Nhà văn Đặng Vương Hưng: Hành trình ly kỳ của các cuốn nhật ký (Bài 2) - Ảnh 1.

Khi thực hiện công cuộc sưu tầm và biên soạn, anh có được mọi người ủng hộ không?

- Vâng. Ban đầu có nhiều người không thực sự hiểu câu chuyện tôi và nhóm biên soạn làm, nên tôi cũng gặp không ít điều tiếng và phiền toái.

Nhà văn Đặng Vương Hưng: Hành trình ly kỳ của các cuốn nhật ký (Bài 2) - Ảnh 2.

Có những nghi ngờ, cho rằng tôi bươn bả như thế để "câu tiền tài trợ", để thu hút các dự án, hay công việc của tôi đem lại lợi nhuận khổng lồ. Thậm chí tôi còn bị cho rằng muốn nổi tiếng, đã nổi rồi còn ham nổi hơn nữa.

Nhưng rồi kệ họ thôi, tôi không có thời gian đi giải thích với tất cả mọi người, đặc biệt với những ai đang có thành kiến. Vậy nên tôi cố gắng chứng minh bằng công việc, bằng những cuốn sách được ra mắt và thời gian sẽ trả lời cho tất cả.

Hơn 16 năm sưu tầm và biên soạn những lá thư, nhật ký của liệt sĩ, cựu chiến binh, câu chuyện nào khiến anh bị ám ảnh cho tới tận bây giờ?

- Nhật ký của Nguyễn Hải Trường là một trong những nhật ký khiến tôi bị ám ảnh nhiều nhất, bởi trong 30 tác giả của bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" liệt sĩ Nguyễn Hải Trường là liệt sĩ duy nhất thuộc lực lượng công an nhân dân vũ trang, tiền thân của Bộ đội biên phòng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng vũ trang chi viện cho chiến trường miền Nam hơn một vạn người. Hầu hết là lực lượng an ninh, với nhiệm vụ hoàn toàn thầm lặng, hoạt động ngầm, cài cắm trong lòng địch. Rất nhiều người bị bắt, bị thủ tiêu, và nhiều người bị lên án là phản bội Tổ quốc.

Liệt sĩ Nguyễn Hải Trường (Nguyễn Minh Sơn) là một trong những chiến sĩ như vậy. Khi gia đình chuyển cho tôi cuốn nhật ký, đó là một cuốn sổ tay rách nát, thậm chí nhiều trang bị nhoè nước, rất khó đọc. Liệt sĩ Nguyễn Hải Trường hy sinh trong một lần đi công tác bị địch vây và bắn.

Sau khi ông hy sinh, phía bên kia của chiến tuyến đã tìm thấy trong ba lô của ông cuốn nhật ký, họ đọc và xúc động với những gì ông viết và họ đã mang cuốn nhật ký về lưu giữ lại. Đến giải phóng anh em vào tiếp quản và đã thấy cuốn nhật ký mới gửi về cho gia đình.

Khi gia đình đọc thông tin và biết công việc của chúng tôi, con gái của liệt sĩ đã điện thoại cho tôi và mời tôi vào trong quê liệt sĩ chơi, trò chuyện, đó là vùng Hậu Lộc, Thanh Hoá.

Người con gái ông đã kể về quãng thời gian ông đi B đó, ở ngoài này gia đình, làng xã bà con tưởng ông phản bội khiến những người ở nhà bị ảnh hưởng, sống trong tủi nhục, oan ức.

Rồi đến khi gia đình nhận được giấy báo tử của ông thì mới giải oan được những điều trước đó. Người con gái đã lấy cuốn nhật ký được trang trọng đặt trên bàn thờ để trao lại cho tôi.

Nhà văn Đặng Vương Hưng: Hành trình ly kỳ của các cuốn nhật ký (Bài 2) - Ảnh 3.

Ngưng lại một chút dường như để sắp xếp lại mớ ký ức ngồn ngộn trong đầu, nhà văn Đặng Vương Hưng tiếp câu chuyện:

- Một cuốn nhật ký khác cũng khiến tôi ám ảnh và không bao giờ quên đó là nhật ký của liệt sĩ Trần Duy Chiến.

Liệt sĩ Trần Duy Chiến sinh năm 1957, quê gốc tại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sinh trưởng tại thành phố Đà Nẵng.

Những trang nhật ký của Trần Duy Chiến mở ra từ ngày 7/10/1978 khi anh mới nhập ngũ, huấn luyện tại Quân trường Mỹ Thị (Đà Nẵng) và khép lại vào ngày 25/6/1980 trước ngày anh hy sinh một tháng tại vùng biên giới cực tây của đất nước Campuchia.

"Trước khi kiệt sức vì mất máu, liệt sỹ Trần Duy Chiến còn bắn hết một băng AK về phía địch rồi mới gục xuống. Khi lực lượng tiếp viện của ta lên tới nơi, thì anh đã hy sinh, khuôn mặt của anh bị đạn bắn đến mức không thể nhận ra".

Xuyên suốt nhật ký của liệt sĩ Trần Duy Chiến là nỗi nhớ quê hương da diết đến khắc khoải, tâm trạng của những người đi xa… những ngày đầu từ giã gia đình đến Tây Nguyên, thiên nhiên và con người nơi đây đã để lại trong anh những ấn tượng đẹp, nhẹ nhàng.

Bên cạnh đó là nỗi nhớ Đà Thành – nơi chôn rau cắt rốn, nơi tuổi thơ anh trôi qua thật êm đềm và đầy ắp kỷ niệm… ngoài ra nhật ký kể về những người lính bị quân Khmer Đỏ giết một cách man rợ trong những khu rừng, những hố chôn tập thể của đồng bào Campuchia...

Liệt sĩ Trần Duy Chiến đã hy sinh vào ngày 20/7/1980 khi tiểu đội anh không may sa vào ổ phục kích. Tiểu đội chỉ có 5 người, mỗi người đi cách nhau 10 mét, liệt sĩ Trần Duy Chiến là A trưởng đi đầu. Một quả mìn bất ngờ phát nổ, đã khiến một đồng đội bị thương vào đầu, còn anh bị trọng thương, nát chân phải.

Đồng đội anh kể lại: Trước khi kiệt sức vì mất máu nhiều, anh còn bắn hết một băng AK về phía địch rồi mới gục xuống. Khi lực lượng tiếp viện của ta lên tới nơi, thì anh đã hy sinh, khuôn mặt của anh bị đạn bắn đến mức không thể nhận ra.

Anh Nguyễn Văn Chính, người bạn đồng hương thân thiết cùng đại đội kể với tôi rằng: "Tôi là người trực tiếp vuốt mắt cho anh Chiến. Hồi đó, mặt trận này rất ác liệt, mấy ngày sau khi chiếc xe ô tô chở thi hài anh Chiến và một số liệt sĩ khác về gần tới Pai-lin (Campuchia) lại tiếp tục bị trúng mìn chống tăng lần nữa. Xe cháy và hỏng hết. Thêm một cán bộ hy sinh, và như thế có thể nói liệt sĩ Trần Duy Chiến đã hy sinh tới hai lần".

Nhà văn Đặng Vương Hưng: Hành trình ly kỳ của các cuốn nhật ký (Bài 2) - Ảnh 4.

Nói đến đây, nhà văn Đặng Vương Hưng lặng im một hồi lâu để kìm nén cơn xúc động khi nhắc tới người đồng đội. Rồi anh chậm rãi nối tiếp mạch tâm sự:

- Không phải duy tâm, nhưng thực sự trên đường đi tìm mộ của liệt sĩ Trần Duy Chiến chúng tôi đã gặp điều lạ và nhiều may mắn. Tôi cùng gia đình liệt sĩ và đại tá Nguyễn Văn Hồng – nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 309, nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, sĩ quan chỉ huy cao cấp của liệt sĩ Trần Duy Chiến) vào nghĩa trang Thuận Giao, tỉnh Sông Bé để tìm mộ anh.

Nhà văn Đặng Vương Hưng: Hành trình ly kỳ của các cuốn nhật ký (Bài 2) - Ảnh 5.

Buổi sáng hôm đó chúng tôi đến nghĩa trang và gặp người quản trang, một người lính đã từng tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam và bị thương giờ làm công việc trông coi nghĩa trang.

Lúc đầu người quản trang không tiếp chúng tôi và bỏ ra quán uống rượu. Cả đoàn đang không biết phải làm sao, thì lúc đó tôi quyết định ra quán ngồi cạnh người lính quản trang để trò chuyện. Khi tôi ngồi xuống, gọi một cốc cà phê thì có một đoàn gia đình khác cũng đến quán, một người trong nhóm đó nhận ra tôi đã gọi tên tôi.

Ngay sau đó, người lính quản trang nhìn tôi chằm chằm và hỏi anh có phải nhà văn Đặng Vương Hưng không? Sau đó người quản trang mới nói anh biết và yêu thích các bài thơ của tôi rất lâu rồi. 

Anh giới thiệu anh tên là Trần Nguyên Thanh Quyện quê ở Cà Mau. Sau đó anh đọc một lèo mấy bài thơ của tôi. Vậy là mọi khúc mắc, khó khăn về thủ tục hành chính tại nghĩa trang đã được giải quyết nhanh chóng.

Mà rất lạ, vẫn còn mảnh đạn găm vào đầu, đôi khi lúc tỉnh, lúc mê nhưng người quản trang Trần Nguyên Thanh Quyện vẫn nhớ vị trí, tên của các liệt sĩ tại nghĩa trang. Khi chúng tôi đi vào nghĩa trang, còn đang lúng túng trước hàng vạn ngôi mộ thì người quản trang đã đọc tên liệt sĩ Trần Duy Chiến và chỉ lối đi cho chúng tôi.

Lạ hơn nữa, khi chúng tôi đến được ngôi mộ của liệt sĩ Trần Duy Chiến thì thấy cả tiểu đội của anh, đã được anh nhắc đến nhiều trong nhật ký, đều nằm trong một hàng theo thứ tự một cách tình cờ. Bởi thông thường khi chuyển hài cốt các anh hùng liệt sĩ từ bên nước bạn về nghĩa trang Việt Nam, không thể sắp xếp theo đơn vị hay tiểu đội được.

Vậy mà các ngôi mộ của các anh được sắp xếp, theo thứ tự, bắt đầu từ A trưởng có tên Đại Bảng nằm đầu tiên và tiếp đến là những người trong tiểu đội.

img
img
img

Dường như không kìm nén được cảm xúc đang dâng trào, nhà văn Đặng Vương Hưng lặng lẽ lấy khăn chấm những giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Anh nghẹn ngào:

- Sau đó tôi và gia đình đã đưa hài cốt liệt sĩ Trần Duy Chiến về quê mai táng. Còn người lính quản trang Trần Nguyên Thanh Quyện, thời gian sau cũng về quê ở Cà Mau. Anh vẫn thường xuyên điện thoại, chia sẻ với tôi và chúng tôi trở thành bạn tâm tình.

Nhà văn Đặng Vương Hưng: Hành trình ly kỳ của các cuốn nhật ký (Bài 2) - Ảnh 7.

Thưa nhà văn, đó là hành trình quy tập mộ cho liệt sĩ Trần Duy Chiến. Còn hành trình của cuốn nhật ký Trần Duy Chiến thì sao thưa anh?

- 25 năm trước, vào đúng ngày liệt sĩ Trần Duy Chiến hy sinh, đồng đội của anh phát hiện trong ba lô di vật của anh đó là cuốn sổ bìa xanh đã ghi chép gần kín. Lẽ ra cuốn sổ này đã bị đốt đi, nhưng một chiến sĩ đã giữ lại để xé dần làm giấy cuốn thuốc lá.

"Là người lính, nên tôi thể không kìm được xúc động khi nói về đồng đội, sự hy sinh của họ, bởi tôi luôn thấy mình trong đó. Tôi thấu cảm được sự hy sinh của các anh. Vì vậy khi nhìn thấy những ngôi mộ, thấy các anh được quây quần cùng nhau cả khi sống và đến lúc chết. Thương lắm!"

Ngày đó, mặc dù hoà bình nhưng cuộc sống của người lính tại Campuchia thiếu thốn trăm bề. Lính mình thèm thuốc lá nhưng không thể kiếm được ở đâu, nên đã phải bới những đống rác, tìm những mẩu thuốc mốc meo hút cho đỡ nghiện. Khi hết mẩu thuốc thì những người lính phải cuốn lá rừng để hút.

Chính vì thế mà khi thấy cuốn sổ, anh lính đó đã giữ lại xé dần. Biết đó là cuốn nhật ký quý báu của bạn mình, anh Nguyễn Văn Chính, đã liều mình lấy 8 quả pin thông tin để đổi, khiến sau đó anh suýt bị kỷ luật.

Khi trao những di vật, kỷ vật cho anh, các gia đình mong mỏi lớn nhất điều gì?

- Mong mỏi lớn nhất của họ là những di vật, kỷ vật đó trở thành di sản, có giá trị về mặt tinh thần và được xuất bản thành sách. Và tất cả các gia đình đều cảm thấy rất vui, rất tự hào khi những cuốn nhật ký, lá thư đó được nhiều người biết đến, được xã hội công nhận.

Nhà văn Đặng Vương Hưng: Hành trình ly kỳ của các cuốn nhật ký (Bài 2) - Ảnh 8.

Ngần ấy năm sưu tầm, biên soạn, lưu giữ, đọc hàng vạn lá thư, hàng trăm cuốn nhật ký của liệt sĩ, cựu chiến binh, thương binh cho đến lúc này, điều gì khiến anh còn day dứt, nuối tiếc?

- Cho đến lúc này, tôi vẫn cảm thấy mình chưa làm được gì nhiều và dường như mình đang còn mặc nợ đồng đội, mắc nợ thân nhân các anh hùng liệt sĩ, cựu chiến binh.

Mắc nợ đầu tiên với các gia đình đó là những lá thư tôi nhận được từ năm 2004, những lá thư không có thuyết minh để tôi có thể xác định được người viết những lá thư đó là ai, người gửi thư đó ở đâu, tên gì.

Ngoài ra còn nhiều những lá thư, sổ tay nhật ký đang nằm trong các bảo tàng, các bộ sưu tập cá nhân. Tất cả những cuốn sách tôi và nhóm làm trong gần 20 năm qua đều tự lực và phải kêu gọi kinh phí xã hội hoá. Một bộ sách như bộ "Nhật ký thời chiến Việt Nam" bao gồm 4 tập, mỗi tập hơn 1.000 trang rất tốn kém.

Nhưng chúng tôi xuất bản không nhằm mục đích kinh doanh, mà để làm quà tặng tri ân. Vì là dự án phi lợi nhuận, nên các nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo, các bạn trẻ nào cần đọc nội dung, hãy kết nối vào trang Facebook "Trái tim người lính" các quản trị viên sẽ gửi tặng miễn phí bản PDF nội dung ruột bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam".

Một số lượng sách hạn chế sẽ phát hành để lấy tiền in. Ước mơ của tôi là giá như có một chút quan tâm từ phía cơ quan quản lý hay có một nhà tài trợ lo giúp về phần kinh phí để chúng tôi tiếp tục sưu tầm, biên soạn. Rất nhiều gia đình liệt sĩ đã gửi cho chúng tôi những lá thư đi kèm giấy báo tử, di ảnh để mong chúng tôi tìm được mộ cho thân nhân của họ.

Trong khi việc đi tìm mộ liệt sĩ có cả một hệ thống, phải nhiều người vào cuộc, phải có kinh phí, sức lực, thời gian. Đấy là điều tôi cảm thấy tiếc nuối, như mắc nợ với các gia đình liệt sĩ.

Xin trân trọng cám ơn nhà văn Đặng Vương Hưng!

Nhà văn Đặng Vương Hưng: Hành trình ly kỳ của các cuốn nhật ký (Bài 2) - Ảnh 12.

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem