Nghệ An là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP 3 sao trở lên
Nghệ An là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP 3 sao trở lên
Cảnh Thắng - Nguyễn Tình
Thứ bảy, ngày 01/04/2023 07:00 AM (GMT+7)
Đến hết năm 2022, tỉnh Nghệ An đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP với 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên. Tỉnh Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 650 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên và có ít nhất 4 sản phẩm đạt hạng 5 sao.
Ngày 29/3, tại thành phố Vinh, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về Đề án mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2023 - 2025. Cuộc họp do ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì với sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Sau 4 năm triển khai, đến nay chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh Nghệ An dồi dào về số lượng, nâng cao chất lượng, giá trị.
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên. Trong đó có 43 sản phẩm đạt 4 sao, 359 sản phẩm đạt 3 sao và có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao. Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm OCOP đạt hạng sao được công nhận.
Theo đề án, trong giai đoạn 2023 - 2025, Nghệ An phấn đấu có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có ít nhất 4 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng tương đương 134 sản phẩm, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, việc chủ động liên kết, tìm kiếm đầu ra sản phẩm OCOP được các ban, ngành, địa phương trên địa bàn hết sức quan tâm. Thông qua 71 hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó 51 hội chợ, 17 cuộc kết nối cung cầu, 3 cuộc triển lãm, trưng bày triển khai sáng kiến.
Thông qua chương trình đã hình thành được một số liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá cao những thành quả trong thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Đối với Đề án "Mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025", yêu cầu các ban ngành, cơ quan soạn thảo văn bản tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đề án để sớm ban hành, đảm bảo căn cứ để thực hiện. Các ban, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình thực hiện. Trong đó, việc nâng hạng sao các sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm quan trọng hơn hơn so với việc tăng số lượng sản phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.