Khi 17 tuổi, Hoàng Ngọc Xuân Mai với tư cách là thành viên của Tổ chức phi chính phủ Climate Tracker tham gia COP24 – Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tổ chức tại Ba Lan. Đây cũng là cánh cổng mở ra cho cô gái trẻ cơ hội tiếp xúc với nhiều nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới.

Sau COP24, Mai phát động chiến dịch Youth Write for Climate (Tuổi trẻ viết về Môi trường) để giới trẻ năm châu cùng chia sẻ quan điểm, câu chuyện về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến cuộc sống bản thân và cộng đồng xung quanh. Ngay khi phát động, chiến dịch đã nhận được nhiều bài viết từ các bạn trẻ tại 10 quốc gia và 4 châu lục.

Mai cũng là một trong số những người khởi tạo mạng lưới thanh niên hành động vì BĐKH, cùng nhau cất lên tiếng nói và hành động, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách liên quan đến môi trường và BĐKH.

Một nữ sinh đứng trên các diễn đàn quốc tế tự tin, bản lĩnh, nói được làm được, thông minh và sắc sảo, tuy nhiên cách đối thoại lại nhỏ nhẹ, ý tứ, chừng mực.

Nữ sinh Harvard Hoàng Ngọc Xuân Mai: “Người trẻ Việt sẽ còn làm được nhiều hơn nữa” - Ảnh 1.

Mai trẻ, nhưng dường như em không chỉ nghĩ những điều mà người trẻ đang nghĩ như quần áo, âm nhạc, người yêu… những điều em nghĩ và em làm là điều mà nhiều người lớn tuổi cũng không dám làm hoặc không nghĩ đến?

- Khi bạn bè đi chơi, đi shopping em vẫn tham gia đấy chứ (cười), nhưng còn tự mình dành thời gian vào những cái đó thì thực sự em không quan tâm lắm.

Nữ sinh Harvard Hoàng Ngọc Xuân Mai: “Người trẻ Việt sẽ còn làm được nhiều hơn nữa” - Ảnh 2.

Thời còn là học sinh cấp 3 em có tham gia CLB báo chí của trường. Sau khi có cơ duyên viết về môi trường, BĐKH, em cảm thấy có hứng thú và quan tâm đến chủ đề đó nên cũng bắt đầu viết một số bài cộng tác cho báo ở Việt Nam. Em có kết nối với Climate Tracker bởi họ có một số khoá học online mà em quan tâm.

BĐKH là một chủ đề mà em nghĩ rằng nó ảnh hưởng rất lớn đối với tất cả mọi người, đặc biệt là Việt Nam, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ BĐKH và nhất là đối với thế hệ của em. Những tác động của nó bây giờ chúng ta đã thấy được, 10-20 năm nữa chúng ta sẽ thấy rõ rệt hơn nữa. Đó là một số những lý do mà khi bắt đầu tìm hiểu về chủ đề này em đã quyết định gắn bó luôn.

Tiết lộ một chút, bây giờ thu nhập của Mai có tốt không?

- Em có hỗ trợ từ học bổng nên không có áp lực nhiều về tài chính, chủ yếu em kiếm tiền vé máy bay và tiền sinh hoạt. Trong thời gian về nước từ tháng 7/2020 em dạy thêm cho mấy bé có ý định đi du học nên có tiết kiệm được một khoan kha khá, em đang tính mở tài khoản tiết kiệm.

Bạn bè của em ở bên Mỹ cũng đã biết kiếm tiền nhưng em biết có những người bạn ở Việt Nam kiếm được nhiều hơn, nhất là những bạn có quan tâm đến chứng khoán. Em có một bạn chơi "đỉnh" lắm luôn. Một bạn khác thì lập ra một công ty quy mô nhỏ có quản lý vài nhân sự dạy kèm, thu nhập rất khá.

Thực sự em thấy mấy bạn đi nước ngoài về Việt Nam hoặc làm gì đó liên quan đến Việt Nam kiếm tiền tốt hơn mấy bạn người Mỹ. Bạn bè em ở Mỹ có đi làm công việc như pha chế cà phê, nhân viên thư viện… thì thường cũng chỉ nhận mức lương tối thiểu, tuỳ tiểu bang. Còn tại Việt Nam, em cảm thấy cơ hội cơ hội rộng mở hơn. Nói riêng về tiếng Anh, một số bạn dạy kèm hoặc mở hẳn 1 trung tâm kiếm tiền khá tốt.

Nữ sinh Harvard Hoàng Ngọc Xuân Mai: “Người trẻ Việt sẽ còn làm được nhiều hơn nữa” - Ảnh 3.

Nhìn lại quá trình sang Mỹ du học, gửi lời cho những bạn bây giờ đang học Tiếng Anh để du học hoặc phát triển hơn, Mai thấy IELTS có quyết định tất cả?

- Em nghĩ là không. Khả năng ngôn ngữ quyết định khá lớn nhưng nó không hẳn quyết định việc bạn có đi du học được hay không. Quan trọng là đi du học rồi bạn có theo được chương trình học và hoà nhập được với cộng đồng được hay không.

Du học cũng có nhiều cách đi, có những gia đình có điều kiện định hướng du học cho con, IELTS tiếng Anh không có cao nhưng họ có những cách khác.

Em nghĩ nếu như đã quyết định đi du học, các bạn nên suy nghĩ định hướng tại sao mình đi du học và đi để làm gì, mình đã sẵn sàng chưa chứ không phải chỉ chăm chăm một mục đích "tôi phải đi du học".

Mai đi du học lúc 14 tuổi, nếu bắt một đứa trẻ mới mười hoặc mười mấy tuổi nghĩ ra đáp án cho câu hỏi đi học để làm gì tôi nghĩ là rất khó, theo em một người trẻ Việt Nam có giấc mơ bay cao hơn hoặc để có thể hội nhập, nên đi du học không?

- Em nghĩ là nên, nhưng khoảng thời gian đi du học bao lâu, đi nước nào, đi vào lúc nào là những yếu tố mọi người nên cân nhắc cho phù hợp nhất với bản thân mình. Ví dụ, đối với một bạn muốn đi làm marketing hoặc truyền thông mà định hướng sau này làm ở Việt Nam thì nên học ở Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, có thể tham gia các khoá học ngắn hạn, tập huấn nâng cao nghiệp vụ ở nhiều nước khác nhau để học thì sẽ hợp lý hơn là chọn đi học đại học ở nước ngoài.

Về cốt lõi, nếu như có cơ hội đi ra nước ngoài thì sẽ giúp mình học hỏi được rất nhiều thứ. Mỗi nền văn hoá, mỗi đất nước sẽ cho mình một cách nhìn khác nhau. Với những bạn muốn làm việc lâu dài tại Việt Nam, cần am hiểu thị trường và văn hoá Việt Nam thì có lẽ chuyện đi du học vài năm thì không hoàn toàn phù hợp, thậm chí là không cần thiết, tiêu tốn thời gian và khiến đường về trở nên chông chênh hơn.

Nữ sinh Harvard Hoàng Ngọc Xuân Mai: “Người trẻ Việt sẽ còn làm được nhiều hơn nữa” - Ảnh 4.

Người trẻ thì nhiều cái muốn lắm, khi 18 tuổi tôi cũng có nhiều mơ ước nhưng rất hoang mang về nhiều thứ. Thế còn Mai, ra một môi trường hoàn toàn khác, không có người thân ở bên cạnh, thậm chí một cái tên, một con đường cũng không biết, năm đầu tiên ở Mỹ em thấy thế nào?

- Đúng là năm đầu em có khá nhiều e dè, hoang mang. Có khi trong lớp có một đứa kể chuyện cười, cả đám cười mà em không hiểu tại sao nó mắc cười. Những cái đơn giản như vậy nhưng cũng có thể làm mình cảm thấy lạc lõng.

Nữ sinh Harvard Hoàng Ngọc Xuân Mai: “Người trẻ Việt sẽ còn làm được nhiều hơn nữa” - Ảnh 5.

Mỹ là nước đa dạng văn hoá, ở mỗi bang hay mỗi cộng đồng trong một bang định kiến của mọi người sẽ khác nhau… Đối với trải nghiệm riêng của em, em học ở trường nội trú phía Đông Bắc Mỹ, đó là một vùng mà mọi người khá cởi mở về mặt văn hoá và cũng hiểu biết nhiều về thế giới bên ngoài nên mọi người cũng hạn chế về định kiến hơn so với nhiều nơi khác ở Mỹ.

Trường em học là trường tư, em có học bổng hỗ trợ tài chính, còn những bạn không có thì mức học phí "trên trời", hơn 50 nghìn đô/năm (khoảng 1,5 tỷ đồng). Nói vui, tiêu chí của trường giống như kiểu "những đứa mà tụi tao thu được tiền thì tao sẽ thu thật nhiều để dành tiền đó hỗ trợ cho những đứa mà tao nghĩ là xứng đáng".

Có những sinh hoạt của các bạn ấy mà mình sẽ không được tham gia vào và cảm thấy có những câu chuyện mà mình không thể hoà nhập được. Ví dụ mọi người sẽ nói: Hè này tao bay đi Hà Lan trượt tuyết, tao có du thuyền riêng… đại loại giống như vậy. Nó giống như một ngôn ngữ, một thế giới khác. Không phải là mọi người lạnh nhạt hay căm ghét gì mình, chỉ có điều mình cảm thấy không hợp nên hơi lẻ loi, nhất là lúc đầu.

Đa số trường học ở Mỹ thường hỗ trợ tài chính cho học sinh Mỹ chứ không phải học sinh quốc tế. Có 50% học sinh đóng full học phí và 50% được hỗ trợ tài chính. Trong đó, cộng đồng học sinh quốc tế như em có đến hơn 90% đóng full, dưới 10% là được hỗ trợ, còn lại phần nhiều họ là "danh gia vọng tộc" đến từ các nước.

Hồi đầu em cảm thấy như mình đứng ở giữa 2 nhóm khác nhau và rất khó để tìm được nhóm bạn chơi chung vì số lượng học sinh quốc tế có điều kiện kinh tế như em đếm trên đầu ngón tay. Em phải lựa chọn, một là làm quen chơi với các bạn Mỹ, hai là làm quen chơi với các bạn ở giới siêu giàu.

Nữ sinh Harvard Hoàng Ngọc Xuân Mai: “Người trẻ Việt sẽ còn làm được nhiều hơn nữa” - Ảnh 6.

Vậy em lựa chọn chơi với nhóm nào trước?

- Em khá tự tin về tiếng Anh và giao tiếp nên sau khi ở Mỹ một thời gian, tìm được những bạn Mỹ đồng cảm với mình và sẵn sàng chào đón mình vào nhóm bạn của họ vẫn dễ hơn là chơi thân với những bạn có mức sống quá khác biệt.

Em có một vài người bạn thân, có một bạn tên là Tiffany thân với em từ những ngày đầu vào trường, bạn ấy chỉ đường khi em bị lạc. Tiffany không ở "trên mây" và cũng rất để ý đến cảm xúc của người khác. Em cảm thấy nó cùng nhịp với mình. Ngoài ra, em cũng có một vài người bạn thân khác qua câu lạc bộ và kí túc xá.

Các bạn trẻ Mỹ ở trường của Mai thể hiện sự quan tâm đến vấn đề môi trường như thế nào?

- Các CLB trong trường em khá nhiều, mỗi người một màu sắc khác nhau. Có bạn chọn khoa học và đi theo nghiên cứu, có bạn lại quan tâm về chính sách, chính trị… Các bạn sẽ tham gia các cuộc tham vấn với chính quyền địa phương để bày tỏ quan điểm của mình.

So với ở Việt Nam, em nghĩ ở Mỹ các bạn có đa dạng cách để thể hiện sự quan tâm đến môi trường hơn. Ở Việt Nam, các bạn sẽ thể hiện qua những cách như giải pháp sáng tạo về kỹ thuật hoặc tạo ra các dự án thu gom rác, các đội nhóm truyền thông chứ chưa nghĩ đến nhiều về vấn đề chính sách. Ở Mỹ, các bạn rất quan tâm về vấn đề chính sách. Ngay cả những bạn không chuyên cũng biết khá rõ những vấn đề chính sách cơ bản.

Nhưng 14-15 tuổi quan tâm đến vấn đề chính sách thì làm thế nào có thể tác động chính sách?

- Học sinh có thể trao đổi với Thượng Nghị sỹ, thậm chí là Thống đốc bang bằng cách chủ động gửi email, gọi điện. Có nhiều bạn dành thời gian gọi điện, gọi hoài, gọi hoài thì người ta cũng sẽ có hồi đáp.

Một số NGO (Tổ chức phi chính phủ) chuyên làm về hoạt động chính sách cũng sẽ hỗ trợ các bạn ấy đưa giải pháp đến chính quyền địa phương.

Có những tiểu bang thì họ cảm thấy đó là công việc của họ, có những tiểu bang thì các bạn cũng phải gây áp lực.

Nữ sinh Harvard Hoàng Ngọc Xuân Mai: “Người trẻ Việt sẽ còn làm được nhiều hơn nữa” - Ảnh 7.

Tôi biết đến Mai qua một khoá đào tạo ngắn về môi trường ở Mộc Châu (Sơn La)... Trong lớp học đó, đa phần là các nhà báo có kinh nghiệm, học viên lớn tuổi nhất có lẽ cũng ngang với với tuổi bố, mẹ của cô bé. Vậy nhưng, trong suốt khoá tập huấn, Mai hoàn thành tốt vai trò "cô giáo" của mình. Ở Mai có cả sự trải nghiệm thực tế, phong thái đĩnh đạc và cả sự tươi mới trong cách truyền đạt.

Nữ sinh Harvard Hoàng Ngọc Xuân Mai: “Người trẻ Việt sẽ còn làm được nhiều hơn nữa” - Ảnh 8.

Một nữ sinh 17 tuổi dạy cho người 47 tuổi, tôi rất bất ngờ. Tại sao Mai có thể khiến cho "học trò" của mình tâm phục khẩu phục?

- Khi tham gia các khoá tập huấn về môi trường và BĐKH, em nghĩ đơn giản là chia sẻ về những trải nghiệm của mình và em cũng mong muốn lắng nghe những chia sẻ của cácanh chị. Đó là sự chia sẻ hai chiều.

Các học viên là người có nhiều kinh nghiệm sống, còn bản thân em có một số trải nghiệm đặc thù nên em tập trung nói về những vấn đề đó thôi. Thực ra em vẫn rất run, nhất là khi trình bày trước đám đông bằng tiếng Việt nhưng khi tập trung như vậy em sẽ cảm thấy tự tin hơn. Ban tổ chức cũng có những thành viên khác hỗ trợ, góp ý cho em về nội dung giảng dạy cho phù hợp với độ tuổi học viên trong lớp học.

Nữ sinh Harvard Hoàng Ngọc Xuân Mai: “Người trẻ Việt sẽ còn làm được nhiều hơn nữa” - Ảnh 9.

Thời điểm đó Mai đang là thành viên của Climate Chacker, em có thể chia sẻ quá trình tham gia vào tổ chức phi chính phủ này?

- Đó là một quá trình khó khăn. Em nộp hồ sơ vào Climate để tham gia COP24 mất khoảng 2 tuần, bao gồm quá trình gửi bài viết đã thực hiện, chờ họ gửi feedback về bài viết, rồi đến viết đơn và phỏng vấn.

Sau COP24, em được Climate Tracker mời về làm việc và không cần phải upline lại nữa.

Đối với các bạn trẻ muốn tham gia vào các NGO, em nghĩ thứ nhất là phải tìm ra lĩnh vực mình thực sự đam mê; thứ hai là khi có cơ hội, kể cả nó không nhắm đến đối tượng thuộc độ tuổi của mình nhưng mình cứ nộp đơn, cứ cố gắng vì mình không biết trước chuyện gì sẽ xảy ra.

Hồi em nộp đơn làm mentor của Climate Tracker, chương trình đó chỉ tuyển người trên 18 tuổi, là phóng viên trẻ hoặc các anh chị học báo chí rồi. Khi đó em mới chỉ 16 tuổi, em hỏi "có trường hợp ngoại lệ nào không?", họ nói "cứ nộp đơn đi", và rồi em được chọn. Sẽ có trường hợp ngoại lệ nếu như bạn thực sự đam mê và làm được một điều gì đó.

Hoạt động của các NGO cũng sẽ mở ra cho mình rất nhiều cơ hội khi làm quen và học hỏi từ người khác. Ví dụ chỉ trong 1 tuần tham dự COP24, được gặp các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách cũng như các tổ chức xã hội dân sự, em đã học được rất nhiều. Những chủ đề như BĐKH, nếu mình chỉ ngồi nhà đọc báo, đọc sách vở thì hơi bị khó và khô.

Em không đặt nặng vấn đề mình bao nhiêu tuổi, bởi không bao giờ là quá sớm để bắt đầu học tập các vấn đề vĩ mô, nhất là khi nó lại có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mỗi người.

Nữ sinh Harvard Hoàng Ngọc Xuân Mai: “Người trẻ Việt sẽ còn làm được nhiều hơn nữa” - Ảnh 10.

Nữ sinh Harvard Hoàng Ngọc Xuân Mai: “Người trẻ Việt sẽ còn làm được nhiều hơn nữa” - Ảnh 11.

Ở diễn đàn quốc tế COP24, Hoàng Ngọc Xuân Mai có cơ hội nói chuyện với lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách của rất nhiều nước, trong đó có ông Phạm Văn Tấn - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – đại diện đoàn đàm phán Việt Nam. Ngoài ra, nữ sinh Harvard tự tin giao lưu với đoàn Pakistan, Mông Cổ, Đức, Madagascar và một vài quốc đảo nhỏ. Theo Mai, những quốc đảo như Jersey, Jarvis có tiếng nói rất mạnh về vấn đề BĐKH, bản thân họ cũng là nhóm những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất…

Khi được hỏi, câu trả lời của các lãnh đạo tại COP24 có khiến Mai thấy thích thú hoặc hài lòng? Mai nói em thấy câu trả lời của ai cũng có cái lý của họ. Không phải lúc nào em cũng đồng ý nhưng em có thể thấu hiểu. Em hiểu vì sao nhiều khi họ không lý tưởng như những người trẻ bởi ràng buộc  quyền lợi của các bên khác nhau cần phải cân nhắc…

Nữ sinh Harvard Hoàng Ngọc Xuân Mai: “Người trẻ Việt sẽ còn làm được nhiều hơn nữa” - Ảnh 12.

Khi đã hiểu cái lý những người hoạch định chính sách nhưng thấy không thuyết phục chính bản thân mình, không thể chia sẻ, hỗ trợ được thì em sẽ làm gì?

- Viết bài là một giải pháp, đó cũng là triết lý của Climate Tracker: Tác động bằng hình thức truyền thông.

Em lựa chọn theo hướng phù hợp với năng lực của em nhất và phù hợp với những cơ hội lúc đó.

Dù sao, em cảm thấy lạc quan và rất mừng vì Việt Nam có người tâm huyết trong vấn đề BĐKH. Khi tham gia diễn đàn ASEAN, em có cơ hội gặp anh Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu. Tại diễn đàn ấy, dù có nhiều nước tham gia nhưng bài trình bày của anh Tấn đại diện Việt Nam được quan tâm vì kịch bản cụ thể cả về mặt thích ứng và phòng chống BĐKH.

Gần đây, tháng 12/2020 em cũng có dịp gặp lại anh Tấn ở một diễn đàn "Thanh niên vì khí hậu" do UNDP tổ chức. Đó là một bối cảnh hoàn toàn khác, với các đối tượng khác, em cảm thấy sự nhiệt huyết vẫn không thay đổi. Đối với các bạn trẻ, tất nhiên anh ấy sẽ phải giải thích nhiều hơn, từ những vấn đề cơ bản nhất nhưng anh ấy rất nhiệt tình trả lời câu hỏi của tất cả mọi người, và trả lời một cách chặt chẽ chứ không phải hời hợt.

Các bạn thanh niên Việt Nam khác có mặt tại sự kiện cũng có cảm nhận chung là tự hào. Tuy nhiên, tụi em cảm thấy có một sự không ăn khớp nhau rằng: Tại sao ở Trung ương có những người sẵn sàng làm việc với thanh niên, dành thời gian cho thanh niên như vậy mà khi chạy dự án thực tế ở địa phương thì lại gặp trở ngại? Chẳng hạn, khi các bạn ấy muốn tổ chức các chương trình hoặc chạy dự án ở trường Đại học phải được sự đồng ý của Ban Giám hiệu trường và chính quyền địa phương, điều đó khó vô cùng. Em đang viết một báo cáo về vấn đề đó và một số vấn đề liên quan.

Nữ sinh Harvard Hoàng Ngọc Xuân Mai: “Người trẻ Việt sẽ còn làm được nhiều hơn nữa” - Ảnh 13.

 

Chúng ta thuyết phục nhau rằng mình đã và đang làm nghiêm túc chính sách về môi trường, BĐKH, có những người lãnh đạo tâm huyết. Vậy gặp những "tảng đá" trên đường đi như vậy, các em định giải quyết như thế nào?

- Một trong những cách giải quyết chính tụi em đang làm là tạo ra một mạng lưới thanh niên hành động vì BĐKH. Có một mạng lưới sẽ tạo được niềm tin với các bên liên quan. Dự án ở các đại phương có sự hỗ trợ của mạng lưới cũng sẽ có uy tín, sức nặng hơn so với một CLB.

Như vậy, thay vì một người trẻ cất lên tiếng nói thì tụi em lựa chọn tạo ra cộng đồng rất nhiều người trẻ dám cất lên tiếng nói cùng nhau. Đó là các bạn có lịch sử hoạt động lâu dài về vấn đề khí hậu. Tự tụi em cũng cảm thấy mình uy tín nên áp lực những người liên quan phải đáp ứng một cách nghiêm túc.

Tôi nghĩ đó là một cách "lobby" chính sách đúng đắn. Quay trở lại, có bao giờ em cảm thấy tự hào với bạn bè quốc tế về sự thay đổi ở Việt Nam và những gì em đang làm được ở đất nước mình?

- Em tự hào về những gì thanh niên Việt Nam làm được và em tin rằng trong tương lai các bạn sẽ còn làm được nhiều hơn nữa.

Cảm ơn Mai rất nhiều vì những chia sẻ này!

(Còn nữa)

Nữ sinh Harvard Hoàng Ngọc Xuân Mai: “Người trẻ Việt sẽ còn làm được nhiều hơn nữa” - Ảnh 14.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem