img img
 

imgimgách đây đúng 1 năm, khán giả VTV bất ngờ thấy nhà báo Đặng Diễm Quỳnh – Trưởng Ban Thanh Thiếu niên VTV6 trở lại trong vai trò MC của một chương trình mới trên VTV1 với tên gọi khá lạ tai “Quán thanh xuân” cùng người bạn dẫn quen thuộc một thời là MC Anh Tuấn.

Với cách dẫn nhẹ nhàng, duyên dáng, không lên gân, Diễm Quỳnh cứ từng số, từng số đi vào lòng khán giả bằng phong thái dung dị, đời thường, bằng cách trò chuyện êm đềm mà sâu lắng như chính tính cách của chị. Đã từ lâu do bận bịu với công việc quản lý tại VTV6, chị ít có thời gian xuất hiện trong vai trò MC, đặc biệt ở những chương trình, không gian mang đậm tính hoài niệm và tràn ngập các sắc màu âm nhạc như “Quán thanh xuân”.

Lý giải về sự tái xuất của mình trong vai “bà chủ” Quán thanh xuân, Diễm Quỳnh chia sẻ: "Một ngày nào đó cả tôi và các bạn, chúng ta đều không còn trẻ nữa. Chúng ta sẽ ở một chặng ga không còn trẻ chờ những người ở tuổi thanh xuân dồn về. Cuộc sống là kết tinh của những thứ rất nhỏ bé và "Quán thanh xuân" cũng vậy, chỉ là những nhánh cảm xúc nào đó của mỗi người được kết nối với nhau thành miền ký ức mà ai cũng thấy có mình trong đó”.

Vì vậy, Diễm Quỳnh và ekip mong muốn tạo ra một không gian gặp gỡ của những người đã trải qua thanh xuân hay đang ở trong chính thanh xuân của mình, để cùng gặp lại những người bạn cũ, ôn lại những câu chuyện xưa, nghe lại những ca khúc đầy kỷ niệm trong một không gian thảnh thơi, gần gũi của Quán thanh xuân…

Tháng 1/2020 vừa tròn 1 năm “Quán thanh xuân” ra mắt khán giả Đài truyền hình Việt Nam. Những ngày này để có được một buổi trò chuyện với Diễm Quỳnh không dễ bởi chị đang chìm đắm, “quay cuồng” trong deadline của những chương trình đặc biệt cho dịp Tết Nguyên đán. May mắn là cuối cùng, chị cũng thu xếp được một chút thời gian để giành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện cuối năm.

img img
img img

Sau 1 năm lên sóng, Quán thanh xuân đã thành nơi hò hẹn mỗi tháng với khán giả truyền hình cả nước. Được biết, Quán thanh xuân Tết Nguyên đán sẽ được phát trực tiếp trên VTV1 vào tối 29/1 (mồng 5 tết Canh Tý). Chị có thể chia sẻ đôi chút về chương trình đặc biệt này?

- Năm ngoái Quán thanh xuân nói đến chuyện nghe đài đọc báo, năm nay chủ đề là Kỷ vật xuân với 3 phần Người xưa, Chốn cũ và Kỷ vật xuân. Các diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam như chị Hoàng Cúc, Minh Vượng, Minh Trang sẽ kể chuyện mồng 2 Tết đi diễn về xong không có gì ăn bị đói vàng mắt…. Những nhân vật khác kể chuyện đi bộ đội, đêm giao thừa mỗi người ra một góc đồi khóc òa lên… đó là sơ sơ nội dung phần Chốn cũ…

img

Chương trình năm nay mọi người gặp nhau cuối Tết nói nốt với nhau những câu chuyện vui nhưng cũng có nhiều gam trầm buồn. Tôi cũng không hiểu sao ở chương trình này, sau khi nói những chuyện vui tếu táo mọi người rất hay vòng về những chuyện buồn. Xét cho cùng chuyện buồn ở lại khá lâu với mỗi người. Khách mời đến với tâm thế vui vẻ, kể những câu chuyện vui nhưng cuối cùng lại rưng rưng khóc.

Trong chương trình, khán giả còn gặp lại không gian của những chuyến tàu, một hình ảnh gợi nhiều cảm xúc, đã xuất hiện ở Quán thanh xuân không chỉ một lần. Đó là Ngày mai anh lên đường (tháng 4), Ở hai đầu nỗi nhớ (tháng 9), Đường xa tuyết trắng (tháng 12)…

Đặc biệt, Quán thanh xuân số đầu năm mới 2020 sẽ có sự xuất hiện của NSND Thanh Hoa, NSND Thái Bảo, những người sẽ mang lại một không gian Tết xưa qua những giai điệu xuân đã đi vào lòng người bao thế hệ qua giọng ca bất hủ của mình. Ngoài ra, chúng tôi cũng mời cả những nghệ sỹ được yêu thích hiện nay NSƯT Thanh Lam, Ngọc Khuê, Bảo Trâm, Vũ Thắng Lợi, Nhóm Oplus…

Quay trở lại hơn 1 năm trước, điều gì tạo cảm hứng cho chị cùng ekip tạo ra một chương trình có chủ đề nghe rất “thanh xuân” như vậy?

- Khi lãnh đạo đài yêu cầu VTV6 làm một chương trình giải trí cho VTV1, Quán thanh xuân ra đời đo ni đóng giầy cho khung giờ đó.

Chúng tôi từng có trải nghiệm năm 2019 khi làm chương trình Ông bà tôi. Chương trình đó dù đã dừng sản xuất nhưng cho chúng tôi một phát hiện thú vị là “người lớn tuổi có nhu cầu kể những câu chuyện của mình nhưng không phải cho nhau nghe mà là kể cho con cháu mình nghe. Trong khi đó, các bạn trẻ cũng có nhu cầu muốn biết ông bà mình ngày xưa sống như thế nào”.

Càng ngày nhu cầu trải nghiệm, thắt chặt sợi dây tình cảm của thế hệ trẻ với những thế hệ trước càng mạnh. Có lẽ vậy nên trào lưu vintage (hoài cổ) đang rất được ưa chuộng.

Vì vậy, chúng tôi muốn hướng tới một chương trình để các thế hệ có thể cùng nói chuyện với nhau. Nhưng đề tài như thế nào để các thế hệ có thể nói chuyện được với nhau? Và rồi chúng tôi lại nghiệm ra, có lẽ nguồn đề tài dồi dào nhất, phong phú nhất trong “ổ cứng” của các cụ và của chúng ta chính là những ký ức về thời thanh xuân.

Sau khi nghiên cứu, thấy các điểm chạm cứ gần lại với nhau và cuối cùng chúng tôi quyết định làm chương trình về quá khứ của các thế hệ đi trước nhưng theo một phong cách vintage để gần gũi với các bạn thanh niên.

img img

Nhưng tại sao lại là “Quán thanh xuân” mà không phải là một cái tên nào đó “hoành tráng” hơn?

- Thực ra, việc đặt tên Quán Thanh Xuân khá tình cờ. Một trong các biên tập viên chính của chương trình là BTV Nguyễn Hữu Chiến Thắng trong khi đi làm phóng sự ở Đà Lạt có vào một quán có tên “Quán của thời thanh xuân”. Anh rất thích thú với cái tên này, chỉ nghe cái tên đã muốn tới rồi.

Thắng đề xuất đặt tên là Quán Thanh Xuân cho chương trình. Khi đưa ra ý kiến này nhận được phản hồi 50/50. Nhiều người thích ngay, nhưng có những người bảo “quán” nghe nó nhỏ bé, tầm thường sao đó. Người ta hay nói quán bia, quán rượu, quán cóc vỉa hè… chứ một chương trình lớn vậy mà đặt cái tên “quán” nghe nó chưa ổn. Thậm chí cả nhà tài trợ cũng nói chương trình chưa có cái tên bắt tai. Họ muốn có một cái tên gì đó nghe nó “hoành tráng, to lớn” hơn.

img

Nhưng rồi ngẫm đi ngẫm lại, chúng tôi thấy rằng nếu chương trình muốn tạo ra sự gần gũi để các ông bà có thể thoải mái trò chuyện với các con các cháu thì nó phải gần gũi ngay từ cái tên trở đi. Và thế là chúng tôi vẫn quyết định lấy tên là Quán thanh xuân trong sự lo lắng rằng sẽ có nhiều người không thích nó.

Vậy sự lo lắng đó có kéo dài lâu không, thưa chị?

- Cũng rất may là chính vì chọn cái tên là Quán thanh xuân nên việc tạo mô hình sân khấu ngồi vòng tròn gần nhau như ở quán nước, hay đang giữa chương trình, tự nhiên có người mang vào cho khách một củ khoai nướng, một cốc trà hay tặng một bó hoa… lại dễ dàng được chấp nhận và rất tự nhiên.

Chứ nếu là một format trang trọng, hàn lâm thì những chi tiết đó sẽ thành diễn. Cũng chính vì trong không gian quán, nên tôi và MC Anh Tuấn cũng tự nhận luôn mình là chủ quán, khách mời không nói chuyện nhiều thì có thể uống nước.

Một trong những điều khiến khán giả thích thú ở Quán thanh xuân là những câu chuyện xúc động có, dí dỏm hài hước có từ những vị khách mời thú vị, những kỷ vật từ quá khứ được cất công tìm kiếm và hiện diện trên sân khấu Quán thanh xuân, những khoảnh khắc sống động và chân thực chỉ có thể có được qua một chương trình trực tiếp… Nhưng ít người biết, để có được một chương trình như vậy, Diễm Quỳnh và ekip đã có biết bao lần thót tim…

img img

Được biết là chính việc đưa Quán thanh xuân thành một chương trình truyền hình trực tiếp, với kịch bản tương đối mở và khách mời khá đa dạng cũng đã tạo ra không ít áp lực lên ekip. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Đúng vậy. Không chỉ là áp lực mà nó còn là không ít sự lo lắng và thậm chí cả thót tim. Cứ mỗi khi một chương trình kết thúc cũng là lúc chúng tôi lại thở phào nhẹ nhõm.

Mấu chốt thành công của Quán Thanh Xuân chính là sự cởi mở, chân thành của các vị khách mời. Nhưng đây cũng là điều khiến cho những người làm chương trình luôn đặt mình trong lằn ranh mong manh giữa việc kiểm soát và không thể kiểm soát tốt. Nếu dựa hoàn toàn vào kịch bản, chương trình mất đi sự tự nhiên vốn có. Thế nên chúng tôi phải tạo ra một biên độ dao động rất cao cho kịch bản.

Thú thật với bạn, tôi đã làm MC 20 năm rồi, chưa bao giờ phải có trợ lý ngồi sau để nhắc mình cần phải nói gì.

Giờ ngồi nói chuyện tôi mới nhận ra áp lực của chương trình lớn thế. Tất cả đều biết làm trợ lý cho tôi rất nhàn vì tôi thuộc kịch bản, nhưng riêng với Quán thanh xuân, luôn phải có một người luôn nhắc tôi những yêu cầu trực tiếp từ ekip...

Vậy là chị và ekip làm Quán thanh xuân chấp nhận áp lực để đổi lấy sự tươi mới, nguyên bản của chương trình?

- Giờ ngồi đây tôi vẫn cảm thấy sự hồi hộp của chính mình, sự bất ngờ của khán giả khi nghe những lời nguyên bản không cắt ghép khiến cho chương trình được chờ đợi. Nếu như cắt ghép có thể có một chương trình sạch sẽ nhưng không có sự hồn nhiên. Bây giờ chẳng phải mọi người luôn hướng đến những gì là thật sao?

Đó là lý do livestream lại luôn được thích hơn là video chọn lọc vì ở đó có hơi thở cuộc sống, có cái xù xì vốn có… Trước khi phát sóng chương trình, chúng tôi nhận được nhiều lời khuyên: Một là ghi hình trước, hai là ghi hình xong rồi delay phát sóng nhưng cuối cùng Quán thanh xuân được làm trực tiếp bởi vì mình nghĩ là nếu không phải trực tiếp chưa chắc người ta đã nói điều đó.

Trực tiếp cũng có thể những điều xảy ra theo chiều hướng tệ, nhưng cũng có thể có điều kỳ diệu xảy ra theo chiều hướng tốt. Nếu điều ấy là 50/50 thì tại sao mình lại không chấp nhận, vì như thế mới là cuộc sống. Còn nếu điều đó tốt đẹp nhiều hơn thì mình cũng đáng được hưởng chứ!

Nếu có sự cố phát sinh, chúng tôi cũng có những phương án dự phòng để xử lý. Như khán giả có thể thấy, chương trình đang chạy, đang bỗng nhiên một cô nhảy vào “Bác ơi bác ăn khoai”, hay một bác khách mời đang nói chuyện rất hay nhưng vì bị quá sóng thì nhạc vang lên, một đôi trai gái đèo nhau đi khắp trường quay tặng hoa phượng cho mọi người, bác khách mời ớ ra không biết chuyện gì và… dừng nói.

Đối với một MC “gạo cội” như Diễm Quỳnh, có nhất thiết phải tự đặt mình vào trải nghiệm thú vị nhưng không ít rủi ro như Quán thanh xuân? Có lúc nào Diễm Quỳnh nghĩ tới việc sẽ rời bỏ những áp lực, khó khăn của “bà chủ quán”?

img

- Với Quán thanh xuân, tôi không phải là phương án MC đầu tiên. Ngay từ đầu tôi đã nói mình không dẫn mà chỉ tham gia trong ekip. Để cam kết là mỗi tháng phải lên hình, phải xinh đẹp để quay trực tiếp là cả một sự đặt cược với tôi (cười).

Ngoài ra, việc khó hơn là phải bỏ ra hai tuần để chạy kịch bản, gặp nhân vật làm rất nhiều việc. Rất lâu rồi tôi không nhận làm trực tiếp liên tục, chỉ một năm làm 1, 2 chương trình thôi.

Ekip cũng đã lên một danh sách các MC khác nhau, trong đó có nhiều bạn MC trẻ và rất giỏi để thử vào vị trí đó. Nhưng khi đặt cuộc nói chuyện của mình với các cụ, các bác năm nay đã 70, 80, 90 tuổi, hầu như khoảng ký ức mà các vị khách mời nói tới các bạn MC trẻ lại chưa hề trải qua hoặc ký ức quá mờ nhạt. Điều này sẽ gây ra sự nghi ngờ cho chính khách mời vì chắc gì những điều các bác, các cụ nói bạn MC đó đã biết (?)

Còn với người trung trung tuổi như tôi, điểm chạm của mình gần hơn với khách mời, khoảng cách giữa hai thế hệ cũng sát nhau hơn, do đó sự đồng cảm có thể sẽ lớn hơn. Vì thế, tôi lại trở thành “cầu nối” giữa người trẻ với thế hệ đi trước trong chương trình. Tóm lại, chẳng qua là mình đã đủ già chứ không phải hơn gì các bạn (cười tươi).

Chắc một ngày nào đó, khi mà Quán thanh xuân có nhiều bạn trẻ hơn, hướng tới thế hệ 8X đời đầu, tôi nghĩ lúc đó các bạn MC trẻ hơn tôi sẽ phù hợp hơn.

img img

Đã có lúc nào Quán thanh xuân đứng trước nguy cơ đổ bể vì khách mời chưa, thưa chị?

- Với chương trình này chúng tôi “đặt cược” vào việc phát trực tiếp nên có người nói rất hay nhưng có người nói bị lạc đề.

Chương trình nguy cơ đổ bể vì khách mời thì chưa vì việc lựa chọn khách mời được chúng tôi làm rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, việc chọn khách mời cho phù hợp với từng chủ đề là rất khó khăn. Có những chủ đề như Tập kết, ở ngoài có nhân vật nói rất hay khiến khi làm phóng sự mọi người khóc rất nhiều, nhưng họ lại nhất định… không lên hình trực tiếp vì ngại nhiều lý do, ví như ngại vì mình không đủ để đại diện cho cả nhóm chẳng hạn...

Rất may là có những khách mời hợp với Quán thanh xuân như là chị Minh Vượng luôn gần gũi, sinh động, luôn gây cười cho khán giả bằng những câu nói rất duyên, hay như một số nhạc sĩ, nhà thơ khác… Cho đến thời điểm này chúng tôi cố gắng phủ đều khách mồi ở cả miền Nam miền Bắc, tăng số lượng các khách mời phía Nam dù biết với các bác, các ông, việc đi lại sẽ phức tạp, khó khăn hơn.

img img

Giờ hãy nói về phản ứng của khán giả, mà trước tiên là phản ứng của người thân trong gia đình chị, với Quán thanh xuân trong suốt hơn 1 năm qua?

- Tôi xin bật mí, đây là chương trình đầu tiên tôi đưa được mẹ đến trường quay. Mẹ đẻ và mẹ chồng cùng dắt tay nhau đi xem, rồi cô dì chú bác anh chị em họ, cả trường quay quen nhau một nửa. Đây cũng là điểm đặc biệt của Quán thanh xuân mà hiện chỉ có một chương trình khác của VTV là Chúng tôi là chiến sĩ có điểm chung: Đó là cộng đồng khán giả có mối quan hệ đặc biệt chứ không chỉ là những người xem chương trình.

Ví dụ, với chủ đề về lưu học sinh Nga, trường quay hôm đó tất cả khán giả là những người đi học Nga về. Các cô, chú sắm sửa may váy áo rất đẹp, đến từ 15 giờ chiều mặc dù quay vào buổi tối để chụp ảnh trước. Các cô, các bác mặc diện đến nỗi đạo diễn trường quay phải nhắc nhở tôi: “MC phải rất cẩn thận vì hiện nay trường quay rất sặc sỡ, nếu MC cũng mặc áo hoa thì không thể tìm được MC nữa!”.

Hồi đầu chương trình 20h30 mới lên sóng, các cụ, các bác ăn cơm từ sớm, tới 18h30 đã đến trường quay nên rất cần có một chút văn nghệ cho không khí đỡ buồn. Chúng tôi cho ban nhạc chơi, các cụ đăng ký lên hát. Chạy được vài tháng, ban nhạc bảo không biết là như thế nào, sắp làm trực tiếp đến nơi mà trường quay vẫn rộn tiếng hát. Sợ bao nhiêu năng lượng dùng hết rồi đến lúc quay các cụ mệt, ekip mới cho tạm dừng không hát nữa.

Ngay sau đó, chúng tôi nhận được một bức thư của một cụ, có “góp ý nhẹ” rằng: “Quán thanh xuân nên tiếp tục duy trì văn nghệ, chúng tôi đến đây chơi rất là vui”… Nghĩ lại cũng thấy niềm vui của các cụ giờ cũng không nhiều, các cụ chỉ cần đơn giản như vậy, vé buổi nào phát hành là hết sạch, không bao giờ còn chỗ trống. Vậy là ban nhạc lại tiếp tục chơi, còn 5 phút lên sóng mới bắt đầu ổn định trật tự…

img img

Trước khi có chủ đề Đồng quê thương nhớ nói về ký ức của những người nông thôn, quãng thời gian dài trước đó có nhiều ý kiến là Quán thanh xuân chưa tập trung vào nông thôn vì ê kip làm đa phần là những người sống ở thành thị, đề tài cũng chỉ nói về thành thị. Quan điểm của chị trước ý kiến này ra sao?

- Nếu xem một số chương trình đầu, có thể nhận thấy những chủ đề như Nhà chật, Khu tập thể, Ký túc xá, có thể về địa điểm là ở thành thị, nhưng nó lại nói về những tập hợp người trong những không gian đặc thù, không phân biệt thành thị hay nông thôn.

img
img

Còn để làm được cả chương trình như Đồng quê thương nhớ để chỉ nói về nông thôn chúng tôi phải có thời gian để nghiên cứu, vì nông thôn quá rộng, có miền Bắc, miền Nam, miền núi, đồng bằng, miền xuôi, miền ngược… nên chúng tôi phải để lại sau một chút.

Khi nhận được những lời nhận xét rằng Quán thanh xuân “thành thị” quá, chúng tôi tiếp thu một cách khá điềm tĩnh. Với cả seri chương trình gồm 12 tập, nó như một cuốn sách với nhiều chương, độc giả sẽ lật giở từng chương và tất nhiên điểm khám phá sẽ ngày một rộng.

Năm 2020 chúng tôi sẽ có rất nhiều chủ đề về vùng sâu vùng xa hay các vùng đặc thù nông thôn Nam Bộ, như chương trình Mùa nước nổi chẳng hạn…

Điều đó cũng cho thấy khi quá yêu chương trình khán giả sẽ mong đợi được thấy hình ảnh của mình, kỳ vọng Quán thanh xuân sẽ chạm vào vùng ký ức của họ?

- Có những chương trình làm xong, các khán giản thấy rất thỏa mãn nhưng có chương trình làm xong, chúng tôi đã bị góp ý ngay “Quỳnh ạ, bác thấy mày làm chưa đúng ý bác” hay “bác thấy mày mời nhân vật chưa chuẩn đâu Quỳnh”...

Đúng là khi người ta đã yêu, đã kỳ vọng người ta có quyền đưa ra phán xét. Và hiện giờ rất nhiều khán giả đưa ra lời gợi ý cho chúng tôi, như hôm nay tôi vừa đi ăn giỗ thì được nghe các bác gợi ý “Quán thanh xuân nên làm về thời hợp tác xã đi Quỳnh ơi” chẳng hạn.

Đúng là khó có thể làm hài lòng tất cả khán giả nhưng chương trình nào làm chị hài lòng nhất?

- Hài lòng thì có nhiều cấp độ. Có nhiều chương trình mình chuẩn bị rất công phu, nhưng tới sát giờ có những nhân tố quan trọng nhất lại vắng mặt. Còn cái cảm xúc thở phào sau khi làm xong thì có nhiều lắm.

Như Đường xa tuyết trắng, khi lên kịch bản các bạn biên tập nói rằng đời sống bên Nga có nhiều trải nghiệm buồn khiến cho những người từng sống ở châu Âu mạnh mẽ hơn, lì hơn, một phần nữa do khí hậu lạnh, khắc nghiệt do sự khác biệt Á - Âu. Tóm lại có nhiều điều rất rất hay trong thực tế, nhưng để nói trên truyền hình thì cũng không dễ…

Chương trình đó, chúng tôi mời được nhiều khách mời thú vị, trong đó có anh Duy Nghĩa là phóng viên kỳ cựu của VTV tại Nga và nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người nhiều năm sống ở CHLB Đức. Xong chương trình mọi người thở phào vì đã vượt qua được thử thách lớn. Trước đó VTV có khoảng 10 chương trình khác nhau về nước Nga, nhưng Quán thanh xuân đã làm theo một hướng khác, không giống như những chương trình trước.

Thử thách đó chúng tôi vượt qua được chính vì nó là Quán thanh xuân. Ở môi trường “mềm mại” như Quán thanh xuân, khách mời dễ bày tỏ hơn, còn nếu lên chương trình chính luận chưa chắc mọi người đã nói. Với Quán thanh xuân, khách mời không chỉ nói về trái ngọt nuôi anh khôn lớn mà họ còn nói về cả quả đắng giúp cuộc đời anh có được như hôm nay.

img img

Vừa làm MC Quán thanh xuân, trò chuyện kết nối với các cô các bác thế hệ đi trước, lại vừa cùng đồng nghiệp gây dựng một VTV6 trẻ trung năng động, có điều gì mâu thuẫn hay trái ngược trong chị hay không?

- Làm kênh VTV6 là kênh cho người trẻ nhưng vẫn phải là những người trưởng thành, chín chắn để nghiên cứu, tìm hiểu để chọn ra được giọng điệu nói chuyện với mọi người. Điều các bạn trẻ chưa có là khả năng tiết chế bớt sự “máu” của tuổi trẻ, cái đó cần kinh nghiệm của mình.

Lúc đầu tôi cũng nghĩ mình đâu còn trẻ, đâu còn đủ hiểu người trẻ, con mình mình còn chẳng hiểu nữa là. Nhưng khi làm cùng nhau cũng thấy mình giúp ích được cho mọi người và mọi người lại bổ trợ cho mình. Tôi cũng không cố gắng thay đổi bản thân vì mình đã sống ngần này tuổi, có muốn hồn nhiên cũng không hồn nhiên được nữa hay muốn các bạn tư duy già như mình cũng không thể.

img
img

Người làm báo 20 năm nhiều khi khó đón nhận những thứ mới mẻ, nhưng các bạn ở đây rất nhanh nhạy và rất dễ bắt nhịp những trào lưu mới.

Chị cũng phải khuyến khích họ để họ bắt nhịp?

- Phải trao quyền cho họ, như những chương trình trẻ trung như Bữa trưa vui vẻ thì ekip trẻ làm để có giọng điệu của người trẻ. Chứ nếu tất cả phải qua bộ lọc của tôi sẽ mất hết những gì gọi là “thanh xuân”.

Còn tôi lại đắm đuối vào những thứ như Quán thanh xuân, thứ mình không phải cố thì cũng đã già bằng nó. Vì thế, cũng không phải cố để thay đổi bản thân (cười).

Chị không được đào tạo bài bản về MC, nhưng giờ lại trở thành một trong những MC được yêu thích nhất nhì của VTV. Chị nghĩ điều gì giúp cho chị giành được tình cảm của khán giả?

- Ngoại hình có thì ăn điểm phút đầu tiên, tính cách vui vẻ hòa nhã thì ăn điểm phút tiếp theo nhưng để cuộc hành trình của mình không phải là một tiếng, hai tiếng hay mấy phút gặp gỡ mà cả một sự nghiệp, cả một nghề đi theo mình thì điều quan trọng nhất là sự chân thật. Mình nói chuyện phải nói thật.

Tôi thấy nhiều người MC hay kịch tính hóa, nhưng mình nghĩ kịch tính hay drama là gồng gượng. Có thể do tính cách mình thế, cứ vui vẻ thì nói chuyện được tiếp.

Nghề MC cũng giống như cuộc sống. Có những lúc mình buồn không muốn nói chuyện với ai cả thì ngắn gọn thôi, còn vui vẻ có cảm hứng nói chuyện thì tốt nhất là nói thật, đừng phịa ra cái gì.

Có những giai đoạn MC của VTV như anh Lại Văn Sâm, chị Tạ Bích Loan đều rất thật. Sau đó có một thời gian các bạn MC có nhiều hỗ trợ về hình thức, đẹp hơn, đào tạo bài bản hơn, nhưng đôi khi có cảm giác như các bạn đang đóng vai MC.

Tôi vẫn làm công tác đào tạo MC nên hiểu những ai chân thật không bắt chước rồi sẽ tiến xa.

Đội MC Cầu Vồng 10 năm giờ đều là những tên tuổi như Nguyên Khang, Công Tố, Phí Linh, Hoàng Dung, Thái Trang… .

img img

Một người luôn bận bịu quá mức với công việc chuyên môn như vậy sẽ sắp xếp như thế nào để có thể cân bằng với công việc gia đình, thưa chị?

- Mỗi người như con lắc đều phải có điểm cân bằng. Nếu như bạn đang làm công việc khác mà bảo làm việc như tôi thì bạn sẽ không sống nổi. Nhưng 20 năm qua, tôi phải tìm cách nào đấy để chung sống được với nó. Tôi đã trải qua những thời gian bận khủng khiếp như là vừa nuôi con, vừa đi học, vừa đi làm vừa trực đêm, cũng có những thời gian mình nhàn nhã khiến cho cuộc sống của mình như biểu đồ hình sin, rồi dần quen với nó.

Giống như hồi mới sinh em bé thứ 2 xong (năm 2018-NV) tôi cũng lo là đi làm thế nào khi con còn bé như thế này. Thế mà hình như sau khi đi làm tôi lại trông con tốt hơn. Nếu như ở nhà cả ngày thì thấy con ho hay trớ là căng lên, nhưng nếu mình đi làm nghe báo con trớ thì cũng chỉ biết nói “Thế à!”. Người ta bảo là cứ rời con ra thì tự khắc nó lớn.

Có con gái 3 năm trước, chị từng chia sẻ đó là món quà quý giá mà ông Trời ban tặng. Có thêm em bé, cuộc sống của chị có nhiều thay đổi so với trước kia?

- Cháu năm nay đã 3 tuổi. Mỗi khi nhìn thấy mẹ đi làm bé cũng xị mặt ra, nhưng cửa vừa đóng là nó đã reo lên sung sướng. Đứa trẻ là như thế, đừng có nghĩ là không có mình nó sẽ buồn, sau khi mình đi khỏi lập tức nó sẽ tìm ngay ra một niềm vui mới.

Tôi nghĩ nuôi con nhỏ ở thời điểm này làm cho cuộc sống của mình tốt lên. Giờ tôi còn nói chuyện được với mấy bạn trẻ ở cơ quan, đồng cảm với các em về chuyện con cái. “Câu lạc bộ bỉm sữa” giờ tôi được tham gia với tư cách chính thức chứ không còn là thành viên danh dự như trước nữa.

img img

Con gái lớn của chị có nhận xét gì về công việc của mẹ không, có bị áp lực gì khi mẹ là người nổi tiếng?

- Bao nhiêu năm trước nó không có ý kiến gì, nhưng mãi sau này có hồi nó về nhà và nói với tôi: “Mẹ, con phát hiện ra mẹ khá nổi tiếng! Có rất nhiều người xì xầm sau lưng con: “Đây là con gái Diễm Quỳnh đấy”.

Cũng dễ hiểu thôi vì khi nó sinh ra tôi đã làm truyền hình rồi nên nó thấy điều đó là bình thường, không có gì to tát cả cho đến khi nó phát hiện hóa ra làm trên TV là một sự nổi tiếng.

Còn nhận xét về mẹ thì ít khi lắm. Giờ cháu lớn nên điềm đạm, chỉ bảo mẹ là: “Con biết là công việc của mẹ rất là nhiều sức ép, con biết là mẹ chịu rất nhiều áp lực!”. Hôm qua tôi bảo nó: “Hôm nay là ngày rất quan trọng (ngày lãnh đạo Đài duyệt chương trình đêm giao thừa-NV), một là chương trình của mẹ sẽ trôi hai là sẽ mất Tết đấy!”. Nó bảo: “Mẹ cứ phải nghĩ tích cực mẹ ạ! Kể cả là không trôi, Tết kiểu gì chả đến, chương trình của mẹ giao thừa chứ gì, mồng 1 là xong!”. Bọn trẻ con giờ rất buồn cười thế đấy!

Xin cảm ơn nhà báo Diễm Quỳnh. Đầu năm mới Canh Tý, xin chúc chị cùng gia đình và ekip làm Quán thanh xuân một năm mới tràn ngập niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc. Chúc Quán thanh xuân ngày càng được nhiều khán giả yêu mến, mong chờ.

img img
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem