Thiếu hụt tàu bay, ngành hàng không làm gì?

Gia Linh Thứ năm, ngày 26/12/2024 15:48 PM (GMT+7)
Hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đã dần phục hồi. Tuy nhiên, các đơn vị hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề thiếu hụt tàu bay.
Bình luận 0

Ngành hàng không đang dần chuyển mình

Sau thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19, hoạt động của các hãng hàng không Việt Nam đang dần chuyển biến, đặc biệt ở mảng vận tải quốc tế. Tại Hội nghị tổng kết công tác an toàn hàng không năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Hồ Minh Tấn cho biết tính đến ngày 20/12/2024 tổng số tàu bay hiện là 249 chiếc (220 tàu bay cánh bằng và 29 trực thăng), giảm 12 tàu bay so với năm 2023.

Sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đạt 53,3 triệu khách (giảm nhẹ 4,5% so với năm 2023). Tuy nhiên, sản lượng hành khách quốc tế tăng 18,5% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt 445,7 nghìn tấn (tăng 35,7% so với cùng kỳ 2023).

Cũng trong năm 2024, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện được 306.000 chuyến (giảm 11% so với cùng kỳ 2023) tương ứng với 674.000 giờ bay (giảm 8% so với cùng kỳ 2023).

Ngành hàng không tiếp tục tìm cách ứng phó với việc thiếu hụt tàu bay - Ảnh 1.

Hoạt động vận tải hàng không, đặc biệt là thị trường quốc tế đang tích cực phục hồi. Ảnh: Gia Linh

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Hồ Minh Tấn đánh giá hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đã dần phục hồi, hoạt động vận tải hàng không cơ bản đảm bảo an toàn. Các chỉ số an toàn trên 1000 chuyến bay được duy trì tốt.

Tuy nhiên, ngành hàng không hiện nay đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, vấn đề đáng chú ý nhất là tình trạng thiếu tàu bay khai thác tiếp tục diễn ra do lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt Whitney (hiện tại có tổng số 26/53 tàu bay A321NEO đang phải bảo quản dừng bay).

Điều này khiến nguồn cung ứng thiết bị tàu bay khó khăn, buộc các hãng hàng không tối ưu hoá thời gian sử dụng tàu bay để đáp ứng nhu cầu vận chuyển làm tăng áp lực cho hệ thống bảo dưỡng, cung ứng vật tư, nguồn nhân lực.

Được biết, thời gian qua, đội bay của các hãng hàng không Việt Nam giảm khoảng 40-45 chiếc so năm 2023 do việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất và việc tái cơ cấu của Bamboo Airways và Pacific Airlines).

Hàng không triển khai loạt giải pháp ứng phó

Trước tình hình trên, Cục Hàng không cho biết đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các giải pháp giảm thiểu rủi ro như: tổ chức thực hiện rà soát công tác đảm bảo an toàn thông qua các hoạt động của các Đoàn kiểm tra an toàn tối thiểu của năm, các đợt kiểm tra gia hạn giấy chứng nhận người khai thác tàu bay đối với tổ chức, gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện bay đối với tàu bay.

Đặc biệt, Cục luôn tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong việc tìm kiếm và bổ sung tàu bay (bao gồm thuê khô và thuê ướt) để đáp ứng nhu cầu khai thác; tăng cường nâng cao các biện pháp đảm bảo an toàn trong bối cảnh các hãng hàng không tối ưu hoá thời gian sử dụng tàu bay để đáp ứng nhu cầu vận chuyển.

Ngoài ra, Cục rà soát hiệu quả các giải pháp giảm thiểu rủi ro và thực hiện tăng cường bổ sung trong trường hợp cần thiết; tổ chức việc xếp lịch bay tính đến quản lý rủi ro mệt mỏi và các báo cáo mệt mỏi của tổ bay nhằm tăng giới hạn của tổ bay đối với các tình huống không lường trước, bất thường trong chuyến bay…

Ngành hàng không tiếp tục tìm cách ứng phó với việc thiếu hụt tàu bay - Ảnh 2.

Các hãng hàng không tìm cách bổ sung tàu bay. Ảnh: Gia Linh

Cục Hàng không đã tổ chức kiểm tra an toàn hàng không tại một số đơn vị về việc chấp hành các quy định về đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không; bảo dưỡng tàu bay, thiết bị tàu bay; bảo đảm an ninh hàng không tại các sân bay...

Trong năm 2025 sắp tới, để ứng phó với việc thiếu hụt tàu bay và đảm bảo an toàn, Cục Hàng không cho hay đã đề ra một số giải pháp trọng tâm như đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để duy trì, đồng bộ toàn bộ hệ thống khai thác; đánh giá hệ thống, quá trình xử lý các vấn đề về an toàn của các hãng hàng không; tiếp tục nghiên cứu thiết lập các đường hàng không mới…

Về phía các hãng, nhiều đơn vị cũng đang có nhiều động thái tích cực như liên tục tăng tải, đàm phán với các đối tác để đón nhận thêm máy bay phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong cao điểm sắp tới.

Cụ thể, Vietnam Airlines cho biết hãng nhận thêm 3 máy bay mới trong tháng 12 này, bao gồm 1 chiếc Boeing 787-10 Dreamliner và 2 chiếc Airbus A320neo. Ba chiếc máy bay mới nhận sẽ cung ứng hơn 100.000 chỗ cho dịp cao điểm Tết Ất Tỵ 2025. Ba máy bay mới giúp nâng tổng số máy bay của hãng lên 103 chiếc trong năm nay. 

Trong khi đó, hãng hàng không Vietjet cho biết đã đón nhận máy bay thế hệ mới A321neo ACF (Airbus Cabin Flex). Đây là thành viên thứ 111 gia nhập đội máy bay hiện đại của Vietjet. Trong tháng 12 này, Vietjet sẽ nhận thêm 3 máy bay mới. Bên cạnh các tàu bay mới nhận, Vietjet cũng cho biết dự kiến sẽ thuê ngắn hạn thêm từ 6 đến 10 máy bay trong dịp Tết nhằm phục vụ tối đa cho nhu cầu đi lại mùa cao điểm của người dân và du khách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem