img
img
img
 

imgnh được coi là hình mẫu của thanh niên dám nghĩ, dám làm, là điển hình trong khởi nghiệp bằng nông nghiệp với mức thu tiền tỷ; người ta nhắc nhiều đến thành công của anh nhưng tôi lại quan tâm đến những lần anh thất bại, tôi tự hỏi mỗi lần như thế, anh đã bắt đầu lại như thế nào?

Đúng là tôi thất bại không ít, cho đến giờ tôi cũng không thể nhớ chính xác cảm giác của mình qua những lần thất bại, thậm chí nhiều đến mức chẳng có cảm giác gì. Có thời gian tôi làm theo… thói quen, theo quán tính. Nghĩa là đã leo lên ngựa rồi phải đi, không thể dừng lại, không thể xuống. Và tôi cũng khẳng định rằng đến giờ tôi chưa hề thành công.

img
 

Để nói về những lần thất bại, cần nhắc lại hành trình của tôi một chút: Tôi bắt đầu bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2004. Trước đó tôi sống ở TP.HCM từ 1996 đến 2002 mới ra Bắc, và mất gần 2 năm sống ở Hà Nội với đủ thứ nghề: từ bảo vệ đến buôn phế liệu và cũng thử tập tành làm kinh doanh… nhưng thấy cuộc sống ở đó không phù hợp với mình nên quyết định về quê lập nghiệp.

Lúc đó hoàn toàn là những mong ước và sự bồng bột của tuổi trẻ, khi về làm trang trại tôi không lượng hết được sức mình cũng như không lường trước được những khó khăn mà mình sẽ gặp phải. Khởi nghiệp không đơn thuần là bỏ sức ra làm là sẽ thành công, mà nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: tài chính, kinh nghiệm rồi phân tích thị trường… mà với tôi thời điểm đó, tất cả những kiến thức cao siêu ấy là con số 0 tròn trĩnh.

Tất nhiên tôi chỉ ngộ ra sau rất nhiều lần thất bại, còn thời điểm đó tôi suy nghĩ đơn giản lắm, cũng chẳng có khái niệm gì về khởi nghiệp cả, chỉ là làm kinh tế nâng cao thu nhập cho bản thân và tạo công ăn việc làm cho nhiều người, thế nên thấy người ta làm gì là làm theo và kết quả là “làm đầu đổ đuôi, làm xuôi đổ ngược”.

Tôi còn nhớ năm 2005, 2006 khi mới bắt đầu nuôi vịt tôi “vấp” ngay phải dịch cúm gia cầm, hàng không bán được, trứng thì thối, ngan vịt đều quá lứa, bán rẻ cũng không ai mua. Mà nào đã hết, nuôi cá thì không biết kè bờ, mưa lụt là tràn hết, nuôi lợn thời điểm đó giá cũng rẻ như cho… tóm lại thất bại liên tiếp.

Sau ngẫm nghĩ lại, tôi tự thấy thất bại của mình không phải do mình lười mà do mình “dốt”, mà đặc biệt “dốt” trong việc không nắm bắt được thị trường và định hướng được thị trường trong quá trình sản xuất. Chưa kể nông sản của mình phụ thuộc quá nhiều vào thương lái nên luôn luôn bị ép giá.

img

Nhiều người gọi anh là “vua vịt trời”, anh thấy mình xứng đáng với danh xưng đó không? Anh từng khẳng định con vịt trời đã mang lại cho anh nhiều hơn cả giá trị kinh tế, đó là những giá trị gì?

Mọi người quý mến tôi ra sao thì mọi người gọi như vậy, tôi không quá nặng nề vì đó chỉ là cái tên, nhưng tôi cũng vui vì đó cũng là cách nhận diện thương hiệu của bản thân tôi.

img
 

Thực ra, tôi bén duyên với vịt trời sau một lần thất bại. Năm 2007, tôi bắt đầu nuôi vịt trời, lúc ấy cũng nuôi chơi thôi vì sẵn chuồng thì bắt về nuôi, lại đúng thời điểm dịch cúm nên sự kỳ vọng của tôi cũng không nhiều. Thật bất ngờ là con vịt trời đã mang lại hiệu quả kinh tế quá lớn. Từ năm 2007 đến 2016, tôi tự tin là mình đã tạo ra được giá trị kinh tế rất lớn từ con vịt trời, thông qua đó tôi còn cung cấp hệ thống giống cho bà con quanh vùng và đến nay những người nuôi vịt trời đều thành công cả.

Nuôi vịt trời bây giờ vẫn đang có lợi nhuận, dù không nhiều như ngày xưa. Trước đây 1 con vịt trời có thế bán được 450 nghìn, giờ chỉ bán được khoảng 80 nghìn, chi phí sản xuất ra tầm 60 nghìn, thế là có lợi nhuận rồi.

Tuy nhiên, nhược điểm của con vịt trời là phục vụ cho một nhóm người, hay còn gọi là phân khúc khách hàng cao cấp hơn nên không thể bán được với số lượng lớn kiểu vài nghìn con mỗi ngày, có khi mình chỉ bán được vài trăm con thôi, thế nên nếu chúng ta chỉ nuôi để bán sản phẩm thô thì không còn phù hợp nữa. Trước kia chúng ta cứ ra chợ mua con vịt sống về giết rồi chế biến các món, nhưng nay nuôi số lượng lớn mà chỉ trông chờ bán từng con ngoài chợ thì nói gì đến làm ăn lớn. Chính thực tế đó đặt ra yêu cầu phải chế biến sẵn, có sản phẩm sơ chế sẵn, tươi ngon để khách đến chỉ việc mua.

Nhận định được yêu cầu đó của thị trường, tôi nghĩ ngay đến việc chuyển đổi mô hình sản xuất. Chuyển đổi không có nghĩa là bỏ tất cả mà vẫn duy trì đàn vịt trời ở mức độ nhất định. Đồng thời duy trì việc giữ giống và phát triển thêm các giống vịt bản địa có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt tốt. Hiện tại, trang trại của tôi đang giữ được 2 giống vịt quý là giống Sín Chéng (nguồn gốc từ Lào Cai) và Cổ Lũng (Bá Thước, Thanh Hóa).

Những nguồn giống quý này chính là “át chủ bài” để tôi tiến tới mục tiêu xây dựng và hoàn thiện quy trình chế biến các sản phẩm từ vịt. Mình làm gì cũng cần phải chuẩn bị kỹ, không thể “ăn đong” được.

img
 

Khi tham dự các hội thảo, các diễn đàn, anh đều nhắc rất nhiều đến các hình thái sản xuất nông nghiệp hiện đại, đó là liên kết, là hình thành chuỗi, là nông nghiệp hữu cơ… Đó có phải là “giấc mơ” mà anh đang dần biến thành hiện thực ở trang trại của mình?

Tôi không giấu giếm điều đó và đang chuẩn bị tốt nhất mọi thứ để thực hiện giấc mơ lớn của cuộc đời mình. Hãy luôn mơ những giấc mơ lớn nhưng khi thực hiện phải thực tế, không viển vông, không hão huyền.

img
 

Bạn thấy trang trại của tôi từ đường vào đến khu chuồng nuôi, ruộng lúa, ruộng dưa… cỏ dại mọc cao ngút trời nhưng tôi chưa xử lý vì đang trong quá trình chuyển đổi mô hình sang nông nghiệp hữu cơ. Tôi không thể dùng thuốc diệt cỏ hay loại hóa chất nào để thúc đẩy nhanh quá trình đó, buộc phải sử dụng cách xử lý thủ công và người cắt không nhanh bằng cỏ mọc (cười), nhưng đó cũng là thứ phải chấp nhận để có được sự thay đổi tích cực hơn.

Bạn vừa nhắc đến chuỗi, nhưng chuỗi là gì? Khái niệm có thể rất đơn giản nhưng thực tế sản xuất không hề đơn giản. Theo tôi, chuỗi là một ngành hàng từ sản xuất tới phân phối, tiêu thụ, bảo quản, logistic, kiểm soát chất lượng… Chỉ cần 1 câu nói là xong khái niệm chuỗi nhưng phân tích ra mới thấy rất nhiều vấn đề. Ví như truy xuất nguồn gốc, anh sản xuất ở trang trại nào, sử dụng nguồn thức ăn nào, nguyên liệu nào. Bước vào sơ chế thì anh giết mổ theo công nghệ nào, có được kiểm dịch hay không. Rồi muốn chế biến sâu phải pha lọc, sử dụng công nghệ nào muối hay hun khói… sau đó mới ra phân phối, trong quá trình này lại liên quan đến vấn đề bảo quản, vận chuyển đi bằng phương tiện gì. Đó là chưa kể đến xuất khẩu thì còn rất nhiều công đoạn, yếu tố khác nữa…

Chúng ta cứ nói sản xuất chuỗi cho oai chứ chúng ta mới chỉ sản xuất được phần ngọn, chứ gốc gác của vấn đề là chưa làm được. Câu chuyện là ngày hôm qua chúng ta bán vịt nguyên con ở chợ làng, nhưng hôm nay chúng ta phải tạo giá trị cho con vịt, nó không phải là con vịt 30-50 nghìn/kg nữa, mà con vịt được định giá bằng giá trị sản phẩm thông qua các mắt xích tạo nên giá trị, đó là thương hiệu.

Anh nói như một diễn giả, còn thực tế anh đã làm những gì để tạo thêm giá trị cho con vịt trời ở trang trại của anh?

Tôi đã thử nghiệm thành công vịt hun khói và thành phẩm được đánh giá cao, nhưng vẫn chưa thể đem ra chợ bán. Câu chuyện ở đây là tôi chỉ bán khi nó đã có thương hiệu và tôi trang bị đủ cho mình những “lá bùa” tự bảo vệ chính xác các sản phẩm của mình. Không thể làm ra sản phẩm cái là mang ngay ra chợ bán, cách đó không thể đi lâu dài.

Tôi đã tự tạo ra bộ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm dưa được trồng tại trang trại của mình, đó là chữ Lucavi được hình thành trên chính vỏ của mỗi quả dưa trong quá trình trồng. Khi có vấn đề tranh chấp thương mại, chỉ đơn giản là dòng chữ Lucavi thôi, nhưng đó chính là cứu cánh để mình chứng minh được đó có phải là sản phẩm của mình hay không.

Cũng như câu chuyện giải quyết khủng hoảng truyền thông, anh bảo dưa của tôi có vấn đề, thế thì anh mang lại đây cả lô hàng, nếu đúng bộ nhận diện thương hiệu, tôi chấp nhận giải quyết và phối hợp giải quyết sao cho thấu đáo nhất.

Về cơ bản hiện tôi đã hoàn thiện việc dán tem và có nhận diện thương hiệu riêng trên từng trái dưa của tôi. Tôi đã mua phần mềm và có máy in tem luôn. Mỗi sản phẩm đưa ra mình có thể tự nhập thông tin lên hệ thống và người tiêu dùng có thể truy cập để nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nói như thế để thấy việc phòng vệ, bảo vệ mình trong sản xuất kinh doanh là rất quan trọng nhưng hầu như ít có doanh nghiệp của Việt Nam để ý tới vấn đề này. Chúng ta chỉ để tâm tới sản xuất, bán hàng mà không tính tới việc bảo vệ, phòng vệ khi xảy ra sự cố.

Tôi đang loay hoay xây dựng và tái thiết lập từ 2 năm nay cho chương trình đó và đang vận hành, làm sao để trong năm 2019 sẽ setup được đầy đủ từ: sản xuất, chế biến và phân phối. Còn rất nhiều việc phải làm, nhưng tôi có niềm tin là mình làm tốt, thực tâm, có đạo đức trong quá trình sản xuất thì chắc chắn sản phẩm của mình sẽ được người tiêu dùng đón nhận và chấp nhận.

img
 

Việc trang bị, phòng vệ này có phải xuất phát từ chính thực tế anh đã bị tranh chấp hoặc vấp phải những rắc rối trong kinh doanh đúng không?

Đúng là thế. Trước đây khi bán vịt trời, tôi đã từng gặp rắc rối khi khách lấy hàng chỗ tôi và cả ở nơi khác, nhưng khi xảy ra sự cố thì quay lại “bắt đền”. Tôi nhìn đã biết không phải là vịt từ trang trại của mình, bởi đó là vịt nuôi công nghiệp, nhưng rất khó để chứng minh điều đó, cuối cùng cứ cãi qua cãi lại rất mất thời gian và mất cả uy tín.

Hay như câu chuyện với quả dưa lưới, khi tôi phân phối cho đại lý thì ít lâu sau nhận được phản hồi là dưa này rất nhạt và đòi trả lại. Đó là điều không tưởng bởi giống dưa mà tôi lựa chọn từ đầu là giống của Nhật, quả nhỏ nhưng vị ngọt sắc, nhưng dưa thì quả nào chẳng giống quả nào, lấy cái gì chứng minh dưa của mình bị đã trà trộn?

Tôi đã kể những câu chuyện và thắc mắc của mình về việc làm thế nào để có thể nhận diện được các sản phẩm do mình làm ra, và được sự tư vấn, giúp đỡ của nhiều chuyên gia kinh tế nên tôi đã mày mò tự tạo một bộ nhận diện riêng cho sản phẩm dưa lưới được trồng tại trang trại.

Thế nên nếu muốn phát triển bền vững, lâu dài, không thể làm ăn chộp giật được.

Tôi cũng khẳng định luôn để nông dân làm được việc này rất khó vì nông dân họ chỉ tham gia một mắt xích nhỏ trong chuỗi sản xuất, và tôi đang có tham vọng rằng tôi sẽ trở thành một người dẫn dắt “cuộc chơi”, và đưa những hộ nông dân, những người có đất đai tham gia các mắt xích của mình trong quá trình sản xuất. Mà muốn như thế thì tôi phải có thời gian chuẩn bị, có thể là vài ba năm, cũng có khi lên tới 5 năm, 10 năm, tùy thuộc vào tham vọng của mình đến đâu, như thế nào?

Hiện tại tôi đã cố gắng không mệt mỏi để hoàn thiện dần những công việc cơ bản nhất, đó là: cơ sở pháp lý, đăng ký nhãn hiệu lên Cục Sở hữu Trí tuệ rồi xây dựng bộ nhận diện, thực hiện công tác bảo vệ môi trường… đó là những việc cần phải làm cho phát triển.

img
 
img
img
 

Trò chuyện với anh, nghe anh nói về thương hiệu, tranh chấp thương mại rồi phân phối, logicstic… tôi có cảm giác đang phỏng vấn một chuyên gia nông nghiệp chứ không phải một người sản xuất kinh doanh đơn thuần với vô số lần thất bại. Điều gì đã “biến” anh từ một người chỉ làm theo cảm tính, bồng bột thành một “chuyên gia” như hiện nay?

Khi bạn sản xuất nhỏ lẻ, đơn giản thì bạn sẽ không quan tâm đến tất cả các vấn đề trên, những khi bạn muốn sản phẩm của mình hoàn thiện thì bạn bắt buộc phải nghĩ đến những thứ vĩ mô. Tôi học theo “giấc mơ” của mình. Khi tôi nghĩ đến những điều lớn lao hơn việc chỉ bán 1 con vịt ở chợ, thì chắc chắn tôi phải học cách để gia tăng giá trị cho con vịt, tôi phải tự hỏi: lần này có thể bán được 100-120 nghìn, nhưng lần sau khi giá giảm, làm cách nào để vẫn bán được giá cũ, thậm chí cao hơn.

img

Muốn như thế thì phải thuê các chuyên gia, chịu khó đọc và học để bổ sung cho chính mình, từ trước đến nay câu chuyện chúng ta luôn thua trong các vụ kiện hay tranh chấp thương mại, thương hiệu trên thị trường quốc tế là do chúng ta không biết cách bảo vệ mình, điều tưởng quá đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được.

Tôi may mắn được gặp gỡ nhiều chuyên gia kinh tế, đặc biệt là các chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi lại còn được đi tham quan, học tập mô hình ở nước ngoài nữa. Tôi từng sang Đài Loan gặp gỡ vua vịt, sang Nhật học cách làm phân bón hữu cơ… Chính những chuyến đi, những cuộc gặp đó đã giúp tôi nhìn nhận lại bản thân và nhận ra những thiếu sót trong kinh doanh của mình. Tất nhiên, cho đến bây giờ mô hình kinh tế của tôi vẫn chưa thể gọi là hoàn thiện, nhưng biết mình yếu ở đâu cũng là điều may mắn rồi.

img
 

Nuôi vịt trời, nuôi cá, trồng lúa, xây dựng nhà máy chế biến phân bón, giờ lại trồng dưa lưới… tại sao anh không chú tâm vào một việc, chẳng hạn chỉ phát triển thế mạnh của mình là con vịt trời? Anh có nghĩ mình quá “tham” hay không?

Tôi chỉ kể với bạn câu chuyện này, nếu 1 con vịt khi chúng ta giết thịt, lông của nó sẽ bị vứt đi, nhưng với chúng tôi lông vịt có giá trị kinh tế lớn. Nhưng chỉ khi chế biến lớn chúng ta mới tập hợp và phân loại được các loại lông, ví dụ lông mềm có thể làm áo hay nhồi làm chăn, gối, đệm… đây chính là loại lông cao cấp nhất, có giá bán cả triệu đồng mỗi kg. Còn phần lông ống được dùng để sản xuất cầu lông.

img

Chưa hết, xương vịt cũng thường bị bỏ đi, 1-2 con thì điều đó bình thường nhưng khi đã nuôi mấy chục nghìn con như tôi thì xương cũng là thứ “hái ra tiền”. Có thể dùng sản xuất nước dùng hay các loại hạt nêm, bột thịt xương, hoặc cao cấp hơn nữa là sản xuất ra được thức ăn cho chó, mèo… rất rất nhiều công dụng. Nhưng chúng ta chỉ làm được điều đó khi có số lượng xương lớn, nghĩa là sản xuất, chế biến lớn.

Rồi phần tiết vịt, nếu ít có thể đánh tiết canh nhưng khi giết mổ tới cả vạn con mỗi ngày thì phần tiết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, thế thì tôi phải làm phân bón, phải tận dụng để bón cây, nuôi cá…. Đó là lý do vì sao cứ sau một thời gian, tôi lại “đẻ” ra một thứ để làm, vì muốn tận dụng tối đa những thử nghiệm của mình và xây dựng trang trại thành chuỗi sản xuất khép kín.

Tóm lại, nếu mua 1 con vịt 100 nghìn về làm thịt, bạn chế biến thành bao nhiêu món đi nữa thì vẫn lãng phí khi bỏ xương, bỏ lông. Nhưng nếu tôi đưa chúng vào chuỗi sản xuất và tận dụng hết các bộ phận của nó, thì con vịt của tôi có thể tăng giá trị lên gấp 5 lần, tôi nghĩ bất cứ ai hiểu được điều này đều muốn tham lam, ôm đồm như tôi.

Với một khối lượng công việc như anh đang đảm nhiệm mà lại chỉ có một mình anh cáng đáng, tại sao anh không tìm thêm cộng sự để san việc và quản lý tốt hơn? Hay vì anh quá cầu toàn?

Có thể bạn nói đúng, tôi đơn độc vì quá cầu toàn, nhưng tôi có lý do của mình. Biết đâu trong 5 năm tới vai trò của tôi lại khác, nhưng giai đoạn đang setup, thiết kế này mà tôi không trực tiếp tham gia thì tôi không yên tâm.

Thường nông dân họ không được đào tạo, huấn luyện để làm những công việc quản lý, do đó tôi muốn đích thân mình làm từ việc nhỏ nhất. Chỉ khi hệ thống đã vận hành theo một “đường mòn” tôi tạo sẵn thì tôi sẽ nghĩ tới việc giao quyền cho người khác.

Có thể bạn đang nghĩ tôi hơi “độc quyền”, nhưng thực tế là tôi đã từng mời những người tài năng về cộng tác với mình, nhưng nó liên quan đến bí quyết công nghệ, liên quan đến định hướng, quan niệm kinh doanh mà tôi theo đuổi. Tôi đã bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc để tự tìm tòi, nghiên cứu nhằm vận hành chuỗi sản xuất của mình, nhưng một người mới đến họ chỉ mất khoảng 1 tuần để nắm bắt tất cả những điều tôi đã trải qua tới 5-10 năm.

Và khi đã nắm bắt được, họ sẵn sàng quay lại “phản” mình, hoặc ra đi thành lập doanh nghiệp mới và nhanh chóng trở thành đối thủ của mình trong kinh doanh cùng lĩnh vực, cùng ngành nghề. Tôi thà vất vả còn hơn để người khác hưởng thành quả của mình.

img
img
 

Anh muốn mọi người nhìn nhận mình ở vai trò là một nông dân khởi nghiệp hay là giám đốc một doanh nghiệp về nông nghiệp?

Tôi không rõ người khác nghĩ về khởi nghiệp như thế nào, riêng với bản thân mình tôi suốt đời khởi nghiệp. Và tôi cũng đóng 2 vai cùng một lúc, khi ngoài cánh đồng hay trong chuồng trại tôi thấy mình là nông dân đích thực, có thể nhìn là nhận biết được vịt khỏe hay ốm, vịt nuôi hữu cơ hay công nghiệp.

img
 

Còn khi ra thương trường, tôi đóng vai người quản lý, điều hành để cầm chịch chuỗi sản xuất của mình đi vào quy củ. Tôi học hỏi, tham quan, theo dõi thị trường và đưa ra nhận định của mình để tự định hướng cho mình khi lựa chọn các mô hình phù hợp.

Một câu hỏi không hề mới nhưng luôn luôn thức thời, đó là anh có lời khuyên gì với những người khởi nghiệp bằng nông nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ?

Tôi chia sẻ rất chân thành: khởi nghiệp nông nghiệp là lĩnh vực cực kỳ khó. Các bạn trẻ đừng nên khởi nghiệp bằng nông nghiệp nếu chưa đủ can đảm và đam mê, không có quyết tâm và nhiệt huyết thì hãy chọn lĩnh vực khác. Bởi vì nông nghiệp sẽ thử thách bạn ít nhất 3-5 năm để xem bạn có đủ sức để đeo bám nó hay không, bạn đủ sức để cầm cự hay không?

Những điều này tôi đúc rút từ chính kinh nghiệm của tôi, tôi bầm dập nhiều rồi, tôi thất bại quá đủ rồi, nếu không coi đây là cái nghiệp, là niềm đam mê của mình, tôi đã không thể trụ vững, không thể vượt qua những lần cảm thấy chán nản và muốn dừng chân.

Làm nông nghiệp rất dễ nhưng thành công với nông nghiệp vô cùng khó.

Những gì anh đang có trong tay là mơ ước của rất nhiều người, anh cũng có nguồn thu nhập hàng chục tỷ mỗi năm, tại sao anh vẫn cho rằng mình chưa thành công? Lẽ nào cũng là do anh quá cầu toàn?

Như tôi đã nói ở đầu cuộc trò chuyện, tôi chưa hề có cảm giác mình thành công, lúc nào tôi cũng thấy mình đang khởi nghiệp, tôi suốt đời khởi nghiệp. Tôi quan niệm sự nỗ lực trong 1 tuần mới chỉ là ngẫu hứng, nỗ lực trong 1 tháng mời là bắt đầu, trong 1 năm mới là khởi đầu, trong 5 năm mới thành khởi nghiệp, trong nhiều năm mới thành nghề nghiệp.

Với tôi thành công không phải là cái đích, mà thành công của tôi là trên đường đi và tôi cảm thấy hạnh phúc, làm được những điều mà tôi cho là đúng, thỏa mãn được đam mê và mang lại những lợi ích tích cực cho những người sống xung quanh mình, đó chính là thành công.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

img
img
 

“Nguyễn Đăng Cường không phải là thanh niên khởi nghiệp duy nhất được UBND tỉnh Bắc Ninh ưu ái, chúng tôi luôn dành mọi điều kiện tốt nhất để mọi người, đặc biệt là lớp trẻ trở về quê lập nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp.

Với riêng Cường, cậu ấy là người dám nghĩ dám làm. Vào thời điểm thu nhập lên tới gần 20 tỷ từ vịt trời, Cường vẫn không ngừng cải tiến và mở rộng quy mô chuồng trại để thực hiện những dự án vĩ mô, to lớn. Tôi đánh giá cao sự mạo hiểm này.

Dù đã trải qua nhiều thất bại và hiện tại vẫn tiếp tục trên con đường đầy chông gai, nhưng tôi tin là với định hướng đúng đắn, với suy nghĩ nghiêm túc, với sự tìm tòi, học hỏi không ngừng nghỉ, chắc chắn Cường sẽ thành công.

Tôi mong muốn và kêu gọi các bạn trẻ hãy mạnh dạn dấn thân, mạnh dạn thay đổi tư duy và đừng ngại khó, ngại khổ. Tôi khẳng định lại một lần nữa, UBND tỉnh Bắc Ninh luôn tạo mọi điều kiện, trợ giúp về chính sách, chủ trương sao cho thuận lợi nhất để các bạn trẻ có thể vững vàng hơn trên con đường khởi nghiệp”.

img
img
 

Nội dung: Tố Loan

Ảnh - Video: Nguyễn Chương - Trần Quang

Thiết kế: Việt Anh

Kỹ thuật: Hiếu Phạm

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem