Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 1.

Nếu ai lần đầu gặp ông, sẽ rất ít người nghĩ ông từng là một phi công tiêm kích, bởi trông ông rất nho nhã, thư sinh. Làm thế nào ông có thể trúng tuyển và được Nhà nước cử đi đào tạo lớp phi công ở Liên Xô?

- Tôi sinh ra ở làng Trinh Nữ, TX.Phổ Yên, Thái Nguyên. Nhà tôi ngày đó nghèo lắm, tôi là con thứ 4 trong gia đình 6 anh chị em. Học hết lớp 4, tôi đã phải ở nhà phụ giúp cha mẹ kiếm sống. Tôi nhập ngũ năm 1959, khi 20 tuổi, làm lính công binh ở Trung đoàn 239, người lúc nào cũng chỉ khoảng 54-55kg nhưng rất khoẻ vì chăm chỉ luyện tập thể thao. Năm 1961-1962 tôi là học viên dự bị của khoá bay. Để nâng cao trình độ văn hoá, tôi phải học ngày, học đêm. Sau đó, tôi được cử sang Liên Xô, là học viên ở trường Không quân Liên Xô.

Sức mạnh nào đã khiến lớp người như các ông - một lớp phi công mà "nhiều người còn chưa biết đi xe đạp" lại lái được những chiếc máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Liên Xô thời bấy giờ như MiG-21?

- Lớp phi công ngày đó xấp xỉ tuổi tôi, nhiều người cũng chỉ lớp 3, lớp 4. Sang đó, chúng tôi phải tiếp tục học văn hoá cho đủ tiêu chuẩn. Để phục vụ cho công tác, chúng tôi tập trung học các môn Toán, Lý, Hoá để nắm được khoa học kỹ thuật.

Tôi học không xuất sắc, nhưng luôn chịu khó, làm việc gì cũng tới nơi tới chốn. Khi đã làm được việc gì thì luôn nghĩ xem có cách nào để tốt hơn. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô, tôi đã thông thạo ngoại ngữ tiếng Nga và nắm vững kỹ thuật bay của máy bay Yak-52 và MiG-17.

Học được 3 năm, cuối năm 1964 chúng tôi về nước. Tháng 4/1965 chúng tôi bất ngờ nhận được lệnh cấp trên, tiếp tục đi học chuyển loại máy bay mới. Chúng tôi đi học là để tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chúng tôi sẽ là lực lượng nòng cốt trong hướng dẫn, sử dụng vũ khí mới (MiG-19 và MiG-21). Bằng nỗ lực của bản thân, tôi đã cùng đồng đội học tập đủ tiêu chuẩn để có thể lái được MiG-21. Cuối khoá, trong 16 phi công thì có 11 người bay được MiG-21.

Tôi nghĩ, sức mạnh đó được hun đúc từ sức mạnh tập thể mà phi công chúng tôi chỉ là người đem ý chí quyết chiến, quyết thắng lên bầu trời, là người ấn nút, xả đạn vào kẻ thù.

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 2.

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 3.

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 5.

Tôi nhớ trong một lần trò chuyện với phi công Phạm Phú Thái, tác giả của hai cuốn "Lính bay" nổi tiếng, ông Thái nói rằng, ông là thế hệ phi công "đáng ngưỡng mộ", nhiều thế hệ đàn em luôn coi ông là chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ?

- Thời kỳ khoảng năm 1965-1973, Mỹ đánh phá dữ dội miền Bắc, chúng tiến hành cuộc chiến tranh điện tử quy mô lớn với nhiều phương tiện điện tử tối tân. Chúng dùng máy bay trinh sát EB-66 để thám thính và săn lùng, bắn hạ các trạm ra-đa cảnh giới của ta. Đây là loại máy bay điện tử rất hiện đại của nền khoa học công nghệ Mỹ lúc bấy giờ, dùng để chở 12 đầu máy phát sóng cực lớn, gây nhiễu. Từ trên máy bay phi công Mỹ có thể xác định mức độ nguy hiểm từ các đài ra-đa theo dõi phía dưới. Mỹ coi đây là "Đài chỉ huy bất khả xâm phạm".

Mỗi đợt oanh tạc, không quân Mỹ thường sử dụng tốp nhiều chiếc, tạo ra màn nhiễu dày đặc làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chiến đấu của ta. Trong cuộc đời binh nghiệp, tôi đã bắn rơi 4 chiếc máy bay Mỹ, trong đó có 3 chiếc F-105. Chiếc EB-66 bị tôi bắn rơi ngày 14/1/1968 là chiếc thứ tư tại vùng trời Lang Chánh, Hồi Xuân, Thanh Hoá.

Trước đó tôi đã đụng độ với EB-66 một lần vào ngày 5/11/1966. Sau lần "tự thua" này tôi đã trăn trở, suy nghĩ, luyện tập để quyết trả "món nợ" này. Ngày 14/1/1968 tôi cùng Biên đội trưởng Nguyễn Đăng Kính lên không chiến, cách địch 20-30 km, Sở chỉ huy lệnh vứt thùng dầu phụ, tăng lực công kích. Tôi làm nhiệm vụ yểm trợ cho số 1. Sau ít phút nghe số 1 hô đã công kích và thoát ly, lúc đó tôi thấy một máy bay to với hai động cơ, thấy khói của hai động cơ lướt qua nắp buồng lái của máy bay tôi, tôi chỉnh, ngắm và quyết định phóng cả hai quả tên lửa. Quả 1 chìm xuống, vút lên rồi đâm thẳng vào một động cơ của chiếc EB-66, đẩy đi vài mét và cháy rất to. Đây là giây phút hạnh phúc nhất của một phi công khi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Ông từng là một trong số ít những phi công có thành tích trên 120 lần xuất kích chiến đấu, hàng chục trận đánh. Trận không kích nào khiến ông nhớ nhất?

- Tôi trở về nước vào tháng 10/1965, chiến tranh đã rơi vào giai đoạn khốc liệt. Kẻ thù mạnh hơn ta gấp bội về trang bị kỹ thuật, kỹ năng không chiến. Lúc đầu MiG-21 không thu được thắng lợi. Với sức mạnh ý chí tập thể sự nhanh nhạy, tướng Trần Mạnh đã cùng tập thể tìm ra lối đánh thích hợp nửa đánh chặn của MiG-21.

Bản chất của chiến thuật là sở chỉ huy dẫn vào bán cầu sau ở góc thích hợp, các phi công chủ động tạo thời cơ, góc vào, tốc độ chênh lệch tạo đà, bám sát bằng mắt, phóng tên lửa và thoát ly nhanh trước khi đối phương biết điều gì xảy ra. Đồng thời ta tận dụng tối đa điểm yếu của Mỹ: đông, không có dẫn đường mặt đất, tư tưởng phân tán do hệ thống tên lửa phòng không tên lửa, cao xạ của ta, cường kích thì đeo bom nặng khó xoay xở khi gặp bất ngờ. Tôi nhớ nhất là trận 11/7/1966 tại Tam Đảo, Sơn Dương (Tuyên Quang) đón đánh các tốp F-105 đang bay ra. Chỉ ít phút cất cánh, tôi đã bắn hạ được F-105 đúng tinh thần "đánh nhanh, thọc sâu, rút nhanh" mà phi công chúng tôi thường nói.

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 5.

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 6.

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 7.

Vậy trận không chiến nào khốc liệt nhất mà ông từng trải qua?

-  Nhiệm vụ chính của tôi là đánh máy bay trinh sát EB-66. Thường trước mỗi trận đánh chúng bay đi bay lại ở Yên Bái và Lang Chánh (Thanh Hoá) để soi toàn bộ ra-đa và máy bay của ta. Đi cùng nó luôn có 4 chiếc hoặc 8 chiếc máy bay yểm trợ.

Lần đánh ở Yên Bái, đó là một ngày đầu tháng 11/1966, lúc đó trời gần tối, chúng tôi nhận được lệnh. Mùa đông nên trời tối rất nhanh, chỉ vài phút tôi đã nhìn thấy máy bay ngay đằng trước, đối đầu, tý đâm nhau.

Tình huống lúc đó diễn ra quá nhanh, tôi lập tức nhảy dù, rơi ở giữa rừng Chấn Yên, Yên Bái, mắc vào một cành cây gẫy gục xuống. Tôi bất tỉnh, không biết bao lâu. Đến khi tỉnh dậy thấy mình đang mắc lơ lửng trên cây, cách mặt đất khoảng 5-6m. Trời tối om, xung quanh yên ắng, chỉ nghe tiếng gió rít ào ào. Tôi không leo xuống vội mà ngồi trên cây, thả lương khô xuống trước, rút súng ra rồi lên đạn sẵn, để phòng khi có con thú nào đó xông ra còn bắn. Chờ đợi một lúc không thấy động tĩnh gì, tôi mới ôm cây tụt xuống đất. Đang loay hoay gỡ dù thì có 4 anh du kích lao ra "cắm" súng vào trước ngực tôi. Định thần lại, tôi tự nhủ biết mình sống rồi và hô lên: "Đừng bắn! Tôi là phi công Việt Nam, các anh cứ kiểm tra giấy tờ".

Sau khi giao súng đạn và giấy tờ, 4 du kích định dìu tôi đi nhưng không cách nào đưa tôi ra khỏi rừng được, toàn bộ thắt lưng bị tê liệt. Họ đành kéo chân (nửa nằm, nửa ngồi), lê suốt khoảng một tiếng đồng hồ thì ra tới bờ suối. Tôi nghĩ nếu có suối dứt khoát là sẽ chảy ra sông lớn, tôi bảo mấy anh du kích dưới dù có phao. Loay hoay mãi các anh ấy mới bật được phao và khiêng tôi về. Hôm sau, Quân chủng đưa xe lên đón, tôi nằm viện dưỡng thương suốt 2 tháng, bị xẹp đốt sống lưng... Sau đó, tôi lại quay trở lại bay chiến đấu tiếp.

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 8.

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 9.

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 11.

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 11.

Thua rồi lại thắng, con người ông là minh chứng cho sự bền bỉ và kiên trung đến kinh ngạc. Tôi được biết ông 4 lần nhảy dù, 4 lần bị thương và cũng 4 lần kiên cường cắp mũ bay trở lại bầu trời chiến đấu (trong lịch sử Không chiến, rất hiếm có người bị thương tới 4 lần vẫn trở lại bay - PV). Lúc đó ông đã suy nghĩ như thế nào?

-  Đất nước đã trải qua một thời kỳ chiến tranh đầy cam go, ác liệt. Với thế hệ chúng tôi, khi đất nước bị xâm lược, được cầm súng chiến đấu giành độc lập vừa là bổn phận, vừa là niềm tự hào của mỗi người. Khi đó, tôi chỉ có mỗi một suy nghĩ, nhiều đồng đội của mình đã đổ xương máu để chiến đấu giành lại độc lập cho Tổ quốc, mình được nhà nước cho ăn học, sau khi bị thương mình vẫn còn đi được, lúc này, đất nước đang rất cần những người đã có kinh nghiệm, mình đã được trải nghiệm qua các trận chiến nảy lửa với Không quân Mỹ, vậy thì bằng giá nào cũng phải cố gắng chiến đấu tiếp. Nếu tư tưởng được xác định, mọi thứ sẽ vượt qua. Còn nếu không xác định thì "khoẻ cũng thành yếu, khoẻ cũng cáo bệnh". Đó là thực tế.

Dù là một trong những phi công có nhiều thành tích trong Kháng chiến chống Mỹ nhưng con đường để được vinh danh của ông lại vô cùng vất vả. Vì sao vậy, thưa ông?

- Năm 1970 tôi tiếp tục được cử sang Học viện Không quân Liên Xô học tiếp. Năm 1975 tôi tốt nghiệp về nước, làm Trung đoàn trưởng. Sau đó về làm Hiệu phó trường Sỹ quan Chỉ huy kỹ thuật Không quân ở Nha Trang, rồi lại về Sư đoàn được 3 năm. Khi về Sư đoàn cũng xảy ra một sự việc đáng tiếc. Khi đó tôi làm Tham mưu trưởng. Một lần diễn tập, phi công ở Trung đoàn bay trinh sát ở gần biên giới Trung Quốc. Máy bay trục trặc, anh ấy lạng sang bên Trung Quốc, bị bắn 2 quả tên lửa nên rơi và bị bắt làm tù binh.

Trước khi bay, máy bay ngoài thợ máy kiểm tra, Trung đoàn trưởng kiểm tra rồi, nó bị trục trặc về đồng hồ nhưng Trung đoàn trưởng vẫn tiếp tục cho bay. Là Tham mưu trưởng nên tôi phải chịu trách nhiệm. Tôi không bị kỷ luật gì, nhưng con đường binh nghiệp của tôi từ đó dừng lại, không phát triển được nữa. Tôi về làm Chánh Thanh tra Quân chủng Không quân cho đến khi nghỉ hưu.

Ông thuộc phi công lớp đầu lái MiG-21, những phi công cùng thời và thế hệ sau mà ông dẫn dắt, nhiều người đã được phong tướng và phong tặng danh hiệu AHLLVTND. Nhưng mãi đến năm 2015 ông mới được trao tặng danh hiệu AHLLVTND, khi đó ông đã 77 tuổi. Có lúc nào mà trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông cảm thấy chạnh lòng không?

- Tôi không bao giờ nghĩ đến việc mình được phong anh hùng. Tôi chỉ nghĩ một cách đơn giản, mình đã hoàn thành nhiệm vụ, đã cố gắng hết sức mình để phục vụ Tổ quốc. Còn nếu chưa được ghi nhận, có thể bởi thành tích của mình chưa được cao. Anh hùng phải là những người tài giỏi, có công, tôi nghĩ rằng công của mình còn nhỏ, chưa phấn đấu đủ tốt để Nhà nước công nhận, chứ không phải "tại ông nọ, ông kia".

Khi được phong anh hùng, tôi cũng thấy hơi đột ngột, tuy rằng anh em, đồng đội họ cũng đề cập đến vấn đề đó lâu rồi. Thấy hơi đột ngột nhưng cũng rất vui, phấn khởi vì thấy rằng mình đã được ghi nhận. Tôi nghĩ, được phong anh hùng đã khó nhưng giữ được vai trò của người anh hùng còn khó hơn. Trước đây là một Đảng viên, nhưng giờ đây tôi thêm một vị thế khác, vì vậy phải cố gắng làm tất cả những gì có thể cho tổ dân phố và bà con lối xóm. Tôi luôn tự nhủ rằng, khi nào nhắm mắt xuôi tay mới biết mình tốt hay xấu. Chứ còn sống tôi sẽ luôn luôn cố gắng - cố gắng sống như một anh hùng.

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 12.

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 14.

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 14.

Khi gặp lại, các ông đã nói gì với nhau? 

- Đó là cuộc hội ngộ cởi mở và thân tình, bởi suốt một thời gian dài chúng tôi từng được xem là đối thủ của nhau trên trời. Trong chiến tranh, người lính chiến đấu là để cho nền hòa bình, thống nhất đất nước. Kết thúc chiến tranh, chúng tôi chỉ biết tên tuổi của nhau qua sách báo, chưa từng một lần gặp mặt.

Trước cuộc gặp này, tôi và phi công Mỹ tên là W.Joe Latham từng trao đổi qua lại qua Zalo. Thú thật trước đó tôi cũng có cảm giác ái ngại vì dù sao đó cũng là kẻ xâm chiếm đất nước mình, là kẻ đã nã súng vào mình. Nhưng thời gian đã trôi đi, những vết thương quá khứ đã liền da, chúng tôi cũng có cảm giác rằng, những cựu phi công Việt-Mỹ cũng có những nỗi niềm thật giống nhau. Trong chiến tranh, chúng tôi làm nhiệm vụ gìn giữ đất nước, còn ở ngoài đời thường, chúng tôi cũng là những con người bình dị, cũng có những cảm xúc.

Tại cuộc gặp, W.Joe Latham đã kể về trận chúng tôi đối "đối đầu" nhau, anh ta bắn tôi thế nào, hỏi rằng có đúng như vậy không và tôi xác nhận. Anh ấy hỏi sau trận đó tôi còn đi đánh được nữa không. Tôi đã trả lời: "Còn chứ! Còn đi săn tiếp vài trận nữa. Cả tôi và đội trưởng của tôi là Nguyễn Đăng Kính đều đã bắn rơi mỗi người một EB-66 nữa".

Tôi cũng nhờ anh ấy nếu gặp lại 4 phi công tôi từng bắn rơi họ, nhắn nhủ rằng nếu có dịp sang Việt Nam, tôi sẽ mời họ một "bữa cơm Việt Nam".

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 15.

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 16.

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 17.

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 18.

Trong chiến tranh khốc liệt như vậy, ông chủ yếu thực hiện nhiệm vụ "trên trời", làm thế nào mà ông quen biết và lấy được một cô gái đẹp như vậy?

- Rất nhiều năm, tôi không nghĩ đến chuyện yêu đương bởi tôi nghĩ rằng chiến tranh chẳng biết sống chết thế nào, nếu lấy lại làm khổ người phụ nữ. Tôi biết rất nhiều bạn bè của tôi đã chia tay nhau vì chiến tranh. Tôi quen cô ấy năm 1968 nhưng không dám hứa hẹn hay ngỏ lời gì. Chỉ đến năm 1970, khi biết mình được cử sang Liên Xô học tiếp, tôi mới dám ngỏ lời. Chúng tôi cưới nhau và sinh được 3 cô con gái. Tôi may mắn lấy được người vợ chu đáo, cô ấy lo toan mọi thứ trong gia đình thật toàn vẹn. Nghĩ mà thương, cả ba lần vượt cạn đều chỉ có một mình. Nhưng biết làm sao được, là vợ lính, lại là lính phi công thì phải xa cách là chắc chắn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. Kính chúc ông, bà thật nhiều sức khoẻ!

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 20.

 

Anh hùng phi công Đồng Văn Song: Chiến binh săn máy bay trinh sát điện tử EB-66 tối tân của Mỹ - Ảnh 20.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem