Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
ng phục chế “Nỏ thần An Dương Vương” trưng bày trong Bảo tàng Lịch Sử Quân Sự ở Hà Nội mà khỏi cần móng của thần Kim Quy. Ông dùng xương sọ hơn hai nghìn năm tuổi để tự tay dựng lên được gương mặt đích thị tổ tiên người Việt thời kỳ Đông Sơn. Ông trân trọng mang từ dưới mồ sâu thời Trước Công nguyên lên các sợi vải cổ xưa, “dệt” nên tấm “Khố Chử Đồng Tử”.
Ông làm tất cả, không phải bằng cổ tích, huyền thoại mây gió hay sự hoang tưởng nào. Mà bằng phương pháp liên ngành cực kỳ khoa học, khiến bất cứ ai cũng phải “tâm phục khẩu phục”...
Trong khu nhà do mình tự thiết kế, có đủ Khuê Văn Các, đủ nhà kiểu châu Âu cổ, có bảo tàng về văn hoá tiền sử, có cầu thang máy tự chế vài chục triệu đồng một chiếc (chạy vèo vèo), có mái vòm bấm nút tự nâng cả trần nha lên tít trên cao, để gia chủ tha hồ hóng gió thưởng trăng giữa bao la núi rừng, cuộc trò chuyện cứ thế nhẩn nha:
Còn nhớ, tôi vinh dự được ông nhờ xin anh bạn tôi - Tuấn “cá sấu”, Vua Cá sấu ở Hải Phòng, cả một con cá sấu về để lọc lấy xương nó nhằm trưng bày trong “Bảo tàng Phạm Huy Thông” tại nhà ông! Tại sao một nhà khảo cổ - cả đời “đào” ba bốn trăm ngôi mộ cổ để nghiên cứu thời văn hoá tiền sử như ông – lại quan tâm đến bộ xương cá sấu nuôi trong trang trại ở thế kỷ 21?
TS Nguyễn Văn Việt: Thì bộ xương nó đây. Sau khi tôi cho các nhân viên lọc thịt cá sấu ăn hết. Tôi muốn lấy các bộ xương động vật về trưng bày làm tiêu bản nghiên cứu. Như trong bảo tàng tự nhiên, chúng phục vụ rất đắc lực cho việc nghiên cứu khảo cổ của tôi. Ví dụ, đào được mảnh xương trong hố khai quật, sẽ biết xương đó là xương con gì. Nghìn năm trước, ở khu vực đó, người ta bắt con gì về và người ta ăn nó ra sao. Suy ra dinh dưỡng của những người cổ kia thế nào. Một con ốc, vỏ tôi để đầy ngoài sân kia, tôi sẽ tính vòng sinh trưởng của nó, để biết nó bị bắt vào giai đoạn nào trong năm. Nó đã cung cấp bao nhiêu kilocalo cho nhóm người… đang “nằm” trong hố khai quật.
Có phải vì liên tục “có ý tưởng” với các nhu cầu đặc biệt để sáng tạo như vậy, mà từ mười mấy năm trước, ông đã rời khỏi Viện Khảo cổ, đứng ra cùng một số nhà khoa học khác lập một cái Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á mà ông làm Giám đốc?
Tôi luôn nghĩ về sự công bằng giữa lao động và sự hưởng thành quả đó. Nhiều khi người ta làm mất sự cân bằng đó, nên mới sinh ra tệ nạn. Thoát khỏi được sự ràng buộc “hành chính”, mình sẽ có cơ hội làm thật và hưởng thật hơn.
Cảm ơn ông đã rất cởi mở với các nhà báo, các đoàn làm phim như chúng tôi?
Nếu tôi viết cái công trình của mình ra, nó cũng chỉ đến được với 0,01% dân chúng. Nhưng trái lại, nếu biết làm tốt các bài báo, các bộ phim tài liệu uy tín, ngay lập tức vài triệu người có thể nhận thông tin được ngay. Thậm chí mở rộng ra hàng trăm triệu, hàng tỷ người trên thế giới tiếp nhận, nếu như chúng còn được thể hiện bằng tiếng Anh. Chúng tôi nghiên cứu có thể rất sâu nhưng thông tin đưa ra hội nghị có khi chỉ vài trăm anh ngồi nigh là nhiều lắm. Về mấy ông dạy trong nhà trường, mỗi lớp có vài chục người nghe.
Tóm lại, ông lấy tiền ở đâu mà làm cơ sở vật chất khang trang một cách lý tưởng cho nghiên cứu, trưng bày thế này?
- Năm 2007, tiếp đồng chí nguyên Chủ tịch nước đến thăm bảo tàng của tôi ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Anh đã hỏi: Cậu lấy tiền ở đâu để hoạt động? Tôi bảo: “Anh hỏi thật em sẽ trả lời thật, anh hỏi xã giao em sẽ trả lời xã giao". Thế rồi tôi nó thật, tôi để dành tiền từ hồi sống ở Đức và bao năm làm các dự án nghiên cứu “quên mình”. Chiến lược sống của tôi từ tuổi đôi mươi đến giờ vẫn tuyệt đối tuân thủ. Có chút tiền học bổng, tôi đã chia ba: 1/3 đầu tiên cho vợ con mình. Đó là cái “đơn vị” gia đình đầu tiên của mình; bằng mọi cách chỗ đó phải yên ổn. Còn 1/3 thì chi tiêu cho chính bản thân mình. 1/3 chi tiêu cho xã hội, đó là môi trường sống của mình.
Với nguyên tắc chia 3 đó, tôi đã giữ được tiền từ lúc ở bên Đức học tập và nghiên cứu. Sau này tôi bắt đầu đăng kí đề tài làm việc với Đức, Nhật…, đều có tiền tài trợ cả. Gia đình tôi bây giờ khá ổn định, con tôi đứa ở Đức, đứa ở Thuỵ Điển rồi. Còn “1/3” tôi đem xây dựng Quỹ Phạm Huy Thông, lập bảo tàng, sưu tầm hiện vật, giúp đỡ những người trẻ yêu khảo cổ, di sản, văn hoá tiền sử.
Từ Đức, về nước, gia đình tôi mua ít đất đai. Được giá bán cũng dư nhiều, tuyệt đối tôi không bao giờ trốn thuế, kể cả khi kinh doanh bên Đức. Ví dụ, khi tôi về nghiên cứu, tôi rất mê một ngôi nhà Pháp cổ lúc đó đang là Trụ sở UBND xã ở Quảng Yên. Năm 2004 họ xây UBND xã ra vị trí mới họ bèn bán đấu giá cái nhà cũ. Một cán bộ lãnh đạo ở đó nhớ đến lần tôi trao đổi về việc Quảng Yên nên giữ những nhà cổ thời Pháp, đã cho nhân viên báo tin mời tôi tham dự đấu giá. Tôi đã mua hơn 400 triệu đồng, tôn tạo, chăm sóc, giờ có thể bán được 4 - 5 tỷ đồng.
Trở lại cái thời ông làm ở Viện khảo cổ, đi khai quật trong thời Bao cấp. Chắc là khó hình dung lắm?
- Tôi nghĩ là vài tuổi nữa, thật sự thư thái, tôi có thể ngồi và ghi chép lại, sẽ là rất hay. Hiện nay thì tôi vẫn lưu trong hệ thống bảo tàng các giấy tờ ghi chép, thanh toán, nhật kí khai quật, nhiều lắm. Như với di chỉ Hang Xóm Trại ở Hoà Bình chẳng hạn. Việc khai quật thí nghiệm của tôi năm 1982 ở Hang Xóm Trại, nó bắt đầu bằng một cái kinh phí là 1.200 đồng. Đó là kinh phí mà tôi nhận được từ Viện Khảo cổ để đi công tác cho hai người. Lúc đó chúng tôi đi bằng xe khách xập xệ lên Hoà Bình, lại một trạm nữa đến vùng Vụ Bản, sau đó đi bộ 15 km để vào Hang.
Đang làm thì lũ suối dâng cao, mà chúng tôi lại hết tiền. Trong khi đó thì kết thúc việc khai quật là phải đưa số lượng hiện vật vào khoảng 100 kg vượt suối để về Hà Nội. Tôi và đồng nghiệp là anh Hà Hữu Nga có một quyết định “táo bạo” mà đôi khi người ta có thể mượn cái đó mà kỉ luật chúng tôi. Đó là: trích ra một cuộn phim 36 kiểu để chụp ảnh cho dân. Tôi hô hào dân là ai chưa biết gương mặt mình như thế nào thì chúng tôi sẽ giúp.
Mọi người ủng hộ lắm, đón hết nhà này đến nhà kia chụp. Và mình cũng không chặt chém, chỉ lấy làm sao đủ bù lại cuộn phim cho cơ quan. Hồi ấy là năm 1982. Chụp xong cuộn phim, chúng tôi ngay lập tức lội suối (đi người không thì cố qua suối được) mang ra huyện người ta in rồi mang vào cho bà con. Từ đấy có thêm mấy trăm đồng để mà thuê 2 thanh niên mỗi người cõng 40kg hiện vật vượt dòng nước lũ. Tôi và anh Nga thì mỗi người vác chừng 20kg. Cả đoàn đi bộ ra ngoài huyện để tìm cách bắt xe khách mang về Viện Khảo cổ.
Xin hỏi, hồi đầu, nhất là khi còn trẻ, đi nghiên cứu mà liên quan đến xương cốt đầu lâu ông có thấy sợ không?
- Thực ra mỗi thời, mỗi vùng có một nhận thức về thế giới tâm linh cũng khác nhau. Có những vùng họ sợ, có vùng không. Ví dụ như khi tôi và bạn (người phỏng vấn) cùng lên hang Ma ở trên núi cao ven bờ sông Luồng, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá (với hàng trăm cỗ quan tài làm từ thân gỗ khoét rỗng treo trong hang sâu). Nghĩ lại, bà con người Thái vùng đó họ có sợ ma không? Không. Trái lại, ở đồng bằng sông Hồng, vài nhóm người lại hình thành tâm lý rất sợ “ma”. Như ở đây (Kim Bôi, Hoà Bình) thì họ cũng không sợ, như bạn thấy đấy tôi làm nhà có 4 cái mả, chả ai ngại gì cả. Cũng như trong cái nhà vừa xong ấy, ở đấy có 62 bộ hài cốt cũng trong nhà nơi chúng tôi sinh sống và nghiên cứu, chả ai sợ gì cả.
Khi mà đã làm dần quen thì thấy xương cốt “các cụ” ở đấy là cái lành. Họ cũng thân thiết với mình cả, có gì mà sợ.
Tôi – người phỏng vấn – từng viết các bài báo đầu tiên rồi dẫn ông Việt đi nghiên cứu về tục ăn đất của nhiều dân tộc ở Việt Nam, rồi tổ chức trình diễn nướng đất đá với lá ổi, lá mua rồi ăn như ăn kẹo (theo đúng nghĩa đen) tại Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội. Đi điền dã dài ngày, đu dây thừng leo lên các vách núi cao Hang Ma ở tỉnh Thanh Hoá; ở xã Suối Bàng (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) để nghiên cứu về những chiếc quan tài treo và các bộ hài cốt to lớn đặt trong các thân cây khoét rỗng. Cả chuyện ăn đất và quan tài treo trong Hang Ma đều thu hút các đoàn nhà báo, nhà làm phim theo. Tiến tới, VTV thực hiện xê-ri chương trình “Chuyện lạ Việt Nam”. Có nhiều ngày ngày, hai “ông con” thay nhau lái chiếc xe địa hình, phía sau có xương cốt người cổ, ông Việt mang về nghiên cứu mà không nỡ tiết lộ cho đứa cháu (nhà báo) hay sợ ma. Một trong những khung xương hộp sọ trắng ởn đó, sau vài năm lưu giữ trên bàn làm việc của mình, ông Việt dùng để phục dựng gương mặt tổ tiên người Việt…
Ông Việt kể:
Khi sang CHLB Đức ở đó liên tục 12 năm, tôi đã cùng phía bạn có được một số phát hiện thú vị và nhiều ý nghĩa, như: tìm ra cái vết đường cày, vết thuổng của người cổ xưa trong các di chỉ. Tiến tới, tôi tham gia với họ để tìm dấu vết, hiện vật là chất liệu vải sợi trong khu vực khai quật cổ xưa. Năm 2000, bà con ở làng Châu Can (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vét mương tìm ra các “mộ thuyền”. Khi tôi đến xem hố khai quật, anh Trịnh Sinh – phụ trách khai quật ở đó - bảo “Việt ơi lâu không khai quật, xuống giúp một tay”. Tôi xuống và cùng làm. Tôi để ý và thắc mắc:sao vải nhiều thế này mà các ông vứt đi?
Tôi xin cái bùn, họ cho. Tôi giữ được khối lượng khoảng đựng đầy một thùng mì ăn liền. Tôi định cất lên ô tô thì dân chúng không cho mang đi. Buổi trưa về xã ăn cơm, xã mời. Quay lại hiện trường thì thấy khối vải và bùn “bỏ đi” kia đã bị chọc chi chít các lỗ. Họ chọc xem có cạch cạch, tức là liệu có vàng hay không thôi, sau khi thấy êm không có thì họ cho mang đi. Và đêm hôm đó về đến Hà Nội thì tôi ngâm, tẩy, lắc ngay, và sáng sớm hôm sau tôi chứng kiến những tấm vải “bay” ra khỏi đống bùn ấy. Và bọn tôi có kĩ năng đặc biệt là dùng những tấm kính để hứng các vải sợi xưa cũ đó. Thì ngay lập tức bọn tôi có nguyên xi thứ vải khai quật mà của người thời xưa.
Bởi vì, Chử Đồng Tử nếu có thật thì nó rơi vào thời kì tại vị của ông vua Hùng Vương thứ 6. Ngôi mộ mà chúng tôi đào ấy là vào thế kỉ thứ 4 – Trước Công nguyên. Tức là gần như cùng niên đại. Từ câu chuyện đó thì mình nói lên cái câu chuyện vải của thời Chử Đồng Tử, khoảng 2.400 năm cách ngày nay. Đó cũng là Giai đoạn rực rỡ của Văn hoá Đông Sơn.
Từ các phát hiện ban đầu đó, quan trọng hơn là ông biết lập dự án và kêu gọi nhân vật lực vào hoàn thành các đề tài khoa học và thú vị, được dư luận đặc biệt quan tâm. Kéo gần các mong manh tiền sử về với đại đa số công chúng!
- Năm 2002, một năm sau đó, tôi có tham dự một hội nghị bên Đài Loan. Tại đây, một số đồng nghiệp danh tiếng ở Đại học Quốc gia Úc nghe báo cáo về “vải sợi” của tôi, thì ngay lập tức họ mời tôi cùng xây dựng một đề tài là nghiên cứu vải của văn hoá Đông Sơn. Họ theo tôi về di chỉ Động Xá (tỉnh Hưng Yên) khai quật.
Sau này, thí nghiệm, có những lúc tôi còn lấy được nguyên những quả như quả quýt cúng. Người chết được cúng vào mộ khi chôn. Chúng giống quả thảo quả, hay quả dâu da. Nó còn mọng, nguyên hình hài. Kỹ thuật quan trọng là việc mình tách bùn, ngâm trong một môi trường nước ổn định (tương đương với môi trường dưới mộ khai quật) thì chúng ta tiếp tục giữ được chúng mãi mãi. Cho đến hiện nay tôi vẫn còn đang giữ được một quả đến từ hai nghìn năm trước đó. Cứ mỗi tuần phải thay nước một lần, nếu không, nó sẽ hỏng. Từ 2004 đến nay, đã trải qua khoảng hơn 830 lần chúng tôi phải thay nước rồi.
Đề tài này, nó cứ tiếp tục đẩy tôi đi. Ví dụ khi có cái đó thì tôi đăng kí các tài trợ của Nhật Bản và họ lập tức cho ngay. Với điều kiện là tôi phải sang Nhật báo cáo kết quả. Thế là tôi bê nó sang Nhật để rồi cũng lại gặp được những chuyên gia Nhật trong cùng lĩnh vực này. Tình cờ, một lần tôi báo cáo ở ĐH Quốc gia Hà Nội về “vải sợi Đông Sơn”. Trước sức “hút” của vấn đề, riêng ĐH Quốc gia đã hỗ trợ thêm 50 triệu đồng để tiếp tục nghiên cứu.
Sau này có một tấm vải thật mang tên “Khố Chử Đồng Tử” để các ông đưa cho các cơ quan chức năng công nhận là “bảo vật”?
- Bắt đầu báo chí có rộ lên “Khố Chử Đồng Tử” là dịp chị Nguyễn Thị Xuân Mỹ - Chủ tịch của Hội Bảo trợ Trẻ mồ côi và Người tàn tật Việt Nam có mời tôi tham dự buổi lễ ra mắt và quyên góp tiền cho các hoạt động nhân đạo. Lúc ấy bọn tôi cũng không có tiền, tôi đề nghị là “em có sản phẩm mới là một miếng vải mà ta có thể gọi nó là cái vải thời Chử Đồng Tử hoặc là ta gọi là cái khố của Ngài.
Chúng tôi đã tặng “khố Chử Đồng Tử” cho Quỹ đó. Họ tổ chức đấu giá “bảo vật” này.
Ông Việt kể:
Cách đây 3-4 tháng tôi tiếp 30 Biên tập viên của Tạp chí Hàng không Heritage (Việt Nam Airline). Tôi có kể một chuyện, là khi tôi viết trên Heritage về những bức tượng thời văn hoá Đông Sơn với việc người ta yêu nhau. Chúng tôi có một series tượng thời Đông Sơn, thanh niên nam nữ ôm nhau rồi thực hiện hành vi tính dục ngay trên… Thạp Đào Thịnh – như chúng ta biết chẳng hạn (thờ sinh thực khí nam, nữ và thờ cả hành vi giao phối). Tôi nảy ra cái ý: tôi nói là là “Tình yêu trên (chất liệu) đồng” cho cái đề tài đó. Cái tên dịch ra tiếng anh là “Bronze love” còn hay hơn.
Trong đó đoạn kết tôi nói: đồng chỉ nóng chảy ở 1.300 độ C, thế nhưng cái hơi nóng đó từ thời Đông Sơn đến nay vẫn còn. Dẫu đã 2-3.000 năm trôi qua.
Bất chợt có một đoàn sinh viên do một Giáo sư người Nhật dẫn đầu đi trên máy bay đọc được bài đó (viết bằng tiếng Anh, đặt trên mỗi lưng ghế trên máy bay). Xuống sân bay thì công ty du lịch ra đón. Họ đang đi thực hành một cái đề tài gọi là “Tình người” để quan sát tình người trên toàn thế giới, cái gọi là “Human love” đó. Là tình con người với nhau. Đó là đề tài của trường đại học Osaka. Thế thì ông Giáo sư này bất ngờ đọc, xuống sân bay ông không về khách sạn vội mà nói với hướng dẫn viên du lịch là hãy tìm giúp ông tác giả của bài viết này. Họ đến thẳng nhà tôi trước khi đến khách sạn.
Trở lại câu chuyện ông “phục dựng” gương mặt của tổ tiên người Việt đến từ hơn 2.000 năm trước - thời kỳ Đông Sơn. Báo chí, truyền hình trong nước và quốc tế đã đăng tải công trình đặc biệt của ông. Vậy, đâu là căn cứ khoa học để ông “gặp” được cụ bà 2.000 năm tuổi đó?
- Vào khoảng những năm 1955 đến 1965 là thời kì cả thế giới sôi động với “phát kiến khổng lồ” của Giáo sư Gerasimov của Nga. 11 tuổi ông đã thích mày mò về xương xẩu quanh nhà. Lớn lên ông ấy xin vào nhà xác để làm việc. Bởi vì khi ở nhà xác thì ông toàn quyền với những xác chết và phương pháp nghiên cứu của ông ấy rất thủ công. Lấy các kim châm nhúng vào dầu luyn sau đó cắm vào mặt người chết trong nhà xác. Chọc nó sâu cho kịch đến xương thì ông rút ra để đo đếm và ghi chép. Và với hàng nghìn cái kim đâm như thế ông tìm được ra quy luật: “độ sâu” từ da mặt vào “kịch” đến xương ở khu vực mũi là bao nhiêu, má là bao nhiêu. Gerasimov thực hành phục dựng được gương mặt người ta từ xương sợ một cách rất chính xác.
Vậy ông đã mang cái hộp sọ từ đâu về để phục dựng gương mặt cho “họ”?
- Vào năm 1997, ở Hưng Yên, người ta đào mương có tìm ra tới 70 cái quan tài. Và bảo tàng theo thói quen cũ chỉ nhặt những gì cưng cứng (rìu, giáo đồng). Còn xương và các phần mủn nát thì cho vào tiểu. Năm 2004 khi về khai quật ở đây, tôi quyết định cùng bảo tàng và chuyên gia Úc khai quật lại các tiểu quách đó. Chúng tôi lấy được toàn bộ di cốt và vải. Ở đây mở rộng thêm là ở các bảo tàng địa phương, rất nhiều bảo tàng không có điều kiện để bảo quản, giữ các xương cốt cổ xưa. Một là tâm linh, nhiều bảo tàng cán bộ sợ ma. Có xương là đem chôn lại cho… lành. Thêm nữa, họ không có kinh phí.
Bảo tàng Hưng Yên, nghe tôi trình bày là xin đem xương cốt người cổ về Hà Nội, thì họ bảo: thôi thì anh cứ giúp bọn em. Như thế là tốt nhất.
Ông đã mang nhiều hộp sọ về nha, về cơ quan mình và “nghiền ngẫm”, thai nghén ý tưởng ra sao?
- Tôi có chọn ra 5 cái sọ tốt, đủ thành phần, lứa tuổi, tập trung dựng. Hiện nay ta đang có 5 “chân dung” đó.
Ví dụ như chúng ta chỉ nhìn thấy xương, bày trong kia răng nhe ra trong bảo tàng cũng không phải hay. Chi bằng là trong đó có một gương mặt mà rất nhiều người sẽ nhận ra giống mình, hay bạn mình, vì là tổ tiên mình cả. Đó là nguyện vọng của tôi. Sau khi dựng được thân thể thì mặc quần áo cho người ta. Vải có rồi, mẫu quần áo cũng có. Tôi cảm thấy, nó không phải cái gì cũng thăm thẳm như huyền thoại hay cổ tích mà nó gần với sự thực lắm.
Ngày đầu tiên gương mặt tổ tiên người việt hiện ra, ông có xúc cảm về tâm linh tình cảm hay chỉ đơn thuần khoa học thôi?
- Khi mình đi đào khảo cổ đến hàng mấy chục năm, trải qua vài ba trăm ngôi mộ, lúc nào bản thân tôi cũng muốn gần với họ (người dưới mộ) hơn. Hiểu xem họ thế nào, càng chi tiết với gương mặt, trang phục, trang sức, vũ khí thì càng tốt.
Tôi nhớ như in cái lúc đó, ăn cơm xong, tôi lên chọn chân dung mà tôi cho là của một cô gái 18-20 tuổi (khi chết). (Chứ đến nay, nếu còn, “bà cụ” đã hơn hai nghìn tuổi!). Tôi đoán được tuổi cô ấy, lý do đơn giản, là cái răng khôn chưa hoàn chỉnh. Chọn ra để đo sọ và đặt phần “thịt” vào theo các chỉ số tương quan. Lúc đó khá thuận tiện là tôi mang về được 10kg đất sét Đan Mạch, rất đặc biệt. Nó mềm khi gặp nhiệt độ cơ thể (khi ta cầm nắm ở tay ta), để mình tạo hình, rời khỏi tay – đắp vào đâu đó – là nó cứng. Tôi làm khá nhanh. Tìm ra 21 chỉ số cho các phần mềm của cô này, sau đó đắp vào thôi. Và đắp đến đâu thì chân dung cô ấy bắt đầu hiện ra đến đấy.
Mới đầu là trán. Lông mày, mắt. Mắt bà thì tôi lấy một quả bóng bàn cho vào trong. Mũi mình đo chỉ số theo công thức và đưa dần lên. Chân dung “cô” ấy hiện ra. Đấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy chân dung của một phụ nữ cách đây hơn 2.000 năm.
Như vậy, không chỉ là câu chuyện nhà khoa học đi đào mấy trăm cái mộ mà còn là câu chuyện tâm linh của một người là con cháu các cụ?
- Đúng vậy! Nếu như bây giờ các bạn thử xem, ít năm nữa mình qua đời, thì thái độ của chúng ta đối với những người lấy xương mình (cùng 61 bộ xương/di cốt khác) về trân trọng bảo quản theo nguyên tắc và đẳng cấp bảo tàng quốc tế, rồi nghiên cứu – trong khi mà đã rất lâu, hơn 2.000 năm rồi, không ai biết mình là ai; bằng phẳng, không ai cúng bái cả.. – lúc ấy linh hồn bạn sẽ nghĩ sao? Sẽ nghĩ sao khi các vị nhà khoa học bắt đầu lấy xương bạn lên, ngâm tẩm sạch sẽ, xếp vào hộp và thỉnh thoảng đem ra lau chùi. Mày mò nghiên cứu vài chục năm nữa, họ ấp ủ mãi mới dựng lên được cái chân dung đích thực của bạn. Rồi thỉnh thoảng thắp một nén nhang.
Đó là lý do, mà trong tôi luôn dạy nhân viên ở đây “không sợ ma”.
Câu chuyện phục dựng “nỏ thần An Dương Vương” của ông đã được bắt đầu như thế nào?
- Khi đào được mũi tên đồng ở thành Cổ Loa, chúng tôi đã tự hỏi: họ bắn bằng cái cung hay cái nỏ, hình dáng “vũ khí cổ” đó ra sao? Ngành Bảo tàng, ngành nghiên cứu vũ khí cổ, họ có trách nhiệm phải trả lời với bà con câu hỏi này. Đó là việc của anh Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang, lúc ấy là Giám đốc Bảo tàng. Thế là họ có nhu cầu tìm đến tôi, người mà họ tin rằng có khả năng làm được những cái đó.
Ý tưởng này của tôi đã nung nấu từ lâu. Hồi đi bộ đội, tôi có hai chức năng một là người làm sử, hai là nguời lính chiến sỹ cầm súng. Vì thế, tôi đã bắt đầu nghiên cứu về vũ khí. Nhất là khi tiến hành viết cuốn sách “Quân thuỷ trong lịch sửchiến tranh chống ngoại xâm”. Sau này về Viện Khảo cổ, tôi nghiên cứu và tìm được cái lát cắt thú vị. Vào thế kỉ thứ 3-4 Trước CN, thì thế giới đã đạt được công nghệ chế tạo vũ khí (trong đó có nỏ) ra sao. Khảo sát cả hiện vật dạng vũ khí đào được trong mộ Tần Thuỷ Hoàng, rồi các mộ khác nhau nữa tương đương thời An Dương vương. Tôi học được kiến thức về các máy bắn đàn hồi của vùng Địa Trung Hải.
Từ đó, tôi có cơ sở khoa học để trình diễn rằng: nếu vào thời kì đó, thì cái nỏ nó phải như thế nào. Đặc biệt là toàn bộ truyền thống làm nỏ của vùng Đông Nam Á ra sao.
Sau đó là các đợt đào được nhiều mũi tên rồi khuôn đúc mũi tên đồng. Đây là lúc dùng khoa học công nghệ thôi. Khi đào được mũi tên rồi thì anh cân cái mũi tên lên. Trọng lượng của mũi tên bao nhiêu, thì cái cán của nó sẽ dài tương ứng. Trên thế giới, có phải vài chục cái kiểu nỏ, từ cổ chí kim, tôi tham khảo hết.
Với tất cả những tài liệu được gộp lại đó. Chúng tôi có trách nhiệm phải trình bày thuyết phục được anh Lê Mã Lương, rồiViện Bảo tàng Vũ khí. Sau này, cả bên Tổng Cục Kỹ thuật của Bộ Quốc Phòng cũng về Kim Bôi này bắn thử nỏ đó. Ít nhất nó bắn dược 5 mũ tên cùng lúc. “Nỏ thần” sau này được đưa tham dự và đoạt giải Nhì, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (Vifotec). Bản gốc đang trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Niềm vui nho nhỏ hôm nay của ông là gì?
- Là tôi video call với các con. Đứa Con trai ở Đức rất vui, lại có biệt thự ở Tây Ban Nha khoe con mèo mới đẻ con nào cũng khoẻ, có video kèm theo trực tiếp… Cô con gái ở Thuỵ Điển quay cảnh trèo cây với con gái Maya. Tôi thì về ATK lánh xa Cô Vy (COVDI-19). Và bạn lên ta nhắc lại các chuyến đi dài rừng rú với nhau.
Ông cũng không còn trẻ nữa, cơ nghiệp mênh mông các dự án về thời tiền sử này rồi sẽ đi về đâu?
- Làm sao mà lo được. Cũng không nên lo. Cứ làm hết mình và vui với niềm vui hôm nay đã. Phía trước, khi tađã qua đời, làm sao mà lo được.
Ông có tin vào thế giới tâm linh?
- Có chứ. Tôi có bàn thờ sơn thần tổ địa, tổ tiên, người thân... Bên này là bàn thờ các hiện vật tiêu biểu đến từ các nền văn hoá khác nhau. Cái linh-ga bằng đá từ Chăm Pa, báu vật thời Đông Sơn, mũi tên đồng cổ xưa, chuôi dao găm mấy nghìn năm tuổi. Rồi đây, khoa học có thể sẽ lý giải được các hiện tượng tâm linh mà chúng ta đang tin hoặc không tin bây giờ.
Ông nói được bao nhiêu ngôn ngữ?
- Tiếng Anh tiếng Đức có thể nói và nghe tốt. Tiếng Nga, tiếng Pháp thì tôi đọc tốt. Tiếng Trung tôi đọc văn bản trực tiếp được. Khi còn trẻ Tôi được GS Hà Văn Tấn dạy nhiều mẹo học ngoại ngữ. Ví dụ khi ngồi trên tàu ở Scandinavia, tôi thấy báo của người Đan Mạch bày ra đó, tại sao mình không đọc nhỉ? Nó là ngôn ngữ Bắc Âu, tiếng ấy nó trộn một phần tiếng Đức và một phần tiếng Anh. Thế thì mình đọc đến 70% được. Hay lên Hà Giang, lúc đi chợ thì đó là một cái tổng hoà ngôn ngữ. Đủ người Mông, người Tày, Nùng, Lô Lô, Pu Péo… họ nghe và hiểu nhau được rất nhiều.
Chân thành cảm ơn Tiến sĩ, với cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.