Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trở lại thời điểm cách đây gần 7 năm, khi còn là nhân viên của một ngân hàng Hàn Quốc, Phạm Ngọc Tuấn đã “liều mình như chẳng có” cùng vài người bạn tổ chức và thành công với giải bóng đá phong trào Thăng Long với sự có mặt của 32 đội – con số “khủng” thời điểm ấy.
Không dừng ở đó, anh Tuấn cùng một số người bạn đã đi thêm một bước trên hành trình cụ thể hóa giấc mơ được chơi và tận hưởng trọn vẹn niềm đam mê của giới bóng đá “phủi” Hà thành. Giải bóng đá phong trào Ngoại hạng Hà Nội lần thứ 1 (HPL-S1) đã ra đời năm 2013 trong bối cảnh được quyết định bởi những cái nắm tay, quyết tâm kể cả phải “bán nhà” cũng làm cho bằng được của họ.
Lúc đầu khi mới bắt tay vào làm nhiều người can lắm, nhất là người thân trong nhà. Bóng đá “phủi” với rất nhiều cá tính mạnh, lại tổ chức giải dưới dạng League (12 đội thi đấu vòng tròn tính điểm xếp hạng) trong một thời gian dài thì làm sao có thể tự tin không “vỡ” đây?
"Ngay cả V.League chuyên nghiệp như thế còn phải đối mặt với chuyện đội bóng bỏ giải, sự cố trọng tài, bạo lực sân cỏ... Nhưng vượt qua tất cả, chúng tôi tin mình có thể xây dựng một sân chơi chuyên nghiệp cho bóng đá phong trào từ công tác tổ chức, vận động tài trợ, thi đấu... Đi nhiều rồi sẽ thành đường thôi”, Ngọc Tuấn mở đầu câu chuyện.
Theo anh Tuấn, thời gian đầu Vietfootball không có nhân viên mà chỉ có anh và vài người bạn thân làm tất cả mọi việc. Trong khi đó, công việc chính ở ngân hàng nước ngoài cũng vô cùng bận rộn, căng thẳng, giờ giấc bị quản rất chặt.
“Giờ nghĩ lại cũng thấy… kinh hãi! Làm việc ở ngân hàng, họ quản lý mình về cả không gian và thời gian, camera có ở khắp nơi nên phải làm việc từ xa rất nhiều. Tôi nhớ có mùa không có thời gian ra sân làm khai mạc, ngồi cơ quan nghe và gọi “cháy máy” điện thoại để sắp xếp công việc.
Những ngày ấy, do thiếu thốn về kinh phí nên chúng tôi cũng chẳng dám thuê người làm. Có lúc, tôi và anh Dương Thanh Liêm – Phó Tổng Giám đốc Vietfootball còn phải tự mình cùng nhau bê từng tấm biển quảng cáo ở ngoài sân. Những ngày đầu khó khăn đó, có những người anh em thân thiết cùng chung tay, mỗi người hỗ trợ quảng cáo cho 1 vài tấm biển quanh sân, nhờ vậy mới có giải phủi HPL danh tiếng hôm nay....
Một cái may hơn nữa, trong những bước đi đầu tiên với đầy chông gai ấy, Vietfootball đã nhận được sự hỗ trợ từ giới truyền thông, và đặc biệt là các tuyển thủ danh tiếng như Thành Lương, Văn Quyết… những người bạn người em luôn sẵn sàng xỏ giầy vào sân để hút khán giả đến với giải...
“Chắc hẳn mọi người đều biết ý nghĩa, giá trị công việc mà chúng tôi cố gắng làm nên đã ủng hộ gần như vô điều kiện. Điều quan trọng nhất là các đội bóng đều hiểu và cùng nhau cam kết thực hiện khẩu hiệu: “Chơi có ý thức, chơi để tận hưởng”, cùng nhau xây dựng, nâng tầm sân chơi của mình ngày càng chất lượng hơn”, Tổng Giám đốc Vietfootball Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ.
Thấm thoát HPL cũng đã đi qua 6 mùa giải. Từ chỗ chỉ có giải ngoại hạng, nay giải đó có hệ thống giải hạng Nhất, hạng Nhì, có lên-xuống hạng. Mô hình League theo kiểu HPL đã nở rộ ở nhiều địa phương trên cả nước từ Bắc vào Nam như Hà Giang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vinh, Nha Trang, TP.HCM. Thậm chí ở Phú Quốc cũng đã bắt đầu chơi.
Cơ duyên nào khiến anh và các bạn đứng ra tổ chức một sân chơi cho dân mê bóng đá “phủi” Hà thành?
Thật ra trước giải HPL, dân phủi Hà thành đã có giải Thăng Long. Hồi đấy tôi chơi phong trào với một đội bóng trong ngành du lịch, họ cũng rất có ý thức tổ chức sự kiện này thành giải hàng năm và khá chuyên nghiệp.
Khoảng cuối năm 2012, chúng tôi cũng mạnh dạn gọi các đội vào làm giải bóng tới 12 đội. Thậm chí mời cả đội Ngân hàng ACB, nhờ cả chỗ Văn Quyết mời đội T&T ra đá. Sau giải đấy thì không ngờ hiệu ứng của bóng đá phòng trào lại mạnh mẽ như thế.
Thế là mấy anh em ngồi lại với nhau để cùng bàn, mỗi người một thế mạnh. Nói thật lúc đầu để làm 1 cái giải với concept như vậy rất nhiều người can, bảo không làm được đâu, khó lắm, giải mà căng lên là rất dễ vỡ.
Nhưng mình quyết tâm xây dựng 1 sân chơi chuyên nghiệp bóng đá phong trào tất cả các khâu: Từ tổ chức, tài trợ. Nói chung là cũng máu, cũng quyết tâm để làm.
Tiền nong lúc đó cũng không có mấy. Mấy anh em còn nói với nhau quả này đã xác định làm, mời các đội rồi thì dù phải bán nhà cũng vẫn phải làm (cười).
Đúng là người ta bảo cứ đi thì mới thấy đường. Khi làm ra một giải như thế, hướng tới một tập thể như thế mình làm cũng rất quyết tâm, đưa nó lên thành một sân chơi ở tầm khác. Cũng không ngờ hiệu ứng của nó lại tốt như vậy.
HPL đã sắp bước sang mùa thứ 7. Nhìn lại về kinh phí, phải đi qua bao nhiêu mùa lỗ và bắt đầu có lãi từ mùa nào?
Ít nhất 2 mùa đầu tiên chúng tôi vẫn phải bù lỗ, một năm khoảng vài trăm triệu. Đến mùa thứ 3 mới bắt đầu hoà khi có bia Sài Gòn vào tài trợ cùng những Mạnh Thường Quân giấu mặt.
Tôi nhớ mùa đầu tiên, nhiều ông bầu của các đội ngoài đóng lệ phí, mỗi người chung tay ủng hộ một vài chục triệu đồng mua biển quảng cáo như chú Thành, anh Cường hói, anh Tài SHB và nhiều người nữa…
Khi hết nửa mùa giải, diễn biến rất hấp dẫn, khán giả cũng rất đông, lại có thêm nhiều chú, các anh tới nói rằng “Biết bọn mày làm kiểu này là lỗ” và mỗi người lại móc túi cho ít tiền và bảo cố gắng làm tốt hơn nữa nhé. Đó chính là những sự động viên khích lệ vô cùng lớn với chúng tôi.
Đã khi nào các anh tính đến chuyện phải cắm sổ đỏ vào ngân hàng để có tiền làm tiếp chưa?
Hồi đầu, chúng tôi cũng xác định là như vậy đấy nhưng may là chưa đến mức phải làm. Vay mượn qua lại cũng cầm cự được.
Có khi nào nản, định bỏ luôn giải sau 3 mùa đầu không?
Chưa bao giờ! Lúc này HPL đã có hệ thống từ giải chuyên nghiệp tới hạng Nhất, hạng Nhì với cơ cấu lên-xuống hạng hàng năm. Giải hạng Nhất, hạng Nhì hầu như vẫn chưa có tài trợ nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm, không có tiền vẫn làm!
Còn về sau này, khi mọi thứ đòi hỏi chuyên nghiệp hơn nữa mình phải có trách nhiệm với giải mình đã tổ chức ra. Nói thật sau mùa đầu mình đã làm ra được thế rồi, kỳ vọng của mọi người rất lớn. Một khi nó thành trách nhiệm với cộng đồng thì bắt buộc dần dần mình phải hoàn thiện và tập trung hơn nữa.
Đâu là khó khăn lớn nhất khi xây dựng giải HPL, ngoài vấn đề tài chính?
Khó khăn nhiều lắm. Nhưng tôi nghĩ khó khăn lớn nhất là ban tổ chức phải thuyết phục được người chơi và khán giả. Với một giải gồm mấy chục đội đá dạng League, nhiều người nghi ngờ, cho rằng đây sẽ là một “Thủy Hử” của bóng đá (cười). Nghĩa là giải bóng toàn “hảo hán, cao thủ” ấy.
Chúng tôi mời các đội dựa trên tiêu chí tổ chức tốt, chuyên môn tốt, thành tích tốt… Nhưng quan trọng nhất là cam kết chơi để cùng nhau xây dựng. Slogan chúng tôi đặt ra là “chơi có ý thức, chơi để tận hưởng”.
Tuy nhiên, khi làm mới thấy có nhiều điều khó. Có những đội bóng ngay từ đầu đã bị phản đối nhiều. Đó là những đội bóng chơi khá rắn, sẵn sàng dùng các “tiểu xảo” đậm chất “phủi”. Nhưng họ cũng là những đội bóng có bản sắc, truyền thống.
Vì thế, khi chúng tôi làm, mọi thành phần đều phải xác định tinh thần chơi có ý thức, chơi để tận hưởng, phải tuân theo luật của Ban tổ chức, cùng nhau xây dựng 1 sân chơi phong trào chuyên nghiệp. Cuối cùng, tất cả đều hiểu và vượt qua được khó khăn ấy. Về sau, chính khó khăn đó lại là trở thành mấu chốt thành công của HPL.
Trung bình khán giả đến với 1 vòng đấu HPL khoảng bao nhiêu người?
Vào khoảng 5.000 – 7.000 người mỗi vòng. Năm đầu tổ chức, khán giả cũng phủi nhiều lắm.
Hồi đầu vui lắm, khán giả xem giải bao giờ cũng muốn đứng cạnh sân, thế nhưng để đảm bảo an ninh, an toàn cho trận đấu, chúng tôi chăng lưới và yêu cầu họ đứng ra ngoài lưới.
Thế mà nhiều người lấy kéo cắt lưới chui vào để cổ vũ. Có những trận phải tạm dừng đến nửa tiếng để mời khán giả ra ngoài.
Những trận đầu tiên, làm thế nào để thu hút khán giả đến với giải?
Ngay từ những trận đầu tiên khán giả đã đến rất đông rồi. Thật ra là trước đấy chúng tôi cũng là tay không đi lên nên phải nhờ anh em phóng viên cũng như anh em trong giới bóng đá phủi hỗ trợ về mặt tuyên truyền.
Điều chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất không chỉ là sự mở rộng, phát triển của HPL mà thấy giải dần chuyên nghiệp. Từ những việc đơn giản như làm hình ảnh cho giải, chụp ảnh, ghi hình, làm clip các trận đấu… chúng tôi đã làm rất chuyên nghiệp ngay từ đầu.
Và giờ nó đã trở nên phổ biến ở các giải phong trào, gắn với sự phát triển công nghệ. Gần như đi đâu cũng thấy làm như vậy trong khi gần chục năm trước, ít ai để ý đến chuyện này.
Những “dị nhân” ở HPL mà anh thích nhất?
Nhiều lắm, mỗi người một phong cách! Có thể kể tới những tên tuổi như Phương “Vertu”, Tuấn “bệu”, Cường “trắng”, Giang “say”… đã trở nên quen thuộc với người hâm mộ. Ngoài việc giúp những cầu thủ phong trào có cơ hội đứng trên “sân khấu” của mình và tỏa sáng, HPL còn đánh thức đam mê theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp tưởng như đã nguội lạnh trong một cá nhân đầy tiềm năng.
Có thể kể đến trường hợp của tiền vệ Nghiêm Xuân Tú đang chơi ở V.League trong màu áo Than Quảng Ninh. Tú “ngựa” là con cựu danh thủ Nghiêm Xuân Mạnh (Đường sắt Việt Nam) và đã từng ăn tập chuyên nghiệp. Tuy nhiên khi biết mình mắc phải bệnh hiểm nghèo, Tú đã phải tạm chia tay giấc mơ ấy và chỉ biết tìm niềm vui ở HPL trong đội hình Cường Quốc.
Vòng đấu đầu tiên HPL-S1 cũng gắn với bước ngoặt trong cuộc đời Tú “ngựa” khi lập cú đúp trong trận đấu với Trà Dilmah. Hiện chúng tôi vẫn còn có tấm ảnh Tú trong vòng vây của 4-5 cầu thủ Trà Dilmah và vượt qua.
Sau trận ra mắt HPL ấy, Tú được đi thử việc ở Thanh Hóa và được chọn chơi ở V.League, có bàn thắng đầu tiên ở đấu trường đỉnh cao trong nước vào lưới SLNA sau đó. Nghiêm Xuân Tú có thể coi là một biểu tượng cho ý chí, khát vọng nghề nghiệp, sống hết mình với đam mê.
Anh Dương Thanh Liêm, Phó Tổng giám đốc Vietfootball nói thêm: Sau Tú “ngựa”, còn một trường hợp nữa là Nguyễn Thanh Long (Long “tôm” – Quả bóng vàng “phủi” 2017). Long thuộc lứa 1993 của Trung tâm đào tạo bóng đá Viettel, sau đó không theo chuyên nghiệp, rẽ sang làm trợ lý HLV Công an Nhân dân, rồi chơi cho CLB Tin lớn & Anh em vô địch HPL-S5 năm 2017.
Sau đó, Long “tôm” đã được HLV Trần Minh Chiến (B.Bình Dương) gọi vào đất Thủ Dầu Một thử việc và được nhận, có tên trong đội hình B.Bình Dương từ V.League 2018 đến nay.
Với những gì đã làm cùng Vietfootball mà minh chứng điển hình là xây dựng được hệ thống giải bóng đá phong trào HPL sắp bước sang mùa thứ 7, cái tên Tuấn “Ramos” (nickname của Tổng Giám đốc Vietfootball Phạm Ngọc Tuấn) đã trở nên quá quen thuộc với anh em trong giới bóng đá nói chung và bóng đá “phủi” nói riêng.
Cuối năm ngoái, Phạm Ngọc Tuấn đã trúng cử ủy viên Ban chấp hành VFF khóa VIII, nhiệm kỳ 2018-2022 và nhận nhiệm vụ Trưởng ban bóng đá phong trào.
Điều gì thúc đẩy anh tham gia ứng cử vào VFF trong khi Vietfootball đang làm tốt và sinh lời? Việc gì anh phải cáng đáng thêm trách nhiệm ở VFF?
Tôi là một người đam mê bóng đá và quá quen với những sân bê-tông, sân đất từ thời còn nhỏ. Công việc ở ngân hàng Hàn Quốc có thu nhập rất ổn nhưng rồi tôi cũng cảm thấy nhàm chán vì nó không đúng với bản thân mình.
Từ giữa năm 2016, tôi đã quyết định tập trung hết sức cho bóng đá. HPL ngày càng phát triển khiến tôi và những người anh em của mình cảm thấy hạnh phúc. Dù gì, mình cũng đã góp một phần nhỏ vào việc phát triển bóng đá phong trào, khơi dậy khát vọng, đánh thức đam mê, tình yêu thể thao trong nhiều người.
Khi vào VFF tôi sẽ có cơ hội để cống hiến, phát huy nhiều hơn nữa. Không chỉ là công việc ở Vietfootball với hệ thống giải HPL mà sau cùng, tôi nghĩ sứ mệnh của mình là xây dựng và phát triển cả nền bóng đá phong trào Việt Nam.
Đâu là điểm giống và khác khi làm bóng đá “phủi” so với công việc ở VFF?
Giống là đều làm bóng đá thôi. Thực ra nói là làm bóng đá phủi nhưng phía Vietfootball luôn tâm niệm là làm hết sức chuyên nghiệp.
Với vị trí Tổng Giám đốc Vietfootball hay Trưởng ban bóng đá phong trào VFF thì tôi đều hướng tới mục đích làm sao cho bóng đá phát triển tốt hơn, bền vững hơn, nhiều người hâm mộ hơn.
Có khó khăn gì khi là thành viên trẻ nhất trong Ban chấp hành VFF?
Trước mắt, nhiệm vụ đầu tiên là phải xây dựng được chiến lược, kế hoạch, lấy đó làm nền tảng chung và bắt đầu hành động theo. Giống như cách chúng tôi làm HPL. Mình cứ cố gắng, tập trung và nỗ lực hết sức, được hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Quan trọng là có cơ hội thì phải phấn đấu.
Cụ thể là anh đã triển khai điều mới nào từ khi làm Trưởng ban bóng đá phong trào VFF?
Bây giờ mọi thứ vẫn chỉ là ý tưởng. Việc đầu tiên, cái cần làm ngay là nghiên cứu, xây dựng chiến lược, kế hoạch – thứ mà bóng đá phong trào Việt Nam chưa có.
Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) có Hiến chương về bóng đá phong trào với 20 tiêu chí để xếp hạng Vàng, Bạc, Đồng với các liên đoàn thành viên. Năm 2018, Việt Nam đã được công nhận là hạng Đồng với tư cách… vớt. Một vài ví dụ khác như Nhật Bản đang được xếp hạng Vàng, Jordan là hạng Bạc.
Một vấn đề nữa tôi cũng nung nấu từ lâu, chúng ta cũng hô hào nhiều năm qua rồi nhưng chưa làm được là bóng đá học đường.
Thời gian tới, tôi muốn xây dựng Ban phát triển bóng đá học đường có đại diện của Bộ VHTTDL, Bộ Giáo dục đào tạo, Tổng cục TDTT, VFF, doanh nghiệp tài trợ. Để làm được điều này, chúng ta phải có sự ủng hộ của nhà nước, vấn đề cơ sở vật chất cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi trở lại quyết định bỏ việc ở ngân hàng để toàn tâm theo đuổi sứ mệnh bóng đá của mình, anh cảm thấy được gì và mất gì? Sau một chút suy tư, anh Tuấn đáp:
“Đến thời điểm này, tôi thấy mình chỉ có được chứ không mất. Tôi còn trẻ và chỉ mong sao làm được nhiều việc có ý nghĩa. Còn nếu kể ra thì có mất chứ, mất thời gian, mất công sức, thậm chí phải hy sinh thời gian của gia đình cho công việc do phải làm nhiều hơn. Nhưng nếu ngay từ khi bắt tay làm mà nghĩ tới “mất gì” thì có lẽ tôi và các cộng sự đã không thể làm được rồi”.
Thực tế, HPL trải qua 6 mùa gắn với không ít những sự cố đặc biệt trong 3 mùa đầu tiên. Chỉ có sự kiên định mới giúp HPL không những vững bước mà còn trưởng thành qua từng mùa giải.
Bây giờ, VAR (Video Assitant Referee - Trọng tài hỗ trợ hình ảnh) đang là vấn đề được bàn đến rất nhiều từ các giải bóng đá quốc tế đến V.League. Nhưng ít ai biết, HPL đã áp dụng… VAR từ lâu, chỉ có điều cách làm của chúng tôi khác.
Trong trận đấu quan trọng của Cường Quốc với Thăng Long ở HPL 2013, kết thúc hiệp 1 lưới bị rách. Hôm đó trời mưa, đèn tối, trọng tài lại quên kiểm tra lưới nên trong hiệp 2 có tình huống công nhận bàn thắng khi Thăng Long đá vào từ… bên cạnh lưới.
Ngay lập tức, Cường Quốc đã phản ứng vì nếu hòa trận này họ mất cơ hội cạnh tranh vô địch với Thành Đồng. Nhưng chúng tôi thuyết phục họ trở lại chơi, tôn trọng quyết định của trọng tài. Sau trận, khi xem lại băng hình, nhận thấy sai, ban tổ chức đã công khai xin lỗi toàn đội Cường Quốc”, anh Tuấn kể.
Một sự cố khác có thể kể đến là trường hợp 1 đội bóng phản ứng quyết định của trọng tài, cởi áo bỏ ra ngoài sân không thi đấu.
“Ban tổ chức buộc phải đưa ra quyết định cứng rắn, loại đội bóng đó khỏi cuộc chơi. Tiếp theo, chúng tôi quyết định làm điều chưa từng có trong lịch sử bóng đá là tính điểm trung bình cộng của tất cả các đội để xếp hạng, chứ không hủy toàn bộ kết quả của đội bị loại. Giải có 12 đội, cả mùa mỗi đội đấu đủ sẽ chia trung bình cho 11 trận. Còn đội nào chưa đấu với đội bị loại thì chia 10.
Hỏi Tuấn, vậy những năm gắn bó với HPL, được mất gì có tính được không, Tuấn cười to rồi bảo: “Cái được trong bóng đá phong trào thì nhiều. Nó như quả bom, tạo ra hiệu ứng rất mạnh. Bóng đá phong trào bây giờ mọi người nhìn thấy ở khắp nơi, phải nói là nở nộ. Đấy là cái tôi thấy được nhất. Còn mất thì nói chung cũng không nghĩ đến bởi vì đã xác định từ đầu là cống hiến thôi. Tuổi trẻ thì mình mong sao làm được những việc có ý nghĩa chứ không nghĩ đến việc mất cái gì. Có những cái nói là mất thì nó vô cùng lắm”.
Trầm tư một lát, Tuấn tiếp: “Thử hỏi, nếu chúng tôi, những người sáng lập giải, tổ chức giải mà tính chuyện Được – Mất khi làm thì sao thuyết phục được các ông bầu, các đội bóng và hàng chục nghìn khán giả đầy cá tính gắn bó, ủng hộ giải một cách vô tư cho tới tận bây giờ?”.
Đó cũng là lý do mà cũng như mùa đầu tiên, trong tương lai, HPL vẫn xác định không bán vé. “HPL là đặc sản, là bữa tiệc chung của mọi người và hy vọng tất cả sẽ cùng nhau xây dựng, cùng nhau tận hưởng”, Tổng Giám đốc Vietfootball chốt lại câu chuyện với Dân Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.