Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech (thường gọi Shark Bình) là người làm việc không biết đến thời gian. Cuộc hẹn với chúng tôi đáng lý sẽ bắt đầu từ 10h30, nhưng vì anh bận "chốt" thương vụ đầu tư cho một dự án startup nên 12h mới bắt đầu. Ngay khi bắt đầu, Shark Bình chốt thời gian trò chuyện với chúng tôi chỉ đến 13h, vì anh còn phải đi đàm phán cho một thương vụ đầu tư khác. Tôi buột miệng hỏi: "Anh ăn trưa vào lúc nào?". "Chắc sẽ tranh thủ lúc ngồi trên xe", Shark Bình nói.
Tôi hỏi: "Làm việc liên tục với cường độ này anh có mệt không?", "Quen rồi" (cười). Shark Bình nói: "Như thế này có thấm gì so với thời điểm khởi nghiệp. Mình khởi nghiệp sớm, vốn ít nên đã nếm trải nhiều những "hỉ, nộ, ái, ố". Ngày đó là ông chủ kiêm nhân viên đi làm nghề "code dạo". Cái nghề cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Nếu mà ốm thì coi như đói luôn" (cười).
Đây là lý do anh đã chuyển từ một chuyên gia gia công phần mềm sang lĩnh vực thương mại điện tử?
- Tôi là người có đam mê đặc biệt với máy tính. Ngày học lớp 10, tôi đã bắt đầu viết phần mềm, lập trình. Ngay từ năm thứ nhất đại học, tôi đã kiếm được tiền từ bán phần mềm và viết phần mềm cho các doanh nghiệp. Chính vì vậy mà năm thứ 2 đại học (2001) tôi đã một mình lập Công ty CP giải pháp phần mềm Hoà Bình (PeaceSoft) với vốn ban đầu 2 triệu đồng.
Nhưng có một sự mâu thuẫn, đó là công nghệ thông tin ngày càng trở nên quan trọng với cuộc sống, là nền tảng quan trọng với các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh nhưng người làm phần mềm ở ta lại không giàu được. Giống như hình ảnh người nông dân ra đồng, tạo ra nông sản nhưng lại không thể giàu mà những người nắm giữ thương hiệu của nông sản mới giàu. Hay như công nhân cũng vậy, họ tạo ra các sản phẩm, nhưng lại không phải là người sở hữu những thương hiệu của sản phẩm ấy. Chỉ có các ông chủ, người sở hữu thương hiệu của những thành phẩm cuối cùng mới trở thành người giàu có vì phần lớn lợi nhuận đổ vào những ông chủ nắm giữ các thương hiệu đó. Người làm phần mềm cũng vậy, họ đi viết sản phẩm phần mềm nhưng lại không phải là người nắm giữ thương hiệu. Chỉ có người biết sử dụng công nghệ thông tin để tạo ra sản phẩm công nghệ cuối cùng và sở hữu nó mới giàu được.
Vậy nên, năm 2005 tôi mới thay đổi, không chỉ viết code nữa, mà sang làm thương mại điện tử với việc ra mắt chodientu.vn và rất nhiều sản phẩm khác nữa. Chúng tôi lập ra Next Tech. NextTech đi theo hướng làm một sản phẩm công nghệ đóng gói thương mại, chứ không bán sức lao động là chính nữa.
Dự án chodientu.vn có được coi là thành công của anh không? Tại sao anh lại dừng lại khi có quỹ đầu tư mạo hiểm IDG rót vốn?
- Đối với bản thân tôi, dự án chodientu.vn đã thành công vì đã phát triển và bán được. PeaceSoft làm Chodientu.vn đã từng là một sàn giao dịch lớn nhất Việt Nam vào cuối những năm 2010 và chọn được nhà đầu tư chiến lược là eBay.
Nhưng ngay từ trước thời điểm eBay ngừng cấp vốn vài năm, tôi linh cảm về một điều gì đó không ổn. Vì thế, tôi quyết định không chơi tất tay với Chodientu.vn.
Khi eBay ngừng cấp vốn, tôi nhận ra mỗi sản phẩm, thương hiệu đều có vòng đời. Dự án này bị "gãy" khi nhà đầu tư không theo cuộc chơi đốt tiền như những nhà đầu tư nước ngoài khác.
Anh nhận ra điều gì trong quá trình lột xác từ một chuyên gia viết "code dạo" trở thành một doanh nghiệp thương mại?
- Sau khi chuyển từ viết "code dạo" sang thương mại, quá trình thay đổi diễn ra liên tục với tôi. Từ dự án chodientu.vn, tôi đã có rất nhiều lần thay đổi tư duy mới. Tôi nhận thấy làm ra một sản phẩm không khó, bán hàng mới khó. Bản chất của kinh doanh là bán hàng. Đây chính là vấn đề then chốt. Một doanh nghiệp dù có sản phẩm hay đến mấy mà không ai dùng là thất bại, rồi "chết". Hiện nay, ở Việt Nam những doanh nghiệp công nghệ thành công nhất đều là những doanh nghiệp thương mại.
Điều gì khiến anh băn khoăn nhất trong công cuộc chuyển đổi này?
- Đó chính là quá trình "lột xác", đã biến mình từ một người làm kỹ thuật thuần tuý, một doanh nghiệp chuyên đi gia công phần mềm trở thành một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và sở hữu các thương hiệu. Đó là việc tưởng chừng như đơn giản nhưng khó làm, hầu hết các doanh nghiệp công nghệ thông tin đều không làm được việc đó.
Cũng giống như ngành dệt may Việt Nam vậy, chủ yếu là đi gia công cho các thương hiệu nước ngoài, ít có những thương hiệu dệt may, thời trang của Việt Nam thành công. Và NextTech cũng vậy, đã lột xác biến mình thành một thương hiệu kinh doanh công nghệ chứ không phải doanh nghiệp gia công phần mềm như trước đây nữa.
Tuy vậy, kết quả hiện nay tôi cũng chưa thấy hài lòng. NextTech chưa phải là một doanh nghiệp công nghệ cỡ lớn trên bản đồ công nghệ thế giới.
Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động về chuyển đổi số. Anh và NextTech sẽ hành động gì để nắm bắt cơ hội lớn này?
- Dù có chương trình hành động đó hay không thì NextTech vẫn đặt mục tiêu chuyển đổi số cho các doanh nghiệp yếu thế, 98% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, siêu nhỏ.
Hầu hết các doanh nghiệp công nghệ khác tập trung vào 2% doanh nghiệp lớn và siêu lớn. NextTech đi con đường riêng phục vụ nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đây là đối tượng ít được quan tâm vì ngân sách ít, nằm rải rác nên chi phí phục vụ bán hàng rất cao.
Trong đó, hiện NextTech tập trung vào nhóm doanh nghiệp thương mại, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp kinh doanh có tương tác trực tiếp với người tiêu dùng.
Thế nhưng theo khảo sát mới đây của NextTech, 91% người dùng nói rằng họ không hiểu và không biết gì về chuyển đổi số, anh có thể nói rõ hơn điều này?
- Các thông tin chuyển đổi số trên mạng thường vĩ mô, lý thuyết và khó hiểu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang bị bỏ rơi lại phía sau do ít nhận được sự quan tâm của các nhà cung cấp giải pháp.
Đến năm 2030, 80% nghề nghiệp sẽ là nghề nghiệp mới hoặc đã bị biến đổi do chuyển đổi số. Do vậy, cần hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện để không có ai bị bỏ lại phía sau. Điều này chỉ có thể thực hiện bằng cách bình dân hóa chuyển đổi số với sự ra đời của các nền tảng chuyển đổi số phục vụ cho nhu cầu đại chúng.
Anh có thể đi vào cụ thể, dễ hiểu nhất về cái gọi là"bình dân hóa chuyển đổi số"?
- Thực ra cũng rất đơn giản thôi. Ví dụ thế này: Khi bạn ra một cửa hàng tạp hoá, thay vì trả tiền mặt như trước, có thể chuyển khoản. Đấy là chuyển đổi số. Hoặc đơn giản gọi điện qua video call hay facebook messenger, zalo cũng đều gọi là chuyển đổi số. Chúng ta gọi xe qua các app thì chính là chuyển đổi số.
Các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, hành chính công… cũng đang áp dụng chuyển đổi số mạnh mẽ. Hệ thống khám chữa bệnh online, giáo viên dạy học online mùa dịch Covid-19, hay làm căn cước công dân gắn chip, hướng dẫn làm hộ khẩu online…tất cả đều phục vụ cho nhu cầu rất thực tiễn của con người và đấy chính là chuyển đổi số.
Có 2 điểm khác biệt giữa doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp số, đó là doanh nghiệp truyền thống đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm và cảm tính; còn doanh nghiệp chuyển đổi số đưa ra quyết định dựa trên chứng minh và dữ liệu, số liệu. Với số liệu, lập tức mọi thứ trở nên minh bạch. Còn nếu tiếp tục lập kết luận dựa trên cảm tính thì vẫn còn chưa đủ minh bạch.
Từ lần đầu xuất hiện tại Shark Tank cho đến bây giờ, anh thường khen – chê các startup rất trực tiếp, rõ ràng. Có ý kiến cho rằng Shark Bình thẳng thắn, thực tế nhưng cũng có luồng ý kiếncòn lại cảm thấy anh như "dội gáo nước lạnh" vào các startup. Anh nghĩ gì về điều này?
- Startup không bao giờ là dễ dàng. Dựa vào hơn 20 năm kinh nghiệm khởi nghiệp đầy gian nan, tôi rất yêu startup và không muốn startup vấp ngã. Với những startup khả quan và thực tế, tôi chốt deal liền. Nếu các bạn theo dõi chươngtrình Shark Tank có thể thấy rõ điều đó..
Startup có bị mắng bị chê thì mới tỉnh ra và trở nên thực tế mà tránh thất bại được. Từ kinh nghiệm xương máu của bản thân mình, tôi luôn đưa ra lời khuyên chân thành nhất để các startup rút ngắn thành công và né tránh thất bại.
Tôi thấu cảm sự cô đơn và thiếu thốn trong giai đoạn khởi nghiệp của các startup Việt. Đó cũng là một lí do quan trọng khiến tôi sáng lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn sớm Next100. Tôi mong muốn sẽ là người đồng hành tri kỷ với các startup trên con đường đi đến thành công.
Anh rất hay nói đến việc phải tìm đúng "long mạch", điều này có ý nghĩa ra sao với các startup?
- Như tôi đã nói, startup bây giờ có nhiều thuận lợi. Các bạn trẻ cũng rất năng động, giỏi giang về cả kiến thức lẫn kĩ năng. Tuy nhiên tuổi trẻ cũng đồng nghĩa với việc thiếu kinh nghiệm và đôi khi quá tự tin vào bản thân. Kiến thức là một chuyện, dùng kiến thức ra cuộc chiến thương trường, kinh doanh và đạt hiệu quả lại là một câu chuyện khác, cam go hơn nhiều.
Thời tôi làm startup, các công ty "bỏ xác", nằm lại ở "chiến trường" quá nhiều. Việc dốc túi cho những trận đánh là cực kỳ mạo hiểm, công ty của bạn có thể phá sản.
Ngoài tìm "long mạch", tôi còn muốn giúp các startup "đón gió Đông". Gia Cát Lượng ngày xưa đánh trận Xích Bích, ngoài việc dàn trận trăm kế ngàn mưu, cũng phải cầu bằng được gió Đông thì mới có thể thắng được Tào Tháo. Gió Đông đó chính là hệ sinh thái làm bệ phóng cho các startup nhanh chóng đưa sản phẩm dịch vụ ra thị trường và tăng trưởng với quy mô lớn hơn. NextTech hyvọng sẽ là một trong những luồng gió đông cho các startup.
Quan điểm của tôi là luôn hỗ trợ hết mình cho các startup. Có những startup đã được đầu tư vốn, có startup hiện đang trong giai đoạn DD (Due Diligence - Thẩm định doanh nghiệp).
Mỗi Shark đều có một triết lý kinh doanh khác nhau, các startup đôi khi bối rối để lắng nghe. Phải chăng người thành công nói gì cũng đúng?
- Ngay trong Shark Tank, Shark Việt từng bảo "Đã làm thì phải nghĩ đến thất bại", còn Shark Hưng lại nói "Đã làm thì đừng nghĩ đến thất bại".
Sự đúng sai không thể khẳng định bởi nó chỉ là thuyết tương đối mà thôi. Điều tôi nói với người này có thể phù hợp nhưng người khác lại không.
Kinh nghiệm thành công thực ra rất ít và không bao giờ lặp lại được. 10 Startup thì tỷ lệ chết quá 9, nên mình phải tập trung vào giúp để trong 9 ông chết ấy có vài ông đừng chết. Các bạn trẻ nên tìm hiểu bài học thất bại hơn là nhìn vào thành công của người khác.
NextTech được xếp vào thế hệ startup đầu tiên tại Việt Nam và còn "sống sót" đến bây giờ. Anh thấy startup ngày xưa và hiện nay giống và khác nhau ra sao?
- Lứa khởi nghiệp cách đây 20 năm. Nay còn lại quy mô như chúng tôi tỷ lệ rất ít. Theo tôi biết, ngoài NextTech có thêm VNG và VCCorp. Còn lại chết hết. Đó là hệ quả của việc không chuyển đổi được mô hình theo thời thế, không chuyển được từ một "công nhân sang ông chủ thời trang".
Startup bây giờ có điểm thuận lợi như cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin rất mạnh và phổ biển, thị trường lớn và rộng mở.
Tuy nhiên khó khăn đó là sự cạnh tranh cao hơn bởi các bạn trẻ ngày nay đều có kiến thức và kỹ năng tốt. Phải thừa nhận cơ hội tồn tại của các startup nhỏ càng ngày càng ít nếu không gia nhập các hệ sinh thái lớn giống như NextTech.
Sau một chặng đường dài liên tục khởi nghiệp, đổi mới, đến nay anh và các cộng sự đang sở hữu một tập đoàn công nghệ nhiều triệu đô. Đâu là yếu tố giúp anh thành công đến ngày hôm nay?
- Sáng tạo. Tôi nghĩ vậy. Khả năng sáng tạo là một phần tính cách, đồng thời cần phải có nguyên liệu. Mà nguyên liệu muốn có thì phải tích luỹ bằng cách đọc thật nhiều để cao sự nâng hiểu biết, rồi học hỏi từ các tập đoàn kinh tế trên thế giới.
Mà thời đại hiện nay học hỏi kinh nghiệm không nhất thiết phải đi "tìm đường cứu nước" nữa bởi hồi xưa chưa có phương tiện truyền thông tin nên chúng ta không biết thế giới phát triển thế nào. Còn hiện nay việc đi lại giữa các nước quá dễ dàng, di chuyển từ Hà Nội tới Bangkok còn gần hơn vào TP.HCM. Rồi phương tiện truyền thông phong phú. Chỉ cần chăm chỉ đọc là có hết bởi bất kỳ diễn biến nào cũng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
Có chút may mắn nữa chứ?
- Rất cần may mắn. Nhưng may mắn không phải kiểu trúng số. May mắn đến từ việc một ngày nào đó mình nhận thức ra được, tư duy được và chuyển hướng thành công. May mắn chính là mình đã ngộ ra được.
Nhiều người thắc mắc, ông Bình làm được đến ngày hôm nay, liệu có người chống lưng không, có ai chỉ bảo không, có ai là "mentor" (người hướng dẫn) không. Tôi nói nếu có thì có lẽ tôi còn thành công hơn.
Có yếu tố di truyền nào từ gia đình anh không?
- Máu kinh doanh của tôi có lẽ thừa kế từ người nhà. Ông nội tôi ngày xưa là Giám đốc nhà máy dệt Hà Đông, còn ông ngoại là một trùm hãng xe, nhưng sau cách mạng thì trở thành vô sản. Cái này có thể gọi là gen di truyền được không?
Mô hình tập đoàn công nghệ nào anh muốn hướng tới?
- Alibaba. Nhiều báo chí nước ngoài gọi NextTech là Alibaba Việt Nam. NextTech hiện cũng học hỏi các mô hình kinh doanh của Alibaba như thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến.
Xin hỏi riêng tư hơn một chút: Trong kinh doanh và quản trị NextTech, vợ anh (chị Đào Lan Hương) có hỗ trợ nhiều không?
- Vợ chồng tôi thời sinh viên không học cùng nhau. Vợ tôi học Đại học Kinh tế quốc dân, tôi học Công nghệ Đại học Quốc gia HN. Chúng tôi quen nhau khi sinh hoạt ở Trung tâm tài năng trẻ của FPT. Như tôi đã nói, thời đó, cách đây hơn 20 năm, startup rất khó khăn. Phải đến năm 2004 - 2005, công ty của tôi mới gọi vốn thành công từ quỹ IDG Ventures tại Việt Nam, và bắt đầu mở rộng quy mô, tiến rộng vào sàn thương mại điện tử. Dự án thương mại điện tử đầu tiên mà công ty xây dựng là Chodientu.vn. Đây là dự án tiên phong trong ngành thương mại điện tử của Việt Nam lúc bấy giờ.
Vợ anh có vai trò thế nào trong NextTech hiện nay?
- Không. Cô ấy làm một dự án khác là giáo dục công nghệ cho trẻ em. Dự án có tên Học viện sáng tạo công nghệ TEKY do cô ấy quản lý.
Được thành lập vào tháng 6 năm 2016, TEKY quyết tâm thực hiện sứ mệnh mang đến cho thế hệ trẻ Việt Nam kiến thức toàn diện về STEAM, đặc biệt là các tư duy công nghệ, khoa học máy tính và kỹ năng thế kỷ 21.
Chúng tôi tin rằng trẻ em Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong một nền kinh tế số và cần được trang bị sẵn sàng để trở thành những doanh nhân công nghệ trong tương lai.
Con trai tôi 12 tuổi cũng đang theo học ở đây và cháu tỏ ra rất có năng khiếu về công nghệ thông tin.8 tuổi cháu đã đi thi viết phần mềm và được giải thưởng quốc tế tổ chức ở Indonesia.
Có thể hiểu con trai anh thích công nghệ vì "ảnh hưởng" từ anh không?
- Tôi nghĩ rằng con tôi cần phải biết công nghệ, mai sau lớn lên có làm ngành nghề gì cũng vẫn phải biết công nghệ. Biết công nghệ cũng giống như phải biết tiếng Anh vậy. Nó như một kỹ năng và là một trong những năng lực cạnh tranh của cá nhân.
Những lúc rảnh anh thường làm gì?
- Đọc và đọc. Tôi đọc tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị đến kinh doanh, tin tức xã hội. Bản thân tôi làm quản trị doanh nghiệp lớn, có nhiều doanh nghiệp thành viên nên việc đọc rất cần thiết.
Làm kinh doanh nhưng tôi không khuyên các bạn trẻ, các startup trẻ đọc sách kinh doanh mà tôi khuyên các bạn nên đọc về lịch sử, đầu tiên là lịch sử Việt Nam, sau là lịch sử Trung Quốc.
Tôi cũng rất thích thể thao. Ngoài chơi golf, tôi còn chơi MMA, nâng cao thể lực qua chiến đấu, bóng bàn, tennis và cả đá bóng.
Ngoài đọc lịch sử, anh còn muốn dành lời khuyên gì cho các bạn trẻ trong thời đại hiện nay?
- Điều đầu tiên, quan trọng với tất cả mọi người chứ không riêng gì những người làm kinh doanh, đó là phải nắm kiến thức cơ bản về kinh doanh. Trong cuộc sống, các bạn phải tính toán chi tiêu, tiết kiệm, thu nhập ra sao cho phù hợp. Có nhiều người rất bừa bãi trong việc này nên lúc nào cũng trong tình trạng thiếu tiền. Đừng làm theo bản năng, hãy học kiến thức kinh doanh, điều đó sẽ giúp bạn khôn hơn.
Thứ hai, với các bạn trẻ, sự hiểu biết về công nghệ thực sự quan trọng. Nếu bạn chưa biết những thứ cơ bản nhất, cần phải trang bị. Chỉ có vậy, bạn mới tăng thêm sức cạnh tranh cho bản thân trên thị trường lao động.
Ngoài ra, học Tiếng Anh giống như điều bắt buộc, hành trang không thể thiếu với các bạn trẻ.
Anh đang là thần tượng của giới trẻ nói riêng, vậy ai là thần tượng của anh?
- Tỷ phú Elon Musk. Anh ấy chính là một người làm công nghệ chuyển sang thành người làm chủ các thương hiệu như PayPal, Tesla… Đỉnh cao tiếp theo của người làm kinh doanh chính là làm được những thứ mở rộng, làm xích lại các biên giới của loài người. Đó là điều tôi khâm phục ở Elon Musk.
Ở văn phòng của NextTech, có một bức ảnh khá đặc biệt, bên trái là Jack Ma cưỡi con cá sấu sông Dương Tử, bên phải là CEO Bezos của Amazon cưỡi cá mập, còn ở giữa NextTech là đàn cá hổ. Anh có thể tiết lộ thông điệp từ bức tranh này?
- Một con cá có thể dễ bị bắt nhưng một đàn cá hổ sắc bén và nhanh nhẹn rất khó bị tiêu diệt. Đó chính là cơ hội để NextTech tồn tại và hướng tới trong tương lai. NextTech nhờ thế là môi trường ươm tạo khởi nghiệp, môi trường cho các doanh nhân công nghệ đến để xây dựng hệ sinh thái cùng nhau dựa vào nhau mà sống.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở này. Chúc anh và NextTech thành công hơn nữa trên con đường của mình!
Shark Bình tên thật là Nguyễn Hòa Bình, sinh năm 1981. Anh tốt nghiệp cử nhân Đại học Công nghệ, Đại học quốc gia Hà Nội, sau đó lấy tấm bằng Thạc sĩ tin học đô thị thị trường tại Đại học thành phố Osaka tại Nhật Bản.
Shark Bình là một trong những doanh nhân tiên phong khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Khởi nghiệp từ năm 2001 khi còn là sinh viên, Shark Bình hiện là Chủ tịch HĐQT NextTech Group – một hệ sinh thái kinh tế số với gần 20 dịch vụ cung cấp tại Việt Nam và 8 thị trường khác tại Đông Nam Á và Trung Quốc.
Hệ sinh thái NextTech hiện có hơn 2.500 nhân viên, xử lý sản lượng giao dịch điện tử ước đạt 4 tỷ USD mỗi năm, làm việc trong 4 lĩnh vực chính: Thương mại điện tử, Công nghệ tài chính, Dịch vụ hậu cần và Đầu tư khởi nghiệp. Shark Bình từng nhận hàng chục giải thưởng, được bầu chọn là một trong 10 người có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet tại Việt Nam giai đoạn 2007-2017.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.