Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ông đúng giờ như một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ và lịch lãm như một quý ông. Hẹn ông 15h chiều. 15h kém 5, khi chúng tôi vừa bước ra khỏi cửa thang máy, đã thấy ông đứng chờ sẵn đó, bàn tay chìa ra rộng mở cùng nụ cười trên môi. Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đón chờ những đồng nghiệp bằng tuổi con cháu mình một cách trọng thị nhưng cũng rất thân tình như vậy.
Và giờ đây, người tiền bối của thế hệ chúng tôi ngồi đó trong căn phòng làm việc gọn gàng và ấm cúng, hào hứng hồi tưởng lại những ký ức của 46 năm về trước. Nhìn phong thái của ông, ít ai có thể nghĩ ông đã sắp bước tới ngưỡng cửa tuổi 80. Vẫn chất giọng hào sảng, cái khoát tay quyết liệt và nhất là cái sự "tham công tiếc việc", nỗi luyến tiếc vì "còn quá ít thời gian" thể hiện trong suốt câu chuyện khiến cho người đối diện luôn thấy bị choáng ngợp, thậm chí bị át đi bởi nguồn năng lượng sống tràn đầy trong ông.
Trong cuộc trò chuyện hầu như không ngừng nghỉ, đầy cảm xúc kéo dài hơn 3 giờ giữa ông với Dân Việt Trò Chuyện, những câu chuyện về nghề, về cuộc đời đầy thăng trầm, về những biến cố đau thương và những may mắn lạ kỳ cứ thế được ông tái hiện lại, bằng một trí nhớ đáng để bất cứ ai cũng phải ngưỡng mộ và một thái độ khoan dung tự tại cũng đáng để bất cứ ai cũng phải thán phục. Trong cuộc trò chuyện đó, tất nhiên có cả những điều mà ông chưa từng kể với bất kỳ ai.
Thưa nhà báo Trần Mai Hạnh, khi còn là một phóng viên chiến trường, ông có mặt tại nhiều điểm nóng của cuộc chiến tranh chống Mỹ, may mắn chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Điều gì in đậm nhất trong tâm trí ông vào thời khắc lịch sử đó?
- Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in: Đó là vào trung tuần tháng 3/1975, ngay sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, tôi được cử vào đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn do đích thân nhà báo Đào Tùng - Tổng Biên tập VNTTX khi đó dẫn đầu. Bám sát các binh đoàn chủ lực, đoàn tiến vào các thành phố, thị xã vừa được giải phóng tức thì suốt từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Quy Nhơn, Pleiku, Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Sài Gòn...
Tôi với phóng viên ảnh Văn Bảo cưỡi trên chiếc Honda 90 phân khối mới tinh mà ông Đào Tùng ký bảo lãnh vay tiền tiến về Sài Gòn, kịp có mặt trong giờ phút lịch sử. Bài tường thuật đầu tiên về thời khắc lịch sử đó có số phận khá đặc biệt.
Khoảng 11giờ 45 phút trưa 30/4/1975 tôi tới được Dinh Độc Lập. Cờ chiến thắng vừa được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Tôi lao vào thu thập ngay các dữ kiện không thể thiếu của bài tường thuật: Mấy giờ chiếc xe tăng đầu tiên húc tung cánh cửa chính Dinh Độc Lập? Mấy giờ cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập? Chiến sĩ cắm cờ tên gì? Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng như thế nào? Ta tuyên bố chiến thắng như ra sao?
Khi tôi đặt bút viết bài tường thuật, khung cảnh huy hoàng của bến Cảng Sài Gòn với hàng trăm đồng bào tay cầm cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng và giơ cao ảnh Bác Hồ ùa ra đón đoàn Quân Giải phóng tiến vào bừng hiện ngay trước mắt. Và tôi đã viết những dòng chữ "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" làm tựa đề cho bài tường thuật.
Khoảng 14 giờ chiều 30/4/1975, tôi viết xong nhưng không biết làm cách nào để chuyển bài về Hà Nội. Tôi cứ ngóng xe chở điện đài và các điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng nhưng phải mãi chiều tối các anh mới tới. Sau khi các kỹ thuật viên bắt được liên lạc, tôi liền đưa bài tường thuật để các đồng chí điện về trụ sở TTXGP trên rừng Tây Ninh.
Sau này tôi nghe kể lại, tối đó anh Phạm Vỵ, cán bộ Phòng Thư ký Bộ Biên tập cùng đi trong đoàn đã trực cạnh điện đài, xé từng đoạn bài tường thuật của tôi đang được điện về để Tổng Biên tập Đào Tùng duyệt lại trước khi điện báo viên dùng điện đài công suất lớn điện tiếp về Hà Nội. Vì điện báo viên phải đánh mooc (mã Morse – NV) từng chữ "a", chữ "b", chữ "c"... nên rất mất thì giờ.
Thời khắc lịch sử ấy, cuộc sống diễn ra như một cơn lốc. Lúc ấy tôi không hề biết bài viết của mình có được điện về tới Tổng xã ở Hà Nội không, có được đăng không?
Trưa hôm sau, 1/5/1975, khi tôi và Văn Bảo đang trên ô tô giữa đường phố Sài Gòn sôi động, nườm nượp những dòng người đang ùa ra vui mừng chào đón đoàn quân giải phóng thì bất ngờ nghe được buổi thời sự đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam phát qua chiếc đài bán dẫn chúng tôi mang theo bên người.
Đài đã trang trọng đọc bài tường thuật "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" và giới thiệu rõ là "Bài của Trần Mai Hạnh, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn điện về". Lúc đó, tôi đã lặng lẽ khóc. Những giọt nước mắt hiếm hoi của người lính nơi chiến trường, trong niềm hạnh phúc khôn tả xiết.
Chúng tôi cũng có thể phần nào mường tượng ra cảm xúc hạnh phúc của ông lúc đó, thưa nhà báo Trần Mai Hạnh?
- Thử hỏi các bạn, đời phóng viên có hạnh phúc nào bằng? Bài tường thuật đó của tôi được đăng trên bản tin Đấu tranh thống nhất của VNTTX phát báo ngay trong đêm 30/4/1975 cũng với đầu đề "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng", nhưng do quá khuya nên Báo Nhân Dân ra sáng 1/5/1975 không đăng kịp. Sáng sau, báo đã đăng toàn văn với tiêu đề "Tiến vào Phủ tổng thống ngụy".
Ông đã nhắc tới cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", một cuốn sách vừa có giá trị về văn học vừa có giá trị về lịch sử và báo chí với ngồn ngộn những thông tin từ nguồn tài liệu tuyệt mật của phía bên kia. Cuốn sách đã khắc họa một cách chi tiết, sống động và chân thực những thời khắc cuối cùng của chính quyền Sài Gòn và chế độ Việt Nam cộng hoà. Làm thế nào ông có được những tài liệu lịch sử quý giá như vậy?
- Có hàng trăm nhà báo, nhà văn tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn, rất nhiều người nổi tiếng và tài giỏi hơn tôi, nhưng tôi lại là người sở hữu được nhiều tài liệu lịch sử quý giá. Tôi không hề cảm thấy "mình được chọn", nhưng tôi cảm nhận rõ số phận của mình trước những sắp xếp ngẫu nhiên và kỳ lạ của cuộc sống đã giúp tôi làm được điều gần như không tưởng (đối với tôi). Và tôi thấy biết ơn sự sắp xếp đó của cuộc sống.
Đó là thu thập một khối lượng tài liệu đồ sộ, đa số là các tài liệu tuyệt mật về cuộc chiến của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hoà và phía Hoa Kỳ) rồi hóa thân phục dựng thành công sự sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) và công bố nó trong cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành.
Có thể các bạn không tin, nhưng cứ như có một bàn tay vô hình sắp xếp mọi chuyện. Đầu tiên là việc được chọn cử là phóng viên đặc biệt trong đoàn VNTTX do đích thân Tổng Biên tập Đào Tùng dẫn đầu tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Vì đi trong đoàn của Tổng Biên tập nên gặp rất nhiều thuận lợi trong chặng đường hành quân gần 2000 cây số nhiều hiểm nguy và nhiều tình huống gay cấn tưởng không thể giải quyết.
Những ngày cuối tháng 4/1975, từ căn cứ TTXGP trên rừng Tây Ninh, do xe ô tô hỏng không phụ tùng thay thế phải để lại dọc đường, Tổng Biên tập Đào Tùng đã ký giấy bảo lãnh mượn tiền của Trung ương Cục miền Nam mua cho tôi chiếc Honda 90 phân khối mới tinh để tiến về Sài Gòn.
Bài tường thuật viết xong, nhờ có hãng thông tấn chính quyền Sài Gòn mà TTXGP tiếp quản ngay chiều tối 30/4/1975, mới điện được về TTXGP trên rừng Tây Ninh. Rồi bài lại được đích thân Tổng Biên tập Đào Tùng duyệt, thay vì chữ Mai Hạnh tôi ghi ở cuối bài, ông đã viết rõ và đầy đủ tên tác giả ở ngay đầu bài báo: "Bài của Trần Mai Hạnh, Phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn". Điều này rất quan trọng, vì nó khẳng định rõ tôi là tác giả bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút trọng đại trong lịch sử dân tộc. Do đó tôi là một nhân chứng có tư cách trong các tác phẩm báo chí cũng như văn chương viết về sự kiện lịch sử chiến thắng 30/4/1975, thống nhất đất nước.
Và đặc biệt, điều làm tôi nhớ hơn cả là phút giây mà ý tưởng phục dựng sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam cộng hòa bất chợt lóe lên ngay thời khắc lịch sử đó. Nó đã tạo tiền đề cho sự ra đời của "Biên bản chiến tranh 1 – 2 – 3 – 4.75" sau đó 39 năm.
Điều quan trọng hơn nữa là ý tưởng đó đã được Tổng Biên tập Đào Tùng khích lệ với lời căn dặn có giá trị hoạch định hướng đi và lộ trình chính xác trong quá trình xây dựng tác phẩm này.
Ông yêu cầu: "Điều cốt lõi của lịch sử chính là sự thật. Muốn phục dựng trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà thì phải phục dựng bằng chính các tài liệu nguyên bản, các văn bản gốc và nhân chứng của các sự kiện lịch sử thuộc phía bên kia (Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ), chứ không phải phục dựng bằng trí tưởng tượng và hư cấu của tác giả".
Đó là những chỉ dẫn sáng suốt và quý giá để tôi bám theo, và cứ thế tìm cách thu thập tài liệu càng nhiều càng tốt. Ông Đào Tùng khi đó vừa là Cố vấn cho Ban Lãnh đạo TTXGP, đồng thời là Trợ lý cho Lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam và trực tiếp chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ của Phân xã VNTTX tại Sài Gòn những ngày đầu giải phóng.
Tôi may mắn được tháp tùng ông trong hàng loạt cuộc hội họp, tiếp xúc với đủ ngành giới, với Ủy ban Quân quản, với các cơ quan trong và ngoài quân đội. Ngoài ra, với Giấy công tác đặc biệt của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định cấp ngay sáng 1/5/1975, với Thẻ nhà báo là Phóng viên của VNTTX, và nhất là với tờ Báo Nhân Dân số đặc biệt ra ngày 2/5/1975 có đăng bài tường thuật "Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy" ghi rõ tác giả: Trần Mai Hạnh, Phóng viên VNTTX tại Sài Gòn, tôi dễ dàng tiếp xúc, tạo được niềm tin trong việc tiếp cận, khai thác những tài liệu quý giá phục vụ việc xây dựng cuốn sách của mình...
Có thể tóm gọn lại: Cơ may của lịch sử, cơ duyên của cuộc sống với những sắp xếp ngẫu nhiên và kỳ lạ mà chính tôi cũng không giải thích được, trong đó có sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ, các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội, đã giúp tôi sở hữu được những tài liệu vô cùng quý giá đó.
Viết về chiến tranh, ông đã chọn một góc nhìn khác, đó là phục dựng lại lịch sử bằng chính tài liệu của "phía bên kia". Theo ông, điều gì đã khiến tác phẩm của ông sống được trong lòng độc giả từ đó tới giờ, nhận được sự đồng thuận của dư luận từ nhiều phía?
- Như đã kể, ý tưởng xây dựng cuốn sách nhằm phục dựng lại sự sụp đổ cuối cùng của phía bên kia nảy sinh trong tôi ngay từ những ngày đầu tiên Sài Gòn giải phóng, nên việc truy tìm, tập hợp tài liệu từ phía bên kia là lẽ đương nhiên chứ không có chuyện gì "ghê gớm" về việc lựa chọn góc nhìn khác về chiến tranh.
Sau gần bốn thập kỷ, chính xác là 39 năm, tập hợp được một khối lượng tư liệu đồ sộ, tôi bắt tay viết tác phẩm này. Theo tôi, có hai điều mà cuốn sách có được nên đã nhận được sự chào đón và đồng thuận của dư luận từ nhiều phía, đó là nó đảm bảo tối đa tính chân thật và nhân văn.
Bởi lẽ, điều cốt lõi của lịch sử chính là sự thật. Lịch sử là tự nó viết ra, không phải bên thắng muốn viết thế nào cũng được và bên thua bị nói thế nào cũng phải chịu. Lịch sử lạnh lùng và mặc nhiên đi qua thời gian với những chứng tích không thể bác bỏ được. Đó chính là sự thật. Niềm tin vào sự thật lịch sử (tức sự thật về các sự kiện, sự việc, nhân vật và tình tiết) được phục dựng mang ý nghĩa sống còn của cuốn sách.
Trong Lời mở đầu của cuốn sách, tôi đã thưa với bạn đọc 5 nguồn tài liệu tác giả với sự dung tưởng phong phú của nhà văn đã căn cứ vào để hóa thân sang phía bên kia phục dựng sống động (như thật) các sự kiện, sự việc đã diễn ra. Đồng thời dưới mỗi chương đều có phần ghi chú rõ nguồn và nơi hiện đang lưu giữ những tài liệu mà tác giả đã viện dẫn và dựa vào để xây dựng lên chương sách đó, để nếu cần bạn đọc có thể tra cứu.
Dừng lại một chút như để kiềm bớt dòng cảm xúc lịch sử đang ùa về trong tâm trí, nhà báo Trần Mai Hạnh vuốt vuốt mái tóc xoăn lòa xòa trên đầu, chỉnh lại gọng kính rồi chậm rãi tiếp mạch chuyện:
- Bắt tay xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử này, tôi ý thức rất rõ cần phải có tinh thần quả cảm trước sự thật lịch sử, phải nắm chắc các chứng cứ để sẵn sàng đương đầu bảo vệ sự thật, các sự kiện và tình tiết mà mình đã xây dựng, viện dẫn trong tác phẩm.
Nhưng sau này, do tai hoạ nghề nghiệp, đang từ đỉnh vinh quang bỗng rơi vào tình cảnh bi thảm của số phận, tôi mới thật sự thấm thía, ngộ ra rất nhiều điều và có điều kiện suy ngẫm, nhìn nhận cuộc sống một cách điềm tĩnh và thấu đáo hơn.
Trong bài tham luận "Về một cách nhìn lịch sử trong tiểu thuyết đương đại" tại cuộc hội thảo về "Đổi mới tư duy tiểu thuyết" của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội tháng 2/2018, tôi có trình bày về việc sử dụng không gian bốn chiều để soi rọi, làm rõ sự thật, bật lên ý nghĩa quan trọng của các sự kiện và tình tiết lịch sử phản ánh trong "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75".
"Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" dựng lên một giai đoạn lịch sử của đất nước (sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa - của cả một thể chế, cả một chế độ) mà đó là lịch sử đương đại, hàng triệu người gắn bó với nó mật thiết từ các phía, và cả gia đình của họ nữa. Chỉ cần sai một chi tiết sẽ bị phản ứng ngay.
Đơn cử, trong sách có tất cả 285 nhân vật, người thật việc thật, từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tới tướng lĩnh, sĩ quan các quân đoàn, sư đoàn, tiểu đoàn, rồi tới các cấp chính quyền bên dưới... Nó phải chính xác cả tên, cả họ, cả tên lót và phận sự công việc mà con người đó đảm nhận.
Cơ may được chứng kiến, can dự và sống trong không khí sự kiện lịch sử diễn ra, với hàng trăm trang ghi chép tại mặt trận, vừa là nhà báo, vừa là nhà văn đã giúp tôi phục dựng sống động và dung hòa được tính chất nghiêm ngặt của biên bản (sự thật) và tính văn chương của tác phẩm.
Quả thật, nhà báo Trần Mai Hạnh không nói suông. Ví dụ khi miêu tả Phước Long thất thủ, ông viết: "Mặc dù lúc ấy đang cữ gió đông bắc khô hanh, nhưng không hiểu sao đúng ngày Phước Long thất thủ, những cơn mưa xối xả đã đổ xuống cả Phước Long và Sài Gòn". Để bạn đọc không cho rằng tác giả bịa ra cơn mưa cho tình hình thêm bi đát lâm li, ông đã phải cẩn thận trích dẫn thêm một câu: "Nhận định về dị biệt này của thời tiết, một tờ báo của Sài Gòn ngày ấy đã viết: "Dường như ngay cả ông trời cũng rơi nước mắt khóc cho Phươc Long". Thế có nghĩa là cơn mưa thật 100% chứ không phải cơn mưa "nhân tạo".
Hay như chương "Nước cờ định mệnh", trong lần xuất bản đầu tiên và 4 lần tái bản trước đây chỉ nói cuộc họp do đích thân Nguyễn Văn Thiệu chủ trì rút chạy khỏi Tây Nguyên diễn ra tại căn cứ Cam Ranh, không xác định được địa điểm cuộc họp tại đâu trong căn cứ.
Phải mãi tới lần tái bản thứ năm vào năm 2020, nhờ sự tiết lộ của Phạm Huấn, tuỳ viên thân cận của tướng Phạm Văn Phú, tác giả mới bổ sung được chính xác địa điểm cuộc họp diễn ra tai "Toà Bạch Dinh" (toà nhà trắng) do quân đội Hoa Kỳ xây cất để đón tiếp Tổng thống Mỹ Lyndon Johson khi ghé Cam Ranh viếng thăm và úy lạo binh sĩ Hoa Kỳ năm 1966. Vậy là, nhờ sự cẩn trọng bổ sung của tác giả, bức tranh "Nước cờ định mệnh" được hoàn chỉnh.
Ông đã minh chứng cuốn sách của ông cố gắng tôn trọng sự thật lịch sử và có cái nhìn đa chiều, khách quan tối đa có thể. Còn tính nhân văn thể hiện trong cuốn sách ra sao, thưa ông?
- Độc giả có thể thấy trong cuốn sách, suốt dọc đường chiến dịch từ Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn tới Sài Gòn tác giả đã chứng kiến bao câu chuyện đau thương của con người. Những xác chết chưa phân huỷ hết trên dọc đường chiến dịch. Có bà mẹ bị địch kích động, ôm xác con chạy bộ di tản theo Quân đoàn 2 Sài Gòn từ Pleiku xuống Tuy Hoà. Suốt ba ngày cứ ôm xác con vì không tìm được chỗ chôn con.
Cũng là đồng bào mình cả chứ ai. Có nên viết về những điều đó bằng sự lạnh lùng, hả hê của người thắng trận không, hay viết nó với thái độ nhân văn trước thân phận con người trong chiến tranh. Tôi đã chọn cách thứ hai khi viết cuốn sách này.
Tôi nghĩ, một điều nữa khiến cuốn sách được độc giả ủng hộ là khi viết, tôi tuyệt đối tránh để lại dấu vết, bóng dáng của bản thân. Độc giả sẽ thấy không có bất cứ phát biểu, bình luận, đánh giá nào của tác giả; các sự kiện, sự việc, nhân vật, tình huống, tình tiết lịch sử được phục dựng trung thực tự nó cất lên tiếng nói.
Cuộc chiến đã kết thúc gần 5 thập kỷ, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ cũng đã được bình thường hoá. Dù nhìn từ phía bên nào, chúng tôi nghĩ rằng đã là chiến tranh thì bên nào cũng đã phải chịu những tổn thất, đau thương mất mát. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Khi bắt đầu xây dựng "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", tôi đã hiểu rằng dù dữ dội và đau đớn đến đâu, cuộc chiến tranh nào rồi cũng qua đi. Những năm tháng khổ đau, máu và nước mắt của bất cứ bên tham chiến nào cũng không bao giờ bị lãng quên và tất yếu trở thành một phần của lịch sử.
Nhưng lịch sử không yên nghỉ, mà nó luôn thức với ánh sáng chiếu rọi, mách bảo chúng ta những điều cần phải làm để đấu tranh bảo vệ những phẩm giá tốt đẹp của hiện tại và tương lai trong một thế giới đang lên cơn sốt, trĩu nặng âu lo vì những tham vọng chiến tranh và xung đột.
Tôi nhớ, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu ngày 24/5/2016 trong chuyến thăm Việt Nam: "Những bài học trong chiến tranh (Việt Nam) sẽ là những bài học cho cả thế giới". Cố vấn cao cấp của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Steve Bannon đề nghị các quan chức Nhà Trắng đọc cuốn sách phân tích sai lầm của Mỹ dẫn đến cuộc chiến tranh Việt Nam để "...nhận ra những sai lầm nhỏ (của lãnh đạo) có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng trong tương lai".
Những con người đi qua cuộc đời ông và câu chuyện về họ trong những năm tháng chiến tranh đã được lưu lại một cách sống động, ám ảnh trong các tác phẩm. Đó là những trang viết về sự hy sinh cao cả cùng những nỗi đau mất mát đến tận cùng của con người trong chiến tranh. Câu chuyện nào, nhân vật đặc biệt nào ám ảnh ông nhất?
- Đó là Cẩm Linh, cô gái giao liên chừng 14, 15 tuổi trên chiến trường Quảng Đà ngày ấy. Tôi nhớ, lúc đó còn chừng mười ngày nữa là tới Tết nguyên đán Kỷ Dậu, tôi được lệnh đi gấp Hoà Cường (huyện Hoà Vang). Theo kế hoạch tôi sẽ được bố trí gặp các cán bộ cơ sở từ nội đô ra để khai thác tài liệu, viết tin bài. Linh được giao nhiệm vụ dẫn đường và bảo vệ.
Tôi theo em soi đường về vùng sâu giữa mùa mưa. Dọc đường không may gặp càn, tôi và Linh phải ngâm mình dưới hầm bí mật ngập nước tới ngực suốt cả tuần. Tụi Mỹ đóng quân ngay trên nắp hầm. Khát cháy cổ, tôi và Linh đã phải nhắm mắt uống từng hụm nước dơ bẩn dưới hầm và sống cầm hơi bằng những vốc gạo rang chua loét, thum thủm mùi vì ngâm nước đã quá lâu ngày.
Mãi gần một tuần sau lính Mỹ mới rút. Chiều tối hôm đó được cơ sở đưa lên khỏi hầm bí mật, tôi và Cẩm Linh gần như kiệt sức. Sắp Tết Nguyên đán, lo sợ Quân Giải phóng lại Tổng tiến công và nổi dậy như Tết Mậu Thân năm trước, địch tung quân càn quét ác liệt vùng ven Đà Nẵng, cơ sở bể bạc lung tung. Không cách nào đi tiếp, tôi và Cẩm Linh quyết định quay lại.
Tới Điện Thái, tôi và em chia tay. Phút chia tay, Linh vội giúi vào tay tôi chiếc khăn mùi xoa còn loang mùi bùn đất dưới căn hầm trong những ngày kinh khủng, nói gấp gáp trong hơi thở: "Anh đi cẩn thận nghe! Sau chiến tranh gặp lại. Em chờ".
Thế rồi chia tay từ đó, chúng tôi không gặp lại nhau. Chỉ thi thoảng nhận được lời nhắn hoặc vài dòng viết vội gửi thăm. Thế nhưng với tôi, lời Cẩm Linh nói lúc chia tay, chiếc khăn mùi xoa loang mùi bùn đất Linh giúi vào tay tôi và bức ảnh chân dung đen trắng Linh gửi đã mơ hồ như thể là tình yêu...
Đầu năm 1970, tôi nhận được lệnh của Bộ Biên tập VNTTX điều ra Hà Nội chữa bệnh và nhận công tác mới. Tôi và Linh xa nhau và biệt tin từ ngày ấy. Rồi tôi xây dựng gia đình. Một chiều mùa hè năm 1979, đi làm về, bước vào nhà, tôi sững người thấy Linh và vợ tôi (lúc ấy đang mang thai cháu thứ ba) đang chuyện trò tâm sự.
Thì ra sau năm 1975, chiến tranh chấm dứt, được ra Hà Nội học đại học, Linh tìm tôi thì tôi đã có gia đình. Bữa đó là buổi tốt nghiệp, ngày cuối cùng ở Hà Nội, Linh tới chào vợ chồng tôi. Vợ tôi từng nghe tôi kể, từng xem ảnh, đọc nhật ký tôi viết cho Linh nên khi Linh vừa bước chân vào nhà, vợ tôi đã nhận ra và mở lời: "Cẩm Linh phải không, vào đây em!"...
Cả một câu chuyện dài, không thể nói ngắn gọn trong một bài phỏng vấn được. Đó là câu chuyện đã ám ảnh tôi nhất....
(Còn nữa)
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh nguyên là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII, IX); Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (khoá VI, VII); nguyên Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, nguyên Uỷ viên Ban Lãnh đạo Liên đoàn báo chí các nước ASEAN, đại biểu Quốc hội khoá X…
Ông từng là phóng viên chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Trong quãng thời gian từ 1965-1975, ông có mặt trên các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc.
Ông là Đặc phái viên TTXVN tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.
Ông từng nhận Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam; Huy chương của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ); Huy chương Phêlích Enmuxa của Hội Nhà báo Cuba.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.