Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Năm 1986 là năm đánh dấu thời điểm ông Phạm Ngọc Hỷ (SN 1952) và bà Trần Thị Bốn (SN 1954) trở thành vợ chồng. Sau gần 4 thập kỷ bên nhau, hai ông bà trú tại xóm 2, xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An vẫn luôn gắng gượng trong căn nhà dột nát, xiêu vẹo. Cùng với đó, để duy trì cuộc sống, hai ông bà chăn nuôi gà và trồng rau rồi mang ra chợ bán đong gạo sống qua ngày.
Mỗi ngày cứ thế trôi đi trong ảm đạm với đôi vợ chồng đã ngoài 70 tuổi. Trước cảnh đời cơ cực, ông Hỷ từng tâm sự: “Đời vợ chồng tôi, từ khi sinh ra đến giờ và có lẽ đến lúc nhắm mắt xuôi tay không có được mấy ngày vui vẻ, hạnh phúc. Được tiếng là có con cái đủ nếp, đủ tẻ nhưng chúng nó vất vả, chật vật lắm. Vì bố mẹ nghèo, các con sinh ra không được học hành đến nơi đến chốn nên lấy vợ gả chồng cũng bị cái nghèo, cái đói đeo bám”.
Đã có lúc, bà Bốn nghĩ, đến ngày mình về với cát bụi cũng chưa thể có được một mái nhà đúng nghĩa. Cho đến khi món quà bất ngờ từ Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đến với hai vợ chồng, khi gia đình được tài trợ xây dựng ngôi nhà tình nghĩa. Cuộc đời của đôi vợ chồng đã bước sang trang mới kể từ đó.
“Sướng lắm, cứ như là mơ ấy. Hai vợ chồng tôi bữa rau, bữa cháo qua ngày, chưa bao giờ nghĩ mình có khả năng xây một mái nhà đàng hoàng. Nhờ sự hỗ trợ của Báo, của nhà tài trợ cùng chính quyền địa phương, hai vợ chồng tôi giờ đây đã có thể yên tâm dưỡng già dưới mái nhà này…”.
Mùa Tết năm nay ấm áp hơn trong gian nhà vẫn còn mùi vôi mới. Bà Bốn kể, những năm trước, Tết đến lại thấy trong lòng có nhiều nỗi lo cơm áo gạo tiền. Nhưng năm nay đã khác xưa, hai vợ chồng bà cưới nhau được gần 40 năm, nhưng đây là mùa Xuân đầu tiên cả hai cảm nhận được trọn niềm vui những ngày đầu năm mới.
Thăm lại ngôi nhà mới của gia đình ông Hỷ, ông Phạm Ngọc Đỉnh - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương cho biết: “Nhìn gia đình ông Hỷ bà Bốn có được mái nhà mới, không những tôi mà bà con xung quanh khu xóm 2 cũng rất phấn khởi. Ai nấy đều đến chung vui cùng gia đình ông bà, cả nhà mùa Tết này rộn ràng hẳn lên. Tôi cũng rất cảm ơn sự quan tâm của Báo đến với địa phương bằng những sự hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa”.
Ông Hỷ, bà Bốn đã có một mùa Tết đầu tiên đúng nghĩa, cũng là mùa Tết vô cùng đặc biệt đánh dấu chuyện tình yêu kéo dài qua 4 thập kỷ. Ngôi nhà mới cũng chính là một khởi đầu mới với nhiều kỳ vọng và khát khao trong năm Giáp Thìn 2024, là món quà mà Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt cùng các mạnh thường quân đã dành tặng cho gia đình ông bà.
Trong năm 2023, Chương trình trao tặng nhà tình nghĩa do Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt đã mang đến niềm vui sum vầy cho gia đình cụ Nguyễn Thị Vạn (SN 1933, trú tại xóm 3, xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Giờ đây, căn nhà 2 gian cũ kỹ của mẹ con cụ Vạn nằm khuất sau vườn chuối rậm rạp chỉ còn là dĩ vãng, thay vào đó là một mái ấm rộng rãi với gian phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp và nhà vệ sinh khép kín.
Ông Ngô Trí Xuân (SN 1972) là con trai út trong gia đình 7 người con của cụ Vạn, chị gái đầu của ông Xuân là bà Ngô Thị Lý (SN 1957), từ khi sinh ra đã không được bình thường. Vì thế, bà không lấy được chồng nên ở với mẹ cho đến ngày hôm nay. Giờ đây, miếng cơm, giấc ngủ của cụ Vạn cũng đều nhờ bà Lý chăm sóc. Các con gái khác của cụ Vạn đi lấy chồng xa, nhưng hoàn cảnh ai cũng khó khăn như nhau nên đành ứa nước mắt nhìn mẹ già cùng chị gái chịu cảnh cơ cực.
Nhiều lúc nghĩ lại cảnh mẹ già và chị gái cả một đời vất vả, còn phải ở trong căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào, lòng ông Xuân day dứt như dao cắt từng đoạn ruột. Ông Xuân giãi bày: “Ngày nào mẹ và chị còn phải ở trong ngôi nhà mục nát, xiêu vẹo trước mưa gió, là ngày ấy tôi vẫn chưa có được giấc ngủ ngon. Nhiều đêm tôi thao thức tự trách mình chưa tròn đạo làm con. Nhưng tự trách rồi tôi lại rơi vào bế tắc, vì mấy chị em chẳng ai khấm khá để lo được mái nhà cho mẹ và chị an dưỡng tuổi già”.
Ngày công trình nhà tình nghĩa được bàn giao, lòng ông Xuân nhẹ hẳn đi. Có lẽ, nỗi ám ảnh dày vò người con trai út bấy lâu nay đã tan biến. Thế là những ngày mưa bão hay nắng gắt, cụ Vạn, bà Lý cũng đã có một cơ ngơi đủ đầy để trú ngụ. “Mẹ tôi già rồi, chẳng còn biết gì đâu, nhưng từ khi chuyển vào nhà mới, tôi thấy bà cũng hay cười hơn nên thấy rất an lòng” - Ông Xuân cho hay.
Cùng nhau trang trí Tết cho ngôi nhà mới của mẹ, ông Xuân bất giác thốt lên như đứa trẻ con: “Mẹ ơi, Tết về thật rồi”. Đây là cái Tết đúng nghĩa đầu tiên của cụ bà hơn 90 tuổi, cái Tết có con cái quây quần cùng trang trí Tết. Dù sức yếu, bà Lý vẫn cùng các em mình treo lên những món đồ trang trí đón Xuân. Gia đình nhỏ ở xóm 3 chưa bao giờ nô nức không khí đón Tết đến vậy.
Hòa cùng không khí rộn rã của gia đình cụ Vạn, bà Lý, ông Nguyễn Văn Thừa – Công chức văn hóa, phụ trách lao động thương binh và xã hội xã Nghi Mỹ bày tỏ niềm phấn khởi: “Hôm nay được cùng gia đình cụ Vạn trang hoàng đón Xuân, lòng tôi như nở hoa. Nhìn thấy hai cụ già có được mái nhà do Báo Nông Thôn Ngày Nay trao tặng, tôi vô cùng mừng, vì cuối cùng hai cụ cũng được sống dưới mái nhà đúng nghĩa. Thay mặt gia đình, một lần nữa tôi xin cảm ơn sự quan tâm của quý Báo, cùng đơn vị tài trợ đã mang mùa Xuân thật sự về với gia đình!”.
Bà Cao Thị Miền (SN 1968) ở khối 2, thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An có 3 người con. Con gái đầu của bà Miền là Cao Thị Hiền sinh năm 2003. Con gái thứ hai là Cao Thị Hân đang học lớp 11, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Xuân Ôn và cậu con trai út Cao Văn Tám (SN 2010) đang học lớp 7. Cả 3 con của bà Cao Thị Miền đều lấy theo họ mẹ bởi bản thân bà Cao Thị Miền cũng lúc nhớ lúc quên do căn bệnh tâm thần quái ác, nên không thể nhớ nổi bố của từng đứa con mình.
Chia sẻ về gia đình mình, em Hân có chút buồn tủi: “Mẹ em có những lúc tinh thần không ổn định, nên 3 chị em em phải cố gắng bảo bọc nhau và chăm lo cho mẹ. Đến nay, cả nhà em cũng chưa biết không khí Tết là như thế nào để mà diễn tả. Chỉ biết là nó chưa bao giờ đến với gia đình em từ lúc em chào đời”.
Theo bà Võ Thị Tiêu - Khối trưởng Khối 2 (thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu), mỗi dịp Tết đến, nhà nhà ai nấy đều treo lên những dây đèn sặc sỡ, những câu đối đỏ, trưng bày trước sân hàng cúc vàng cùng những chậu quất sum suê đón chào năm mới.
Nhận được số tiền hỗ trợ xây nhà mới từ Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt bà Miền xây thêm gian phòng ngủ phía sau nhà. Trước đây, vì nhà chật hẹp, quá xuống cấp, gia cảnh vốn đã quá khó khăn, nhà bà Miền chỉ đủ chỗ cho bà với cậu con út, 2 người con gái đầu phải gửi đi ở nhờ, ngủ nhờ họ hàng, làng xóm. Có thêm gian phòng ngủ, cả nhà bà đã có thể đoàn viên về chung một mái ấm sau những năm tháng dài đằng đẵng cách xa.
Thăm lại gia đình bà Miền kể từ ngày công trình hoàn thành, ngôi nhà nhỏ nơi cuối khối 2 đã tràn ngập sức sống.
Ông Đặng Phú Quý (người dân khối 2, thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu) cho hay: “Sống ở đây hơn 30 năm rồi, đây là lần đầu tiên tôi thấy nhà bà Miền cùng nhau đón Tết. Nghe tin có Báo về hỗ trợ, hàng xóm ai cũng vui mừng cho nhà bà, cuối cùng bà ấy cũng được đón một cái Tết đoàn viên”.
Mái ấm đó tuy nhỏ nhưng đầy ắp yêu thương, người đàn bà khốn khổ với căn bệnh tâm thần sau những sóng gió cuộc đời, cuối cùng cũng có được ngày Tết êm ấm bên cạnh đàn con.
Những ngày giáp Tết, căn bếp trong ngôi nhà mới của gia đình chị Nguyễn Thị Luyến (xóm 6, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) rộn ràng tiếng cười nói của 2 mẹ con. Đây là lần đầu tiên chị Luyến cùng con gái Lê Kim Ngân (lớp 1, Trường Tiểu học Phúc Thọ) được cùng nhau nấu bữa cơm tất niên trước thềm năm mới, cảm giác ấm cúng của ngôi nhà đúng nghĩa là điều hai mẹ con đã thầm ước mong từ lâu.
Cảnh đời cơ cực từ nhỏ, mỗi khi nhìn ngắm cơ ngơi khang trang như hôm nay, chị Luyến không kìm được xúc động. Khi mẹ chị Luyến qua đời, chị cùng các em sống trong tình yêu thương của bố. Nhưng từ khi bố có gia đình mới ông cũng phải lo toan nhiều hơn nên khi học hết cấp 2, chị đã phải nghỉ học để đi làm thuê kiếm sống.
Ngay từ nhỏ, dù gia đình biết chị Luyến mang trong mình bệnh tim bẩm sinh, nhưng gia cảnh khó khăn nên không đủ điều kiện để chữa trị, đành phó mặc số phận. Người phụ nữ ấy cứ thế lam lũ từ Bắc vào Nam, rồi vấp ngã trong chuyện vợ chồng, nhưng vẫn tiếp tục nuôi hy vọng cho tương lai vì có con gái bên cạnh an ủi.
Chị Luyến nhớ lại thời gian khi còn ở trong ngôi nhà cũ xập xệ: “Lúc ở nhà cũ, con gái thường sang nhà các bạn chơi, rồi về nói với tôi: “Mẹ ơi con muốn có nhà đẹp giống các bạn, mẹ kiếm tiền xây nhà cho con nha mẹ”. Câu nói hồn nhiên của một đứa trẻ thôi nhưng nó khắc sâu vào tim tôi đến mức ám ảnh. Lúc đó tôi chỉ biết ôm con vào lòng mình rồi tự nhủ bản thân phải thật cố gắng. Nhưng cũng chưa bao giờ dám nghĩ mình lại sớm có được một mái nhà tránh mưa, tránh gió”.
Chị Luyến cho biết thêm, những tháng gần đây, con gái hoạt bát và lanh lợi hơn, con thường mời bạn bè tới nhà chơi, khoe mình có một căn phòng riêng với bàn học và giường ngủ.
Ngồi bên chiếc bàn học trong căn phòng đầu tiên của đời mình, cô bé Kim Ngân chăm chú với từng bài tập trên lớp. Niềm hân hoan của cô bé lớp 1 ánh lên trong đôi mắt long lanh. “Từ nay mẹ và con không còn phải đi xin ngủ nhờ nữa. Ngày xưa ở nhà cũ mỗi lần mưa to con sợ lắm, nước mưa dột ướt hết nhà, gia đình con phải xin đi ngủ nhờ. Con cảm ơn các cô chú đã tặng cho mẹ con con ngôi nhà này, con sẽ học thật giỏi để không phụ lòng của mọi người” - Kim Ngân hồn nhiên chia sẻ.
Trong mâm cơm tất niên, chuẩn bị đón năm Giáp Thìn 2024 sắp đến, mẹ con chị Luyến trao cho nhau những tiếng cười, những câu chuyện đáng nhớ của một năm vừa qua. Bữa cơm ngày cuối năm trở nên đặc biệt đến lạ, những món ăn cũng ngon miệng hơn. Không đơn thuần là một mái nhà che mưa, chắn gió, mà nó là cả một nguồn hy vọng vô cùng thiết thực đã được Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt cùng đơn vị tài trợ trao đến chị Luyến, cháu Ngân, mái nhà này là khởi nguồn của một tương lai tốt đẹp cho hai mẹ con.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.