Phiên chợ "độc nhất vô nhị" chỉ họp duy nhất ngày Mùng 1 Tết Nguyên đán

Chủ nhật, ngày 22/01/2023 19:41 PM (GMT+7)
Chợ Gò ở huyện Tuy Phước (Bình Định) chỉ họp duy nhất vào ngày mùng 1 Tết Âm lịch, việc bán mua ở đây không đặt nặng lãi - lỗ mà chỉ là dịp để người dân trao đổi tài lộc, may mắn.
Phiên chợ 'độc nhất vô nhị' chỉ họp duy nhất ngày mồng 1 Tết âm lịch - Ảnh 1.

Phiên chợ mang đậm nét văn hóa của người dân nơi đây, thu hút đông đảo người dân và du khách. Đã thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Bình Định, đúng Mùng 1 Tết Nguyên đán, người dân ở khắp nơi lại nô nức đi chợ Gò ở khu phố Phong Thạnh (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước). Chợ chỉ họp 1 ngày duy nhất, nên có nét rất riêng mà không giống các phiên chợ họp bình thường hàng ngày.

Phiên chợ 'độc nhất vô nhị' chỉ họp duy nhất ngày mồng 1 Tết âm lịch - Ảnh 2.

Người đi chợ ngoài mua vài thứ thức ăn tươi sống như tôm, cá... ai cũng mua vài quả cau, lá trầu để lấy lộc đầu năm. Điều đặc biệt, tại phiên chợ Gò, người bán không hề nói thách và người mua cũng không mặc cả. Cứ như thể người bán, người mua trao và nhận những nhiều tốt đẹp nhất đầu năm và cả một năm an lành.

Phiên chợ 'độc nhất vô nhị' chỉ họp duy nhất ngày mồng 1 Tết âm lịch - Ảnh 3.

Người bán “lộc xuân” không chỉ có phụ nữ, mà có cả thanh niên. Nhìn chàng trai đang bày ra chiếc bao được trải bằng phẳng dưới nền đường những chiếc đĩa xốp được bọc nhựa bài bản, bên trong có trầu, cau, muối, vôi, rễ… rồi rôm rả mời chào khách hàng đến mua.

Phiên chợ 'độc nhất vô nhị' chỉ họp duy nhất ngày mồng 1 Tết âm lịch - Ảnh 4.

Anh Lê Văn Thảo (42 tuổi) hiện ở thôn Bắc Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn, Bình Định), dẫu ở xa hàng chục cây số nhưng vẫn lặn lội về đây bán “lộc xuân”. Do ở xa, nên sau giao thừa, mói 1 giờ sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 mà anh Thảo đã chở hàng về chợ Gò bày bán, bởi sau giao thừa đã có người đi chợ “mua lộc”.

Phiên chợ 'độc nhất vô nhị' chỉ họp duy nhất ngày mồng 1 Tết âm lịch - Ảnh 5.

Vừa bày biện hàng, Thảo vừa vui vẻ chia sẻ: “Ông bà xưa có câu “Đầu năm hái lộc cầu duyên/Trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò”, hoặc “Đầu năm mua muối/Cuối năm mua vôi”. Do đó, ngày đầu năm người dân thương đi chợ Gò mua các món muối, gạo, lá trầu, quả cau, rễ, vôi… để cúng ông bà tổ tiên xin lộc đầu năm. Mua muối là để cầu xin gia đạo có sự mặn mòi, trầu cau là để xin sự gắn bó keo sơn của đời sống vợ chồng, gạo là để cầu xin năm mới no đủ… Tôi đi bán “lộc xuân” không phải để kiếm lời, mà cũng là để kiếm cho mình chút “lộc” năm mới cho gia đình”.

Phiên chợ 'độc nhất vô nhị' chỉ họp duy nhất ngày mồng 1 Tết âm lịch - Ảnh 6.

Sản phẩm đem đến chợ Gò bán chủ yếu là những mặt hàng do người dân địa phương tự nuôi trồng được: từ mớ rau tươi xanh, con cá, con tôm...Người dân địa phương, du khách nô nức đổ về phiên chợ Gò để mua lộc cầu may và trẩy hội ngày đầu xuân năm mới.

Phiên chợ 'độc nhất vô nhị' chỉ họp duy nhất ngày mồng 1 Tết âm lịch - Ảnh 7.

Cụ bà Nguyễn Thị Quảng (82 tuổi) ở tận xã Cát Trinh (huyện Phù Cát, Bình Định). Từ hồi còn con gái, cụ đã bán “lộc xuân” tại chợ Gò. Tết Quý Mão 2023 này, mới 8 giờ tối 30 tháng Chạp cụ đã thuê xe ôm với giá 200.000 đồng chở gánh hàng cùng cụ vào chợ Gò để “xí” trước chỗ bán tốt nhất. Đêm ấy cụ Quảng thức trắng, để vừa qua giao thừa là đã bán mở hàng cho người đi mua lộc. Nhờ người mở hàng “nhẹ vía”, lại được ngồi ở nơi thuận lợi có nhiều khách qua lại nên đến 8 giờ sáng mùng 1 Tết cụ đã bán khá nhiều hàng. Qua 1 đêm thức trắng, nhưng trên gương mặt cụ bà Nguyễn Thị Quảng tôi không hề thấy chút mệt mỏi. Tôi hỏi vì sao cụ thức đêm giỏi vậy, cụ móm mém trả lời rất đơn giản: “Tết mà!”.

Phiên chợ 'độc nhất vô nhị' chỉ họp duy nhất ngày mồng 1 Tết âm lịch - Ảnh 8.

Anh Nguyễn Văn Bình (48 tuổi), ở phường Trần Quang Diệu (thành phố Quy Nhơn) sáng mùng 1 Tết lặn lội lên tận thị trấn Tuy Phước đi chợ Gò mua trầu, cau về cúng lấy lộc. “Theo phong tục ông bà để lại, năm nào tôi cũng cũng đi chợ Gò để mua trầu, cau về cúng lấy lộc đầu năm. Chợ Gò là phiên chợ truyền thống nên đến kỳ là bà con bày hàng ra bán, người mua theo lệ đi chợ mua. Tôi đi chợ không chỉ để mua lộc đầu năm mà còn để hòa mình vào dòng chảy lịch sử”.

Phiên chợ 'độc nhất vô nhị' chỉ họp duy nhất ngày mồng 1 Tết âm lịch - Ảnh 9.

Theo ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, từng thời điểm lịch sử khác nhau, phiên chợ Gò luôn hiện hữu trong tiềm thức của người dân huyện Tuy Phước.

Phiên chợ 'độc nhất vô nhị' chỉ họp duy nhất ngày mồng 1 Tết âm lịch - Ảnh 10.

Theo truyền thuyết, vào năm 1799, dưới thời vua Cảnh Thịnh, quân Nguyễn Ánh xua binh tấn công Quy Nhơn, đe dọa trực tiếp đến thành Hoàng Đế, nơi Nguyễn Nhạc lên ngôi xưng vương. Đầu năm 1800, 2 dũng tướng của triều Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng được lệnh mang 3 vạn quân vào Quy Nhơn nghênh chiến.

Phiên chợ 'độc nhất vô nhị' chỉ họp duy nhất ngày mồng 1 Tết âm lịch - Ảnh 11.

Sông Hà Thanh, đoạn gần Trường Úc (huyện Tuy Phước) dẫn ra đầm Thị Nại được các tướng lĩnh Tây Sơn chọn làm nơi đặt tổng hành dinh, bởi nơi này có 1 bên núi, 1 bên sông, đoạn giữa là 1 gò đất rộng và bằng phẳng. Binh lính đóng quân ở đây ngoài một ít là người địa phương, phần lớn là người đàng ngoài. Chính vì vậy, để binh lính khuây khỏa nỗi nhớ nhà trong dịp Tết và xoa dịu những mất mát khổ nhọc của dân bản địa, các tướng triều Tây Sơn tổ chức nhiều trò chơi dân gian cho binh lính giải trí ngay trên bãi thao trường trên gò đất Trường Úc vào sáng mùng 1 Tết.

Phiên chợ 'độc nhất vô nhị' chỉ họp duy nhất ngày mồng 1 Tết âm lịch - Ảnh 12.

Người dân quanh vùng thấy thế cũng nô nức kéo đến góp vui với quân lính với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ. Bình Định là cái nôi của nghệ thuật tuồng, bài chòi, bởi thế nên buổi giao lưu càng xôm tụ, làm ấm lòng các binh sĩ xa nhà trong những ngày Tết. Cứ thế, hàng năm các gia đình binh sĩ theo lệ đến nơi đây thăm chồng con. Có cầu ắt có cung, dân địa phương mang hoa quả, thức ăn, nước uống ra bán, lâu năm thành lệ. Khi quân Tây Sơn tan rã, nơi đây trở thành Hội xuân Chợ Gò, mỗi năm chỉ mở hội 1 lần vào ngày mùng 1 tháng Giêng.

Độc đáo phiên Chợ Gò

"Phiên chợ Gò vừa mang tính lịch sử, vừa mang bản sắc văn hóa đặc trưng của huyện Tuy Phước nói riêng và của miền đất Võ Bình Định nói chung, trở thành hoạt động văn hóa cộng đồng mỗi khi Tết đến xuân về. Hiện nay, UBND huyện Tuy Phước đang phối hợp với ngành chức năng nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận hội chợ Gò là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia", ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước nói.

Chợ Gò có từ thời Tây Sơn, suốt mấy trăm năm nay, chợ Gò chỉ vắng khách trong khoảng 10 năm trong cuộc kháng chiến chống Pháp của thế kỷ trước, vì người dân sợ máy bay oanh kích nên không dám họp chợ. Còn lại, chợ Gò năm nào cũng đông vui. Chợ Gò không chỉ có mua bán và xổ lô tô, trong thời gian họp chợ Gò còn có các trò chơi dân gian như múa lân, chọi gà, cờ tướng, đá cầu, đập niêu, kéo co…, nhiều bậc cao niên ở thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước, Bình Định) cho hay.

Dũ Tuấn
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem