Nhà văn Đỗ Bích Thuý: 21 cuốn sách và cuộc sống bình thản sau ly hôn - Ảnh 1.

Cho dù Hà Giang không phải là quê hương, thì nhắc đến Đỗ Bích Thuý người ta luôn mặc định chị là nhà văn của vùng cao phía Bắc?

- Tôi vốn dĩ là người Kinh ở miền xuôi lên, nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng Tày, họ ở đấy rất lâu năm rồi, bố tôi mua lại một cái thung lũng của họ, ông khai phá, ông làm vườn. Tôi sinh ra ở trong thung lũng đấy.

Lúc đầu tôi viết văn thì cứ viết linh tinh, tôi viết cho Tiền Phong, cho Hoa học Trò, cho Sinh viên, hầu như bạn viết nào ở Việt Nam cùng thời 7x như tôi đều bắt đầu từ những tờ báo như thế. Mà lúc ấy tôi lại không viết về miền núi, nói đúng hơn là viết về miền núi rất ít. Tôi viết đủ thứ đề tài. Đến khi tôi về Hà Nội học đại học và bắt đầu gửi truyện ngắn dự thi ở VNQĐ thì được gặp các nhà văn đi trước, được các chú các anh định hướng, hãy viết về cái gì mà mình thấu hiểu nhất, mình nắm rõ nhất, mình cảm thấy là mình có thể khai thác ở nó nhiều nhất thì tôi đã quyết định chọn quay lại đề tài thực sự ruột thịt với tôi là đề tài dân tộc miền núi.

Với tôi, cho đến giờ là hơn 20 năm, tôi đã viết 21 cuốn sách, thì tôi hiểu rằng đối với một nhà văn chuyên nghiệp việc chọn đúng đề tài mang ý nghĩa quyết định. Nó sẽ là thứ có thể tựa vào đấy người ta khai thác nó, người ta có thể viết, người ta lăn lộn ở trong đó,  rất nhiều chiều kích, nhiều góc cạnh. Như tôi thì tôi nghĩ có thể viết về miền núi hết đời không bao giờ hết được nguồn tư liệu dồi dào, vĩ đại, khổng lồ của dân tộc miền núi.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: 21 cuốn sách và cuộc sống bình thản sau ly hôn - Ảnh 3.

Có một nhà văn nào đấy đã ảnh hưởng hoặc có tính chất như một người thầy của chị lúc đó không?

- Thực ra thì ai cũng bị ảnh hưởng bởi ai đấy. Tôi ngày xưa rất thích 2 nhà văn Nga là Aimatov và Rasul Gamzatov. Tôi đã từng nghĩ Gamzatov viết "Đaghextan của tôi" thì tôi sẽ viết "Hà Giang của tôi". Cho nên trong các sáng tác thời kỳ đầu của tôi có một số nhà văn nhận xét là có ảnh hưởng của 2 nhà văn này ít nhiều.

Nhưng nếu ảnh hưởng tới tôi trực tiếp bằng sự chỉ bảo thì phải là các nhà văn ở VNQĐ. Các nhà văn Lê Lựu, Trung Trung Đỉnh, Chu Lai, Sương Nguyệt Minh, Khuất Quang Thuỵ… - những người mà hồi ấy đảm nhận phần văn xuôi trên VNQĐ.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: 21 cuốn sách và cuộc sống bình thản sau ly hôn - Ảnh 4.

Tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên với ông Lê Lựu. Khi tôi gửi truyện ngắn dự thi VNQĐ, hạn cuối cùng nộp bài là 31-12 -1999, thì sáng 31-12 tôi mới gửi truyện ngắn cuối cùng. Hôm đấy là ngày giao thừa thiên niên kỷ, hôm sau là bước sang năm 2000. Đêm ấy ở BờHồ bắn pháo hoa, bọn tôi là sinh viên và đã có dự định là tối ấy sẽ đi bộ từ ký túc xá Phân viện Báo chí lên Bờ Hồ đón giao thừa. Ngày hôm ấy ít người còn làm việc, nhưng ông Lê Lựu thì vẫn lùi lũi ở VNQĐ và ông đọc truyện ngắn của tôi, truyện ngắn cuối cùng tôi gửi đến vào ngày cuối cùng của cuộc thi. Và buổi chiều ông gọi điện (hồi ấy sinh viên tôi nghe lời nhắn đến nghe điện thoại qua loa của ký túc xá), tôi chạy lên nghe và nhà văn Lê Lựu bảo cháu phải đến VNQĐ để chú trao đổi lại với cháu. Thế là tôi quyết định bỏ cuộc đi chơi với bạn bè, xẩm tối tôi đạp xe lò dò đến VNQĐ. Gặp ông Lê Lựu trên phòng làm việc, ông nói rằng truyện của cháu rất hoàn chỉnh rồi. Theo chú nghĩ thì nó đáng được giải nhất rồi, nhưng theo chú cháu cần sửa thêm một số chi tiết. Ông nói với tôi rằng cháu viết bao giờ cũng phải khai thác đến tận cùng chi tiết, ông dẫn ra ông Nguyễn Khải viết như nào, ông Nguyễn Minh Châu viết như nào. Tôi hăm hở mang bản thảo về, cả đêm giao thừa năm ấy tôi ngồi viết tay lại bản thảo, bổ sung thêm chi tiết. Đó chính là truyện ngắn đem lại cho tôi giải Nhất  cuộc thi Văn nghệ Quân đội năm ấy.

Hoặc là nhà văn Chu Lai, sau khi tôi đoạt giải thì tôi viết rất nhiều, viết say mê, viết liên tục liên tục về đề tài miền núi. Nhà văn Chu Lai đã nói một câu rất thấm thía, là phải biết tiết kiệm chi tiết, ví dụ cái kho của cháu chỉ có ngần này, nếu mà cháu dùng hết thì ngày hôm sau cháu mà dùng cháu sẽ phải dùng lại hoặc cháu sẽ phải dùng cái thứ nó khiến cho cái đà đang đi lên của cháu nó đi xuống. Ông ấy nói khiến tôi thấy giật mình. Đúng là mình đã không biết tiết kiệm chi tiết như một nhà văn chuyên nghiệp.

Có những bài học các ông ấy nói chỉ một câu thôi, nó tác động rất mạnh mẽ vào tư duy lao động của tôi.

Có lời khuyên nào của các nhà văn lớp trước ở Nhà số 4 mà chị đã không nghe theo không?

- Khi tôi viết tiểu thuyết đầu tiên thì có một nhà văn nói rằng  tiểu thuyết không dành cho phụ nữ, nó là một thể loại vạm vỡ nó cần sự trường lực của đàn ông. Câu nói ấy làm tôi buồn kinh khủng vì tôi khi ấy vừa viết xong mấy trăm trang tiểu thuyết (cuốn ấy sau đó đoạt giải của NXB Thanh niên). Nhưng sau này thì tôi nghĩ nhà văn ấy nói đúng, tiểu thuyết đúng là một thứ quá sức với phụ nữ thật. Lần nào viết xong một cuốn tiểu thuyết tôi cũng kiệt sức. Lần nào tôi cũng ốm vì một cuốn tiểu thuyết. Đàn ông họ khoẻ mạnh hơn, tư duy của họ vững chắc hơn, logic của họ chặt chẽ  hơn. Phụ nữ thì hay bị cảm tính lôi đi. Nhưng ông ấy nói như thế thì chả lẽ mình lại dừng lại à, viết được mỗi một quyển rồi dừng lại à. Rồi sau đó tôi đã phải rất cố gắng để vượt qua câu nói đó…

Khi bắt đầu viết văn ở Hà Giang, chị có bao giờ tưởng tượng mình có ngày sẽ làm việc, à không, thậm chí là làm lãnh đạo tờ tạp chí ở Nhà số 4 huyền thoại ấy không?

-  Không bao giờ. Tôi lúc đầu học tài chính kế toán sau đó về Hà Giang làm việc. Đầu tiên là làm ở Hội Văn nghệ tỉnh, sau đó sang báo Hà Giang làm phóng viên, không có một chút kỹ năng làm báo nào cả và cứ đi viết theo cảm tính thôi. Rồi tôi về Hà Nội học Đại học ở Phân viện Báo chí. Tôi vẫn nghĩ rằng học xong thì quay về báo Hà Giang, không bao giờ nghĩ sẽ ở lại Hà Nội cả. Tôi vẫn nghĩ Hà Nội không phải là nơi dành cho một người như tôi, vì lúc ấy, nói thật học đến 4 năm đại học tôi vẫn chưa thuộc đường Hà Nội, và nghĩ là không biết bao giờ mới thuộc hết phố xá Hà Nội.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: 21 cuốn sách và cuộc sống bình thản sau ly hôn - Ảnh 5.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: 21 cuốn sách và cuộc sống bình thản sau ly hôn - Ảnh 6.

Giải Nhất VNQĐ đã thay đổi cuộc đời chị, có thể nói như thế không?

- Chắc chắn là như thế. Việc đoạt giải Nhất VNQĐ đã dẫn đến một bước ngoặt quan trọng. Nếu không có VNQĐ thì chắc tôi đã không ở lại Hà Nội, tôi ở lại Hà Nội thì chỉ ở một nơi như VNQĐ vì lúc ấy tất cả những nơi khác đều quá sức với tôi, tất cả các toà soạn báo khác đều lạ lẫm, tôi là một đứa ngơ ngơ ngác ngác ở miền núi về. Nhưng ở VNQĐ thì rất hợp.

Sau này, khi chị làm Phó tổng biên tập VNQĐ thì chị cảm thấy thế nào, có chịu một áp lực nào không khi làm lãnh đạo ở một cơ quan có rất nhiều nhà văn nổi tiếng?

- Thực ra thì tôi cũng không nghĩ nhiều. Tôi được bổ nhiệm Phó tổng biên tập lúc mới là Thượng uý, cán bộ cấp cục trong quân đội thì chả có ai Thượng uý mà lên được cả. Tôi nghĩ các chú các anh cũng rất "liều" khi đưa một người như tôi lên, vì lúc ấy tôi nghĩ mình vẫn còn non dù cũng đã làm thư ký toà soạn mấy năm rồi. Khi tôi mới về VNQĐ, chị cứ hình dung là cuộc họp giao ban mấy chục con người toàn tên tuổi lừng lẫy. Chị hình dung là một nhà văn như Lê Lựu chỉ là trưởng ban văn xuôi, một nhà văn như ông Trung Trung Đỉnh chỉ là biên tập viên, ông Chu Lai là cán bộ sáng tác. Khi tôi đến VNQĐ lần đầu còn chưa biết mặt nhà văn Chu Lai. Ông còn bảo ông là bảo vệ, cứ đưa tác phẩm đây, tôi đã rất ngạc nhiên khi một ông bảo vệ cứ ngồi đọc truyện ngắn của mình. Tức là lúc tôi vào Văn nghệ Quân đội ở đấy có cả một đội ngũ hùng hậu các nhà văn tên tuổi lừng lẫy. Các chú các anh ngồi đấy trong cuộc họp giao ban. Còn trên tường thì bao nhiêu bức ảnh những nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Minh Châu, Duy Khán, Nguyễn Khải…

Đến khi tôi làm mấy năm thì cùng lúc 7 ông nhà văn nghỉ hưu. Đội ngũ VNQĐ rỗng đi. Đến khi tôi lên Phó tổng biên tập thì các chú đã vắng lắm rồi. Tạp chí lúc ấy chỉ còn thế hệ của chúng tôi là chính. Trước tôi chỉ còn thế hệ các anh Sương Nguyệt Minh, anh Nguyễn Hữu Quý… Còn lại là cùng lứa 7x như Nguyễn Đình Tú, Đỗ Tiến Thuỵ. Thì lứa bọn tôi anh em cũng ngang ngang nhau. Nên tôi nghĩ rằng tôi cứ làm việc theo cái cách mà những người đi trước đã làm. Trước tôi là ông Nguyễn Trí Huân, ông Nguyễn Bảo, ông Lê Thành Nghị, các ông làm việc với nhau thoải mái lắm, như ngày xưa ông Vũ Cao nói rất hay, là lãnh đạo văn nghệ sĩ tức là chả lãnh đạo gì cả.

Thực sự là tôi thấy lúc tôi chưa làm phó tổng biên tập, đến lúc tôi đang là phó tổng biên tập với bây giờ tôi không làm nữa thì cũng không khác gì nhau cả.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: 21 cuốn sách và cuộc sống bình thản sau ly hôn - Ảnh 7.

Ở VNQĐ có một cái hay là có vẻ mọi người rất nhẹ nhõm rời bỏ chức vụ sau một số thời gian đảm trách. Trước chị, anh Nguyễn Đình Tú cũng xin thôi Phó tổng biên tập, có nhà văn khác thì xin thôi làm trưởng ban văn xuôi. Có lẽ vì mọi người quan niệm công việc của nhà văn là sáng tác thực sự cũng không cần chức vụ hay có lý do gì đặc biệt không, khi chị xin thôi Phó tổng biên tập?

- Có lý do như chị nói. Vì anh em cũng đều quan niệm, rốt cuộc thì điều mình mong muốn nhất trong cuộc đời của mình là những cuốn sách, những tác phẩm, muốn được bạn đọc nhớ đến. Trước bọn tôi, rất nhiều nhà văn đi trước thậm chí không ai biết không ai nhớ chức vụ của họ là gì, nhưng mọi người chỉnhớ ông ấy có tác phẩm gì.

Tôi đã làm phó tổng biên tập tròn 10 năm từ 2009 đến tháng 1-2019 thì xin thôi. Với tôi như thế là quá đủ rồi, nếu gọi là có trải nghiệm của một người từng phụ trách một công việc nào đấy khá là nặng nhọc thì cũng đủ rồi. Tôi nghĩ nếu tôi lùi ra thì vị trí ấy vẫn có người khác làm, một nhà văn trải nghiệm qua vị trí ấy cũng không mất gì cả mà có khi lại được, được kinh nghiệm.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: 21 cuốn sách và cuộc sống bình thản sau ly hôn - Ảnh 8.

Và tôi nghĩ là khả năng sáng tác của người ta không phải là vô giới hạn, đến một lúc nào đấy nó sẽ dừng lại, mà mình có cố nó cũng chỉ nhích ít một thôi. Tôi cũng nghĩ là tôi không còn nhiều thời gian để có thể viết rất nhiều cuốn sách nữa, trong khi ý tưởng trong đầu thì rất là nhiều, đang còn rất nhiều dự định muốn làm cái này cái kia và nó cứ chồng lên nhau. Mà nếu mình cứ giữ một cái chức vụ như thế thì sẽ không làm được.

Bên cạnh đó còn phải lo về con cái, đúng đoạn con dậy thì, phải quản từng ngày. Trong cuộc đời một con người, nói một cách chân thành, người ta có rất nhiều ước muốn, mục đích, ai cũng sẽ đặt cái nào là số 1, cái nào số 2.

 Với một điều quan trọng nữa là VNQĐ có một Ban sáng tác. Là sự cực kỳ ưu ái của Bộ Quốc phòng dành riêng cho tạp chí VNQĐ cho đến thời điểm này. Toàn quân chỉ còn mỗi VNQĐ là còn Ban Sáng tác thôi. Chúng tôi có một cái "sân sau" để lùi lại, không bị những áp lực của công việc làm tạp chí nữa. Gần như được rút ra hết mọi công việc sự vụ hàng ngày, chỉ còn mỗi một việc là ngồi sáng tác. Ai cũng nghĩ là quá hạnh phúc.

Tôi vừa nhận quân hàm Thượng tá và tôi đã có rất nhiều thời gian để làm những việc mình muốn. Viết tiếp những cuốn sách, làm kịch bản phim… thứ mà đối với tôi rất hứng thú.

Ở Nhà số 4 lưu truyền rất nhiều giai thoại về các nhà văn. Thế hệ hiện nay ở đấy có gì tiếp nối với lớp nhà văn đi trước không?

- Các nhà văn đi trước cùng nhau chiến đấu, cùng trải qua thời bao cấp với nhau và có nhiều chuyện thú vị. Có những người có cả kho tư liệu, giai thoại. Ví dụ chú Ngô Vĩnh Bình từng là Tổng biên tập có thể kể chuyện VNQĐ cả ngày, bọn tôingồi nghe rất say mê. Giai thoại thì cũng có thực có hư, căn bản là thực nhưng qua miệng các nhà văn thì bao giờ cũng được thêm mắm thêm muối cho sinh động. Nhưng về cơ bản thì đều là những chuyện đáng yêu lắm, nhân văn lắm.

Có lẽ phải ở trong một giai đoạn, một bối cảnh lịch sử, văn hoá nhất định thì mới có những giai thoại hay như thế, những câu chuyện như thế. Chứ còn bây giờ bọn mình sau này già mà bảo Đỗ Bích Thuý kể giai thoại về Nguyễn Đình Tú thì có cái gì hay Nguyễn Đình Tú kể về Đỗ Bích Thuý thì có gì, chả có gì hấp dẫn cả.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: 21 cuốn sách và cuộc sống bình thản sau ly hôn - Ảnh 9.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: 21 cuốn sách và cuộc sống bình thản sau ly hôn - Ảnh 10.

Từ chùm truyện ngắn "Sau những mùa trăng", "Ngải đắng ở trên núi", "Đêm cá nổi" đoạt giải Nhất của VNQĐ hay "Tiếng kèn môi sau bờ rào đá" (được chuyển thể thành phim "Chuyện của Pao") kể những câu chuyện miền núi rất hấp dẫn và văn chương rất đẹp đẽ của thời kỳ đầu tiên, tôi thấy chị đã có sự thay đổi khá nhiều khi đến "Chúa đất" đã được viết rất dữ dội?

- Thay đổi nhiều chứ. Thay đổi trước hết là về thể loại. Trước đây tôi chỉ viết truyện ngắn, sau này tôi ít viết truyện ngắn. Vì tôi nghĩ rằng thể loại như cái áo, thì cái áo phải phù hợp với cơ thể. Tuyện ngắn như là những lát cắt cuộc sống, nó chỉ chạm đến một vấn đề, khía cạnh nào đấy của cuộc sống, nó không mang tính bao trùm. Ví dụ "Chúa đất" nếu là một truyện ngắn thì cùng lắm chỉ viết được về cuộc ngoại tình của cô Vàng Chở, viết về câu chuyện ông Chúa đất đi lấy được bà cả về thôi chứ làm sao giải quyết được cả một vấn đề mang tính thời sự của một giai đoạn lịch sử như thế.

Vừa rồi tôi in lại tập truyện ngắn "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá", in 100 bản đặc biệt chưa in xong đã bán hết rồi. Bạn đọc có ấn tượng tốt đẹp với truyện ngắn, cũng không sao cả, điều đó rất là hạnh phúc nhưng cũng không phải vì bạn đọc thích truyện ngắn mà mình vẫn tiếp tục viết truyện ngắn. Nếu vẫn tiếp tục viết truyện ngắn trong suốt 20 năm qua, có khi bây giờ bạn đọc lại không đọc của tôi nữa. Vì nếu mình cứ trở đi trở lại ngần ấy vấn đề thì sẽ bị dẫm lên vết chân của mình và bạn đọc sẽ thất vọng. Thế thì thà là để bạn đọc cứ việc thích truyện ngắn của mình còn mình thì nỗ lực viết tiểu thuyết.

Với một mảnh đất, một cái áo rất rộng là cuốn tiểu thuyết, mình có thể làm rất nhiều vấn đề trong đó, ví dụ những vấn đề cốt lõi về văn hoá các mối quan hệ trong gia đình, về phong tục tập quán, ma chay cưới xin… Tha hồ khua khoắng ở trong đó, muốn làm trò gì thì làm. Nó làm người viết rất thoả mãn.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: 21 cuốn sách và cuộc sống bình thản sau ly hôn - Ảnh 11.

Trong các tác phẩm của chị tôi luôn thấy có hình bóng người phụ nữ khát khao yêu và không được thoả mãn, không đạt tới tình yêu của mình?

- Tình yêu chỉ là một phần ở trong đời sống, trong cuộc đời một người phụ nữ, nhưng nó là một phần cực kỳ quan trọng. Yêu và được yêu không có người phụ nữ nào trên trái đất này không muốn điều đấy. Tại sao người phụ nữ Mông cứ cặm cụi sống mãi trong một cuộc sống của họ. Nó chật hẹp, tù túng, lam lũ vất vả, còn ông chồng cứ say khướt. Tôi mong muốn từ sâu thẳm là người phụ nữ Mông phải có cái khát khao được yêu thương.

Điều quá xa vời với những nguyên mẫu nhân vật trong các sáng tác của tôi.  Chính vì thế tình yêu mà tôi viết thường không đi đến đích. Tình yêu trong tiểu thuyết của tôi rất ít khi có một cái happy ending mà nhiều bạn đọc trên mạng comment là đọc truyện của tôi xong buồn không thể tả được. 

Như vậy ít nhất tôi đã chạm tới, đã lay động tới bạn đọc về đời sống của người phụ nữ Mông. Thậm chí những gì tôi viết chỉ khắc nghiệt một phần thôi so với thực tế.

Cái cảm giác khát khao yêu có lẽ đâu phải chỉ là vấn đề của phụ nữ Mông. Chị có nghĩ phụ nữ thành phố cũng có những ẩn ức đó?

- Có chứ, bạn đọc của tôi chủ yếu là bạn đọc đô thị chứ có mấy cô gái người dân tộc Mông trên Đồng Văn đọc được tác phẩm của tôi đâu, có may chăng phim thì các cô ấy xem. Thế nên bạn đọc của tôi là bạn đọc đô thị, mà họ vẫn thấy thích tác phẩm của tôi thì chứng tỏ họ phải tìm thấy cái mẫu số chung, những cái khát khao chung. Những khát khao của nhân vật của tôi cũng là khát khao của nhiều phụ nữ đô thị chứ không phải chỉ có người phụ nữ miền núi. Người phụ nữ miền núi của tôi chỉ là người chuyển tải cái khát vọng ấy thôi, chứ đó là khát vọng của phụ nữ trên toàn thế giới này.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: 21 cuốn sách và cuộc sống bình thản sau ly hôn - Ảnh 12.

Thế còn nhà văn thì sao, tác giả với tư cách là một người đàn bà ở ngoài đời?

- Tôi là người thất bại trong hôn nhân, tôi không giấu gì việc ấy cả.

Thực ra từ đầu câu chuyện tôi rất muốn hỏi chuyện này. Tôi nghĩ là cũng đã đủ thời gian để chị kể về những chuyện ấy, một cách bình thản nhất, tuy nhiên nếu chị không muốn chúng ta vẫn có thể dừng câu chuyện ở đây?

- Tôi ly hôn 5 năm nay rồi, mình tôi nuôi 2 đứa con. Cuộc đời 1 người phụ nữ có 3 việc quan trọng là làm con, làm vợ, và làm mẹ thì 3 việc ấy tôi đều làm hỏng. Thứ nhất làm con, thì tôi để bố mẹ mình phải buồn. Thứ hai là làm vợ thì không hiểu nổi chồng.Thứ ba là làm mẹ thì không giữ được gia đình đầy đủ có mẹ có cha cho các con.

Khi mình đổ vỡ, vất vả, khốn khổ, có những giai đoạn tôi cảm thấy mình gục ngã không vượt qua được ấy thì cảm thấy thương bố mẹ cực kỳ, mặc dù đã cố giấu mà bố mẹ vẫn biết. Thương bố mẹ vô cùng vì tôi nghĩ là tôi không có quyền làm cho bố mẹ buồn.

Chỗ này xin được ngắt lời Thuý, tôi nghĩ ly hôn đâu có xấu hay sai lầm tới mức như chị đang nói đâu?

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: 21 cuốn sách và cuộc sống bình thản sau ly hôn - Ảnh 13.

- Tôi không nghĩ là xấu, nhưng nó là điều không nên xảy ra. Chẳng ai muốn bắt đầu một cuộc hôn nhân mà biết rằng sẽ ly hôn. Nhưng khi xảy ra nó thì là điều bắt buộc phải xảy ra, người ta không thể cứu vãn được nó nữa thì người ta bắt buộc phải để cho nó tan vỡ. Nói gì thì nói nếu không có con cái thì không sao, chỉ có 2 người với nhau thì rất đơn giản, vui thì ở không vui thì thôi. Nhưng đã có 2 đứa con ngoài cái việc trách nhiệm, gánh nặng nuôi con thì việc ly hôn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý các con. Đó là cái điều con mình nó thiệt thòi nhất. Mà mình không có cách nào khác cả. Đến cái đoạn ấy thì mình buộc phải đưa ra một quyết định là phải ly hôn. Tất nhiên trước khi quyết định tôi đã nói chuyện với con, con gái lớn khi đó đã 13 tuổi, là mẹ phải chia tay với ba, lý do mẹ nghĩ là con đã hiểu, con chứng kiến hết. Vì chúng tôi đã mâu thuẫn mấy năm liền mới giải quyết được việc ấy. Thế thì đến bây giờ tôi cũng không nghĩ nó xấu và chả có gì xấu hổ việc ấy cả. Bố mẹ tôi cũng không phải xấu hổ.

Mãi tôi mới giải quyết được việc ly hôn bởi vì về mặt con cái, tôi không muốn bỏ đứa con nào cả. Bố mẹ có thể chia tay nhưng dứt khoát không được để chị em nó chia lìa. Mà mình không muốn rời con mình một ngày nào. Chính vì thế mà lằng nhằng suốt mấy năm trời tôi mới có thể ly hôn được khi đảm bảo rằng tôi sẽ được nuôi cả 2 con. Nhưng rõ ràng các con vẫn bị chấn động lớn về mặt tâm lý, nên mình thấy thương con lắm, rất thương con.

Rồi các con cũng phải thích nghi thôi. Chúng hiểu chuyện vì chúng chứng kiến toàn bộ, bé tí đã phải chứng kiến rồi, phải chấp nhận điều ấy thôi. Cái gì cũng có cái giá của nó. Khi mà mình đưa ra một lựa chọn này thì phải chấp nhận mất cái kia. Vấn đề là được nhiều hơn hay mất nhiều hơn thì người ta sẽ luôn luôn chọn cái được nhiều hơn. Cái được của mình là mình được làm chủ cuộc sống của mình và mình được lo cho các con toàn bộ cuộc sống từ A đến Z. Mình có đủ khả năng lao động để lo được cuộc sống cho các con. Còn việc các con bị tổn thương thì phải chấp nhận, coi đó như một sự mất mát không phải chỉ với các con mà với cả mình.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: 21 cuốn sách và cuộc sống bình thản sau ly hôn - Ảnh 14.

Tôi nghĩ là chị đã chia sẻ được, đã nói ra được hết như này, là chị đã hoàn toàn cân bằng trở lại rồi. Thật sự, nếu chị không nói ra, cũng ít ai hình dung được cuộc sống của chị đã từng trải qua những khúc quanh như thế?

- Nhìn lại cuộc hôn nhân mà mình đã kết thúc cách đây 5 năm thì thực sự là mình rất bình thản, bởi điều quan trọng nhất là mình rất hài lòng với cuộc sống sau hôn nhân. Tôi là người rất chắc chắn, sống có kỷ luật và luôn luôn có kế hoạch. Tôi luôn đặt ra kế hoạch, 5 năm, 10 năm, 20 năm cho mình và cho các con. Mọi việc đều phải có kế hoạch chứ không thể sống vu vơ mù mờ mà không biết gì về ngày mai cả. Ví dụ trước khi ly hôn thì phải chuẩn bị rồi, có sẵn phương án sau khi ly hôn thì 3 mẹ con sẽ sống như nào, chứ không phải là người điên quá lên thì quyết định bỏ chồng rồi đưa con ra đường. Không được. Tôi có 2 đứa con nên không thể bốc đồng.

Chị có nghĩ đến lúc nào đó, sẽ kể chuyện đời mình trong một cuốn tiểu thuyết?

- Những gì đã trải qua trong cuộc đời không thể nói trước là tôi có viết về nó hay không. Có thể tôi sẽ viết hoặc có thể tôi sẽ không bao giờ viết cả. Nếu như tôi cảm thấy có ích trong một tác phẩm thì có thể tôi sẽ lôi nó ra. Nhưng cũng có thể tôi sẽ không bao giờ dùng cả, nó chỉ là tài sản riêng của mình.

Nói về cuộc sống bây giờ, chị có thể nói gói gọn như nào?

- Các con tôi vui vẻ. 3 mẹ con tôn trọng nhau và yêu thương nhau. Cuộc sống độc lập nó khiến người ta rất là hạnh phúc. Hạnh phúc nhất ở trên đời này là được làm tất cả những gì mình muốn.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: 21 cuốn sách và cuộc sống bình thản sau ly hôn - Ảnh 15.

Chị có kế hoạch gì cho các sáng tác sắp tới không?

- Hôm tôi ra mắt 4 cuốn sách của mình mới đây thì tôi không nhớ rõ anh Nguyễn Quang Thiều hay anh Hữu Việt có nói đùa: Trong lúc Đỗ Bích Thuý viết 21 cuốn sách thì đàn ông chúng ta làm gì? Chính tôi cũng đã từng ở trong tâm thế ấy, luôn tự hỏi khi thấy người khác ra sách, trong lúc người ta làm việc thì mình làm gì. Mình luôn luôn nghĩ rằng mình có thể làm tốt hơn.

 Nhưng đến giai đoạn này thì lại khác, cái áp lực ra sách nó không còn nữa. Bây giờ mình chỉ viết những gì cực kỳ thích viết thật kỹ lưỡng, không bị áp lực bất cứ cái gì nữa. Mình sẽ ra sách vào lúc mình thích. Có thể 5 năm nữa mới ra mà cũng có thể sang năm lại ra một cuốn.

Khi tôi vào VNQĐ thì nhà văn Nguyễn Khải nghỉ rồi, sống ở TP. Hồ Chí Minh, tôi thỉnh thoảng có viết thư và gửi tặng chú sách. Hai chú cháu cứ viết đi viết lại, cho đến giờ tôi vẫn giữ tất cả những bức thư của chú, thì chú nói rằng là, cháu phải không được dừng viết mỗi ngày. Ngày nào cháu cũng phải viết, viết là việc hàng ngày như cơm ăn nước uống của một nhà văn. Bởi vì khi viết vài chục nghìn trang sách thì trong đấy sẽ có vài chục trang đọc được. Trong vài chục trang đọc được có vài trang được bạn đọc nhớ đến thế là cháu thành công.

Câu nói của nhà văn Nguyễn Khải làm thay đổi cuộc đời tôi, từ chỗ chỉ khi nào có hứng mới viết thì sau đó không đợi hứng nữa, vì nếu đợi hứng thì có khi một tháng không thấy hứng đâu cả. Phải viết ngay cả khi không có hứng, khi mình viết đến đâu thì cảm hứng về đến đấy.

Tôi đã đặt ra áp lực quá nặng nhọc là cứ mỗi năm một cuốn sách, năm nào không ra thì năm sau ra 2 cuốn. Nó rất mệt mỏi, mà cũng chưa chắc đã hiệu quả đâu. Bây giờ đọc lại có những cuốn nếu mà viết lại có lẽ mình sẽ thay đổi rất nhiều, cả về cấu trúc, về diễn biến nội dung câu chuyện. Nhưng bởi vì tôi viết vào thời điểm ấy mà cứ bị áp lực là phải ra mỗi năm một cuốn sách nên trong năm đó phải viết xong nó. Bây giờ đọc lại thấy không hài lòng. Thế nhưng mà thôi dù sao nó cũng là thứ mình đã đi qua rồi, phải đi qua thì mới có bài học được.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: 21 cuốn sách và cuộc sống bình thản sau ly hôn - Ảnh 16.

Khi viết chị cần cảm xúc hay lý trí?

- Viết tiểu thuyết thực sự là rất cần lí trí nếu không thì câu chuyện sẽ bị cảm tính, lý trí nó giúp cho câu chuyện logic, tại sao trong tình huống ấy thì nhân vật nó phải hành động như thế này, tại anh ta lại nghĩ như này, làm như này.

Còn nó phải có cảm xúc chứ. Cảm xúc ở chỗ mình yêu câu chuyện của mình và bị câu chuyện ấy cuốn đi. Cái kỳ lạ nhất mà người đọc không bao giờ hình dung được là đôi khi tác giả bị nhân vật cuốn đi. Tôi đã từng có một lần viết mà nhân vật của mình quyết định nhảy xuống vực lúc 2h sáng. Viết xong tôi phải đi từ tầng 3 xuống phòng khách, bật tivi cho nó nói oang oang lên, nước mắt tôi chảy ròng ròng, cảm thấy như tôi vừa giết người xong. Nhân vật của tôi lựa chọn nhảy xuống vực như là lựa chọn cuối cùng của cô gái ấy, cô cảm thấy không thể sống tiếp được nữa, lựa chọn cuối cùng và duy nhất của cô là nhảy xuống vực.

Ý đồ ban đầu của tôi không phải như vậy, khi tôi viết đến đoạn ấy thì cảm xúc hoàn toàn thăng hoa, nhân vật tự đi theo hướng của nó, nó tự nhảy xuống vực, chứ không phải chủ ý của nhà văn. Đó có thể nói là lần thăng hoa tột bậc, cảm xúc hưng phấn nhất của tôi tới mức không còn kiểm soát được nhân vật.

 Mỗi lần viết xong một cuốn sách tôi thường hưng phấn tới mức không ăn không ngủ được, người trống rỗng hoàn toàn. Có hôm viết xong tôi đi lang thang cả ngày trời mà không biết mình muốn cái gì là bởi vì tôi vừa kết thúc một cuốn tiểu thuyết vào lúc 3h sáng. Cái hưng phấn ấy không biết có lợi hay có hại đối với sức khoẻ của một nhà văn, nhưng nếu tôi không viết văn thì không biết đến bao giờ mới có cái hưng phấn ấy.

Nếu khi mình viết xong mà mình không có cảm giác vừa giết người xong thì bạn đọc cũng sẽ không thấy đó là cái chết đau đớn.

Cảm xúc của mình đối với một nhân vật hay đối với một câu chuyện nó là 10 phần thì nó đến được với độc giả 6 phần đã là rất thành công rồi. Còn thường nó chỉ đến được với độc giả 4, 5 phần. Tức là tôi khóc 10 giọt nước mắt thì độc giả chỉ mất 5 giọt thôi. Lao động của nhà văn thực tế như vậy.

Cảm ơn Đỗ Bích Thuý!

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: 21 cuốn sách và cuộc sống bình thản sau ly hôn - Ảnh 17.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem