Mẹ già khóc cạn nước mắt khi tai ương không ngừng đeo bám gia đình
Mẹ già khóc cạn nước mắt khi tai ương không ngừng đeo bám gia đình
Bùi Mai
Thứ ba, ngày 03/09/2024 06:05 AM (GMT+7)
Chồng mất, con dâu mắc bệnh hiểm nghèo, con trai công việc bấp bênh, suốt bao năm qua, cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói và bệnh tật cứ bám lấy gia đình bà Sử. Giờ đây, khi kinh tế gia đình kiệt quệ, bà Sử bật khóc trong bất lực.
Trong căn buồng tối, bà Hoàng Thị Sử (SN 1958, thôn Hạ Lý, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) ngồi hát ru, dỗ dành đứa cháu nhỏ khóc đòi mẹ. Đôi mắt bà ngấn lệ nghĩ đến kiếp nghèo bền vững của gia đình mình.
Bà Sử lặng người khi nhớ lại ngày chồng bà bỏ mẹ con bà ra đi mãi mãi.
Bà Sử cho biết, chồng bà ngoài căn bệnh động kinh thường xuyên lên cơn co giật, ông còn bị xơ gan cổ trướng. Ngày ấy, bà phải bán đất, vay mượn khắp nơi để có tiền chạy chữa cho chồng. Nhưng cuối cùng, ông vẫn ra đi, để lại mẹ con bà sống trong cảnh túng thiếu đủ bề.
Con dâu bà - chị Lò Thị Thêm (SN 1998) bị máu trắng, tiền chữa trị hàng tháng ngót nghét 3 triệu đồng. Năm ngoái bệnh trở nặng, chị phải nằm viện mấy tháng liền, nhà cửa thứ gì bán được, bà Sử đều bán sạch chỉ mong cứu được con. Cũng trong thời gian ấy, vì nghỉ chăm vợ mà con trai bà mất việc, kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ.
Dù đã sang cái dốc bên kia của cuộc đời, nhưng người đàn bà khổ hạnh ấy vẫn phải gồng mình chăm lo cho con cháu.
Con dâu đau ốm liên miên, con trai công việc bấp bênh, mọi việc lớn nhỏ trong nhà, từ cơm nước, dọn dẹp, đến chăm sóc đứa cháu nhỏ đều do một tay bà đảm nhiệm. Thương con cháu, dù bản thân mang trong người đủ thứ bệnh (huyết áp cao, gan nhiễm mỡ, u nang gan, gút), bà Sử không dám điều trị mà chỉ đành cắn răng chịu đựng. Nếu đau quá, bà đành uống tạm vài thang thuốc nam cho đỡ tốn kém.
“Nhà tôi nghèo, con dâu lại mắc bệnh “nhà giàu”, dù đau ốm nó vẫn phải gắng gượng đi làm kiếm tiền. Tôi cũng lắm bệnh nhiều tật, đi khám bác sĩ bảo phải tiêm 200 nghìn một mũi, nhưng nhà cửa như này tôi lấy đâu ra tiền mà chữa” - bà Sử nước mắt lưng tròng.
Ở cái tuổi của bà, lẽ ra đã được nghỉ ngơi, vui vẻ bên con cháu, nhưng vì cái nghèo, cái khó đeo đẳng mà đến tận bây giờ bà Sử vẫn chưa có được một giây phút thảnh thơi. Nhiều đêm nằm nghĩ, bà Sử tự xót thương phận mình, trách cuộc đời nghiệt ngã, chỉ biết khóc cho phận đời bạc bẽo của mình.
Mong ước tuổi xế chiều
Đã quá nửa đời người, nhưng bà Sử vẫn phải tá túc trong căn nhà xiêu vẹo được dựng cách đây hơn 40 năm. Mái cọ mục nát thủng lỗ chỗ, những cột gỗ bị mối mọt ăn mòn, sàn liếp đã cong vênh, ọp ẹp. Đêm nằm nghe gió rít, bà chỉ sợ nơi ăn chốn ở duy nhất của cả gia đình sẽ đổ sập bất cứ lúc nào.
Gia đình bà vẫn đang sống lay lắt trong căn nhà cũ nát, xiêu vẹo.
“Không biết cái nhà này còn chống chọi được qua bao nhiêu mùa mưa bão nữa. Nhiều hôm trời trở gió, nhà cửa cứ rung lên như sắp bị thổi bay. Nhìn nhà tuềnh toàng, muốn sửa lại mà chẳng có tiền”, vừa nói bà vừa chỉ tay vào những vết nứt trên tường gỗ.
Giữa những khó khăn chồng chất, niềm an ủi của bà Sử chỉ có đứa cháu nội là em Lương Ngọc Duy (SN 2016). Không chỉ chăm ngoan, hiếu học, mà Duy còn là cậu bé rất hiểu chuyện. Dù còn rất nhỏ nhưng Duy đã biết phụ bà quét nhà, rửa bát, nấu cơm. Những ngày trái gió trở trời, chân tay bà đau mỏi, cậu bé lại ngồi cạnh xoa bóp cho bà.
Sống trong đói nghèo, dường như cậu bé cũng đã quen với cái khổ. Mỗi khi thấy các bạn có đồ chơi mới, dù rất thích nhưng Duy chưa từng đòi hỏi. Với em, bộ quần áo đẹp nhất chính là bộ đồng phục đến trường. Bữa cơm ngon nhất là khi được ăn cùng bố mẹ và bà nội. Mong ước duy nhất của em là bà nội có nhiều sức khoẻ và mẹ sớm khỏi bệnh.
“Em muốn bà không còn bị đau chân nữa. Em muốn mẹ sớm khỏe lại để về nhà với em. Em sẽ cố gắng học thật tốt để bà nội và bố mẹ không phải vất vả nữa”, giọng đầy quả quyết, Duy nói.
Còn với bà Sử, mong ước lớn nhất đời bà là có được căn nhà kiên cố để đứa cháu nhỏ có được một góc học tập tử tế. Bà mong Duy lớn lên khỏe mạnh, học hành giỏi giang, thay bà gánh vác gia đình. “Tôi chẳng dám mơ ước nhà cao cửa rộng, chỉ mong có được căn nhà xây vững chãi để thằng Duy nó yên tâm học hành”, bà Sử bùi ngùi chia sẻ.
“Gia đình bà Sử thuộc hộ nghèo. Bà có cô con dâu đang bị bệnh máu trắng phải điều trị rất tốn kém. Hiện tại, bà đang sống trong căn nhà tạm có nguy cơ bị sụp đổ bất cứ lúc nào. Địa phương cũng có quan tâm hỗ trợ, nhưng chỉ được một phần. Rất mong Báo Dân Việt và các nhà hảo tâm dang rộng vòng tay nhân ái, giúp đỡ gia đình bà Sử sớm có được căn nhà kiên cố”, ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái chia sẻ.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về
Bà Hoàng Thị Sử (SN 1958) ở thôn Hạ Lý, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Số điện thoại bà Sử: 0374.053.260
Hoặc gửi về Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Số tài khoản: 2120524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.