“Zico” Kiatisuk Senamuang: “Tôi muốn cả thế giới biết đến HAGL” - Ảnh 1.

Cách đây 14 năm, khi đội tuyển Thái Lan sang Việt Nam đá trận lượt đi bán kết AFF Cup 2007 (thắng 2-0 ngay tại Mỹ Đình sau đó hòa 0-0 ở lượt về tại Bangkok để đi tiếp vào chung kết), tôi đã rất ấn tượng khi gặp gỡ Kiatisuk tại một khách sạn 5 sao trên phố Cát Linh (Hà Nội). Ngày ấy, anh mặc nguyên bộ đồ thể thao của đội tuyển xứ chùa vàng, đội mũ nồi len màu đen rất điệu khi trao đổi xã giao cùng tôi.

Có thể Kiatisuk đã quên nhưng tôi thì rất nhớ câu trả lời của anh khi tôi thắc mắc về chiếc mũ nồi: "Chiếc mũ do vợ tôi tự tay đan đấy. Tôi coi đó như chiếc mũ may mắn của mình. Hà Nội đang mùa đông, lạnh lắm, nên cô ấy nhắc tôi cần phải giữ ấm".

AFF Cup 2007 cũng là giải đấu cuối cùng của "Zico Thái" trong màu áo đội tuyển quốc gia. Sau đó, tôi còn gặp lại anh nhiều lần nữa, nhưng chỉ trong phòng họp báo. Đó là thời điểm anh vừa là cầu thủ kiêm HLV cùng HAGL giành HCĐ V.League 2007, dẫn dắt Chonburi sang Việt Nam đá AFC Cup 2009 gặp Hà Nội ACB, sau đó trở lại Việt Nam lần thứ 2 "nhận ấn kiếm" bất thành khi HAGL chỉ xếp thứ 7 V.League 2010 – thành tích khá tệ của "hùm thiêng" phố Núi lúc ấy.

“Zico” Kiatisuk Senamuang: “Tôi muốn cả thế giới biết đến HAGL” - Ảnh 2.

Trong lần thứ 3 trở lại Việt Nam vào ngày 17/12/2020, HLV Kiatisuk mang theo khát vọng giúp "những đứa trẻ nhà bầu Đức" như Văn Toàn, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh, Minh Vương, Tuấn Anh, Hồng Duy… "có một bộ sưu tập thành tích hoành tráng một chút".

"Chúng ta bắt đầu nhé, trò chuyện thoải mái như những người anh em", anh "Zico" trong trang phục áo phông màu xanh đậm kết hợp hài hòa với tông màu nâu nhạt của chiếc quần short trẻ trung mở đầu câu chuyện với phong cách thân thiện vốn có…

Mới giai đoạn 2 của mùa bóng năm ngoái thôi, HAGL còn thể hiện một bộ mặt bạc nhược, đá đâu thua đấy. Vậy mà nay sau 9 vòng đấu đầu tiên, HAGL như gã "độc cô cầu bại" thắng 7, hòa 1 chỉ thua duy nhất 1 trận, vững vàng dẫn đầu V.League 2021. Có người bảo anh có phép thuật, giống như cách HLV Park Hang-seo đã giúp bóng đá Việt Nam "thay da đổi thịt"?

- Cũng như lần đầu nhận lời "boss (ông chủ) Đức" sang Việt Nam làm việc năm 2002, tôi muốn giúp HAGL trở thành đội bóng số 1.

“Zico” Kiatisuk Senamuang: “Tôi muốn cả thế giới biết đến HAGL” - Ảnh 4.

Tôi nói với các cầu thủ, đam mê và tình yêu là điều các bạn có. Nhưng cần phải tập luyện nhiều hơn nữa, đặc biệt phải biết ước mơ. Các bạn có thể đánh bại mọi đội bóng, hãy ra sân với niềm tin như vậy.

Chúng tôi bắt đầu mùa giải khi thiếu may mắn, thua Sài Gòn FC 0-1 trên sân Thống Nhất. Nhưng khi bạn biết rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, phát huy những điểm mạnh của mình, quyết tâm đến cùng để thực hiện mục tiêu, bạn sẽ đạt kết quả như ý.

May mắn đã đến với chúng tôi nhiều hơn và cụ thể là trận đấu ở vòng 9 V.League 2021,  Nam Định xứng đáng có một trận hòa sau những nỗ lực, ý chí thi đấu tuyệt vời, không bao giờ từ bỏ của họ. Nhưng ngay trước khi hết giờ, chúng tôi lại được hưởng quả phạt đền quyết định và giành 3 điểm.

Anh đã thực hiện những thay đổi chiến thuật ở HAGL ra sao?

- Khi nhận lời cầm đội, tôi nhận thấy HAGL những năm qua tấn công không tồi nhưng hàng thủ lại quá tệ. Cho nên việc đầu tiên là tôi yêu cầu các cầu thủ phòng ngự phải chơi chắc chắn. Chúng tôi phải giữ sạch lưới để chắc chắn có 1 điểm đã. Khi hàng công ghi bàn, dù đó chỉ là 1 bàn thắng, chúng tôi sẽ có 3 điểm. Thắng 1-0 hay 3-0 cũng chỉ là 3 điểm.

Tôi luôn nhắc nhở các cầu thủ "phải đá đẹp, không đá xấu, không đá bậy" (những câu chú thích trong ngoặc kép là Kiatisuk nói bằng tiếng Việt để nhấn mạnh ý tứ của mình, giúp tôi hiểu rõ hơn – PV). Nhưng đá đẹp mà không có 3 điểm thì cũng chưa đẹp lắm.

Ở hàng thủ, với sự bổ sung của Kim Dong-su bên cạnh Memovic, Hữu Tuấn, tôi đã có bộ ba "trung vệ thép".

Trên hàng công, tốc độ, sự khéo léo của Văn Toàn – Công Phượng – Brandao giúp HAGL có thể tận dụng tối đa mọi khoảng trống bên phần sân đối phương, đặc biệt khi họ được hỗ trợ bởi những đường chuyền vượt tuyến chính xác của Lương Xuân Trường.

Khi các đối thủ "bắt chặt" Toàn, Phượng, Brandao thì đó là thời điểm để những "vệ tinh" như Minh Vương, Văn Thanh, Hồng Duy tỏa sáng.

Thời gian tới, khi Tuấn Anh trở lại, chúng tôi còn có nhiều sự đột biến hơn từ những tình huống đi bóng đầy chất nghệ sĩ của cậu ta. Khán giả tới sân Pleiku sẽ có dịp vỗ tay tán thưởng, được vui vẻ nhiều hơn.

“Zico” Kiatisuk Senamuang: “Tôi muốn cả thế giới biết đến HAGL” - Ảnh 5.

Văn Toàn chơi hiệu quả hơn khi anh tới, đã có 6 bàn thắng, dẫn đầu danh sách "phá lưới" V.league tính tới thời điểm này . Công Phượng cũng trở nên cực kỳ nguy hiểm. Đâu là "chìa khóa" giúp anh thay đổi họ?

- Bóng đá Việt Nam đã thay đổi nhiều quá. Trước đây chỉ có vài ba câu lạc bộ lớn, nhưng giờ cả 14 đội dự V.League 2021 đều rất mạnh và thật khó để đánh bại họ.

Bao năm quá, các đối thủ cũng đã hiểu rất rõ HAGL. Cái tôi cần là các cầu thủ phải biết cách "thay đổi", tạo nên những sự bất ngờ cho chính đối thủ, chứ không còn là "những chàng trai ngọt ngào" trên sân cỏ nữa.

“Zico” Kiatisuk Senamuang: “Tôi muốn cả thế giới biết đến HAGL” - Ảnh 6.

Tôi không gây sức ép ghi bàn cho Văn Toàn, Công Phượng trên hàng công. Đôi khi, tôi nhận thấy Công Phượng căng thẳng, tôi để cậu ấy ngồi ghế dự bị và khi vào sân trong hiệp 2, Phượng đã chơi tốt.

Hay như Xuân Trường, cậu ta vừa tổ chức lễ ăn hỏi xong, Trường rất chuyên nghiệp nhưng tôi vẫn để Văn Toàn đeo băng đội trưởng ở vòng 9, một phần hôm đó cũng là sinh nhật cậu ta (12/4). Quả phạt đền nâng tỷ số lên 3-0 hôm qua cũng là món quà sinh nhật ý nghĩa mà toàn đội muốn dành cho Toàn, như cách chúng tôi đã tặng Minh Vương hôm 28/3 (HAGL thắng TP.HCM 3-0 ở vòng 6, Minh Vương ghi 1 bàn từ chấm phạt đền – PV).

Tất nhiên, ngay sau trận đấu chúng tôi có màn ăn mừng sinh nhật chung với bánh gato. Nhưng món quà ngay trên sân cỏ sẽ rất có ý nghĩa với mọi cầu thủ.

Những gì tôi xây dựng ở HAGL trong thời gian qua không hướng tới cá nhân một cầu thủ nào mà cho toàn đội. Chúng tôi không chỉ chuẩn bị cho 1 trận đấu mà chuẩn bị cho cả mùa giải.

HLV có 2 quốc tịch Brazil và Đức Alexander Polking – người từng nhiều năm dẫn dắt các CLB T.League và cùng học lớp HLV Pro với anh ở Thái Lan nói sau trận TP.HCM thua HAGL 0-3: "Zico là HLV rất giỏi vực dậy tinh thần cho cầu thủ trong phòng thay đồ".HLV Phạm Minh Đức – người đầy cá tính và đã chia tay HL.Hà Tĩnh (đội duy nhất hòa HAGL 0-0 đến lúc này) sau vòng 9 V.League 2021 lại nói: "HAGL đá đẹp lắm, phối hợp rất hay, giàu tính đột biến mang đậm dấu ấn Kiatisuk. Nếu để họ có khoảng trống trong khoảng 18m, tôi nghĩ đội bóng nào cũng sẽ phải nhận bàn thua". Có người lại nói anh là "bản sao" của HLV Park Hang-seo, bê nguyên những gì ở đội tuyển Việt Nam về phố Núi. Anh thấy nhận định nào đúng?

- Nghe tôi hỏi, anh "Zico" chỉ cười, từ tốn uống một ngụm café, nhìn đồng hồ, nháy mắt đầy ý tứ và… "no comment" (không bình luận gì).

“Zico” Kiatisuk Senamuang: “Tôi muốn cả thế giới biết đến HAGL” - Ảnh 7.

“Zico” Kiatisuk Senamuang: “Tôi muốn cả thế giới biết đến HAGL” - Ảnh 8.

Ngồi bên cạnh anh "Zico", tôi cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào. Anh sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của tôi nhưng thời gian thì không chờ đợi, cứ trôi đi vùn vụt. Thi thoảng HLV Kiatisuk lại phải xin lỗi nghe điện thoại, mỉm cười, vẫy tay đáp lại những người bạn đi từ xa tới Học viện HAGL để gặp gỡ, gửi tới anh những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp Tết cổ truyền Songkran. Tôi hỏi: "Anh có vội lắm không", anh cười đáp: "không sao". Ngồi kế bên, bác sĩ Đồng Xuân Lâm bắt đầu vuốt những giọt mồ hôi, tay gõ gõ vào tập câu hỏi phỏng vấn mà tôi đã chuẩn bị từ trước. Nếu như khi bắt đầu câu chuyện, tôi còn nghe thấy tiếng ve kêu inh ỏi trong không gian xanh mát mắt của Học viện HAGL; thì khoảng nửa sau (30 phút) của cuộc trò chuyện, tôi không còn nghe thấy gì nữa, phải tập trung và "đẩy nhanh tốc độ trận đấu"…

“Zico” Kiatisuk Senamuang: “Tôi muốn cả thế giới biết đến HAGL” - Ảnh 9.

Với những trải nghiệm trong sự nghiệp cầu thủ của mình, đặc biệt nắm rõ "như lòng bàn tay" bóng đá Thái Lan – Việt Nam, anh hãy chia sẻ lại nhận định: "Bóng đá Việt Nam còn thua bóng đá Thái Lan 10 năm"?

- Tôi muốn giải thích lại một lần cuối cho rõ.Ở đây có sự hiểu lầm trong giao tiếp. Khi tôi huấn luyện các cầu thủ ở đội tuyểnThái Lan tôi cần nói như vậy để tạo động lực, sự tự tin cho các cầu thủ phấn đấu, luyện tập tốt hơn. Thực tế, không có chuyện bóng đá Việt Nam thua bóng đá Thái Lan 10 năm.

“Zico” Kiatisuk Senamuang: “Tôi muốn cả thế giới biết đến HAGL” - Ảnh 10.

Khi tôi đến HAGL để đào tạo các cầu thủ tôi cũng phải tạo động lực, sự tự tin, quyết tâm cho họ. Tôi cũng nói với họ, không ai có thể đánh bại các bạn trong vòng 10 năm tới (ý nói trong khoảng thời gian các cầu thủ khóa 1 Học viện HAGL ở vào độ chín của sự nghiệp – PV).

Thể thao trường học của Thái Lan rất phát triển, các Học viện bóng đá ở Thái Lan "nhiều như nấm". Các cầu thủ được đào tạo khoa học, lớp lang từ nhỏ. Cầu thủ Thái Lan từ người "mở đường" là anh (Kiatisuk từng tới Anh khoác áo Huddersfield Town năm 1999 – 2000) đến Suree Sukha, Teerasil Dangda (Manchester City), Chanathip, Teerathon (đang thành công ở J.League), và gần nhất tài năng trẻ sinh năm 2000 Thanawat Suengchitthawon vừa làm nên lịch sử khi được đăng ký vào danh sách thi đấu trong màu áo Leicester City trong trận đấu với "ông lớn" Manchester City ở vòng 30 Giải Ngoại hạng Anh. Trong khi đó, số các cầu thủ Việt Nam từng xuất ngoại, chỉ có Lê Công Vinh tạm coi là có chút dấu ấn khi khoác áo Consadole Sapporo khi đó còn chơi ởJ.League 2. Còn những người khác như Công Phượng, Xuân Trường… đều chưa thành công. Theo anh nguyên nhân vì sao?

- Tôi nghĩ các cầu thủ Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Singapore có cùng chung thể hình, được đào tạo trên nền tảng bóng đá tương đương nhau.

Khi đã có nhiều thành công trong nước (Dangda, Chanathip, Teerathon… đều vô địch T.League nhiều rồi – PV), bạn cần đi ra biển lớn để chinh phục thử thách. Bản thân tôi từng chơi bóng ở Malaysia, Singapore, Anh.

Tôi nói với các ngôi sao bóng đá Thái Lan mà tôi có dịp gặp gỡ, làm việc: Các bạn cần phải ra nước ngoài thi đấu để tích lũy kinh nghiệm. Phải coi thử thách như trải nghiệm thú vị của trong cuộc đời mình.

Ở Việt Nam, Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng… chưa từng vô địch V.League. Và có lẽ họ chưa chuẩn bị sẵn sàng cho một chuyến xuất ngoại thành công.

“Zico” Kiatisuk Senamuang: “Tôi muốn cả thế giới biết đến HAGL” - Ảnh 11.

Anh đánh giá thế nào về chất lượng V.League và T.League?

- Ngang nhau. Công tác điều hành, tổ chức, mặt cỏ, các khán đài sân vận động của T.League… tốt hơn Việt Nam nhưng đó không phải là yếu tố then chốt. Quan trọng nhất là nỗ lực, suy nghĩ, định hướng của bản thân mỗi cầu thủ.

“Zico” Kiatisuk Senamuang: “Tôi muốn cả thế giới biết đến HAGL” - Ảnh 12.

Anh có lời khuyên nào cho các cầu thủ Đông Nam Á khi ra nước ngoài thi đấu?

- Điều quan trọng nhất là không được mang tâm lý e ngại và lo sợ, cần phải tự tin. Vấn đề tiếp theo cần đặc biệt chú trọng là cải thiện thể lực. Nếu bạn thi đấu ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, thể lực của bạn phải cực tốt. Bạn cần tập luyện trên 100% sức lực thì mới đủ sức thi đấu ở nước ngoài.

Về mặt kỹ thuật và chiến thuật bạn có thể học hỏi thêm từ HLV.

Ngoại ngữ và văn hóa có phải là rào cản đối với các cầu thủ khi xuất ngoại?

- Ngôn ngữ bóng đá là ngôn ngữ chung trên toàn thế giới. Khi các cầu thủ ra sân, họ nói chung một ngôn ngữ là ngôn ngữ bóng đá.

Nhưng bên ngoài sân cỏ lại là chuyện khác. Như bạn thấy đó, ở Học viện HAGL, bầu Đức đặc biệt chú trọng, giúp cầu thủ nói được tiếng Anh, giúp họ có thể tự tin, sẵn sàng ra nước ngoài thi đấu. Khi bạn có thể giao tiếp tốt, ăn ngủ tốt thì mọi việc rất thuận lợi.

Và một điều quan trọng nữa, cầu thủ chuyên nghiệp không được sầu não vì… nhớ nhà (cười).

Anh "Zico" thường xuyên nở nụ cười. Vậy trong quá khứ, đã bao giờ anh tức giận trong tình huống nào đó trên sân cỏ V.League có thời điểm bị coi là "bạo lực" chưa?

- Đó là tính cách của tôi, tôi thích cười và vui vẻ. Tôi muốn chia sẻ với người hâm mộ, các cổ động viên,để mỗi buổi cuối tuần họ cùng đến sân xem chúng tôi thi đấu, qua đó có cơ hội thành bạn của nhau.

Khi bạn thi đấu, có nhiều thử thách và đối đầu. Thời thi đầu ở VN tôi biết nhiều hậu vệ như Hữu Thắng, Đỗ Khải và gần nhất là Huy Hoàng (SLNA), cậu ấy đá rất rát.

Tất nhiên khi các hậu vệ đá vào chân tôi, tôi tức giận. Nhưng bóng đá là một trò chơi và trò chơi thì cần vui vẻ.

Nếu bạn thắng, bạn cười như "con bò cười". Nhưng nếu bạn thất bại đôi khi bạn hơi buồn. Dù thế nào trận đấu cũng đã khép lại và tất cả chỉ là quá khứ, bạn cần phát triển và nhìn về tương lai.

Sau bóng đá là tình bạn, chúng tôi có thể bắt tay, uống cafe cùng nhau sau trận đấu. Tôi vui khi gặp lại nhiều đồng nghiệp cùng thời tại giải lão tướng tổ chức ở TP.HCM. Một số người cũng đang làm HLV tại V.League như Lê Huỳnh Đức (SHB.Đà Nẵng), Nguyễn Văn Sỹ (Nam Định), Nguyễn Đức Thắng (T.Bình Định). Tôi cũng hay trao đổi thông tin với Đặng Phương Nam – một cựu tiền đạo rất nhanh nay làm bình luận viên thể thao trên truyền hình.

Với giới truyền thông, các bạn có thể nhận xét tôi tốt hay dở, tôi không quan tâm vì đó là công việc. Nhưng ngoài sân cỏ, bạn có thể kết bạn với tôi.

“Zico” Kiatisuk Senamuang: “Tôi muốn cả thế giới biết đến HAGL” - Ảnh 13.

Nhìn lại hành trình dài gần 2 thập kỷ từ khi anh tới khoác áo HAGL năm 2002 với tư cách cầu thủ và đến nay làm HLV, có thể coi Kiatisuk Senamuang như một cầu nối, một sứ giả giữa hai nền bóng đá Thái Lan – Việt Nam?

- Tôi rất vinh dự nếu làm được như vậy. Ai cũng biết, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam – Hàn Quốc đã trở nên tốt đẹp hơn, nhân dân hai nước hiểu, chia sẻ với nhau nhiều hơn sau những thành công của HLV Park Hang-seo cùng đội U23, đội tuyển Việt Nam.

Năm nay là năm kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Thái Lan (1976 – 2021) do đó tôi rất vinh dự nếu có thể trở thành sứ giả của hai nước.

Vòng loại World Cup 2022, nếu có thể dự đoán, tôi mong Việt Nam và Thái Lan đều có thể đi tiếp tới vòng loại cuối cùng, tiệm cận tấm vé dự ngày hội bóng đá thế giới.

Rộng hơn, bất kỳ đội bóng nào trong khu vực Đông Nam Á được góp mặt tại World Cup, tôi đều cảm thấy hạnh phúc.Tôi hy vọng có thể làm điều gì đó để nâng tầm bóng đá khu vực Đông Nam Á, chứ không chỉ riêng Thái Lan và Việt Nam.

Một ngày bình thường của anh ở Pleiku thường diễn như thế nào?

- Cũng đơn giản như phần lớn các HLV khác. Buổi sáng tôi ăn sáng, trò chuyện với một vài cộng sự trong Ban Huấn luyện. Sau đó ra sân tập cùng các cầu thủ. Buổi chiều, trước khi bước vào buổi tập thứ hai, bao giờ tôi cũng chat với vợ, trò chuyện về các đứa con, về công việc kinh doanh của gia đình…

Nghe nói Kiatisuk cũng là một đầu bếp rất cừ, và nấu cả được đồ ăn Việt. Trong các món ăn Việt Nam, anh thích món nào nhất?

- Đúng rồi, khi có thời gian, tôi thường vào bếp nấu ăn. Tôi rất mê món ăn Việt, đặc biệt là phở và cà phê. Sáng nào tôi cũng ăn sáng bằng 2 tô phở đặc biệt trong một quán phở thân quen ở Pleiku.

“Zico” Kiatisuk Senamuang: “Tôi muốn cả thế giới biết đến HAGL” - Ảnh 14.

Rất nhiệt thành và chân tình trong cuộc trò chuyện cùng Dân Việt nhưng cũng đã đến lúc anh "Zico" phải dành thời gian cho những người bạn thân thiết ở HAGL. Anh nghe cú điện thoại của anh Nguyễn Tấn Anh – Trưởng đoàn bóng đá HAGL như để nhắc khéo tôi một lần nữa "Sắp hết giờ rồi, tôi có hẹn đi ăn trưa cùng anh em nhân ngày đầu năm mới. Họ muốn tôi có cảm giác ăn Tết Thái Lan ở Việt Nam". Tôi hỏi anh: "Em còn bao nhiêu thời gian"  - "10 phút được không?" anh Zico nói nhẹ nhàng một lời "xin lỗi" vì biết tôi còn nhiều chuyện muốn trao đổi. "Cho em xin thêm 2 phút nữa, 2 phút bù giờ để anh đàn và hát lại bản nhạc quen thuộc "Hát với dòng sông" tặng độc giả Dân Việt anh nhé?  - "ok" và tôi bắt đầu bấm giờ…

“Zico” Kiatisuk Senamuang: “Tôi muốn cả thế giới biết đến HAGL” - Ảnh 15.

Nhiều người tò mò muốn biết con đường đưa "cậu bé Kiatisuk" trở thành "Zico Thái Lan" được đông đảo CĐV Thái Lan, Việt Nam mến mộ?

- Cha tôi cũng từng là cầu thủ bóng đá và chơi rất nhiều môn thể thao. Mẹ tôi từng là một VĐV điền kinh cự ly ngắn và chơi bóng rổ. Hai chị gái của tôi cũng chơi thể thao tốt, họ giỏi bóng chuyền, thể dục dụng cụ, bóng rổ và rất nhiều môn thể thao khác trong nhà trường.

“Zico” Kiatisuk Senamuang: “Tôi muốn cả thế giới biết đến HAGL” - Ảnh 16.

Tôi thấy mình may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có "dòng máu thể thao" như vậy. Tôi chơi được rất nhiều môn thể thao bóng chuyền, bóng rổ, cầu mây, cầu lông. Tôi cũng từng tập thể dục dụng cụ và điều đó giúp tôi có thể ăn mừng bàn thắng bằng điệu santo.

Để có thể trở thành một cầu thủ bóng đá, điều đầu tiên là cần phải yêu thể thao. Tình yêu thể thao rất có ý nghĩa đối với một cầu thủ. Việc tuân thủ luyện tập và luyện tập chăm chỉ hàng ngày cũng rất quan trọng. Hàng ngày trước khi luyện tập tôi chạy từ 3 đến 5 km. Tôi duy trì thói quen này từ khi tôi là cậu bé 7 tuổi vì nhà tôi ở gần một con sông. Tôi chạy dọc sông sau đó bắt đầu luyện tập.

Và rồi tôi nhận ra trong các môn thể thao tôi từng chơi, tôi dành nhiều đam mê nhất cho bóng đá. Tôi đã xem đội tuyển Thái Lan thế hệ trước thi đấu và mơ ước một ngày mình làm được như vậy.

Để có thể biến ước mơ thành hiện thực cần phải có niềm đam mê với thể thao và luyện tập chăm chỉ theo đuổi ước mơ của mình.

Tôi đã trở thành tuyển thủ quốc gia Thái Lan theo con đường đó.

Trong câu chuyện về các môn thể thao anh đã chơi, không thấy anh đề cập đến các môn võ vốn là thế mạnh của cả Việt Nam và Thái Lan tại đấu trường SEA Games?

- Ở Thái Lan, có đến 90% các cậu bé học boxing, muay Thái từ khi còn nhỏ. Nhiều gia đình nghèo không có điều kiện và boxing là môn thể thao phù hợp nhất, tôi cũng không ngoại lệ.

Nhưng sau một thời gian, cha mẹ tôi là giáo viên thể chất trong nhà trường nên họ không muốn tôi phải đối mặt với những va chạm cực mạnh, đôi khi có thể dẫn tới chấn thương vô cùng nguy hiểm ở các môn võ.

Có lẽ nếu không có sự can thiệp từ gia đình, có thể tôi cũng đã trở thành một võ sĩ (cười).

Một chi tiết nữa, cha mẹ tôi yêu cầu tôi phải tập trung vào việc học tập văn hóa. Họ ra điều kiện nếu tôi muốn chơi bóng đá tôi phải học tốt văn hóa. Còn nếu không học thì họ sẽ không cho tôi chơi đá bóng nữa.

Sau tất cả, anh có hài lòng với những gì mình đang có?

- Tôi chưa bao giờ hài lòng với chính tôi. Việc của tôi là luôn cố gắng hết sức, làm hết sức với tất cả niềm tin và điều tốt đẹp sẽ tới.

Đời cầu thủ, bạn có thể chơi bóng đỉnh cao từ 10 đến 15 năm, thế là đủ rồi đúng không? Không ít người vẫn nghĩ thế và đó là sai lầm. Sau khi kết thúc sự nghiệp, bạn vẫn có thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê trong vai trò HLV. Có nhiều HLV trên thế giới thành công khi 60, 70 tuổi.

HLV Park Hang-seo năm nay 62 tuổi và như tôi được biết, ông chưa bao giờ dừng lại, vẫn học hỏi, cập nhật những phương pháp huấn luyện, chiến thuật tiến bộ nhất trên thế giới. Bóng đá cũng như cuộc sống luôn vận động, phát triển, thay đổi rất nhanh đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0. Nếu dừng lại, bạn sẽ lạc hậu, thất bại.

Chúng ta cần những cầu thủ, HLV không ngừng học hỏi, hoàn thiện mình như vậy và có đóng góp cụ thể vào sự phát triển chung của bóng đá thế giới nói riêng và thể thao toàn cầu nói chung.

Xin cảm ơn anh "Zico" – HLV Kiatisuk Senamuang về cuộc trò chuyện thân tình này. Chúc anh có những thành công mới cùng HAGL. Chúc cho bóng đá Việt Nam, Thái Lan nói riêng và bóng đá Đông Nam Á nói chung có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

“Zico” Kiatisuk Senamuang: “Tôi muốn cả thế giới biết đến HAGL” - Ảnh 17.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem