Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chủ đề nông thôn vốn không phải là sở trường của anh, trước đó anh hầu như viết về đề tài thị dân và người ta nhắc đến nhà văn Trần Chiến là một người viết cực kỳ tinh tế về trí thức đô thị, viết về Hà Nội của những tháng năm xưa, một người am hiểu phố cổ và đời sống thị dân. Vậy thì đối với anh đề tài nông thôn được quan niệm như nào? có ý nghĩa như nào?
- Viết về nông thôn đối với tôi là sở đoản. Mặc dù trước đây cũng có xuất hiện trong một vài truyện ngắn hình ảnh những người ở quê về Hà Nội sống, hoặc thân phận của người dân tái định cư vì nhường đất cho thuỷ điện. Tái định cư nên bỏ mất những con sông, mặt nước, những bản làng đẹp, đẹp lắm, để về chỗ không có nước, phải dùng nước giếng khoan. Tôi thậm chí còn có trong một tiểu thuyết hẳn hoi nhân vật là một người đi khai hoang. Nhưng đó cũng không phải là người nông dân thuần tuý mà là người từng làm ruộng làm rẫy rồi đi khai hoang rồi sau này là nhân viên chiếu bóng.
Chứ đúng là nếu tôi "đứng vào vai" một nhân vật chính là nông dân để kể một câu chuyện thì tôi không đủ sức. Tôi không định viết, cũng không có ý gì để viết về nông thôn. Mà vẫn khư khư ý nghĩ mình là người viết về thành thị, nhất là về Hà Nội, mà là một Hà Nội trung lưu trở lên và cũng có một chút cổ xưa thì mới là sở trường của mình.
Nhưng mà suy cho cùng, tôi sống ở HN, nghĩ kiểu thị dân nhưng lại thấy căn cốt Việt ở nông thôn.
Vậy nên tôi hơi tò mò là vì sao anh biết đến và tham gia cuộc thi Truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập"?
- Rất bất ngờ vì có một hôm anh Phạm Xuân Nguyên gọi điện rủ tôi đi dự Lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" của báo Dân Việt/ NTNN tổ chức. Về nhà tôi cũng suy nghĩ về cuộc thi, tôi đem những phận người ở quê đi ra Hà Nội làm ở xung quanh nhà mình – đấy là những người đi lau nhà, cửu vạn, đánh giày, thậm chí có người làm công ty, ăn mặc đồng phục văn phòng. Tôi nói một phần đến cảnh ngộ thôi, chủ yếu tôi viết về tâm lý tự ti với những người xung quanh của họ, trong đó tự ti nhất là về văn hoá và nỗi nhớ quê. Tôi đã viết trong 3 truyện ngắn và cũng có thể cho là để hưởng ứng cuộc thi được.
Nhưng gần đến hết hạn cuộc thi thì tôi mới bắt đầu thấy có những thứ "trồi ra" ở trong lòng. Tại sao mình không viết những gì đang chất chứa ở trong lòng mình, về một làng quê đang biến đổi. Tôi rất đồng cảm với ý kiến của chị Dạ Ngân là nông thôn bây giờ đang trống toang rồi. Không có thanh niên ở nhà, toàn ông già bà cả, chỉ sợ chết mà không có người khoẻ mạnh khiêng đòn, đồng lúa không ai làm nữa. Đấy là những cái mặt ngoài thôi. Thật ra hiểu về nông thôn bây giờ tôi cũng không cặn kẽ lắm, nếu bắt mình nói bằng giọng của người già ở quê, thì tôi rất "ngọng". Nói giọng của lớp mới làm cán bộ ở xã hoặc thanh niên nông thôn thông thạo máy móc tin học thì mình cũng chịu.
Vì thế mà ở truyện ngắn đoạt giải Nhất của anh, tôi vẫn nhìn thấy góc nhìn của người ở phố về quê?
- Đúng là khi tôi viết chuyện "Con chú con bác" thì tôi dùng cách tiếp cận qua mắt của người phố. Tôi vẫn dùng ngôi thứ 3 kể thôi nhưng cái nhìn và ngôn ngữ hoàn toàn của người phố. Cái đó làm tôi tự tin, chứ dùng giọng kể của người quê thì "lúng túng" lắm. Tôi dùng cách tiếp cận nông thôn qua cách nhìn của người phố để kể chuyện này thì cũng tránh được những cái yếu của mình.
Bằng cách đó tôi thấy cuối cùng mình vượt qua được để viết về một nông thôn hôm nay mất mát di sản rất lớn, di sản làng, di sản gia đình.
Mà bây giờ có tuổi rồi tôi nghĩ khác, chứ hồi trẻ thì mình thấy những cái này thuần tuý là những thứ trở ngại cho phát triển. Làng xóm họ tộc và gia đình dù sao có tính cộng đồng nhiều, cái tính giải phóng cá nhân ít, nếu mà thế sự phát triển xã hội sẽ chậm. Nhưng bây giờ tôi bắt đầu thấy tiếc. Cũng giống như có những động thái thay đổi ở thành thị về văn hoá mà ngày trước mình rất thích ví dụ thế giới phẳng chẳng hạn thì bây giờ không hấp dẫn mình như xưa, vì mình đã nhận ra thế giới phẳng cũng bộc lộ những mặt này mặt khác. Thế thì những cái cũ kỹ, những cái nhiêu khê chậm dề dà ở nông thôn mà hồi xưa mình thấy nó cản trở phát triển thì cũng đã bắt đầu thấy tiếc nó hơn.
Như vậy là tôi đã xác định được chủ đề và ngôn ngữ, cũng như xác định đề tài này không thể nói ngắn. Cuộc thi cho một "đoạn chữ" thì tôi dùng gần hết. Gói ghém lại trong một truyện ngắn như thế tôi cho là cũng đủ.
Trước đây ở Việt Nam, đề tài nông thôn cũng đã có nhiều nhà văn viết thành công. Trong số các nhà văn hiện nay, anh đánh giá ai viết về nông thôn "mả" hơn cả?
- Nói chung văn hoá nông thôn đang tự ti trước văn hoá thị thành. Văn hoá thị thành Việt Nam lại đang cực kỳ tự ti trước văn hoá thế giới. Mà trong khi đó có nhiều thứ mình đang có rất hay.
Có những người đang ở nông thôn viết về nông thôn sinh động, nhưng tầm khái quát lại non, lại không nâng lên được. Còn những ông ở thành phố viết chặt chẽ nhưng chi tiết yếu.
Bây giờ tôi không nhớ có tác phẩm nào về đề tài nông thôn gây ấn tượng. Nhưng có một quyển lâu lắm rồi, vị trí của nó chưa được đánh giá đúng lắm là Thời xa vắng của Lê Lựu. Tiểu thuyết này "được" nhiều thứ lắm. Tôi vẫn nhớ anh Lê Lựu tả mặt đầm quê ở làng có đám mày ngô trôi trên mặt đầm. Phải quan sát ghê lắm, phải đi từ nông thôn ra mới có được chi tiết ấy.
Trở lại với câu chuyện nhà quê và thành thị, những quan sát và trải nghiệm của ông về nông thôn được thể hiện thế nào trong truyện ngắn giải Nhất "Con chú con bác"?
- Ở đó có hình ảnh ông trưởng họ điển hình, vừa gia trưởng, vừa cách mạng, vừa làm cán bộ, ông ấy đùm bọc con cháu trong nhà hết tất cả, có gì ông đỡ hộ cho nhưng ông ấy cũng quyết hết mọi thứ. Mình về chỗ đấy mình được bao bọc trong một không khí yêu thương chăm lo, nhưng nó làm cho mình không cảm thấy tự do.
Những người thành danh rồi thì hay về đô thị lớn sống. Ít nhất về mặt văn hoá, sống ở đô thị rất có lợi, nhiều mối quan hệ và dễ tiếp cận với cả thế giới bên ngoài chứ không phải chỉ với đô thị. Họ quay về với tâm lý cho có gốc, cho phải phép, cho trách nhiệm, đóng tiền với họ tộc, xây nhà thờ họ, xong đấy thì đi để mặc mọi thứ cho ông trưởng họ lo. Tình thân dần dần ít đi, tất nhiên cũng có người này người khác, nhiều người rất thắm thiết, nhưng tôi thấy tâm lý nhiều người là nhạt dần quê đi, thậm chí là về quê nói tiếng quê nhưng ra Hà Nội nói tiếng Hà Nội ngay. Điều này cũng bình thường thôi, yêu quê thì vẫn yêu nhưng có lẽ tình thương và trách nhiệm với quê nhiều hơn.
Như vậy là về văn hoá anh bị đánh đổi dần. Khi chiến tranh qua đi quay về cuộc sống ổn định thì đô thị bao giờ cũng là đích quyến rũ người ta hơn. Có thể về quê chỉ như một món nhúng thôi.
Anh thực ra đã bao giờ sống ở nông thôn chưa?
- Tôi đẻ ra ở chỗ gọi là đồng rừng, 3 tuổi rưỡi về Hà Nội đã chạy vững rồi nhưng trông thấy cầu thang vẫn còn bò lên mà không dám trèo. Sau đó ở Hà Nội đến năm 17 tuổi đi bộ đội thì cũng biết đến nông thôn. Tôi còn có những kỷ niệm như là độ 5h sáng đi ra khỏi nhà dân thì bà cụ chủ nhà đưa cho mỗi người 1 miếng trầu. Ăn vào đi một lúc thì nóng sực cả người lên. Những kỷ niệm ở nhà quê một dạo tôi cũng nhiều đấy nhưng đến 30 tuổi thì hết, 30 tuổi thành anh giai phố.
Tôi biết anh rất ngại khi được nhắc đến với danh xưng là con trai nhà sử học Trần Huy Liệu. Nãy anh nói đề tài nông thôn là sở đoản nhưng tôi nhớ là trong cuốn tiểu thuyết "Cõi người" viết về nhà sử học Trần Huy Liệu, những đoạn miêu tả về nông thôn đồng bằng Bắc Bộ cũng "ra gì" đấy chứ?
- Là do tôi vẫn có thói quen quan sát. Thứ nhất là tôi làm báo thì cũng hay đi, thứ 2 là tôi cũng hay tọc mạch hỏi chuyện. Có lẽ vẫn "ngọ nguâỵ" ở đâu đấy một làng quê ở trong mình.
Làng quê ấy có cụ thể là quê gốc Nam Định của anh không?
- Nếu nói về gốc gác thì tôi là người Nam Định, mà là Nam Định rất đặc biệt đấy. Ai hỏi quê ở đâu, thì vỗ ngực bảo quê Phủ Giày người làng bà Chúa Liễu đây. Nhưng nếu người ta hỏi vài câu cặn kẽ nữa thì không biết ai, không biết gì, chỉ biết đấy là một trung tâm tín ngưỡng có lẽ lớn nhất Bắc Bộ. Ban đêm chầu văn réo rắt, lên đồng cả đêm và đốt mã hàng trăm triệu một đêm.
Chả lẽ vùng đất Phủ Giày rất giàu bản sắc văn hoá, lại không còn có phần nào trong con người anh, không có ảnh hưởng gì cho dù anh không sinh ra cũng không lớn lên ở đấy?
- Tôi không tưởng tượng ra nó có cái gì trong con người tôi. Nói một cách tự hào chân thực bảo tôi người làng bà Chúa Liễu đây thì cũng hơi hài hước. Nhưng có thể bản sắc văn hoá vùng đất ấy vẫn nằm trong cái gì rất mơ hồ, rất vô hình ở trong con người tôi.
Có thể anh chỉ cảm thấy có chút gì Phủ Giày ở trong con người anh, nhưng người ngoài như tôi chẳng hạn thì nhìn thấy rất rõ ở con người anh dù có sự thị dân rất đậm vẫn đồng thời mang tính cách của một ông đồ gàn miền quê Bắc Bộ?
- Có lẽ! Tôi thấy mình gàn ở chỗ, mình không muốn giống người khác, không cố gắng để làm người khác, để sành điệu hoặc để hiện đại. Nhịp ông đồ từ xưa đến nay nổi tiếng thích chữ nhàn, thì tôi cũng bắt đầu ưa cái nhịp ấy, bây giờ ai gọi đi chơi thì đi ngay, chứ bảo trưa nay đi nhậu, tôi cũng không thích lắm, mà phải xem đội hình như nào, ngồi với ai thì mới nhận lời.
Tôi có một số mặt co lại, có những mặt khác mở ra. Ví dụ nếu thích chỉ thích đi chơi xa, vẫn nhảy xe khách được. Rồi đến vùng đất nào đó có thể ngã vào một quán trọ, phiêu lưu kiểu ấy vẫn thích.
Anh vừa nói đẻ ra ở đồng rừng là ở chỗ Đại Từ (Thái Nguyên)?
- Không, tôi đẻ ra ở Vĩnh Phúc. Đại Từ là bên bà cả, bên này Vĩnh Phúc là bà hai. Ông bố tôi "lội qua lội lại" giữa "2 bên"… (cười)
Có vẻ như đến lượt mình anh rút kinh nghiệm không "lội qua lội lại" nên anh có một đời tư chả "điều tiếng" gì nhỉ?
- Chứng kiến cảnh "này nọ" của cha, có người bảo ông mạnh mẽ, giàu tình cảm, chứ tôi thấy "đèo bòng" mệt vô cùng.
Cuốn Cõi người được anh viết bằng cái giọng nhẹ tênh, không kể lể, không ca tụng, không giấu cả những việc "này nọ", anh đã để cho tư liệu tự nói cái ưu tư của nhà sử học Trần Huy Liệu. Điều gì đã khiến có một Cõi người khác đời như thế?
- Đầu tiên, tôi là con bà hai, gần như không sống với cha, về phần tình cảm khác hẳn các anh chị cùng cha. Hồi nhỏ có lần cha tôi cho đi tỉnh xa, đêm mót tiểu đến chết không dám gọi ông, nếu là mẹ thì đã khác. Ít ở cùng, nên những câu ông nói dễ nằm lòng hơn.
Sau này tôi tiếp cận với cha trên lai cảo, thư từ, nhật ký... ông để lại, nghĩa là qua văn bản là chính. Nhận thức về ông khác dần dần. Đến lúc viết Cõi người, tôi muốn nó thật khách quan, coi cha như đối tượng ngắm nghía, mô tả, trình bầy, còn mình là tác giả, hạn chế phần con khen cha đi.
Nhà sử học Trần Huy Liệu mất khi anh mới 18 tuổi. Suốt những năm qua, khi tiếp cận với nguồn tư liệu, rồi viết thành cuốn "Cõi người", điều gì khiến anh bất ngờ nhất trong cuộc đời nhà sử học mà khi cụ còn sống anh chưa thấy được?
- Tôi không ở cùng bố tôi lúc bé, lớn lên thì đi bộ đội. Sau này đọc lại tư liệu mới biết lúc bố tôi mất ông đang gặp rất nhiều vấn đề. Ví dụ như đề cương cuốn Thông sử không được thông qua, nhiều người bạn thân không gặp được, quan hệ gia đình cũng căng thẳng…
Càng tiếp cận tư liệu tôi càng không ngờ bố tôi lại vất vả thế. Ông luôn luôn "ngọ nguậy" trong suy nghĩ, muốn "kê lại" cả những việc tưởng đã xong rồi.
Tiếp cận với nguồn tư liệu anh có cho là có cái khó của những "sử quan" trong các hoàn cảnh lịch sử cụ thể? Đòi hỏi những trang sử toàn diện, khách quan có phải luôn là khát khao của hậu thế, thời nào cũng vậy?
- Lịch sử không thể đơn giản chỉ có trắng và đen, phải nhìn mọi thứ toàn diện hơn. Người ta vẫn kể ngày xưa có sử quan thà chịu chém chứ không cho vua xem những điều mình ghi chép. Tôi nghĩ câu chuyện ấy giống như lời răn thì đúng hơn chứ trong thực tế cũng không hẳn thế. Quốc sử quán lập ra là để ghi công các vị tiên liệt. Vậy thì sử quan cũng bị chi phối bởi việc mình ăn cơm ai, ăn lộc ai, mặc áo ai. Chưa kể khi cần xử lý các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia thì cũng phải có sự khéo léo.
Sử quan ăn lộc khó khách quan, nhất là đương đại. Ông Liệu làm cách mạng thành nhân vật lịch sử, là người viết dự thảo Quân lệnh tổng khởi nghĩa số 1… Nhưng lại là người có cá tính không hợp với khuôn khổ của tổ chức, nên có lúc không được trọng dụng nữa, trở thành người viết sử. Ông là người xin thành lập ra cơ quan nghiên cứu Sử - Địa – Văn (sau là Viện Văn – Sử - Địa). Nhưng ngay cả trong tư cách người viết sử, ông cũng có những chủ ý riêng trong cách đánh giá. Như thời ấy ông đã từng cho rằng nhà Tây Sơn chưa hoàn thành việc thống nhất đất nước. Là một nhân vật lịch sử với một sử quan thì một bên là con người hành động một bên là đánh giá. Trần Huy Liệu viết sử đã dùng chủ quan của mình đôi khi một cách khá lãng mạn.
Nếu nói nhận xét của mình về sử gia Trần Huy Liệu trên góc độ là người được tiếp cận với rất nhiều di cảo, anh nói điều gì?
- Trần Huy Liệu là người tự học. Khi làm Viện trưởng Viện Sử, những chuyên đề do cán bộ nghiên cứu trẻ trình bầy, ông mang sổ nghe, ghi chép. Cái mạnh của ông là đời sống, cụ thể là tham gia cách mạng, ở tù, làm báo, trực tiếp gặp Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu hay nhiều nhân vật lịch sử khác, lúc nào cũng nhặt nhạnh gom góp, cất vào cái đầu có trí nhớ tốt. Nhờ đó mà ra đời những "Lịch sử cách mạng cận đại VN", "Lịch sử tám mươi năm chống Pháp"... Có ông sử gia Liên Xô hỏi tư liệu đâu mà viết, ông chỉ vào đầu.
Có thể quan điểm, lí luận Trần Huy Liệu ít tính hệ thống, do tự học là chính. Nhưng đời sống, sự từng trải trực tiếp có điểm mạnh của nó. Bài "Xét lại hồ sơ giai cấp địa chủ" (sau cải cách ruộng đất) in tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (năm 1961) bị một lãnh đạo cấp cao lúc đó phê bình "mơ hồ giai cấp", tôi nghĩ ông không hồn nhiên thì không có được.
Mà không nói chuyện "ông Liệu" nữa nhé!
Vâng, bây giờ trở lại với đề tài nông thôn, theo quan sát của anh thì vấn đề lớn nhất của nông thôn hiện nay là gì? Những đoàn người rất dài vội vã trở về quê trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi đang bộc lộ điều gì?
- Nông thôn đang biến đổi, nhất là về vật chất. Nhưng tâm hồn con người thật ngổn ngang, nhiều thứ quý báu đang trôi tuột. Tôi có nhiều mâu thuẫn khi nghĩ nó "nên" thế nào. Mà mình nghĩ thế nào thì cuộc sống nó vẫn mặc kệ thôi.
Chuyện trở về nông thôn mùa dịch vừa rồi có một sắc thái rất buồn. Nghèo không còn trụ được thì mới quay về, bởi vì về thì không chết đói, về thì được an toàn. Sống ở nông thôn thì dưới ao có con cá, nuôi con gà, chăm vườn rau... Tất cả những thứ đó làm cho người ta tồn tại, hết dịch thì người ta lại đi thôi. Cứ nghiệm mà xem, khi chiến tranh thì nông thôn có giá trị hơn thành thị. Khi dịch bệnh cũng thế thôi. Nông thôn tồn tại với nghĩa là gốc gác thì ít, mà là chỗ để khi khó thì về. Giống con cái khi khó khăn thì về vì bao giờ lòng bố mẹ cũng rộng mở. Như hồi đầu dịch Covid-19 chúng ta có những chuyến bay chở người Việt Nam ở nước ngoài về.
Nước Việt cũng có những sắc thái giống nông thôn đang bị bỏ quên, và những cái đã mất không lấy lại được nữa.
Về mặt chính sách của nhà nước thì các chương trình dành cho nông thôn nhiều chứ không phải ít. Cụ thể bộ mặt nông thôn cũng khác nhiều. Đường mới, nhà xây, nhưng có một cái là sinh hoạt tinh thần không níu người ta lại ở nông thôn. Tôi có một lần đi với một ông bạn nhiếp ảnh, ông ấy giương máy lên càu nhàu chỗ nào cũng có dây điện. Tôi bảo thế ông có đi vệ sinh ở cái chuồng người ta rắc tro như ngày xưa được không.
Vâng, đúng là cần có một cái nhìn khác về nông thôn thời hội nhập, chứ không phải là sự tiếc nuối quá khứ. Đáng tiếc là chúng ta chưa tìm ra được ngôn ngữ cho nông thôn hiện đại. Nông thôn phải hiện đại lên nhưng có ngôn ngữ và bản sắc riêng thì chưa tìm ra được điều ấy. Kiến trúc thì bị bê nguyên xi kiến trúc thành thị về. Chứ bây giờ mà cứ bảo nông thôn phải giống như ngày xưa thì không đúng…
- Đúng, nóc nhà của Ý, cột của Pháp, chỗ này kiến trúc thuộc địa, chỗ kia Đông Dương. Còn về mặt lời ăn tiếng nói thì chỗ nào cũng có mấy từ tiếng Anh. Một thứ văn hoá ngổn ngang, những thứ chắp lại không hợp với nhau. Người nông thôn thì cố gắng cho giống người thành thị, người thành thị lại cố gắng giống người Anh, người Mỹ. Có lẽ là do tâm lý tự ti về cộng đồng.
Anh có bất ngờ khi được giải Nhất cuộc thi viết Truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do báo Dân Việt/NTNN tổ chức không?
- Bất ngờ rất nhiều. Bởi vì là nhà văn được coi là viết về thành thị là chính thì lại được giải về nông thôn. Vậy là trong người tôi chất nông thôn vẫn còn lại. Có lẽ do tôi chăm chú đọc những thứ về làng quê cổ xưa. Hơn nữa, ông ngoại tôi (học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc – nv) soạn nhiều sách về văn hoá Việt Nam như các cuốn Đào nương ca, Tục ngữ phong dao... Nó đã vào trong người tôi, không biết còn lại được bao nhiêu sau những lần nó ra bằng chữ.
Được giải là mừng. Mà giải thưởng to quá đối với cuộc thi truyện ngắn của một tờ báo không phải tờ báo văn chương.
Không phải vì anh được giải Nhất mà hỏi anh câu này, nhưng nói một cách khách quan, giải thưởng văn chương của một tờ báo về đề tài nông thôn theo anh có ý nghĩa như nào?
- Tôi nghĩ câu hỏi này không sáo rỗng vì tôi cho rằng những cuộc thi như này rất cần. Nó đánh động được nhiều điều về nông thôn. Những gì người viết đem ra kể lại thì tạo nên một tâm thức, ít nhất là những thông tin về làng quê. Có thể một giải thưởng truyện ngắn không đem lại hiệu quả hiển nhiên, trực tiếp. Nhưng nó có tác động đem lại hiệu ứng tích cực cho nông thôn. Rất nhiều truyện ngắn được kể khiến người đọc thành phố nhìn nông thôn cũng đỡ khinh bạc đi. Đấy là cái tích cực của cuộc thi. Có thể ngay bây giờ nó không thể tạo ra một hiệu ứng ghê gớm, một việc làm có ý thức chưa chắc đã đem lại hiệu quả ngay đâu, nhưng tôi đánh giá là hành động tích cực của báo Dân Việt/NTNN.
Hỏi điều này hơi giống kịch bản các cuộc trao giải là anh dùng tiền giải thưởng làm gì?
- Góp cho nhà thờ họ.
Xin chúc mừng và cảm ơn nhà văn Trần Chiến!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.