Tự truyện Lê Trung Tuấn - "Nẻo về" (NXB Công an Nhân dân, Đỗ Doãn Hoàng hiệu chỉnh) của ông được in nhiều chục vạn bản, được dịch ra tiếng Anh, có mặt ở nhiều quốc gia. Ông đoạt nhiều giải thưởng, được vinh danh và trở thành một tấm gương trong cuộc chiến chống ma túy ở Việt Nam.

Lập Viện nghiên cứu, mở Bảo tàng Ma túy sau 2.000 ngày “nghiện oặt” (Kỳ 1) - Ảnh 1.

Tôi trộm nghĩ, nếu không có những năm tháng lầm lạc với ma tuý, chắc gì Việt Nam đã có một "võ sỹ giác đấu" khổng lồ chống lại sự tàn phá của ma tuý như Tiến sỹ Danh dự Lê Trung Tuấn như bây giờ?

Lập Viện nghiên cứu, mở Bảo tàng Ma túy sau 2.000 ngày “nghiện oặt” (Kỳ 1) - Ảnh 2.

- Tôi ngẫm nhiều rồi đành phải nghĩ tích cực thôi. Mỗi chặng đường đi qua là mỗi một sự khó khăn chẳng hề giống nhau. Tôi nghĩ đó là những cái mà ông trời hay cuộc đời cùng thử thách lòng mình để mình được tôi luyện nhiều và có dũng khí hơn. Mỗi người có một số phận, một sự trải nghiệm và cả cái nhân quả khác nhau. Nếu như ngày ấy tôi không trải qua các thảm kịch đến tận cùng như vậy thì có thể cũng sẽ không có Lê Trung Tuấn ngày hôm nay. Mà có thể tôi đang là một công chức "sáng xách ô đi tối xách về" chẳng hạn.

Sau này khi mà giúp đỡ những người nghiện ma túy thì tôi luôn đặt tình huống cụ thể: Nếu tôi là họ trong những tháng ngày nghiện oặt như vậy thì tôi sẽ nghĩ và hành động ra sao, sẽ "cần" gì để có thể quay đầu lại bờ. Hiểu được họ bằng cái hiểu của "người trong chăn", nên khi thành lập những trung tâm cai nghiện hay thành lập Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy – PSD, chúng tôi đã làm được những điều mà nói là "kì diệu" thì hơi quá; nhưng đúng rất có sức truyền cảm hứng.

Trong lỗi lầm lớn lao như vậy của quá khứ (đủ để viết thành cả một cuốn sách "Nẻo về"), giờ ngẫm lại, hành động nào đã làm ông ân hận nhất?

- Đó là hình ảnh mà tôi chia tay người vợ đầu tiên, sau đó mẹ tôi gào lên, tuyệt vọng, cố gắng lao ra để giữ con dâu lại cho… con trai của mình. Bà yêu đứa con trai duy nhất của bà, cũng lại yêu cả con dâu và bà là người đàn bà truyền thống, nghĩ đến ly hôn là bà thực sự hoảng hốt. Bà lao theo, rồi bà trượt chân ngã sõng soài nằm đó. Bà rất đau đớn về cả thể xác và tinh thần. Tôi là niềm hy vọng suốt đời của bà…

Có thể hình ảnh ấy là giọt nước tràn li của bi kịch thảm sầu, để đẩy lên đến tột cùng nỗi đau trong tôi và gia đình. Đó cũng là hôm tôi quyết định tự tử với hy vọng cái chết sẽ giúp tôi và người thân… chia tay được các thảm kịch của ma túy.

Khi chết lâm sàng, mấy lần chết lâm sàng, tỉnh dậy tôi biết là số phận đã ban cho mình một cuộc sống khác. Và mình phải sống và hành động suốt phần đời còn lại, để trả nợ - chuộc lỗi với cuộc đời.

Những hình ảnh đó nó vẫn là một nỗi đau cho đến bây giờ.

Lập Viện nghiên cứu, mở Bảo tàng Ma túy sau 2.000 ngày “nghiện oặt” (Kỳ 1) - Ảnh 3.

 Đâu là nguyên do ông để ma tuý ập vào cuộc đời mình? Thích chơi trội, con nhà giàu, sống hưởng thụ không quan tâm đến ngày mai hay một môi trường quá dễ dàng để ma tuý tấn công những người trẻ chưa có kiến thức và sức đề kháng?

- Những gì mà bạn vừa nói là một sự tổng hợp tất cả các lý do để tôi trở thành người nghiện ma túy. Tất cả những nghịch lý hay thuận lý - tất cả những cái tưởng rằng là vô lý nhất đều có thể tìm thấy ở ma tuý và người nghiện. Bấy giờ, yếu tố quan trọng để tôi trượt ngã, là do… tuổi mới lớn.

Đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên trọ xa nhà; do tâm lý lứa tuổi mới lớn cũng thích thể hiện. Lại thêm bấy giờ, môi trường sống cũng quá dễ dãi và đầy hiểm hoạ, nên việc tiếp cận ma túy không hề có một hàng rào phòng ngự nào cho chúng tôi.

Chính vì vậy chỉ trong một đêm đẹp trời khi tổ chức sinh nhật bạn xong rồi và vừa karaoke chúng tôi vừa sử dụng ma túy. Một cách thản nhiên, vô tư. Khi đó, tôi nghĩ rằng nó bình thường như hút thuốc lá, thuốc lào. Vì tôi không hề được trang bị tí kiến thức nào về thế giới nguy hiểm ấy.

Lập Viện nghiên cứu, mở Bảo tàng Ma túy sau 2.000 ngày “nghiện oặt” (Kỳ 1) - Ảnh 4.

Chính vì vậy, trong những nhóm chúng tôi sử dụng ma túy hồi ấy, đến bây giờ đã có gần 200 người chết bởi ma túy. Tôi cũng đã dự gần 200 cái đám tang như vậy rồi. Lứa tuổi của tôi ngày ấy chết rất nhiều, đặc biệt là các bạn ở các tỉnh miền núi.

Một điều đặc biệt nữa, tôi nghiên cứu kĩ thì thấy: Tất cả người nghiện đều giống nhau ở một điểm. Ngay từ lần đầu tiên, họ đều sử dụng ma túy với nhóm bạn, không có người nào sử dụng ma túy lần đầu tiên một mình hết. Tất cả đều xuất phát từ tâm lý "bầy đàn", từ những cuộc chơi, cuộc picnic, đi hát karaoke, quán bar, vũ trường, sinh nhật bạn...

Vả lại, tôi nghĩ rằng: Ma túy đã "song hành" cùng loài người từ xa xưa. Chúng ta cố gắng để tiêu diệt, xóa bỏ nó khỏi đời sống này có lẽ là không dễ dàng gì. Nó như một loại virus. Không xoá sổ được nó, song chúng ta có thể giảm trừ nó ở mức tối đa bằng cách tuyên truyền giáo dục để thế hệ trẻ có đề kháng để phòng và chống.

Tôi ngẫm ra từ tôi ngày ấy, nếu như được học bài bản rằng ma túy là một con quái vật thì tôi phải tránh xa nó. Đằng này, vì không có kiến thức nên tôi đã làm bạn rồi làm nô lệ của nó. Bây giờ, sau 20 năm, tôi đã khắc phục điều này cho thế hệ trẻ, bằng cách xây bộ sách học phòng chống ma túy kĩ càng và bài bản, giúp các thế hệ học sinh từ THCS, THPT đến cả các đến giáo viên, phụ huynh… - giúp họ trang bị đầy đủ "vũ khí hạng nặng" trong mặt trận phòng ngừa ma túy.

Chúng tôi phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Giáo dục - Đào tạo trong việc thực hiện bộ sách này.

Lập Viện nghiên cứu, mở Bảo tàng Ma túy sau 2.000 ngày “nghiện oặt” (Kỳ 1) - Ảnh 5.

 Giờ đây, khi đã là một diễn giả nổi tiếng về chủ đề phòng chống ma túy, vậy khi ông "moi đời mình ra làm gương cảnh báo", câu chuyện nào trong quá khứ lầm lạc của mình làm ông trăn trở, ân hận nhất?

Lập Viện nghiên cứu, mở Bảo tàng Ma túy sau 2.000 ngày “nghiện oặt” (Kỳ 1) - Ảnh 6.

- Tôi nghĩ rằng sự lầm lạc nào cũng là đau khổ, cái nào cũng là sự không nên để nó… tái diễn. Bởi ma túy đã biến tôi thành "ác quỷ" ở mọi nhẽ. Từ việc đi ăn cắp một con gà, vài củ khoai, cái chậu cây cảnh đến việc đi trấn lột một cái xe đạp của người già, cướp sợi dây chuyền của cháu bé ngay ở cổng trường... Đó là những hành vi đó đều không phải của con người. Suốt 20 năm qua, dù đã hoàn lương rồi, nhưng nghĩ đến những chuyện ấy, tôi vẫn thấy nhục nhã, xấu hổ.

Nếu bây giờ thời gian quay trở lại, tôi vẫn sẽ chọn cuộc chiến chống ma túy nhưng tôi sẽ đứng ở một vị trí khác. Bởi, như người ta nói, để hiểu miếng bít tết thì không nhất thiết phải nhảy vào chảo mỡ sôi. Đâu có nhất thiết tôi phải nghiện ma túy thì mới hiểu và hành động như bây giờ được.

Ông nói nhiều năm qua ông "dâng hiến" cuộc đời mình cho cuộc chiến chống ma tuý. Nhưng tôi lại nghe nhiều người bình luận: Đó là sự dũng cảm nhưng có gì đó điên rồ vô nghĩa – cũng giống như chàng kỵ sỹ Đông-ki-sốt đánh cối xay gió mà thôi...

- Càng đi sâu vào công việc tôi mới càng nhận thấy rằng cuộc chiến chống ma túy là một "cuộc chiến cô đơn". Kể cả tôi, kể cả các bạn ở Viện Nghiên cứu tâm lý người nghiện - PSD cũng vậy, chúng tôi đều "cô đơn", cô đơn trong cộng đồng, cô đơn trong hành động...

Nhiều bạn làm ở Viện Nghiên cứu tâm lý người nghiện, kể cả là chuyên gia điều trị cho người nghiện ma tuý, họ vẫn bị kì thị. Tất cả những mảnh đời đến đây đều mang vác gồng gánh trên người, trên khuôn mặt của họ những hình thái đau đớn khổ sở…

Nhưng thôi, không sao, tôi vẫn cứ nguyện đi tới cùng con đường này. Từ khi bắt đầu quay trở lại "hoà nhập cộng đồng", lúc mà buôn xe máy thua lỗ hay đi chăn vịt khổ sở, tôi vẫn mơ ước tôi sẽ dâng hiến tất cả cho công việc phòng chống ma túy.

Thực tế, tôi đã nỗ lực 20 năm để kiếm tiền, quay trở lại phụng sự cho cuộc chiến này. Tôi hiểu nỗi cô đơn và sự kỳ thị ấy và tôi cũng hiểu sự không giúp đỡ ấy. Người ta vẫn có thể sẵn sàng đi làm từ thiện, bỏ nhiều tiền cúng vào chùa nhằm nguyện cầu cho những người nghèo khổ. Song, để làm cứu một người nghiện ma túy bằng cách tạo công ăn việc làm cho họ sau khi cai, thì phải nói thật, đây vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Lập Viện nghiên cứu, mở Bảo tàng Ma túy sau 2.000 ngày “nghiện oặt” (Kỳ 1) - Ảnh 7.

Lập Viện nghiên cứu, mở Bảo tàng Ma túy sau 2.000 ngày “nghiện oặt” (Kỳ 1) - Ảnh 8.

Có lẽ, bản chất là người ta vẫn tử tế thôi, song họ chưa có niềm tin vào sự "quay đầu lại bờ" thật sự của không ít người nghiện. Thực tế như bạn biết, vẫn có tới hơn 90% số người cai nghiện rồi tái nghiện ngay khi ra khỏi "trại". Đó là con số trong báo cáo của nhà nước

- "Đừng nghe cave kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày". Điều anh nói là hoàn toàn đúng. Và điều đó tôi nghĩ rằng phải mất hàng thập niên nữa với sự nỗ lực, cố gắng giảm sự kỳ thị của xã hội, với sự đồng hành của các cơ quan truyền thông, điều này mới vơi đi được.

Và chắc chắn anh cũng đã gặp rất nhiều người như thế: Dù là ngày mai có thể ra pháp trường vì tội buôn bán ma túy nhưng trong sâu thẳm đời họ, chỉ cần được chia sẻ, động viên, khơi gợi đúng cách thì họ sẽ giác ngộ ngay. Người ta thường nói rằng buông đao là thành Phật. Khi giác ngộ, ngày hôm nay là tội đồ nhưng ngày mai đã có thể trở thành nhà sư.

Lập Viện nghiên cứu, mở Bảo tàng Ma túy sau 2.000 ngày “nghiện oặt” (Kỳ 1) - Ảnh 9.

 Nhìn lại những năm qua, dốc tiền bạc và tâm sức để chống lại tác hại kinh hoàng của ma tuý, ông đã đạt được những gì?

- Chắc kể ở đây có thể ở góc độ nào đó mọi người lại cho rằng mình khoe khoang. Nhưng tôi đang rất nỗ lực làm được điều này: Cố gắng để góp một phần vào công cuộc loại trừ ma túy ra khỏi đời sống của chúng ta. Tôi xông vào từ mặt trận phòng ngừa đến mặt trận cai nghiện.

Lập Viện nghiên cứu, mở Bảo tàng Ma túy sau 2.000 ngày “nghiện oặt” (Kỳ 1) - Ảnh 10.

7 năm trước chúng tôi thành lập Trung tâm (nay là Viện) Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma tuý PSD. Một số vị Giáo sư quý mến tôi nói rằng tôi bị thần kinh, bị điên. Họ cũng can ngăn, là tôi không thể nào có đủ điều kiện để làm việc vừa phòng ngừa, nghiên cứu và cai nghiện cho cộng đồng như thế. Vì đây là việc của Chính phủ, với các cơ quan nhà nước được cấp đủ mọi "vũ khí", "ngân khố" và thẩm quyền.

Tôi thì lại nghĩ khác. Tôi là người đã đi qua cả một thời nghiện đằng đẵng và tột cùng đau khổ, nên tôi hiểu được nỗi đau đó. Vả lại, Chính phủ còn rất nhiều việc phải làm. Trong khi đó, cuộc chiến chống ma túy này là cuộc chiến của cả xã hội - chứ không thể chỉ đẩy trách nhiệm đó cho Chính phủ hay các cơ quan ban ngành nào.

Đến giờ tôi đã đào tạo cho gần 1 triệu học sinh trên vài chục tỉnh thành về phòng chống ma túy. Tôi chỉ cho các em các những kỹ năng nhận biết và kĩ năng thoát khỏi tình huống hiểm họa trong đối mặt với ma túy. Tôi tập huấn cho các phụ huynh những dấu hiệu nhận biết con em sử dụng ma túy...

Sau mỗi lần tôi đi dạy về phòng và chống ma túy, tôi cảm thấy vui sướng. Mặc dù khơi lại những nỗi đau sâu kín của mình chẳng ai muốn, song với tôi, đó là cách để tôi trả ơn, báo đáp nợ nần với đời.

Mỗi lần tôi nói chuyện với mọi người rằng ngày xưa tôi đã từng đi ăn cắp, ăn trộm, từng làm những điều xấu xa kinh khủng ra sao? Tôi cũng rất vui khi nghĩ rằng mình mổ xẻ nỗi đau của cuộc đời mình, biết đâu nỗi đau đó lại chính là những liều vắc-xin để tiêm cho chính con em họ nhằm phòng tránh khỏi thảm hoạ ma tuý.

Ngoài những cái đó, Viện chúng tôi đã tìm được những phương pháp chống tái nghiện ma túy bằng trị liệu tâm lý. Đến giờ chúng tôi bắt đầu cho mở một chuỗi các trung tâm điều trị cho người nghiện chất lượng cao ở trên đất nước này. Chúng tôi cũng đã bảo vệ thành công phương pháp chống tái nghiện ma túy bằng trị liệu tâm lý.

Sau 5 năm thử nghiệm trên nhiều trăm người nghiện ma túy, kết quả cũng rất đáng mừng đó là 63,8% số người được điều trị không tái nghiện. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào, các em không đơn giản chỉ là ngừng sử dụng ma túy mà còn cai nghiện thành công. Họ đã "phục hồi" cả hành vi và nhân cách.

(Còn nữa)

Lập Viện nghiên cứu, mở Bảo tàng Ma túy sau 2.000 ngày “nghiện oặt” (Kỳ 1) - Ảnh 11.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem