Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 1.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 2.

 Để cho dễ nói chuyện, chúng ta sẽ bắt đầu bằng chuyện tình yêu. Nhà thơ Hồng Thanh Quang biết yêu lần đầu năm bao nhiêu tuổi?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi nghĩ câu "Yêu em từ thuở trong nôi", thật ra là đúng đấy. 6 tuổi, đáng lẽ bắt đầu được đi học thì tôi phải sơ tán từ Hà Nội về thôn Chản, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây bây giờ thuộc Hà Nội, là quê ngoại của tôi. Cạnh nhà ông bà ngoại tôi có một người họ hàng mà tôi gọi bằng cụ nhưng cụ Lý (vốn trước là Lý trưởng) cũng chỉ khoảng ngoài 50 thôi. Cụ dạy tôi và em gái tôi học những chữ cái đầu tiên. Cụ dạy tôi bằng những bài học, những cuốn sách cổ, những chữ Nho dịch ra tiếng Việt. Trong đấy có hình tượng nữ bá vương, hình tượng người đẹp trong truyện kiếm hiệp và tôi mê ngay. Và gọi là bắt đầu yêu thật sự là như thế.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 3.

Không biết có khác người khác không, nhưng ngay khi là một cậu bé, tôi đã mê công chúa, người đẹp trong truyện. Đến 60 tuổi nhìn lại thì hóa ra tiêu chí về phụ nữ ở trong mình được hình thành từ lúc rất bé 6,7 tuổi ấy. Suốt đời cứ mòn mỏi, còm cõi, vất vả đi tìm xem có người phụ nữ nào trong đời thật giống hình tượng đã từng ấp ủ lúc còn bé không.

Tôi nghĩ rằng thật sự đời một con người luôn có tình yêu bất biến với hình ảnh mà chúng ta đã tự tạo ra từ thời niên thiếu. Sự đau đớn, sự trưởng thành là khi chúng ta nhận ra có nhiều khoảng cách và sự đổ vỡ khi gặp những người thực mà chúng ta cứ tưởng rằng họ giống những người trong mơ nhưng hóa ra không phải.

Nhà báo Lưu Quang Định: Vậy thì cái hình bóng, hình ảnh lý tưởng người phụ nữ thuở niên thiếu của anh, anh hình dung là như thế nào?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Bây giờ nhớ lại, đối với tôi ngay từ bé, cứ phụ nữ là hấp dẫn. Tôi không đặt ra tiêu chí về cái đẹp. Sau này người ta mời tôi tham gia giám khảo, thậm chí có lần còn là Chủ tịch hội đồng giám khảo một cuộc thi Hoa hậu thì tôi nghĩ đấy là sự thất bại của ban tổ chức vì đối với tôi, đã phụ nữ là đẹp nên bắt tôi phân biệt ai đẹp hơn ai là điều rất khó. Đối với tôi, phụ nữ không có đẹp hay xấu. Mọi thứ đẹp xấu theo tiêu chí nào đó chỉ là cái cảm giác ban đầu. Khi người ta đã gắn bó, yêu thương nhau, người ta nhìn bằng con mắt của sự yêu đương chứ không phải nhìn bằng con mắt mà ai vòng một to hơn, ai nhỏ hơn, hay là nét mặt thế nào. Suy cho cùng tất cả những tiêu chí nhồi nhét là phải thế này phải thế kia mới đẹp chỉ rất giả định, nếu thật sự yêu thương thì các số đo, các tiêu chí, thậm chí cả đánh giá về đức hạnh đôi khi cũng không quan trọng. Quan trọng là nhìn thấy nhau muốn yêu thương nhau, nhìn thấy muốn che chở nhau, muốn giúp đỡ nhau, muốn cùng nhau đi qua tất cả những đoạn trường trong cuộc sống. Có nhà văn đã từng nói, nếu thực sự yêu nhau thì có thể tha thứ được tất cả những phút giây "ngoài chồng ngoài vợ"…

Tất nhiên đấy là mong muốn, khao khát của con người nhưng không phải lúc nào trong cuộc đời, giai đoạn nào, tình huống nào ta cũng làm được điều đó. Nó lý giải tại sao con người càng hướng đến những cái điều tốt đẹp, càng khao khát những điều tốt đẹp thì lại càng dễ trở nên đa đoan, dễ có những sự đổ vỡ trong quan hệ tình cảm với người khác giới.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 4.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 5.

Nhà báo Lưu Quang Định: Đối với bạn đọc thì mối tình của anh với NSND Lê Dung, đã quá nổi tiếng rồi. Năm nay là tròn 20 năm chị Lê Dung rời cõi thế. Mối tình đó chắc đã mang lại cho anh những kỉ niệm ngọt ngào nhưng cũng có những cay đắng, những "Em ám ảnh tôi trọn một kiếp người". Anh gặp chị Lê Dung lần đầu tiên khi nào?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi đã rất hiểu rằng mọi sự kể lại về bất cứ mối tình nào thì đều không phải như thế, vì thứ mà ai đó kể là do cách họ muốn nghĩ về mối tình đó như vậy thôi.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 6.

Thật ra tôi có quan điểm, trong con người chúng ta ai cũng có một tình yêu. Có điều là trong cuộc sống có người chạm được vào tình yêu có người không, cũng như ai cũng có thể giác ngộ nhưng không phải ai cũng gặp được Chúa để ngộ ra. Thì tôi nghĩ rằng trong mối tình ấy tôi là người gặp được người kia để chạm vào tình yêu. Và trong giai đoạn yêu thương nhau, thì cả 2 đã thể hiện được, đã bộc lộ được những điều tốt đẹp nhất trong con người mình.

Tình yêu như lễ hội, nó là trạng thái bất bình thường hướng tới cái đẹp, hướng tới cái cao cả nhất mà không phải lúc nào chúng ta cũng đủ sức, đủ tâm lý để gánh cây thánh giá lễ hội ấy trên vai. Đó cũng là lý do để cuộc tình bắt đầu rất đẹp, đầy sự dâng hiến, nhưng cuối cùng là chia tay. Nhưng một tình yêu đích thực là gặp nhau cũng có lý, mà chia tay cũng vẫn có lý. Sự chia tay không làm phá giá tất cả những gì tốt đẹp đã có. Mối tình ấy là hạnh ngộ rất lớn trong đời tôi, một hạnh ngộ vừa như mở ra chính tôi, vừa giúp tôi nhìn thấy cuộc đời tiếp theo của tôi rõ hơn.

Nhà báo Lưu Quang Định: Khi nhắc về mối tình ấy người ta hay dẫn những câu trong Khúc mùa thu?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Khi Khúc mùa thu được viết ra, tôi không phải người mê tín hay có gì tâm linh quá đâu, nhưng tôi nghĩ rằng trong sáng tạo đôi khi một bài thơ được sinh ra như lời tiên đoán, gần như là vô thức, tự nhiên những câu thơ vang lên. Mọi người bây giờ đọc bài thơ này nghĩ nó là tổng kết tất cả những cảm xúc của mối tình đấy, nhưng không hẳn như vậy. Tại sao bài thơ cho đến bây giờ vẫn rất được phổ biến vì hóa ra nó là thân phận của rất nhiều người. Ai cũng thế, người đàn ông nào khi yêu cũng đều muốn "Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc/ Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em". Người đàn ông nào cũng thế chứ không phải chỉ là tôi và trong tình yêu của tôi, mà có thể cả Lưu Quang Định cũng thế. Khi yêu chúng ta đều muốn dâng hiến và càng dâng hiến thì người phụ nữ lại càng cảm thấy thất vọng.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 7.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 8.

Nhà báo Lưu Quang Định: Hồng Thanh Quang có làm Lê Dung thất vọng không?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Người đàn ông nào cũng là kỳ vọng của phụ nữ và cũng là thất vọng, kỳ vọng nào cũng dẫn tới thất vọng. Vì không thể lúc nào cũng là lễ hội, không thể lúc nào cũng dâng hiến. "Lời nguyện cũ trên đầu như nguyệt quế/ đâu chịu nhòa khi tới giữa mùa trăng" là vẫn nhớ đinh ninh chứ, nhưng không có sức để yêu nữa. Đặc biệt là trong cuộc sống đời thường, nhất là với những người làm công việc sáng tạo, thì đời thường càng làm cho tình yêu mất mát đi. Tôi nghĩ anh Lưu Quang Vũ cũng có thể trải qua những cái đời thường như thế.

Đây không phải là lương thiện hay không lương thiện, tử tế hay không tử tế, mà trạng thái hạnh phúc liên tục quá làm cho người ta cảm thấy mệt mỏi và tự nhiên có khao khát mới. Hôn nhân, tình yêu của những người nghệ sĩ, người có tâm hồn nghệ sĩ thì chuyện đấy rất dễ xảy ra và nếu áp đặt những tiêu chí bình thường bên ngoài thì chúng ta rất dễ lên án họ.

Nhà báo Lưu Quang Định: Chị Lê Dung hơn anh tới 10 tuổi, bên cạnh việc là người tình, người vợ, trong cuộc sống chị có lúc nào giống người chị, người mẹ không? Anh có cảm thấy bé nhỏ trước chị Lê Dung không? Chị có phải bao bọc, chở che cho anh không?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi chưa bao giờ cảm thấy bé nhỏ trước ai cả. Có thể đấy là một tính xấu của tôi ngay từ lúc trẻ, mặc dù tôi trưởng thành trong môi trường quân đội, nơi mà sự rèn luyện và thực hiện các lễ nghi, trên dưới, mang tính kỷ luật rất cao. Chính ra bây giờ già rồi tôi lại ít tự tin, chứ hồi trẻ tôi rất tự tin. Và thật sự tôi chưa thấy ai "lớn" hơn tôi đến mức độ tôi cần được họ che chở cả.

Nhà báo Lưu Quang Định: Thế bây giờ nhớ lại những tháng ngày cùng sống với chị Lê Dung, anh có thấy tiếc hay cay đắng hay giá như một cái gì đấy không?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Không. Trong cuộc sống không bao giờ có phương án tốt nhất hay hoàn thiện, hoàn hảo cả. Bản thân tình yêu với những người bình thường đã không bình thường rồi, nữa là tình yêu giữa những người có tâm hồn nghệ thuật lại bước qua sự bình thường của quy tắc xã hội thì chắc chắc có rất nhiều chuyện.

Nhưng trong những bất trắc, trong sự cùng vượt khó, trong sự gỡ rối khó khăn thì tạo nên những thú vị mà những mối quan hệ bình thường khó có được.

Nhà thơ chỉ có tài do trời phú thì chưa là nhà thơ được, phải trải qua những sự cố, chìm nổi, đoạn trường, bầm dập thì may ra mới có thơ hay. Nhưng không có nghĩa nhà thơ là yêu đương khác người, uống rượu, ăn mặc rách rưới đi ngoài đường nói năng lảm nhảm đâu nhé. Mà nếu anh có tâm hồn thơ, có thiên hướng thơ và may mắn được trời bắt phải chịu những thứ ấy và trải qua vẫn toàn vẹn tâm hồn thì may ra mới sáng tạo được.

Có người bảo tôi nông nổi vì tôi không bao giờ nghĩ gì trước cả. Ngay từ bé tôi đã hoàn toàn bản năng ở chỗ mình thấy cái gì đúng, cái gì hay thì mình làm theo, bất chấp người khác nghĩ gì. Trong công việc tôi cũng thế, nhưng tôi may mắn hơn nhiều người khác là vì trong cuộc đời tôi gặp được nhiều người tốt hơn là những người không tốt. Tôi đã từng nói một câu, khiến sau này có nhiều người ghét tôi, là tôi nghiệm thấy ở đời chỉ có ai bất lương và bất tài là ghét tôi thôi, còn những người khác gặp tôi thì ai cũng quý.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 9.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 10.

Nhà báo Lưu Quang Định: Thời điểm đẹp nhất trong mối tình với chị Lê Dung bây giờ anh còn nhớ không? Nhớ tới chị ấy thì anh nhớ điều gì? Liệu đó có phải là thời điểm anh đứng ra tổ chức đêm nhạc cho Lê Dung không?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Thời bấy giờ khổ sở, tiền bạc chả có mà làm đêm nhạc hoàn toàn ngẫu hứng. Khó khăn mình lại nghĩ ra được nhiều việc. Đêm nhạc Lê Dung là sự kỳ ngộ. Ca sĩ nào muốn làm chương trình phải có đại gia mà lúc đấy Lê Dung chỉ có mỗi nhà thơ cầu bơ cầu bất làm hết mọi thứ.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 11.

Những ngày đầu tiên mình tự nghĩ ra tên chương trình, tự đi in vé, thậm chí còn tự phát hành vé. Bây giờ tôi là người sợ nhiều thứ, chứ hồi trẻ tôi là người không biết sợ, tức là mình cứ hồn nhiên như "cô tiên" ấy.

Tự làm mọi thứ và cuối cùng mọi thứ đều thấy tốt, kể cả việc đi xin giấy phép. Số may là hồi ấy khâu gì cũng trót lọt. Chắc là họ nhìn thấy sự quyết tâm của một cậu bé 30 tuổi, một cậu bé làm được rất nhiều việc hay ho. Trong một mối quan hệ gọi là tình yêu, hôn nhân làm được những việc như thế thì cũng không có gì để phải hối tiếc cả.

Tôi thực ra đã là một cậu bé bị hoang tưởng. Nghĩ là có thể hy sinh tất cả vì người khác, để làm cho người khác hạnh phúc. Nhưng sau này tôi hiểu ra là muốn cũng không được. Con người ta ai cũng có sự hữu hạn. Khi nhận ra thì cay đắng nhưng cũng giúp mình bình tĩnh hơn.

Khi tôi bắt đầu mối tình ấy ai cũng phản đối, cả dư luận xã hội và những người yêu quý mình. Hồi đấy tôi chơi thân với hai người là anh Đăng Bảy (dịch giả lúc ấy đang làm ở báo Văn Nghệ) và anh Quốc Dũng (học ở Cuba về, hồi đấy là người dịch tiếng Tây Ban Nha). Anh Đăng Bẩy kể lại với tôi là khi anh Bẩy nói về việc tôi yêu Lê Dung (và bị nhiều người can ngăn) thì anh Dũng bảo: "Chúng mày buồn cười nhỉ, ngăn cái gì, đời mình chắc gì hạnh phúc hơn mà ngăn nó". Tức là, tôi mới hiểu con người ta, ai cũng thế thôi, trong khi chúng ta sống theo những quy luật đời thường, thì trong trái tim chúng ta le lói một điều, biết đâu vẫn có hạnh phúc khác thường. Và khi nhìn thấy một thằng bé là tôi lúc đấy làm rất chân thành, thì ai cũng muốn là may ra nó thành công thì sao.

Tất nhiên cũng như mọi thí nghiệm xã hội cao cả khác, cuối cùng đến lúc nào đó phải quay trở về đời thường. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng những bột phát, những dâng hiến, những hứng khởi của thời thanh xuân là vô nghĩa.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 12.

Nhà báo Lưu Quang Định: Bây giờ chúng ta chuyển qua thơ ca. Tôi có cảm giác anh có sự đồng điệu rất lớn với Esenin (nhà thơ Nga Sergei Esenin 1895 – 1925)?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Khi 18 tuổi tôi sang Liên Xô thì nhà thơ tôi đọc nhiều nhất lúc đấy là Esenin. Nhưng tôi nghĩ rằng cái nòi nhà thơ ở khắp thế giới đều có một kiểu như nhau. Cách cảm nhận về cuộc sống, sự khao khát tình yêu, sự dâng hiến, đặc biệt là sự linh cảm về những cái kết, bao giờ nó cũng có trong văn học. Từ hồi bé tôi đã có linh cảm bi quan về sự kết thúc nào đấy. Khi người ta nhìn thấy niềm vui thì bao giờ mình cũng nhìn thấy sự kết thúc của niềm vui. "Vẫn biết ta giờ không trẻ nữa", 30 tuổi thì làm gì đã già nhưng lúc đang trẻ đã nghĩ đến việc già.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 13.

Nhiều người hay nói tôi bị ảnh hưởng của Esenin vì chắc hồi ấy mặt tôi cũng sáng sủa giống Esenin và cũng có cái sự hào sảng trong cảm xúc. Esenin buông thả hoàn toàn trong cảm xúc và những câu thơ bật ra tự nhiên. Tôi cảm thấy ở tôi cũng thế, lúc nào mình cũng cảm giác thơ ở trong mình rồi chỉ cần ai đấy chạm đúng chỗ là tự câu thơ bật ra. Thơ đối với tôi không phải là sự lao tâm khổ tứ mà nó là một thứ có sẵn. Khi thơ vang lên là vang, và câu này gọi câu kia.

Nhà báo Lưu Quang Định: Anh phải dịch đến hơn 100 bài thơ của Esenin?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi dịch vài chục bài. Khi sang Liên Xô học ở trường quân sự, học bổng mỗi tháng có 70 rub và khi buồn lấy thơ Esenin ra đọc. Tôi dịch thơ Esenin hoàn toàn nghiệp dư, không có ý định dịch thơ để làm gì, đơn giản những bài thơ hợp với mình, với tâm trạng lúc ấy thì dịch, nên thơ dịch của tôi có sức quyến rũ riêng. Mỗi bản dịch tôi như người làm thơ lại, hình dung rằng trong tâm thế ấy nếu Esenin là người Việt Nam thì sẽ viết như nào. Cho nên khi tôi làm thơ của tôi thì mọi người bảo thơ ông này giống như thơ Nga nhưng không phải. Tôi chẳng giống ai. Tôi chỉ là tôi.

Năm 1980 khi sang Liên Xô, tôi mua quyển vở đầu tiên để viết thơ, thì câu tôi viết vào trang đầu tiên là: "Tôi không muốn làm Xuân Diệu thứ hai/ Mà muốn làm Hồng Thanh Quang thứ nhất". Mà lúc đấy tôi còn chưa có câu thơ nào.

Việc của nhà thơ là làm ra thơ, còn đón nhận thế nào là của xã hội. Cũng như anh Lưu Quang Vũ mất rồi, có yêu thơ anh bao nhiêu lần, thì cũng không biết có cõi kia không, chứ mà anh cũng không được hưởng gì từ thành quả của anh ấy cả. Người làm thơ là sáng tạo, phải sống phải hy sinh thì mới có những câu thơ được. Mọi người cứ nghĩ bọn làm thơ sướng. Không phải thế. Có những cô yêu nhà thơ rồi bảo nhờ tôi anh mới làm thơ hay, thế sao cô không về bảo chồng cô làm nhà thơ đi. Nhà thơ phải đau đớn, phải vận lộn, phải trớ trêu thế nào mới viết được những câu thơ, chỉ là họ tự trọng họ không bao giờ kể khổ thôi. Cho nên phải yêu thương họ, xót xa cho họ sao lại cứ phỉ báng, cứ thích vạch áo của họ lên để xem lưng làm gì!

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 14.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 15.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 16.

Nhà báo Lưu Quang Định: Mọi người đều nhận xét là thơ của Hồng Thanh Quang hay nhất là khi ở cạnh Lê Dung?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi lại không đồng ý với ý kiến này. Hồi ấy, có ai khen thơ tôi đâu, kể cả những nhà thơ cũng gièm pha thơ tôi. Bởi vì có thể họ nhìn họ đã không thích cái sự đặc biệt hơn họ và họ phủ nhận hết. Sau này tôi mới hiểu vì con người ta rất hay có xu hướng "hạ nhục" nhà thơ. Ví dụ thế này, tôi tặng người khác một quyển thơ mới in ra, ông ta cầm chưa đọc và bảo bìa đẹp nhỉ. Không phải là ông thấy bìa đẹp đâu nhưng ông ta "hạ nhục" nhà thơ vì cầm cuốn thơ mà nhìn thấy mỗi cái bìa.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 17.

Tôi nghĩ nhiều khi họ không phải có ác ý đâu nhưng mà nói chung là thế. Ngày xưa thì họ không khen, xong bây giờ họ lại khen thơ Hồng Thanh Quang hồi xưa mới hay. Tức là lúc nào người ta cũng có tâm lý muốn phủ nhận hiện tại của người khác.

Còn quan điểm của tôi là thơ ở giai đoạn nào cũng có bài hay có bài chưa chắc đã hay, mà có hay không lại không ở bài thơ mà là ở nhận thức của người đọc. Nếu anh cảm thấy đồng cảm được thì anh mới thấy hay.

Thực ra ai cũng thèm khát tuổi trẻ. Thực sự tôi nghĩ, trong sáng tạo nghệ thuật, chỉ người trẻ mới tài. Khi ở tuổi trẻ, phần lớn nhé (sẽ có ngoại lệ) là người ta có đỉnh và tất cả sau này là xây những cái bệ. Bệ nó cao hơn thì đỉnh nó sẽ cao hơn còn nếu không có bệ thì nhiều khi đỉnh cũng chết. Nếu Xuân Diệu - Huy Cận không làm thơ, hoạt động văn học sau đó dù đã đi qua thời Thơ Mới đỉnh cao nhất thì cũng không chắc sau này các ông đã có được vị trí đã có.

Cũng thơ anh Lưu Quang Vũ cũng thế, anh Lưu Quang Vũ lúc trẻ viết những bài thơ hay nhất. Những bài thơ có giá trị lâu dài, đi trước được thời đang sống. Tôi hình dung trong lúc chiến tranh, mọi người đang còn ra chiến trường, một nhà thơ như Lưu Quang Vũ ngồi viết về những nỗi đau đớn, những niềm vui vĩnh cửu của nhân loại thì thời ấy chắc gì đã được hoan nghênh. Chuyện đó cũng bình thường vì việc của nhà thơ là viết những câu thơ còn đón nhận hay không là việc của xã hội.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 19.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 18.

Nhà báo Lưu Quang Định: Anh Quang ơi, thật ra ngồi nói chuyện với anh, tôi vẫn muốn nói tiếp chuyện "tình yêu tình báo". Anh cũng có một mối tình nữa cũng rất nổi tiếng với một người nổi tiếng. Nếu không có gì bất tiện thì anh có thể kể một chút gì về mối tình đó không?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Nói chung là tình yêu chỉ đẹp khi nó đang diễn ra và chúng ta nên tôn trọng. Tình yêu để yêu chứ không phải để kể. Mình không nên kể lại để xúc phạm đến quyền riêng tư của người khác.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 19.

Nhà báo Lưu Quang Định: Nếu mà tự đánh giá mình, anh có thấy mình là một người đàn ông đáng tin cậy không?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi thì tôi nghiệm thấy rằng, ai mà đã "dính" vào tôi thì đều tốt hơn, khá hơn, hay hơn thứ họ đã từng có. Nhà thơ là gì? Là người tạo ra trường sinh thái mà ở đó người ta thấy cuộc đời này có chỗ để tử tế. Nhưng đôi khi cuộc sống này tử tế quá lại thành ra không tử tế. Tôi luôn luôn cố gắng để làm sao không phải xấu hổ khi nhìn nhau, khi nghĩ về nhau. Tôi cũng có những sai lầm, nhưng sai lầm của tôi chỉ gây ra phản ứng tức thời. Có thể nó rất ghê gớm nhưng khi qua đi rồi thì tôi nghĩ nó không là cái gì so với tất cả những gì hay ho đã từng có.

Nhà báo Lưu Quang Định: Nhưng mà trong các mối tình của anh, thường thì Hồng Thanh Quang phụ phụ nữ hay là phụ nữ phụ Hồng Thanh Quang?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Thế nào gọi là phụ, toàn là chính hết (cười). Phụ nhưng không bạc. Tôi nói một khi không còn cảm xúc thì đấy là lỗi hay là không là lỗi. Tình yêu là thuốc thử để tự mình nhận thức lại mình. Nó không phải là một sự nghiệp để xây rồi phá. Người yêu mà chỉ vì yêu thôi thì không bao giờ tệ bạc với ai cả.

Nhà báo Lưu Quang Định: Có câu này anh có lần từng nói với Định là "thà có một mối tình mà giữ được nhau còn hơn có nhiều mối tình nhưng rồi lại trôi qua". Đấy là anh nói thật hay nói đùa?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Thật chứ! Khi bắt đầu yêu ai chả muốn vĩnh viễn yêu, còn có thể "như chết là hạnh phúc" cơ mà. Nhưng cuộc sống không dễ để chết như thế, đời không ưu đãi ai cũng giống như Romeo và Julliet. Ví dụ người ta bảo người biết yêu chỉ cần yêu một người, yêu một cách chậm rãi chi tiết, ai chả muốn thế, nhưng cuối cùng có được đâu. Người ta bảo tình yêu thật chỉ có một, còn cái giống tình yêu thì có hàng ngàn. Cái đó là bi kịch của con người.

Con người càng sinh ra càng lớn lên thì càng bị "suy đồi" đi. Và chỉ có ánh lửa, làn gió hay hơi ấm của cảm giác yêu đương thực sự mới giúp con người đỡ xấu đi. Con người ở ngoài trạng thái yêu đương thì cực xấu. Khi người ta phải lòng nhau thì người ta dễ cùng nhau vượt qua những khó khăn, không tính toán những cái ba lăng nhăng khác. Nếu không thì công việc trở nên buồn tẻ. Mà khi chúng ta đang đương sức, sống với công việc là chính mà để cho công việc buồn tẻ thì phí đời quá.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 21.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 21.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 22.

Nhà báo Lưu Quang Định: Anh Lưu Quang Vũ đã từng nói sẵn sàng đổi tất cả những vở kịch đã viết để lấy một câu thơ hay. Còn Hồng Thanh Quang thì viết: "Trong thẳm sâu bóng tối/ Giữa nhập nhòa cơn mơ/ Sáng lên những ánh lửa/ Vẫn chỉ là câu thơ…"?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Không, tôi lại nghĩ anh Lưu Quang Vũ phải viết rất nhiều vở kịch thì nền móng những vở kịch đấy mới tôn vinh những câu thơ hay nhất của anh ấy lên cao. Thơ là cái sự cuối cùng khi tất cả cùng bất lực thì thơ xuất hiện...

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 23.

Thật ra không có ai từ thế giới bên kia trở về với chúng ta để nói những gì đang ở bên đó. Nhưng tôi nghĩ những phút cuối cùng của con người, câu thơ hay của một nhà thơ sẽ như lời cầu nguyện trong một bộ kinh của tôn giáo nào đấy. Cái để giữ lại linh hồn trước khi từ biệt thế giới này sang thế giới bên kia là câu thơ neo lại và là cái cầu bắc sang thế giới bên kia. Khi câu thơ kết thúc thì linh hồn nhà thơ bắt đầu sang thế giới bên kia.

Nhà báo Lưu Quang Định: Về tập thơ của anh "Chút sen còn lại" vừa xuất bản tháng 10-2021 là thơ anh viết gần đây à?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: "Chút sen còn lại" tập hợp hơn 50 bài, có bài viết từ lâu rồi. Có một bài tôi viết từ năm 1990, bài có tên là Cho một loài Sen: Họ chỉ thấy bao lần bão táp/ Cánh trắng em lấm láp bùn đen/ Nhưng anh vẫn đinh ninh sau trước/ Em còn nguyên vẹn lá sen. Cả tập thơ này tôn vinh phẩm hạnh hoa sen của phụ nữ.

Đây chỉ là một tập thơ rất nhỏ. Tôi nghĩ rằng yếu tố đánh giá tâm tính đàn ông chính là thái độ của họ đối với phụ nữ. Kể cả một người phụ nữ đã tệ bạc với ta mà vẫn nhìn được cốt cách của họ và ta hiểu rằng, điều này nói không phải lý thuyết, mọi tệ bạc của phụ nữ với ta đều là lỗi của ta. Trong thời gian giãn cách vì Covid-19, tôi đã chọn ra được mấy chục bài để làm tập thơ ấy, bài nào cũng có một chữ Sen hay chữ Liên.

Thứ hai là tôi đang chuẩn bị ra một tập thơ ba cuốn, khoảng 999 bài, gồm các bài thơ viết từ năm 2014 đến giờ, nhan đề là "Cỏ bạc triền đê".

Nhà báo Lưu Quang Định: Trước đây anh từng tổ chức những đêm thơ rất hoành tráng, sắp tới ra mắt mấy tập thơ anh có định làm gì không?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Đối với tôi sự đánh giá cũng không quan trọng nữa, quan trọng là mình đã viết được ngần ấy thơ rồi.

Sự hâm mộ cũng không giải quyết gì nữa. Kể cả có 1000 hoa hậu hâm mộ, thì trong cuộc đời người ta đâu cần 1000 hoa hậu, có khi chỉ cần 1 người đàn bà rất bình thường, hợp căn hợp cốt, có thể chăm sóc mình tử tế. Nhưng nếu mình viết được bài thơ để ai đó đọc cảm thấy được an ủi, được nâng đỡ thì thế là tốt rồi. Lúc mình trẻ mình còn háo danh thích người khác khen mình giỏi chứ bây giờ tôi nghĩ có ai mắng mình dốt mình cũng không thấy sao cả, không còn quá quan trọng nữa.

Hôm qua có một nữ nhà báo ở Đài truyền hình gọi cho tôi nhắc lại chương trình anh em đã làm với nhau và từng bị dư luận trên mạng chỉ trích một cách rất bất công và phi lý. Cô ấy hỏi anh bây giờ có để ý đến chuyện bị ném đá không, tôi đã trả lời bây giờ anh là "đá tảng" rồi, anh đã trở thành "di sản", không biết có được xếp hạng hay không.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 24.

Nhà báo Lưu Quang Định: Hồng Thanh Quang còn là một nhà báo rất nổi tiếng. Tôi đọc các bài viết của anh từ bình luận quốc tế đến những bài trò chuyện trên An ninh Thế giới giữa tháng, cuối tháng thì thấy anh đều luôn rất nồng nhiệt, như khi anh làm thơ vậy. Vì sao anh yêu nghề báo và làm báo say sưa nhiệt huyết như thế?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Thật ra ngay từ bé tôi làm việc gì cũng say sưa. Hồi học lớp 8, lớp 9 tôi đi thi chính trị được giải nhất toàn thành phố. Sau này làm báo vì đơn giản là mình học rồi mình tự nhiên thấy thích thơ thích báo mà mình đã thích cái gì thì phải làm bằng được. Khi tôi đang ở trong quân đội, tôi đã gặp tư lệnh Quân đoàn 3 Khuất Duy Tiến xin chuyển sang làm báo. Thời gian đầu tôi viết đủ hết từ xã luận trang 1 đến những mẩu chuyện vui cười mà lúc đó tôi hoàn toàn chưa được học báo chí. Tôi rất kính trọng học đường báo chí, nhưng tôi có thể chưa học mà vẫn làm báo hoàn toàn theo kiểu của mình, tạo sự khác biệt. Tất nhiên sau này tôi có đi học ĐH Báo chí văn bằng 2, thì tôi thấy việc đi học nó giúp tôi học các môn khác. Tôi rất sợ nếu đi học mà người ta chỉ dạy nhau những mảng miếng dùng báo chí để "bắt nạt" xã hội và không tạo ra được những bản sắc đa dạng của phong cách báo chí thực sự.

Làm báo không phải chỉ là chuyện chữ nghĩa, mà làm báo là để giúp đời. Nhưng cái đấy hình như người ta không dạy đầy đủ lắm trong trường.

Nhà báo Lưu Quang Định: Anh đã làm Tổng biên tập báo Đại Đoàn kết bao lâu nhỉ?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Đúng 5 năm 2 tháng. Tôi nghĩ rằng đã là nhà thơ thì cực kỳ khó khăn trên cương vị Tổng biên tập. Vì đó là một vị trí đặc thù, mà khi chưa làm Tổng biên tập thì không hiểu được. Nó đòi hỏi rất nhiều phẩm hạnh, phẩm chất và rất nhiều kỹ năng. Mà ít có nhà thơ thực sự nào đáp ứng được.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 25.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 26.

Nhà báo Lưu Quang Định: Ý anh Quang là khả năng chịu đựng, thậm chí là chịu nhục…?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Không phải, nói thế nào nhỉ, nó là khả năng "ngậm bồ hòn làm ngọt". Nhà thơ "ngậm bò hòn làm ngọt rồi thì không làm nhà thơ được". Mà làm thơ được thì không làm Tổng biên tập được. Cái đó là mặc nhiên chứ không phải là gì cả. Nói như này không phải để "phỉ báng" các Tổng biên tập mà để tôn vinh những người vững chãi trên cương vị Tổng biên tập. Thứ hai nữa là, những Tổng biên tập nào làm được đến nhiệm kỳ thứ 2 mà không chán nghề thì tôi cũng bái phục thật.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 27.

Nhà báo Lưu Quang Định: Anh Quang có ý ám chỉ Định đấy à… (cười)

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: (cười) Không, Với Định thì là "sứ mệnh" rồi. Tổng biên tập không phải phẩm hạnh mà là chịu đựng. Khi tôi làm nhà báo thì tôi ứng xử được như mình nghĩ, vì mình chịu trách nhiệm được cho mình, nhưng khi mình làm Tổng biên tập thì mình không thể như cũ được, nhiều lúc cũng phải lựa. Và tôi nhận thấy mình thay đổi đến mình cũng không nhận ra, nhưng không làm thế thì không ngồi ở vị trí đó được.

Nhà báo Lưu Quang Định: Tức là tự anh đã nhận thấy anh không thích hợp làm Tổng biên tập?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Không thích hợp. Thực ra việc tôi làm tổng biên tập là vì thế này. Có người cho rằng "thằng Quang" không thể làm Tổng biên tập được tôi mới quyết tâm làm cho họ xem. Nhưng đến giờ thì tôi mới hiểu là họ nói đúng. Thôi thì đúng là thân làm tội đời… (cười)

Nhà báo Lưu Quang Định: Chuyện này cũng tế nhị nhưng tôi vẫn nêu ra, anh không muốn trả lời thì có thể bỏ qua, là chuyện anh với một ông anh khác. Tôi coi cả 2 anh đều là 2 ông anh, đều rất tài năng và tốt bụng. Ngày xưa các anh rất thân với nhau. Tôi nhớ những lần đã đi nhậu cùng với các anh, quán này quán kia uống rồi đọc thơ hát hò vui lắm. Nhưng xong tự nhiên cuối cùng thì tình cảm giữa hai bác sứt mẻ đúng không?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Người ta có câu rồi, với những người thân thích cũ nếu có điều gì tốt thì nói còn không thì không nên nói, và cái gì tốt thì đã tốt mà cái gì không tốt thì đã không tốt, và không nói gì thì tôi nghĩ đó là cách tốt nhất.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 30.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 28.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 30.

Nhà báo Lưu Quang Định: Nhà văn xô viết Nodar Dumbatze trong tiểu thuyết "Quy luật của muôn đời" có viết một câu đại ý rằng "con người cần ốm nặng ít nhất là một lần trong đời". Anh cũng vừa trải qua một cơn bạo bệnh

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Khi mình chuẩn bị chết, mình mới hiểu ra cái gì quan trọng nhất đối với mình. Và sau đấy mình sẽ ứng xử khác, mọi thứ khác, những hư danh khác mình không khao khát nữa. Bây giờ mới là lúc mình sống với mình nhất. 

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 29.

Tôi là người rất may mắn, tôi có một cuộc sống rất thú vị. Cho đến bây giờ tôi không chối bỏ một thứ gì. Ngay cả khi cách ứng xử của tôi không chuẩn nhất thì tôi vẫn được cuộc đời lượng thứ và mở lối cho tôi. Khi tưởng rằng tôi bị dồn vào đường cùng thì bao giờ cũng có người mở cửa khác cho tôi để mình được sống theo đúng cái điều mình muốn.

Cả đời tôi được đánh giá cao. Tôi biết có nhiều người tài hơn tôi nhưng không được đánh giá cao. Mình không tài lắm mà vẫn được ưu ái thì trách gì cuộc đời nữa.

Nhà báo Lưu Quang Định: Trong cuộc đời anh có phạm sai lầm nhiều không? Anh nghĩ gì về những sai lầm?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Theo quan điểm của người bình thường thì phần lớn việc tôi làm đều không bao giờ đúng hết theo ý thiên hạ, nhưng mà tôi nghĩ lại rất đúng với tôi. Những sai lầm tạo cho tôi rất nhiều thử thách, tôi thấy rất bình thường. Tôi luôn cưỡng lại những lời khuyên, nếu bắt tôi làm thế này thì tôi sẽ làm thế khác. Tôi muốn làm những việc chưa ai làm, không quá quan tâm tới sự sợ sai. Người làm báo phải luôn có khát khao thay đổi định kiến trong xã hội. Tôi không xấu hổ với những việc tôi không làm được dù tôi luôn muốn thay đổi. Nhưng sức người có hạn, không ai đi qua được những vòng phấn giới hạn của Chúa nhưng ít ra mỗi thế hệ phải luôn có khát khao bước qua được những vòng phấn đó, còn bước qua được hay không là 1 câu chuyện khác. Thật buồn tẻ nếu không ai nghĩ đến chuyện bước qua vòng phấn cuộc đời mình.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 30.

Nhà báo Lưu Quang Định: Khi nhớ về nước Nga anh thường nhớ về điều gì đầu tiên?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Nhiều người hỏi tôi anh có yêu nước Nga như Tổ quốc thứ hai của mình, thực ra không phải tôi yêu nước Nga mà là tôi yêu, tôi nhớ tuổi trẻ của tôi ở nước Nga. Tôi yêu tuổi trẻ của tôi ở nước Nga thì tôi cũng vẫn sẽ yêu nước Nga bởi ở trong nước Nga tôi đã tìm thấy rất nhiều cái mà trong đến bây giờ vẫn đồng điệu trong tôi.

Tôi là người theo dõi thường xuyên tình hình nước Nga, đón nhận những niềm vui và chấp nhận những vận hạn của nước Nga như là của chính mình. Nhưng tất cả những cảm xúc ấy với nước Nga đều trên cơ sở là tôi yêu Việt Nam. 

Nhà báo Lưu Quang Định: Ở tuổi này ri, anh còn ước mơ gì không?

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi ước mình có đủ sức khỏe để đi và viết những điều mình còn chưa viết, đi những nơi mình chưa từng đến. Soạn nốt bản thảo thành những quyển sách, sắp xếp lại hành trang tài sản tinh thần của mình để lại, để có thể ai đó đọc có giúp được gì cho họ chăng. Tôi cũng cần thời gian để đọc những quyển sách mình có mà chưa đọc hết. Bây giờ thì mình không cần sự hâm mộ nữa, chỉ cần lo cho mình. Thơ khen hay chê cũng thế, vì chê tôi cũng không sửa được, cuộc đời coi như xong rồi. Đôi khi cũng lo mình có đủ sức khỏe để làm tất cả những việc vừa kể hay không vì sau khi ốm trận vừa rồi, con người ta không nói trước được về sức khỏe. 

Nhà báo Lưu Quang Định: Cảm ơn anh Hồng Thanh Quang và chúc anh sức khoẻ, dồi dào sáng tạo!

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 31.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 32.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 33.

Trò chuyện giữa nhà báo Lưu Quang Định và nhà thơ,  nhà báo Hồng Thanh Quang: Về Thơ, Tình yêu và Cuộc đời - Ảnh 36.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem