40 năm gắn bó với nghề thầy, từng làm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp HN, từng ở cương vị Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, rồi Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho dù có quãng thời gian "đi lạc", có lẽ đối với thầy Long, nghề thầy vẫn là mối quan tâm đặc biệt nhất. Vào trước ngày 20/11, chúng tôi trò chuyện với PGS.TS Phạm Quang Long và nhắc đến câu ông gửi lại thầy Bộ trưởng đương nhiệm: Nhiệm trọng đạo viễn.

Trong câu chuyện, ông nhắc nhiều đến các "Thầy Cô tôi" – những bậc sư biểu của khoa Văn Đại học Tổng hợp HN lẫy lừng một thuở và lý giải phần nào việc rất nhiều các thế hệ sinh viên khoa Văn đã rất thành đạt, thậm chí trở thành những yếu nhân của đất nước.

Thầy Long đã đề nghị trong bài trò chuyện khi ông nhắc đến thế hệ các Thầy Cô của ông thì 2 chữ ấy nên được viết hoa.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 1.

Thưa thầy, có một thời thương hiệu Khoa Văn ĐH Tổng hợp Hà Nội rất danh giá với tên tuổi các thầy cô lẫy lừng và các khoá sinh viên tài hoa. Ông nhớ gì về những năm tháng sinh viên ấy?

- Tôi có may mắn được học hành ở một trong những khoa mà nội dung khoa học của nó gắn liền với tinh thần hướng tới những giá trị nhân văn, những cái cao quý, ở phía ngược lại là căm ghét cái xấu, cái ác, những cái làm cho con người bé mọn đi. Được nuôi dưỡng trong không khí ấy nên những thứ tôi học được không chỉ là những tri thức để làm việc mà là hành trang vào đời.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 2.

Tôi mãi mãi biết ơn sự ngẫu nhiên đã đưa tôi đến với trường này, với nghề này và dù sống cả đời với nghề không thể giàu có nhưng nếu được lựa chọn trở lại, tôi vẫn chọn như cũ, dù bây giờ có chút xót xa hơn khi cái nghề mình học và theo đuổi đã nhạt nhòa đi nhiều trong đời sống hiện nay.

Đó là một thế hệ thầy rất giỏi, trò rất giỏi. Rất nhiều thế hệ sinh viên khoa Văn sau này trở thành những người tài năng, thành đạt. Chỉ tính riêng ở lĩnh vực văn chương báo chí, hầu hết những người thành công nhất cũng là cựu sinh viên khoa Văn ĐH Tổng hợp. Thậm chí, có những sinh viên sau này đã trở thành những nhà lãnh đạo giữ trọng trách cao của Đảng và Nhà nước. Trong đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là một cựu sinh viên khoa Ngữ văn.

Thầy có lý giải vì sao khoa Ngữ Văn ĐH Tổng hợp HN, nơi tưởng chỉ có những tâm hồn văn chương lãng mạn lại là một cái nôi đào tạo, gieo mầm cho những thành công?

- Tôi nghĩ cái này phải nhìn vào lịch sử một chút, nếu tách riêng vấn đề ra khỏi lịch sử thì có khi không biết căn nguyên ở đâu. Hồi chúng tôi vào đại học, mấy chục năm cả miền Bắc chỉ có 6, 7 trường đại học. Phần lớn người học giỏi khoa học xã hội đều vào 2 trường đại học lớn nhất là Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm. Mỗi năm khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp vẫn gần như kín một lớp là học sinh giỏi văn của các tỉnh và học sinh giỏi văn miền Bắc. Cho nên hồi đó vào học không khí thích lắm, những người vào học tự bản thân họ đã có tố chất, đã có say mê.

Tôi nhớ GS Đinh Gia Khánh dạy chúng tôi có nói một câu như này: Chúng tôi không bao giờ dạy đủ cho các anh tri thức cả nhưng chúng tôi dạy cho các anh phương pháp. GS Nguyễn Tài Cẩn thì bảo: Tôi chỉ cần các anh biết được khi tôi nói cái bát khác cái chén thì anh phát hiện ra nó khác nhau như nào, tức là các anh có phương pháp để phân tích sự khác biệt ấy. Còn GS Trần Đình Hượu thì nói: Nhà trường dạy phương pháp chứ không dạy tri thức.

Sau này, tôi có mấy chục năm làm việc ở trường thì tôi hiểu ra một điều cái đó vô cùng quan trọng.

GS Hà Minh Đức có lần nói với tôi: Ông thử nghiên cứu xem vì sao từ một sinh viên khoa Văn mà từng bước từng bước đảm nhận từng cương vị cực kì quan trọng của đất nước. Ông cũng dân khoa Văn đấy, ông có thấy lạ không.

Tôi hiểu là thầy Hà Minh Đức muốn nói về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi có trả lời: Vừa lạ vừa không lạ thầy ạ.

Theo tôi, lạ là ở chỗ, đúng là một người xuất phát ban đầu chỉ đi học, toàn qua những bước học hành, rồi mãi sau này mới qua thực tiễn. Tôi không lạ ở chỗ con người ấy nếu nói rằng ngay từ đầu đã bộc lộ tư chất, thiên tư của người sẽ làm việc lớn thì cũng chưa rõ, nhưng tôi nhìn thấy ở ông có tư chất gần với con người, gần với cuộc sống qua những mối quan hệ.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 3.

Đặc biệt tôi ở trong Ban liên lạc sinh viên khoa Văn thì tôi thấy bạn bè đánh giá về ông ở mối quan hệ giữa con người với con người rất đậm. Nếu như họp lớp, họp khoá, gia đình bạn bè có việc gì thì nếu không bận bao giờ ông cũng đến. Mà đến với tư cách một thành viên của lớp, của khoa, của bạn bè chứ không phải đến với tư cách ở vị trí của mình, đến một cách giản dị, bình thường.

Nhưng ngay cả trong những lúc bình dị như vậy ông đã bộc lộ những tư chất không bình thường. Anh Lại Văn Thanh – nguyên là Chánh văn phòng Thông tấn xã Việt Nam, học cùng lớp với anh Nguyễn Phú Trọng có kể cho tôi nghe khi anh Trọng đã là Chủ tịch Quốc hội, trong một lần họp lớp, mọi người bảo ông tính tốt, ông giữ mình rất nghiêm nhưng chúng tôi cần ông ngồi ở vị trí ấy ông phải làm được gì nhiều hơn cho đất nước chứ không phải chỉ giữ riêng mình trong sạch. Thì anh Nguyễn Phú Trọng lúc ấy đã là Chủ tịch Quốc hội trước bạn bè cũng không hề tỏ thái độ gì cả, chỉ nói: Các bạn nói thế thì mình sẽ cố gắng.

Vào thời điểm ấy nhiều bạn bè cũng sốt ruột vì chưa thấy ở cương vị của mình, Chủ tịch Quốc hội tạo ra được nhiều chuyển biến lớn.

Sau này, ngẫm lại, tôi thấm thía rằng, phải cần đủ thời gian để chuẩn bị cho một người thực hiện được những việc lớn, cần có thời gian để chuẩn bị và cần có những điều kiện để thực hiện công việc của một người lo việc lớn.

Tôi cũng chỉ biết nói thế, chứ cũng không biết lý giải gì hơn được.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đương nhiệm bây giờ cũng vốn người khoa Văn, status ông viết trên trang cá nhân ngày Bộ trưởng nhậm chức dù không nói tên ra nhưng ai cũng hiểu là gửi tới học trò cũ, đồng nghiệp cũ.

Ông có thận trọng quá không khi đưa ra một lời nhận xét vừa trách nhiệm vừa chừng mực: "Con người này rất được. Còn làm Bộ trưởng được hay không thì tôi chưa biết"? Ông có thể nói thêm gì về lời nhắn gửi: "Nhiệm trọng đạo viễn"?

- Tôi và anh Nguyễn Kim Sơn có nhiều gắn bó với nhau cả khi anh còn là sinh viên của tôi và cả khi là đồng nghiệp. Tôi nghĩ điều anh nói cho tôi lại vận đúng vào anh sau hơn hai mươi mốt năm. Ngày tôi nhận nhiệm vụ ở Đại học Quốc gia HN, anh tặng tôi mấy chữ "Nhiệm trọng đạo viễn" với lời nhắn nhủ ở trong mấy chữ ấy: "Chở đạo đi xa không phải là gánh nặng sao? Không phải là việc nên làm sao?". Tôi chỉ gửi lại anh ấy mấy chữ ấy thôi.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 5.

Tôi nghĩ bây giờ ai ngồi ghế này cũng khó vì ngành Giáo dục không tách ra ngoài xã hội ta được. Nhìn vào chỗ nào cũng thấy ngổn ngang, cũng cần sắp xếp lại. Nhưng anh có năng lực, là người tốt nên tôi tin anh sẽ biết cách gỡ dần.

Tôi chỉ động viên anh đừng ngã lòng, và bây giờ muốn nhắn thêm Bộ trưởng điều này nữa: Cần tỉnh táo để phân biệt được đâu là ý kiến tham mưu đúng, đâu không phải vậy. Và khi đã thấy đúng thì kiên quyết làm, làm đến cùng. Khi đã hiểu đó là nhiệm trọng đạo viễn thì không thể khác. Thế thôi!

Thưa thầy, đã qua một chặng đường thầy Nguyễn Kim Sơn đảm nhận cương vị Bộ trưởng của mình, một vị trí như thầy nói là "ghế nóng". Từng ấy thời gian, hơn nữa lại vừa qua phiên trả lời chất vấn ở diễn đàn Quốc hội, thầy đã có thể nói thêm gì hay nhận xét, đánh giá gì về những hoạt động của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cương vị của mình?

- Đây là một câu hỏi rất lớn, nội dung rất rộng, thêm nữa người nói về điều này thì phải có nhiều thông tin để nói cho đầy đủ hơn. Nói thật là từ hồi Bộ trưởng nhậm chức đến giờ tôi mới chỉ trao đổi với anh Sơn có 2 lần thôi. Một lần là tôi nhắn tin chúc mừng và một lần, như bạn vừa nói đến, tôi thể hiện thái độ trong bài viết ngắn trên facebook, thì anh ấy nhắn tin trở lại: Em cảm ơn thầy!

Như vậy để thấy giữa chúng tôi không có trao đổi gì về công việc cả. Nhưng tôi vẫn âm thầm theo dõi anh ấy vì lý do cách đây mấy chục năm anh ấy là sinh viên của tôi. Trong những đoạn đời trưởng thành của anh ấy, từ sinh viên đến giảng viên, làm cán bộ quản lý và các việc khác thì tôi đều có theo dõi và tôi tin cậy anh ấy ở con người, ở năng lực đối với một giáo viên, một chuyên gia ở lĩnh vực chuyên môn hẹp của anh ấy.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 6.

Tôi phải xin nói rất thành thật lúc ở trường tôi không thấy anh ấy thật xuất sắc ở vai trò quản lý nhưng đó là người rất tin cậy, anh ấy có quan điểm riêng, anh ấy chín chắn và anh ấy làm quản lý không bốc đồng.

Tôi nghĩ những người làm quản lý mà chạy theo phong trào, hôm nay có sáng kiến này chưa nghĩ đến nơi đến chốn đã đem ra thực thi, xong nửa chừng chưa tổng kết đánh giá lại nảy ra một ý tưởng khác lại bắt mọi người thực hiện, thì là  đổi mới liên tục nhưng không đổi mới gì cả. Tôi hy vọng anh Sơn sẽ vào vai của mình và làm việc đúng chức trách.

Nhưng như tôi đã viết "em ngồi ghế nóng ai làm cũng khó cả" bởi vì chúng ta không thể tách giáo dục khỏi xã hội. Không phải chỉ nhà nào cũng liên quan đến giáo dục mà nghề nào cũng liên quan đến giáo dục, việc nào cũng liên quan đến giáo dục. Tôi cho rằng phải được đặt trong đổi mới chung của cả xã hội nhận thức về giáo dục, nhận thức lại nhiệm vụ với giáo dục, nhận thức lại trách nhiệm của mình với giáo dục thì mới đổi mới giáo dục được.

Mấy hôm vừa rồi tôi bận nên không theo dõi phiên chất vấn ở Quốc hội, nhưng tôi có đọc các bài viết đánh giá về trả lời của bộ trưởng này, bộ trưởng kia trong đó có anh Nguyễn Kim Sơn. Có người cho là rất được, có người lại chê.

Tôi thì chỉ nghĩ thế này thôi, giáo dục của ta đang ở giai đoạn khủng hoảng ở nhiều phương diện, nên bây giờ có muốn cũng không thay đổi ngay được. Giáo dục cũng như văn hoá, phải từ từ dần dần. Tôi cho rằng mấy ý tưởng anh Nguyễn Kim Sơn đưa ra như cố gắng hạn chế dạy thêm, không thể dạy trực tuyến mãi được phải tìm ra giải pháp nào đó, rồi phải thay đổi chương trình cho phù hợp…, tôi nghĩ đó là các giải pháp ban đầu rồi dần dần chúng ta mới có thể làm cái gì đó cho ngành giáo dục.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 7.

Ông còn nhớ kỷ niệm nào đặc biệt với thầy Nguyễn Kim Sơn hồi còn ở trường ĐH Khoa học XH và NV HN?

- Nguyễn Kim Sơn được giữ lại trường dạy Hán Nôm. Năm ấy khi tôi làm Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng nhà trường thì hoạt động của đoàn thanh niên có nhiều điểm tôi không hài lòng. Nên tôi cần một Bí thư Đoàn trường khác và tôi nghĩ đến Nguyễn Kim Sơn.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 8.

Tôi đề nghị anh ấy xuất hiện, đảm nhận công việc Bí thư Đoàn, anh ấy có nói với tôi là em vừa ra trường, em còn đang tập trung vào công việc chuyên môn, thầy cho em từ chối. Tôi thuyết phục anh ấy, thậm chí còn nói, anh vẫn nói tôi là người có công với anh, tôi không cần anh trả ơn, tôi cần anh giúp tôi xây dựng phong trào Đoàn hoạt động thực chất.

Sau đó Nguyễn Kim Sơn đã đồng ý làm Bí thư Đoàn trường. Thì tôi thấy sau đó, phong trào Đoàn không thay đổi ngay lập tức nhưng dần dần thay đổi theo chiều sâu, nó cần cho hoạt động thanh niên hơn, hoạt động phù hợp với thanh niên hơn, mặc dù trên bề mặt so với nhiều người làm trước đó thì nó không ồn ào. Nên tôi vẫn nghĩ con người này có viễn kiến, có chủ đích và có phương thức để hoạt động sao cho hiệu quả.  

Đây là cơ sở để thầy đặt niềm tin vào học trò cũ ở cương vị rất quan trọng hiện nay?

- Như tôi đã nói ở trên là tôi không có liên hệ gì với anh Nguyễn Kim Sơn. Vì tôi không có việc gì để nhờ vả. Gặp để động viên thì không cần thiết, khuyên nhủ thì càng không cần.

Nhưng tôi vẫn có niềm tin vào một người đọc sách thánh hiền, có tinh thần phấn đấu vươn lên, trong công việc có thể hiện quan điểm một cách mềm mại, đang độ chín, thích thử sức ở những nơi khó khăn.

Nhưng giáo dục đang rối như tơ vò, phải gỡ dần dần. Tôi vẫn hy vọng vào anh ấy khi ở cương vị Bộ trưởng. Mặc dù một mình Bộ trưởng có tài mấy cũng không thay đổi được.

Phải cần có một bộ máy, thần thiêng nhờ bộ hạ, phải tạo được văn hoá để ở trong bộ máy giúp việc người ta nói thật, người ta nói đúng, người ta dám bảo vệ cái đúng. Đấy mới là điều giúp cho Bộ trưởng làm việc được. Ít nhất là bộ máy ở cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thay đổi, nếu không thì cũng chỉ giống như đánh nhau với cối xay gió.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 9.

Thế hệ các thầy khoa Văn trước kia có đặc điểm chung là gì, thưa thầy?

- Nói về đặc điểm chung thì khó. Mỗi người là một thế giới. Tôi nghĩ đấy là những thế hệ vàng của giáo dục đại học. Không phải tất cả đều tuyệt vời cả nhưng về tri thức thì mỗi người là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình và thế hệ ấy cháy hết mình cho học thuật.

Điều cảm động nhất còn lưu lại trong tôi về các Thầy Cô tôi là các Thầy Cô tôi đã sống, làm việc với tinh thần xả thân, khai sáng. Những năm tháng gian khổ thời bao cấp, chiến tranh, ăn không đủ no, thiếu thốn trăm bề mà sao các Thầy Cô đã viết nên những công trình nghiên cứu dày dặn, sâu sắc thế.

Có thể nói đạo lý làm thầy, trách nhiệm với đời đã khiến họ miệt mài làm việc, trở thành những nhà khoa học, nhà văn hóa như những đòi hỏi tự thân, như việc phải làm mà không cần bất cứ danh xưng to tát nào. Họ làm việc vì trách nhiệm trước xã hội, vì học trò, nhận về mình sứ mệnh đi tiên phong, mở lối như những người đi tìm chân lý, hướng cả xã hội đến một thế giới tốt đẹp hơn.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 10.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 11.

Ông học khoa Văn Đại học Tổng hợp, rồi lại làm thầy ở chính nơi ấy. Từng làm Chủ nhiệm khoa Văn, làm Hiệu trưởng, tư liệu của ông về thầy trò khoa văn chắc rất nhiều. Ông có dự định sẽ xuất bản những cuốn sách về chân dung các bậc thầy khoa Văn?

- Vâng, tôi có rất nhiều tư liệu về các Thầy Cô và các đồng nghiệp, học trò. Sống trong một môi trường thấy rất nhiều người giỏi giang hơn mình, nhân cách đẹp thế, mình thích lắm vì gần họ, mình học được nhiều điều. Tôi đã viết khoảng dăm bẩy chân dung về Thầy Cô, bạn bè. Cái gì biết chắc mới dám viết, không dám nghĩ thêm chuyện gì. Bởi trong tôi, luôn có một điều tâm niệm: viết về thầy, bạn những gì chưa dám nói là biết thì không nên nói.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 12.

Tôi đã viết hàng trăm trang về Thầy Cô, bạn bè trong các bài báo lẻ, trong tự truyện Giữa nhân gian, (các Thầy Cô, bạn bè trong đó tôi để tên thật, chuyện thật) và trong một cuốn tiểu thuyết vừa xong bản thảo Chuyện phố. Chuyện phố là tiểu thuyết nên hình ảnh các Thầy Cô, bè bạn chỉ là nhân vật hư cấu chứ không có tên thật.

Ở cả hai cuốn sách này các Thầy Cô và bạn bè của tôi dù thật hay phảng phất hình dáng trong đó đều là những hình ảnh đẹp. Tôi không dám có những ý nghĩ xấu về Thầy Cô và bè bạn của mình. Tôi vốn cực đoan. Khi tôi không thừa nhận ai hoặc cái gì, tôi coi những thứ đó không tồn tại và không quan tâm nữa.

Em từng đọc bài thầy viết về GS Bùi Duy Tân, GS Lê Đức Niệm… Trong số rất nhiều thầy cô nổi tiếng của khoa Văn trước kia, ông thần tượng ai nhất?

- Tôi thần tượng nhiều người vì ở ai tôi cũng thấy có những điều để mình ngưỡng mộ. Tôi thấy vị nào cũng tài giỏi, làm việc say sưa, hối nhân bất quyện. Nhưng sau này, gần các Thầy Cô hơn tôi coi thầy Lê Đình Kỵ là thần tượng về năng lực tư duy, sức làm việc, thầy Trần Đình Hượu, Nguyễn Kim Đính là những tấm gương về nhân cách.

Có những việc rất nhỏ, rất riêng, chỉ có chúng tôi biết với nhau, giờ chẳng nên nhắc lại làm gì nhưng thầy thì từ chối đi nước ngoài, thầy thì từ chối khai nhận danh hiệu nhà giáo nhân dân, thầy thì không chịu làm hồ sơ để phong GS…vì cho rằng "chả để làm gì". Bạn bảo đói khổ như những năm ấy, có mấy người khước từ quyền lợi như vậy không? Đấy, tôi cho rằng số phận đã ưu ái tôi nhiều, khi được làm học trò của của những đấng bậc như vậy dù các vị ấy chưa bao giờ coi tôi là đệ tử ruột cả.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 13.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 14.

Phương pháp giáo dục ông nhận được từ các bậc sư biểu và sau này ông thực hiện khi làm thầy là như nào?

- Tôi thấy phần lớn các Thầy Cô chúng tôi đều từ tự học mà trở thành chuyên gia, giỏi vài ba ngoại ngữ dùng cho công việc. Họ lao động cần cù suốt đời. Họ hy sinh những niềm vui phù phiếm (và có cả cái không phù phiếm) để dành thời gian cho công việc.

Một số Thầy Cô khi dạy chúng tôi thường khuyên đừng vội tin vào những gì Thầy Cô nói mà phải kiểm chứng lại, suy nghĩ thêm. Có Thầy còn khuyến khích chúng tôi "lật đổ" Thầy bằng những tri thức khoa học và những góc tiếp cận vấn đề mới. Các vị ấy dạy chúng tôi cách nhận thức vấn đề sao cho hợp lý nhất.

Đó là thu hoạch lớn nhất của tôi vì điều này không chỉ là phương pháp, tri thức mà còn là nhân cách, bản lĩnh của người làm nghề. Tôi sau một thời gian làm nghề cũng nói lại với sinh viên của mình như thế. Tôi thấy thoải mái chứ không nói dối, không khó chịu khi thấy sinh viên nói lại hay nghi ngờ luận điểm của mình.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 15.

Ông nghĩ gì về quan niệm coi giáo dục là một loại dịch vụ, thậm chí giáo dục hàng hoá?

- Tôi nghĩ có cái không đổi và cũng có không ít cái thay đổi. Cuộc sống là vậy mà. Thầy phải giữ đạo làm thầy và trò cũng phải giữ đạo làm trò thì cái đạo học, sự học mới ngay ngắn được. Tôi cứ nhớ mãi câu thơ cổ Cơm kẻ bất nhân ăn nấy chớ/Áo người vô nghĩa mặc chẳng thà như lời răn dạy của tiền nhân về đạo làm người. Làm người đã thế, đạo học đòi hỏi còn khắt khe hơn. Cái sự tu thân của người xưa để được gọi là thầy nó nghiêm cẩn lắm. Ngày nay cái sự ấy cũng đã phôi pha đi nhiều.

Tâm thế xã hội về cái gọi là "giáo dục như một dịch vụ công", người ta trả tiền để nhận được dịch vụ tương xứng là sòng phẳng và đúng luật nhưng tôi nghĩ trong quan hệ thầy trò có còn mang tính chất khác nữa. Nó có cái thiêng liêng và tình cảm con người chứ không chỉ là sự sòng phẳng của thị trường. Tôi nghĩ cái mất lớn nhất của quan hệ này trong đạo học là ở đây.

Người dạy và người học cần dân chủ, bình đẳng hơn nhưng dân chủ và bình đẳng trong đạo học không đồng nghĩa với việc coi mọi thứ như nhau, đánh giá sự vật theo góc nhìn của trao đổi giá trị. Như chuyện lý trí và tình cảm, tình và nghĩa vậy. Lẫn lộn một tí là đổ vỡ ngay. Điều làm tôi lo lắng là giáo dục góp phần tạo nên nhân cách con người; đạo học góp phần làm nên bản lĩnh, cốt cách của một dân tộc, cộng đồng. Cái này mà nghiêng ngả thì nguy hại cho giống nòi, con cháu biết chừng nào. Chấn hưng văn hóa, chấn hưng dân khí chắc phải bắt đầu từ sự học, từ đạo học. Cái này là bất biến.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 16.

40 năm làm thầy giáo, trong đó có 8 năm ông gọi là " lạc" ra bên ngoài, làm Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội. Bây giờ nghĩ lại, với thầy 8 năm ấy có ý nghĩa gì? Nếu làm lại thầy có đi " lạc" không?

- Hơn 8 năm "lạc" sang một thế giới khác vừa là do số phận đưa đẩy, vừa là may mắn với tôi. Tôi vốn không lựa chọn nghề dạy học nhưng té ra tạng tôi chỉ hợp với việc này thôi. Bạn cùng lớp đại học khoảng chục năm nay toàn gọi tôi là "anh giáo" - từ mà một bạn trong lớp gán cho. Chắc anh ấy thấy tôi giống anh giáo Thứ của Nam Cao.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 17.

Nhưng nhờ có hơn 8 năm ở sở Văn hóa, Thông tin Hà Nội (sau này gọi là Văn hóa, Thể thao và Du lịch rồi giờ lại chỉ còn Văn hóa, Thể thao) tôi hiểu thêm ra nhiều chuyện về cuộc đời, con người. Nó là vốn sống, là những tri thức cuộc đời mà thấm được nó, tôi mới hiểu cuộc đời hơn, mới viết được vài trăm bài báo, năm sáu cuốn sách. Và bây giờ tôi biết ơn cuộc đời đã cho tôi có thời gian "lưu lạc" ấy. Tôi "khôn" ra.

Nhưng cuộc sống của một nhà giáo xem chừng vẫn hợp với tôi hơn và tôi yêu cái môi trường trong trẻo ấy, luôn được tiếp xúc với lớp trẻ, với công việc lục tìm trong kho tri thức nhân loại để truyền đạt lại cho sinh viên. Với lại, đi đâu, làm gì có phải do mình tự chọn được đâu? Nói lại, nếu chọn nghề, tôi vẫn chỉ chọn nghề giáo. Giống như chọn vợ ấy. Dù mình chọn cô này nhưng cô ấy không lấy mình nhưng rồi mình vẫn lấy được vợ. Thích là thế nhưng cuộc đời "ném" vào đâu, tôi cũng vẫn chấp nhận.

Việc cho rằng mình "đi lạc" có nguyên cớ sâu xa vì tư chất của một nhà giáo khiến ông có vẻ không hợp với chốn quan trường, mà ông từng viết trong tiểu thuyết Lạc giữa cõi người, như một lời tự bạch về sự lạc lõng của chính mình?

- Nói cho công bằng thì số phận ưu ái tôi nhiều chứ. Tôi không phải thiệt thòi như nhiều bạn bè, đồng nghiệp phải ở chiến trường, lại còn được đi nghiên cứu sinh sớm, cuộc đời dường như không có trở ngại gì lớn cả, gặp thuận lợi đủ đường. Có lẽ tôi là người hay nghĩ ngợi, quan sát. Tôi hay nghĩ ngợi, sống theo nguyên tắc nhưng cũng bướng lắm, hay cãi, kể cả thủ trưởng. Tôi phản ứng lại những gì tôi cho là không đúng. Tôi thấy mình có tâm thế lạc lõng.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 18.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 19.

Kỷ niệm nhớ nhất trong đời đi dạy học của thầy là gì?

- Đó là một kỷ niệm buồn. Đến giờ vẫn còn day dứt vì tôi đã trót nặng lời với một học viên tại chức chỉ vì những thông tin qua lại không chính xác, làm tổn thương lẫn nhau. Đầu tiên là tôi bị tổn thương, sau đó là tôi làm tổn thương chị ấy. Từ bấy đến giờ không gặp lại nhau. Chị ấy không muốn gặp lại tôi dù tôi đã gửi lời xin lỗi chị ấy. Nếu gặp lại tôi sẽ một lần nữa xin lỗi chị ấy dù chuyện ấy xảy ra mấy chục năm rồi.

Sau này khi ra khỏi môi trường giáo dục, va chạm với thực tiễn, gặp lại nhiều học trò cũ trong những hoàn cảnh khác nhau, ông có khi nào thất vọng và nhận ra sự thất bại trong giáo dục khi chứng kiến hành xử của họ?

- Có. Có lần tôi đã rất buồn và nghĩ mãi sao học trò cũ lại có thể ứng xử như vậy? Nhưng sau hiểu ra là cuộc đời vốn thế mà. Người ta dù có học mình nhưng đó là do hoàn cảnh nó thế, không học mình thì học người khác, mình cũng không nên coi đó là chuyện thầy trò mà chuyện hai người với nhau. Dù tôi không sai trong trường hợp ấy nhưng nó làm tôi thấy buồn vì chuyện con người. Tôi cũng có lúc sai thì người khác cũng không phải bao giờ cũng đúng. Nhưng kỷ niệm vui vẫn nhiều và nó làm ấm lòng những người đưa đò như chúng tôi.

Như có lần tôi đọc được một cuốn sách với giọng văn rất lạ, rất ấn tượng, tôi viết lên Facebook bày tỏ sự khen ngợi đối với tác giả, viết hoàn toàn vô tư, vì thấy đó là một giọng văn rất cuốn hút, bụi bặm. Sau đó thấy tác giả nhắn cho tôi bảo em là sinh viên khoa Văn, từng học thầy mà. Hỏi ra mới biết là học trò cũ, tác giả - cây bút văn học mạng Song Hà học K.38 khoa Văn, tôi đã từng dạy em ấy. Tôi đọc Song Hà thấy cuộc đời trĩu nặng, lúc ấy tôi vẫn mong em ấy sẽ đi xa hơn.


Hôm ấy là một ngày của tháng 6/2013, quãng hơn 5h chiều, tôi nhận được cuộc điện thoại của thầy: Tôi chính thức nghỉ từ hôm nay rồi em nhé! Thầy lúc ấy vừa ra khỏi cổng 47 Hàng Dầu – trụ sở Sở VH-TT Hà Nội, sau 8 năm làm Giám đốc. Tôi không biết chiều hôm ấy thầy gọi cho những ai để thông báo là mình vừa nghỉ, nhưng tôi bỗng nhiên thấy mình vinh dự khi là một trong những học trò cũ được nghe cuộc gọi ấy.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 21.

Thầy là người tích cực có nhiều ý kiến đóng góp về nhiều vấn đề của đất nước trên mạng xã hội Facebook. Thầy có thể nói gì về những cuốn sách đã viết và dự định về những cuốn sách sắp tới?

- Tôi tự nghĩ chất công dân trong tôi vẫn còn nhiều và thấy mình có trách nhiệm nói lên những gì mình cho là cần thiết. Tôi góp ý nhiều việc nhưng vẫn từ góc nhìn trách nhiệm, thiện tâm. Tôi đã tập hợp những bài ấy thành một bản thảo tên HÓNG, dày hơn 500 trang. Tôi vừa hoàn thành bản thảo Tư tưởng văn nghệ Việt Nam thế kỷ XX, dày ngót 300 trang, Nhặt nhạnh dọc đường tập hợp gần 80 bài viết trong khoảng 20 năm trở lại về những vấn đề văn hóa, văn học, dày hơn 500 trang. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm với nghề của mình. Tôi còn bốn bản thảo truyện là Lốc xoáy (viết về Cải cách ruộng đất, ngót 300 trang ), Chuyện mình, chuyện người (viết về những ấu trĩ của chủ nghĩa lý lịch, xem thường trí thức đã gây ra những bi kịch cho con người, gần 300 trang), Chuyện phố (viết về văn hóa đô thị trong cái nhìn đối sánh với văn hóa nông thôn, hơn 200 trang), Đối mặt (viết về những người lính trên mặt trận chống tội phạm, ma túy dựa trên một vụ án ở quê, hơn 200 trang).

Thế là tôi đã xong một hành trình từ làng ra phố, từ chuyện mình, chuyện nhà, chuyện làng đến chuyện người. Tôi viết để tri ân những nơi, người đã cưu mang, dạy dỗ và cho tôi một cuộc sống bình lặng như mọi người. Như những kỷ niệm và viết ra vì những thôi thúc trong lòng.

Covid-19 đang bộc lộ những vấn đề gì trong bộ máy hành chính và cả tâm thế xã hội, theo ý kiến cá nhân ông?

- Dịch bệnh tác động đến mọi người, bắt ta phải soát xét lại nhiều quan niệm, nhiều cách thức tổ chức quản trị trong từng lĩnh vực cho đến trong toàn xã hội. Rất nhiều lỗ hổng đã lộ ra. Đồng thời cũng thấy được nhiều tấm lòng của những người tử tế, thấy được tiềm lực nhân dân và cả những vô bổ của thứ này thứ khác. Dịch Covid-19 cũng như phép thử nghiệt ngã nhưng nó phơi bày ra sự thật, cả cái mạnh và cái yếu, cả cái tiềm năng và những thiếu hụt của cả xã hội, từ trong tổ chức, quản trị đến nhân phẩm con người. Mong rằng các cấp từ đó có những điều chỉnh. Phải từ công việc thực tiễn để hiểu năng lực và phẩm chất con người và sử dụng họ đúng vị trí, năng lực. Tôi cũng chỉ mong có thế.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 22.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 23.

Một ngày giãn cách vì Covid-19 của Giáo sư Phạm Quang Long gồm những việc gì?

- Thì tôi sống như mọi người: không ra ngoài, không đến đâu, kể cả thăm con cháu, chỉ gọi điện thôi. Tôi thấy cuộc đời mình bình lặng và tôi bằng lòng với nó. Từ ngày nghỉ hưu (2017) tôi không tham gia vào việc giảng dạy, hay bất kỳ một công việc chuyên môn trước đây và tự cho mình quyền được nghỉ. Quỹ thời gian còn ít nên tôi chỉ làm những gì của riêng mình và mình thích.

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 24.

Thầy trò khoa Văn Đại học Tổng hợp có rất nhiều giai thoại, nhiều mối tình nổi tiếng. Nghe nói lúc làm thầy ông cũng có nhiều sinh viên mê lắm? Bây giờ đã có thể tiết lộ được chưa thầy?

- Chỗ này bạn đoán sai rồi. Chả có gì bí mật để không nói ra nhưng tôi chả có bí mật gì để giấu cả. Lúc mới ra trường thì chưa yêu ai, khi đã có chút vốn liếng để hành nghề thì lại có vợ con rồi. Có nhà văn, chơi với tôi bảo "con gái càng nghe ông nói thì càng xa ông hơn". Đó là một lời chê. Nghiệm ra, tôi thấy ông ấy nói đúng. Còn một bậc đàn anh lại khẳng định "Thằng này chả biết yêu đương gì. Dại lắm". Có lẽ vì thế mà tôi yên ổn chăng?

Có lẽ bức ảnh ông cười tươi nhất là chụp cùng cháu nội. Bây giờ ông đang được hưởng hạnh phúc gia đình viên mãn?

- Vâng, tôi gặp may về chuyện gia đình. Tôi có hai con, một trai, một gái và đã có hai cháu nội. Tôi thấy vui và yên ổn vì điều đó.

Xin trân trọng cảm ơn thầy, kính chúc thầy mạnh khoẻ và hạnh phúc!

PGS.TS Phạm Quang Long: Chở đạo đi xa là việc nên làm  - Ảnh 25.

PGS. TS PHẠM QUANG LONG

sinh năm 1952 tại Thái Bình, ông có người cha là liệt sĩ thời chống Pháp và một anh trai là liệt sĩ chống Mỹ. Ông là sinh viên K.15 khoa Ngữ Văn ĐH Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp năm 1975.

Ông nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Văn học tại ĐH Tổng hợp Leningrad năm 1984. Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1996.

PGS.TS Phạm Quang Long là Chủ nhiệm khoa Ngữ văn (từ năm 1992 đến 1996), Phó hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng (từ 1996 đến 2001) Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn; Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (từ 2001 đến 2005).

Sau đó ông là Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch Hà Nội (2005 đến 2013).

Ngoài các công trình nghiên cứu văn học, PGS.TS Phạm Quang Long còn là tác giả kịch bản văn học của các vở kịch: Quan lớn về làng (Đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng); Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ và vở Nợ non sông viết về Phan Thanh Giản…

Ông cũng là tác giả một số tiểu thuyết đã xuất bản: Lạc giữa cõi người, Bạn bè một thuở, Cuộc cờ, Chuyện làng…

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem