Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, đồng đội ở vùng Chợ Gạo còn nhớ tới một anh du kích Tư Bốn chiến đấu gan lì, với cách đánh không hề có trong sách vở quân sự: "Bắn lựu đạn bằng ná dây thun". Vì sao người ta gọi ông là Tư Bốn? Thực hư của cách đánh giặc bằng dàn ná dây thun là thế nào?
- Tôi sinh năm 1947, xin đi chiến đấu từ năm 14 tuổi, trong đội du kích xã Thanh Bình. Dần dà, đến năm 17-18 tuổi, tôi trở thành phó, rồi trưởng công an xã. Năm 1966, tôi rời quê nhà tham gia chiến đấu trong Tiểu đoàn 514, thuộc Tỉnh đội Mỹ Tho. Trong đơn vị có nhiều ông thứ tư, họ gọi tôi là Tư Bốn để phân biệt với các ông Tư Hai, Tư Ba, Tư Năm… Ai dè, cái tên Tư Bốn đi theo suốt cuộc đời. Trong gia đình, ra chòm xóm, quê nhà, tới cơ quan, từ Nam ra Bắc, ai cũng gọi thân mật Tư Bốn. Riết thành quen luôn.
Kiểu bắn lựu đạn bằng dàn ná dây thun (miền Bắc gọi là bắn súng cao su) tôi học từ trò chơi bắn ná bắn chim hồi còn con nít. Nhưng riêng dây thun bắn lựu đạn ở đây đã nặng tới 5 kg lận. Còn thân súng chính là những gốc cây to như bắp đùi.
Tổ bắn gồm 9 người. Một người leo lên cây cao hướng mắt về phía địch quan sát, ước lượng khoảng cách bao xa. Còn 8 người phía dưới kéo dàn thun sẵn sàng bắn lựu đạn. Nếu người quan sát nói 300m, thì mình hướng chiều bắn dốc lên trời, lựu đạn sẽ bắn bổng, rồi rớt đúng mục tiêu 300m.
Nếu nói khoảng cách 320m - 350m thì mình hạ dàn thun bắn lựu đạn theo hướng thẳng, đạn đi xa hơn. Kinh nghiệm bọn tôi lúc đó là lấy khoảng cách ứng với mỗi nút áo cài trước bụng. Nút thấp nhất 300m, nút kế trên 320m, nút nữa 350m… Bắn xa nhất là 370m.
Kiểu bắn lựu đạn bằng ná dây thun có khi nào xảy ra sự cố gì không? Bởi khi bắn lựu đạn, đòi hỏi tính thống nhất, hiểu nhau giữa các đồng đội rất cao. Xin ông cho biết thêm, cách đánh này đã mang lại hiệu quả như thế nào?
- Ngày xưa đâu có máy móc hiện đại để đo khoảng cách, định tọa độ bắn lựu đạn cho chính xác. Ăn thua là người trên cây quan sát địch ở đâu, rồi hô chiều dài bao nhiêu là… bắn. Nó la lên 350m, thì dưới này mình tính làm sao nâng hạ dây thun, để trái lựu đạn bay tới 350m, là nó nổ.
Một ông đứng sẵn lo rút chốt lựu đạn. Tôi hô "bắn", ông rút chốt sẽ rút chốt thật nhanh. 7- 8 ông còn lại đồng loạt kéo và buông dây, buông cùng lúc, lựu đạn mới bay tới đích; chứ ông buông, ông giữ, không thả, lựu đạn không bay, nổ tại chỗ là chết cả đám.
Mỗi khi địch hành quân vô, đi về phía mình gần khoảng 200 - 300m, bắn 2 - 3 trái là tụi nó chạy ngược trở ra. Đánh đồn thì "ngon" hơn, vì mục tiêu tại chỗ. Trước đó, tôi đã đo khoảng cách từ dây ná bắn tới đồn là bao nhiêu mét. Sáng sớm, chờ tụi nó dậy nấu cơm, thấy khói bốc lên, biết tụi nó ra khỏi công sự để nấu cơm, là bắn. Chỉ cần nó bị thương 2-3 thằng, tụi nó la khóc, kêu cứu… Lính tiếp viện vô tải thương, quân mình tiếp tục đánh chặn, tụi nó bỏ đồn chạy.
Kiểu đánh giặc bằng bắn ná dây thun cũng không phải một sớm, một chiều là nhuần nhuyễn. Tôi phải tập trung anh em tập tành cả năm trời. Lối đánh đặc thù này cũng khiến địch rất hoang mang. Chúng nó không hiểu đạn bay tới từ đâu, như trên trời rơi xuống. Từ thành công trên, chúng tôi phổ biến kinh nghiệm cho nhiều đơn vị khác trong tỉnh Mỹ Tho học tập.
Khi chúng tôi tiếp xúc với những đồng đội từng chiến đấu cùng ông, họ còn cho biết "ông Tư Bốn chiến đấu lì lợm lắm, bị thương lòi ruột, ổng tự nhét ruột vô, thần chết cũng ngán Tư Bốn". Chuyện đó có thật không, thưa ông?
- Sự việc như thế này. Thời điểm đó, sau Tết Mậu Thân năm 1968, tình hình rất khó khăn. Phía địch phục kích tấn công ta, lấy được tài liệu mật đặc biệt của ta. Vì vậy, tôi nhận được lệnh từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là phải đánh địch, lấy lại bằng được tài liệu.
Trong cuộc đấu súng trận đó, tôi bò vào một căn nhà, thấy cán bộ ta chết cùng với vài lính địch. Thấy chị chủ nhà đang mần cá, tôi hỏi nhưng chị im im không nói gì, về sau mới biết vì lính còn trong nhà. Tôi bò sát phía trong có cây cau, tôi nắm cây cau để đu lên. Bất ngờ, tụi lính nổ súng. Tôi ngã xuống. Khi đó, đi cùng tôi có 4 anh em nữa. Tôi ra lệnh bắn, bắn, bắn!…
Rồi tôi rút trái lựu đạn thảy vô và bò trở ra. Tôi bị địch bắn lủng bao tử, ruột lòi ra bên ngoài, máu chảy lai láng... Tôi lấy khăn cột quanh người để bịt vết thương và lết ra ngoài. Số tôi không chết, nhưng tôi đi hết nổi, anh em phải cáng bằng võng. Tôi nghĩ chắc chết. Chưa kể lúc đó, phía địch 3-4 mũi bao vây, anh em phải giấu tôi vào lùm cây rồi chạy, chứ không chết hết.
Khoảng 8 giờ tối, tôi mới được anh em bộ đội, tới cấp cứu ngay tại lùm cây. Họ xác định tôi bể bao tử, đạn xuyên 2 lỗ. Để mổ cho tôi, họ nhét trái chanh vào miệng tôi, lấy dây cột, buộc tay chân tôi vào thân cây vú sữa để không cho giãy giụa, la hét. Đang mổ, tôi nghe cô y tá nói "hết thuốc gây tê rồi" mà phát hoảng. Từ lúc đó, họ mổ mà không thuốc gây tê gì cả...
Sau này, do bao tử bị mổ, cắt, chỉ còn 1/3 nên thay vì ăn như mọi người, một ngày ăn ba lần, thì tôi ăn làm 10-12 lần/ngày, ăn hoài, mỗi lần ăn chút chút, không ăn nhiều được.
Sau lần bị bắn lủng bao tử, tôi còn bị thương thêm 6 lần nữa. Tổng cộng đời tôi bị thương 7 lần. Sáu lần sau, nhẹ hơn lần bị thương lủng dạ dày. (Dứt lời, ông Tư Bốn vén ống quần trái chỉ cho chúng tôi thấy một vết thương do đạn bắn vào bắp chân, nay đã thành sẹo và phần bắp chân đã bị teo cơ - PV).
Ông đã nỗ lực như thế nào để vượt qua những cam go, thách thức trong cuộc đời và cả cái chết?
- Tôi phụ trách đại đội công an võ trang bảo vệ Tỉnh ủy Mỹ Tho. Trước khi được chọn nhận công tác bảo vệ Tỉnh ủy, tổ chức đưa tôi và một số anh em khác đi thử thách 2 năm ở vùng kinh Bùi, kinh Bích - vùng bom đạn ác liệt nhất của tỉnh Kiến Tường (nay thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), sát biên giới Campuchia. Nơi đây, địch liên tục càn quét, dội xuống mỗi gốc cây 2-3 trái bom đạn, bắn nát khắp nơi…
Mỗi người lên đó được tổ chức cấp cho 1 cặp trâu, giao 6 công đất và 1 khẩu súng; vừa cày cuốc, sản xuất, tự nuôi mình, vừa chiến đấu với kẻ thù. Đó là năm 1965- 1966, tôi tròn 18 tuổi. Tại vùng đất đầy đạn bom này, tôi đã trải qua 18 tháng vừa chiến đấu, vừa sản xuất.
Nhờ đó, tôi đã vượt qua được thử thách khắc nghiệt. Chỉ 18 tháng, chưa tới 2 năm, tôi đã được nhận vào Đại đội công an võ trang bảo vệ Tỉnh ủy Mỹ Tho (năm 1967). Tôi được đề xuất làm Trung đội trưởng, rồi Đại đội trưởng bảo vệ Tỉnh ủy. Sau đó, tôi lên Ban an ninh Cục miền Nam. Đi học một trường, thành lập Tiểu đoàn 3 công an võ trang. Đơn vị của tôi tham gia đánh Bình Dương, rồi sân bay Tân Sơn Nhất, Trường huấn luyện Quang Trung. Và cuối cùng, ngày 30/4/1975, tôi tham gia đánh Tổng nha cảnh sát của chính quyền Sài Gòn. Lúc đó, tôi là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3, phụ trách tác chiến của công an võ trang, giờ là C180.
Theo thống kê của bộ phận tổng kết chiến tranh tỉnh Tiền Giang, Đại đội cảnh vệ Tỉnh ủy Mỹ Tho ngày ấy, dưới sự chỉ huy của ông Tư Bốn đã đánh trên 100 trận, tiêu diệt hơn 200 tên địch, làm bị thương 230 tên… Nhiều chiến sĩ trong đại đội hy sinh, bị thương, bản thân Đại đội trưởng Tư Bốn cũng 7 lần bị thương, nhưng cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến của tỉnh luôn được bảo vệ an toàn. Vì vậy, vào tháng 8/1980, ông Tư Bốn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đất nước thống nhất, ông Tư Bốn trở về quê nhà Tiền Giang, làm việc trong ngành công an. Song, với ông Tư Bốn, giã biệt chiến tranh, làm tròn xuất sắc bổn phận của một người lính, chưa phải đã hết. Hòa bình lập lại, xã hội còn ngổn ngang bao nhiêu thứ, từ người chiến sĩ công an vũ trang trên mặt trận đánh giặc, ông Tư Bốn chuyển sang làm người chiến sĩ an ninh trên mặt trận trấn áp tội phạm.
Ông từng là Trưởng ban chuyên án triệt phá băng xã hội đen Trương Văn Cam (Năm Cam). Đại án này đã gắn liền với tên tuổi của ông trong thời bình. Xin ông cho biết những khó khăn, thách thức khi thực hiện chuyên án này?
- Thời điểm đó, những năm chín mươi của thế kỷ trước, Năm Cam và đồng bọn hoạt động ngày càng táo tợn, giang hồ khắp nước khiếp sợ, nhân dân vô cùng phẫn nộ. Tháng 8/1999, khi tôi lên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, qua nhiều nguồn tin trinh sát, tôi đã quan tâm và nghiên cứu về hoạt động của băng nhóm Nam Cam. Tuy nhiên, từ lúc nghiên cứu đến lúc quyết định khởi tố, bắt giam Năm Cam và đồng bọn là vô cùng khó khăn.
Sau đó, năm 2001, chúng tôi cũng khởi tố và bắt được Năm Cam. Vậy mà trong một cuộc họp tại TP.HCM, nội bộ cũng có người ý kiến này nọ. Một lãnh đạo ngành công an đã cật vấn tôi trong một cuộc họp ngay sau khi Năm Cam bị bắt giữ: "Ông bắt Năm Cam mà không thông báo cho địa phương, không thông báo cho Thường vụ TP.HCM. Không ai ở Thành ủy hay biết gì?".
Cuộc họp đông người lắm. Tôi tức quá, đập tay xuống bàn, ly tách văng tứ tung. Tôi chất vấn lại: "Tôi hỏi anh, luật nào, điều nào quy định, bắt một thằng côn đồ, bắt một thằng lưu manh, phải báo cáo cấp ủy? Anh nên đọc luật lại đi. Nếu luật quy định bắt thằng lưu manh, giang hồ, phải báo cáo cấp ủy, thì tôi sai. Đối với tôi, bất kỳ thằng lưu manh, côn đồ nào vi phạm luật pháp, tôi cũng bắt hết, chứ không chỉ bắt Năm Cam. Không ai được làm sai lệch chuyên án Năm Cam".
Rồi tôi nói thêm, "nếu các đồng chí không chấp nhận, cho tôi gửi lại bộ quân phục đang mặc, cùng quân hàm Thiếu tướng, tôi xin về làm dân". Tình hình căng như vậy đó.
Việc bắt giam trùm xã hội đen Năm Cam thời điểm đó không đơn giản, nhưng phía các ông vẫn ra tay bắt gọn. Ông có thể kể sâu hơn quá trình bắt Năm Cam như thế nào?
- Tất cả đều tuyệt mật, vì Năm Cam là một tên cáo già, từng bị đưa đi cải tạo, nhưng sau đó thoát được. Và đây là lần thứ hai Năm Cam bị bắt. Lúc đó, khoảng cuối năm 2001, tôi ra Hà Nội thông báo tiến độ làm án với anh em bên Tổng cục và lãnh đạo công an một số tỉnh, thành. Trước khi đi, tôi nói với mọi người rằng sẽ làm việc ngoài Hà Nội độ nửa tháng mới về.
Nói vậy chứ không phải vậy. Tôi với 2 anh Nguyễn Thế Bình và Hoàng Tân Việt (mấy anh em làm cùng tôi) lên máy bay ra Hà Nội. Tôi hẹn riêng anh Lê Thế Tiệm - Thứ trưởng Bộ Công an để báo cáo vụ án Năm Cam. Tới Hà Nội lúc 10 giờ sáng, xe anh Tiệm đón tôi, làm việc khoảng 1 giờ đồng hồ. Tôi hỏi anh Tiệm có chỉ thị gì thêm nữa không, rồi chúng tôi tức tốc bay trở vào.
Về tới sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi không về cơ quan mà ở sân bay tới 8 giờ tối. Về sớm sợ cơ quan người này, người kia thấy. Tôi, anh Bình và anh Việt đã viết kế hoạch phá vụ án Năm Cam ngay trên máy bay.
Do vậy, khi chúng tôi về không ai biết. Ngay lập tức, chúng tôi bố trí, điều quân của Tiền Giang lên. Kẹt ở chỗ đó. Sử dụng lực lượng công an ở TP.HCM thì không thể bắt được Năm Cam; còn sử dụng quân Tiền Giang thì anh em TP.HCM lại nói không tin họ.
Theo dõi, thấy Năm Cam hay ăn sáng tại quán phở trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Khi đi ăn, Năm Cam thường xách theo chiếc cặp, đi cái xe rất sang. Tôi liên tục điện thoại để nắm bắt tình hình.
Khoảng 9 giờ 30, tôi hạ lệnh tấn công. Nhưng bất ngờ, tin trinh sát báo bị mất dấu Năm Cam. Anh em túa đi nhiều hướng để tìm. Một hướng phát hiện Năm Cam đang gọi điện thoại tại một trạm điện thoại công cộng bên đường.
Tôi chỉ đạo anh em tiếp tục đeo bám. Thấy Năm Cam vào khách sạn của vợ nhỏ trên đường Tôn Thất Tùng. Tôi chỉ đạo anh em vào chỗ cô lễ tân nói: "Tôi là Tư Bốn - Nguyễn Việt Thành, bạn thân anh Năm Cam, nhờ chị dẫn đi gặp anh Năm". Cô lễ tân hồn nhiên dẫn 3 trinh sát đi. Tích tắc, Năm Cam lộ mặt, 3 chiến sĩ mặc thường phục áp sát, kề súng vào tai Năm Cam và nói lớn "Năm Cam, anh đã bị bắt". Lúc bị bắt, Năm Cam sững người, sợ hãi đái ướt cả ra quần.
Bắt xong, chúng tôi tức tốc bịt mắt Năm Cam đưa lên xe. Nói là về Bình Thuận, nhưng thực tế, xe chạy thẳng về Tiền Giang tạm giam. Trước đó, trong quá trình chúng tôi cất vó, Năm Cam còn tự tin: "Tôi với Việt Thành cùng tuổi (sinh năm 1947), không có lý gì ổng ra tay với tôi". Tôi làm thinh, không nói gì. Năm Cam tiếp tục phao tin: "Nếu bắt Năm Cam, thuộc địa bàn từ TP.HCM ra Bắc, tao không sợ gì. Sợ bắt ở miền Tây thì lo, xuống dưới đó mới nguy hiểm".
Mặc dù Năm Cam đã vào tù, nhưng đàn em bên ngoài như Hiệp phò mã, Bảo thái tử… vẫn nhận chỉ đạo từ Năm Cam: "Tụi mày theo sát Việt Thành, lo tiền bạc, gái gú…". Qua 4 tháng, Bảo thái tử nhắn lại: "Không thể được, ông Việt Thành chỉ ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân, ở miết trong cơ quan, không cách gì tiếp cận". Năm Cam còn chửi: "Đù má, có bây nhiêu đó mà không lo được!...".
Thật vậy, suốt 4 tháng làm chuyên án, tôi không về nhà, chỉ ở tầng 4 của cơ quan. Tôi tự nấu cơm, ăn chao, rau muống luộc không. Nên tụi nó đâu làm gì được tôi. Tôi không la cà đi đâu, không gái gú, không ai đưa tiền tôi được…
Trước khi bị bắt, nghe nói rằng, băng nhóm Năm Cam lúc thịnh đã có không ít lần định "khử" ông. Để bảo vệ tính mạng của mình, ông đối phó với Năm Cam ra sao?
- Tôi còn nhớ, thời điểm đó, băng Năm Cam có nhà hàng lớn lắm, gần sân bay Tân Sơn Nhất. Tụi nó mời tôi, Nguyễn Thế Bình và Hoàng Tân Việt lại đó. Hôm chúng tôi đến, thấy rất đông người, cỡ 300 - 400 khách. Năm Cam bước vào, khách nhất loạt đứng dậy vỗ tay rần rần "Anh Năm, Anh Năm!". Có tin, bữa đó chúng định khử tôi.
Tôi trấn an anh em, tụi nó làm gì dám khử tôi. Nhưng trên thực tế, khi tới chúng tôi vẫn có cách đề phòng. Tôi tới cuối khán phòng, gần lễ tân. Tôi bảo Hoàng Tân Việt và Nguyễn Thế Bình ngồi cách xa để quan sát, nếu thấy động thái không bình thường thì "tính" liền".
Kế đó, băng nhóm Năm Cam thường xuyên theo dõi chiếc xe biển số 1917 (số xe tôi chọn, ý nghĩa là năm Cách mạng Tháng 10 Nga) chở tôi. Anh em nhiều lần kêu tôi đổi xe số khác, vì đi xe này đã mấy năm trời, lại nguy hiểm...
Tôi nói: "Không. Xe này của Chính phủ. Biển số của Chính phủ cấp. Tụi nó là gì mà mình phải sợ, tới độ phải giấu giếm cả biển số? Tao cứ đi chiếc xe đó, nhắc cho tụi nó nhớ xe 1917 là xe chở Nguyễn Việt Thành (Tư Bốn)".
Rồi tới giờ giấc. Ở TP.HCM, tôi không có nhà riêng, tôi ở với đứa con gái trong căn nhà mướn của UBND TP.HCM. Ngày nào cũng đúng 6 giờ sáng, tôi mở cửa đi làm. Anh em khuyên tôi phải đổi giờ liên tục, hôm 7 giờ hôm 8 giờ. "Anh cứ đi giờ cố định như vậy, nó bắn anh thì sao". Tôi hỏi lại: "Anh chỉ huy Năm Cam hay Năm Cam chỉ huy anh?" Rồi tôi nói thẳng tuột: "Trên xe tao có 4 cây súng. Súng ngắn, súng dài 4 cây. Không thay đổi giờ giấc gì hết".
Tới khi Năm Cam đã bị bắt, tin đàn em của hắn sẽ bắn tôi vẫn đeo riết. Bực mình, tôi tự tay viết một mẩu giấy: "Bắn cái con… kẹc tao đây này!" rồi gửi vào cho Năm Cam. Hắn im lặng, không nói gì.
Trong vụ án Năm Cam, có một số cán bộ cấp cao cũng liên quan và đã phải tra tay vào còng. Đặc biệt, trong số cán bộ "nhúng chàm", có ông Năm Huy, nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Giám đốc Công an TP.HCM. Việc một cán bộ cỡ như ông này bị khởi tố, bắt giam, ông suy nghĩ như thế nào, bởi hai ông từng là đồng đội chung chiến tuyến?
- Việc bắt ông Thứ trưởng này là do Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng. Tất nhiên, trước khi bắt, các anh ấy có trao đổi với tôi. Chúng tôi báo cáo đồng chí Võ Văn Kiệt (lúc đó là Cố vấn cho Trung ương Đảng - PV). Ông Võ Văn Kiệt yêu cầu Bộ Quốc phòng đến làm việc, bữa đó có tôi. Tôi đã chuyển tài liệu cho Bộ Quốc phòng xử lý. Về phía Bộ Quốc phòng cũng có 2 ông, một ông là Phó tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự TP.HCM "dính" vụ Năm Cam.
Mức độ "dính líu" của ông nguyên Thứ trưởng này với Năm Cam như thế nào?
- Tôi chỉ nói gọn thế này. Cứ chiều thứ bảy, Năm Cam cử người ra Hà Nội thăm ông ấy. Khi đi, chuẩn bị đủ rau, mắm... để nấu cho ông ấy ăn. Vậy đủ biết mối quan hệ của họ với nhau như thế nào.
Sau khi ông ta bị bắt vì dính líu tới Năm Cam, dù sao đi nữa, ngày xưa tôi và Năm Huy cũng từng là đồng đội, anh em thân tình, anh ấy lớn tuổi hơn tôi, nên tôi vẫn vào tù thăm anh ấy; còn thăm cả anh Phạm Sỹ Chiến - nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, cũng bị bắt trong vụ án Năm Cam.
Với Bùi Quốc Huy, tội thì ổng chịu, nhưng còn lại là tình người, nên tôi vô tù thăm. Anh Năm Huy nói thèm chuối xiêm, mà là chuối xiêm trồng ở An Giang (quê ông Năm Huy). Tôi về, cho người đi về An Giang lùng mua chuối xiêm. Tôi "quất" cho ổng một xe chuối xiêm An Giang, rồi chở tới trại giam. Tôi bảo "cứ khi nào anh ăn hết chuối thì la lên, tôi cho chở tới anh ăn!".
Tương tự, với Hải "Bánh" (một đàn em của Năm Cam, cũng bị khởi tố, bắt giam trong vụ án). Khi phiên toà sắp diễn ra, thấy nguy cơ Hải "Bánh" có thể bị tuyên mức án tử hình, tôi đã làm văn bản đề nghị các cơ quan pháp luật xem xét giảm mức án từ tử hình xuống chung thân vì sau khi bị bắt, Hải "Bánh" đã thành khẩn ăn năn, hối cải, khai báo trung thực và giúp Ban chuyên án rất nhiều trong vụ bắt giữ Năm Cam. Hiện nay, Hải "Bánh" đã được đặc xá ra tù, trở về với cộng đồng. Tội ai người đó chịu, nhưng còn lại, vẫn là cái tình người, mình đối xử với nhau cho tốt.
Ông nhận xét gì, khi mọi người cho rằng, vụ án Năm Cam mang màu sắc mafia xuất hiện lần đầu ở Việt Nam. Nhờ có tướng Nguyễn Việt Thành ra tay mà kể từ sau vụ án, tình hình an ninh trật tự TP.HCM đã tốt lên thấy rõ?
- Theo tôi, nếu băng nhóm Năm Cam không bị triệt phá sớm, kéo dài nhiều năm, càng kéo dài càng phức tạp… Đặc biệt, nếu kéo dài sẽ không thể xử được Năm Cam. Chúng tôi được biết, Năm Cam đã mua biệt thự lớn bên Mỹ, nếu chuyển quốc tịch, thì khi đó, việc khởi tố, bắt Năm Cam là rất khó. Cho nên, tôi quyết định là phải xử lý sớm.
Kinh nghiệm quý báu nhất, qua vụ án Năm Cam, đối với công tác đấu tranh chống tội phạm, giá trị nhất là phải xây dựng bằng được lực lượng công an tại chỗ. Vấn đề đặt ra ở đây là: Không phải chỉ riêng mấy anh em trong Ban chuyên án chúng tôi biết về hoạt động của Năm Cam và đồng bọn, mà có hàng ngàn người biết. Trước đó nhiều năm người ta đã biết. Vậy mà tại sao chúng vẫn hoạt động được? Tại sao, tại sao không ai ra tay? Điều này cho thấy, lực lượng chúng ta đông mà không mạnh. Khi vụ việc xảy ra, không có sự đồng thuận cả trong nội bộ của mình nữa, thì làm sao có sức mạnh mà đánh? Vụ án Năm Cam có tổng cộng 155 bị cáo, 6 án tử hình; trong số bị cáo trên, có tới 128 nguyên là cán bộ nhà nước "nhúng chàm", nhiều nhất là công an, quân đội.
Trong cái nắng rang người của miền Tây Nam bộ, ông Tư Bốn dẫn chúng tôi đi khắp khu vườn dày đặc cây xanh, ngập tràn bóng mát, khoe các loại cây đã trồng. Gió từ đồng ruộng thanh long kề bên thổi về mát rượi, khiến mọi người như quên cả thời gian.
Ông Tư Bốn hóm hỉnh nói: "Mấy năm trước, lúc còn sống ông Hai Nghĩa (Trương Vĩnh Trọng, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ) ghé nhà tôi chơi. Thăm vườn, ổng nói "Vườn Tư Bốn không trồng cây đặc sản, mà trồng cây… đặc sệt (dày đặc cây-PV)".
Suốt buổi trò chuyện, vợ ông là bà Phan Thị Chín lặng lẽ ngồi trên chiếc võng mắc gần đó. Thi thoảng, bà lại nở nụ cười hiền hậu, chân chất, đậm nét người phụ nữ miền Tây. Ông Tư Bốn cho biết: "Chúng tôi lấy nhau từ hồi còn chiến tranh. Mấy chục năm làm việc, tôi luôn phải xa gia đình. Nhà cửa, ruộng vườn ở quê, một tay bả chăm sóc, cày cuốc. Năm tôi công tác ở TP.HCM, biết tôi chỉ thích uống nước mưa hứng ở quê nhà. Hàng tuần, bả lại hứng nước đổ vào can, thuê xe chở lên cho tôi dùng".
Từng là một vị tướng, giữ nhiều trọng trách quan trọng, quen với chinh chiến, trấn áp tội phạm thời bình. Kể từ ngày về hưu (năm 2009), ông có thấy bỡ ngỡ?
- Vùng đất này, vào những ngày tháng chiến tranh trống rỗng, không có cây cối gì hết trơn… Người dân thì ít, mà địch vô càn quét, bắn giết thường xuyên... Cho nên nhà nào cũng có liệt sĩ.
Hiện giờ chỉ 2 vợ chồng tôi sống ở đây trong ngôi nhà vườn cha mẹ để lại rộng 1 công (khoảng 1000 mét vuông – PV) này. Ăn cơm nhà thì ít, mà đi ăn giỗ liệt sĩ thì nhiều. Toàn xã Thanh Bình có 343 liệt sĩ. Vợ chồng tôi ăn giỗ liệt sĩ quanh năm, có ngày đi ăn giỗ 6-7 đám luôn. Ở đây gia đình liệt sĩ nào cũng có 2 ngày giỗ: Giỗ chính ngày 27/7 và 27 Tết, tất cả tập trung ở nhà quản trang, nơi Nghĩa trang liệt sĩ xã Thanh Bình, để ăn giỗ chung.
Các bạn hỏi tôi có bỡ ngỡ sau khi về hưu ư? Mình xuất thân từ nông dân, trở về làm nông dân là đúng rồi, bỡ ngỡ gì? Tôi cảm thấy cuộc sống nơi quê nhà thật thanh thản, hạnh phúc. Bởi, mảnh đất này từng là nơi chôn nhau cắt rốn, lớn lên, chiến đấu, đổ máu để bảo vệ quê hương. Từng góc vườn, mỗi con hẻm, tổ, ấp ở xã nhà, bịt mắt tôi cũng tìm ra. Hàng xóm, họ hàng, ai ai cũng biết, cũng gọi Tư Bốn, Tư Bốn… Đời như thế thì còn đòi hỏi gì hơn. Tôi vui với cuộc sống ngay chính quê hương mình.
Xin cảm ơn Trung tướng Nguyễn Việt Thành, chúc ông dồi dào sức khỏe để tiếp tục là niềm tự hào của quê hương Chợ Gạo!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.