Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: 40 năm đi và viết, tôi vẫn tin vào giá trị con người  - Ảnh 1.

Vào nghề báo trong những năm 80 của thế kỷ trước không phải dễ, thế thì duyên cớ nào dẫn dắt anh vô con đường báo chí, để rồi anh phải rong ruổi tới hơn 40 năm với cái nghề này ?

- Tôi chính thức cầm bút từ năm 1968. Còn chính thức trở thành nhà báo chuyên nghiệp, là kể từ khi tôi về làm cho báo Tuổi Trẻ từ năm 1983. Tới bây giờ là tròm trèm gần 40 năm. Tôi thấy mình là một người may mắn. Tôi được sinh ra trong một gia đình làm báo, lớn lên trong khu tập thể báo Nhân Dân ở Hà Nội. Tôi được quen rất nhiều nhà báo thời đó.

Môi trường đó là một thuận lợi cho tôi. Ba tôi là nhà báo chủ lực của báo Nhân Dân. Tất cả, mang lại cho tôi, cái mà người ta gọi là "gen" làm báo. Nhưng không ai dạy ai làm báo cả, chỉ sống trong môi trường như thế thôi.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: 40 năm đi và viết, tôi vẫn tin vào giá trị con người  - Ảnh 2.

Trực tiếp sống trong môi trường ấy, nó tạo cho mình tư duy, cảm xúc, mối quan hệ quen biết với các cô, các chú, các bác, bạn bè… cho nên tôi có cái máu yêu chữ nghĩa. Tập viết, tập vẽ ngay từ nhỏ, chơi đủ thứ hết. Chơi bóng, đánh bóng bàn, rồi cả đánh lộn… 

Nhưng nói thật, tôi rất yêu chữ nghĩa. Tôi đọc sách nhiều lắm. Hồi đó, báo Nhân Dân có một thư viện rất lớn, các thư viện lớn khác cũng không bằng. Có nhiều sách hay.

Nhờ được sống trong môi trường ấy, nên lúc đó, tôi đã cảm nhận con đường mình đi chắc sẽ là văn, hoặc báo thôi. Thật ra, lúc đầu tôi chọn vẽ, thứ hai là lái xe, thứ ba là đá bóng. Nhưng rồi, 3 cái đó chỉ là ước mơ. Ước mơ thì chưa hẳn đã thực hiện được. 

Sau đó tôi đi học Đại học Tổng hợp Văn. Học văn xong lại được chọn đi học báo tiếp một đại học nữa. Con đường làm báo cứ dần định hình. Và, tôi cảm thấy mình có quá nhiều may mắn.

Nhưng để trở thành một nhà báo nổi tiếng, có được những tác phẩm báo chí để đời, thì môi trường thuận lợi, sự may mắn mà anh có được ở trên liệu có giúp gì cho anh trở nên nổi tiếng?

- Nói như Napoleon Bonaparte: "Mỗi một binh nhì phải có ước mơ trở thành đại tướng". Đá bóng thì phải để người ta biết mặt, biết tên. Chứ làm báo mà làng nhàng, mỗi ngày chỉ làm vài cái tin cho xong nghĩa vụ, xong chỉ tiêu thì chán lắm. Không cống hiến được cái gì, không khẳng định được cái gì cho bản thân mình thì rất chán.

Ngay từ đầu, có người bảo tôi, thằng này có vẻ muốn nổi tiếng. Nhưng tôi nói thật, làm báo thì phải có cái hãnh tiến. Tức là phải vươn lên, chứ không phải để nổi tiếng. Còn nổi tiếng hay không, là để bạn đọc họ quyết định, bản thân mình xác định làm báo thì không được mờ nhạt. Làm cái gì cũng phải hơn sức mình, vượt qua chính mình, đặt cho mình mấy cái mốc thử thách cao lên một tý để mình vượt qua nó. 

Thế là tôi thử nhiều thể loại, tham gia nghề báo, tôi viết cả thể thao, viết an ninh - quốc phòng, viết về thanh niên, viết về tổ chức công đoàn luôn…

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: 40 năm đi và viết, tôi vẫn tin vào giá trị con người  - Ảnh 3.

Trước khi Huỳnh Dũng Nhân viết báo, từng có một Huỳnh Dũng Nhân… nhà văn, với 2 cuốn sách "Những vòng sóng" và "Kể về một tài năng". Vậy, có khi nào trước khi trở thành nhà báo anh đã từng là nhà văn và tại sao anh lại bỏ văn, chọn báo?

- Hồi nhỏ tôi mơ thành nhà văn. Tôi may mắn sống trong môi trường báo chí, sinh hoạt trong Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội. Vào Câu lạc bộ thì quen với nhóm sáng tác của Nhà xuất bản Kim Đồng. Tôi được cô Nhâm hướng dẫn, thôi thúc viết văn. Đứa này đứa kia nhìn nhau viết. Lúc đó mới học lớp 8, lớp 9 thôi.

Lúc viết các cuốn sách, tôi chưa nghĩ sẽ thành nhà báo, mà nghĩ sẽ trở thành nhà văn. Khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa Văn, tôi xin về báo Văn nghệ TP.HCM. Chính nhà thơ Bảo Định Giang phỏng vấn tôi, nhưng lại… rớt. Sau khi phỏng vấn, ổng chả gọi gì cả, thế là biết mình rớt. Trong khi ông Bảo Định Giang lại là bạn của ông già tôi (nhà báo Huỳnh Hùng Lý - PV). Thế mà vẫn trượt.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: 40 năm đi và viết, tôi vẫn tin vào giá trị con người  - Ảnh 4.

Hồi nhỏ mình đã viết một số cuốn sách. Sau khi vào báo Văn nghệ không được, thì ngoài Hà Nội lại mời một số người tốt nghiệp Tổng hợp Văn ra học thêm ngành báo chí. Thế là tự nhiên tôi có thêm một bằng đại học nữa về ngành báo chí. 

Vào năm đầu tiên tôi học ngành báo chí, thì nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn về nước, sau khi đoạt giải Chopin. Tôi thích quá, khâm phục quá, nên nhào vô viết luôn cuốn "Kể về một tài năng". Tréo ngoe là tôi không biết gì về nhạc, không biết gì về piano mà lại cả gan đi viết về một nghệ sĩ piano nổi tiếng thế giới như Đặng Thái Sơn. Đó là cuốn sách đầu tiên tôi viết và đứng tên một mình. Trước đó viết chung thì nhiều. Cuốn này tôi tự viết, tự nộp bản thảo cho nhà xuất bản.

Sau khi viết cuốn sách trên, tôi thấy con đường viết văn vất vả quá. Viết mãi mới được một cuốn, nên khi học xong báo chí, có 5 tờ báo xin tôi. Trong lúc anh em nào cũng vất vả kiếm chỗ làm, thì tôi có tới 5 chỗ: Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Đại Đoàn Kết, Thiếu niên và báo Nghĩa Bình- nơi tôi thực tập.

Đến đâu ai cũng bảo, thế này thì thử việc làm gì nữa. Tôi viết còn vượt qua cả dàn phóng viên đang làm việc của các báo. Nhiều người chưa viết được ký sự, phóng sự, tôi về, lãnh luôn lĩnh vực đó.

Nghĩa là con đường viết báo của anh ngay từ đầu đã rất dễ dàng?

- Văn thì bay bổng, lãng mạn. Chuyển sang viết báo thì đòi hỏi phải thực tế, phải chính xác, phải nhanh hơn, bài viết gọn gàng hơn. Nhưng, văn với báo, thật ra nó hỗ trợ cho nhau, chỉ khác ở cách thể hiện. Tôi còn nhớ, khi về báo Lao Động, ông Trương Anh Dũng (tên gọi thân mật là Tám Đăng, Phó Tổng biên tập-PV), từng làm việc với tôi từ hồi ở báo Tuổi Trẻ, nên ông đã biết cách viết, cách chơi của tôi.

Ông Tám Đăng nói với tôi: "Bây giờ báo Lao Động Chủ Nhật bộ mới đang rất cần phóng sự, chẳng thằng nào viết phóng sự. Mày nhận trách nhiệm viết phóng sự. Tao thấy mày là thằng chơi nhiều. Mày viết có chất văn. Mày quảng giao bạn bè rộng rãi, mày biết chơi các món ăn nhậu, có quá nhiều bạn bè…,  mày nên lao vào phóng sự. Tao dành đất cho mày viết phóng sự".

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: 40 năm đi và viết, tôi vẫn tin vào giá trị con người  - Ảnh 5.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: 40 năm đi và viết, tôi vẫn tin vào giá trị con người  - Ảnh 6.

Thế là cái duyên chuyên viết phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân bắt đầu từ ngày đó. một sinh viên làm luận văn về phóng sự của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã thống kê bằng cách lên thư viện kiểm tra báo lưu và thấy rằng, một năm báo Lao Động xuất bản được 250 phóng sự, thì Huỳnh Dũng Nhân đã viết tới… 150 phóng sự.

Cho đến bây giờ, dù thời gian đã qua hơn 3 thập kỷ, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẫn biết ơn và nhớ về 2 người sếp cũ của mình đã vẽ lối và ưu tiên thật sự, để anh trở thành cây bút phóng sự hàng đầu trong làng báo chí Việt Nam. Đó là hai ông Trương Anh Dũng (tức Tám Đăng) và Tống Văn Công – Phó Tổng biên tập và Tổng biên tập báo Lao Động, giai đoạn từ năm 1989 – 1995. Trong dòng kể dường như không dừng, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tâm sự:

- Thời đó, báo Lao Động chia ra Lao Động Thứ Năm và Lao Động Chủ Nhật. Lao Động Thứ Năm do nhóm anh em ngoài Hà Nội thực hiện. Còn Lao Động Chủ Nhật do nhóm trong TP.HCM làm.

Năm 1990, tôi xung phong ra Hà Nội công tác. Lúc đó cũng chưa viết phóng sự được nhiều. Lần đầu tiên đến chào toà soạn Lao Động ở Hà Nội.

Mấy hôm sau, gặp ông Võ Khắc Nghiêm ở Quảng Ninh (nhà văn, tác giả cuốn "Nhân danh công lý"). Ông Nghiêm bảo mai về Quảng Ninh. Tôi xin đu càng theo để viết về vùng mỏ.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: 40 năm đi và viết, tôi vẫn tin vào giá trị con người  - Ảnh 7.

Ông Nghiêm tròn mắt: "Mày muốn viết về mỏ than hả? Tao là trùm mỏ than đây". Thế là hôm sau tôi bám theo ông Nghiêm về luôn Quảng Ninh. 

Về tới Quảng Ninh, ông Nghiêm bảo: "Tao viết không biết bao nhiêu bài về mỏ than, không thằng nào viết qua tao về mỏ than. Mày viết không hơn được đâu. Thôi mày cứ ở nhà nghỉ, chơi bời, tắm biển, tao viết cho. Rồi mày mang bài về mày nộp cho tòa soạn, ghi tên mày".

Tôi tự ái quá trời. Theo ông ấy về Cẩm Phả, nằm ở một nhà khách. Nhà khách 3 tầng lầu có mỗi mình tôi. Buồn. Tối nhậu với một anh công nhân. Sáng hôm sau, nghe một cán bộ công đoàn tỉnh Quảng Ninh nói, ngày mai họ ra mỏ Mông Dương. Tôi nhanh nhảu: "Cho em đi với". Ông cán bộ công đoàn bảo: "Đi luôn, phóng viên mà ra tận nơi viết bài thì còn gì bằng". 

Thế là hôm sau, tôi lên xe U oát đi cùng. Ra tới mỏ Mông Dương, gặp đúng ông Võ Khắc Nghiêm đang có mặt ở đấy. Ông bảo: "Ơ… cái thằng này. Tao bảo mày ở nhà, chưa gì mày đã mò ra đây rồi. Thằng này được". Tại mỏ, anh công nhân hỏi tôi, có dám chui xuống hầm lò không? Chứ trên miệng lò thì cả trăm phóng viên viết giống nhau hết.

Tôi gật đầu: "Xuống". Vậy là họ phát đồ bảo hộ cho tôi, y như một công nhân. Nào đeo bình điện, đeo đèn, mang găng tay, ủng… Tôi chui xuống hầm lò suốt 2 giờ liền.

Tối hôm ấy, ăn nhậu với một số công nhân dưới phòng khách. Trước lúc nhậu, bao nhiêu chuyện hay về nghề than, nhưng khi ăn nhậu, càng ra bao nhiêu chuyện. 

Lúc nhậu, rượu vào lời ra, toán công nhân tưng tưng mới kể tất tần tật chuyện thật của họ: Chuyện đời sống, chuyện đàn ông, đàn bà, chuyện chết chóc, chuyện tai nạn… Chuyện bên lề, mọi thứ thâm cung bí sử ngành than tuôn ra.

Vậy là hôm sau, lúc đó làm gì có máy vi tính, chỉ viết tay, chừa lề, tôi viết luôn thiên phóng sự "Hai giờ dưới lòng đất" và fax về tòa soạn. Hai hôm sau bài phóng sự hoành tráng trên trang chính tờ Lao Động Chủ Nhật. Báo đăng, bao nhiêu bạn đọc khen, lần đầu tiên có một phóng sự nó đời như thế, nó hay quá.

Bạn đọc gọi điện bảo, chúng em chả biết công nhân mỏ như thế nào, chỉ nghe anh kể, anh chui xuống hầm lò đã hình dung được đời sống công nhân mỏ rồi. Công nhân mỏ cũng khen... Đấy là bài phóng sự đầu tiên của tôi.

Bao nhiêu năm rồi,  tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác lần đầu tiên xuống hầm lò, tối thui… Khi lên được trên mặt đất, thấy thiên nhiên rực rỡ, mới bớt sợ chết, như thoát chết rồi. Công nhân làm việc trong hầm than, đen, bẩn, cực, khổ vô cùng. Thế mới thấy thương công nhân. Cảm xúc dạt dào. Tôi viết không nháp, không nghĩ, cứ tuôn tràn. Bản thảo không sửa, sạch bong.

Sau cái phóng sự đó, tôi trở lại 51 Hàng Bồ, Hà Nội. Từ đó, tôi theo viết phóng sự luôn. Các sếp cho tôi đi, bay nhảy thoải mái mà không bao giờ thắc mắc, hỏi tôi đi đâu.

Để trở thành một cây bút chuyên viết phóng sự, đâu là bí kíp của riêng anh ?

- Theo tôi, một phóng sự hay là phải có chất văn. Ngày xưa, trong làng báo có tôi – Huỳnh Dũng Nhân (báo Lao Động) và Binh Nguyên (báo Tuổi Trẻ), chuyên viết phóng sự. Phóng sự, ký sự của Binh Nguyên có tính phiêu lưu, khám phá, còn phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân thì mang đậm chất văn, tính xã hội, nói về thân phận con người, đôi lúc pha chút hài hước. Trước một sự việc tưởng chừng như chẳng có gì để viết, nhưng tôi lại viết đủ thứ.

Tôi mạnh ở chỗ khai thác chi tiết. Một chi tiết tầm phơ tầm phào, gió thoảng ngang tai, nhưng tôi chú ý, nhặt nhạnh. Tôi biết chi tiết nào cần, chi tiết nào không dùng được, hoặc dùng được, rồi chắt lọc tư liệu. Có cái nhiều người bỏ qua, nhưng tôi không bỏ qua. Chi tiết trong phóng sự của tôi nó không đến từ cuộc họp, không đến từ văn bản, mà nó đến từ những cuộc giao du, ăn chơi, nhảy múa, nhậu nhẹt, đi công tác, đi thực tiễn…

Cho nên, ngôn ngữ của nhân vật trong phóng sự của tôi nó đời, thấm đẫm chuyện thường ngày. Đó là nhờ tôi giao du nhiều. Học được ở nhiều người.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: 40 năm đi và viết, tôi vẫn tin vào giá trị con người  - Ảnh 8.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: 40 năm đi và viết, tôi vẫn tin vào giá trị con người  - Ảnh 9.

Nhắc tới vụ tai nạn máy bay Ô Kha xảy ra năm 1995, nghe đâu anh đã thoát chết trong gang tấc trong quá trình tác nghiệp vụ tai nạn này ?

- Ngày đó tôi được Ban biên tập giao trách nhiệm phải đến hiện trường tường thuật vụ rơi máy bay. Tôi và một phóng viên báo Giao Thông đã đến tận chân thang chiếc máy bay trực thăng đang khởi động máy để bay đến nơi xảy ra vụ tai nạn máy bay. Trong khoảnh khắc cánh quạt chiếc trực thăng quay rần rần trên đầu, một cán bộ ngành hàng không vừa ra dấu, vừa cự tuyệt: "No Way" (không được lên).

Máy bay chỉ chở tổ cứu nạn (7 người), quá tải rồi. Không thể chở thêm được nữa. Hai chúng tôi tiếc rẻ đành phải lên xe, từ sân bay Nha Trang trở về nhà nghỉ cách sân bay khoảng một cây số. Trời ạ, chưa về đến nhà nghỉ, chúng tôi đã nhận được tin: Chiếc máy bay trực thăng vừa bỏ chúng tôi ở lại vừa bị rớt giữa rừng, cả tổ cứu nạn 7 người chết và tổ lái đều tử nạn. Một chiếc trực thăng khác không dám tới hiện trường , mà đậu luôn xuống sân một trường học, họ nói "tam giác quỷ", bay tới là chết.

Tôi và anh phóng viên báo Giao Thông đã thoát chết trong gang tấc. Nếu anh cán bộ hàng không kia "OK" cho bay cùng, thì 1 tiếng sau, tôi đã lên bàn thờ rồi. Tôi dốt tiếng Anh, nhưng kể từ ngày ấy, có 2 từ tiếng Anh mà tôi thuộc nằm lòng cho tới chết cũng không quên luôn - đó là "No Way". Sau này, anh cán bộ hàng không (tên Hòa) kiên quyết "No Way"đối với tôi ngày ấy, gặp lại tôi bảo: "Đấy, không có tôi "No Way" thì bác xanh mồ rồi nhá".

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: 40 năm đi và viết, tôi vẫn tin vào giá trị con người  - Ảnh 10.

Như một định mệnh, tôi theo viết luôn vụ tai nạn máy bay ở thung lũng Ô Kha ròng rã 20 năm. Từ lúc máy bay rơi, đến khi gặp lại hầu hết các nhân chứng. Vụ tai nạn này có con gái một tỷ phú người Hà Lan đã sống sót và sau đó trở lại Việt Nam. Bà này đã viết hẳn một cuốn sách về vụ tai nạn hy hữu này. 

Tôi gặp lại bà và tặng bà cuốn sách tôi viết về vụ tai nạn do chính tôi viết. Bà rất ngạc nhiên, hóa ra ở Việt Nam cũng có người viết sách trước bà về vụ này.

Trong vụ tai nạn máy bay Ô Kha, có 5 người phụ nữ mất chồng trong 2 chuyến bay. Hai chuyến bay để lại 5 góa phụ. Tôi chụp hình với cả 5 góa phụ (1 bà người nước ngoài, 4 bà người trong nước, đều là vợ phi công).

Phóng sự báo chí của anh đậm đặc hình ảnh, chi tiết, ngôn ngữ đời thường. Thế nhưng, cuộc sống đời thường vốn dĩ vô cùng phong phú, đa dạng. Một nhà báo, nếu không khéo léo, đưa quá nhiều chi tiết đời thường vào tác phẩm báo chí sẽ dễ… tầm thường bài báo. Nhưng, với những phóng sự của anh, dù rất đời thường nhưng không hề sa đà tầm thường chút nào. Tại sao?

- Phóng sự "Vượt cạn thời dịch vụ" được xuất bản trên báo Lao Động, ngay hôm báo ra, một Phó Tổng biên tập  báo Tuổi Trẻ đã mang tờ báo ra trong cuộc họp: "Các bà xem nè. Một ông phóng viên nam đưa vợ đi đẻ mà viết được cái phóng sự như thế này. Các bà đẻ đái bao nhiêu bận mà chưa thấy viết được cái phóng sự nào nó đời như thế này".

Chuyện ấy tôi được một đồng nghiệp từ báo Tuổi Trẻ kể lại. Với tôi, trong sinh hoạt đời sống hàng ngày, dù đi đâu, làm gì, không phải trong lúc tác nghiệp, thì tôi luôn luôn nghĩ tôi là một nhà báo. Tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống mà tôi chứng kiến, hay nghe ngóng, tôi đều thu thập, quy nạp trong đầu, xem nó có ích gì cho việc viết báo của mình không. Lúc đám ma, lúc đám cưới, lúc ăn nhậu, lúc vui chơi… đầu óc tôi luôn hoạt động, nhặt nhạnh tư liệu hết.

Muốn cho người ta thích đọc phóng sự của mình, thì đề tài phải hay, cách thể hiện phải tốt. Một đoàn đi Trường Sa về, thì bài của mình hay hơn hết. Tại vì tôi tìm nhiều chi tiết hay hơn. Hay vụ máy bay rơi ở thung lũng Ô Kha, phóng viên báo khác cùng đi. Đi 3 – 4 ngày, ông bạn chẳng viết gì ngoài 1 mẩu tin. Tôi về viết nguyên cái phóng sự người ta đọc, khóc.

Hay vụ sập cầu Cần Thơ, tôi tới sau, bao nhiêu chi tiết người ta khai thác hết. Tôi phải tìm cách khác. Không nói kỹ thuật, chuyên môn, tôi kể về những thân phận, những mảnh đời của những người đã mất.

Tôi cũng là người thường xuyên dùng máy ảnh làm tư liệu. Không ghi chép được thì tôi chụp ảnh. Chụp ảnh để nhớ lại những cảnh đó xem lúc đó mình nghĩ như thế nào. Nhìn ảnh mình nhớ lại suy nghĩ của mình. Về là mình viết như tươi mới. Nói chung không lúc nào ngơi nghỉ. Lúc nào cũng nạp tư liệu cuộc sống.

Do đó, tôi có 10 phóng sự kinh điển đều là bài học nghiệp vụ. Bài học dấn thân, bài học tìm chi tiết, bài học chất văn, bài học tác nghiệp. Cái nào viết dễ dàng quá thường là đồ bỏ. Thí dụ, bài về Thảo Cầm Viên, ông Trần Trọng Thức chê dở. Nhưng hỏi, tại sao anh đăng ? Ông trả lời, anh đang đi cấp cứu ở Ninh Thuận, đăng là động viên, chứ bài này dở ẹc..

Viết phóng sự không thể như người ngoài cuộc, mà phải như người trong cuộc. Nên các bài phóng sự, tác giả phải dấn thân, nhập cuộc.

Ngay như cái phóng sự "Tôi đi bán tôi", lúc mới ra, họp Ban biên tập cũng bị chê tơi tả. Nhiều người nói tôi không dấn thân, không nhập vai tới tận cùng là theo các lao động để cùng bán sức lao động như họ, ăn ngủ với họ… Đằng này, mới hỏi han, cưỡi ngựa xem hoa, khác nào như chuồn chuồn đạp nước.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: 40 năm đi và viết, tôi vẫn tin vào giá trị con người  - Ảnh 11.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: 40 năm đi và viết, tôi vẫn tin vào giá trị con người  - Ảnh 12.

Một cây bút phóng sự Huỳnh Dũng Nhân ai cũng biết, nhưng với anh, ít thấy tác phẩm báo chí anh viết ra đoạt giải báo chí? Phải chăng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân không có duyên với giải thưởng?

- Đề tài của tôi toàn vui chơi nhảy múa, đời thường, vấn đề xã hội, nên không dự thi báo chí được. Tôi ít có giải báo chí về phóng sự. Phóng sự viết ra chỉ được cái nhiều người thích đọc thôi.

40 năm làm báo của tôi, mặc dù cũng có giải này giải kia, nhỏ thôi, của nội bộ tờ báo. Nhưng riêng phóng sự lại không có giải báo chí nào. Giải báo chí quốc gia thì chưa được giải nào như mọi người. Nhưng oái oăm, tôi lại có cái duyên 8 lần được tham gia chấm giải báo chí quốc gia.

Tôi cũng nêu ra tiêu chí chấm giải là đề tài phải hay, hiệu ứng xã hội phải cao, không có hiệu ứng, không lan tỏa để nhiều người biết, không thay đổi được câu chuyện thì đề tài đó không có hiệu ứng xã hội. Thứ ba là phải thể hiện hay. Tôi được cái thể hiện hay. Viết, người ta đọc, người ta sướng, thấm, không đến nỗi vô thưởng vô phạt, nhưng đề tài đó chưa có hiệu ứng đến nỗi nhà nước cần.

Thí dụ, bài về "Những người có con ngoài giá thú". Chị em đơn thân quan tâm lắm, hay đưa vợ đi đẻ, bà bán rau ở chợ đọc còn khen. Nhưng những cái đó thì không có giải được, vì không rơi vào tiêu chí  của các hội đồng giải. Nó chỉ là bài đọc sướng, nêu vấn đề nhẹ nhàng.  

40 năm đi và viết trên khắp vùng miền của đất nước mình, anh rút ra điều gì về cuộc đời, về con người? Và, với góc nhìn của một nhà báo, thì cuộc đời và con người, anh phản ánh trên mặt báo như thế nào? Tái hiện nó một cách nghiệt ngã hay mô tả nó bay bng, như hư cấu của một nhà văn?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: 40 năm đi và viết, tôi vẫn tin vào giá trị con người  - Ảnh 13.

- Tôi còn nhớ lúc học lớp 9 ở Hà Nội, cô giáo đặt ra một đề văn: "Nhân đạo là gì?". Tôi tí tởn chạy về hỏi bác Tạ Quang Đạm (em ông Tạ Quang Bửu). Ông Đạm trả lời tôi ngay tức thì: "Nhân đạo là tin vào giá trị con người". Thế là từ ngày ấy, tôi nhập tâm rằng, cuộc đời này, con người trong cõi nhân gian này luôn luôn có một giá trị.

Sau này, tôi rất thích quan điểm của nhà thơ Nga Evghenhi Evtushenko: "Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/Mỗi số phận rất riêng dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?/Dẫu anh sống chỉ một đời lặng lẽ/Quen với cái lặng thinh không tô vẽ cho mình/Thì lại chính cái lặng thinh nhường ấy/Biến anh thành đáng nhớ với xung quanh".

Hàng chục năm qua, tôi lấy đó làm kim chỉ nam để sống và để viết. Còn một câu nữa không biết của ai rằng, "Mỗi con người là một pho tiểu thuyết, không ai giống ai". Đúng câu "nhân chi sơ tính bản thiện". Tôi rất tin con người và sống tử tế với con người. Vì vậy, tôi chơi với nhiều hạng người, tầng lớp khác nhau.

Tất nhiên, có những đồng nghiệp như mình dễ thông cảm hiểu nhau hơn. Nhưng tôi cũng giao du cả với giới giang hồ, dù không hiểu nhau mấy. Giang hồ cũng có người tử tế, khí khái, trượng nghĩa mà ta phải học. Nhưng với kẻ đểu cáng, lọc lừa, thì mình không chơi được. Trong khi có người mặt trơ, trán bóng, giả danh trí thức, mà đạo đức thua kẻ giang hồ.

Đời là thế, nên khi nhìn cuộc đời, rồi tôi soi bằng con mắt của người làm báo , nhìn công việc của người ta làm, không nên nghe lời nói hay nhìn  bộ dạng bên ngoài, rồi phán xét, đánh giá phẩm hạnh của một con người.

Bằng con mắt nhà báo, tôi nhìn qua công việc, nhìn qua hành động, mục đích, động cơ sống, kể cả nội tâm sống của người ta. Nên tôi cảm nhận được họ. Đúng là không có ai tẻ nhạt ở trên đời. Ông Trần Thanh Phương – nguyên Phó Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết nói: "Thằng Huỳnh Dũng Nhân viết về cô gái mại dâm, mà cảm thấy thương hơn là ghét cô gái đó". Viết làm sao để người ta tìm thấy lối đi, thoát ra, chứ không phải bôi bác, vùi dập, đạp người ta xuống.

Nên giữa đời với báo, ranh giới rất mong manh. Ngòi bút của mình có thể hại người, nhưng ngòi bút cũng có thể cứu một con người, làm người ta hướng thiện, khiến người ta tốt lên. Cho nên, tôi nhìn lại bao nhiêu tác phẩm của tôi. Hơi ít điều tra nhân vật là vậy. Điều tra vấn đề thì có. Điều tra nhân vật tôi sợ chính người ấy buồn. Khổ vậy đấy. Mình không làm cho người ta buồn được.

- Xin cảm ơn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân !

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: 40 năm đi và viết, tôi vẫn tin vào giá trị con người  - Ảnh 14.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: 40 năm đi và viết, tôi vẫn tin vào giá trị con người  - Ảnh 16.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem