Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
ẫn như mọi khi, phòng làm việc của bà Tiến bao giờ cũng nhiều hoa. Chậu địa lan chắc có từ dịp Tết, lẵng hoa nhỏ của nhóm phóng viên theo dõi ngành y vừa mới tặng. Ở góc phòng, cạnh ghế sofa nơi bà ngồi trò chuyện với chúng tôi là một bình hoa dơn trắng còn e ấp nụ. Ngoài ban công, tiếng nước chảy róc rách từ một hồ cá nhỏ được thiết kế khéo léo. Ánh sáng nhạt của buổi chiều muộn rọi vào phòng.
Sau 4 tháng rời “ghế nóng” Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS Tiến gầy hơn nhưng tác phong vẫn vậy: Nhanh nhẹn, khỏe khoắn đúng với chất của một người luôn “tham công tiếc việc” như ngày nào. Bà chia sẻ, tiếp nhận công việc mới, bà ít chịu áp lực hơn nhưng “đầu việc” vẫn nhiều nên lúc nào bà cũng bận rộn. Gần một tháng nay, bà chưa về với gia đình đang ở TP.HCM.
Việt Nam đang đối mặt với giai đoạn khó khăn khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) bùng phát. Sau gần 2 tháng cấp tập áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, Việt Nam đã tạm thời “ngắt” được dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhận định “Việt Nam đã thắng lợi trận đầu”. Là một người có nhiều năm kinh nghiệm về y tế dự phòng, bà đánh giá thế nào về những nguyên nhân giúp Việt Nam phòng dịch tốt như hiện nay?
- PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến: Có được kết quả khả quan bước đầu như hiện nay trong việc phòng chống dịch Covid-19 trước hết là nhờ Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Bộ Y tế đã vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu, đưa ra những giải pháp tổng thể, đồng bộ, toàn diện, bài bản để các cấp, bộ ngành, địa phương thực hiện…
Tiếp đó, chúng ta đã huy động được sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, mọi lực lượng từ Trung ương đến xã, phường. Không chỉ toàn ngành y tế sốt sắng phòng chống dịch mà các lực lượng khác như quân đội, công an, giáo dục, du lịch và chính quyền các cấp… Đặc biệt cán bộ ngành y từ Trung ương đến địa phương đã lao động miệt mài, hy sinh gian khổ, từ lực lượng trong phòng thí nghiệm đến các cơ sở điều trị, y tế dự phòng, tới việc đón bệnh nhân, người nghi mắc từ tâm dịch về...
Thứ 3, tôi nhận thấy là chưa vụ dịch bệnh nào mà người dân lại tham gia tự nguyện, tích cực với sự lo lắng, trách nhiệm cao như dịch Covid-19 lần này. Mọi người lắng nghe, chia sẻ các thông tin về phòng chống dịch Covid-19, học cách tự bảo vệ sức khỏe của mình và người thân, cộng đồng trước bệnh dịch.
Giá như người dân cứ có tinh thần chống dịch cao như thế này trong việc phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A H1N1… thì có lẽ Việt Nam sẽ không còn nhiều các ca bệnh này. Đây là những dịch bệnh bệnh lây truyền nhiều năm nay, đã được ngành y tế cố gắng tuyên truyền nhưng người dân vẫn chủ quan. Năm nào số ca mắc cũng cao, tử vong vẫn có…
Bác Hồ từng nói đại ý là: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nếu không có sự tham gia tích cực, tự nguyện của người dân thì dịch bệnh nào cũng khó phòng chống.
Yếu tố thứ 4, điều tôi cũng thấy cần phải khẳng định đó là nhờ kinh nghiệm “trận mạc” dạn dày của ngành y tế Việt Nam, đặc biệt là y tế dự phòng trong giám sát, phát hiện sớm, cách ly và quản lý bệnh dịch. Việt Nam thực sự có nhiều kinh nghiệm, từ Trung ương đến y tế cấp xã.
Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về yếu tố “kinh nghiệm trận mạc” của ngành y tế Việt Nam?
- Tôi phải khẳng định, riêng chuyện phòng chống dịch mới nổi và hệ thống kiểm soát bệnh dịch dựa vào cộng đồng và mạng lưới y tế cơ sở, Việt Nam là một trong những nước được quốc tế đánh giá là có nhiều kinh nghiệm.
Thời tôi làm Bộ trưởng, nhiều hội nghị quốc tế thế giới, khu vực, Việt Nam thường xuyên được mời tham luận về kinh nghiệm giám sát phòng chống dịch bệnh gắn với hệ thống y tế đặc biệt y tế cơ sở.
Chúng ta đã xây dựng được kịch bản phòng chống dịch với 4 cấp vô cùng bài bản, cụ thể để khi có dịch Việt Nam sẽ “áp” vào thực hiện ngay, không lúng túng, vấp váp. Những năm qua, anh em ngành y tế từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã đều đã “xông pha” trận mạc rất nhiều lần, diễn tập nhiều lần. Dịch Covid-19 lần này có thể coi là “thực chiến” và chúng ta đã bước đầu thành công.
Có thể kể đến đợt dịch MERS-CoV (hội chứng viêm đường hô hấp cấp Trung Đông) cũng là bệnh do virus corona gây ra, xảy ra từ năm 2012, hiện nay vẫn còn rình rập với khoảng 2.500 ca mắc và gần 900 ca tử vong. Riêng ở châu Á các nước như Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan đều có ca bệnh.
Vào thời điểm năm 2015, lúc dịch MERs-CoV bùng phát ở Hàn Quốc khiến hàng trăm người mắc và hàng chục người tử vong, Việt Nam đã yêu cầu y tế các cấp từ Trung ương tới địa phương xây dựng Kịch bản phòng chống dịch 4 cấp tỉ mỉ, cụ thể để ứng phó với MERS-CoV. Từ việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, nhân lực, rồi hướng dẫn chẩn đoán, thu dung, điều trị; giám sát ca bệnh thế nào, cách ly ra sao; vận chuyển bệnh nhân, thu gom rác thải, khử trùng địa phương…
Ngành y tế đã tập dượt, ứng phó cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3 một cách bài bản. Các lực lượng cũng đều được huy động, từ quân đội, công an, du lịch, hàng không… Các đoàn kiểm tra ráo riết các nhà kho, bến cảng, sân bay, đi xuống từng nhà dân có các đối tượng nghi vấn; giám sát 14 ngày đối với tất cả những người đến từ các nước Trung Đông, đặc biệt người đến từ Hàn Quốc, đặt máy đo thân nhiệt tại tất cả các địa điểm công cộng, nhạy cảm…
Nhờ kiểm soát tốt và cũng may mắn, chúng ta đã không có ca bệnh MERS nào. Quốc tế đánh giá đây là một thành công lớn của Việt Nam.
Riêng về virus corona, Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm khi đối phó với các bệnh viêm đường hô hấp như dịch SARs 2003, dịch cúm A/H1N1 2009, dịch Ebola (2018-2019)…
Hay như đợt dịch Zika (2016) tuy không phải là bệnh viêm đường hô hấp nhưng cũng là bệnh dịch mới nổi, gây nguy hại đến cộng đồng… Rồi dịch sởi nếu không làm tốt việc phòng chống dịch thì việc lây lan sẽ rất kinh khủng và nguy hiểm không kém bất cứ dịch mới nổi nào. Trong khi năm 2018-2019 các nước trên thế giới, kể cả các nước châu Âu, Mỹ đều bùng phát dữ dội. Việt Nam nhờ vận động người dân tiêm vắc xin mà số ca bệnh đã giảm rõ rệt.
Phải nói rằng, trong mặt trận chống dịch như chống giặc, chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm "trận mạc", nhờ vậy các trận ra quân đều đã thành công.
Và đến nay, đối với dịch Covid1-19 đang đe dọa nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước có nền y học phát triển, kinh tế giàu có như Hàn Quốc, Nhật Bản... Nhưng Việt Nam bước đầu đã có những thành công, chúng ta chỉ có 16 ca bệnh Covid-19 và 16 ca đã đều được điều trị khỏi, 14 ngày qua chúng ta không có ca bệnh mới.
Trong cuộc chiến với dịch Covid-19, chỉ tính riêng ở Trung Quốc đã có hàng nghìn cán bộ y tế mắc bệnh. Giám đốc bệnh viện đa khoa Vũ Hán và nhiều y, bác sĩ khác đã hy sinh trên trận tuyến chống dịch. Ở nước ta, những ngày này hàng nghìn cán bộ y tế cũng đang đối mặt với hiểm nguy từng giây từng phút. Lúc này chúng ta mới thực sự cảm nhận và trân trọng sự hy sinh, gian khổ của các y bác sĩ. Bà đánh giá thế nào về nhận định “ngành y là nghề nguy hiểm”?
- Điều này thực sự đúng. Các y bác sĩ luôn phải đối mặt với nguy hiểm. Dù là cổ đại hay hiện đại, dù là chiến tranh hay thời bình, bác sĩ luôn là người trên tuyến đầu cứu giúp mọi người. Không hiếm những phút sinh tử mà thày thuốc phải hy sinh sức khỏe, tính mạng của mình cứu bệnh nhân.
Thời chiến tranh chúng ta đã có những tấm gương như liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm, liệt sĩ - bác sĩ Phạm Ngọc Thạch… Rồi những bác sĩ đã mang thân mình ra thử thuốc, chạy dưới mưa bom bão đạn cứu chữa cho thương binh… Hay năm 2003, tại Việt Nam đã có 5 nhân viên y tế Việt Nam và Italia (thuộc Bệnh viện Việt - Pháp) ngã xuống trong trận chiến đối mặt với dịch SARS. Một số người khác qua khỏi nhưng để lại di chứng nặng nề cho sức khỏe.
Ngay cả khi không có bệnh dịch mới nổi nguy hiểm thì trong công việc của mình, người cán bộ y tế cũng luôn có nguy cơ lây nhiễm bệnh tật như khi hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân lao, phơi nhiễm HIV khi cấp cứu cho bệnh nhân AIDS, lây viêm gan B, hay các bệnh viêm đường hô hấp, lây nhiễm hiểm nghèo khác…
Nghề y thực sự đúng là nghề nguy hiểm!
Theo bà, hiện nay các chính sách đãi ngộ, lương thưởng đã xứng đáng với những đóng góp, trách nhiệm và hiểm nguy mà những người làm nghề y đang đối mặt hay chưa?
- Như chúng ta đều biết, ở tất cả các nước, có hai ngành hưởng lương cao nhất và cách biệt so với nhiều ngành nghề khác là nghề y và nghề luật. Không chỉ đầu tư học hành lâu, tốn kém mà người làm nghề y còn chịu áp lực lớn khi gánh trách nhiệm nặng nề về tính mạng, sức khỏe của người dân.
Nhưng ở VN, rõ ràng hiện nay, bác sĩ còn nhiều thiệt thòi. Chỉ tính riêng lương cơ bản, tốt nghiêp trường y học 6 năm mà lại “cào bằng” với cử nhân học 4 năm. Tới đây, theo Đề án Đổi mới giáo dục y khoa, bác sĩ phải đào tạo 6 năm đào tạo trong đó có 1 năm thực tập liên tục, sau đó phải thi chứng chỉ hành nghề, sau muốn làm chuyên khoa nào thì phải làm bác sĩ nội trú 2 năm nữa, như vậy phải mất 8 năm. Thậm chí ra làm bác sĩ vẫn phải tiếp tục học tập, rèn luyện tiếp.
Về thu nhập của nhân viên y tế, sau khi đổi mới cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế tiến tới tính đúng, tính đủ trong đó có cả việc đưa lương vào giá viện phí. Do đó, các bệnh viện đã có điều kiện tốt hơn trong việc trả lương cho nhân viên. Thu nhập của anh em đã tăng rõ rệt nhất là từ Trung ương đến tuyến huyện, thậm chí tuyến xã.
Nhưng hiện nay do cơ chế tự chủ nên bệnh viện nào có tiền thì trả lương cao dẫn đến việc thu nhập của nhân viên y tế không đồng đều giữa các bệnh viện, giữa các địa phương, thậm chí giữa các chuyên khoa. Nếu là chuyên khoa về sọ não, tim mạch, nha khoa… thì được. Nhưng nhiều chuyên khoa khác có thể lại thiệt thòi hơn...
Vậy theo bà, chế độ tiền lương của cán bộ ngành y cần được cải thiện như thế nào?
- Rõ ràng mức lương của bác sĩ phải cao hơn lương cơ bản khởi điểm hiện nay vài bậc.
Thứ hai, giá dịch vụ cần phải hướng tới tính đúng tính đủ (hiện mới tính 5/7 yếu tố cấu thành giá viện phí) để các bệnh viện có tiền để đầu tư cho cơ sở vật chất và trả lương xứng đáng cho nhân viên y tế.
Những năm gần đây, tình trạng bạo hành nhân viên y tế có xu hướng gia tăng. Điều này khiến nhiều thầy thuốc uất ức, tủi thân, bất lực... Theo bà, cần phải làm gì để bảo vệ các bác sĩ, y tá, điều dưỡng?
- Đúng là thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ bạo hành nhân viên y tế khiến nhiều thầy thuốc cảm thấy buồn lòng, an ninh bệnh viện bị đe dọa. Những người bạo hành nhân viên y tế thường trong tình trạng say xỉn hoặc dùng thuốc kích thích. Một số người nóng giận vì không hiểu hết quy trình khám chữa bệnh, sốt ruột cho rằng bác sĩ chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong chữa trị người nhà. Chỉ một số ít “vô duyên vô cớ” bạo lực, hống hách mà thôi.
Tôi cho rằng, việc Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ đầu năm nay cùng với Nghị định 100 xử phạt người uống bia rượu khi tham gia giao thông không chỉ làm giảm bớt các ca tai nạn giao thông, đánh nhau mà còn giảm các ca bạo hành nhân viên y tế. Vì nếu bệnh nhân bình tĩnh, tỉnh táo sẽ không hành xử kích động nữa.
Ngoài ra, thời gian qua, ngành y tế đã có sự đổi mới mạnh mẽ hướng tới sự hài lòng của người bệnh không chỉ về giao tiếp, ứng xử của nhân viên y tế mà còn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó có việc hướng dẫn, tư vấn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân về quy trình khám chữa bệnh, về bệnh tật để họ “hạ nhiệt”, bình tĩnh, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Đây cũng là một động thái để làm giảm tình trạng bạo hành trong bệnh viện.
Sự hài lòng của người bệnh phải đến từ hai phía và được xây dựng từ hai phía. Còn đối với những trường hợp bạo hành nhân viên y tế thì đã có chế tài nghiêm khắc xử phạt. Thời gian qua cũng đã có một số người đánh nhân viên y tế bị giam giữ, xử phạt vì tội “chống người thi hành nhiệm vụ”. Điều này cũng góp phần làm yên lòng các y, bác sĩ, nhân viên y tế hơn.
Hơn 20 năm trước, trong một cuộc phỏng vấn mà chúng tôi thực hiện, cố Phó giáo sư Tôn Thất Bách có nói một câu: Căn nguyên (của tất cả những mâu thuẫn giữa người bệnh và thầy thuốc, những tệ nạn của ngành y lúc đó) là do chúng ta đã để đồng tiền xen vào giữa. Là người đã gắn bó với ngành y hơn 40 năm qua, bà nhận định thế nào về ý kiến này?
- Tôi cho rằng ở giai đoạn đó có thể chính xác nhưng hiện nay, các bác sĩ của chúng ta chỉ làm công việc chữa bệnh. Còn cơ quan bảo hiểm xã hội giữ Quỹ Bảo hiểm y tế đại diện cho người bệnh đứng ra trả tiền. Do đó, bác sĩ chỉ làm công việc chữa bệnh, họ chắc chắn muốn bệnh nhân được điều trị tốt, bệnh nhân hài lòng vì có hài lòng thì công việc của họ mới thuận lợi, thu hút bệnh nhân, có bệnh nhân thì thu nhập mới tăng...
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, trong mối quan hệ “kiềng 3 chân” giữa bác sĩ - người bệnh - bảo hiểm xã hội vẫn còn mâu thuẫn. Bác sĩ luôn muốn điều trị bằng thuốc tốt nhất, phương pháp điều trị tiên tiến nhất, bệnh nhân nhanh khỏi nhất. Bệnh nhân mua thẻ bảo hiểm y tế mệnh giá thấp (hiện có hơn 800.000 đồng/thẻ/năm) nhưng luôn muốn được hưởng loại thuốc tốt nhất, dịch vụ chăm sóc, điều trị tiên tiến nhất.
Còn cơ quan bảo hiểm xã hội giữ quỹ lại phải cân đong đo đếm thu chi cho hài hòa, mệnh giá thẻ thấp thì không thể chi trả dịch vụ y tế cao, thuốc quá tốt. Danh mục thuốc và danh mục dịch vụ y tế do bảo hiểm y tế chi trả luôn phải đảm bảo “điều trị hiệu quả nhưng chi phí hợp lý trong khả năng của quỹ”.
Do lợi ích “giằng co” như vậy nên mâu thuẫn giữa 3 bên luôn tồn tại. Còn việc “đồng tiền” xen giữa quan hệ thầy thuốc, bệnh nhân chỉ xuất hiện trong một thời điểm nào đó trước kia. Khi khám chữa bệnh chỉ có 2.000 đồng, một ca đại phẫu bác sĩ chỉ được trả 15.000 đồng. Bệnh viện nghèo, bác sĩ đói mà người dân cũng phải bỏ tiền túi quá nhiều. Còn hiện nay, người dân chỉ cần tham gia Bảo hiểm y tế thì khi đau ốm họ yên tâm được điều trị bệnh. Viện phí do Bảo hiểm y tế chi trả phần lớn.
Như vậy, quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ khá là “sòng phẳng” không phải “xin-cho” như ngày xưa. Nhân viên y tế được yêu cầu đối xử với bệnh nhân nhẹ nhàng, lịch sự, điều trị chu đáo, thoải mái, hiệu quả. Vậy theo bà, câu nói “lương y như từ mẫu” mà Bác Hồ đã căn dặn còn đúng với hiện nay không?
- Câu nói đó còn nguyên giá trị ở mọi giai đoạn. Ngay cả những nước phát triển, lương bác sĩ vài chục nghìn đô một tháng, giá dịch vụ rất cao thì vẫn luôn phải lấy bệnh nhân làm trung tâm. Vì giữa con người với con người đa số là yêu thương nhau. Nhưng tình yêu đó cũng không “mãi mãi xanh tươi” mà phải thường xuyên được chăm sóc, tưới tắm, bồi dưỡng, tu tâm dưỡng tính.
Ai cũng có những lúc bực bội, cáu gắt, lúc vội vã, vất vả, y bác sĩ không là ngoại lệ. Nhưng lúc đó, biết trước mặt mình là người đang ốm đau, sầu não, bác sĩ với tấm lòng từ tâm phải biết kiềm chế nóng giận để chăm sóc bệnh nhân chu đáo. Sự kiên nhẫn, bao dung này phải được rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên, phải xuất phát từ tâm.
Nhân viên y tế với bệnh nhân đã thay đổi hẳn, lịch sự, nhẹ nhàng, tôn trọng bệnh nhân từ bác sĩ đến điều dưỡng, y tá hay bảo vệ bệnh viện. Họ cảm thấy đó là sự thay đổi cần thiết, hữu ích đối với nghề nghiệp của mình, sự thay đổi thực chất, từ bên trong.
Thời còn làm Bộ trưởng, PGS Nguyễn Thị Kim Tiến thường khiến nhân viên dưới quyền có “áp lực” vì bà luôn nói là làm, các yêu cầu của bà cũng cụ thể, tỉ mỉ tới từng chi tiết. Bà không thích những kế hoạch “đao to búa lớn” hoặc chỉ nói lý thuyết mà chưa vạch ra cách triển khai rõ ràng, mục tiêu rành mạch. Các đề án, kế hoạch mà bà yêu cầu nhân viên triển khai đều phải “khả thi” và thực chất, lâu dài chứ không làm theo phong trào, không “đánh trống bỏ dùi”.
PGS Nguyễn Thị Kim Tiến cũng là một trong những Bộ trưởng phải chịu nhiều búa rìu dư luận nhất. Bà nhiều lần phải đối mặt với những “cơn bão dư luận” như tai biến vắc xin, tai biến y khoa, dịch sởi… Thậm chí nhiều lần, dư luận trên mạng xã hội còn ép bà phải từ chức. Nhưng vượt qua tất cả, người “Tư lệnh ngành” vẫn kiên trì, vững vàng đương đầu với những con sóng đó….
Có theo dõi ngành y tế suốt từ năm đầu bà làm Bộ trưởng Bộ Y tế (từ 2011) đến nay mới nhận rõ sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành y.
Sự thay đổi cũng rõ ràng khi bước vào các bệnh viện, người bệnh và người nhà bệnh nhân không còn phải choáng váng vì mùi hôi thối từ các khu vệ sinh quá tải, mùi sát khuẩn nồng nặc, phòng bệnh lở loét mốc meo… Hiện tại, hầu hết các bệnh viện đều sạch sẽ, xanh mát, không có mùi. Nhà vệ sinh sạch, có xà phòng rửa tay, nước tiệt trùng…
Bộ trưởng Tiến khi đi thăm nhiều nhà vệ sinh ở các bệnh viện đã có câu nói nổi tiếng khiến các giám đốc bệnh viện phải “giật mình”: “Nhà vệ sinh bệnh viện bẩn tức là giám đốc bệnh viện bẩn”.
Đặc biệt, người bệnh cách đây 7-8 năm khi đi viện cũng nơm nớp sợ nhân viên y tế, sợ bị quát, sợ bị khám qua loa thì nay vào viện, đi đến đâu người bệnh cũng có nhân viên đón tiếp niềm nở, nhiệt tình. Thái độ của nhân viên y tế đã cải thiện được lòng tin của người dân với ngành y tế rất nhiều trong thời gian qua.
Nhiều người đánh giá trong suốt nhiệm kỳ làm Bộ trưởng (2011 - 2019), bà đã góp phần làm thay đổi mạnh mẽ ngành y tế, từ “diện mạo” của các cơ sở y tế đến “nội dung” chất lượng khám chữa bệnh. Bà chia sẻ gì về đánh giá này? Những thay đổi nào khiến bà thấy hài lòng nhất?
- Nếu có tiến bộ gì, phải nói đó là sự cố gắng của tất cả nhân viên ngành y tế trong thời gian qua. Sự thay đổi lớn nhất mà chúng tôi chú trọng trước hết là Khoa khám bệnh. Nếu như bệnh viện là bộ mặt của ngành y, Khoa khám bệnh là bộ mặt của bệnh viện. Đầu tiên là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình khám chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi, bố trí người hướng dẫn bệnh nhân để họ không mất thời gian “đi lạc” trong bệnh viện. Rồi bố trí camera, hòm thư góp ý, mở đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người bệnh…
Ngay cả trang phục của nhân viên y tế cũng phải thay đổi, yêu cầu sạch sẽ, nghiêm chỉnh, văn minh. Bệnh viện là nơi cần phải sạch nhất, bác sĩ càng cần phải sạch sẽ, văn minh. Khoa Khám bệnh là phải sắp xếp hợp lý, bố trí xanh sạch đẹp, có ghế ngồi thoải mái, có sách báo, ti vi, có quạt, có điều hòa, thậm chí nước uống cho người chờ khám. Nhà vệ sinh cũng phải sạch, đẹp, phải có cây xanh, không được nặng mùi...
Sự thay đổi này gần như 100% cơ sở y tế đều đã đáp ứng, kể cả trạm y tế xã. Bộ Y tế thời gian qua cũng đã xây dựng Bộ tiêu chí chấm điểm bệnh viện và các nơi sẽ chấm chéo lẫn nhau. Nếu các tiêu chí về điều trị, cơ sở vật chất, môi trường, nhân lực, sự hài lòng của bệnh nhân... không được đáp ứng sẽ có điểm thấp. Điểm này được chia sẻ công khai trên mạng. Khi đó bệnh nhân sẽ ít, ảnh hưởng ngay đến lương thưởng của nhân viên y tế và sự tồn tại của bệnh viện.
Tôi vui nhất là sự hài lòng của người bệnh đã được tăng lên một cách rõ rệt. Thái độ của bác sĩ đối với bệnh nhân cũng thay đổi. Chất lượng khám chữa bệnh đã tốt hơn rất nhiều. Người nghèo cũng được hưởng những dịch vụ y tế cao, hiệu quả.
Hơn nữa là hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương đã được nâng cấp rất nhiều kể cả cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ chuyên môn. Ngành y tế đã đủ năng lực để ứng phó được các dịch mới nổi cũng như chữa trị các bệnh hiểm nghèo khác.
Trong suốt nhiệm kỳ sóng gió của mình, bà cũng không ít lần phải đối mặt với áp lực của “bão dư luận”. Bà đã đối mặt với những áp lực đó như thế nào?
- Trong công việc và cuộc sống, tôi luôn vận dụng tư duy triết học và triết lý nhà Phật. Tức là nhìn cái gì cũng có quan điểm toàn diện, cụ thể, chi tiết, phát triển và phải tổng hòa các mối quan hệ. Mình phải chấp nhận mọi thay đổi, biến cố, từ công việc khám chữa bệnh, dịch dã, nhân sự, chính trị và cuộc sống... phải có thay đổi mới đáp ứng được sự phát triển.
Có sự thay đổi mình phải chấp nhận, có sự thay đổi mình phải đối mặt, tìm giải pháp. Ví dụ cách đây 6-7 năm, tôi phải đối mặt với nhiều vụ việc như vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường, ăn bớt vắc xin, ăn bớt thuốc, tai biến vắc xin, dịch bệnh... Áp lực lúc đó là vô cùng nặng nề.
Những lúc như thế, mình buộc phải đối diện, phải hiểu rằng những biến cố xảy ra là quy luật tất yếu của cuộc sống. Mình không được buông “vũ khí”, không được rời vị trí, chán nản, than phiền hay oán trách.
Khi đó, tôi sẽ tập hợp anh em quanh mình lại để đoàn kết, tìm cách giải quyết, tháo gỡ. Anh em đồng sức, đồng lòng sẽ tìm được giải pháp hiệu quả, hợp lý. Nhờ đó mình lại được tiếp thêm sức lực để đối diện với khó khăn.
Tôi tâm đắc nhiều triết lý trong thiền đạo để thản nhiên trong mọi biến cố, vững chãi trong mọi khó khăn, bản lĩnh trong mọi thử thách.
Là một nhà quản lý bận rộn, bà cân đối sắp xếp thời gian thế nào giữa công việc và chuyện gia đình?
- Đã hơn 10 năm nay công việc buộc tôi phải sống xa gia đình. Rất may mọi thành viên trong gia đình tôi đều làm trong ngành y nên rất hiểu và chia sẻ với vợ, với mẹ, với bà. Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc, là hậu phương ấm áp nhất của tôi. Tất nhiên so với nhiều chị em phụ nữ khác tôi thiệt thòi hơn, dành được ít thời gian cho gia đình hơn. Ví dụ một việc đơn giản như đi chợ, nấu bữa cơm, cũng không phải dễ dàng làm được...
Là một người con gái gốc Hà Tĩnh, quê hương của những làn điệu ví dặm ngọt ngào, bà Nguyễn Thị Kim Tiến là người rất yêu nghệ thuật. Những ai tiếp xúc nhiều với bà đều có thể cảm nhận ẩn sau phong cách quyết đoán, bản lĩnh của một nữ lãnh đạo, một “người đàn bà thép”, là một tâm hồn tinh tế. Bà có giọng hát khá truyền cảm, thỉnh thoảng trong những dịp sinh hoạt nội bộ cơ quan, bà cũng mạnh dạn lên hát một vài ca khúc giai điệu quê hương, như “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sĩ đồng hương Nguyễn Văn Tý. Bà cũng rất thần tượng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và mối tình của họ. Trước khi chia tay, bà dặn đi dặn lại: “Hôm nào Định sắp xếp để chị đến thắp hương cho anh Vũ chị Quỳnh nhé…”.
Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến về cuộc trò chuyện với Dân Việt. Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, xin được dành những đóa hoa tươi thắm cùng những lời chúc tốt đẹp nhất gửi tới bà cũng như tất cả những người đồng nghiệp của bà trong ngành y - cùng với nghề Nhà giáo - là một trong hai nghề cao quý trong xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.