Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bất kỳ ai từng một lần đến Bắc Kạn làm khách đường xa, đều ấn tượng bởi một hồ Ba Bể với những con thuyền độc mộc tròng trành rẽ nước trôi tuột vào trong sương, phía sau là những vệt cắt ngọt trên mặt hồ mênh mông tĩnh tại. Những hình ảnh ấy thực sự lãng mạn và nên thơ, khiến du khách chưa rời bước chân đã ngóng ngày trở lại …
Bên cạnh đó còn có một Bắc Kạn khác, hướng nội, đau đáu, khắc khoải, nồng ấm tình người. Một Bắc Kạn giàu truyền thống cách mạng, quật cường trong kháng chiến. Một Bắc Kạn khát vọng vươn lên như đoàn quan quân Then nỗ lực vượt biển trong Trường ca Khảm Hải của đồng bào Tày nơi đây.
Đã rất nhiều người đến và đi, để rồi lưu lại Bắc Kạn tình yêu, sự nhớ nhung thuần khiết và trí tuệ cống hiến vì một Bắc Kạn phát triển để tri ân với mảnh đất này. Trong cuộc trò chuyện thân tình và cởi mở giữa với ông Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn – chúng tôi mới hiểu hơn về mảnh đất Bắc Kạn cũng như những tình cảm mà vị Chủ tịch tỉnh tuổi Mậu Ngọ đã và đang dành cho vùng đất được ví là nơi giao nhau giữa các dòng chảy này (pác cáp), ngày đêm đang nỗ lực sát cánh cùng nhân dân Bắc Kạn vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương còn nhiều khó khăn.
Ấn tượng đầu tiên của ông khi đến với vùng đất Bắc Kạn này là gì, thưa ông?
- Tháng 9/2021, tôi được tổ chức điều động làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn. Tôi vẫn nhớ như in khi đó, ấn tượng đầu tiên của tôi là sự thân thiện, chân thành, nhiệt tình, hiếu khách của cán bộ và nhân dân Bắc Kạn.
Tôi biết nhiều người đến thăm và làm việc tại Bắc Kạn cũng cùng chung cảm nhận như vậy. Và từ ấn tượng tốt đẹp đó, nhiều người cũng đã đáp lại Bắc Kạn bằng những tình cảm tốt đẹp, và bằng sự hỗ trợ, giúp đỡ sau này.
Rất nhiều người đến Bắc Kạn đều nhận định thứ quý nhất ở vùng đất này là con người. Đến Bắc Kạn, chúng tôi được trải nghiệm, được tiếp đón, được thưởng thức những làn điệu dân ca, dân vũ bên mâm cơm hay các lễ hội của người dân địa phương.
Người Bắc Kạn khi có ai đó đến làm khách đều luôn sẵn sàng chia sẻ những thứ quý nhất, tốt nhất để đón tiếp; ấn tượng đó thực sự rất sâu sắc. Đây cũng là lý do để du khách và các nhà đầu tư đến và muốn đầu tư, kinh doanh tại Bắc Kạn ngày càng nhiều hơn.
Được biết, với các tỉnh miền núi có nhiều dân tộc cùng sinh sống; cán bộ công tác tại địa phương đa phần phải tham gia 1 khóa học để được cấp chứng chỉ tiếng dân tộc. Việc học "ngoại ngữ" này của ông có gặp nhiều khó khăn không?
- Bắc Kạn có nhiều đồng bào dân tộc, trong đó có 7 dân tộc chính cùng sinh sống (gồm Tày, Nùng, Mông, Dao, Hoa, Sán Chay và người Kinh); đôi khi có người nói đùa rằng người Kinh mới là dân tộc thiểu số ở đây. Ngôn ngữ đồng bào dân tộc ở Bắc Kạn rất phong phú, đặc sắc, có nhiều ca dao, tục ngữ, những lời răn dạy con cháu rất hay.
Tôi thường được nghe cán bộ ở đây nói tiếng dân tộc mình rồi nhiệt tình giảng nghĩa cho mọi người cùng hiểu. Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh hôm phát biểu quán triệt Nghị quyết và học tập, làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói câu các cụ dạy con cháu bằng tiếng Tày rất sâu sắc rằng "Ở nhà gánh được 1 gánh thì ra đường phải gánh được 2 gánh", đại ý rằng mỗi người cần có trách nhiệm với xã hội cao hơn, cần nỗ lực nhiều hơn vì cộng đồng, xã hội.
Từ khi về công tác tại Bắc Kạn, tôi rất muốn được tham gia một khoá học tiếng đồng bào dân tộc của tỉnh Bắc Kạn nhưng chưa sắp xếp được thời gian, nên cũng nhờ anh em thỉnh thoảng dạy cho một số từ rồi tích luỹ dần vậy.
Nói đến Bắc Kạn là nói đến những khó khăn đặc trưng của một tỉnh miền núi. Khi được tổ chức phân công đảm nhiệm vai trò người đứng đầu chính quyền tỉnh, hẳn ông và ekip của mình có rất nhiều suy tư, cần phải làm gì để Bắc Kạn bớt khó khăn?
- Bắc Kạn có nhiều khó khăn do địa hình chia cắt, núi đồi có độ dốc cao, giao thông chưa phát triển (không có đường không, đường sắt, đường thuỷ, đường biên giới, đường cao tốc)… Tôi đã được biết đến Bắc Kạn từ trước và có nhiều tình cảm, ấn tượng tốt đẹp về Bắc Kạn, nên mặc dù biết về Bắc Kạn có thể sẽ gặp những khó khăn nhất định, nhưng tôi vẫn có nhiều niềm tin và động lực.
Tôi hiểu rất rõ bên cạnh khó khăn, tỉnh cũng có những tiềm năng, thế mạnh và thuận lợi riêng. Vì vậy, suy tư lớn nhất của tôi là tự nhủ mình luôn phải quyết tâm cao nhất, nỗ lực cao nhất để cùng nhân dân Bắc Kạn vượt khó vươn lên, đưa địa phương ngày càng phát triển.
Bắc Kạn cũng có nhiều thuận lợi, như đây là vùng đất được kế thừa những nền tảng phát triển đang trên đà đi lên mà đảng bộ, chính quyền, các lãnh đạo tiền nhiệm và nhân dân đã xây dựng như nền tảng về văn hoá, lịch sử truyền thống, hạ tầng giao thông, nền tảng kinh tế - xã hội…
Tuy nhiên, thu nhập của người dân Bắc Kạn chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp nên hiện vẫn ở mức trung bình và thấp. Bắc Kạn hiện vẫn có đến ¼ số hộ là hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 vẫn là 24,7%.
Mỗi lần đến một nơi khó khăn nào đó của tỉnh Bắc Kạn, là lãnh đạo tỉnh, tôi luôn thấy rõ trách nhiệm của mình trong đó, và tôi luôn đặt câu hỏi tại sao người dân ở đây còn khó khăn như vậy. Khi đến cơ sở, chúng tôi cũng luôn đặt câu hỏi, thôn, xã, huyện đã làm được những gì, có kiến nghị gì và cá nhân tôi có thể làm được gì?
Kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ trực tiếp như hỗ trợ về nhà, lương thực hoặc hỗ trợ bằng tiền… là một giải pháp, nhưng đó chỉ là hỗ trợ tạm thời. Về lâu dài rất cần phải có các giải pháp hỗ trợ căn cơ, giúp người dân có phương tiện sản xuất, hoặc hỗ trợ về cơ chế để người dân nâng cao thu nhập, ví dụ như kiến nghị Trung ương tăng mức hỗ trợ bảo vệ rừng, hỗ trợ tạo quỹ đất cho người dân chủ động sản xuất…
Giữa hình dung và thực tế luôn có độ chênh nhất định. Hiện thực Bắc Kạn có khác nhiều so với hình dung của ông trước khi lên nhận nhiệm vụ tại tỉnh miền núi này không, thưa ông?
- Tôi đã có thiện cảm từ trước với đất và người Bắc Kạn. Nhiều người nói tôi với Bắc Kạn rất hợp đất, hợp người. Tuy công việc có thể tạo ra nhiều áp lực nhưng tôi không cảm thấy mình già đi hoặc cảm thấy mệt mỏi, bởi tôi có những động lực tích cực từ công việc, từ bạn bè, đồng nghiệp, từ người dân; được chia sẻ, được sự hỗ trợ tích cực từ các đồng chí lãnh đạo đương nhiệm và tiền nhiệm, từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.
Tôi cảm thấy mình là một phần của Bắc Kạn. Đôi khi tôi còn quên mất tôi là người địa phương khác. Chắc có lẽ là vì, không biết từ lúc nào, tôi đã hòa mình thật sâu đậm với Bắc Kạn rồi.
Có những lúc, khi nhận được sự giúp đỡ của lãnh đạo, cán bộ cơ quan Trung ương, những người bạn, nhà hảo tâm dành cho Bắc Kạn, tôi đã thật sự cảm động mà nói rằng: "Cảm ơn các anh/chị đã dành tình cảm cho Bắc Kạn chúng em". Không biết từ lúc nào, Bắc Kạn như thể là quê hương thứ hai của tôi vậy. Tuy mới gắn bó với Bắc Kạn hơn một năm rưỡi, nhưng tôi cảm thấy như mình đã ở đây từ rất lâu rồi.
Bắc Kạn đẹp và nhiều nét đặc sắc, độc đáo riêng có của một tỉnh miền núi phía Bắc, thuộc chiến khu Việt Bắc xưa. Khi đến công tác tại Bắc Kạn tôi nhận thấy nhiều điều vừa thân quen, vừa mới lạ. Bắc Kạn ngày càng khởi sắc, hoạt động kinh tế - xã hội sôi động hơn, nhất là sau khi kiểm soát được Covid-19; hạ tầng, diện mạo đô thị, nông thôn từng bước được cải thiện, ngày càng khang trang và đẹp hơn.
Hơn một năm rưỡi gắn bó, sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn, điều gì khiến ông ấn tượng nhất với đội ngũ cán bộ chính quyền Bắc Kạn?
- Tôi rất may mắn khi về đây được làm việc với các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động rất tâm huyết, trách nhiệm, nỗ lực vì việc chung. Tôi đặc biệt ấn tượng về tinh thần vượt khó, vươn lên, khát vọng phát triển rất đáng trân trọng đội ngũ cán bộ tỉnh Bắc Kạn.
Đội ngũ cán bộ chính quyền tỉnh Bắc Kạn nhìn chung có năng lực, trình độ tốt, xử lý công việc nhanh, thành thạo công nghệ thông tin, rất tích cực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Đội ngũ này đã góp phần tích cực để Bắc Kạn vừa qua tăng xếp hạng về cạnh tranh cấp tỉnh lên 24 bậc trong 2 năm 2021 - 2022, cải cách hành chính lên 5 bậc và chuyển đổi số lên 8 bậc vào năm 2021.
Là người con Thủ đô (ông Bình quê quán ở Xuân Canh, Đông Anh - NV), nhiều năm công tác ở Thủ đô (Bộ Kế hoạch – Đầu tư, VP Trung ương Đảng - NV), khi được tổ chức điều động lên mảnh đất vùng núi xa xôi, chắc hẳn ông phải nhận được nhiều đồng cảm, chia sẻ từ phía gia đình?
- Thực ra những người phụ nữ trong nhà không bao giờ muốn chồng mình đi xa cả. Tôi có hai cô con gái còn nhỏ, một cháu học lớp 10, một cháu học lớp 1. Các con tôi cũng vậy, cũng không muốn bố công tác xa nhà.
Chính bởi vậy, khi công tác ở trên này, ngoài thời gian dành cho công việc, tôi cũng dành nhiều sự quan tâm đến vợ và các con cũng cảm thấy như vẫn được gần vợ con và cũng bớt đi nỗi nhớ nhà. Ở Hà Nội, tôi hay đi sớm về muộn, về đến nhà lại mỗi người mỗi việc, có lúc về nhà con đi ngủ rồi, nên việc hỏi han, trò chuyện có khi không được nhiều như bây giờ.
Xa nhà, việc hỏi han quan tâm cũng sẽ ở nhiều góc độ hơn. Con gái út cứ thấy bố gọi điện về lại giành máy nói chuyện và đòi bố kể chuyện cho nghe.
Vợ tôi thỉnh thoảng cũng lên Bắc Kạn, cùng tôi và những người bạn, người thân thăm một số thắng cảnh, di tích của tỉnh, tham dự các sự kiện, các lễ hội văn hóa địa phương, đến những nơi khó khăn, thăm và chia sẻ với các hộ nghèo, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa; tham dự một số hoạt động trao nhà nghĩa tình tặng quà cho học sinh nghèo dịp tết, dịp khai giảng…
Nhờ đó bà xã cũng hiểu hơn về công việc của chồng, đặc biệt là hiểu hơn về mảnh đất và con người Bắc Kạn và thấy yên tâm hơn khi thấy tôi hợp đất, hợp người, sức khỏe tốt, thậm chí thấy tôi trẻ hơn, công việc thì thuận lợi (cười).
Nhiều người bảo tôi lên Bắc Kạn thấy trẻ ra, khỏe lên. Có thể là do công việc sôi động giúp tôi nhanh nhẹn và hoạt bát hơn. Trên Bắc Kạn thiên nhiên, khí hậu rất trong lành, hỗ trợ thêm cho sức khỏe của tôi. Thêm nữa, tôi nhận được có sự chia sẻ, giúp đỡ của gia đình, đồng chí, đồng nghiệp và đặc biệt là người dân Bắc Kạn nên tôi cảm thấy từ khi lên đây công tác, tôi luôn tràn đầy năng lượng và mong muốn làm những điều mới mẻ cho vùng đất, người dân ở đây.
Sau bộn bề công việc của người lãnh đạo một địa phương, mỗi người đều tìm cho mình một cách giải trí, thư giãn để tái tạo năng lượng. Với ông Nguyễn Đăng Bình, ông chia sẻ từ ngày xưa đã có ý thức về sức khoẻ nên cũng thường xuyên tập thể dục, chơi thể thao.
Trước kia, khi còn công tác ở Hà Nội, ông Bình thích chơi tennis, đạp xe địa hình. Còn bây giờ, từ khi nhận công tác mới ở Bắc Kạn, ông chuyển sang chơi cầu lông, bóng bàn hoặc đi bộ, chạy bộ cùng bạn bè, đồng nghiệp và người dân sống quanh khu ông sinh sống.
Ngoài ra, ông Bình cũng thường xuyên dành thời gian rảnh rỗi, cuối tuần để quan tâm, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn của người dân ở Bắc Kạn mà ông thừa nhận "đây cũng là động lực giúp cho ông luôn phải thấy cần nỗ lực hơn nữa trong công việc".
Ông Bình xác nhận, từ khi lên Bắc Kạn, ông thực sự cảm thấy mình được cân bằng giữa công việc và cuộc sống, có nhiều động lực mới để đóng góp cống hiến và công việc ban đầu đạt được những kết quả tích cực.
Một số lãnh đạo tiền nhiệm nhận định, tỉnh Bắc Kạn do ít doanh nghiệp nên thu ngân sách hằng năm thấp. Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo tỉnh đã có những giải pháp gì?
- Nhờ nỗ lực, đóng góp của các thế hệ, người dân Bắc Kạn đã bớt dần khó khăn và có tích luỹ, tuy nhiên thu ngân sách còn thấp (năm 2022 mới thu được 853 tỷ đồng). Nguyên nhân cũng có phần do ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp; phát triển các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ để các nhà đầu tư, doanh nghiệp có các dự án thành công, đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước.
Mỗi khi có dịp găp gỡ, tôi vẫn động viên các hộ nông dân, hợp tác xã rằng, tôi mong muốn được thấy các anh chị không chỉ là những điển hình vượt khó, thoát nghèo, mà nay mai sẽ là những HTX, hộ khá, hộ giàu, doanh nghiệp mạnh và có những đóng góp, hỗ trợ tích cực cho các hộ khó khăn hơn để Bắc Kạn không còn bị ấn tượng là tỉnh nghèo hay khó khăn nhất nữa.
Nông nghiệp của Bắc Kạn hiện đã phát triển khá ổn định, mỗi năm tăng trưởng 4-5%; dịch vụ tăng trưởng 6-7%/năm; công nghiệp tăng trưởng 8-9% nhưng đóng góp còn đang ở mức rất thấp, đến năm 2022 mới đóng góp được 16% tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP), do đó cần phải có những giải pháp, những hành động cụ thể để thay đổi cơ cấu và đóng góp của các ngành, lĩnh vực đối với tăng trưởng chung của tỉnh.
Muốn thúc đẩy phát triển, nâng cao đời sống của người dân, ngoài việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của Bắc Kạn cũng phải phải đẩy mạnh thu hút công nghiệp. Muốn làm được phải có giải pháp, xúc tiến hỗ trợ, để nhiều nhà đầu tư triển khai nhanh và có hiệu quả các dự án trên địa bàn.
Hiện chúng tôi đang thúc đẩy hình thành, phát triển các khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất để các nhà đầu tư thực hiện dự án. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục hành chính, tìm hiểu về đầu vào, đầu ra giúp các nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, giảm được chi phí, tăng được doanh thu, lợi nhuận để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh luôn thống nhất nhận thức và quán triệt đến các đơn vị trực thuộc là thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh. Càng có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp thành công thì tỉnh càng phát triển.
Từ nhận thức đó, tôi luôn nỗ lực cùng đội ngũ cán bộ tỉnh Bắc Kạn thúc đẩy đầu tư ngoài ngân sách, đóng góp vào tăng trưởng chung, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp cho Bắc Kạn về thu ngân sách và bảo đảm an sinh xã hội.
Tôi mong rằng cùng với Bắc Kạn, sẽ thúc đẩy đầu tư ngoài ngân sách để đóng góp vào tăng trưởng chung, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp cho Bắc Kạn về thu ngân sách và an sinh xã hội.
Bắc Kạn là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất nước, tuy nhiên việc phát triển kinh tế rừng tại Bắc Kạn lại khá hạn chế. Nhiều diện tích rừng sản xuất của người dân đến tuổi khai thác bị quy hoạch vào rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…. khiến người dân gặp nhiều khó khăn, là người đứng đầu tỉnh, ông đã có giải pháp gì cho vấn đề này?
- Bắc Kạn vừa tổ chức Hội nghị sơ kết Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; qua đó đánh giá toàn diện về những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, nhất là những khó khăn của người dân; đề ra các giải pháp, đề xuất, kiến nghị để khắc phục.
Cá nhân tôi đã và đang nỗ lực cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tìm mọi giải pháp cho vấn đề này; vừa có các giải pháp chủ động của địa phương, vừa tích cực kiến nghị TW gỡ khó cho Bắc Kạn. Ngoài việc báo cáo bằng văn bản, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với các cơ quan Trung ương để quan tâm xử lý các vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của tỉnh liên quan đến phát triển kinh tế rừng.
Trồng cây dược liệu, cây gỗ lớn tại Bắc Kạn cũng đang là một ưu thế, tuy nhiên người dân gặp khó trong việc mở rộng diện tích, trong khi diện tích rừng do lâm trường quản lý lại quá nhiều (mỗi lâm trường chỉ có 5-7 người, quản lý tới vài chục nghìn ha), ông đã bao giờ tính đến việc rà soát hiệu quả hoạt động của các lâm trường thuộc Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn để giao một phần diện tích đất cho các địa phương quản lý, người dân phát triển sản xuất?
- Thực tế đã có một phần diện tích của Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn quản lý, sử dụng không hiệu quả đã được chuyển về cho các địa phương quản lý, xem xét giao lại cho người dân phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể. Chúng tôi sẽ họp bàn về tình hình hoạt động của Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn và đưa ra các giải pháp trong thời gian tới, trong đó có việc cơ cấu lại Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn.
Sản phẩm OCOP đang là những thế mạnh mà Bắc Kạn đạt được. Ông đánh giá thế nào về đóng góp của người nông dân Bắc Kạn, nhất là trong việc làm OCOP, phát triển các sản phẩm nông sản đặc hữu của địa phương?
- Những kết quả về phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua có vai trò quan trọng của người nông dân (đến nay tỉnh Bắc Kạn đang có khoảng 181 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên).
Họ chính là thành viên của các HTX, Tổ Hợp tác và hộ sản xuất, kinh doanh, những người từ sự chăm chỉ, nỗ lực, chịu khó học hỏi, tìm tòi, sáng tạo đã làm ra nhiều sản phẩm OCOP, nhất là nông sản đặc hữu để tiêu thụ tại nhiều địa phương trong cả nước.
Có thể khẳng định, làm OCOP tại Bắc Kạn đang rất tích cực. Qua đó người nông dân được thỏa sức sáng tạo, biến các sản phẩm nông sản đặc hữu của địa phương thành hàng hóa. Không chỉ hướng đến thị trường trong nước mà bước đầu đã có một số sản phẩm OCOP của Bắc Kạn xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài.
Hiện nay rất nhiều HTX, Tổ Hợp tác đã và đang nỗ lực đưa các sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử, bước đầu có phản hồi tích cực. Việc chuyển đổi số ban đầu chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Với tỉnh miền núi như Bắc Kạn thì việc chuyển đổi số cũng có nhiều khó khăn như xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư ít, trình độ công nghệ thông tin nhìn chung còn hạn chế…, nhưng bên cạnh khó khăn, đây cũng là cơ hội để phát triển. Tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều HTX nhờ chuyển đổi số mà bán được nhiều sản phẩm hơn, điển hình như HTX Thiên An (huyện Bạch Thông) tăng doanh thu gấp hơn 2 lần so với trước khi thực hiện chuyển đổi số…
Thấy được lợi ích và kết quả tích cực của chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ các HTX, Tổ Hợp tác đưa các sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh.
Bắc Kạn có một hồ Ba Bể được ví như nàng tiên đang ngủ giữa núi rừng Việt Bắc, hẳn ông đã có kế hoạch cho việc đánh thức tiềm năng du lịch nơi đây?
- Quả thực vậy, không phải ngẫu nhiên mà hồ Ba Bể được ví như nàng tiên đang ngủ, bởi vì Ba Bể rất đẹp, rất huyền bí và nên thơ. Ba Bể cũng được nhắc đến là hồ nước ngọt tự nhiên trên núi lớn nhất Việt Nam và trong top 20 của thế giới.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh đó, chúng tôi đang tập trung hoàn thiện quy hoạch Ba Bể; phát triển kết cấu hạ tầng; thu hút các nhà đầu tư; bổ sung, phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn xung quanh khu vực hồ Ba Bể và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác. Đến nay, đã có các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Sungroup, Onsen Fuji, Trường Thành… đến nghiên cứu, khảo sát, đề xuất dự án tại khu vực này.
Việc tỉnh Bắc Kạn chủ động xây dựng lại quy hoạch hồ Ba Bể với hy vọng quy hoạch đó giải quyết được hài hòa bài toán giữa khu nào cần bảo tồn bảo vệ, khu nào mời gọi các nhà đầu tư vào, khu nào để người dân được xây dựng các cơ sở lưu trú, du lịch cộng đồng, các homestay, khu bán hàng… Điều mà quy hoạch này hướng đến là sự phát triển hài hòa, bền vững, đem lại lợi ích cho người dân, cho tỉnh Bắc Kạn.
Phải nói thêm rằng một lợi thế quan trọng của Bắc Kạn là con người. Người Bắc Kạn rất gần gũi, dung dị, chân thành, cởi mở, thân thiện và hiếu khách, đồng thời cũng rất trí tuệ và tinh tế. Bên cạnh đó Bắc Kạn còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên trời phú.
Tôi vẫn nói với nhiều người rằng Bắc Kạn là Resort của Việt Nam và thế giới khi mọi người được làm việc, được sinh sống và nghỉ ngơi ở nơi mà ¾ diện tích là rừng, được hít thở bầu không khí rất trong lành. Đặc biệt Bắc Kạn còn là nơi khởi phát của rất nhiều con sông, đa dạng về sinh học. Ngoài các sinh vật trên sông, rau củ quả của Bắc Kạn cũng rất sạch, ngon và nhiều dưỡng chất, đó cũng là một thế mạnh riêng có của Bắc Kạn.
Tôi tin rằng, "nàng tiên" sẽ thức dậy vào một ngày không xa. "Nàng tiên" nhân hậu ấy sẽ không phụ tấm lòng và sự nỗ lực bền bỉ của người dân Bắc Kạn. Và khi đó Bắc Kạn chắc chắn sẽ có những thành công trên con đường thực hiện khát vọng đổi thay, phát vọng phát triển của mình.
Xin trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Đăng Bình và chúc cho Bắc Kạn sẽ ngày một phát triển hơn nữa, xứng với những tiềm năng và lợi thế mà Bắc Kạn đang sở hữu!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.