Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
áng 4/8/2019, tại tổ đường của Nghĩa Dũng Karate-Do (số 8 Trương Định - Huế), võ sư Nguyễn Văn Dũng đã chính thức “bé lại” với hành động trao quyền điều hành võ đường cho con trai trưởng Nguyễn Dũng Chinh.
Võ sư Nguyễn Văn Dũng lui về, “bé lại” ở tuổi 80, sau khi đã tạo dựng một sự nghiệp lớn lao; trong khi nhiệt huyết vẫn cuồn cuộn, trí tuệ sắc bén, giọng nói sang sảng, nội lực dồi dào. Đó là một cuộc từ bỏ đáng nể trọng. Công danh, phú quý và quyền lực là những thứ mà con người muốn đeo vào hơn là cởi ra. Vì vậy, xưa nay, không phải vô cớ mà người đời ngợi ca những người biết “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”.
Quyết định lui về còn đáng nể trọng hơn sự nghiệp mà võ sư Nguyễn Văn Dũng tạo dựng. Thầy lui về là hành động khẳng định ý chí và sự cương quyết của mình, như trước nay vốn vậy.
Thầy để lại cho học trò những gì? Đó là những giá trị đáng nhớ trong suốt 41 năm võ nghiệp với gần một triệu môn sinh; đó là kỷ cương, kỷ luật nổi tiếng của Nghĩa Dũng; là truyền thống nhân văn với lòng yêu thiên nhiên, tôn trọng sách vở và chia sẻ với khó khăn của cộng đồng; là ngọn núi linh hồn duy nhất trên thế gian này mang tên Bạch Mã; là bao nhiêu trước tác của thầy…
Và cuối cùng, là hình ảnh người thầy văn võ song toàn, luôn giữ đạo đức đến chuẩn mực.
Bước vào võ đường với chiếc đai màu trắng tinh khôi, trắng đến ngỡ ngàng, trước hơn 100 cao đồ đại diện cho các võ sĩ trong và ngoài nước, võ sư Nguyễn Văn Dũng căn dặn học trò gìn giữ võ đạo của thầy: “Võ đường là trường học, là nơi giáo dục võ sinh hoàn thiện nhân cách để họ có thể trở thành những con người có trách nhiệm với tổ quốc, với gia đình, biết sống nhân văn. Các em không bao giờ được thương mại hóa võ thuật !”…
Tôi trở lại võ đường vài ngày sau sự kiện chuyển giao chức sư trưởng. Võ đường dường như tĩnh lặng hơn. Thầy tôi cũng như trầm mặc hơn. Trong cảm xúc kính trọng, yêu thương và bâng khuâng khó tả, tôi muốn hỏi thầy rất nhiều điều, trước khi thầy “tịnh khẩu”.
Như một đứa học trò bé nhỏ háo hức nghe kể chuyện ngày xửa ngày xưa, tôi cùng ôn lại hành trình mấy mươi năm miệt mài vừa dạy văn vừa dạy võ của thầy, dù có nhiều chi tiết tôi từng nghe đến thuộc lòng. Và, cuộc trò chuyện bắt đầu…
Thưa võ sư Nguyễn Văn Dũng, mục đích dạy võ của thầy là gì?
- Mục đích dạy võ của tôi là rèn sức khỏe - thể chất và tinh thần, rèn kỹ năng tự vệ; giáo dục phẩm chất đạo đức. Đó là các phẩm chất: Tự tin, dũng cảm, kiên trì, kiên định, tôn trọng, tự trọng, phóng khoáng, hào hiệp, thuận hòa, phong thái đường bệ, ung dung tự tại... Đạo đức đó là: Có trách nhiệm và trung thành với tổ quốc, hiếu đễ với cha mẹ, tình nghĩa thủy chung với thầy với bạn, nhân ái, chan hòa với mọi người...
Mấy chục năm gắn bó với võ nghiệp, điều gì khiến thầy tâm đắc nhất?
- Điều tôi tâm đắc nhất là đã góp phần đào tạo nên những con người có sức khỏe, có chí khí, thông minh, tài năng và đẹp, như: Lê Đình Khánh, Lê Thanh Phong, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Quốc Túy, Nguyễn Trung Anh, Cảnh Chương, Bùi Văn Dũng, Dương Mạnh Thắng, Lê Anh Tịnh, Nguyễn Khánh Hiền, Lê Đức Dục, Phạm Mỹ Lệ... Họ là tấm gương cho thế hệ trẻ.
Trong số cả triệu môn đồ đã học từ thầy, có ai làm thầy buồn lòng không?
- Có chứ, nhiều nữa là đằng khác. Nhưng tôi nghĩ, các em có sai mới đến với mình, mới cần mình dạy, chớ tốt lành cả thì đâu cần đến mình. Hãy sống bằng tất cả tình yêu và lòng bao dung. Lại nữa, con người là sự khác biệt; ai cũng có hoàn cảnh riêng để nghĩ sai, làm sai. Nghĩ thế nên tôi càng thương yêu các em hơn.
Đã 47 năm dạy võ, chỉ một lần tôi đuổi học trò. Nhưng sau một thời gian, em ấy hối hận xin trở lại, tôi mở rộng vòng tay đón nhận, chỉ với điều kiện, không được nhắc chuyện cũ, không được nói lời xin lỗi; chỉ cần nói “Thầy ơi con đã về”.
Các môn sinh thường nói với nhau rằng, thầy đã tạo nên “bộ gene Nghĩa Dũng” cho môn sinh, đặc biệt là các cao đồ. Họ đều thành đạt, có lẽ là do tôn trọng kỷ cương và kỷ luật, tuân thủ tối đa “Giờ thầy Dũng”?
- “Giờ thầy Dũng” là do các học sinh cũ đặt cho tôi. Nghĩa là phải đúng giờ, không co giãn, du di, không sớm hay muộn dù chỉ một phút. “Đúng giờ” và “hết mình” là tôn chỉ của thầy. Chậm một phút, bị đóng cửa; chậm một phút, bị phạt… Luôn phải hết mình trong mọi việc, dù đó là việc của mình hay của người, việc yêu thích hay không thích, việc nhất thời hay lâu dài.
“Đúng giờ và hết mình, chỉ cần thực hiện hai điều đó, các trò có thể đủ cơm ăn trong suốt cuộc đời!” - Đó là phương châm sống đơn giản nhất mà tôi cố khắc ghi trong học trò của mình. Nhiều thế hệ võ sinh của Nghĩa Dũng đường làm được điều này, nên họ rất thành công, không chỉ đủ cơm ăn cho mình mà còn có thể giúp người khác, có thể trở thành người thành đạt.
Kỷ luật khắt khe như thế, nhưng cũng chính thầy lại khuyến khích võ sinh đọc sách, làm thơ, viết văn, học đàn, ca hát, khiêu vũ. Thầy bày cho học trò cả cách thắt cà vạt, cách cầm một ly rượu… Mới đây, thầy còn tổ chức một buổi tiệc buffet ngay trên Vọng Hải Đài của Bạch Mã, đích thân thầy hướng dẫn lý thuyết và thực hành cho võ sinh...
- Đúng! Rất cần như vậy, mình là con nhà võ, cần có văn để cân bằng, mềm mại hơn trong tâm hồn và phong cách sống. Đừng để người khác nghĩ mình là những người chỉ mạnh về cơ bắp, sức vóc, cứng cáp nhưng thô thiển. Võ đường từng được đón nhà thơ Nguyễn Duy đến đọc thơ, ca sĩ Quang Lý, ca sĩ Thái Hòa, Hồng Hạnh đến hát…
Đó là những buổi sinh hoạt ngoại khóa mà tôi đặt biệt chú trọng. Các khách mời đều phát biểu rằng đây là buổi trình diễn có một không hai của đời họ. Tất cả khán giả đều mặc võ phục, say sưa lắng nghe từ đầu đến cuối đã khiến họ có một cảm xúc rất đặt biệt.
Thưa thầy, được biết giáo dục nhân văn là một tôn chỉ của võ đường. Xin thầy chia sẻ nhiều hơn về quan điểm của thầy đối với lòng yêu thiên nhiên, yêu sách vở và các giá trị nghệ thuật. Điều này ảnh hưởng ra sao đối với nhân cách của người học võ?
- Tôi thường nói với môn sinh, rằng “Thiên nhiên là người thầy vĩ đại. Xa lánh thiên nhiên và chạy theo ảo vọng là nguồn cơn của mọi khổ đau trần thế”, rằng “Sách là người thầy vĩ đại, sách cho ta đôi cánh bay tới những chân trời”, rằng “Nếu thực phẩm của võ là chiêu thức quyền cước thì thực phẩm của cái tâm là âm nhạc và thi ca - Một cái tâm trong sáng, tràn đầy, và hòa ái sẽ giúp con người tránh xa thói vô cảm, vô tâm, vô trách nhiệm, và thích bạo lực đang lan tràn trong xã hội hiện nay”....
Tôi cho rằng, hành vi, lối sống của một con người không chỉ xuất phát từ thói quen, từ ý thức, mà chủ yếu từ cảm thức. Bởi thế, dạy võ, tôi rất coi trọng việc cung cấp thực phẩm tuyệt vời cho cái tâm người tập; trong đó thiên nhiên, sách, và nghệ thuật là nguồn năng lượng vô tận.
Thế đấy, để cho một người sống cho ra con người, biết yêu thương con người, biết vì con người thì không thể xa lánh thiên nhiên, sách, và nghệ thuật.
Có thể nói, thiên nhiên đối với thầy được cô đúc trong hai chữ Bạch Mã, thưa thầy?
- Tôi yêu núi rừng Bạch Mã vì Bạch Mã gắn liền tuổi thơ tôi, vì ngọn núi này là đỉnh cao quá độc đáo và quá đẹp. Và quan trọng hơn, vì đó còn là nơi rất có hiệu quả trong việc giáo dục tâm hồn lớp trẻ; giúp rèn luyện tinh thần hợp tác, tính tổ chức kỷ luật; đặc biệt giúp võ sinh biết mình là ai và tự hào về mình.
Thầy xem thiên nhiên - mà đại diện là Bạch Mã, như một phương pháp để hoàn thiện nhân cách và khí chất của một võ sĩ. Để đưa Bạch Mã từ một thực thể của tự nhiên đến một biểu tượng tinh thần, thầy đã hoạch định những yêu cầu, mục đích và phương pháp trong chương trình huấn luyện võ thuật của mình như thế nào?
- Sau ba năm kiên trì tập luyện, võ sinh thi lên huyền đai tại võ đường trung tâm hoặc tại các phân đường và được làm lễ phong đai tại Bạch Mã. Dịp ấy, tất cả các võ sinh mang ba lô trên vai, hành hương lên núi Bạch Mã. Họ phải đi bộ, trèo đèo lội suối, cả đi và về khoảng 50km, vừa chinh phục đỉnh cao, vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp, vừa kiểm tra thành quả tập luyện, vừa tu dưỡng tâm pháp và chiêm nghiệm bản thân...
Qua thực tế, võ sinh còn được học bài học về kỹ năng sống, về tinh thần đồng đội, tinh thần vượt qua thử thách, đặc biệt là bài học yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Trong hành trang của mỗi võ sinh đều có một túi đựng rác, đi đến đâu, nhặt rác đến đó.
Sau đợt tham quan, cắm trại, tập luyện và rèn luyện từ 3 đến 5 ngày, võ sinh phải viết một tiểu luận thu hoạch, gồm hai nội dung: Quá trình ba năm tập luyện Karate-Do; những thành tựu và cảm nhận về chuyến đi, về núi Bạch Mã.
Như vậy là có rất nhiều bài học trong một chuyến đi. Thiết nghĩ, khi thầy hòa kết giữa Bạch Mã và võ thuật lẫn võ đạo, thầy đã là một nhà thiết kế không gian, thiết kế tâm hồn tài ba rồi, thưa thầy?
- Tôi không nghĩ lớn đến thế, tôi chỉ thấy núi cao là nơi hun đúc năng lượng tâm linh, rất cần cho con nhà võ. Bạch Mã đủ điều kiện để thực hiện bài học rèn luyện và thử thách cho võ sinh. Nhưng cũng vừa hay, khung cảnh ấy, đất trời ấy lại trở thành một võ đường độc đáo.
Cảnh các võ sinh đi quyền dưới chân thác Đỗ Quyên cũng là vẻ đẹp có một không hai. Trong tiếng thác reo, giữa cheo leo vách núi, giữa nắng gió đại ngàn tinh khiết, đoàn võ sinh như đàn chim trắng, như đàn ngựa trắng chuyển động vừa mạnh mẽ vừa nhẹ nhàng nhịp nhàng. Đẹp không thể tả, đẹp đến ngôn từ cũng bất lực.
Đã bao lần nhìn thấy cảnh học trò đi quyền giữa trập trùng đồi núi và cheo leo thác đổ, đã bao lần nghe tiếng thét “ki-ai” của hàng trăm võ sĩ dội vào vách núi, nhưng lần nào tôi cũng xúc động đến rơi nước mắt. Đúng là khó nói hết thành lời.
Làm từ thiện và khuyến học là một trong những truyền thống của võ đường. Xin thầy cho biết mục đích của thầy khi hướng môn sinh gắn bó với hoạt động này?
- Tôi không muốn dùng khái niệm "từ thiện" vì có gì đó ban phát, tôi chỉ muốn nói đó là sự chia sẻ khó khăn, giúp đỡ người khác như lá lành đùm lá rách thôi.
Với tôi, sự giúp đỡ ấy không chỉ nhằm chia sẻ một chút gánh nặng của cộng đồng, mà chủ yếu là để giáo dục đời sống tâm hồn lớp trẻ; từng bước hun đúc nơi các em tấm lòng nhân ái, biết quan tâm, biết sẻ chia, có trách nhiệm, và xa lánh bạo lực.
Nghĩa Dũng đã giúp đồng bào vùng khó khăn một cây cầu, hai trường học nhỏ, hàng trăm tủ sách, hàng trăm suất học bổng, nhu yếu phẩm… Công việc đó vẫn còn tiếp diễn.
Thầy từng viết rất nhiều cuốn sách với nhiều thể loại và đề tài. Xin thầy cho biết thầy có dự định viết thêm nữa không và sẽ viết về đề tài gì?
- Tôi sẽ tiếp tục viết khi còn có thể. Tôi lui về, tịnh khẩu là để viết sách. Về võ, sẽ nâng cấp, hoàn thiện những cuốn sách đã viết để tái bản. Ngoài ra sẽ viết thêm Trò chuyện với môn sinh tập 4, Võ đường là trường học, Những môn sinh thương quí của thầy... Về văn, sẽ viết Đi qua những dòng sông, Lời tự tình của một dòng sông tập 2. Tôi muốn có một nơi ẩn dật, để chỉ chuyên tâm vào việc viết sách mà thôi..
Những môn sinh trong khóa thi huyền đai đầu tiên ở Bạch Mã kể lại rằng, buổi chiều thi môn quyền pháp trên sân thượng một ngôi biệt thự đổ nát trên đỉnh Bạch Mã vào năm 1984 đẹp đến vô cùng. Màu võ phục trắng điệp với màu của rừng chiều, mây trắng và phế tích in nét rêu phong hòa với không khí linh thiêng và thanh khiết của núi rừng. Giữa cái phông nền đặc biệt ấy, người võ sinh nổi tiếng đi quyền đẹp nhất võ đường thượng đài. Nhìn bạn thoăn thắt rồi chao liệng như một cánh chim trong chiều, các anh thấy “lãng mạn và đẹp ghê người”, bởi vì “trong từng đường quyền có khí phách của rừng sâu, có dáng vẻ tự tại ung dung của núi và tinh khiết vô ngần của gió rừng”. “Mặc bộ kimono trắng, luyện một bài quyền trong mây trắng thì chiêu không là chiêu nữa, thức không là thức nữa, mà là một sự chuyển động kết nối và hòa hợp giữa thiên nhiên và con người”. (Võ sư Lê Thanh Phong).
Sau khi xây dựng một sự nghiệp như vậy, thầy từng nói là muốn "bé lại trước thiên nhiên bao la, bé lại trước lớp đệ tử đầy trẻ trung và hứa hẹn". Bây giờ, thầy chính thức nhường lại sự nghiệp cho thế hệ trẻ, trở về với chiếc đai trắng hư không. Xin thầy nói rõ hơn về triết lý "buông bỏ" này, đối với một con người bình thường và đối với một võ sư như thầy?
- Một cái cây khi đã trở thành đại thụ thì luôn bắt người khác phải ngước nhìn, ru người khác phải núp bóng, đặc biệt nó rợp bóng những cây con. Thế thì tệ quá! Bởi vậy, tôi muốn mình “bé lại” hoặc “biến mất” để người khác có cơ hội nhìn chính mình, tạo nên cái bóng của chính mình, và cho người khác có khung trời cao rộng để vươn lên.
Tôi nghĩ buông bỏ không có nghĩa là cắt bỏ. Cũng như cùng im lặng, nhưng cái im lặng của đứa bé không biết gì khác với im lặng của một cụ già kinh qua mọi thứ.
Nhiều người, suốt đời lao động cực nhọc để tạo nên một đống của cải, rồi hắn ta bị cột chặt vào đống của cải của mình, làm nô lệ cho thứ của cải của mình. Và, nỗi khổ niềm đau bắt đầu từ đó - bất an, nghi ngờ, âm mưu, thủ đoạn, mất ngủ, biếng ăn, bệnh tật... Đều do hắn ta không biết buông bỏ.
Buông bỏ là một thái độ sống, buông bỏ là “thiền” - Vẫn quan tâm mọi thứ nhưng không để thứ gì trói buộc mình. Người ta gọi đó là cảnh giới của các bậc thiền sư, minh triết.
Nhà báo Lê Thanh Phong – một đệ tử của thầy - đã từng viết trên báo Lao Động về thầy: “Mang chiếc đai trắng là vô ngôn, là tịnh khẩu. Thầy đã dạy học trò bằng lời 40 năm qua, nay thầy dạy chúng tôi bằng sự im lặng. Những hư danh, những tranh giành, những toan tính, những hơn thua được mất đã tẩy rửa, lau sạch qua một đời luyện võ và luyện tâm. Mang chiếc đai trắng là không còn gì vướng bận, không có chuyện đúng sai, không còn nóng giận. Trong lòng chỉ có sự tinh khôi và vô nhiễm của càn khôn, để khoác áo chân như, bước tới hư vô”...
- Tôi cảm ơn anh Phong, cảm ơn các đệ tử! Phải hiểu thầy mình lắm, học trò mới viết được, lý giải được những điều đẹp đẽ như thế. Nhưng tôi cũng mong mọi người nhìn việc đó một cách nhẹ nhàng thôi..
Vẫn biết là nhẹ nhàng, nhưng tâm trạng của thầy sau việc chuyển giao quyền điều hành như thế nào?
- Nhất thời, đó như là tâm trạng ông bố sau ngày cưới của con gái: Vui vì con gái có chồng đàng hoàng, hứa hẹn hạnh phúc tròn đầy. Hụt hẫng một chút bởi dấu yêu giờ đã xa.
Rời xa võ đường, thầy còn gửi gắm tâm nguyện gì cho thế hệ kế tiếp?
- “Võ đường là trường học”, góp phần đào tạo cho đất nước những người con khỏe hơn, chí khí hơn, thông minh hơn, đẹp hơn. Muốn được thế, phải đoàn kết chung lòng, không ngừng vươn lên, và luôn nghiêm khắc với chính bản thân mình.
Thầy đã từng du lịch gần 70 nước, thầy có chia sẻ gì về những trải nghiệm đó?
- Rất cần một cái đầu lạnh trước danh lợi thị phi, và một đôi chân nóng để đi khắp thế gian. Đó là chia sẻ của tôi sau 20 năm lãng du khắp thế giới. Có đi mới biết, thế giới này mênh mông lắm, đẹp lắm, lung linh lắm; qua đó mà tâm hồn ta cũng rộng lớn hơn, đẹp hơn, lung linh hơn.
Có đi mới biết, trên Trái đất này, con người nhân hậu lắm, bao dung lắm, thánh thiện lắm. Và ta, bỗng khát khao cũng trở nên nhân hậu hơn, bao dung hơn, thánh thiện hơn. Có đi mới biết, trên đời này có những giá trị vô giá thường bị vùi lấp trong các cuộc chiến tranh, trong nghèo đói và u mê.
Có đi mới biết, đất nước mình đẹp đến nhường nào, nhân dân mình đẹp đến nhường nào. Và bạn tin không, yêu nước không gì bằng đi thật xa rồi ngoái lại nhìn đất nước mình.
Sau khi vân du sơn thủy, thầy sẽ ẩn cư, tịnh khẩu và chuyên tâm vào việc viết sách, vì thế, đây có thể xem như là cuộc trò chuyện cuối cùng của thầy với cuộc đời và môn sinh, thầy muốn nói thêm điều gì nữa không?
- Không!
Vậy thì, xin thầy để lại cho học trò một chữ mà thầy tâm đắc nhất?
- Không
Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện hết sức ý nghĩa này. Chúc thầy luôn mạnh khỏe, bình an.
SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN CỦA VÕ SƯ - NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN DŨNG:
Karate - kỹ thuật căn bản.Nhà xuất bản Thể dục Thể thao, 1986
Karate - bài quyền từ đai trắng đến đai đen. Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1996
Karate - tự vệ chiến đấu. Nhà xuất bản Thể dục Thể thao, 1991
Karate - bài quyền cao đẳngSở Văn hóa TT-Huế, 1993
Karate - song đấu tự do. Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1996
Hệ phái Suzucho Karate-Do - 45 năm hình thành và phát triển. Sở Văn hóa TT-Huế, 2005
Karate - bài quyền đặc dị. Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2007
Nghĩa Dũng Karate-Do. Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2010.
Linh Sơn mây trắng. Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2006
Đi tìm ngọn núi thiêng. Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2012
Lời tự tình của một dòng sông. Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2013
Trò chuyện với môn sinh (3 tập).Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2014, 2017, 2019
Tâm thức núi. Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2015.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.