Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Là con gái xứ Đoài (Hà Tây cũ), nơi có nhiều làng nghề và nhiều lễ hội độc đáo nhưng 17 tuổi bà đã rời làng quê để theo Đoàn Văn công Nhân dân Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội) đi diễn phục vụ bà con. Trải qua bao thăng trầm dâu bể, đã bao giờ bà nghĩ lại về quyết định ngày ấy?
- Không, tôi chưa bao giờ ân hận về quyết định ngày xưa ấy. Thời đó, mang tiếng là thiếu nữ tuổi 17 nhưng còn non dại lắm, không khôn ngoan được như lớp trẻ bây giờ. Việc thi tuyển vào Đoàn Văn công Nhân dân Hà Nội thời đó như một sự sắp đặt của số phận nhiều hơn là sự quyết tâm của bản thân. Tôi nhớ một mình đi tàu điện từ Hoài Đức lên Hàng Buồm thi tuyển, đợt đó Đoàn tuyển cả kịch nói, chèo, xiếc… Tôi may mắn trúng tuyển cùng đợt với anh Thanh Hiếu và chị Huyền Nga.
Phải nói thật rằng, khi vào Đoàn Văn công Nhân dân Hà Nội từ năm 1962 đến lúc về nghỉ hưu theo chế độ là năm 2002, tôi thấy mình vẫn giữ được lửa đam mê và luôn biết ơn Tổ nghề. Nhờ có nghề diễn mà tôi có được một người chồng hết mực yêu thương, những đứa con ngoan ngoãn, một gia đình hạnh phúc. Nhờ có nghề diễn mà tôi được "vua biết mặt, chúa biết tên", đi đâu người ta cũng nhận ra và quý trọng mình nhất mực. Nhờ có nghề diễn mà tôi đã được sống nhiều cuộc đời khác nhau và có những tháng ngày vinh quang không phải ai cũng có được.
Nghĩa là trong 40 năm công tác ở Nhà hát Kịch Hà Nội và 20 năm miệt mài với nghề diễn sau khi nghỉ hưu, bà chưa bao giờ dao động trước tình yêu đối với nghề?
- À, cũng có chứ! Làm sao một thời gian dài đằng đẵng như thế mà mọi thứ "thuận buồm xuôi gió, trơn truột luột lạch" thế được. Những năm đầu vào Đoàn Văn công Nhân dân Hà Nội, tôi toàn được giao mấy vai phụ, kiểu như vai quần chúng chạy trên sân khấu vậy. Có vai được thoại đôi ba câu, có vai thì lẫn trong đám đông, xuất hiện chớp nhoáng rồi vào. Chính vì thế mà tôi rất hoang mang về đường hướng tương lai và có ý định bỏ nghề về quê làm nông với gia đình. Nhưng như tôi nói, số phận đã sắp đặt cho tôi phải gắn với nghề diễn nên đã mở ra cho tôi một cánh cửa làm thay đổi cả cuộc đời.
Khoảng năm 1968 gì đó (tôi không nhớ rõ lắm), khi Đoàn đang tập vở Hà Nội mùa đông năm 46, thì anh Trần Hoạt là đạo diễn quên không mang kịch bản theo và cả đoàn lúc đó chỉ mỗi mình tôi nhớ lời. Hôm đó, họ cho tôi thử vai và thấy tôi không chỉ nhớ thoại mà còn diễn xuất rất ra hồn nên được tham gia vở. Nhờ vai diễn đó mà tôi bắt đầu được để ý và giao cho nhiều vai diễn cá tính sau này.
Đã làm công việc diễn xuất thì phim ảnh hay sân khấu đều có những thú vị rất riêng. Tuy nhiên, với bà, một người được khán giả biết đến nhiều nhờ các vai diễn cá tính, sắc sảo, đanh đá… trên phim ảnh từ những năm đầu của thập niên 90 thì phim ảnh đã thay đổi cuộc đời bà như thế nào?
- Sân khấu với tôi là "thánh đường" bởi đó là nơi đưa tôi đến với nghệ thuật, đến gần hơn với khán giả. Nhờ sân khấu mà lứa nghệ sĩ lớn tuổi chúng tôi như anh Trần Hạnh, Trịnh Mai, Phạm Bằng, chị Lê Mai, em Thanh Tú, Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Minh Vượng… được đi diễn rất nhiều nơi để phục vụ đồng bào. Và chúng tôi được gặp Bác Hồ vài ba lần cũng là nhờ đi diễn phục vụ trong Phủ Chủ tịch ở Ba Đình những năm thập niên 60. Được ăn những bữa rất ngon nhờ đi diễn phục vụ các đơn vị bộ đội, trong đó có phi đội Trần Hanh ở Vĩnh Phúc. Ngày xưa đi diễn không phải được trả cát-xê như bây giờ mà chỉ trả bằng bữa ăn hoặc vật phẩm. Sống ở thời bao cấp đói kém nên được đãi ăn là may mắn lắm rồi.
Với phim ảnh thì đó là một nhân duyên rất lớn và làm thay đổi cuộc đời tôi rất nhiều. Những năm 1995 – 1996, khi Đài Truyền hình Việt Nam bắt đầu thực hiện các bộ phim truyền hình dài tập, tôi đều được mời tham gia. Nào là Con sẽ là cô chủ, Mảnh đời của Huệ… rồi Đông ki ra thành phố, Canh bạc, Nửa vầng trăng còn lại, Tình yêu sau song sắt… Những năm đầu thập niên 90, phim truyền hình dài tập hiếm lắm!
Tôi nhớ mỗi tuần, Đài Truyền hình Việt Nam chỉ phát một tập phim trên chương trình Văn nghệ Chủ nhật. Ngày đó, không chỉ thiếu trang thiết bị máy móc làm phim mà còn thiếu diễn viên vì lứa diễn viên trẻ được đào tạo bài bản trong trường rất ít. Thời đó, đa số là diễn viên của các nhà hát như: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ… chuyển qua đóng phim chứ diễn viên được đào tạo bài bản về đóng phim truyền hình chưa có ai.
Thời điểm tôi tham gia một phim quay năm 1991, có Chiều Xuân đóng thì lúc đó Chiều Xuân cũng đang là sinh viên trường Sân khấu – Điện ảnh, chưa ra trường. Bây giờ thì đông quá rồi, sờ đâu cũng tìm ra được diễn viên. May mắn lớn nhất của tôi thời đó là cũng có nhan sắc, đài từ ổn, nhiều kinh nghiệm về diễn xuất nên rất đắt "sô". Thời đó tôi đóng nhiều lắm, đi quay phim suốt và đóng chung với rất nhiều anh chị em cùng thời. Tôi đóng Đông ki ra thành phố với anh Văn Hiệp, đóng Phố làng với anh Trần Hạnh… bây giờ các anh ấy đi hết rồi, không còn ai để đóng đôi với tôi nữa.
Thời điểm chương trình Gặp nhau cuối tuần ra đời, tôi cũng được mời tham gia rất nhiều tiểu phẩm. Tôi đóng cặp với anh Văn Hiệp, Phạm Bằng, Minh Vượng, Quang Tèo, Giang Còi… Nhờ các tiểu phẩm này mà người ta biết đến tôi nhiều lắm, đi đâu cũng có người chạy ra tay bắt mặt mừng.
Ở tuổi 80 người ta vẫn thấy bà xuất hiện đều đặn trên phim hài tết, phim chiếu rạp, phim sitcom và cả clip quảng cáo nữa. Bà sợ cảm giác xa rời ánh đèn sân khấu, ống kính máy quay hay luyến vương điều gì mà không chịu nghỉ ngơi cho con cháu đỡ lo lắng?
- Nói ra có thể mọi người không tin nhưng tôi đã 80 tuổi rồi nhưng vẫn nguyên vẹn đam mê diễn xuất như trước đây. Bây giờ tôi đóng phim không phải vì tiền bạc, không phải vì để được nổi tiếng hơn mà vì tôi sợ phải ngồi một chỗ như người không còn giá trị. Tôi thấy mình vẫn còn sức khỏe, vẫn diễn xuất tốt, vẫn nhanh nhẹn ứng biến… nên làm cho vui. Dĩ nhiên, không phải phim nào tôi cũng nhận lời.
Công nghệ quay phim thời nay khác thời xưa rất nhiều nên đôi lúc tôi cũng không thể bắt kịp được hết. Thêm nữa, già rồi nên cũng phản xạ chậm hơn, nhớ thoại cũng khó hơn… nhưng được cái là tôi có nhiều kinh nghiệm diễn xuất và ứng biến nhanh trong các tình huống nên đạo diễn rất thích. Tôi không phải là dân diễn xuất được đào tạo chuyên nghiệp nên diễn bằng bản năng tự nhiên. Nhưng nhờ cái sự tự nhiên và chân thật ấy mà tôi được nhiều đạo diễn yêu quý và bền bỉ với nghề được đến tận bây giờ.
Nhưng ở tuổi này rồi mà lên phim vẫn phải đóng vợ, người yêu, con cháu của những bạn diễn chỉ bằng tuổi con cháu mình thì có kỳ cục quá không?
- Tôi quan niệm rằng, làm diễn viên thì phải biết hóa thân, biết biến hóa và nhập vai. Đóng vợ hoặc người yêu của mấy diễn viên bằng tuổi con như Đới Anh Quân, Chiến Thắng… còn là bình thường, tôi còn đóng cháu của Quang Tèo kém tôi đến 30 tuổi. Trong phim, tôi bị nhân vật của Quang Tèo mắng xơi xơi. Mình làm nghệ thuật thì phải xác định rõ đó là vai diễn, mà vai diễn thì phải diễn theo kịch bản và ý đồ của đạo diễn. Khi đã sống với vai diễn thì không nghĩ gì đến những thứ xung quanh.
Tôi nhớ, thời đóng Gặp nhau cuối tuần, tôi một vai trong Chiếc gương kỳ diệu của đạo diễn Việt Cường. Vai này lúc đầu là NSƯT Thanh Tú định đóng nhưng vì phải hóa trang xấu xí quá, cứ nhìn vào gương lại thấy 3 ông người yêu hiện về nên cô ấy sợ quá không đóng nữa. Đạo diễn mời tôi thế vai, tôi nhận lời ngay. Sau tiểu phẩm ấy, đạo diễn Việt Cường phong cho tôi là "diễn viên không sợ xấu". Cả một đời đóng phim, đóng kịch… tôi chưa bao giờ ngại hóa thân thành những nhân vật xấu xí, thô ác, phản diện… tôi chỉ sợ diễn không ra chất của nhân vật thôi.
Nhiều năm lăn lộn với nghệ thuật, cống hiến cho sân khấu từ những vai nhỏ - phụ nhất đến những vai lớn trong các bộ phim đình đám nhưng bà vẫn chưa được nhận bất kỳ một danh hiệu gì. Hẳn người ta cũng hỏi han bà nhiều về điều này và chắc bà cũng có chút chạnh lòng chứ?
- Trước giờ, cứ hễ ai hỏi vì sao chưa được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân… trong khi đàn em đều đã "có danh, có phận" hết rồi thì tôi lại bảo "Ngọc còn có vết cơ mà, chuyện chưa được phong tặng danh hiệu là chuyện bình thường". Mình đến với nghệ thuật xuất phát từ lòng đam mê, tình yêu và cả duyên nợ nữa thì cũng chẳng cần phải đòi hỏi gì lớn lao. Mình chưa có danh hiệu nhưng cuộc đời cũng đã mang đến cho mình rất nhiều thứ. Bây giờ, tuổi già bóng xế, cũng chẳng biết còn sống được bao lâu nên làm được gì cứ làm, cống hiến được đến đâu thì cứ cống hiến… làm đi rồi khắc người ta sẽ ghi nhận mình.
Lứa chúng tôi có tôi, chị Lê Mai và một số người nữa cũng đều có nhiều năm hoạt động nghệ thuật và đều đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa có danh hiệu. Dẫu vậy, chúng tôi cũng chưa bao giờ trách móc hay oán than gì ai. Chúng tôi vẫn sống vui, sống khỏe, sống điềm tĩnh.
Thực tế là có không ít người trong nghề cảm thấy chạnh lòng và tiếc nuối thay cho bà khi cả một sự nghiệp đồ sộ với hàng chục vai diễn, gần 60 năm cống hiến nhưng lại không có danh hiệu gì. Phải chăng có vướng mắc nào đó trong lịch sử nên đến giờ bà vẫn chưa được phong tặng?
- Tôi không có vướng mắc gì cả vì lí lịch nhà tôi rất rõ ràng. Những năm còn công tác tôi cũng không vi phạm kỷ luật gì cả. Cái số của tôi nó thế nên tôi an phận chấp nhận thôi. Ngày xưa, tôi cũng có mấy lần làm hồ sơ nhưng đen cái là đến lượt tôi thì đều khóa sổ.
Chẳng hạn, năm nay, Đoàn có chỉ tiêu 5 người đủ điều kiện phong tặng danh hiệu thì đến người trước tôi là họ khóa sổ. Tức là mình cũng có tên trong danh sách nhưng đến lượt mình thì đã đủ chỉ tiêu. Trước đây, khi diễn vở Thầy khóa làng tôi, diễn vỡ cả sân khấu nhưng chỉ được 3 huy chương bạc, 1 huy chương vàng… nên những người đóng vai chính họ ẵm hết rồi. Chẳng hạn như Tiến Đạt, Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Thu Hà… tôi là người thứ 4 nên không được. Thời đó, mấy đứa cháu bên Đoàn Kịch Công an bảo "Chúng cháu tiếc cho cô quá, diễn vỡ cả sân khấu mà không được huy chương". Nhưng tôi chẳng tiếc vì nó là cái số rồi.
Được cái, dù không có danh hiệu nhưng 80 tuổi các đạo diễn vẫn mời tôi đóng phim, đóng quảng cáo ầm ầm; đi đến đâu người ta cũng yêu thương và quý trọng. Ngày xưa nói đến nghệ sĩ có thể người ta không cảm tình nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Và cũng nhờ hoạt động nghệ thuật mà tôi mới được làm nghề bền bỉ đến bây giờ chứ nếu làm nghề khác chắc giờ tôi đã ngồi một chỗ. Mấy bạn đạo diễn trẻ cứ kêu "Cô được ăn lộc Tổ nghề hơi bị nhiều, nhiều nhất trong lứa nghệ sĩ U80".
Lại nói về được mất. Bà luôn nhận mình được nhiều hơn mất khi theo con đường nghệ thuật và không bao giờ kêu ca về những thiệt thòi mình gánh chịu. Có được tâm thế đó là vì bà có được một tình yêu viên mãn và một gia đình hạnh phúc?
- Tôi từng nói với rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp, tôi quá may mắn khi có một gia đình hạnh phúc, chồng hết mực ủng hộ vợ, các con quý trọng nghề của mẹ. Tôi quen ông nhà tôi khi đã vào Đoàn Văn công Nhân dân Hà Nội. Ngày đó, đơn vị pháo binh của ông ấy mời chúng tôi về biểu diễn. Tôi lúc đó mới 17, còn ông ấy 19. Buổi tối chúng tôi biểu diễn văn nghệ phục vụ các các bộ, chiến sĩ, người dân… buổi sáng ra sân cổ vũ bóng đá. Ông ấy là một cầu thủ cao 1m75, thời đó ít ai có chiều cao như vậy và chơi bóng rất cừ trong đội bóng của đơn vị. Chúng tôi quen biết nhau trong dịp ấy. Đến năm 1965 thì tổ chức đám cưới. Những ngày đầu đến với nhau nghèo khổ lắm, cái gì cũng thiếu thốn. Vì thời đó là thời chiến, chúng tôi đi biểu diễn chủ yếu phục vụ thôi, một đồng lương cũng không có, diễn cho nhân dân toàn được trả bằng lạc, bún phở, khoai lang… Mãi sau này mới có chế độ được quy ra tem mua hàng thực phẩm.
Tôi nhớ hồi đó, mỗi tháng được 2kg đường, 2 hộp sữa, 4 người chung nhau con gà. Hôm nào được mua gà là Kim Xuyến, Lê Mai, Trịnh Mai, Phạm Bằng cùng chung nhau, đưa về nhà ai đó thịt rồi cùng ăn. Cuộc sống của chúng tôi thời đó dù không được đủ đầy, sung sướng nhưng luôn tràn ngập tiếng cười, niềm vui. Vợ chồng, con cái luôn yêu thương nhau, nhường cho nhau mọi thứ. Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn luôn để cái hình cưới của hai vợ chồng trong ví cầm tay để nhớ về những ngày tháng ấy. Những ngày tháng hạnh phúc không thể miêu tả bằng lời mà chỉ có thể cảm nhận theo cách riêng của mình.
Năm 1969, tôi sinh con gái đầu lòng, sau này có thêm một con gái và một con trai nữa. Hai cô con gái hiện đang sinh sống và làm việc ở Cộng hòa LB Đức, con trai thì đang công tác ở VTV5 – Đài Truyền hình Việt Nam. Hiện tôi sống với vợ chồng con trai ở phố Hàng Vải. Tôi có tuổi rồi nên việc thường xuyên phóng xe đi đóng phim cũng khiến các con hơi lo lắng nhưng thấy mẹ vui nên cũng không cản. Được cái, trời phú cho tôi sức khỏe, mắt vẫn còn tinh, tai vẫn còn thính, tay chân vẫn vững nên phi xe máy đi đóng phim trong nội hoặc ngoại thành vẫn không vấn đề gì. Có nhiều phim quay tận Đại Mỗ, Long Biên, Hà Đông… thì tôi vẫn tự đi xe đến chứ không cần xe đoàn phim đến đón.
Hạnh phúc là thế nên khi chồng qua đời, hẳn bà cũng hụt hẫng và đau buồn lắm?
- Chồng tôi qua đời vào tháng 3/2022 sau 18 năm bị căn bệnh tai biến, tiểu đường. Ông nhà tôi bị tai biến từ năm 2004 đến năm 2022 thì mất, tròn 18 năm sống chung với bệnh. 18 năm đó, tôi một tay vừa chăm sóc chồng đau ốm, vừa tham gia đóng phim. May là thời gian đó đã nghỉ hưu nên không còn vướng các công việc ở Nhà hát nữa.
Ngày xưa sống có ông, có bà nên lúc ông nhà tôi mất, tôi cũng buồn lắm. Nhưng tôi cứ động viên mình, ông ấy đi được cũng là một sự giải thoát vì khi sống lâu mà bệnh tật bủa vây thì con người ta cũng không còn cảm thấy hạnh phúc nữa. Ông ấy mất rồi tôi cũng đỡ vất vả hơn, nhất là không phải lo toan, nghĩ ngợi nhiều như trước. Trước đây, đi đâu tôi cũng không yên tâm, cứ xong việc cái là phải chạy về ngay để lo cho ông ấy.
18 năm vừa chăm sóc chồng ốm đau, vừa tham gia đóng phim. Vì sao bà lại phải làm khổ mình như thế, bà hoàn toàn có thể nghỉ ngơi ở nhà mà?
- Nhiều người bảo tôi là chăm sóc ông không thôi đã mệt lắm rồi, bà còn đi đóng phim làm gì cho mệt… nhưng thú thật là nếu không đóng phim thì tôi không sống nổi, không vượt qua được khó khăn. Chăm một người ốm không hề đơn giản, nhất là người mắc nhiều bệnh như ông nhà tôi… nên tôi không chỉ mệt mỏi mà rất căng thẳng. Việc đi đóng phim cho tôi có thêm nhiều niềm vui để vượt qua khó khăn của mình. Cứ ra phim trường, được làm việc với các cháu, được hòa trong không khí của đoàn phim là tôi quên hết những nhọc nhằn đang đè nặng.
Có điều, thời ông nhà tôi còn sống, tôi không bao giờ nhận lời đi quay xa, chỉ quanh quẩn trong nội – ngoại thành Hà Nội. Có hôm, người ta mời tôi xuống quay ở Ninh Bình, tôi phải giao kèo là quay xong dù sớm hay muộn cũng phải đưa tôi về Hà Nội ngay thì tôi mới đi. Cuối cùng quay đến 12 giờ đêm, người trong đoàn chở ra đường quốc lộ bắt được xe khách giường nằm, về đến bến xe Giáp Bát thì đã 2 giờ sáng. Vậy nhưng tôi vẫn bắt buộc phải về vì không thể ở lại được. Về tôi còn phải cơm nước, giặt giũ, thuốc thang cho ông nhà tôi.
Chồng mất rồi nhưng mỗi khi nhắc về ông bà vẫn luôn ngập tràn hạnh phúc và luôn giữ thói quen để ảnh hai vợ chồng trong ví. Vì sao vậy?
- Tình yêu nó thế đấy! Không chỉ để hình hai vợ chồng trong ví đâu, tôi còn phóng hàng loạt ảnh thời trai trẻ của ông nhà tôi treo đầy khắp nhà. Thứ nhất là tôi muốn ông ấy nhìn về thời trai trẻ của mình mà cố gắng chiến đấu với bệnh tật. Thứ hai là tôi cũng nhìn vào đó để mà mạnh mẽ hơn. Ông nhà tôi mất hơn 1 năm rồi nhưng những kỷ vật ngày xưa tôi vẫn giữ hết.
Tôi nghiệm ra rằng, vợ chồng thì vợ chồng nhưng phải yêu nhau đủ lâu và đủ sâu mới chịu được nhau, dám hy sinh vì nhau. Tôi đi qua cảnh này nên bây giờ cứ thấy ai mà chăm sóc chồng đau ốm là tôi trân quý lắm. Chẳng hạn như tôi thấy cô vợ trẻ của Công Lý chăm chồng như thế là tôi thương lắm. Chăm một người ốm không đơn giản, huống hồ thời gian bệnh tật kéo dài, nhiều thứ mệt mỏi lắm. Nếu sau này người ta có không chịu đựng được nữa mà dứt áo ra đi cũng đừng trách người ta bạc bẽo. Có ai ở trong cuộc mới thấu hết cảnh tình.
Có thể hình dung cuộc sống của bà bây giờ như thế nào, khi mọi vướng bận đã được gỡ bỏ, việc đóng phim cũng không bận rộn như ngày xưa?
- Cuộc sống của tôi bây giờ đơn giản lắm. Tôi sống với anh con trai út, các cháu cũng lớn hết rồi nên không phải chăm sóc, đón đưa. Hàng ngày, nếu không đi đóng phim thì tôi gặp gỡ bạn bè, cà phê và trò chuyện. Tôi chơi thân với chị Lê Mai – mẹ của Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi. Tôi vào Đoàn Văn công Nhân dân Hà Nội thì Lê Vân đã 4 tuổi, tôi thường bế Lê Vân để chị Lê Mai làm công việc nhà và buôn bán lặt vặt kiếm tiền nuôi con. Sau này, chị Lê Mai sinh Lê Khanh thiếu tháng, đi đâu cũng một nách mang theo. Có nhiều vở, tôi diễn xong phải chạy ngay vào sân khấu để bế Lê Khanh cho chị Lê Mai ra diễn. Chị em thân thiết với nhau từ đó nên đi đâu và làm gì tôi cũng qua đèo chị ấy đi cùng. Chị Lê Mai là người hiền lành, đức độ và tốt tính nên tôi xem như chị ruột của mình.
Trước đây, chị Lê Mai sống ở Phan Đình Phùng nhưng gần đây lại theo gia đình Lê Khanh chuyển lên mạn Phú Thượng. Thi thoảng nhà có việc gì Lê Khanh cũng hay gọi tôi đến chơi hoặc thi thoảng thấy hai bà không gặp nhau thì Khanh lại đưa mẹ sang nhà tôi để chơi. Thỉnh thoảng tôi cũng đi đây đi đó với các con hoặc bạn bè. Nói chung là cuộc sống của tôi bây giờ khá thoải mái.
Cảm ơn nghệ sĩ Kim Xuyến!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.