Một ngày cuối tuần, tôi được nhà văn hẹn tới thư phòng của anh để thực hiện buổi phỏng vấn cho chuyên mục "Dân Việt Trò Chuyện". Căn phòng rộng chừng hơn 20m2, xung quanh rất nhiều sách, đặc biệt tủ kính ngay cửa chính đầy ăm ắp hàng vạn lá thư tay, hàng trăm cuốn nhật ký được sắp xếp ngăn nắp.

Nhà văn Đặng Vương Hưng mở một ngăn tủ, lôi ra một xấp thư, trong đó có những lá thư đã ngả màu, có những lá thư còn mới… các địa chỉ đến từ khắp nơi trên dải đất hình chữ S.

Nhà văn Đặng Vương Hưng- Tôi còn mắc nợ đồng đội, gia đình liệt sĩ nhiều lắm!

Tôi còn mắc nợ đồng đội, gia đình liệt sĩ nhiều lắm! (Bài 1) - Ảnh 1.

Xin chào nhà văn Đặng Vương Hưng, anh là người từng cấm súng chiến đấu để bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Vừa qua ngày giỗ trận Vị Xuyên là ngày 12/7, chắc hẳn những ngày này anh rất nhớ những đồng đội của mình?

- Những ngày này, lòng tôi luôn nặng trĩu những nỗi đau, bởi vẫn còn hàng ngàn người lính đã hy sinh chỉ cách thủ đô Hà Nội vài trăm km, nhưng vẫn chưa thể tìm thấy hài cốt, chưa đưa được tất cả các anh về nghĩa trang nơi quê nhà.

Tôi còn mắc nợ đồng đội, gia đình liệt sĩ nhiều lắm! (Bài 1) - Ảnh 2.

Nỗi đau thứ hai với tôi trong những ngày này là dù cuộc chiến đã lùi xa 41 năm nhưng rất nhiều địa phương, những người lính trực tiếp tham gia chiến đấu biên giới phía Bắc dường như chưa được quan tâm, chưa được xã hội biết và nhắc đến. Đây là một thực tế rất đau xót mà mỗi lần nhắc đến chúng tôi lại khóc.

Tháng 7/2019 nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới thắp hương tại Đài tưởng niệm 468 ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Sau đó, dường như các cựu chiến binh tham gia cuộc chiến này mới được quan tâm hơn. Vị Xuyên là nơi đầu tiên được công nhận và được thành lập Ban liên lạc cựu chiến binh toàn quốc Mặt trận Vị Xuyên do Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy làm Trưởng Ban liên lạc.

Tuy nhiên, ngoài Ban liên lạc cựu chiến binh toàn quốc Mặt trận Vị Xuyên được thành lập và biết đến thì đến thời điểm hiện tại một số tỉnh, thành phố, địa phương chưa có thêm ban liên lạc hay hoạt động mang tính đoàn thể nào. Họ tự lập ra các câu lạc bộ, hội đồng ngũ để có cớ gặp mặt nhau. Là người lính từng tham gia trực tiếp tại chiến tranh biên giới phía Bắc, tôi và hàng vạn người lính khác rất buồn về điều đó.

Mới đây, chỉ đến khi Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy ra mắt cuốn sách "Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên" thì nhiều người mới biết chi tiết hơn về sự khốc liệt của cuộc chiến này.

"Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc bắt đầu từ ngày 17/2/1979 thực chất đã kéo dài trong 10 năm. Riêng Mặt trận Vị Xuyên ác liệt nhất trong 5 năm. Nếu như ở lần thứ nhất, Trung Quốc đưa 60 vạn quân vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam từ ngày 17/2 đến ngày 18/3/1979, thì chỉ trong 5 năm, bắt đầu từ ngày 28/4/1984, Trung Quốc lần lượt huy động tới hơn 50 vạn quân lấn chiếm biên giới Vị Xuyên (tỉnh Hà Tuyên cũ, nay là Hà Giang).

Cuộc chiến tại huyện Vị Xuyên luôn ở thế trận giằng co, xen kẽ, cài răng lược, 1 ngày hai bên có thể đánh nhau 2-3 lần. Làng Pinh trở thành cột mốc. Từ làng Pinh trở về thị xã Hà Giang là cuộc sống bình thường, không có tiếng súng. Từ làng Pinh trở lên mới có chiến tranh giáp biên giới".

Chúng tôi tham gia chiến đấu từ giữa tháng 5/1980 cho đến khi kết thúc chiến tranh. Gần 10 năm chúng tôi chịu sự dẳng dai, khổ sở, đau đớn, nặng nề vì chiến tranh biên giới mà không được biết và nói đến.

Những người cựu chiến binh trải qua gian khổ, thiếu thốn, những mất mát, hy sinh nhưng giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa tới 41 năm, họ đã già, bước sang bên kia của con dốc cuộc đời. Quỹ thời gian của họ cũng không còn nhiều, tôi mong rằng, bằng cách nào đó, nhà nước quan tâm hơn nữa với những chính sách cụ thể, được xã hội, nhân dân nhìn nhận.

Tôi còn mắc nợ đồng đội, gia đình liệt sĩ nhiều lắm! (Bài 1) - Ảnh 3.

Hàng năm cứ tới những ngày kỷ niệm cuộc chiến biên giới phía Bắc, anh và đồng đội thường làm gì?

- Chúng tôi vẫn thường xuyên cùng nhau lên nghĩa trang biên giới phía Bắc để thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vào những dịp như tháng 2, tháng 3 hay 27/7. Đặc biệt, riêng lính Vị Xuyên còn có ngày 12/7 mà những người lính như chúng tôi hay gọi chung là "ngày giỗ trận". Bởi đây là ngày quân mình hy sinh nhiều nhất.

Cuộc chiến đã kết thúc hơn mấy chục năm rồi, nhưng vẫn còn tới hàng nghìn anh em đã ngã xuống nằm dưới khe núi đất đá vùi lên. Đến thời điểm hiện tại bom mìn vẫn dày đặc ở đó nên chưa tìm được hài cốt các anh.

Vừa qua chúng tôi - những người lính tham gia cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã lập nên trang Facebook mang tên "Trái tim người lính" để những cựu chiến binh tham gia tại cuộc chiến này có thể giao lưu, liên lạc cùng nhau. Để trái tim đến với trái tim.

Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, Đảng và Nhà nước vẫn luôn quan tâm tới chính sách hậu phương quân đội. Nhưng những cựu chiến binh của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn chưa được quan tâm xứng đáng với sự hi sinh mất mát mà anh em từng cống hiến.

Đầu năm nay chúng tôi dự định tổ chức một cuộc gặp gỡ với những người lính tham gia hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, đồng thời chúng tôi cũng đã có ý tưởng sẽ mời các cựu chiến binh Trung Quốc cùng tham dự. Tuy nhiên vì dịch Covid-19, nên hoạt động này dự kiến sẽ lùi sang năm 2021.

Năm 2021 chúng tôi sẽ ra mắt cuốn sách "Trái tim người lính" tập đầu tiên. Đây sẽ là cuốn sách đăng tải những lá thư và nhật ký của các cựu chiến binh đã tham gia trực tiếp tại cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Cuốn sách sẽ sẽ mang đậm chủ để cuộc sống tình cảm của những người lính, về hậu phương, những câu chuyện về tình cảm gia đình, tình yêu....

Tôi còn mắc nợ đồng đội, gia đình liệt sĩ nhiều lắm! (Bài 1) - Ảnh 4.

Thưa nhà văn, không chỉ là một cựu chiến binh, anh còn là nhà văn, cây bút đã gần 20 năm đi sưu tầm và biên soạn những cuốn sách về lá thư, nhật ký của anh hùng liệt sĩ và cựu chiến binh. Cơ duyên nào đưa anh tới với công việc này?

Tôi còn mắc nợ đồng đội, gia đình liệt sĩ nhiều lắm! (Bài 1) - Ảnh 5.

- Thời gian còn công tác tại báo Công an Nhân dân, tôi nhận ra, khi viết những bài về chiến tranh, nếu mình đưa những câu chuyện, đặc biệt là những kỷ vật của liệt sĩ vào trong bài, ví dụ như là thư tay, những trang nhật ký vào bài viết thì bài viết mang tính thuyết phục rất cao.

Rồi một cú hích nữa khiến tôi quyết định làm công việc này, đó là giữa năm 2004, tôi tiếp một người Mỹ. Anh ta là một nhà sưu tầm thư sau chiến tranh. Khi giúp đỡ người cựu chiến binh này, tôi chợt nghĩ, một cựu chiến binh Mỹ đã đi nửa vòng trái đất, đến với Việt Nam chỉ một mục đích duy nhất là sưu tầm những lá thư chiến tranh. Vậy với mình thì sao, trên chính mảnh đất đã trải qua các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, tại sao mình không sưu tầm?

Với suy nghĩ như vậy tôi đã khởi xướng cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách "Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam", được đăng trên báo An ninh Thế giới và nhiều tờ báo khác.

Thời điểm đầu thực hiện lời kêu gọi sưu tầm các lá thư, sự ủng hộ như thế nào thưa anh?

- Hồi đó mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ, chủ yếu qua thư và điện thoại. Khi báo An ninh Thế giới đăng tin về việc sưu tầm lá thư và nhật ký của người lính, đồng thời cộng hưởng được các báo bạn ủng hộ, điều bất ngờ cho nhóm sưu tầm, chỉ sau đúng 1 tháng kêu gọi chúng tôi đã nhận rất nhiều lá thư. Đặc biệt rất nhiều cuốn nhật ký cũng đã được gửi đến cho tôi.

Bất ngờ hơn nữa tôi còn nhận hàng chục cuộc điện thoại mỗi ngày, thậm chí có cả những cuộc gọi vào lúc nửa đêm. Tôi nhớ một cựu chiến binh đã gọi vào lúc 2h sáng, cụ đã trao cho tôi 500 bức thư. Hay cuộc gọi của cựu Anh hùng quân y - Tạ Lưu cũng vào lúc nửa đêm. Tính ra năm nay ông Tạ Lưu cũng khoảng gần 90 tuổi rồi.

Ngày đó, ông Tạ Lưu kể tôi nghe chuyện tình của ông và người yêu, bây giờ là vợ ông. Ông là đại tá quân y phụ trách một bệnh xá trên đường Trường Sơn và yêu một người con gái tên Nhu. Tình yêu của hai ông bà rất đẹp, rất hạnh phúc, nhưng cũng không tránh khỏi những giận dỗi, vui buồn. 

Rồi ông kể chuyện ông chữa bệnh cho các chiến sĩ thương binh, chuyện ông đi Liên Xô, máy bay đánh phá thế nào… những câu chuyện như vậy liên hồi không dứt cho tới khi trời sáng.

Tôi còn mắc nợ đồng đội, gia đình liệt sĩ nhiều lắm! (Bài 1) - Ảnh 6.

Thưa nhà văn trong công cuộc đi tìm những lá thư, cuốn nhật ký, chắc hẳn anh có những kỷ niệm xúc động?

- Nói là xúc động và ấn tượng thì thực sự tôi gặp nhiều lắm. Tôi nhớ câu chuyện của một bà cụ ở Vân Hồ, Hà Nội. Cụ đã mất được vài năm rồi. Hồi đó, cụ đã già yếu lắm, nên đắn đo mãi rồi mới quyết định trao những lá thư của con trai cụ cho tôi.

Tôi còn mắc nợ đồng đội, gia đình liệt sĩ nhiều lắm! (Bài 1) - Ảnh 7.

Cụ đã điện thoại cho tôi và nói: "Tôi có mấy lá thư muốn chuyển giao cho các anh", tôi nói cụ gửi thư qua địa chỉ này. Nhưng cụ bảo, nhà tôi gần đây, mời anh hôm nào qua nhà tôi trò chuyện, vì tôi mắt kém không viết được nữa. Khi tôi đến cụ mới cho biết, những lá thư đó của người con trai duy nhất của cụ đã hy sinh trong chiến trường. Sau một hồi trò chuyện và nói về mục đích sưu tầm lá thư, cụ nói với tôi: "Tôi mời anh đến chỉ để trò chuyện vậy thôi. Những lá thư của con tôi, tôi đang để trên bàn thờ kia. Còn chuyện chuyển giao thư thì phải để tôi suy nghĩ đã".

Sau lần đó, cụ điện thoại cho tôi, nhưng khi tôi đến cụ lại từ chối không tiếp với lý do bị ốm. Khi ra về tôi cứ suy nghĩ mãi, tại sao cụ mời mình đến nhưng rồi lại không tiếp, công việc mình đang làm cụ cũng đã hiểu, vậy vì lý do gì mà cụ không muốn giao thư.

Thế rồi lần thứ 3, cụ tiếp tục điện thoại và hẹn tôi đến. Khi tôi đến, cụ rưng rưng nước mắt nói với tôi: "Xin lỗi đã làm phiền anh, sở dĩ hai lần tôi từ chối chuyển giao những lá thư bởi đó là tất cả những di vật còn sót lại của con trai tôi. Nhưng bây giờ sức khoẻ tôi đã yếu, tôi không còn sống được bao lâu nữa, nên tôi nghĩ mình cần phải chuyển giao những lá thư này, di vật của con tôi cho những người sưu tầm để các thế hệ mai sau còn biết đến".

Nói xong cụ dẫn tôi lên tầng hai, nơi có bàn thờ và những lá thư của anh. Cụ thắp nén hương, cụ khấn và nói với con trai tâm nguyện của cụ, rồi run run cụ trao cho tôi những lá thư đó.

Sau hôm đó, tôi nhận ra, những lá thư hay cuốn nhật ký của những người liệt sĩ đó là di vật vô cùng quý giá đối với người thân, gia đình họ. Dường như những kỷ vật đó không chỉ đơn giản là kỷ vật mà nó đã trở thành di vật, nó thể hiện sự hiện hữu của họ, cho gia đình họ một cảm giác vẫn luôn có con trai, hay chồng, vợ, anh chị, em của họ sẽ vẫn luôn sát cánh và ở cạnh họ. Không dễ gì để họ rời xa những di vật ấy, chỉ đến khi họ cảm thấy không giữ được, hay sẽ không còn có thể sống lâu được nữa thì họ mới trao những di vật đó tới nơi mà họ tin tưởng nhất.

Một kỷ niệm nữa trong việc thuyết phục các gia đình trao gửi những di vật của các liệt sĩ, đó là gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và cuốn nhật ký của anh.

Một lần, người anh trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã hé lộ cho tôi: Gia đinh đang lưu giữ một cuốn sổ tay nhật ký của liệt sĩ, nhưng vì riêng tư, nên chỉ muốn lưu hành nội bộ. Thế rồi, tôi đã thuyết phục, phân tích ông mới đồng ý cho tôi đọc nhật ký đó.

Thật bất ngờ khi đọc, tôi nhận thấy đây là cuốn nhật ký với rất nhiều thông tin điển hình.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là một người học giỏi văn và toán nên viết rất hay, khúc triết và rõ ràng. Trong cuốn nhật ký của liệt sĩ đã nhắc tới nhiều nhân vật nổi tiếng như các nhà thơ Phạm Tiến Duật; Trần Đăng Khoa; Hoàng Nhuận Cầm…

Sau khi đọc xong, tôi nói ý định với gia đình muốn làm cuốn sách. Ban đầu người anh của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc không đồng ý, vì cho rằng, cuốn nhật ký không có gì ngoài sự riêng tư, cá nhân. Tôi đã phải rất nhiều lần thuyết phục gia đình mới đồng ý cho tôi biên soạn và ra mắt cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi".

Tôi còn mắc nợ đồng đội, gia đình liệt sĩ nhiều lắm! (Bài 1) - Ảnh 8.

Tôi còn mắc nợ đồng đội, gia đình liệt sĩ nhiều lắm! (Bài 1) - Ảnh 9.

Những ngày tháng đầu khi đọc hàng vạn bức thư, hàng trăm cuốn nhật ký, chắc hẳn với anh không dễ dàng?

- Vâng, khi những lá thư, các cuốn nhật ký ùn ùn đổ về tôi vô cùng xúc động. Có những lá thư đã nhuốm màu máu, có lá thư bị cháy xém một góc, hay có trang nhật ký thì vẫn còn găm vết đạn… tôi biết tất cả những kỷ vật đó vô cùng thiêng liêng với họ, và cũng là di vật quý giá đối với gia đình người thân.

Những ngày tháng đó, ban ngày tôi vẫn phải đảm bảo công việc chính của mình là làm báo, khi đêm xuống tôi mới tranh thủ công việc riêng của mình. Tôi là người cẩn thận, từng lá thư, trang nhật ký tôi đều đọc kỹ để hiểu và nhận định cho chuẩn xác những thông tin mà họ viết trong đó. Bởi nhật ký thường thường các người lính sẽ hay viết tắt một phần để không bị lộ bí mật, một phần cũng vì không đủ giấy để viết, có những cuốn nhật ký nhỏ chỉ bằng bao diêm.

Người lính ghi rất tiết kiệm, thậm chí ghi bằng mật danh. Ví dụ như viết tắt của chữ A có nghĩa là trung đội; B là tiểu đội; C là tiểu đoàn. Hay có những ký hiệu về vũ khí, ký hiệu về trận đánh, về đồng đội, ký hiệu viết về tâm trạng cảm xúc, vui, buồn… tất cả những điều đó tôi đều phải đọc kỹ để biết mình cần biên soạn ra sao, sắp xếp sử dụng như thế nào, để từ cuốn sổ tay "chết" trở thành tác phẩm "sống động" có số phận riêng.

Mỗi đêm tôi bắt đầu đọc và công việc biên soạn từ 20h cho đến 2, 3h sáng mới đi ngủ. Khi đọc, tôi như mê đi, chìm đắm vào trong từng con chữ, từng câu chuyện. Thậm chí nhiều đêm đang mê mải, bất chợt tôi cảm giác có một luồng gió lạnh sau gáy, như có ai đó đang đứng sau lưng để nhắc nhở hay mách bảo cho tôi.

Nhiều tháng trời tôi sống như vậy, khiến người nhà cảm thấy lo ngại. Tôi chợt nhận ra, nếu mình cứ làm việc về đêm với những di vật như vậy, luôn bị ám ảnh, sẽ không đủ sức khoẻ để tiếp tục công việc biên soạn. Sau đó tôi đã phải tự lên lịch, dặn mình không được làm việc ban đêm nữa mà chuyển sang làm việc ban ngày.

Tôi còn mắc nợ đồng đội, gia đình liệt sĩ nhiều lắm! (Bài 1) - Ảnh 10.

Tôi còn mắc nợ đồng đội, gia đình liệt sĩ nhiều lắm! (Bài 1) - Ảnh 11.

Như trước đó anh từng chia sẻ, sẽ tôn trọng tối đa sự thật trong các cuốn nhật ký, kể cả những mảng tối của chiến tranh?

- Vâng, chúng tôi thống nhất khi soạn thảo cuốn nhật ký của các liệt sĩ chúng tôi sẽ tôn trọng tối đa văn bản gốc, như cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc - "Mãi mãi tuổi hai mươi" hay như nhiều cuốn khác.

Tôi còn mắc nợ đồng đội, gia đình liệt sĩ nhiều lắm! (Bài 1) - Ảnh 12.

Nhật ký và thư có một đặc điểm là nói lên đúng tâm trạng của người viết. Đặc biệt là nhật ký, bởi khi viết ra những điều thầm kín, những tâm sự của chính mình, họ viết cho chính họ chứ không phải viết để tuyên truyền, nên tất cả những trang nhật ký đó đều rất thật, kể cả các mảng tối của chiến tranh cũng được viết ra.

Ví dụ như cuốn nhật ký của liệt sĩ Trần Duy Chiến đã nói về những tật xấu của người Tiểu đội trưởng có tên Đại Bảng. Người Tiểu đội trưởng này được liệt sĩ Trần Duy Chiến nhắc đến là một người không rộng lượng, hẹp hòi hay soi mói, kiếm cớ bắt lỗi với các chiến sĩ.

Hay như trong cuốn nhật ký "Tài hoa ra trận" của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân, anh đã viết có những anh lính vì không chịu được khó khăn gian khổ trên đường hành quân, đã đào ngũ… hay có người vì hèn nhát mà chiêu hồi giặc, nhưng vì đêm tối nên đã tìm đến chiêu hồi nhầm vào một đơn vị dân quân Gio Linh.

Thậm chí còn có cả một cán bộ đại đội nói rất hay, báo cáo thành tích giỏi, nhưng lại hèn nhát, chạy trốn và gian dối trong chiến đấu. Có những chiến sĩ còn trẻ đã nhớ nhà đến phát khóc, sợ run rẩy và tái mặt khi lần đầu lâm trận…

Điều này cho ta thấy những giá trị, sự thật không thể thật được hơn nữa, đòi hỏi người biên soạn phải đọc kỹ để hoà vào cảm xúc với người viết để biên soạn cho chính xác. Tuy nhiên cũng có những thông tin quá riêng tư hoặc vô tình xúc phạm một ai đó quá rõ thì chúng tôi cũng sẽ lược bớt đi.

(Còn nữa)


img
img
img
img

Tôi còn mắc nợ đồng đội, gia đình liệt sĩ nhiều lắm! (Bài 1) - Ảnh 14.

Tôi còn mắc nợ đồng đội, gia đình liệt sĩ nhiều lắm! (Bài 1) - Ảnh 15.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem