Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Một ngày mưa sụt sùi, chúng tôi ghé thăm ông tại nhà riêng ở thành phố biển Vũng Tàu.
Trả lời câu hỏi của Dân Việt trò chuyện về nghề "xử án", ông Quế nói: "Minh oan cho một người là làm một việc đức; gây oan một người là làm một việc ác; tha hay bỏ tù một người đúng pháp luật là làm một việc thiện; xử phạt tử hình một người đúng pháp luật là làm một việc trừ ác".
Câu nói đầy tính triết lý dường như được ông Đinh Văn Quế rút ra sau 40 năm tiếp xúc, chỉ đạo xét xử, phán quyết, bao nhiêu số phận con người trước vành móng ngựa.
Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà ông luôn lấy câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ cán bộ ngành tòa án làm phương châm trong công tác. Cán bộ tòa án thì phải "phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư"…
Năm 1966, mới 16 tuổi, Đinh Văn Quế đã đi bộ đội và trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam tại chiến trường miền Nam lúc ông chưa tròn 18 tuổi. Anh lính trẻ Đinh Văn Quế chiến đấu ròng rã từ chiến trường Quảng Ngãi lên đến Tây Nguyên. Đất nước thống nhất, trở thành thương binh ¾, ông Quế về công tác tại TAND tỉnh Gia Lai - Kon Tum vào năm 1976, như một cơ duyên, một định mệnh, trong khi ông chưa hề qua trường lớp nào về tòa án hay về luật.
Sau khi trở thành cán bộ của TAND tỉnh Gia Lai – Kon Tum, ông Quế mới đi học Trường cán bộ tòa án. Rồi ông chuyển về làm cán bộ của Tòa hình sự TAND Tối cao từ đầu năm 1982. Ông được bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao năm 1989; giữ chức Phó Chánh tòa hình sự TAND Tối cao năm 1993, rồi Chánh tòa hình sự TAND Tối cao vào năm 2003, cho đến khi ông nghỉ hưu (năm 2011).
Ông Quế còn là thành viên Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao suốt 18 năm. Theo quy định của pháp luật, HĐTP có nhiều chức năng như: giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án đã có hiệu pháp luật nhưng bị kháng nghị; các vụ án do tòa phúc thẩm TAND Tối cao hoặc tòa chuyên trách của TAND Tối cao đã xét xử; ban hành nghị quyết và các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong hệ thống tòa án…
Từ đây, thẩm phán Đinh Văn Quế đã tham gia xét xử và chỉ đạo trên 1.000 vụ án. Trong đó có hàng chục vụ đặc biệt nghiêm trọng (liên quan đến, giết người, buôn lậu, tham nhũng, lừa đảo…) do ông ngồi ghế chủ tọa, tuyên hơn 10 bị cáo với mức án cao nhất là tử hình. Có thời điểm, ông được các đồng nghiệp gọi vui "máy chém của TAND Tối cao". Mặc dù vậy, với số lượng án lớn như thế, nhưng chưa có vụ nào ông Quế tham gia xét xử lại xảy ra "oan sai".
Trong sự nghiệp của một thẩm phán, một lần tuyên bị cáo "không phạm tội" đã là khó. Nhưng được biết thẩm phán Đinh Văn Quế, trong gần chục vụ án, ông đã tuyên bị cáo… "trắng án". Cơ sở nào khiến ông có được niềm tin sắt đá, tuyên "trắng án" cho các bị cáo như thế?
- Một người là thẩm phán, ngồi tòa xét xử, người đó phải có "dũng khí", phải thật sự công tâm, vô tư khi phán quyết. Để khi trở về đời thường không phải sám hối, ăn năn vì các phán quyết, phán xét sai lầm của mình.
Nhiều năm qua, tôi không nhớ hết những vụ án mà tôi đã tuyên. Tuy nhiên, có hai vụ tôi không thể nào quên. Đó là trường hợp của hai vợ chồng ở Quảng Ngãi, bị phạt 25 năm tù (chồng 18 năm, vợ 7 năm) về "tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Nghiên cứu toàn diện hồ sơ, xét hỏi, tranh luận công khai tại tòa, tôi thấy không đủ chứng cứ để kết án. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn yêu cầu chủ tọa phiên tòa tuyên cả hai vợ chồng bị cáo "không phạm tội". Nghe đọc xong bản án, người vợ ngất xỉu tại vành móng ngựa; còn người chồng thì dang hai tay, nghẹn ngào kêu lên tại tòa rằng "Trời cao có mắt"…
Một vụ án khác, tôi cũng không thể nào quên. Đó là vụ án liên quan đến bà N.T.H. (ở thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) bị tòa sơ thẩm phạt 4 năm từ về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vào năm 1997. Bà H. kháng cáo, nhưng sau đó lại rút đơn. Chấp hành xong án tù, H. có đơn tố cáo…
Theo đơn tố cáo, sau khi có án sơ thẩm thì kiểm sát viên và điều tra viên vào trại dọa rằng, nếu bà H. kháng cáo sẽ bị tăng án lên 8 năm (?). Do không am hiểu pháp luật, bà H đã rút đơn. Sau khi xem xét, Chánh án TAND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị vụ án này.
Ngày 14/2/2006, Tòa hình sự TAND Tối cao do tôi làm chủ tọa đã hủy bản án sơ thẩm, tuyên bà H. không phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và đình chị vụ án.
Trong vụ án này, tòa cấp sơ thẩm không đánh giá đúng bản chất của vụ việc. Đây là vụ tranh chấp dân sự liên quan đến hợp đồng mua bán nhà, nhưng không hiểu sao các cơ quan tiến hành tố tụng lại khởi tố, truy tố, kết án bà H. oan sai. Đây là trường hợp "hình sự hóa quan hệ dân sự" điển hình.
Những chuyển biến của nền kinh tế - xã hội đất nước diễn ra trong thời gian gần đây là thực tế không thể cưỡng lại được. Đồng nghĩa, tội phạm cũng xảy ra nhiều hơn, mức độ phức tạp hơn. Vấn dề đấu tranh phòng chống tội phạm được toàn xã hội quan tâm hơn.
Trong đó, việc kết án oan cho người vô tội hay bỏ lọt tội phạm đang là vấn đề bức xúc hiện nay. Một trong những nguyên tắc rất quan trọng của hoạt động xét xử là "không làm oan người vô tội, nhưng không được bỏ lọt tội phạm". Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên trong thực tiễn vẫn xảy ra oan sai, gây tổn thất về vật chất và tinh thần cho người bị kết án và thân nhân của họ.
Vẫn biết cuộc đời làm thẩm phán xét xử vô số vụ án, nhưng có vụ án nào khiến ông nhớ nhất? Bởi, sau một phán xét, một phán quyết của thẩm phán, là số phận, là sự sống - cái chết của một con người… Có phán quyết nào liên quan tới số phận con người để lại cho ông nhiều day dứt, suy nghĩ?
- Năm 1990, vừa mới được bổ nhiệm làm thẩm phán, tôi được phân công làm chủ tọa phiên tòa phúc thẩm một vụ án, mà bị cáo nguyên là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Thái Nguyên. Bản án sơ thẩm kết án bị cáo tù chung thân về tội giết người, mà nạn nhân là người vợ.
Đại diện bị hại kháng cáo yêu cầu phải tử hình. Vụ án này xảy ra ở tỉnh Hà Nam Ninh (cũ). Nạn nhân chết dưới bè rau muống. Gia đình nghĩ rằng, do tai nạn…
Nhưng đúng hôm cúng 49 ngày, một bé trai 11 tuổi (gọi bị cáo là cậu ruột) bỗng nhiên nói: "Hôm mợ chết, cháu gặp cậu ở cổng làng". Thế là gia đình bên vợ gửi đơn tố cáo. Cơ quan điều tra vào cuộc, khai quật tử thi lên giám định pháp y, mới phát hiện nạn nhân bị đánh vào gáy gãy đốt sống cổ.
Khám xét chỗ ở của bị cáo, người ta tìm thấy nhiều lá thư tình của bị cáo với một cô gái trẻ, nhân viên nhà bếp của đơn vị. Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra, truy tố đến xét xử sơ thẩm, bị cáo đều chối tội, với tình tiết bị cáo có chứng cứ ngoại phạm.
Vì anh em trong đơn vị của bị cáo đều khai 21 giờ còn thấy anh ta ngủ ở đơn vị, 5 giờ sáng hôm sau, anh ta tập thể dục cùng anh em. Trong khi đó, tỉnh Thái Nguyên cách tỉnh Hà Nam Ninh trên 100 cây số. Thời kỳ đó, xe cộ đi lại khó khăn. Ở cấp sơ thẩm, Hội đồng xét xử thấy chứng cứ còn yếu nên không dám tuyên án tử hình.
Nhận hồ sơ vụ án, tôi lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Vì chỉ có hai tình huống xảy ra: - Một là bị cáo không phạm tội. Hai là phải tử hình. Trước ngày xử phúc thẩm, tôi đọc lại toàn bộ hồ sơ vụ án đến tận 12 giờ đêm, rồi thiếp đi lúc nào không biết…
Bất chợt, tôi thấy có một phụ nữ mặc áo trắng, đến bên cạnh nói: "Tôi bị chết oan". Rồi người phụ nữ kể lại vì sao chị bị chết. Có một tình tiết trong hồ sơ vụ án không thấy đề cập, đó là: Trước khi bị đánh, anh chồng có quan hệ tình dục với vợ.
"Anh ấy ngủ với tôi; sau đó cả hai ra cầu ao rửa ráy và bất ngờ, anh ta đánh mạnh vào gáy tôi rồi đẩy tôi xuống ao" – người phụ nữ nói.
Tôi choàng tỉnh giấc. Những mắt xích của vụ án mà tôi trăn trở mấy hôm nay đã sáng rõ. Hôm sau, ra tòa, bị cáo vẫn chối tội. Là một cảnh sát hình sự nhiều kinh nghiệm, anh ta trả lời rất khôn ngoan. Do thường xuyên phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra, tôi đưa ra giả thuyết về thủ đoạn, quá trình gây án…
Khi nghe đến đoạn quan hệ tình dục với vợ, anh ta như sụp hẳn xuống, mất đi vẻ tự tin trước đó. Đêm xảy ra vụ án, anh ta mặc quân phục Công an ra đường vẫy một xe ô tải đưa về Hà Nam Ninh. Gần đến làng, anh ta dặn lái xe đỗ lại và chờ anh ta ra, rồi về lại đơn vị ngay. Về đến nhà, anh ta vào nhà bằng cửa phụ đầu hè, nhà có chó nhưng không sủa…
Sau một lúc im lặng, anh ta thừa nhận đã dùng tay chém vào gáy vợ khi hai người ra ao và giấu xác vợ dưới bè rau muống. Sau đó, nhanh chóng ra ô tô chờ sẵn để trở về đơn vị, không ai hay biết. Gia đình cũng nghĩ vợ anh ta bị cảm gió, nên đâm đầu xuống ao chết.
Bị cáo bị kết án tử hình và không có đơn xin tha tội chết. Trước khi đưa anh ta ra pháp trường để xử bắn, anh ta không viết thư về cho bố mẹ, cũng không gửi bất cứ thứ gì cho gia đình, chỉ yêu cầu gặp ông chủ tọa xử phúc thẩm để hỏi: Vì sao ông biết vợ chồng tôi quan hệ tình dục, ông có nằm dưới gầm giường vợ chồng tôi đâu mà ông biết?
Không biết đó là chuyện tâm linh hay do mình lo nghĩ quá nhiều, quá căng thẳng về vụ án, mà có giấc mơ như thế. Cho đến bây giờ, mấy chục năm trôi qua tôi vẫn không lý giải được!
Các vụ án hình sự nổi cộm trong xã hội, ông từng "trải qua" rất nhiều, nhưng với những vụ án hình sự liên quan đến sai phạm về tư pháp, ông có từng "kinh qua"?
- Có chứ, làm sao tránh khỏi. Đơn cử vụ án liên quan đến ông Nguyễn Thanh Chấn bị xét xử oan sai, gây xôn xao dư luận một thời. Ngày 30/9/2014, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm để điều tra về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Ông Phạm Tuấn Chiêm từng là thẩm phán TAND Tối cao, ngồi ghế chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn năm xưa. Có lẽ đây là lần đầu tiên, một thẩm phán bị khởi tố về hành vi "thiếu trách nhiệm" kết án oan người vô tội.
Xem xét vụ án này, tôi đã chỉ ra ông Chiêm không thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Ông Chiêm đã sử dụng các chứng cứ được thu thập trái quy định. Từ đó, quy chụp, kết án oan sai đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Vụ án này là tiếng chuông báo động cho các thẩm phán của tòa án các cấp, khi được phân công chủ tọa phiên tòa một vụ án hình sự. Nhất là những vụ án mà bị cáo kêu oan, thẩm phán cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, dũng cảm hơn và dám chịu trách nhiệm trước pháp luật về phán quyết của mình.
Không riêng vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Đinh Văn Quế còn chỉ ra nhiều vụ án khác đã kết án oan người vô tội. Điển hình như vụ anh Bùi Minh Hải ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bị kết án tử hình vì tội giết người, nhưng sau đó, phát hiện thủ phạm là người khác, không phải anh Hải.
Tương tự, vụ ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình; vụ ông Cường thương binh ở Nam Định; vụ ông Trần Văn Chiến (quê Tiền Giang) đã phải ngậm đắng nuốt cay chấp hành bản án chung thân về tội giết người, cho đến khi được mãn hạn trở về thì hung thủ thực sự của vụ án mới lộ diện.
Vụ anh Nguyễn Minh Hùng (quê Tây Ninh) được minh oan sau hai lần bị tuyên án tử hình vì bị cáo buộc vận chuyển trái phép 25 bánh heroin; vụ chị Nguyễn Thị Hiên ở Thái Bình (vụ án này có dấu hiệu điều tra viên, kiểm sát và tòa án móc ngoặc với nhau để làm oan chị Hiên)…
Liên tục gần 40 năm công tác trong ngành tòa án, ông Đinh Văn Quế đã trở thành chuyên gia hàng đầu về luật hình sự của Việt Nam. Ông Quế còn là tác giả hàng loạt công trình nghiên cứu có giá trị. Chưa hết, hiện nay, dù tuổi của ông đã qua ngưỡng "thất thập cổ lai hy", nhưng ông vẫn không ngừng làm việc.
Với sức viết cực khỏe, ông Quế đã viết hàng chục đầu sách bình luận khoa học chuyên sâu về luật hình sự và tố tụng hình sự. Những đầu sách trên được giới nghiên cứu đánh giá rất cao. Những cuốn sách do ông Quế viết đã thật sự là cẩm nang cho người làm công tác tư pháp áp dụng vào thực tiễn; thành sách gối đầu giường cho hàng nghìn sinh viên ngành luật học tập…
Ông Quế còn được nhiều người biết đến là cây bút sắc bén với gần 1.000 bài viết liên quan đến pháp luật đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành.
Sau khi nghỉ hưu, ông trở thành luật sư (là Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam khóa II), ông vẫn viết và còn viết "sung" hơn! Mới đây, ngoài tập "Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự 2015", ông cho ra mắt 2 cuốn sách "Góc của Đinh Văn Quế" và "Chuyện Pháp đình", không chỉ giải đáp những vướng mắc về pháp luật hình sự mà còn đề cập đến các vấn đề khác như: kinh tế, chính trị, xã hội…
Một thẩm phán Đinh Văn Quế hết sức quen thuộc đối với những người làm trong lĩnh vực tòa án, nhưng còn một chuyên gia luật hình sự Đinh Văn Quế, với hàng nghìn trang bình luận án chuyên sâu. Từ bao giờ, ông từ thẩm phán chuyển thành chuyên gia luật?
- Rất tự nhiên, từ khi tôi nghỉ hưu vào năm 2011. Tôi có nhiều thời gian đọc sách, đọc báo, thu thập tư liệu; rồi các báo đặt bài viết với tư cách một người từng xét xử, làm án… Có luật sư còn gặp tôi cảm ơn vì đã giải oan cho thân chủ của mình. Luật sư kể, ngay tại phiên tòa, ông ấy dùng các bài bình luận của tôi đăng trên báo để bào chữa cho thân chủ. Kết quả là Hội đồng xét xử đã nghe theo, tuyên bị cáo không phạm tội.
Riêng bình luận khoa học về luật Hình sự, tôi đã viết gần 50 cuốn, với hàng vạn trang bình luận chuyên sâu, minh họa cụ thể bằng những vụ án có thật, mang tính điển hình.
Đọc những cuốn sách do ông viết, tư liệu của hàng chục, hàng trăm vụ án tái hiện ngồn ngộn trên từng trang sách. Đặc biệt, các vụ án dính dáng tới yếu tố tham nhũng, hối lộ, quan chức làm sai… Phải chăng, mảng tòa về án tham nhũng, tiêu cực cũng là mảng mà ông rất tâm đắc?
- Thời điểm tôi công tác ở Tòa hình sự, giữ chức Phó Chánh tòa rồi Chánh tòa hình sự, cũng là những năm đã xảy ra rất nhiều đại án trên đất nước này. Vì vậy, tôi phải tham gia hầu hết các đại án. Ví dụ các vụ án như: Vụ làm mộ giả ở Quảng Trị, vụ cướp trên đèo Hải Vân, vụ giết người cướp xe máy ở Chi Nê-Hòa Bình, vụ Bộ trưởng Bộ Năng lượng, vụ buôn lậu Tân Trường Sanh. vụ Phan Anh Tuấn Giám đốc Hải quan TP.HCM, vụ án Năm Cam…
Đặc biệt vụ án Năm Cam gây xôn xao dư luận, ai cũng biết. Vụ án này có 2 Ủy viên Trung ương Đảng và một Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao bị truy tố. Trong đó, ông Bùi Quốc Huy – Thứ trưởng Bộ Công an, từng giữ chức Giám đốc Công an TP.HCM bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Ông Trần Mai Hạnh – Đại biểu Quốc hội, từng là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, và ông Phạm Sỹ Chiến - Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, đều bị truy tố về tội "nhận hối lộ" của Năm Cam và một số cán bộ cấp phòng của Công an TP.HCM.
Vụ án này, nếu xét về thiệt hại tài sản thì không lớn so với các vụ án sau này. Nhưng về cán bộ thì mất mát quá lớn. Với cương vị là Tổ trưởng tổ công tác của Ban chỉ đạo, tôi đã đề xuất nhiều ý kiến góp phần điều tra, truy tố, xét xử vụ án đúng tiến độ, ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Riêng về các vụ án tham nhũng, tôi nhận thấy có những bất cập. Đơn cử Luật Phòng, chống tham nhũng quy định có 12 hành vi tham nhũng. Nhưng Bộ luật Hình sự chỉ quy định 7 tội danh. Trong khi chờ sửa đổi bổ sung luật, việc xử lý cần quán triệt đầy đủ tinh thần quyết tâm chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đã phát động.
Về phía lãnh đạo TAND Tối cao, trong nhiều nghị quyết, chỉ chị đều yêu cầu các tòa án địa phương xử lý nghiêm đối với tội tham nhũng. Tuy nhiên, một số nơi máy móc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ dẫn đến xử phạt "nương tay", nên tham nhũng vẫn chưa bị đẩy lùi.
Vấn đề không phải do thiếu pháp luật mà do nhận thức của thẩm phán. Nếu người nắm cán cân công lý còn phải thận trọng, xin ý kiến; còn "sợ" vì người phạm tội có quyền thế, địa vị, nhiều mối quan hệ; còn chọn giải pháp an toàn vì "nồi cơm" nhà mình nên phải xử nhẹ hoặc cho hưởng án treo...thì chống tham nhũng không thể đem lại hiệu quả.
Sau Nghị quyết Trung ương 4, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn hành động. Các biện pháp mạnh được áp dụng; việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được quan tâm đặc biệt.
Về phía TAND Tối cao, đã ra nghị quyết hướng dẫn các tòa án địa phương không cho người phạm tội tham nhũng được hưởng án treo. Thời gian dài, chưa có trường hợp tham nhũng nào bị xử ở khung hình phạt cao nhất. Nhưng gần đây, nhiều bị cáo phạm tội tham nhũng như: Vũ Quốc Hảo, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc… đã nhận mức án tử hình.
Ai cũng biết tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm; tội phạm tham nhũng không chỉ làm thiệt hại đến tài sản, đến sự quản lý của Nhà nước mà còn gây ra hậu quả về chính trị, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, làm mất lòng tin của nhân dân vào chế độ. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong một thời gian dài được đánh giá là chưa đạt đến kỳ vọng của toàn xã hội.
Vì vậy, những bản án tử hình vừa qua đã lấy lại lòng tin của nhân dân vào chủ trương, biện pháp chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Nó có tác dụng răn đe và đó cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đã và đang có ý định tham nhũng.
Gần như sự nghiệp của ông gắn bó với mảng tòa án hình sự. Đây là nơi hết sức "nhạy cảm". Bởi xét xử, chỉ đạo hay xử lý các vụ án hình sự trên cả nước, hoàn toàn không dễ dàng. Ông có cảm thấy áp lực không?
- Tôi được bổ nhiệm làm Chánh tòa hình sự trong bối cảnh khá phức tạp: thiếu đủ thứ về con người lẫn trang thiết bị. Số người có kinh nghiệm lần lượt nghỉ hưu, nên TAND Tối cao phải rút cán bộ từ địa phương hoặc từ Tòa phúc thẩm về nên khó khăn đủ điều. Áp lực công việc quá lớn, anh em phải làm cả thứ bảy và chủ nhật cũng không hết việc. Hầu như ai cũng ngại về công tác ở Tòa hình sự.
Hàng năm, Vụ tổ chức - cán bộ phải tuyển dụng các sinh viên mới ra trường để bổ sung cho các đơn vị. Trong đó, có Tòa hình sự; nhưng các em chưa có kinh nghiệm, lương lại thấp; nhiều em chỉ trụ được một thời gian rồi lại xin đi nơi khác.
Chúng tôi còn phải nghiên cứu các bản án hoặc hồ sơ vụ án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp dưới để trả lời đơn khiếu nại cho bị cáo và các đương sự. Hàng năm có hàng chục nghìn đơn khiếu nại phải giải quyết…
Trước thực trạng đó, không còn cách nào khác là phải đổi mới, tìm cách để hoàn thành nhiệm vụ. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi bàn với các đồng chí Phó Chánh tòa cùng với các đồng chí cấp ủy ý tưởng của tôi. Cũng may, các đồng chí lãnh đạo, anh em đều đồng thuận với phương pháp mà tôi đề xuất.
Đầu tiên là phải cải thiện đời sống anh em, nhờ đó, hàng tháng Tòa hình sự được khoản phụ cấp làm ngoài giờ, không chia đều, mà chia theo số điểm đạt được.
Tòa hình sự là đơn vị đầu tiên và cũng là đơn vị duy nhất của Tòa án nhân dân Tối cao xây dựng được quy chế, thang, bảng điểm cho từng loại việc. Ai làm nhiều, làm tốt, hàng tháng sẽ được biểu dương, được chia nhiều tiền làm thêm và được bình chọn các danh hiệu thi đua, được ưu tiên cho đi học các lớp đào tạo thẩm phán.
Không khí làm việc cải thiện đáng kể, dần đi vào quy chế, nhiều đơn vị trong cơ quan tìm đến học tập. Kết quả thật không ngờ, cuối năm xét thi đua Tòa hình sự được tặng cờ của Chính phủ, được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động nhì.
Đặc biệt, Tòa hình sự được Bộ Công an đề nghị tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, vì có thành tích xuất sắc trong việc phối hợp phá các vụ án trọng điểm; trong đó có vụ án Năm Cam. Cá nhân tôi được vinh dự là Chiến sĩ thi đua toàn quốc và cũng được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Là "quan tòa" nắm cán cân công lý, giữ quyền sinh, sát, ông có gặp trở ngại gì trong quá trình thực thi luật pháp?
- Trở ngại trong công tác thì nhiều. Tôi là người thẳng tính, không ngại bộc lộ quan điểm, trước hết, là quan điểm về luật hình sự. Khi TAND TP.HCM xét xử vụ án Năm Cam, đến phần tranh luận, các luật sư đưa ra nhiều ý kiến cho rằng một số bị cáo bị truy tố thiếu căn cứ, nhất là nhóm tội đưa và nhận hối lộ.
Một số tờ báo, khi đưa tin cũng nhấn mạnh các luận điểm của luật sư. Đây là vụ án trọng điểm, lại đang trong kỳ họp Quốc hội, nên có nhiều ý kiến băn khoăn. Trước tình hình như vậy, tôi thấy cần phải có một bài viết để định hướng dư luận. Tôi đã gặp một số phóng viên cùng trao đổi, cung cấp thông tin kịp thời để báo chí giải tỏa được những băn khoăn trong dư luận.
Với báo chí, tôi luôn cởi mở; phóng viên cần phỏng vấn là tôi lên tiếng ngay. Còn nhớ một số vụ án phức tạp, có nhiều quan điểm trái chiều, gây rất nhiều trở ngại trong công tác xét xử. Ví dụ như: Vụ án 189 Bùi Thị Xuân (Hà Nội), vụ sai phạm về đất đai ở Đồ Sơn (Hải Phòng), vụ chìm ca nô Cần Giờ (TP.HCM), vụ Ngân hàng Xây dựng, vụ Huyền Như, vụ Phạm Công Danh…; tôi đều nêu rõ quan điểm mà chẳng sợ mất lòng ai.
Có những bài báo nêu ý kiến của tôi gây sốc, đến nỗi người ta phải tổ chức hội thảo xung quanh những ý kiến trái chiều, về vấn đề Kiểm sát viên tại phiên tòa có nên đề nghị mức hình phạt không, vì lúc đó Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định này.
Có lẽ cũng vì thế mà khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, Ban soạn thảo của Viện KSND Tối cao đã đưa nội dung "tại phiên tòa Kiểm sát viên phải đề nghị mức hình phạt". Tôi cho rằng, quan điểm khác nhau về một vấn đề là chuyện bình thường. Có tranh luận thì mới tìm ra chân lý. Làm khoa học mà mình nói, rồi một mình nghe thì chán lắm.
Ông nói "nêu quan điểm của mình mà chả sợ mất lòng ai", nhưng thực tế sẽ mất lòng là không tránh khỏi. Đặc biệt, với một quan tòa như ông chịu nhiều áp lực, ông có sợ sự thẳng thắn ấy sẽ ảnh hưởng tới công việc của ông không?
- Ở cơ quan cũng vậy, tôi rất thẳng thắn, có nhiều người không thích; thậm chí có đồng chí lãnh đạo khuyên, thẳng thắn có lợi cho cái chung, nhưng sẽ bị thiệt thân đấy. Tôi không sợ thiệt cho mình, không sợ làm người khác mất lòng, không sợ ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân nên mới nói thẳng. Trong thời buổi "im lặng là vàng" thì tính thẳng thắn lại thường thua thiệt.
Có lần, tại hội nghị tổng kết công tác xét xử toàn quốc, tôi được trình bày bài tham luận. Mặc dù bài tham luận đã được in và phát đến từng đại biểu, nhưng cuối buổi sáng, đồng chí Chánh án nói với tôi: "Trưa nay, anh tranh thủ sửa lại, đầu giờ chiều anh trình bày đầu tiên, có Chủ tịch nước nghe đấy!".
Đây cũng là hiện tượng không bình thường. Thông thường, hội nghị toàn quốc tổng kết công tác xét xử, nếu mời được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự, chỉ trong buổi sáng, chưa thấy trường hợp nào Chủ tịch nước lại dự cả ngày. Bản tham luận dài hơn 20 trang đã gửi cho các đại biểu, nhưng tôi chỉ có 8 phút để trình bày tóm tắt, mà vẫn phải bảo đảm được nôi dung chính.
Trước khi kết thúc bài tham luận, tôi nói: "Kính thưa Chủ tịch nước! Là thẩm phán, chúng tôi luôn luôn học tập lời dạy của Bác Hồ "phụng công thủ pháp, chí công vô tư" và tâm niệm một điều - đó là "Kết án oan một người là làm một điều ác, minh oan cho một người là làm một việc thiện, tử hình người gây ra tội lớn là việc trừ ác".
Đến giờ giải lao, các nhà báo vây quanh tôi đòi ghi lại mấy câu nói đó của tôi, vì trong bản tham luận gửi các đại biểu không có. Sau này, một số báo có đăng lại câu nói đó của tôi.
Vì là người nói thẳng, nói thật, nên có nhiều người không ưa; thậm chí còn bảo tôi là "hâm". Tôi rất ghét những chuyện "đi đêm" và cứ thì thầm với nhau như đánh bạc giả. Tết đến, anh em cấp dưới mang quà đến biếu tôi đuổi thẳng cố; đi chữa bệnh thì không chịu đưa phong bì cho bác sĩ, lại còn viết báo nói "tôi cũng không đưa phong bì". Có đồng chí lãnh đạo nói với tôi "cậu phải khéo một chút, thẳng quá thiệt thân", tôi hiểu thế nào là "khéo" nhưng vì tính cách trời sinh nên biết làm thế nào!
Còn bị cám dỗ trong quá trình xét xử, ông có khi nào lâm cảnh khó xử khi bị cám dỗ không?
- Toà án là mảnh đất rất dễ tham nhũng, tiêu cực, nếu không biết giữ mình. Người ta không chỉ "chạy" để kháng nghị, mà còn chạy để không kháng nghị nữa. Có người từng đặt thẳng vấn đề: Nếu anh đề xuất kháng nghị vụ này, tôi không quên ơn. Tôi hiểu thế nào là "không quên ơn", nhưng tôi không muốn lúc nào cũng phải nơm nớp hoặc bị cắn rứt lương tâm. Các cụ xưa đã dạy: "Ăn cơm với cáy thì ngáy o o, ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy".
Nên làm thẩm phán thì phải có "dũng khí", cứ theo luật mà làm, phải thật sự công tâm, vô tư khi phán quyết, tránh xa những cám dỗ. Để khi trở về đời thường không phải sám hối, ăn năn vì các phán quyết, phán xét sai lầm của mình.
Tôi tuổi Canh Dần, năm nay tính cả tuổi mụ là 73 rồi. Những người tuổi Canh Dần thẳng thắn, nóng tính nên cuộc sống thường vất vả. Phải rất kiên nhẫn mới có thể vượt qua những khó khăn, thử thách cả về công việc lẫn tình cảm. Nếu ăn ở phúc đức thì sống được thêm dăm, bảy năm nữa.
Tuổi Canh Dần thường cô đơn, không nhờ cậy gì người thân, trong cuộc sống ít gặp may mắn. Đường công danh cũng trải qua nhiều sóng gió, nhưng nếu kiên trì, nhẫn nại và luôn giữ mình để đến khi nhắm mắt xuôi tay không có gì ân hận. Hàng ngày tôi chỉ tâm niệm một điều làm gì có lợi cho đời, có lợi cho dân thì cố gắng làm, tránh xa những cám dỗ để lòng mình thanh thản.
Khi còn công tác, cũng như bây giờ tôi vẫn chưa có một ngày nghỉ trọn vẹn, lúc nào cũng thấy bận; nhiều người nói tôi bị nghiện "viết". Đúng vậy, tôi không thể gác bút. Với tôi, viết còn là niềm vui và nghĩa vụ xã hội, nó sẽ theo suốt đời và nếu còn có thể, tôi vẫn viết để giúp đời, giúp người, nhất là đối với những người yếu thế.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.