Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
an giám khảo chỉ ra rằng, tác phẩm của Nghĩa mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt, đồng thời vẫn toát lên vẻ hiện đại. Đặc biệt, “Các thiết kế của công ty Võ Trọng Nghĩa biểu thị một sự chuyển đổi từ cũ sang mới. Họ đã phát triển trường phái tư tưởng và kỹ thuật riêng của mình”. Trong đó, ban giám khảo đề cao những thiết kế “vô cùng thiết thực, thông minh và được điều chỉnh một cách tốt nhất”.
Chuyện Nghĩa đạt giải thưởng không lạ, chỉ lạ là vì sao một kiến trúc sư đang gặt hái nhiều thành công và giải thưởng như anh, lại bỏ tất cả để đi thiền?
Từ trước đến nay, để gặp được anh không dễ. Không ít hãng truyền hình nổi tiếng thế giới phải bay sang tận nơi anh đang làm việc, tại một nước Châu Á nào đó, hay “nằm vùng” cả tháng trời ở Việt Nam mới mong dựng nên bộ phim tư liệu sống động về vị kiến trúc sư tài ba này. Đơn đặt hàng tới tấp, công ty ăn nên làm ra,thế rồi bỗng dưng, Nghĩa “biến mất” khỏi Việt Nam.
Một buổi sáng đẹp trời, chuông điện thoại đổ dồn dập. Là Võ Trọng Nghĩa. Anh cho biết, mình vừa từ Myanmar trở về, thời gian qua có quá nhiều điều xảy ra với anh và dĩ nhiên, đó là những trải nghiệm hoàn toàn mới lạ.
Khi đến gặp anh, trước mặt tôi là một con người gần như khác hẳn. Tóc cạo sát đầu, để lộ vầng trán rộng suy tư. Không còn một Võ Trọng Nghĩa sành điệu về phong cách ăn mặc, mà là một con người giản dị như buông bỏ, với nụ cười rất tươi trên môi. Có điều gì bí ẩn đã thay đổi sâu xa trong con người anh.
“2 năm ở Myanmar là 2 năm có ý nghĩa nhất trong đời tôi, được nhìn thấy những điều chưa bao giờ hình dung ra nổi. Thậm chí, tôi từng có vài tháng xuất gia giao duyên. Cảm giác thật tuyệt vời. Có thể tôi chưa xuất gia nhưng giữ giới, hành thiền thì quyết tâm thực hiện một cách tuyệt đối”, anh mở đầu câu chuyện.
Còn tôi thì đã hiểu, Võ Trọng Nghĩa đã sang một trang mới của cuộc đời.
Văn phòng của công ty Võ Trọng Nghĩa nằm ở quận 2 (TP.HCM), là một thiết kế khá đặc biệt. Thông thoáng, bốn bề nhìn ra không gian bên ngoài bằng lớp kính trong suốt, được phủ bởi hàng loạt mô-đun cây xanh rợp mát. Phía bên trong lại càng đặc biệt hơn, khi hai tầng thông nhau bằng khoảng không ở giữa mà không hề được ngăn cách bằng gờ lan can. Những khối bê tông đúc để thô ráp tạo nên một không gian khác biệt, khá hòa nhập với tinh thần của chủ nhân.
Cách đây gần 7 năm, lần đầu tiên gặp Võ Trọng Nghĩa, cảm nhận đầu tiên về anh là một kiến trúc sư độc đáo. Từ dáng dấp, phong cách lẫn lối tư duy của anh đều toát lên một tinh thần rất Nhật, cầu toàn, nghiêm khắc, kỷ cương và giữ chữ tín.
Nhưng khi trò chuyện cùng anh, bất ngờ lại gặp một con người khác: Giản dị, vui vẻ, cực bận rộn nhưng trông vẫn thảnh thơi; ngồi ở bất cứ nơi nào cũng vẫn có thể thiết kế và điều hành công việc như thường. Lúc thư thái, trông anh lại phóng khoáng và nghệ sĩ.
Cho đến nay, giới kiến trúc sư vẫn không ngừng tranh cãi về các công trình xanh khắp Việt Nam của Võ Trọng Nghĩa và cộng sự. Tiêu chí độc, lạ, mới về ý tưởng và gần như không lặp lại. Võ Trọng Nghĩa vận dụng chất liệu có sẵn của từng địa phương để xây nên những ngôi nhà mang tính sáng tạo, khác biệt và mang bản sắc của vùng đất đó. Từ chất liệu đá, gỗ, tre, bê tông…, anh đều có thể tạo ra những căn nhà có lối thiết kế tối giản, vừa mang tính thẩm mỹ cao, vừa tiết kiệm năng lượng, và đặc biệt, thông gió.
Sinh ra ở vùng quê nghèo đầy nắng và gió ở Quảng Bình, hơn ai hết, Võ Trọng Nghĩa khao khát thiết kế nên căn nhà che nắng mưa bền vững trước những cơn bão, không cần nhiều tiện nghi nhưng ai sống trong đó cũng có thể hưởng nguồn khí lưu thông điều hòa, mát mẻ. Điều mà anh tâm niệm chính là xây càng nhiều công trình xanh càng tốt, không chỉ ở riêng TP.HCM và Hà Nội, mà cả trên khắp thế giới. Riêng những nơi nào chưa đủ điều kiện, có thể phủ xanh mái nhà phố hay biệt thự bằng cách dành sân thượng cải tạo thành một mảng xanh nhiều công năng.
Từ năm 2005 trở đi, anh đã gặt hái khá nhiều giải thưởng quốc tế. Báo chí nước ngoài xếp hàng hẹn lịch để phỏng vấn.Nghĩa cũng bắt đầu thiết kế nhiều công trình xanh ở Trung Quốc, Bắc Mỹ…
Mỗi lần đến công ty của anh, lại thấy có nhiều kiến trúc sư người Nhật cùng tham gia thiết kế công trình. Thậm chí, có người còn mang vợ, con sang đây để dụng võ lâu dài. Không chỉ người Nhật, còn có cả kiến trúc sư các nước. Nghĩa cho biết, mức lương trả cho họ vào thời điểm đó khá cao, cả trăm triệu đồng một người, là điều mà ít văn phòng kiến trúc sư nào dám chịu chơi như thế. Thậm chí, có lần, anh đã phải bán mảnh đất khá đẹp ở quận 2, chỉ để giữ chữ tín, kịp thanh toán lương cho các chuyên gia và nhân viên. Vừa làm, hai bên vừa học hỏi cái hay của nhau, và sau một thời gian, đã có những kiến trúc sư Việt có khả năng đảm đương thiết kế công trình khó, tay nghề không hề thua kém chuyên gia nước ngoài.
Điều mà Nghĩa luôn tâm niệm, chính là trả lại mảng xanh cho đô thị và xây những công trình bền vững. Võ Trọng Nghĩa chia sẻ: "Tôi mong muốn làm ra những công trình có thể trả lại mảng xanh cho đô thị. Nhiều người nghĩ, làm công trình xanh thì rất tốn kém, song đừng bao giờ nghĩ ngắn như vậy, vì kiến trúc xanh phù hợp với tất cả mọi người và chúng ta đang cần tìm lại sự cân bằng cho cuộc sống vốn đang bị hủy hoại".
Với anh, kiến trúc không chỉ mang lại vẻ đẹp, mà còn là sự kết nối con người với tự nhiên. “Ngôi nhà xanh là ngôi nhà thân thiện nhất, để sau một ngày làm việc mệt mỏi, người ta có niềm vui được trở về, rũ hết bụi bặm, tiếng ồn ở ngay ngưỡng cửa để bước vào không gian xanh mát, tĩnh lặng, thư giãn và tái tạo năng lượng cho ngày làm việc mới.”
Thế rồi bẵng đi một thời gian, anh đi thiền liên tục ở Myanmar. Lần quay về chớp nhoáng ở Việt Nam, có thể thấy anh thay đổi hoàn toàn, gần như là một tu sĩ hơn là một kiến trúc sư. Nhưng nụ cười tươi rói thì vẫn là của một con người hạnh phúc.
Nhiều người mặc định, kiến trúc là cuộc chơi của nhà giàu. Tại sao anh nghĩ khác?
-Trước đây, nhiều người nghĩ, muốn có kiến trúc đẹp, chỉ nước giàu mới làm được, còn bây giờ, tôi muốn tìm ra cái gì chỉ Việt Nam làm được với giá thành rẻ, kết cấu bền vững… Cũng là công trình bê tông, nhưng làm thế nào để đảm bảo hài hòa với cảnh quan và môi trường, có thể tái tạo năng lượng, tận dụng năng lượng mặt trời…
Tôi học được rất nhiều ở triết lý kiến trúc của người Nhật, đó là mọi thứ phải thật tối giản, tinh tế. Từ đó mới tìm ra cách tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tiền bạc mà đổi lại, vẫn là thiết kế bền vững và thân thiện với môi trường. Cụ thể, sử dụng các vật liệu bền vững như đá tự nhiên, gỗ, bê tông trần kết hợp với giải pháp vi khí hậu tăng cường thông gió và lấy sáng tự nhiên, công trình được xây dựng kiên cố nhằm giảm chi phí vận hành và bảo trì.
Việt Nam đang có mặt thuận lợi là nhà nước cho phép bán điện năng lượng mặt trời cho lưới điện. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung và tiêu chí của thiết kế của chúng tôi.
Thế giới đi theo trào lưu sống tối giản, theo người Phần Lan, Thụy Điển và Nhật. Tôi nghĩ đó là nét rất hay và Việt Nam có thể học tập.
Trong các công trình đã hoàn thiện, có những thiết kế xuất sắc nhận nhiều giải thưởng quốc tế như Nhà trẻ ở Biên Hòa (Farming Kindergarten), Đại học FPT, Nhà cây ở Bình Thạnh, Tổ hợp nhà tre ở Đại Lải…, công trình nào anh cảm thấy hài lòng nhất?
- Thường thì khi làm xong một công trình nào đó, tôi lập tức quên đi để cùng ê kíp bắt tay làm dự án khác. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, văn phòng tôi làm việc hiện nay là một trong những công trình ưng ý. Bởi ước mơ của đa số chủ đầu tư đều gặp nhau ở một điểm là công trình rẻ, đẹp mà vẫn đảm bảo yếu tố bền vững.
Công trình này không chỉ bền (vài trăm năm), rẻ, mà còn độc đáo - vốn là một thử thách không nhỏ cho kiến trúc sư. Cả công trình rộng 1.400m2 gồm tầng hầm và hai tầng nổi, chưa đầu tư nội thất nhiều, chỉ hết 10 tỷ đồng. Đặc biệt, công trình được đổ bê tông đặc từ trên xuống dưới và đổ bê tông giữa các bức tường. Ngôi nhà thoáng đãng, có thể phóng chiếu, nhìn ra không gian bên ngoài từ các cửa kính, nhưng che phủ, tạo dáng lại là các loại cây xanh nhằm giảm hiệu ứng nhà kính và giảm thiểu sự nóng bức, ngột ngạt của không gian sống.Và một bài toán nữa đặt ra là nếu có bán tòa nhà này đi cho một người chủ khác thì họ vẫn khai thác được hết công năng sử dụng.
Như đã nói, những bài toán của kiến trúc đặt ra khá mâu thuẫn với nhau: Đã rẻ, mà phải bền; đẹp mà còn phải độc. Giải được bài toán đó là điều vô cùng tuyệt vời. Và điều này đã khiến tôi suy nghĩ trong một thời gian dài, cuối cùng tự tìm ra đáp số.
Anh từng chia sẻ, có được một Võ Trọng Nghĩa như hôm nay là nhờ việc anh học từ thất bại. Vì sao ngay từ khi mới vào nghề, anh xác định phải xây thật nhiều nhà xanh ở thời điểm chưa ai nghĩ đến?
- Đó là trách nhiệm của học trò với những người thầy đã dạy mình, trách nhiệm của cá nhân với xã hội. Nói những điều đó nghe to tát, đúng hơn là trách nhiệm đối với bản thân mình. Khi chưa có tiền thì xây nhà xanh cho khách hàng, khi có tiền thì xây nhà cho chính mình; nhà nhiều cây thì bớt dùng máy điều hòa, bảo vệ sức khỏe, thay vì thụ động ru rú trong những không gian trần thấp, máy lạnh chạy suốt ngày.
Trước đây, nói đến Võ Trọng Nghĩa, người ta nói ngay đến ghi nhận của cộng đồng kiến trúc sư quốc tế với những công trình xanh tiêu biểu. Từ việc chinh phục thị trường thế giới rồi quay về tạo lập thương hiệu trong nước là cả quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng…
- Chúng tôi vẫn làm điều đó, như ăn cơm ngày 3 bữa, nhưng không nhắc đến vì cảm thấy việc giữ giới, hành thiền (định, tuệ) còn quan trọng hơn. Hiện chúng tôi vẫn hướng đến công trình độc, lạ, sáng tạo, giá thành vừa phải.
2 năm ở nước ngoài là 2 năm chúng tôi nhận nhiều công trình nhất. Tuy nhiên, lâu nay người ta thường có tâm lý là phải làm nhiều công trình ở nước ngoài thì mới gọi là thành công, nhưng tôi nghĩ ngược lại. Giữa Sài Gòn mà có những công trình xanh thì đáng tự hào hơn chứ. Và công ty tôi không có văn hóa tự hào về thành quả của mình, mà mọi người cho rằng khiêm tốn, kham nhẫn thì mới là trí tuệ.
Trước đây anh từng giảng dạy ở các trường đại học trên thế giới, trong đó có ĐH Harvard… Còn bây giờ thì sao?
-Vào tháng tư năm ngoái, tôi xin thôi làm giáo sư thỉnh giảng và ngưng dạy cho sinh viên đại học ở Singapore và Nhật. Dù người ta cố thuyết phục nhiều lần, nhưng tôi nghĩ, mình chỉ muốn sống đúng với con người mình, làm đúng việc của mình, như thế tốt hơn là có thêm một chức danh nào đó mà lại không tham gia giảng dạy cho sinh viên thường xuyên.
Thật vậy, gặp lại Võ Trọng Nghĩa sau thời gian đi thiền ở Myanmar, cả bên ngoài lẫn bên trong của anh đều rất khác. Lần này, anh không còn háo hức kể về công trình mới, những giải thưởng quốc tế nhận nhiều “hoa cả mắt”, những Festival kiến trúc quốc tế, nơi anh làm giám khảo, hay những đài truyền hình lớn bay sang làm talkshow về anh, những cuốn tạp chí kiến trúc nổi tiếng cho đăng nguyên một số những công trình Võ Trọng Nghĩa và cộng sự… Mà đó là con người thiền định, trầm lắng, thanh tịnh.
Đang làm công trình không xuể, bỗng dưng anh bỏ hết để đi thiền, liệu anh có từng trải qua một cú sốc về tâm lý nào không?
- Thực ra, tôi hành thiền từ năm 2012, lúc đó gần như bế tắc, không có ý tưởng cho những công trình lạ và độc. Nhưng phải 5 năm sau tôi mới đi thiền quyết liệt. Dùng toàn bộ tâm ý vào việc thiền, cả ngày không làm gì, chỉ nghỉ ngơi và thiền. Thi thoảng mới trao đổi công việc. Khi chú tâm đến 1-3 tiếng thì tôi phát hiện ra, việc làm kiến trúc không hề quá khó, thậm chí còn trở nên đơn giản.
Đáng nói nữa là dù đi thiền nhưng công việc vẫn chạy tốt. Có thể nói, thiền là nét tiêu biểu của công ty chúng tôi. Các cộng sự và nhân viên đều dành ngày 2 lần để thiền, lâu lâu lại tham gia các khóa tu tập. Còn tôi thì mong muốn mình có nhiều thời gian toàn tâm toàn ý thiền hơn nữa. Bởi vì thiền mở ra một cánh cửa trước đây tôi chưa từng nhìn thấy, thiền cũng khiến tâm an lạc, bình an và cân bằng, nhờ đó mà sức sáng tạo cũng trở nên vô tận.
Khi còn là sinh viên nghèo du học ở Tokyo, ước mơ của anh là thoát nghèo, là làm công trình đẹp và nổi tiếng. Còn đến bây giờ khi có tất cả, vì sao anh lại muốn buông bỏ và không muốn nhắc gì đến các giải thưởng quốc tế?
- Ước mơ cháy bỏng của tôi lúc đó là về Việt Nam trở thành kiến sư giỏi, rất giỏi. Để làm được điều đó, tôi đã phải dốc hết sức để cố gắng, nhưng đến lúc này, tôi hiểu rằng không phải làm kiến trúc là quan trọng nhất mà có những chuyện quan trọng hơn – là giữ giới và hành thiền.
Tôi muốn đi ngược lại quan điểm của xã hội rằng có tiền là có tất cả. Với tôi, tiền là chuyện rất cần thiết, ví như làm doanh nghiệp thì phải nuôi sống được nhân viên và tạo ra lợi nhuận. Nhưng giữ giới, hành thiền là tài sản đi qua các kiếp, còn quan trọng hơn nhiều. Khi chết, con người để lại những nghiệp (những hành động làm bằng thân, khẩu, ý) do mình tạo ra, trong khi giữ giới và hành thiền thì tạo thiện nghiệp. Tiền bạc, giải thưởng chỉ là phụ, những kiến trúc và thiện nghiệp thì để lại cho người đời.
Vắng mặt 2 năm ở Việt Nam, vì sao anh vẫn có thể điều hành công ty một cách hiệu quả như vậy?
- Từ tháng 7/2017, tôi sang thiền ở Myanmar. Lúc đầu cũng xác định, trong quá trình đi thiền, công ty của tôi sẽ gặp những khó khăn nhất định; thậm chí có nguy cơ phá sản. Trên thực tế, tại thời điểm ấy, rất nhiều hợp đồng mới đã bị khách hàng hủy bỏ vì tôi không có mặt ở đó để cùng ê kíp thực hiện. Hoặc không ít anh em đến đây để học về kiến trúc, mà vì không có tôi nên lại bỏ ý định. Thế nhưng bằng mọi giá, tôi vẫn đi thiền.
Nhiều khó khăn đến cùng lúc, song bất chấp tất cả, công ty vẫn vận hành trên nguyên lý: Tất cả nhân viên đều giữ giới và hành thiền. Giữ giới có 5 điều: Không trộm cắp, không nói dối, không sát sinh, không tà dâm, không uống bia rượu và chất gây nghiện. Nếu mọi người thực hiện được 5 điều giới đó thì họ đều là những con người tuyệt vời và rất đáng tin cậy. Từ nhân viên đến sếp đều giữ giới thì hẳn nhiên tạo ra một môi trường làm việc tuyệt vời, vừa mang lại lợi ích cho bản thân họ, vừa mang lại lợi ích cho công ty và cho cả tôi trong quá trình đó.
Vận hành công ty theo mô hình ấy, vô hình trung, tất cả đều đúng với guồng quay của nó. Người ta muốn tạo ra thương hiệu, nhân hiệu, nhưng thực ra cả hai đều chính là lòng tin. Thì đây, chính những người không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không sát sinh… đã tạo ra thương hiệu cho chính công ty.
Nhiều người ngộ nhận chữ “thiền” có thể gây đau khổ cho người khác. Vậy theo anh, nên hiểu về thiền thế nào cho đúng?
- Khi nào còn đi theo con đường giữ giới, phát triển định và tuệ theo đúng lời Đức Phật dạy thì đó là thiền đúng. Còn những người “chế tác” ra “lời Phật”, dùng xảo ngôn để dạy cái này cái khác cho loài người thì đó là tạo bất thiện nghiệp.
Công ty chúng tôi xem việc giữ giới hành thiền quan trọng hơn là kiến trúc; giữ giới hành thiền tốt thì làm kiến trúc tự nhiên tốt; giữ giới tốt thì tâm thanh tịnh; thiền tốt - sự chú tâm cao. Nếu chúng ta lấy việc giữ 5 giới làm nền tảng cho gia đình, công ty, xã hội và đất nước thì đó sẽ là một gia đình hạnh phúc, một tập thể vững mạnh, một đất nước hùng cường. Bạn sẽ không lo bị thiệt thòi khi giữ giới đâu, vì khi làm việc, ai cũng muốn làm với người đáng tin; khi đó nếu chọn đối tác, khả năng họ chọn bạn là cao hơn vì bạn giữ giới.
Ngay trong gia đình tôi cũng vậy. Tôi khuyến khích vợ tôi cùng đi thiền. Lúc đầu, cô ấy còn nghi ngại, nhưng sau khi thực hành thì tiến bộ rất nhanh. Về sau, cả gia đình tôi cùng cô con gái nhỏ sang Myanmar để tu tập.
Phải chăng anh còn muốn hiểu sâu xa điều gì nữa?
- Nguồn gốc của đau khổ chính là lòng tham của con người. Càng tiếp xúc nhiều với các chủ đầu tư, tôi càng thấy họ đau khổ vì tham lam, căng thẳng, không thỏa mãn; không thỏa mãn thì phải nỗ lực kiếm nhiều tiền; càng nỗ lực thì càng căng thẳng. Nếu họ thực hiện giữ giới, hành thiền thì sẽ giảm hẳn căng thẳng và mệt mỏi.
Xin cảm ơn anh và chúc anh thành công trên con đường riêng của mình.
Sinh năm 1976 tại Quảng Bình, tốt nghiệp thủ khoa Học viện Kỹ thuật Nagoya (Nhật Bản) năm 2002, nhận bằng thạc sĩ hạng ưu của Đại học Tokyo năm 2004.
Các giải thưởng quốc tế gồm: Công trình của năm - giải ArcAasia Awards do Hội Kiến trúc sư Châu Á trao tặng năm 2014, 4 Huy chương vàng của ArcAasia, 6 lần đoạt giải của WAF (World Architecture Festival- Festival Kiến trúc sư thế giới), 10 lần nhận giải FuturArc Green Leadership Award, 27 lần nhận giải Green Good Design Award, 12 lần nhận giải International Architecture Awards (Giải kiến trúc quốc tế), 1 giải Prince Claus Award 2016, AR House Award 2014 và giải Kiến trúc của năm - Architect of the Year 2013.
- Trở thành nhân vật chính của nhiều cuốn sách do người nước ngoài viết về mảng kiến trúc xanh trên thế giới, từng được nhiều đài truyền hình quốc tế (CNN, BBC) phỏng vấn, làm phóng sự. Mới đây, anh được tờ New York Times chọn là nhân vật tiêu biểu cho chuyên mục Visionaries - chuyên giới thiệu những gương mặt đột phá, vượt qua giới hạn trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.