img img
 

imgimgọi điện tới số máy của anh Phạm Văn Hát, thì câu đầu tiên được nghe sẽ là: “Cảm ơn bạn đã gọi tới Công ty TNHH Hát sáng chế, địa chỉ thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương”, đồng nghĩa với việc bạn đã không gọi nhầm. Chỉ chi tiết nhỏ đó thôi đủ thấy sự sáng tạo của anh nông dân chưa học hết lớp 7 – người mà tiếng tăm bay sang tận trời Tây nhờ sáng chế thành công rất nhiều loại máy hữu ích phục vụ bà con.

img img

Phạm Văn Hát vốn không phải là nhà sáng chế được đào tạo bài bản, nhưng bù lại có sự quan sát, có sự nhanh nhạy và óc sáng tạo đáng nể. Vốn là nông dân chính hiệu, ngoài làm nông thì Phạm Văn Hát có thêm nghề cơ khí, chuyên đi bắn mái tôn hoặc sửa chữa nông cụ cho bà con quanh vùng.

Ngay chính bản thân Hát cũng chưa từng nghĩ có ngày anh trở nên nổi tiếng nhờ những chiếc máy mà theo lời anh nói là “đơn giản tới không ngờ”.

img img

Hẳn là rất thú vị khi cơ duyên sáng chế của anh bắt nguồn từ đất nước Israel xa xôi chứ không phải trên chính mảnh đất quê hương anh. Câu chuyện anh phải đi xa như thế để tìm nguồn cảm hứng sáng chế cho mình diễn ra như thế nào?

- Tôi sang Israel năm 2010 dưới dạng xuất khẩu lao động. Nếu như không có khoản nợ 3,7 tỷ đồng do làm rau công nghệ cao thất bại, thì chắc tôi cũng không đi đâu. Nhưng sau thất bại, tôi quyết định đi với câu hỏi trong đầu “mình ngu ở điểm nào mà lại thất bại” và ngã đâu sẽ đứng dậy ở đó. Thế nhưng trong 6 tháng đầu lúc mới sang tôi chỉ là người nông dân đi thu hoạch rau như bình thường, 6 tháng sau vào mùa vụ tôi mới được giao thêm nhiệm vụ rải phân.

Cho đến giờ ngồi nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ khoảng thời gian ấy, phân bón lấy trực tiếp từ nhà máy ra nóng giãy tay. Mà thời tiết, khí hậu bên đó rất khắc nghiệt. Giữa mùa hè mà tôi phải che kín người, chỉ hở đôi mắt. Vì làm việc quá vất vả nên tôi nghĩ sẽ nói với ông chủ tìm cách chế ra cái máy rải phân để đỡ nhọc. Nhưng khổ nỗi tôi không biết tiếng, một chữ cắn làm đôi cũng không nói được.

img

Tôi mới nhờ 2 thanh niên người Việt cùng làm nói hộ với ông chủ, nhưng 2 cậu ấy nhìn tôi rất lạ, kiểu coi thường tôi nhà quê ngu dốt mà sao dám đề xuất làm máy rải phân, họ nói với tôi: “Ông đi mà bảo”. Họ còn cười tôi vì tôi cứ dốc sức ra làm, trong khi họ chỉ làm đối phó, cứ gia đình nhà chủ đi kiểm tra thì họ làm, còn không lại chống xẻng đứng chơi. Cả 1 xe container phân bón có 7 người cùng đi xúc mà có hôm mình tôi làm 1/3 xe.

Nhưng đúng là chuyện gì cũng có giá của nó. Một lần ông chủ sau khi đi thị sát thì cho con trai quay lại kiểm tra đột xuất, thấy chỉ mình tôi cặm cụi làm còn 6 ông kia đứng chơi. Tháng đó cả 6 anh bị phạt, tiền lương của họ được chuyển hết sang cho tôi. Nghĩ cảnh cùng đi làm thuê vất vả với nhau, tôi nhận nhưng rồi trả lại lương cho từng người. Từ đó những người làm cùng mới nể tôi, không coi tôi là già cả, nhà quê ngu dốt nữa.

Làm công việc rải phân đến ngày thứ 3, tôi không chịu được nữa. Nhân hôm đó ông chủ ra đồng kiểm tra như mọi khi, tôi vẫy ông ta lại và dùng tay chân miêu tả, khua khoắng loạn xạ như kịch câm. Cuối cùng ông ấy cũng hiểu là tôi muốn giúp chế tạo một cái máy rải phân.

Phản ứng của ông chủ lúc đó chắc hẳn ngạc nhiên không kém những đồng nghiệp người Việt chứ?

- Ông chủ hiểu tôi muốn gì và có thể làm gì. Ngay tối hôm đó, ông chủ gọi điện đến Đại sứ quán Việt Nam tại Israel nhờ người phiên dịch cho tôi. Cuộc trò chuyện diễn ra gần 3 tiếng đồng hồ. Họ hỏi tôi rất nhiều thứ: nào là đã từng chế tạo máy ở Việt Nam chưa? Có loại nào thành công không? Chi phí mất bao nhiêu tiền, rồi sẽ thay thế được bao nhân công… Sau cùng chốt lại một câu: “Bao nhiêu phần trăm thành công?”. Lúc đó, tôi chưa tự tin vào khả năng của mình nên trả lời: “70% thành công”. Ông chủ gật đầu.

Sáng hôm sau tôi không phải đi làm nữa, ở nhà phác thảo, đo kích cỡ rồi đưa cho chủ đi mua nguyên vật liệu về làm. Sau 3 ngày tôi đã hoàn thành máy rải phân đầu tiên. Lúc đó trời tối mịt rồi nhưng ông chủ vẫn yêu cầu mang ra chạy thử. Nhìn thấy thành quả, hai bố con họ ôm nhau nhảy múa luôn ngoài đồng. Lúc đó, tôi biết là họ đã tin tưởng mình.

Từ chiếc máy đầu tiên, tôi còn làm thêm 2 phiên bản khác cải tiến, nâng cấp và hoàn thiện hơn. Trong vòng nửa tháng tôi đã làm ra 3 máy rải phân. Cho đến cái thứ 3 thì thay thế được 25 nhân công lao động và được đăng ký bản quyền, được chính phủ Israel mua đứt. Tôi được ông chủ thưởng nóng cho 10.000 đô la và tăng lương từ 1.000 đô/tháng lên 2.000 rồi 2.5000 đô mỗi tháng.

Cuộc sống của anh chắc chắn đã thay đổi rất nhiều sau thành công đó?

- Thay đổi hoàn toàn luôn. Họ đầu tư và rất ưu ái tôi, tôi không phải làm công việc chân tay nữa. Họ nói: anh chỉ việc đưa ra yêu cầu và suy nghĩ về sáng chế. Ông chủ mua cho tôi laptop, lắp riêng cho đường truyền internet, xây dựng hệ thống nhà xưởng rộng rãi, hiện đại để tiện cho việc sáng chế. Nhưng chính lúc phát hiện ra khả năng của mình, tôi đã tính phải tìm đường về quê (cười).

Rất nhiều người khi biết ý định của tôi đã can ngăn, họ nói tôi dại. Giờ về quê làm gì cho ra 50 triệu/tháng, mà điều kiện sinh sống, làm việc không thể bằng ở nước bạn. Nhưng thực sự nếu ai chưa từng làm nông nghiệp, sẽ không biết hết tiềm năng của ngành này, khai thác tốt từ nông nghiệp hoàn toàn có thể giàu, thậm chí rất giàu. Chứ lương làm thuê nghe tiền nghìn đô thì to, chứ khi anh già yếu, mất sức lao động, không thể làm thuê nữa mới chịu quay về quê thì cơ hội cũng trôi tuột như cát qua tay rồi.

Cái gì cũng có giá của nó, người ta trả lương cao cho anh vì người ta còn nhìn thấy lợi ích mà anh mang lại. Chứ khi mắt mờ chân chậm, tôi không còn sức sáng tạo nữa thì lúc ấy tương lai sẽ khó định đoán. Chưa kể, ở một đất nước có nền nông nghiệp hiện đại như Israel, những sáng chế của tôi chưa thể “địch” lại với những máy móc thông minh của họ; trong khi nếu về Việt Nam, tôi thỏa sức sáng tạo, lại có cơ hội gần gũi gia đình, vợ con. Nên dù có được đối đãi tử tế, hậu hĩnh đến đâu, tôi vẫn quyết tâm về.

img img

Trở về từ đất nước có nền nông nghiệp hiện đại, anh áp dụng ngay những điều mình học hỏi được để bắt đầu khởi nghiệp sáng chế chứ?

- Nào có đơn giản như thế. Những ngày đầu mới về tôi cũng gặp khó khăn chứ, nhiều người nghe bảo tôi sáng chế này nọ, họ không tin. Vì trước khi đi, ở nhà tôi cũng chỉ trồng rau, làm các công việc cơ khí bình thường chứ nào có biết gì đến sáng chế, thậm chí không ít người còn bảo tôi ăn cắp công nghệ của người ta rồi về làm.

Thôi thì miệng lưỡi thế gian, mình ngăn sao nổi, hai vợ chồng tôi cứ lẳng lặng làm thôi. Sau hơn 1 năm dần dần các loại máy của tôi ra đời, được nhiều người tìm mua thì tiếng đồn mới dần lắng xuống. Người ta đâu hiểu rằng nếu đi ăn cắp chỉ có thể làm được 1 loại máy, và sẽ không thể cải tiến hay sửa chữa những hạn chế của máy. Còn tôi, máy tôi làm đến đâu bán đến đó. Ai phàn nàn, góp ý hoặc yêu cầu gì tôi đều đáp ứng được hết, nếu không phải từ trong đầu tôi nghĩ ra, thì sao có thể làm được những việc đó?

img
img
 

Quay lại với chiếc máy đắt hàng nhất, cũng chính là cái máy đã làm nên tên tuổi Phạm Văn Hát như ngày nay. Cơ duyên nào giúp anh sáng chế ra chiếc máy đặt hạt có độ chính xác cao đến thế. Ngay cả các kỹ sư Nhật Bản, Israel cũng phải ngả mũ thán phục?

- Chuyện về máy gieo hạt này cũng hoàn toàn tình cờ. Số là anh trai tôi trồng rau công nghệ cao, nếu gieo kiểu truyền thống là rắc tay thì 2 hạt chập lại một là vứt đi hết, bởi hạt giống rất đắt, những 500 đồng/hạt chưa tính công gieo. Còn thuê người đặt từng hạt thì chi phí rất tốn kém.

Thời điểm đó tôi vừa từ Israel về, trong một lần hai anh em bàn chuyện, anh có hỏi tôi “bên Israel có cái máy gieo hạt không?”. Tôi đáp: “Có nhưng họ chỉ gieo trên khay thôi, không có máy đặt dưới đất, muốn trồng dưới đất họ cũng rắc như mình rồi nhổ những cây thừa vứt đi”. Nhưng đấy là nước họ có điều kiện, chứ ở mình làm thế khác gì tự đào mồ chôn.

Nghe xong ông anh tôi nói vu vơ: “Giờ anh nào mà sáng chế được cái máy này thì chắc chắn ăn to tiền”. Chẳng hiểu sao câu nói đó cứ vang vọng trong đầu tôi. Sau buổi đó, tôi lân la đến các trại rau giống quanh vùng để hỏi han, xác định xem nhu cầu của người dân có thật hay không? Chẳng ngờ, khi tôi hỏi, ai cũng trả lời: “Có cái máy gieo hạt như thế thì đắt mấy tôi cũng mua”, nhưng họ cũng yêu cầu phải đặt chính xác từng hạt.

Biết là khó nhưng tôi vẫn quyết làm, ngày đầu cứ mua thiết bị về rồi lại hỏng, lại đi mua. Nói thật nhiều khi vợ chồng cãi nhau cũng chỉ vì tôi tốn quá nhiều tiền cho việc thử nghiệm. Thì mình có được học hành đâu mà biết mô-tơ quay bao nhiêu vòng là đủ. Thành ra lắp vào cái thì nhanh, cái thì chậm; cái công suất bé quá không đủ độ chính xác, cái lại lớn quá dễ bị cháy… Con còn nhỏ, nhà vẫn nợ nần; vợ cứ thấy đốt tiền vào làm mà không ra trò trống gì nên xót của, thế là thành ra cãi nhau, suýt nữa thì vợ chồng tôi bỏ nhau vì sáng chế đấy (cười).

Cãi nhau nhiều đến mức tôi mấy lần quăng cái máy vào sọt rác cho yên cửa yên nhà, nhưng nghĩ tiếc công tiếc của lại lôi ra mày mò tiếp, hơn 2 năm mới thành hình hài ra cái máy gieo hạt.

img img

Có phải vì mất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc như thế nên anh đã quyết giữ lại bản quyền máy gieo hạt dù đã được trả giá lên tới 200 triệu đồng ? Thực hư việc này như thế nào?

- Sau thành công của rô-bốt gieo hạt, tôi được báo đài quan tâm đến nhiều,bên Trường ĐH Nông nghiệp 1 có về đặt vấn đề hỏi mua bản quyền máy gieo hạt của tôi. Thú thật lúc đó đang bí túng, người ta hỏi mua bản quyền 50 triệu đồng, tôi không đồng ý, sau họ trả lên 100 triệu rồi 200 triệu.

Nói thật lúc đầu tôi định bán rồi đấy. Vợ con, anh em cũng xui là cứ bán đi rồi mình sản xuất thì cứ sản xuất, có mất gì đâu mà tiếc. Nhưng tôi đi ra nước ngoài rồi nên biết, quy định việc nhượng lại bản quyền là mình sẽ không được sản xuất nữa, chỉ có cầm 1 cục tiền rồi thôi. Chính vì hiểu điều đó nên tôi cân nhắc rất lâu, bao đêm nghĩ chuyện có nên bán hay không vì thời gian đó cũng chưa có khách đặt mua nhiều, chỉ lác đác thôi, mà nợ nần thì vẫn gánh nặng trên vai.

Nhưng sau tôi tự nhủ: ít nhiều thì đây cũng là đứa con tinh thần đầu tiên của tôi, là sản phẩm mà tôi đã dành rất nhiều công sức, tâm huyết nên quyết tâm không bán.

Thật may mắn, đó là quyết định đúng đắn. Có thời điểm một năm tôi bán ra thị trường 35 cái máy gieo hạt, giá trung bình 30 triệu/cái. Tiền tôi thu về từ cái máy gieo hạt này lên tới hàng tỉ. Nếu ngày đó tặc lưỡi đồng ý nhượng lại bản quyền, thì có phải tôi đã đánh mất một món lớn rồi không?

img img

Từ những sáng chế đầu tiên, giờ đây anh đã sở hữu bao nhiêu loại máy rồi? Có khi nào khách hàng phàn nàn về những sáng chế của anh không?

- Tôi không nhớ chính xác, nhưng chắc khoảng hơn 30 máy các loại. Đa phần các loại máy tôi làm theo yêu cầu của khách. Nghĩa là bán thứ khách cần chứ không phải thứ tôi có.

Còn khách phàn nàn cũng nhiều chứ. Nhưng đáng quý ở chính cái phàn nàn đấy. Giả dụ tôi bán xong, họ dùng một thời gian quay lại bắt đầu “phàn nàn”: Có khi phải sửa chỗ này ông ạ, hoặc giá như có thêm chức năng sấy hay thổi gì thì hoàn thiện hơn… Thế là tôi lại cải tiến, đưa ra những sản phẩm sau tốt hơn sản phẩm trước. Nên tôi chỉ mong khách phản hồi càng nhiều càng tốt.

img img

Đã có khách hàng nào thấy thất vọng vì sáng chế của anh chưa?

- Thất vọng thì chưa nhưng họ ngạc nhiên và hụt hẫng thì có nhiều rồi đấy. Để tôi kể câu chuyện này: có ông giám đốc một công ty nông sản chuyên làm hành sấy xuất khẩu, ông ấy cần tìm cái máy có thể làm cọng hành hơi nát nhưng không được dập hay đứt rời thành mảnh nhỏ. Ông ấy đã đi hỏi rất nhiều nhà sáng chế, tìm mua các các loại máy ở nước ngoài nhưng vẫn không thành công.

img
img

Sau thấy tôi đoạt giải Nhất cuộc thi sáng chế, ông ấy đến tìm tôi và đưa ra yêu cầu. Tôi đồng ý và phát giá 40 triệu, ông giám đốc không ngần ngại chuyển tiền luôn kèm theo cam kết: nếu không thành công tôi sẽ phải trả lại số tiền trên.

Làm sáng chế kiểu nông dân của tôi rất vui. Có khi thất bại của máy này lại là thành công của máy khác. Khi chế tạo máy đặt hạt thì nhiều khách hàng yêu cầu là làm cách nào để lấy hết số hạt thừa ra khỏi khay, chứ nếu lấy bằng tay thì rất mất thời gian. Tôi mới chế tạo thêm cánh quạt hút số hạt thừa, thao tác đó rất đơn giản nhưng hạt lại bị vỡ hết. Mà oái oăm là nó không vỡ vụn, lại chỉ bị nát hoặc nứt hết.

Nghe yêu cầu của ông giám đốc nọ, tôi đã nghĩ ngay đến thất bại này và áp dụng thành công luôn lần đầu. Nó chỉ đơn giản là cái quạt có chức năng hút cọng hành và thổi ra thành phẩm là những cọng thân tách nhỏ nhưng không dập nát.

Lúc nhận máy, hai bố con ông giám đốc ngẩn người, hết nhìn cái máy lại nhìn tôi. Họ cho rằng cái máy phải cao siêu lắm chứ không thể đơn giản như này, họ còn khẳng định: “Cái kiểu này nhà tôi đầy”. Họ chỉ nhìn thấy số tiền 40 triệu mất cho tôi quá đơn giản, mà họ không thấy được giá trị của sản phẩm, giá trị của tính sáng tạo, của chất xám mà tôi đã bỏ ra.

img img

Nghe anh nói thì có vẻ không có bất cứ loại máy nào làm khó được anh, tức là anh chưa từng thất bại hay “đầu hàng” trước loại máy nào?

- Có chứ. Có nhiều cái khi khách nói thì thấy rất đơn giản, nhưng thực hành lại khó, ví dụ người làng nghề chuyên làm hàng mã có đến đặt tôi máy cắt các chi tiết nhỏ để bớt khâu làm thủ công vì khâu này cần rất nhiều nhân công. Ban đầu tôi nghĩ nó đơn giản, chỉ cần có khuôn rập theo là xong nhưng hóa ra không phải thế, chính vì các chi tiết màu khác nhau nên để làm được số lượng lớn là khó. Tôi đã nhận đề tài nhưng mới chỉ thực hiện được khoảng 70% yêu cầu.

Ngược lại có những đơn hàng tôi nghĩ là khó, thì khi bắt tay làm lại rất đơn giản. Đó chính là 1 đơn của khách hàng trong miền Nam, họ có đặt tôi làm một máy gấp phong bì. Khi họ đến tả thì tôi nghĩ là tôi không làm được, bởi trước đó họ đã mua một cái máy của Trung Quốc giá 300 triệu nhưng gấp chỉ được 1 cái 1, mà đó là máy gấp phong bì đơn, còn nếu gấp dạng hộp còn khó hơn nữa.

Tôi nghĩ người ta bỏ ra 300 triệu mà chỉ gấp được đơn, mình lại đi nhận yêu cầu khó hơn mà gấp hộp, giá lại có mấy chục triệu thì liệu có khả thi không. Nhưng khi bắt tay vào làm thì thật bất ngờ tôi chế được cái máy chỉ mất có 5 triệu bạc, máy của tôi không những gấp dạng hộp được, mà gấp đơn cũng 5 cái một lúc.

img img

Rất nhiều người ngưỡng mộ anh, dù chỉ học hết lớp 7 nhưng anh có thể sáng chế thành công nhiều loại máy, thậm chí còn làm rất nhanh, có khi chỉ vài ngày đã xong cái máy mà người ta miệt mài cả mấy tháng trời. Bí quyết sáng chế của anh là gì?

Trong đầu tôi bây giờ còn hàng chục cái đề tài nữa, người ta cứ đưa đến yêu cầu, có thể tôi làm được ngay nhưng cũng có khi mất cả tháng. Tôi chẳng có bí quyết gì, vì có khi tôi cũng phải nghĩ nát óc nhiều ngày mà không có ý tưởng, nhưng có lúc nằm ngủ hay đi chơi, lúc tán gẫu với anh em bạn bè thì lại nảy ra ý tưởng.

img

Tôi cũng không biết dùng máy tính, không biết đọc bản vẽ. Nhiều người mang bản vẽ đến nhờ làm, tôi bảo luôn: “bác đem đi nhờ người khác”. Tôi chỉ có nghĩ trong đầu rồi đặt vào tay là đã hoàn thành gần 70% sản phẩm, 30% còn lại chỉ để chỉnh sửa thôi.

Tôi lại kể câu chuyện này, gần đây nhất, tôi có mang máy gieo hạt trên khay đi triển lãm ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Tham gia triển lãm có một chiếc máy tương tự của nhà sáng chế khác, họ dùng chip, rơ-le, bo mạch rồi rất nhiều mô tơ, máy nén khí các kiểu nhưng công suất đặt hạt vẫn không nhanh bằng máy của tôi. Trong khi máy tôi chỉ có duy nhất mô-tơ và quạt gió.

Khi nghe tôi diễn thuyết, nhiều bạn sinh viên bán tin bán nghi, cho rằng tôi giấu chíp, rơ-le đằng sau chứ làm gì có chuyện chỉ mỗi mô-tơ nhỏ xíu mà đòi năng suất cao hơn. Tôi chẳng thanh minh gì, lật ngược cái máy lên cho mấy cậu sinh viên xem.

Lúc ấy mấy bạn sinh viên mới ồ, à, có cậu còn hỏi rất ngô nghê: “Tại sao chú lại chế ra được con máy như này nhỉ?”. Tôi trả lời: “Tại tôi không có học nên tôi mới chế được cái máy như này, các cậu được học hành đàng hoàng nên các cậu giỏi lý thuyết, chỉ vận hành theo lý thuyết 1+1=2. Còn tôi không được học, nhưng tôi vẫn tìm ra cách để có kết quả bằng 2 như các cậu.

Bởi, tôi không có học thì tôi có nhìn bản vẽ cũng giống như bức tường, không có học nên tôi cũng không biết chip điện tử là cái gì, không biết rơ-le, bo mạch ra làm sao. Tôi chỉ làm theo cách hiểu của mình một cách đơn giản nhất, chế tạo những chiếc máy tốn ít chi phí nhưng hiệu quả lại cao nhất.

Tất cả các loại máy của tôi hoàn toàn là cơ học hết, tôi chế ra thì khó nhưng người dân dùng thì tuyệt đối an toàn và rất dễ sử dụng, không lo chập cháy như máy có chip, bo mạch. Có điều những thứ đơn giản thì dễ bị ăn cắp, nhưng tôi không bao giờ sợ, nếu ăn cắp ý tưởng chỉ có thể làm giống chứ không làm hay hơn tôi được, luôn luôn phải chạy theo sau tôi để cải tiến.

img img

Để tránh bị ăn cắp ý tưởng, sao anh không đăng ký bản quyền sáng chế. Nhất là với hơn 30 loại máy thì chắc hẳn anh đang phải sở hữu rất nhiều bản quyền rồi chứ?

Tôi chia sẻ rất thật là cơ chế Nhà nước trong việc hỗ trợ nông dân sáng chế gần như vẫn là vùng trắng. Mặc dù việc đăng ký sở hữu trí tuệ cũng có nhiều thuận lợi hơn, từ ngày tích cực kiến nghị thì chính sách của Nhà nước đã có nhiều thay đổi, ví dụ những sản phẩm mà chúng tôi muốn đăng ký sở hữu trí tuệ thì đều được các cán bộ của Cục Sở hữu trí tuệ về tận nơi xem xét, hướng dẫn là hồ sơ rất nhiệt tình. Với nông dân thì đó là điều đáng quý vì cũng tôi ngại thủ tục, giấy tờ lằng nhằng (cười).

img

Tuy nhiên, để có được bằng sáng chế, ngoài hồ sơ và kinh phí khá lớn (khoảng 35 triệu đồng), chúng tôi còn phải chờ thời gian thẩm định, đánh giá rất lâu, có khi lên tới 2-3 năm. Mà trong khoảng thời gian đó, máy của tôi đã kịp… lỗi thời, không còn phù hợp nữa, nhất là với những nhà sáng chế làm theo yêu cầu của khách hàng như tôi. Đợi được cấp bằng sáng chế thì có khi khách đã không cần máy của tôi nữa rồi.

Theo anh, cùng là sáng chế thế thì nhà nông và nhà khoa học khác nhau ở điểm gì?

Nông dân chúng tôi sáng chế hay sáng tạo bất cứ việc gì cũng khác với các nhà khoa học. Các nhà khoa học đặt bút làm đề tài gì thì họ chỉ việc tập trung sáng tạo và làm các công việc chuyên môn, còn đã có một bộ phận giúp việc lo giấy tờ, thủ tục, đăng ký bảo hộ bản quyền, sáng chế… Trong khi bản thân tôi, nghĩ được gì là cứ làm cái đã, xong mới tính đến chuyển bản quyền sau. Chính vì “đi ngược” nên ít nhiều chúng tôi chịu thiệt thòi, cũng bởi một phần không nắm chắc những quy định và lộ trình đăng ký, bảo hộ bản quyền.

Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, các nhà khoa học họ có “phí” thử nghiệm sản phẩm, nghĩa là sáng chế đến đâu họ được đầu tư kinh phí để thực nghiệm ngoài hiện trường. Nếu thấy chỗ nào chưa ổn có thể mang về chế tạo và sửa chữa lại. Nhưng nông dân chúng tôi làm theo nhu cầu thực tế của bà con, và cũng không có ai cấp phí thử nghiệm cho cả. Đôi khi chế tạo xong bán cho bà con dùng thử rồi, bà con phản hồi “à, cái máy này được đấy”, hay “cái này phải cải tiến chỗ này chỗ kia”, thì tôi tiếp thu về chỉnh sửa và đưa ra phiên bản hoàn thiện hơn.

img img

Sáng chế rất nhiều loại máy ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có bao giờ anh bị cạn kiệt ý tưởng không?

Sau này có tuổi hay sức khỏe yếu thì tôi chưa biết, chứ giờ càng ngày càng thấy có nhiều đúc kết từ thực tiễn giúp việc sáng chế thuận lợi hơn. Thậm chí, nhiều đơn đặt hàng khách tìm khắp nơi, kể cả trên thế giới cũng chưa có, nhưng chỉ cần miêu tả và đưa ra yêu cầu là tôi có thể tự tin trả lời: làm được hay không.

Cũng từ thực tế này, tôi đã rút ra được một điều: đừng chỉ ngồi nghĩ, mà phải bắt tay vào làm. Trong quá trình làm sẽ vỡ vạc ra rất nhiều điều, chứ còn cứ ngồi nghĩ rồi tính “ngày mai sẽ bắt đầu” thì không bao giờ có sản phẩm hoàn thiện.

Nói thật, tôi sáng chế đúng là để lấy tiền, nhưng một phần cũng vì muốn giúp bà con. Có nhiều làng nghề chuyên môn bà con phải làm thủ công rất vất vả, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, mà không đâu người ta nhận chế tạo những chiếc máy mang đặc thù công việc của làng nghề cả. Tôi nghĩ nếu mình làm giúp cho người ta cũng là cái đáng quý và nên làm.

Cứ như thế, câu chuyện bên chèn trà xanh với Phạm Văn Hát dường như không có điểm kết thúc, nhất là khi gợi lên những ý tưởng sáng chế với anh. Sự tài hoa của anh nông dân “nhìn bản vẽ như bức tường” càng được khẳng định khi anh tiết lộ: riêng năm 2019 đã sáng chế tới 9 loại máy mới. Nghe tâm niệm làm vì nông dân, cho nông dân bớt khổ của anh, tôi cứ miên man ước sao có thêm nhiều Phạm Văn Hát nữa, để những giọt mồ hôi bớt mặn chát trên cánh đồng, để những thành quả của người nông dân ngọt ngào, ý nghĩa hơn.

Nhân dịp đầu Xuân mới 2020, chúc anh luôn có nhiều sức khỏe, nhiều ý tưởng và cho ra đời nhiều loại máy hữu ích phục vụ bà con nông dân, đúng như danh hiệu anh đã được ưu ái trao tặng: “Nhà sáng chế của nông dân”.

img img
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem