Nhà đầu tư lướt sóng bất động sản cần cẩn trọng với chiêu trò tinh vi của "cò dởm”
Nhà đầu tư lướt sóng bất động sản cần cẩn trọng với chiêu trò tinh vi của "cò dởm”
Mạnh Hoàng
Thứ năm, ngày 19/05/2022 09:04 AM (GMT+7)
Trong thời điểm sốt đất, giá bất động sản đang tăng “chóng mặt”, nhiều nhà đầu tư lướt sóng dễ kiếm lời. Nhưng cũng không ít trường hợp, nhà đầu lại trở thành con mồi trong chiêu thức tinh vi của một số nhóm lừa đảo.
Mất hàng trăm triệu chỉ trong vài ngày với chiêu trò của "cò dởm"
Các chuyên gia bất động sản cho rằng, trong thời gian vừa qua, thị trường BĐS hồi phục và nóng lên khiến các nhà đầu tư dễ dàng "lướt sóng" khi đụng đâu cũng có lời. Họ mua bán nhanh chốt lời nhanh, thậm chí tỷ suất sinh lời cao, gấp 1,5 - 2 lần.
Tuy nhiên, ở thời điểm người người, nhà nhà đều nói chuyện đầu tư bất động sản, thì có khá nhiều người chưa có kinh nghiệm đã dễ dàng trở thành "con mồi" lý tưởng của nhóm lừa đảo.
Trên thực tế, không ít trường hợp nhà đầu tư lướt sóng bị mất trắng hàng trăm triệu cho đến cả tỷ đồng chỉ vì tin tưởng vào lời mời gọi mua nhanh, bán dễ có lời cao của những người gắn mác "môi giới bất động sản".
Từng chứng kiến nhiều khách hàng của mình vướng phải vòng xoáy và bị mất tiền oan do chiêu trò tinh vi này. Anh Minh Quy – một môi giới bất động sản nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đất nền chia sẻ: "Lợi dụng nhiều nhà đầu tư lướt sóng có biểu hiện nóng vội và non kinh nghiệm, một số cò đất đã cấu kết với nhau đưa vị khách này vào chiêu trò, khiến nhà đầu tư mất tiền một cách công khai và không thể làm gì được".
Cụ thể, để dễ hiểu, anh Quy cho biết với một ví dụ. Ban đầu, một anh A có đăng bán một lô đất với giá 2 tỷ đồng. Anh B đến mua lô đất đó và đặt cọc 300 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ được B thanh toán trong vòng 1 tháng.
Trong lúc anh B mới cọc cho anh A xong, thì một vài ngày sau, anh C xuất hiện và hỏi mua lại lô đất của anh B mới cọc đó với giá khi này đã được đẩy lên cao tới 3 tỷ. Nhận thấy đã có lời cao, anh B đồng ý bán cho C và nhận ngay 500 triệu đồng tiền đặt cọc.
Thấy quá dễ bán, lời thu lại quá nhiều nên anh B mừng rỡ và không nghi ngờ gì, lật đật chạy qua anh A thanh toán hết số tiền còn lại để lấy đất qua bàn giao cho anh C.
Tuy nhiên, câu chuyện bây giờ mới thực sự bắt đầu. Khi anh B mang tiền sang thanh toán, thì anh A dở chứng bảo không muốn bán lô đất này nữa và A chấp nhận đền lại cọc (số tiền đền là gấp đôi giá trị cọc theo như hợp đồng đã ký) tức là A đền cho B 600 triệu đồng.
Khi này anh B không mua được đất nhưng đã lỡ nhận cọc 500 triệu đồng của C, cuối cùng cũng theo hợp đồng đã ký B phải đền cho C 1 tỷ đồng.
Qua câu chuyện, chúng ta tinh ý có thể dễ dàng nhận thấy thủ đoạn của người bán và người mau với anh B. Chúng đã thông đồng để lừa anh B 200 triệu (anh B thu lời của anh A 300 triệu đền bù cọc, nhưng B lại mất 500 triệu đền bù cho C. Trừ đi sẽ thấy trong vài ngày B mất 200 triệu).
Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, anh Minh Quy cho biết, khi nhận thấy có người hỏi mua đất của mình một cách dễ dàng, với giá cao và cọc tiền một cách nhanh chóng thì nhà đầu tư cần cảnh giác. Đó là một dấu hiệu bất thường.
"Hơn nữa, khi đầu tư lướt sóng, nếu có người mua lại bất động sản của mình, thì chỉ nhận giá trị cọc thấp hơn so với giá trị tiền cọc mình đã đặt cho bên bán. Như vậy sẽ an toàn tránh rủi ro cao nhất đối với bản thân" – Anh Quy nói.
Nhà đầu tư cần cẩn trọng trước hành vi lừa đảo
Trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh về ví dụ nêu trên, ông khẳng định: "Đây là hành vi lừa đảo tinh vi, tuy nhiên, theo phương diện pháp luật thì rất khó để nhà đầu tư có thể kiện ngược lại vì khi mua bán, đặt cọc tiền thì trong hợp đồng đó đã có nêu rõ nếu không mua, hay bán nữa thì sẽ phải đền tiền cọc".
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có nhiều biến động, thì những trường hợp này rất có thể sẽ xảy ra. Việc này làm cho thị trường bất động sản trở nên "nhốn nháo", chức năng, nhiệm vụ không còn được giữ vững mà trở thành chiêu trò của một số cá nhân.
"Tuy nhiên để nói về chung một thị trường thì không phải, đây chỉ là hiện tượng của một số cá nhân hoặc nhóm người lừa đảo. Nhưng các nhà đầu tư vẫn phải cảnh giác nếu không muốn bị mất tiền oan" – PGS TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.