Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Quang Lanh: "Bà trưởng thôn nông dân" sở hữu nhiều cái "nhất" - Ảnh 2.

Nghe thông tin về cuộc ký kết bao tiêu sản phẩm giữa CLB đại điền với Tập đoàn ThaiBinh Seed tôi gọi điện cho chị Trần Thị Lanh, giọng chị vô cùng phấn khởi. "Buổi ký kết này sẽ đánh dấu bước tiến mới động viên, khuyến khích nhiều nông dân mạnh dạn sản xuất lớn, chắc chắn sẽ có thêm nhiều đại điền chủ thế hệ mới" – chị Lanh hồ hởi. Tưởng tượng ra hình ảnh "bà trưởng thôn nông dân" với đôi guốc cao gót, móng tay, chân sơn sửa cầu kỳ, bắt tay cam kết hợp tác với các doanh nghiệp lớn, tôi thấy hân hoan khó tả. Chợt nhớ lời chị nói quá đúng: Chỉ cần đi đúng hướng, kết quả sẽ là câu trả lời thỏa đáng nhất.

Thái Bình vốn là địa phương có rất nhiều thành tích cao trong nông nghiệp, giờ lại thêm "đặc sản" là những đại điền chủ thế hệ mới sở hữu, canh tác hàng chục hecta; bản thân chị cũng làm tới 200ha mỗi vụ. Cách nào để chị có thể chuẩn bị được các khâu từ làm đất, gieo mạ, cấy cho đến thu hoạch… đảm bảo đúng lịch thời vụ?

- Cần nói rõ diện tích mà HTX của tôi làm là 100ha, đây là diện tích mà tôi thuê và mượn lại của bà con (60ha mượn, 40ha thuê). Diện tích này đúng là chúng tôi phải làm từ A-Z, nghĩa là từ khâu làm đất tới khi thu hoạch; 100ha còn lại tôi làm dịch vụ có thể chỉ cấy và thu hoạch thôi. Để làm được với diện tích đất lớn như thế, chúng tôi phải sắp xếp hợp lý, sẽ có những đơn vị thực hiện trước 10 ngày hoặc làm sau 10 ngày, miễn sao trong khung thời vụ mà ngành nông nghiệp quy định để đảm bảo năng suất, chất lượng cho bà con.

Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Quang Lanh: "Bà trưởng thôn nông dân" sở hữu nhiều cái "nhất" - Ảnh 3.

Thực sự đây cũng là áp lực không hề nhỏ, cứ vào vụ chúng tôi lại làm ngày làm đêm cho kịp lịch thời vụ. Đó cũng là lý do không thể làm ở một xã, huyện nào đó mà phải rải rác nhiều nơi khác nhau. Do làm tất cả mọi khâu bằng máy nên chúng tôi thường kêu gọi từ hội anh em đại điền, không chỉ có hội đại điền trong tỉnh tôi có thể kêu gọi máy từ tận Hà Nội, Thanh Hóa, chỉ cần alo là anh em sắp xếp hỗ trợ nhiệt tình.

Và vì làm với diện tích lớn nên tôi thường ưu tiên cho khách dịch vụ trước, 100ha của mình làm sau để nếu có rủi ro gì mình gánh chứ không thể để khách chịu thiệt.

Chị có nhắc đến sự trợ giúp của hội anh em đại điền, có phải là những thành viên trong CLB đại điền mà chị vừa là hạt nhân đầu tiên đồng thời cũng là một trong những người sáng lập?

- CLB đại điền Kiến Xương hiện có 50 anh em, rải rác ở nhiều xã, nếu tập trung 1-2 xã thì cũng không còn ruộng mà cấy nữa (cười). Từ năm 2020, dù không chính thức nhưng Phòng nông nghiệp huyện có tổ chức gặp mặt nhóm những anh em có diện tích sản xuất lớn (từ 5-7ha đổ lên). Và năm 2021 thì nhóm mới bắt đầu hoạt động sôi nổi hơn.

Nếu tính thời gian tự phát có 5 anh em ở xã, kể cả cấp tỉnh cũng chỉ mấy anh em thường xuyên giao lưu. Ban đầu chỉ là những người có diện tích lúa lớn tự tìm đến nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đều là những người yêu thích nông nghiệp.

Đến khi ngành nông nghiệp chính thức có chủ trương thành lập CLB đại điền, những người này cũng là hạt nhân, nhân tố để kêu gọi và khuyến khích nhiều thành viên tham gia hoặc bắt đầu quá trình tích tụ ruộng đất. Nhóm đại điền hầu như ai cũng có máy móc, nhưng nếu nói đầy đủ các loại không phải ai cũng đủ điều kiện để đầu tư, bởi các loại máy trong sản xuất nông nghiệp đều có giá thành rất lớn, mức đầu tư có thể lên tới hàng tỷ đồng. Mà với nông dân, tiền tỷ là cả gia tài của mấy đời rồi (cười).

Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Quang Lanh: "Bà trưởng thôn nông dân" sở hữu nhiều cái "nhất" - Ảnh 4.

Ngoài sở hữu nhiều đất, theo chị điểm chung của các đại điền chủ thế hệ mới là gì?

- Tôi cũng là một trong những người đầu tiên làm lúa diện tích lớn nên có tham gia cùng anh em từ đầu, nhưng nói sáng lập thì cũng không hẳn, vì mỗi anh em đều có ý kiến đóng góp, có lợi thế riêng.

Tất cả đều chung lý do: xót xa khi thấy ruộng bỏ hoang lãng phí, tiện có máy móc mình làm để đỡ lãng phí thôi chứ chưa nghĩ sâu xa gì. Thế rồi "bập" vào thực tế lại gặp nhiều khó khăn bởi ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, không thể đưa cơ giới hóa vào sản xuất như mong muốn được. Từ thực tế đó, khi mình có một loại máy này rồi, nhưng làm diện tích lớn hơn lại cần thêm các loại máy khác. Cứ như thế dần dần tôi đầu tư máy móc ở tất cả các khâu.

Các anh em khác cũng thế, khi chưa có máy thì muốn đầu tư để tiết kiệm được công sức, còn có máy rồi thì phải làm sao để không bị lãng phí công suất máy. Nhiều anh em hay trêu đùa nhau nó giống như "vòng tròn luẩn quẩn khiến những người mơ càng lớn nợ càng nhiều" nhưng rồi chúng tôi cũng động viên nhau: tất cả đang đi đúng hướng, đó là đều hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp.

Trước giờ người ta hay nói người sở hữu nhiều đất chỉ có đại điền chủ thời phong kiến thôi, chứ thời buổi tấc đất tấc vàng như này làm gì có đất mà mơ cánh đồng mẫu lớn, mơ giấc mơ đại điền. Nhưng chúng tôi đã làm được, và đại điền không còn là giấc mơ, nó là hiện thực.

Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Quang Lanh: "Bà trưởng thôn nông dân" sở hữu nhiều cái "nhất" - Ảnh 5.

Trước khi thực hiện dồn điền đổi thửa chị có canh tác lúa không, và diện tích chị sở hữu chắc phải đủ lớn chị mới đầu tư máy móc từ sớm như thế chứ?

- Trước khi làm lúa, tôi trải qua nhiều công việc lắm. Tôi mở một cửa hàng đồ nhựa, đồ dân dụng, rồi mở thêm xưởng gạch không nung (gạch bê tông). Thời điểm đó là năm 2007-2008, xưởng gạch của tôi đã tạo việc làm cho nhiều chị em, nhưng vào mùa là xưởng vắng lặng vì chị em bận làm đồng hết.

Nhìn thấy chị em phải gặt lúa bằng tay, thu gom gốc rạ thủ công, tốn nhiều công sức, chưa kể gặp thời tiết bất lợi như mưa gió lại phải bê từng gồi rạ lên rất vất vả, tôi cũng nhiều ái ngại. Gia đình tôi khi đó cũng chỉ làm vài sào chứ có diện tích lớn đâu, nhưng tôi nghĩ đầu tư máy móc để tiết kiệm công sức, giúp bà con đỡ khổ mà mình cũng có thêm lợi nhuận, vẹn cả đôi đường.

Thời điểm đó Đảng và Nhà nước cũng tạo điều kiện hỗ trợ vốn để nông dân có thể mua máy gặt đập liên hợp nên tôi cũng mạnh dạn vay mượn thêm để sắm một "con" làm dịch vụ. Tôi nhớ khi ấy nếu mua máy mới sẽ được hỗ trợ 95-100 triệu đồng, còn máy cũ thì chỉ được khoảng 45 triệu. Tôi làm gì có tiền nên tính mua con máy bãi (máy cũ) của Nhật, được hỗ trợ một nửa, đi vay một nửa.

Mua về rồi những người làm máy cày nhỏ (còn gọi là máy cày con) họ cho rằng dùng máy gặt đập liên hợp để lại gốc rạ lưng lửng không sát đất như gặt tay, rất khó nếu khi họ cày đất. Họ còn tuyên bố những ruộng nào dùng máy gặt đập liên hợp thì họ không cày cho nữa. Cực chẳng đã, vợ chồng tôi lại bàn nhau tìm cách vay tiền để mua thêm máy cày to cho chủ động, lại mấy chục triệu ra đi (cười), bởi lúc đó hai vợ chồng đang rất quyết tâm, muốn làm tới cùng.

Nhưng chưa hết, sắm sửa máy móc rồi thì lại vấp phải khó khăn khác. Mình là "tấm chiếu mới" chưa hề có kinh nghiệm nên nhiều người chưa tin tưởng, họ vẫn thuê các mối cũ cho an toàn, tính cạnh tranh công việc ngày càng khốc liệt. Chưa kể máy cày của mình to hơn, hiện đại hơn cũng không hợp với những mảnh ruộng manh mún, nhỏ lẻ. Ruộng nhỏ chỉ cần máy cày nhỏ chứ thuê máy to vừa tốn tiền mà lại không hiệu quả. Tôi lại chạy theo nhu cầu của khách, mua thêm cả máy cày nhỏ để có thể nhận được nhiều đơn hàng hơn.

Nói thật, thời gian đó cả năm trời vợ chồng tôi làm không đủ vốn, không có lợi nhuận. Ngày đó cũng chưa hề nghĩ đến việc phải gom ruộng đất để tận dụng tối đa năng suất của máy, chỉ nghĩ rất cơ học là ruộng nhỏ thì sắm thêm cái máy cày con như người ta để có thể cạnh tranh làm dịch vụ. Nghĩ lại thấy mình ngày ấy mình dại thật, và dốt nữa.

Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Quang Lanh: "Bà trưởng thôn nông dân" sở hữu nhiều cái "nhất" - Ảnh 6.

Tôi lại nghĩ anh chị may mắn đó chứ. Vì nhờ chạy theo nhu cầu của khách mà khi làm trên diện tích lớn anh chị đã có hầu hết các loại máy cơ bản, chắc chắn bắt đầu cũng dễ dàng hơn nhiều người?

- Điều này cũng đúng, nhưng thời điểm đó tôi cũng chỉ có 2 máy cày và 1 máy gặt thôi và chủ yếu làm dịch vụ cho bà con chứ chưa hề biết đến khái niệm dồn điền đổi thửa là gì. Đến tận năm 2012 tôi mới biết đến chủ trương này.

Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Quang Lanh: "Bà trưởng thôn nông dân" sở hữu nhiều cái "nhất" - Ảnh 7.

Rồi tình cờ trong một lần xem tivi tôi thấy họ nói về mạ khay và máy cấy kéo tay, tôi rất quan tâm nhưng ngày đó quanh đây không ai dùng. Trong lần 2 vợ chồng đi sửa máy ép gạch tận Thanh Hóa, tôi lại vô tình thấy người ta dùng đúng cái máy cấy hôm trước vừa thấy trên tivi. Tôi bảo chồng: "Rẽ vào xem người ta cấy thế nào", thế là 2 vợ chồng đứng quan sát hồi lâu. Cảm giác của tôi lúc đó giống như được chạm tới một chân trời mới vậy đó, tôi không rời mắt khỏi cái máy. Quay sang thấy chồng cũng chăm chú như mình, tôi biết là đã thuận lòng rồi.

Ngay hôm sau vợ chồng tôi tìm tới Công ty An Mỹ Phát (đơn vị cung ứng máy cấy kéo tay) rinh về một cái. Khi đó mọi thứ còn mới mẻ lắm, bản thân tôi cũng chưa từng có kinh nghiệm nhưng đã "liều" nhận tới 40 mẫu ruộng (tương đương với 14,4ha) của bà con để cấy. Bà con giao ruộng cho mình cùng với suy nghĩ "tôi khoán hết cho bà rồi đó, bà làm thế nào thì làm miễn đến ngày thu hoạch tôi có lúa tươi tốt, đẹp đẽ". Còn tôi lúc đó chưa có kinh nghiệm nên rất vất vả. Từ khâu điều tiết nước mình cũng phải làm, bởi muốn cấy máy thì ruộng phải khô, ruộng nhiều nước là không cấy được. Tôi phải mua thêm rất nhiều máy bơm để bơm nước từ ruộng ra.

Cấy xong không phải đã xong, lại phát sinh tình trạng lúa bị ốc cắn phá. Đáng lý ra khi cấy xong, bơm nước vào lại ruộng thì nông dân phải để ý xử lý ngay vấn đề sâu bệnh dịch hại… nhưng vì họ nghĩ đã khoán trắng cho mình rồi nên không ai để ý nữa. Đến lúc lúa bị ốc cắn chết, họ quay ra "ăn vạ" mình. May là thời điểm đó ruộng nhà tôi cũng cấy máy nên tôi đã tự tin khẳng định với bà con "cấy máy không thể chết được vì mạ tôi gieo rất đẹp", tuy nhiên cũng không thể thuyết phục được người dân tin mình.

Ngay vụ đầu tiên nhận diện tích lớn đã thất bại thảm hại, vụ sau tôi ngừng nhận cấy dịch vụ, chỉ cấy máy trên diện tích đất nhà tôi. Tôi muốn trả lời những đồn thổi "cấy máy là mạ chết" bằng chính năng suất mà tôi đã làm và tôi đã thành công. Hiện tại, HTX của tôi có 2 máy cày, 2 máy gặt (trong đó có 1 máy gặt thế hệ mới), 2 máy làm đất, 4 máy cấy, 2 máy gieo mạ, hơn 3 vạn khay mạ… đủ để có thể phục vụ quay vòng 200ha.

Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Quang Lanh: "Bà trưởng thôn nông dân" sở hữu nhiều cái "nhất" - Ảnh 8.

Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Quang Lanh: "Bà trưởng thôn nông dân" sở hữu nhiều cái "nhất" - Ảnh 9.

Một câu hỏi quen thuộc nhưng không cũ: khó khăn lớn nhất mà chị gặp phải trên "hành trình đại điền" là gì?

- Nếu kể ra những khó khăn ở đây chắc ai cũng sẽ cười tôi, bởi đã làm lúa, làm nông nghiệp thì có dễ dàng bao giờ, nhưng một điều tôi cảm nhận được rõ nhất: bên cạnh sự quyết tâm thì cần có cả tình yêu và niềm tin nữa. Yêu công việc của mình và tin rằng mình làm được, chắc chắn sẽ thành công.

Còn cái khó nhất chắc là thay đổi cách tư duy canh tác của bà con. Tôi ví dụ bằng câu chuyện rất cụ thể như này nhé: Nếu cấy máy thì khoảng cách giữa hàng với hàng, cây với cây có thể là 30-15 (cm) hoặc 30-18, trong khi bà con cấy tay khoảng cách phổ biến là 15-15 hoặc 20-15. Nên cấy khoảng cách rộng đồng nghĩa với "quá lãng phí".

Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Quang Lanh: "Bà trưởng thôn nông dân" sở hữu nhiều cái "nhất" - Ảnh 10.

Bản thân tôi luôn nghĩ các loại máy móc được đưa về Việt Nam đều được kiểm nghiệm và phải phù hợp với việc canh tác ở Việt Nam thì Nhà nước mới đưa về, nên tôi tin tưởng tuyệt đối, nhưng người dân họ chỉ hiểu một cách đơn giản "tôi đang cấy dày còn chẳng có lúa, cấy thưa thì làm sao có bông".

Rồi ngay cả khi dùng máy gặt, thấy thóc bị rơi vãi nhiều ai cũng xót, kêu là gặt máy thì tổn thất thu hoạch lớn quá, lúc đó tôi lại giải thích: "Bà con cứ thử hình dung 1 cân thóc mà vãi trên 1 sào lúa nhìn đã hoa hết mắt mũi rồi. Tỷ lệ tổn hao khi gặt máy nằm trong giới hạn cho phép, chứ nếu gặt bằng máy mà tổn hao quá nhiều thì chắc chắn Nhà nước đã không mang về và không khuyên chúng ta dùng, nên bà con cứ yên tâm".

Quay trở lại máy cấy, họ nhìn thấy rõ ràng lợi ích về thời gian, chi phí. Nếu thuê 1 ngày công cấy bộ đã 300.000 đồng/sào chưa kể chi phí thóc giống, gieo mạ, nhổ mạ… thì giá thành có thể lên tầm 350.000  đồng/sào. Trong khi nếu dùng máy cấy, chi phí dao động từ 250.000-270.000 đồng/sào tùy theo giá xăng dầu, tính ra đã tiết kiệm được 1/3 so với cấy tay. Mà người nông dân cứ chi phí rẻ bao nhiêu thì quý bấy nhiêu, kể cả chỉ rẻ được 5.000 đồng.

Tất nhiên nếu rẻ mà kết quả kém hơn cách làm truyền thống người ta cũng không yên tâm giao cho mình đâu, chỉ khi thấy rõ năng suất, lợi nhuận cao hơn họ mới đồng ý cho mình làm. 

Thế mới nói, muốn thay đổi thói quen của người dân từ bao đời nay không thể một sớm một chiều, và muốn thuyết phục người dân thì không chỉ dùng lời nói và mình phải trả lời bằng chính thành công của mình. Khi họ tin thì việc mình làm mới có sức lan tỏa rộng rãi, với nông dân không phải cứ nói mà họ nghe ngay đâu.

Tôi không biết chơi cờ nhưng lại thích câu "nước cờ ăn nhau về cuối".

Thế mà tôi cứ nghĩ hành trình "gom đất" để có 100ha ca chị mới là khó nhất chứ nhỉ?

- Khi bắt đầu thu gom tôi không hề có chút kinh nghiệm nào, nhưng tôi tự tin là sẽ thành công, vì khi đã hiểu tâm lý của bà con thì thương lượng cũng đơn giản hơn. Ban đầu chỉ những người già, sức khỏe yếu không làm nổi nữa người ta mới khoán hết cho tôi. Dần dần đến những người trẻ đi làm ở các nhà máy, doanh nghiệp, lương cao hơn làm lúa họ cũng gửi gắm đất cho mình. Còn nhiều trường hợp, họ quan sát tôi qua nhiều vụ, thấy rõ lợi ích rồi mới cho tôi thuê hoặc mượn lại đất…

Dần dần tôi không phải kể nhiều, nói nhiều mà bà con vẫn biết đến. Cái chính là họ nhìn thấy việc làm của mình và mình đã thành công trên những thửa ruộng họ bỏ hoang, thành công khi làm những việc khó mà họ không làm được.

Tôi không dám tự hào mình là người đầu tiên nhưng chắc cũng lọt tốp đầu những người tiên phong đưa máy về đồng ruộng và lan tỏa phong trào cơ giới hóa ở địa phương. Bởi chỉ sau thời gian 5-7 năm từ chỗ chưa ai tin thì giờ 100% bà con làm và nghe theo nhờ chính kết quả mà tôi có được. Tôi đã trả lời mọi gièm pha, mọi nghi ngờ của bà con bằng chính việc tôi làm, đồng thời tuyên truyền để bà con đi đúng hướng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Đó cũng chính là điều khiến tôi tự hào.

Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Quang Lanh: "Bà trưởng thôn nông dân" sở hữu nhiều cái "nhất" - Ảnh 11.

Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Quang Lanh: "Bà trưởng thôn nông dân" sở hữu nhiều cái "nhất" - Ảnh 12.

Đấy là câu chuyện của nhiều năm trước, còn giờ tôi nghe người ta kháo nhau là "thuê được bà Lanh làm khó lắm" có đúng không?

- Thực sự bây giờ tôi phải từ chối nhiều lắm, không chỉ ở các xã, huyện khác mà ngay cả xã nhà, vùng lân cận. Bởi vì khác với nhiều loại hình kinh doanh, làm lúa phải tuân thủ rất nghiêm lịch thời vụ, nhận quá nhiều sẽ không đảm bảo chất lượng, năng suất cho bà con dẫn đến mất uy tín.

Với bà con "một lần bất tín là vạn lần bất tin" nên từ chối tôi cho là cách làm chuyên nghiệp chứ không phải vì tôi kiêu căng hay gì đó. Chưa kể nhu cầu của bà con quá nhiều, trong khi đội làm dịch vụ chưa đáp ứng đủ. Ngay kể cả có máy cũng không phải đã biết cách làm. Vận hành máy thì dễ nhưng muốn cấy đẹp anh phải gieo mạ đẹp vì máy hoạt động cơ học, gieo trên khay đẹp ra ruộng cũng sẽ đẹp, ngược lại gieo khay lỗi thì xuống ruộng cũng lỗi. Cho nên kỹ thuật cũng là khâu quan trọng chứ không phải cứ có máy đem cho thuê là xong.

Thế chị học ở đâu để có thể gieo được những khay mạ đẹp như tranh vẽ mà chúng tôi từng được chiêm ngưỡng?

- Mọi việc tôi làm đều bắt đầu từ con số 0, có chăng chỉ là chút kinh nghiệm cấy 3 sào lúa mà hai vợ chồng được cấp theo tiêu chuẩn của Nhà nước thôi. Nên để nói về kinh nghiệm tôi không dám vỗ ngực tự hào đâu. Quan trọng là trong quá trình làm, mình tích lũy, học hỏi thêm. Tôi học từ thực tế, học qua tivi, học từ thất bại và thành công của người khác.

Ngoài ra tôi còn được sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ khuyến nông, cán bộ ngành nông nghiệp huyện, xã nữa. Tôi cũng không ngại đi xa để học hỏi thêm, ví dụ tôi sẵn sàng vào tận Thanh Hóa để xem cách bà con gieo mạ như thế nào, đất dùng trên khay mạ là loại gì. Sau đó còn học cả… đất trời nữa, ví dụ tùy vào thời tiết mà có cách ứng phó cho phù hợp, vụ đông xuân trời lạnh thì cần 20-23 ngày để mạ đạt tiêu chuẩn, nhưng vụ hè thu thời gian gieo mạ khay chỉ từ 10-12 ngày…

Nhiều người cũng đầu tư mua máy rồi cho thuê hoặc làm dịch vụ như tôi, nhưng tôi nói thật làm gì cũng phải đầu tư công sức và học hỏi, không phải cứ ỷ lại hết cho máy móc làm thay rồi không kiểm tra, không theo dõi thì khả năng "xôi hỏng bỏng không" cũng cao lắm.

Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Quang Lanh: "Bà trưởng thôn nông dân" sở hữu nhiều cái "nhất" - Ảnh 13.

Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Quang Lanh: "Bà trưởng thôn nông dân" sở hữu nhiều cái "nhất" - Ảnh 14.

Người ta vẫn nói làm lúa thì không bao giờ nhiều tiền, nhưng có vẻ như chị đang chứng minh điều ngược lại khi mức lợi nhuận mỗi vụ lên tới gần nửa tỷ?

- Người ta nói không sai đâu, nếu làm diện tích nhỏ lẻ manh mún thì thoát nghèo còn khó chứ chẳng nói gì đến làm giàu. Tôi tính thử nhé: mức lãi sau khi trừ các chi phí là 100.000-200.000 đồng/sào tùy mùa vụ. Giả sử như gia đình có vài sào, kể cả vài mẫu thì lợi nhuận cũng không đáng kể so với những vất vả cực nhọc mà chỉ nông dân mới hiểu. Nhưng làm với diện tích lớn như tôi thì lợi nhuận có thể chấp nhận được. Hiện tại sau khi trừ chi phí tôi cũng có thể lời ít nhất 500-700 triệu đồng/năm.

Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Quang Lanh: "Bà trưởng thôn nông dân" sở hữu nhiều cái "nhất" - Ảnh 15.

Nhưng đấy là mức lãi cơ học mỗi năm, còn với HTX kiểu mới như của tôi (HTX sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh) thì mức lợi nhuận đó gần như không đáng kể. Tính trên sổ sách có lợi nhuận nhưng trước khi thành lập HTX tôi đã bỏ vốn ban đầu quá lớn, đầu tư máy móc, kho bãi rồi máy sấy, dây chuyền đóng bao… lên đến 5-7 tỷ đồng chứ không ít. Mà nói thật với mức đầu tư đó thì làm bao giờ cho lại, chưa kể khấu hao máy móc rồi đủ chi phí phát sinh khác.

Làm kinh doanh lợi nhuận luôn đặt lên hàng đầu, nếu như chị tính toán thì liệu đây có phải là hướng đi lâu bền của chị không?

- Tôi vẫn tin tưởng mình đang đi đúng. Lợi nhuận quan trọng, nhưng thứ tôi được nhiều nhất trong gần 10 năm qua là uy tín và sự lan tỏa. Việc tôi làm đã lan tỏa và thành nguồn động viên, khuyến khích cho nhiều nông dân khác mạnh dạn quay về làm lúa. Ngay trong CLB đại điền huyện Kiến Xương hiện cũng có rất nhiều bạn trẻ, họ từng làm công nhân, nhà máy rồi thầu xây dựng… nhưng cuối cùng chọn trở về quê hương gắn bó với ruộng đồng. Thế thì chắc hẳn họ phải nhận ra giá trị của đồng đất, giá trị của việc nghĩ lớn làm lớn chứ.

Cứ tích tiểu thành đại, khi diện tích đất đủ lớn chắc chắn lợi nhuận mang lại cũng lớn theo. Và khi có lãi lớn thì không người dân nào muốn rỏ ruộng cả, nên mục đích tôi làm còn để chia sẻ với bà con câu chuyện của tôi, kinh nghiệm của tôi.

Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Quang Lanh: "Bà trưởng thôn nông dân" sở hữu nhiều cái "nhất" - Ảnh 16.

Với suy nghĩ, quan điểm luôn vì cộng đồng như chị, thật dễ hiểu khi chị đảm nhận chức Trưởng thôn tới 10 năm nay, và có lẽ chị cũng là phụ nữ đầu tiên giữ chức Trưởng thôn nữ ở Giáo Nghĩa đúng không?

- Tôi là đại biểu HĐND Giáo Nghĩa từ năm 2011, đến 2013 thì được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Nhờ sự tin tưởng, giúp đỡ của mọi người mà tính đến thời điểm này đây cũng là công việc mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc và vô cùng tự hào nữa.

Giáo Nghĩa là thôn công giáo toàn tòng, bà con đa phần đều làm nông là chính, kinh tế có thể còn khó khăn so với nhiều thôn, xã khác nhưng sự đồng lòng, nhất trí cao thì tôi tự tin là thôn tôi thuộc hàng nhất nhì, đặc biệt là sự đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới.

Tính đến nay tất cả các con đường trong thôn đều được trải nhựa khang trang, sạch đẹp, đường điện được làm mới rất quy củ gọn gàng. Khác với nhiều địa phương khi huy động sức dân xây dựng Nông thôn mới thường theo kiểu chia đầu người và ấn định cụ thể mức đóng góp, nhưng thôn tôi làm khác. Ngoài vật tư được Nhà nước hỗ trợ (chủ yếu là xi măng) thì toàn bộ gạch, cát rồi ngày công… đều là sản phẩm của người dân và chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện.

Chưa kể khi mình xây dựng nông thôn mới trên tinh thần tự nguyện sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí khác, đơn cử như chi phí giám sát, do dân tự làm tự chịu trách nhiệm nên chỉ cần một người quán xuyến là đủ, không mất tiền thuê ông cán bộ nào giám sát rồi lại báo cáo lại, vừa mất thời gian vừa mất tiền bạc.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này, hy vọng mỗi lần gặp lại chị lại được nghe những câu chuyện về mùa màng bội thu và thêm nhiều những cánh đồng thẳng cánh cò bay.

Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Quang Lanh: "Bà trưởng thôn nông dân" sở hữu nhiều cái "nhất" - Ảnh 17.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem