Tôi hẹn gặp Lam vào một buổi chiều đầu năm, tại một quán café thanh lịch trên đường Lê Phụng Hiểu (Hà Nội). Người phụ nữ này không giống như những nhân vật khác tôi đã từng phỏng vấn, bởi Lam là thơ ấu của tôi, là "giấc mơ" của tôi trong một thời trẻ dại. Ngày ấy, khi chiếc TV mẹ mới mua về vang lên ca khúc "Khát vọng", trái tim tôi đã ngay lập tức rung lên vì giọng hát nàng, tâm hồn tôi lặn ngụp trong đôi mắt sáng lấp lánh của nàng…

Lam xuất hiện trong bộ trang phục màu đen, có đeo thêm chút trang sức. Nàng khác xa tưởng tượng của tôi, không quá cầu kì, chẳng xa cách hay phức tạp như những lời đồn đoán. Vẫn là đôi mắt đẹp ngày ấy chăm chú lắng nghe từng câu hỏi, và khi giọng nói của Lam vang lên, mọi thứ xung quanh dường như đều dừng lại, an yên và tĩnh lặng…

Lam là người đàn bà đẹp, điều đó đương nhiên, nhưng hơn cả đẹp, nàng còn mang đến cho người khác cảm nhận mạnh mẽ về "tính nữ", là sự quyến rũ, đằm thắm, là một tính cách vừa ngọt vừa nồng, vừa mong manh vừa quyết liệt.

Trọng Tấn từng bảo, Thanh Lam là người phụ nữ "hút đàn ông", nhạc sĩ Lưu Hà An thì có lần chia sẻ rằng Lam có một quyền năng đặc biệt, đó là khi Lam nói gì, mọi người sẽ đều đồng tình, hoặc nghe lời, mọi thứ cứ như đương nhiên phải thế.

Còn tôi, ngay lúc này đây, tôi cũng đã hoàn toàn chìm vào không gian mà Lam tạo dựng.

Thanh Lam: “Tôi nuối tiếc quãng thời gian trầm cảm sau sinh” - Ảnh 1.

Chị đã có hơn 30 năm gắn bó với nền âm nhạc Việt Nam và luôn được coi là người đã mở đường cho nền nhạc nhẹ Việt Nam phát triển. Trở lại thời gian đó, khi chị mới bước lên đỉnh vinh quang, cha chị (nhạc sĩ Thuận Yến) có đưa ra lời khuyên nào cho con gái?

- Ba tôi là người yêu con, hiểu con. Trong cuộc sống này, tìm được một người tin mình không có nhiều đâu, có lẽ chỉ vỏn vẹn có vài người. Niềm tin chính là thứ xa xỉ nhất, thứ không phải dễ dàng mà có được. Điều đó tôi đã có được từ ba mình, trong âm nhạc.

Thanh Lam: “Tôi nuối tiếc quãng thời gian trầm cảm sau sinh” - Ảnh 2.

Nhìn lại chặng đường dài đã qua, chị thấy làng nhạc Việt hiện tại đã thay đổi như thế nào so với thời điểm những năm 1990, khi chị mới bước chân vào nghề?

- Âm nhạc cũng như cuộc sống vậy, sau 30 năm, đã có rất nhiều sự chuyển mình. Trước đây, mọi thứ còn đơn giản, mộc mạc, hầu như không có sự đầu tư về công nghệ. Nét đẹp của âm nhạc khi ấy chính ở sự giản dị, ở những nỗ lực và sáng tạo hết mình của người nghệ sĩ. Thời điểm đó, bạn phải có giọng hát, phải có tài năng nổi bật thì mới chinh phục và lôi cuốn được công chúng.

Âm nhạc hiện đại khác biệt nhiều khi có sự tham gia mạnh mẽ của công nghệ sản xuất. Các producer (nhà sản xuất) sử dụng những phương pháp, công cụ khác nhau để tiếp cận công chúng, họ tạo ra những sản phẩm âm nhạc đa dạng màu sắc, chất liệu, đáp ứng thị hiếu của khán giả trong một khoảng thời gian nhất định. Nhờ cách làm của họ, nhiều nghệ sĩ/ gương mặt trẻ thỏa mãn nhu cầu được hát, được biểu diễn, tạo sự phong phú và đa dạng cho làng nhạc.

Thế nhưng, nhiều ý kiến của giới chuyên môn cũng cho rằng, sự phát triển của công nghệ đã làm chất lượng của nền âm nhạc Việt giảm đi, khi mà ngày càng nhiều nghệ sĩ sử dụng auto-tune, lip-sync và các hiệu ứng hình ảnh thay vì đầu tư cho chất lượng âm nhạc?

- Nhắc tới chuyện này lại nhớ ra rằng mọi người hay trêu tôi là "người hát nhép dở nhất Việt Nam" (cười). Bởi vì mỗi lần tôi hát trên sân khấu đều phải phiêu với khán giả, không lần nào giống lần nào. Với tôi, hát nhép đúng là cực hình, đôi khi khó hơn cả hát live 1000 lần.

Thật ra, tôi nghĩ cái gì cũng có mặt tốt, mặt xấu. Sự phát triển của công nghệ tạo ra một môi trường phong phú và đa dạng về cả nội dung lẫn hình thức. Đôi khi ta không nên cứ học thuật, triết lý quá làm gì, hãy cứ đơn giản chỉ thư giãn với âm nhạc thôi. Xét cho cùng đó cũng là nhu cầu của thị trường, nếu không có nhu cầu mua thì làm sao có hàng hóa bán.

Đương nhiên, mỗi một người làm nhạc có ý thức sẽ tạo ra một sân chơi hay cho cộng đồng, một sân chơi mà ở đó mọi thứ không bị nhộn nhạo, trà trộn. Thế nhưng, nói là một chuyện, để làm được lại không phải điều đơn giản. Bạn làm sao có thể cấm một người yêu âm nhạc, có hình thức đẹp nhưng lại hát chưa quá hay quyền được hát. Khán giả cũng vậy, họ cũng thích ngắm những người đẹp biểu diễn trên sân khấu và ngồi dưới trầm trồ "ôi đẹp quá". Chỉ là ngắm thôi mà, cũng đâu quá quan trọng bạn ấy phải hát cái gì.

Người nghệ sĩ lựa chọn con đường nào thì sẽ có khán giả trên con đường ấy. Là một người làm nhạc chuyên nghiệp, cá nhân tôi vẫn luôn khao khát có sân chơi thật hay, một sân chơi có chất lượng dành cho công chúng.

Thanh Lam: “Tôi nuối tiếc quãng thời gian trầm cảm sau sinh” - Ảnh 3.

Chị có bao giờ chạnh lòng không khi không ít khán giả xưa cũ đã "quay lưng" lại với Thanh Lam, bởi chị từng lựa chọn sự thay đổi. Tôi còn nhớ có lần mình vào cửa hàng băng đĩa tìm mua CD của chị, bà chủ liền hỏi:"Sao em nghe được dòng nặng đô thế?". Không biết, sau 3 thập kỉ làm nhạc, đã có lúc nào chị hoang mang  và không tự tin vào những gì mình làm?

- Công bằng mà nói thì sự nghiệp âm nhạc của tôi không gặp quá nhiều khó khăn. Tôi may mắn là con nhà nòi, con đường đi lên cũng tương đối thuận lợi. Cái khó lớn nhất của tôi chỉ là làm sao để giữ vững màu sắc, cá tính của mình trong một môi trường âm nhạc mỗi ngày một đổi khác.

Tôi luôn tin mỗi thời khắc trong sự nghiệp đều có ý nghĩa riêng. Làm gì có ai cứ hân hoan, cứ thăng hoa mãi được.

Lúc tôi 35 tuổi, tôi cũng từng có cảm giác buồn, lạc lõng, đôi khi thấy mình khác biệt về suy nghĩ với các bạn đồng nghiệp. Thật ra, điều này phát sinh từ bên trong nội tại của mình thôi, không phải bởi tác động bên ngoài. Lĩnh vực nào, nghề nghiệp nào cũng vậy, bạn đều sẽ gặp phải những khoảng thời gian tồi tệ. Cái thú vị nhất của cuộc sống này chính là trải nghiệm, ta phải đi qua những khúc quanh đó để nhận diện ra những điều tốt đẹp sau này. Mình cứ kệ thôi, cứ đi thôi, những điều xảy ra thì nó đã xảy ra và ở lứa tuổi đó nó phải là như vậy.

Trước kia, khi còn trẻ, tôi rất dễ không hài lòng với việc này việc kia, dễ bức xúc với những tư tưởng khác mình. Còn bây giờ tôi hiểu mình cần chấp nhận sự muôn màu của cuộc sống, chấp nhận những góc vuông, góc tù, góc bẹt. Quan trọng là phải giữ được giá trị của mình.

Thanh Lam: “Tôi nuối tiếc quãng thời gian trầm cảm sau sinh” - Ảnh 4.

Trên trang cá nhân, chị chia sẻ nhiều tư tưởng, châm ngôn ảnh hưởng bởi Phật giáo. Chị đến với Phật pháp lâu chưa và tín ngưỡng này đã thay đổi chị như thế nào?

- Tôi đã đến Phật pháp rất lâu rồi, khoảng 15 năm về trước. Chẳng phải tôi trải qua biến cố gì lớn nên mới tìm tới tín ngưỡng, đó đơn giản là một mối nhân duyên mà tôi gặp trong cuộc đời. Phật pháp là cánh cửa giúp tôi hiểu hơn về Nhân – Quả, tôi đối diện với mọi biến cố một cách bình thản và tự nhiên. Tâm tôi tĩnh lặng hơn, rộng mở hơn khi nhìn về cuộc sống.

Với tình yêu, khi có thiền, tôi như có một liều thuốc chữa lành vết thương vậy. Tôi hiểu hơn giá trị của hạnh phúc, cách yêu, cách sống khác đi rất nhiều.

"Khác" ở đây cụ thể như thế nào?

- Khác chính ở sự nhìn nhận, đánh giá, mình không còn đòi hỏi nhiều ở người mình yêu thương nữa. Khi yêu, phụ nữ thường yêu hình tượng do mình đặt ra và nuôi hi vọng vào đó. Đạo Phật có một câu mà tôi thấy vô cùng ý nghĩa: "Bạn hãy yêu họ như họ vốn là". Tình yêu đích thực là khi ta yêu người ta ở cả cái xấu lẫn cái tốt. Bạn yêu họ như họ vốn là chứ không phải bạn biến họ thành thứ mà mình mong muốn.

Trên Facebook, chị để một câu nói rất hay trong phần chia sẻ về bản thân: "Tâm ta là con đường". Hãy cứ để trái tim dẫn lối, nhưng liệu có khi nào nó dẫn chúng ta tới lối đi sai?

- Trái tim chính là nơi khởi nguồn trí tuệ. Cuộc sống rất khó nói chuyện đúng sai, đúng với người này lại sai với người kia, tôi nghĩ không sao cả. Khi bạn giữ được chân giá trị của mình, phẩm chất của mình, bạn sẽ đi qua những được mất một cách thản nhiên nhất. Hãy cứ tin điều gì xảy ra trong cuộc đời cũng phải có lý do chính đáng, ta sẽ đi giông bão một cách an nhiên và bình thản.

Thanh Lam: “Tôi nuối tiếc quãng thời gian trầm cảm sau sinh” - Ảnh 5.

Thanh Lam: “Tôi nuối tiếc quãng thời gian trầm cảm sau sinh” - Ảnh 6.

Trong một bài phỏng vấn, bác sĩ Bùi Tiến Hùng - bạn trai hiện tại của chị từng chia sẻ: "Tôi đến với Thanh Lam bởi sự dữ dội và nổi loạn, nhưng thứ mà tôi tìm thấy và muốn ở lại chính là sự dịu dàng". Vậy còn với chị, điều gì ở anh Hùng đã giữ chị lại?

- Cái đáng yêu nhất ở anh Hùng chính là phẩm chất manly, cái manly đó rất tự nhiên, không khiên cưỡng. Sự manly ấy cũng có những khía cạnh gai góc, xù xì, không phải chỉ là chiều chuộng, ga lăng, đón ý. Anh Hùng không bao giờ vòng vo loanh quanh, không giấu diếm cảm xúc của mình. Anh ấy cũng quyến rũ bởi sự tự tin, đó là cái tự tin của người giỏi nghề và đam mê công việc mình làm.

Một yếu tố cũng rất quan trọng là anh Hùng yêu nghệ thuật, yêu ca hát, cũng bởi vậy chúng tôi chia sẻ với nhau được nhiều điều trong cuộc sống.

Tình yêu mà tôi và anh Hùng dành cho nhau là thứ tình cảm lớn dần lên bởi thời gian, của những người đã đi qua nhiều trải nghiệm. Đó không phải là thứ tình yêu sét đánh của tuổi trẻ. Nhờ nhân duyên mà chúng tôi gặp nhau, hiểu nhau và cảm nhận cả hai có triết lý sống đồng nhất. Tôi tin, đó là một sự gặp gỡ đẹp về cảm xúc sống.

Khi mối tình giữa chị và anh Hùng được công chúng biết tới, anh từng chia sẻ, đôi khi giữa hai người vẫn xảy ra những cãi vã, bất đồng. Giờ đây, khi anh chị đã bên nhau được gần một năm, sự cãi vã đó có còn không?

- Từ những trải nghiệm sống của mình, tôi nhận ra là người phụ nữ có trí tuệ thì không bao giờ làm tổn thương người khác. Bởi có những lời nói như nhát dao, ta không bao giờ có thể rút lại được. Cũng bởi vậy, hiện tại, tôi rất hạn chế cãi vã.

Để mà mong cầu hay khẳng định một điều gì thì rất khó, như tôi nói vừa nãy đấy, mọi việc xảy ra đều có lý do của nó. Chỉ mong rằng chúng ta, ai cũng sẽ có một cuộc sống an nhiên bên nhau. Từ mảnh đất bình yên, sẽ luôn nảy mầm xanh của hi vọng.

Thanh Lam: “Tôi nuối tiếc quãng thời gian trầm cảm sau sinh” - Ảnh 7.

Yêu anh Hùng, cách hát của chị có gì khác trước đó không?

- Thật ra cách hát của người nghệ sĩ không thể nào vì tình yêu mà khác đi được. Nó do định hướng của mình thôi, thí dụ trong năm 2021, tôi không muốn hát về nỗi buồn nữa, tôi chỉ muốn hát về những thứ giản dị, nhẹ nhàng, tích cực. Chúng không quá hân hoan, không quá sầu bi, nó là năng lượng của sự an nhiên, tĩnh tại.

Cũng đã hết giai đoạn đắm chìm vào những nỗi buồn rồi, tôi muốn ra những sản phẩm mà ở đó có sự cân bằng. Khi bạn càng cân bằng, bạn càng sáng tạo. Nói cách khác, bạn phải ở trên một mặt phẳng, phẳng thật sự, bạn mới có thể làm trồi lên được những cái long lanh của cuộc sống. Ở lứa tuổi của tôi, tôi đặc biệt quan tâm việc kiểm soát được những khoảnh khắc sống của mình.

Thanh Lam: “Tôi nuối tiếc quãng thời gian trầm cảm sau sinh” - Ảnh 8.

Người ta luôn nhắc tới chị như hình tượng của một người phụ nữ đạt tới đỉnh cao cả về tài năng và nhan sắc. Thế nhưng, chắc hẳn trong cuộc sống, cũng có những điều khiến chị hối tiếc?

- Có chứ. Đã có những giai đoạn khiến tôi thấy vô cùng tiếc nuối, thí dụ như khoảng thời gian tôi rơi vào "hố đen" của những áp lực khi làm mẹ. Tôi lúc đó còn trẻ quá, chưa hiểu biết nhiều, tôi gần như rơi vào trầm cảm sau sinh. Sau này, khi đọc sách và trải nghiệm cuộc sống, tôi mới hiểu đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất của người phụ nữ, để chúng ta trân quý, nâng niu, bởi nó không đến nhiều lần trong đời. Đáng lẽ, tôi đã phải hân hoan thì tôi lại buồn, trầm cảm, khóc... Giá như tôi giác ngộ đạo Phật sớm hơn, tôi đã có thể chế ngự được, thích nghi được và có những khoảnh khắc đẹp hơn bên con mình.

Thiện Thanh – cô con gái của chị mới bước vào cuộc sống hôn nhân. Chị có chia sẻ hay dành lời khuyên gì cho con không?

- Tôi và con cũng đã có những cuộc trò chuyện, tôi luôn mong con có cuộc sống bình yên. Bình yên sẽ làm cho con người hoàn thiện mình, khích lệ khả năng, đam mê. Quan trọng là con gặp được người đàn ông tốt và dành cho nhau tình yêu thương, lòng lương thiện.

Trong một lần trò chuyện với tôi, anh Quốc Trung từng bảo, anh vừa mừng nhưng cũng vừa lo vì Thiện Thanh quá giống chị?

- Đúng vậy đấy!. Thiện Thanh có nhiều cái giống tôi. Con giống bố thì tốt hơn, bố thì tỉnh táo hơn nhiều, nhưng cuộc sống mà, thường gen yếu nó lại trội. (cười).

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Thanh Lam: “Tôi nuối tiếc quãng thời gian trầm cảm sau sinh” - Ảnh 9.

 Thanh Lam sinh năm 1969 trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật tại Hà Nội. Chị là con gái của nhạc sĩ Thuận Yến và nghệ sĩ nhạc dân tộc Thanh Hương. Từ lúc lên 3 tuổi, Thanh Lam đã được cha dạy hát và nghe đàn piano.  Năm 7 tuổi, mẹ dạy cho chị chơi đàn thập lục, tập hát các bài dân ca Việt Nam. Năm 9 tuổi, Thanh Lam được tuyển chọn vào Nhạc viện Hà Nội theo học môn đàn tỳ bà hệ 11 năm, đồng thời tham gia ca hát trong đội "Chim sơn ca" của Đài Tiếng nói Việt Nam và đội Họa Mi thuộc Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội.

Thanh Lam: “Tôi nuối tiếc quãng thời gian trầm cảm sau sinh” - Ảnh 11.

Năm 1981, Thanh Lam một mình đi dự Festival thiếu nhi ở Đức. Nhạc sĩ Thuận Yến từng chia sẻ về chuyến đi này: "Cháu đứng trên sân khấu vừa đánh đàn guitar vừa hát bài Mặt trời và ánh lửa của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Lam không học guitar mà vẫn chơi được".

Thanh Lam được coi là 1 trong 4 diva của làng nhạc Việt, người kéo công chúng quay lại với nhạc nhẹ Việt Nam những năm đầu thập kỉ 1990 khi âm nhạc quốc tế xâm chiếm. Chị có nhiều ca khúc ghi lại dấu ấn trong lòng khán giả nghe nhạc: Màu hoa đỏ, Chia tay hoàng hôn, Giọt nắng bên thềm, Em và tôi, Cho em một ngày, Em ơi Hà Nội phố, Hoa tím ngoài sân,..

Thanh Lam đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2007 do có nhiều đóng góp cho nền nhạc nhẹ Việt Nam. Cô là ca sĩ tự do đầu tiên nhận được danh hiệu này.

Liveshow "Hẹn yêu" được Thanh Lam tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 21/3 được coi là liveshow "xông đất" làng nhạc năm 2021. Chị chia sẻ, sau một năm phải tạm dừng các dự án vì dịch Covid-19, chị khao khát được hát, được gặp gỡ khán giả của mình. 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem