Chuyên gia vật lý trị liệu V.Mary Lockett: "Tôi ước được sống mãi ở Việt Nam, để yêu, gắn bó và chữa lành…" - Ảnh 1.

Bà đón chúng tôi ở nhà riêng nằm trong một con ngõ nhỏ trên đường Chế Lan Viên, TP.Đà Nẵng và thật may mắn, hoa hồng trắng cũng chính là loài hoa mà bà Mary Lockett yêu thích. Bà chuẩn bị một món bánh ngọt do chính tay bà làm để mời chúng tôi thưởng thức. Trong một buổi chiều dịu nhẹ, có hoa hồng và bánh ngọt, bà Virginia Mary Lockett chậm rãi kể về quãng thời gian dài bà đến sống ở Việt Nam như một thước phim chậm mà chính bà cũng ít có thời gian để nhìn lại…

Trong câu chuyện, thi thoảng bà dừng lại, thi thoảng bà đưa tay lên chạm vào khóe mắt… Tôi ngồi đó lắng nghe, trong đầu cứ hiện lên hình ảnh của Mẹ Teresa - nữ tu người Ấn Độ - người được mệnh danh là "Vị thánh của những người khốn khổ". Tôi đem suy nghĩ này nói với bà, bà Mary Lockett vội xua tay và nói: "Tôi chỉ là tôi thôi"…

Nhắc đến Mẹ Teresa, tôi chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của bà: "Việc tốt là những mắt xích tạo nên sợi xích tình yêu". Tôi tò mò muốn biết, tình yêu của bà đối với Việt Nam đã được tạo nên từ những 'mắt xích' như thế nào? Lần đầu tiên bà đến Việt Nam là khi nào và mối duyên nào khiến bà muốn gắn bó và chọn quay lại?

- Nhân duyên giữa tôi và Việt Nam từ năm 1995. Lúc đó, tôi và chồng sang Việt Nam nhận hai đứa con nuôi ở Nha Trang. Trong quá trình nhận con nuôi, chúng tôi đang làm thủ tục thì có một anh bạn đến nhờ tôi giúp cho bố của anh ấy. Bố của anh này bị xe tải tông gãy xương đùi, sau đó lại bị tai biến không thể đi lại. Thời điểm đó ở Việt Nam, hệ thống y tế chưa phát triển về phục hồi chức năng.

Anh ấy nhờ tôi giúp đỡ nhưng tôi cũng không chắc mình có thể làm gì để giúp được. Không rõ anh ta có nói lại với cha mình hay không nhưng tôi thấy ông ấy bật khóc rất to, người con trai cũng khóc theo. Hình ảnh đó cứ in đậm trong tâm trí tôi suốt 10 năm sau.

Tới năm 2005, tức là sau khi đã nhận con nuôi và quay trở về Mỹ, tôi tìm kiếm thông tin để đi làm thiện nguyện về phục hồi chức năng và vật lý trị liệu. Thời điểm đó ở Haiti vừa có động đất, tôi muốn sang đó, tuy nhiên sau khi liên hệ một số tổ chức thì họ bảo thứ họ cần là chăm sóc y tế ban đầu. Họ giới thiệu cho tôi một số tổ chức khác, trong đó Tổ chức Tình nguyện y tế hải ngoại (HVO) có chương trình kêu gọi tình nguyện viên về vật lý trị liệu đến làm việc tại Trung tâm chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng, bây giờ là Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng, tôi đã đăng ký đi tình nguyện 3 tuần.

Sau 3 tuần ở Việt Nam, tôi thấy sau khi chuyên gia rời đi thì những kinh nghiệm họ để lại không được ứng dụng nhiều. Vì vậy, tôi nảy ra ý tưởng ở lại Việt Nam lâu dài.

Tôi về lại Mỹ và liên hệ với Đại sứ Việt Nam tại Washington D.C, trình bày rằng tôi có mong muốn giúp đỡ phía Việt Nam trong lĩnh vực vật lý trị liệu, phục hồi chức năng với kinh nghiệm chuyên môn như vậy. Đại sứ phúc đáp rằng, cảm ơn tình cảm chân thành tôi đã dành cho Việt Nam, nhưng nếu làm việc với tư cách cá nhân thì không đúng pháp lý, tôi nên tìm kiếm một tổ chức nào đó để làm tình nguyện viên cho tổ chức đó thì sẽ hợp pháp về mặt giấy tờ.

Tôi tìm kiếm không thấy tổ chức nào cùng chung mục tiêu giống như ý tưởng của mình nên tôi đã nghĩ ra cách xin giấy phép lập một tổ chức cho riêng mình để sau này có tư cách pháp nhân ở lại Việt Nam dài lâu. Tôi cùng chồng đã rất nhanh chóng thành lập một tổ chức có tư cách pháp nhân tên là Steady Footsteps.

Khi đã xong về mặt thủ tục nhưng về vấn đề đi lại, không thể đi đi về về được vì chúng tôi không có nhiều tiền. Cuối cùng, tôi nghĩ chỉ có một cách duy nhất là phải bán nhà mới có tiền để sống và trang trải.

Bán nhà quả là một quyết định liều lĩnh. Để có một quyết định như vậy hẳn không dễ dàng gì? Bà đã gặp những trở ngại gì?

- Vì vợ chồng tôi xác định ý nguyện như vậy thì chỉ một sự lựa chọn duy nhất, không có lựa chọn thứ hai. Nếu như bạn có nhiều sự lựa chọn thì sẽ phức tạp hơn nhưng nếu chỉ có một lựa chọn thì lại đơn giản.

Lúc đó vợ chồng tôi sống thoải mái nhưng không dư dả, để thực hiện nguyện vọng thì chỉ có thể bán nhà mới có thể trang trải cuộc sống.

Lúc bán nhà thì chồng tôi ủng hộ 100%, 2 người con lớn của tôi không có ý kiến gì còn người con trai út thì không vui chút nào.

Chuyên gia vật lý trị liệu V.Mary Lockett: "Tôi ước được sống mãi ở Việt Nam, để yêu, gắn bó và chữa lành…" - Ảnh 2.

Chuyên gia vật lý trị liệu V.Mary Lockett: "Tôi ước được sống mãi ở Việt Nam, để yêu, gắn bó và chữa lành…" - Ảnh 3.

Thời điểm đó, cuộc sống ở Mỹ của bà thế nào?

- Lúc đó, tôi là chuyên viên vật lý trị liệu, cuộc sống ở Mỹ của tôi tương đối thoải mái, có 3 đứa con trong đó có một đứa con ruột và 2 đứa con nuôi người Việt. Năm 2006 thì 1 con ruột và 1 con nuôi đã dọn ra ở riêng. Chỉ có một mình con trai út sống chung với chúng tôi. Mức lương của tôi lúc đó cũng khá, đủ để tôi chăm lo cho gia đình. Tôi không có nhu cầu làm giàu.

Làm thiện nguyện thì không có thu nhập, tuy vậy mức sống ở Việt Nam so với Mỹ thì rẻ hơn. Hơn nữa, khi làm việc ở Việt Nam, do không bị vướng bận chuyện hồ sơ, bệnh án, giấy tờ nên tôi được tập trung vào đúng chuyên môn của mình.

Tại sao khi nhận con nuôi bà lại nghĩ đến Việt Nam?

- Từ lúc còn là thanh niên tôi đã có ý tưởng sau này có thể nhận con nuôi và tìm hiểu một số thủ tục, chính sách đối với việc nhận con nuôi như là độ tuổi, điều kiện có con cái hay chưa…

Sau khi kết hôn, tôi và chồng thống nhất với nhau là sẽ nhận hai người con nuôi. Tôi nghĩ việc nhận con nuôi người Việt sẽ góp phần nhỏ hàn gắn mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ và mang lại lợi ích cho người Việt. Tôi rất vui khi làm điều này.

Thông thường bố mẹ nhận con ở độ tuổi rất nhỏ, nhưng trường hợp của tôi thì khác, lúc tôi nhận con nuôi thì con ruột của tôi đã 13 tuổi và 2 con nuôi, con gái 10 tuổi và con trai 3 tuổi.

Giống như chuyện tôi sang Việt Nam hỗ trợ chuyên môn về vật lý trị liệu, việc hai chị em mà chúng tôi nhận làm con nuôi cũng là một cái duyên. Mới đầu chúng tôi định nhận hai người con trai nhưng sau đó tình huống đưa đến là một cặp chị em thì đó là điều may mắn và chúng tôi đón nhận.

Vì sao bà chọn Đà Nẵng, mà không phải là Hà Nội, TP.HCM hay một địa phương nào khác?

- Có nhiều yếu tố, thứ nhất đó là chuyến đi đầu tiên để giúp đỡ về chuyên môn ở Đà Nẵng. Thứ hai, ở Mỹ các tổ chức thường hay tập trung về Hà Nội, TP.HCM, còn Đà Nẵng tuy nhỏ thôi nhưng cũng là một điểm cần hỗ trợ và là trung tâm của khu vực miền Trung. Tôi thấy môi trường sống ở Đà Nẵng khá thoải mái, thời tiết dễ chịu nên tôi đã ở lại thành phố này.

Như vậy là bà đã đến đây, làm công việc thiện nguyện này được 17 năm - đó là một chặng đường dài, chắc hẳn bà đã có rất nhiều kỷ niệm, nhiều sự gắn bó với nơi đây?

- Như bạn đã biết, trước năm 2007, tình trạng chấn thương sọ não ở Việt Nam rất nhiều.

Ngày 15/12/2007 Việt Nam áp dụng luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, từ đó tình trạng chấn thương sọ não ở Việt Nam ít hơn hẳn so với trước.

Trước đó 6 tháng tôi đã bỏ tiền túi ra mua 3.401 chiếc mũ bảo hiểm để tặng cho toàn bộ nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện trên địa bàn TP.Đà Nẵng, từ trạm y tế đến bệnh viện quận, bệnh viện tuyến đầu.

Có lần tôi và chồng đi ăn trưa thấy tai nạn xảy ra trước mặt, bệnh nhân nằm đó bị chấn thương sọ não, những chuyện đó quá khủng khiếp và diễn ra hàng ngày.

Ban đầu chính bản thân tôi cũng nghĩ luật đội mũ bảo hiểm chưa chắc đã áp dụng vì chắc gì mọi người đã tuân thủ nhưng sau này mới thấy sự hiệu quả. Ngày 15/12/2007 tôi rất vui, cực kỳ vui!.

Lúc đó tôi làm về chấn thương sọ não, tôi nghĩ nếu có cách gì bảo vệ cái đầu thì họ sẽ không bị chấn thương, số lượng bệnh nhân ít đi thì quá tốt cho xã hội.

Khoảng năm 2013, sau khi tôi về làm tình nguyện viên tại Bệnh viện y học cổ truyền Đà Nẵng được vài năm, bác sĩ Nguyễn Văn Ánh - Giám đốc mới của Bệnh viện thời điểm đó có trao đổi với tôi rằng, bệnh viện muốn phát triển mảng phục hồi chức năng. Tôi đã giúp bệnh viên đào tạo một đội ngũ kĩ thuật viên có chuyên môn tốt, nâng cao uy tín cho bệnh viện.

Chuyên gia vật lý trị liệu V.Mary Lockett: "Tôi ước được sống mãi ở Việt Nam, để yêu, gắn bó và chữa lành…" - Ảnh 4.

Tâm lý thông thường của người bệnh khi đau đớn, người ta thường có những tâm trạng yếu đuối, ủ rũ mất tinh thần, nếu không thì lại trở nên đối nghịch không hợp tác. Cộng thêm với việc bất đồng ngôn ngữ, làm thế nào để bà cảm nhận/chia sẻ được với nỗi đau của họ?

- Tôi nghĩ đó là chịu khó gặp, tiếp xúc với bệnh nhân tai biến, hãy dùng chính tình yêu thương của bạn để cảm nhận họ, sau đó mới sử dụng biện pháp tâm lý kết hợp với biện pháp điều trị.

Một bệnh nhân tốt là bệnh nhân hợp tác và nghe lời nhân viên y tế. Bác sĩ, điều dưỡng mong muốn bệnh nhân hợp tác với mình thì phải chủ động. Tôi làm chuyên môn, anh có vấn đề thì tôi điều trị cho anh, anh phải lắng nghe tôi.

Riêng về vật lý trị liệu lại khác, não có những cấu trúc não rất phức tạp, riêng bệnh nhân điều trị tổn thương não thì không hề đơn giản và đặc biệt là không bệnh nhân nào giống với bệnh nhân nào cả. Tôi cần đánh giá bệnh nhân để xem vấn đề nằm ở đâu để hiểu bệnh nhân, hiểu những vấn đề bệnh nhân đang phải đối mặt. Tôi đã điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân, điều đó cũng có nghĩa là tôi đã trải qua vô vàn tình huống khác nhau.

Khi hiểu bệnh nhân có những yếu tố như: Bệnh nhân bị liệt một bên; bệnh nhân bị rối loạn cảm giác; bệnh nhân thất ngôn không thể diễn đạt và không hiểu những gì người khác nói với mình, người nhà cũng không hiểu… tôi tìm hiểu hết các vấn đề của bệnh nhân sau đó sẽ giải thích cho bệnh nhân cùng người nhà của họ, bây giờ tình trạng của họ như thế nào, có bao nhiêu vấn đề.

Trong lúc làm tôi cũng hay hài hước với bệnh nhân, khiến họ vui vẻ, tâm trạng tốt. Chắc chắn không phải với bệnh nhân nào cũng có thể phục hồi 100%, nhưng khi đến với tôi thì thời gian sau họ sẽ có thay đổi, khi họ thấy sự thay đổi thì chắc chắn họ sẽ không bỏ cuộc, họ tin vì trước đó họ không làm được, bây giờ họ làm được.

Chuyên gia vật lý trị liệu V.Mary Lockett: "Tôi ước được sống mãi ở Việt Nam, để yêu, gắn bó và chữa lành…" - Ảnh 5.

Chuyên gia vật lý trị liệu V.Mary Lockett: "Tôi ước được sống mãi ở Việt Nam, để yêu, gắn bó và chữa lành…" - Ảnh 6.

Chuyên gia vật lý trị liệu V.Mary Lockett: "Tôi ước được sống mãi ở Việt Nam, để yêu, gắn bó và chữa lành…" - Ảnh 8.

Chuyên gia vật lý trị liệu V.Mary Lockett: "Tôi ước được sống mãi ở Việt Nam, để yêu, gắn bó và chữa lành…" - Ảnh 8.

Xin được mượn lời thơ trong bài thơ của lương y Phan Công Tuấn viết tặng bà "Người đàn bà ngồi may". Thú thực, khi đọc bài thơ này, tôi lại thấy bà không phải là người phụ nữ đến từ miền Đông nước Mỹ- vùng đất mẹ của 8 đời tổng thống Mỹ, mà bà chính là hình ảnh của một người mẹ Việt Nam tảo tần, giàu tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Bà có thể chia sẻ cho chúng tôi về công việc thầm lặng hàng đêm này không?

- Việc may đai cho bệnh nhân là để cho bệnh nhân được an toàn, chống té ngã. Khi mới làm, vì thiếu vải nên số đai tôi tặng cho bệnh nhân không đủ. Thời gian gần đây thì có nhiều vải hơn vì tôi đi kiếm vải rẻ chút xíu để về may thêm. Tôi cũng có một số kỹ năng may vá, áo quần đơn giản tôi có thể tự may được.

Một ngày có 24 tiếng đồng hồ, tôi làm việc ở viện buổi sáng, buổi chiều ở nhà may vá, vừa may vừa nghe nhạc cũng là niềm vui và có thể giúp cho các bệnh nhân. Khi tuổi của tôi ngày càng cao, việc may vá cũng gặp một số trở ngại, nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng mỗi ngày, từng chút từng chút một…

Khi chúng tôi đến đây, đã được nghe nói về một bức tượng đồng do chính đội ngũ y, bác sĩ trong bệnh viện chung tay tạo nên để tôn vinh tấm lòng cam cả và sự hy sinh thầm lặng của bà dành cho bệnh nhân và bệnh viện trong nhiều năm qua. Cảm xúc của bà khi nhận món quà tinh thần này như thế nào?

- Trước đó tôi không biết gì cho đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2021, bệnh viện mời tôi lên tham dự như mọi năm. Khi bác sĩ Ánh mời nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng lên cùng ông gỡ tấm màn phủ trên bức tượng, mất mấy giây tôi mới nhận ra đó là mình. Tôi không tin mình được tạc tượng! Tôi không nghĩ có ai đó sẽ đi tạc tượng mình, đây là lần đầu tiên trong đời tôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động vì món quà quá bất ngờ. Tôi cảm kích tấm lòng của mọi người đã yêu thương tôi.

Lúc công bố có một đoàn cán bộ của Nhật Bản sang thăm bệnh viện, họ đứng chụp hình với bức tượng. Tôi nói với ông người Nhật "các ông làm sao giúp giùm, họ ghi nhận tấm lòng của các ông đấy, đây là bằng chứng". Họ cũng ngạc nhiên và nói sẽ giúp đỡ Việt Nam.

Những bác sĩ phục hồi có nói chuyện vui với tôi là nếu bác sĩ họ muốn làm giàu thì chẳng có ai đi làm phục hồi cả vì sự họ không có tiền.

Chuyên gia vật lý trị liệu V.Mary Lockett: "Tôi ước được sống mãi ở Việt Nam, để yêu, gắn bó và chữa lành…" - Ảnh 10.

Chuyên gia vật lý trị liệu V.Mary Lockett: "Tôi ước được sống mãi ở Việt Nam, để yêu, gắn bó và chữa lành…" - Ảnh 9.

17 năm với công việc thiện nguyện tại đây, chứng kiến nhiều câu chuyện, nhiều cuộc đời và cả những nỗi đau muôn hình vạn trạng, bà thấy sự thay đổi như thế nào trong lĩnh vực y học ở Việt Nam?

- Công việc chuyên môn của tôi là phục hồi chức năng, để đến được được phục hồi chức năng bệnh nhân phải cấp cứu ban đầu và sống sót đã. Ngày xưa mà gãy xương đùi thì chuyện mổ xẻ vô cùng khó khăn, bây giờ mà gãy, vào viện là mổ liền. Lúc đó Nha Trang là một thành phố không phải nhỏ nhưng cũng không có điều kiện để mổ, còn bây giờ hoàn toàn khác. Trước đây bị đứt dây chằng làm gì có chuyện mổ tái tạo, thay khớp gối, thay khớp háng, bây giờ có thể thực hiện được rồi. Đó là sự thay đổi lớn ở Việt Nam.

Lúc ở bên Mỹ bệnh nhân của tôi liên quan đến chấn thương gãy xương, mổ thay khớp gối, thay khớp háng rất nhiều nhưng lúc đó ở Việt Nam chưa có điều kiện. Nếu bệnh nhân bị chấn thương sọ não thì trước tiên là phải cứu chữa ban đầu cho bệnh nhân sống sót thì mới đến phục hồi. Nếu như y tế ban đầu không đủ thì bệnh nhân sẽ không thể phục hồi được. Bây giờ thực sự cấp cứu ban đầu hơn hẳn so với hồi đó.

Nếu, tôi chỉ giả sử thôi, một ngày nào đó, những người thân của bà ở Mỹ chất vấn rằng, vì sao bà lựa chọn rời xa họ, để đến một nơi xa xôi như Việt Nam và ở lại gần như phần lớn đời người, bà sẽ trả lời thế nào? Đó có phải là triết lý cuộc đời cho đi trong sự thầm lặng của bà không?

- Từ năm 19 tuổi tôi đã có mong muốn làm việc thiện nguyện. Sự hy sinh thầm lặng, tôi chỉ muốn giữ cho riêng mình, bởi quan điểm của tôi là tôi biết đủ, chưa bao giờ tôi nghĩ mình cần làm gì để trở nên thật giàu có. Tôi nghĩ những gì mình có hiện giờ là đủ, tôi nên làm một người hữu ích cho cộng đồng, đó là điều làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc.

Còn một điều hơi cá nhân chút, khi con cái chúng tôi đã trưởng thành, giữa vợ chồng tôi và con cái không được gần gũi lắm. Chính vì tôi không có sự ràng buộc nhiều nên mới có thể làm thiện nguyện được. Bố mẹ của hai bên đã mất hết, anh em có một người duy nhất mà mối quan hệ anh em bên đó không giống như ở Việt Nam. Số thành viên trong gia đình không nhiều và không có nhiều sự kết nối. Họ sống độc lập và đó là văn hoá ở Mỹ.

Chuyên gia vật lý trị liệu V.Mary Lockett: "Tôi ước được sống mãi ở Việt Nam, để yêu, gắn bó và chữa lành…" - Ảnh 11.

Chuyên gia vật lý trị liệu V.Mary Lockett: "Tôi ước được sống mãi ở Việt Nam, để yêu, gắn bó và chữa lành…" - Ảnh 12.

Chuyên gia vật lý trị liệu V.Mary Lockett: "Tôi ước được sống mãi ở Việt Nam, để yêu, gắn bó và chữa lành…" - Ảnh 13.

Điều ước vào ngày sinh nhật gần đây nhất của bà là gì, thưa bà?

- Tôi chỉ có điều ước lớn nhất là có đủ sức khoẻ để tiếp tục công việc, điều ước thứ nhì là làm sao được tiếp tục làm công việc mà mình đang làm, thứ ba là tôi ước được sống ở Việt Nam lâu dài cho đến cuối đời. Bởi vì hiện tôi đang có một số trở ngại về việc làm visa, tạm trú khó vô cùng. Nếu sau này tôi không đủ sức khoẻ làm việc nữa thì làm sao để sống ở Việt Nam một cách hợp pháp.

Cơ chế hiện giờ chưa có, nếu không làm thiện nguyện nữa thì không thể dựa vào công việc để xin visa và tạm trú được. Nếu là khách du lịch thì hiện là 3 tháng còn trước đây chỉ có 1 tháng thôi, đó là một trong những điều ước của tôi.

Rất nhiều người nước ngoài tìm cách nhập cư vào Mỹ, nhưng từ ngày sang đây tôi chưa lấy một đồng nào của Việt Nam ra nước ngoài, chỉ có chuyện tiêu tiền đô ở đây. Tôi không có tiền lương trong 17 năm. Việc xin quốc tịch ở Việt Nam thì xa vời nhưng đến cả xin thường trú hiện tại cũng rất khó khăn trong khi công việc tôi làm rất rõ ràng.

Tôi lo đến tuổi không đủ sức khoẻ làm việc nữa, nhà bên kia đã bán, đốt cầu qua sông rồi thì quay về bên kia cũng đâu còn nhà để ở. Tôi thực sự muốn ở lại Việt Nam, Đà Nẵng thực sự là nhà của tôi chứ không phải là quê hương thứ hai nữa.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Chuyên gia vật lý trị liệu V.Mary Lockett: "Tôi ước được sống mãi ở Việt Nam, để yêu, gắn bó và chữa lành…" - Ảnh 14.

 

Chuyên gia vật lý trị liệu V.Mary Lockett: "Tôi ước được sống mãi ở Việt Nam, để yêu, gắn bó và chữa lành…" - Ảnh 15.

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem