Nguyễn Văn Tuất - "thủ lĩnh" nông dân giỏi với biệt tài chăn nuôi 10 tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Sau nhiều lần hẹn gặp, ngày đầu tháng 10 vừa rồi chúng tôi mới có cơ hội gặp ông Tuất tại phòng làm việc ở trụ sở UBND xã Văn Đức. Vừa gặp mặt, ngồi uống nước chưa ấm chỗ, ông đã xua tôi ra đồng ngay.

"Mấy hôm nay thời tiết giao mùa, nắng mưa thất thường, rau màu lại nhạy cảm dễ bị ảnh hưởng nên mình luôn phải có mặt ở ruộng để hướng dẫn bà con cách xử lý, sơ xảy ra là mất của ngay", Chủ tịch HND xã Văn Đức nói.

Nguyễn Văn Tuất - "thủ lĩnh" nông dân giỏi với biệt tài chăn nuôi 10 tỷ đồng/năm - Ảnh 2.

 Đến cánh đồng xã Văn Đức ngày này, chúng tôi thấy đường nội đồng, kênh mương dẫn nước đều được xây dựng khang trang, kiến cố bê tông hóa. Nhiều ruộng rau được căng màn phủ, nhà lưới, nhà kính công nghệ cao bóng nhoáng. Gặp bà con đang thu hoạch rau trên cánh đồng ai cũng phấn khởi vì năm nay rau được mùa, được giá cao.

Nguyễn Văn Tuất - "thủ lĩnh" nông dân giỏi với biệt tài chăn nuôi 10 tỷ đồng/năm - Ảnh 3.

Vừa đến thăm ruộng rau ở mô hình "Cánh đồng sạch", công trình chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập HNDVN của Văn Đức, lão nông Nguyễn Văn Cam đã khoe ngay : "Năm nay, bà con chúng tôi được Hội vận động, hỗ trợ, hướng dẫn đưa màng phủ vào áp dụng, chăm sóc rau rất hiệu quả.

Các ruộng rau không những sạch sâu, bệnh, người sản xuất cũng đỡ phải chăm sóc, không phải phun thuốc bảo vệ thực vật mà sản phẩm làm ra có mẫu mã đẹp, dễ bán, thu nhập của các hội viên tăng cao hơn so với cách làm rau truyền thống trước đây".

Thấy khách tò mò, ngơ ngác, lão nông Nguyễn Văn Cam đến từng luống rau vén màng phủ lên để chứng minh. Ông Cam cho biết, màng phủ Passlite là kỹ thuật mới trong công tác rau an toàn có rất nhiều ưu điểm vượt trội, làm cho mưa không tác động xối trực tiếp vào cây rau, tránh việc rau bị dập lá, thối lá. Bên cạnh đó, màng phủ còn giúp che chắn các loại côn trùng đẻ trứng nở ra sâu hại rau như bên ngoài.

"Ban đầu cán bộ Hội vận động làm rau không thuốc trừ sâu tôi còn nghi ngờ, e ngại nhưng khi sản xuất thử nghiệm thực tế thấy hiệu quả tôi đã thực sự bất ngờ và tin là chuyện này có thật", lão nông Nguyễn Văn Cam nói.

Nhờ áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất rau an toàn, sản phẩm rau an toàn Văn Đức đã và đang khẳng định được thương hiệu, vị thế của mình tại thị trường trong nước và quốc tế. Với gần 200ha rau an toàn, trung bình mỗi năm, Văn Đức cung cấp ra thị trường trong nước và xuất khẩu trên 300.000 tấn rau các loại.  Đến nay, rau Văn Đức đã vượt ra ngoài biên giới, có mặt tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Nguyễn Văn Tuất - "thủ lĩnh" nông dân giỏi với biệt tài chăn nuôi 10 tỷ đồng/năm - Ảnh 5.

Được biết, để sản phẩm của địa phương có thương hiệu, vị thế cao trên thị trường như ngày hôm nay, có đóng góp không nhỏ của HND xã Văn Đức?

- Để giúp dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn bền vững, trong những năm qua HND Văn Đức thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn đầu bờ và hỗ trợ, hướng dẫn cho các hội viên, nông dân vay vốn sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nguyễn Văn Tuất - "thủ lĩnh" nông dân giỏi với biệt tài chăn nuôi 10 tỷ đồng/năm - Ảnh 6.

Trong 5 năm qua (từ 2015-2020), Hội đã tích cực hỗ trợ vốn kịp thời cho các hội viên từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố và huyện với giá trị khoảng 5 tỷ đồng/năm. Đồng thời HND Văn Đức còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho bà con vay tín chấp 15 tỷ đồng giúp trên 500 hội viên được hưởng lợi từ chương trình ý nghĩa này.

Đồng thời, Hội cùng với các cơ quan, ban ngành của địa phương còn tích cực kết nối đưa sản phẩm rau an toàn vào các siêu thị, chợ đầu mối lớn tại các tỉnh, thành trong cả nước và phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu rau.

Đặc biệt, trong những năm qua, các cấp Hội ND Văn Đức đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, nhất là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; thực hiện "3 nhóm mô hình, 10 phần việc"...

Đến nay, các phong trào này đang phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực; trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn và đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, tính đến nay toàn xã đã có gần 1.000 hội viên/1.761 hội viên sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có trên 150 hội viên, hộ gia đình có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.

Đáng chú ý hơn, để hưởng ứng phong trào "Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn", và chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2020), mới đây, HND Văn Đức đã triển khai thực hiện công trình "Cánh đồng sạch" trên diện tích 8,5ha/150ha toàn xã, có 115 hộ tham gia. 

Theo đó, bà con nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng các kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn. Hiện, mô hình đã và đang cho hiệu quả rất cao, không chỉ giúp hội viên trong mô hình được hưởng lợi nhiều, thu nhập tăng cao hơn trước mà sản phẩm làm ra có chất lượng tốt hơn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường.

Nguyễn Văn Tuất - "thủ lĩnh" nông dân giỏi với biệt tài chăn nuôi 10 tỷ đồng/năm - Ảnh 7.

Nguyễn Văn Tuất - "thủ lĩnh" nông dân giỏi với biệt tài chăn nuôi 10 tỷ đồng/năm - Ảnh 8.

Về Văn Đức, chúng tôi thấy bà con hội viên rất khen và tự hào về người "thủ lĩnh" của họ, chắc hẳn ông đã giúp bà con rất nhiều?

- (Cười) Tôi thấy mình vẫn chưa giúp được gì nhiều cho bà con. Tôi tham gia công tác đoàn thể, công tác HND từ trước khi tham gia nghĩa vụ quân sự (từ năm 1993-1995) đến khi giải ngũ về địa phương tôi lại tiếp tục gắn bó với Hội. Đến năm 2002, tôi được bà con hội viên tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã.

Thời điểm đó, Văn Đức còn nghèo, nhiều hộ khó khăn phải chạy ăn từng bữa chứ chưa nói gì đến làm giàu nên muốn thu hút, vận động bà con tham gia vào Hội càng khó khăn hơn. Để tạo lòng tin của bà con, tôi luôn cố gắng, nỗ lực nhiều hơn trong nghiên cứu, tìm các mô hình hay đưa về địa phương để giúp dân phát triển kinh tế.

Trong thời gian này, tôi cũng tranh thủ ôn thi và thi đỗ vào Khoa Chăn nuôi thú y của Đại học Nông nghiệp (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) hệ tại chức. Đến năm 2005, sau khi tốt nghiệp, tôi lại kiêm thêm công việc cán bộ thú y ở xã , công việc rất bận rộn nhưng bất kể lúc nào bà con cần giúp tôi cũng đáp ứng ngay.

Ngày đó, tôi đỡ đẻ, làm thú y cho lợn, bò mát tay và nhiệt tình lắm! Có nhiều hôm giữa đêm mùa đông lạnh buốt đang ngủ với vợ con, có người gọi báo gia súc chuyển dạ, tôi vẫn dậy tức tốc phi xe như bay dưới mưa để kịp đến đỡ đẻ cho lợn, bò giúp bà con, đến khi gia súc"mẹ tròn con vuông" tôi mới yên tâm. Có lần tôi làm quá sức mệt lả người đi nhưng nhìn thẩy thành quả của mình được bà con đón nhận, phấn khởi mình cũng thấy yên lòng. 

Nguyễn Văn Tuất - "thủ lĩnh" nông dân giỏi với biệt tài chăn nuôi 10 tỷ đồng/năm - Ảnh 9.

Nguyễn Văn Tuất - "thủ lĩnh" nông dân giỏi với biệt tài chăn nuôi 10 tỷ đồng/năm - Ảnh 10.

Hơn 20 năm làm công tác Hội, bản thân tôi cũng có nhiều kỷ niệm vui, buồn với nghề, với bà con, hội viên.

Nhưng nhớ nhất là thời điểm 2009 -2010,  khi xã nhà có chủ trương quy hoạch chăn nuôi xa khu dân cư, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ vận động và hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm thủ tục vay vốn, chọn quỹ đất làm trang trại. Thông thường theo quy định, các cán bộ chỉ làm việc trong giờ hành chính tại cơ quan nhưng riêng cá nhân tôi, bất kể ngày, đêm nếu bà con hội viên có nhu cầu tìm đến nhà mình cũng sẵn sàng giúp đỡ.

Thấy vậy nhiều người còn hiểu nhầm tôi "đi đêm" với cán bộ, nông dân để sắp xếp quỹ đất, vốn vay, thậm chí có người còn đến tận nhà gặp tôi đưa phong bì mong được giúp đỡ nhưng tôi đã thẳng thừng từ chối. Đồng thời tôi cũng giải thích cặn kẽ, tỉ mỉ những lợi ích mà người dân thu được khi di dời chăn nuôi ra khu quy hoạch để mọi người hiểu và vui vẻ thực hiện.

Bản thân tôi luôn tâm niệm một điều, cán bộ là công bộc của dân, nếu để tiền bạc, lợi lộc trước mắt làm hoa mắt thì dân mất nhờ, hội viên mất lòng tin. Chính vì thế mà tôi luôn cố gắng nỗ lực hoàn thiện mình, tránh xa cám dỗ, phục vụ hội viên hết mình.

Đến giờ, nhiều hộ chăn nuôi trong quy hoạch ngoài cánh đồng Văn Đức đã có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm thì mọi người mới hiểu tấm lòng của tôi.

Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, đến năm 2020, Hội ND Văn Đức đã thu hút thêm được hơn 1.000 hội viên nâng tổng số hội viên toàn xã lên 1.761 người. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Dù xuất phát điểm là xã thuần nông nhưng đến nay toàn xã không còn hộ nghèo. Đây thực sự là một kỳ tích rất đáng tự hào của địa phương cũng như của Hội ND Văn Đức.

Nguyễn Văn Tuất - "thủ lĩnh" nông dân giỏi với biệt tài chăn nuôi 10 tỷ đồng/năm - Ảnh 11.

Nguyễn Văn Tuất - "thủ lĩnh" nông dân giỏi với biệt tài chăn nuôi 10 tỷ đồng/năm - Ảnh 12.

 Ông có bí quyết gì để thu hút và tạo lòng tin cho bà con khi tham gia vào Hội Nông dân?

-  Để thu hút và tạo lòng tin cho bà con hội viên thì người "thủ lĩnh" có vai trò rất quan trọng. Hơn 20 năm làm công tác Hội, làm "thủ lĩnh" nông dân Văn Đức, tôi luôn xác định bản thân mình phải luôn gương mẫu, làm gì cũng phải luôn đặt quyền lợi, lợi ích của bà con hội viên lên trước.

Muốn hội viên tin tưởng thì trước tiên mình phải gương mẫu làm trước. Khi bản thân cán bộ Hội đã sản xuất, chăn nuôi giỏi rồi thì bà con sẽ tự nguyện làm theo.

Theo đó, vừa làm công tác hội, tôi vừa cùng vợ mở rộng quy mô chăn nuôi lợn. Thời gian đầu chỉ nuôi vài chục con dần dần nhân đàn lên vài trăm con/năm.

Năm 2015, tôi mạnh dạn thuê đất xây dựng thêm 2 trại lợn với quy mô nuôi trên 1.000 con/năm.  Xác định chăn nuôi quy mô lớn, tôi đã bàn với vợ đầu tư, mua sắm nhiều máy móc, thiết bị hiện đại để chăm sóc đàn lợn, vừa nhằm phòng tránh dịch, bệnh.

Nguyễn Văn Tuất - "thủ lĩnh" nông dân giỏi với biệt tài chăn nuôi 10 tỷ đồng/năm - Ảnh 14.

Vừa làm công tác hội vừa chăn nuôi nhiều lợn như thế, ông làm sao để cân bằng, không để công việc chồng chéo?

- Với nhiều người vừa sản xuất vừa công tác Hội là bài toán khó nhưng với tôi lại rất đơn giản. Chỉ cần mình lên kế hoạch, sắp xếp công việc, mọi thứ hợp lý, khoa học là có thể làm được.

Hàng chục năm nay, tôi đã rèn được thói quen dạy sớm. Thường ngày, 5 giờ sáng tôi thức dậy vào trang trại chăm sóc đàn lợn đến 7 giờ xong việc mới trở về nhà tắm, rửa thay quần áo lên cơ quan hoặc ra đồng làm việc giúp bà con. Đến trưa 11h30 tôi lại đảo qua trại thăm đàn vật nuôi rồi mới về ăn cơm, chiều tối rảnh việc vào trại tiếp tục chăm sóc đàn lợn. Có hôm bận công việc vào trại muộn, tôi làm đến giữa đêm mới về nhà.

Điều đặc biệt tại trang trại của tôi là mọi hệ thống đều tự động. Từ hệ thống nước uống, cung cấp điện tự động đến việc theo dõi sức khỏe đàn lợn thông qua các camera kết nối với điện thoại thông minh cầm tay. Điều nay giúp tôi quản lý, giám sát chăm sóc đàn vật nuôi từ xa vừa giảm được nhân công vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Nhờ áp dụng các công nghệ hiện đại vào chăn nuôi và tiên phòng cho vật nuôi cẩn thận, kèm theo các biện pháp phòng dịch từ xa nên từ khi chăn nuôi đến giờ, gia đình tôi chưa khi nào bị dịch, bệnh. Nhất là trong đại dịch tả lợn châu Phi năm 2019 vừa qua, nhiều đàn lợn ở các trại lân cận bị dịch chết la liệt nhưng trang trại của gia đình tôi vẫn bình yên và cho doanh thu đều đều trên dưới 10 tỷ đồng/năm.

Nguyễn Văn Tuất - "thủ lĩnh" nông dân giỏi với biệt tài chăn nuôi 10 tỷ đồng/năm - Ảnh 15.

Nhiều nông dân kêu khó áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi, vì bà con e ngại phải đầu tư mất nhiều tiền, ông thấy thế nào?

- (Cười) Nhiều người hiểu nhầm áp dụng công nghệ cao vào sản xuât, chăn nuôi là nhất định phải mua sắm nhiều máy móc ngoại nhập hiện đại nhưng thực tình không hẳn như vậy.

Nguyễn Văn Tuất - "thủ lĩnh" nông dân giỏi với biệt tài chăn nuôi 10 tỷ đồng/năm - Ảnh 16.

Với tôi, áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất, chăn nuôi rất đơn giản. Đơn cử như việc lắp đặt hệ thống cung cấp nước uống cho đàn lợn cũng không mất nhiều tiền hay việc lắp đặt hệ thống các camera kết nối với điện thoại thông minh cũng vậy, bà con có thể chỉ bỏ chi phí vài triệu đồng là có đủ bộ để chăm sóc vật nuội hiệu quả.

Công việc Hội và chăn nuôi bận rộn như vậy, thời gian nào anh dành cho gia đình?

- Như tôi đã nói, do bản thân mình lên kế hoạch công việc cụ thể, hợp lý nên tôi vẫn cân đối được thời gian dành để chăm sóc, dạy bảo các con, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người cha, người chồng, là trụ cột vững chắc trong gia đình. 

Tôi và vợ đều là đảng viên, cùng chí hướng nên mọi việc cũng thuận lợi, suôn sẻ. Tuy nhiên cũng có thời điểm công việc nhiều quá, bản thân bị áp lực stress nhưng nhờ được vợ con ở bên động viên tinh thần tôi cũng vượt qua được.

Ông có dự định gì cho tương lai của hội viên?

- Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình hay, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn bà con áp dụng thêm các công nghệ cao vào phục vụ sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh và chăn nuôi lợn, bò...

Cùng với việc phát triển sản phẩm chủ lực rau an toàn theo hướng hữu cơ, theo nhu cầu của nông dân, dự định sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp lập quy hoạch, chuyển đổi thêm hơn 10ha sang trồng hoa, cây cảnh để cải thiện thu nhập, đời sống của bà con hội viên.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện nay!

Nguyễn Văn Tuất - "thủ lĩnh" nông dân giỏi với biệt tài chăn nuôi 10 tỷ đồng/năm - Ảnh 17.

Năm nay, Hội Nông dân Việt Nam sẽ trao danh hiệu cho 63 nông dân xuất sắc nhất năm 2020, đồng thời tôn vinh 90 chi hội trưởng nông dân tiêu biểu xuất sắc, tổ chức Diễn đàn quốc gia vốn - công nghệ trong liên kết "6 nhà" để giúp nông dân làm giàu trong giai đoạn mới. Đây là lần đầu tiên Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tuyên dương, tặng bằng khen cho các chi hội trưởng nông dân xuất sắc trên cả nước. 90 Chi hội trưởng tiêu biểu xuất sắc được tôn vinh năm nay là 90 bông hoa đẹp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội 14/10/1930 – 14/10/2020. 

Nguyễn Văn Tuất - "thủ lĩnh" nông dân giỏi với biệt tài chăn nuôi 10 tỷ đồng/năm - Ảnh 18.

 


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem