫy với những "thành tích" bất hảo, trộm đạo, ăn chơi ở đất Hà thành, 3 lần vào tù ra tội, hoàn lương ở tuổi gần 40, Nguyễn Tiến Công rốt cuộc vẫn là người trắng tay. Tay trắng cả tình lẫn tiền, với một ước mơ rất giản dị. Nhưng với Công, mơ ước đấy vẫn là quá xa vời. Dù trước mắt vẫn là muôn vàn gian truân, "vua đạo chích" vẫn muốn tự mình giữ lại ngôi nhà cuối cùng trên mảnh đất của cha ông.

Nhìn căn nhà được xây kiên cố, nhưng trống trước trống sau của Công, tôi hỏi:

Như em nói, em chả có nghề ngỗng gì, ruộng vườn không có thì làm gì để sống mà giữ đất của ông cha?

- Em cũng chưa biết thế nào đây. Hiện tại, bạn bè yêu quý, chúng nó gọi em theo phụ giúp làm nghề nhôm kính, lợp nhà, xây dựng… Nói chung là có việc gì, chúng nó đều gọi em đi phụ việc. Nếu có việc đều, mỗi ngày cũng được vài trăm ngàn đồng, đủ sống tạm. Nhưng về lâu dài thì còn mông lung lắm.

Về lâu dài…?

- Em ước có vốn, sẽ mở một quán ăn. Em khéo tay và có năng khiếu về ẩm thực. Nhưng lấy đâu ra vốn mà làm hả anh?

Còn chuyện vợ con thì em tính sao? Có người yêu chưa?

- Chưa gì cả anh ạ! Anh tính, ở tuổi em, gần 40 rồi, yêu ai ở cái làng này bây giờ. Đàn bà ai cũng đã yên bề gia thất, bà nội, bà ngoại đến nơi hết cả. Còn ai chết chồng, bỏ chồng thì còn con cái của họ. Nếu lấy họ về, chả lẽ lại không lo cho con cái họ ư? Nuôi ăn, nuôi học, dựng vợ, gả chồng cho chúng nó… Mà em thì lấy gì để lo! Đời em, bé không nghe lời cha mẹ, lớn thì ăn chơi đua đòi, giờ ở tuổi này, quá khó để bắt đầu một việc gì cho nên cơm nên cháo.

Kỳ 2: Người “bố” của “vua đạo chích” - Ảnh 8.

Ngõ vào nhà của "vua đạo chích" một thời – Nguyễn Tiến Công, có một giàn hoa giấy màu đỏ rất đẹp. Nó càng rực rỡ vào những ngày hè đầy nắng như thế này.

Hoa giấy là loài hoa rất đặc biệt. Nó không cần tưới tắm nhiều, ít cần chăm sóc. Thời tiết càng nắng nóng, càng khắc nghiệt, nó càng chịu khó ra hoa và hoa của nó càng đẹp, càng lộng lẫy.

14 năm tự quăng mình ra khỏi gia đình, lao vào cuộc đời đầy bất trắc (trong đó có 12  năm làm đạo chích); hơn 15 năm tù tội với quá nhiều thành tích bất hảo, với danh xưng "vua đạo chích", Nguyễn Tiến Công đang trên con đường phục thiện  với đầy rẫy chông gai trước mặt. Nhưng tôi tin, em sẽ vượt qua, khi đã nếm đủ mùi cay đắng. Tin rồi cuộc đời Công sẽ nở hoa, sẽ có một mái ấm cho riêng mình. Tin rồi em có một sự nghiệp, giản dị thôi, như những phận đời giản dị khác.

Với Thượng tá Đào Đức Thực và những đồng nghiệp của anh – những quý nhân của Nguyễn Tiến Công, chúng tôi mong anh và gia đình sẽ tìm được hài cốt của thân phụ anh – một liệt sỹ đã hy sinh cho ngày thống nhất đất nước.

Kỳ 2: Người “bố” của “vua đạo chích” - Ảnh 9.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem