"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 2.

Tôi biết đến Nguyễn Thị Huyền lần đầu tiên năm 2015, tại SEA Games 28 được tổ chức tại Singapore. Cách đây 8 năm, cô gái quê ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã khiến giới truyền thông Việt Nam ngỡ ngàng với những bước chạy đẹp, thanh thoát, giành hat-trick HCV 400m, 400m rào và tiếp sc 4x400m.

Ở tuổi 22, thông số 56 giây 15 (400m rào), 52 giây (400m) giúp Nguyễn Thị Huyền giành luôn "cú đúp" chuẩn dOlympic Rio 2016 – đây cũng là mốc son lịch sử của điền kinh Việt Nam mà tới lúc này chưa có VĐV nào đạt được.

Đi qua những bước thăng trầm trong sự nghiệp, Nguyễn Thị Huyền lại khiến nhiều người đi từ bàng hoàng tới ngỡ ngàng ở thời điểm năm 2019.

Không biết sức mạnh nào có thể giúp một nữ VĐV vừa lập gia đình năm 2018, nghỉ gần một năm để làm tròn nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, sau đó trở lại tập luyện và tiếp tục khẳng định vị thế thống trị trên đường chạy 400m, 400m rào SEA Games 30 tại Philippines.

Đó thực sự là một điều kỳ diệu! Bất kỳ ai từng đam mê chạy phong trào đều hiểu, chỉ cần nghỉ một tuần, nửa tháng khi chạy li còn "căng"; VĐV chuyên nghiệp bị chấn thương, nghỉ khoảng nửa năm, trở lại đường chạy, thảm đấu hay sân cỏ... cũng phải đòi hỏi tới ý chí, nghị lực phi thường, có người không bao giờ tìm lại được là chính mình.

Vậy mà với hành động của mình, Nguyễn Thị Huyền đã biến những điều tưởng như không thể thành có thể. Và tôi, cũng đã không từ bỏ, quyết tâm theo đuổi cuộc phỏng vấn với Nguyễn Thị Huyền trong suốt gần 4 năm để có được một cuộc hẹn!

Chẳng phải Huyền kiêu kỳ, trái lại còn rất mộc mạc, giản dị. Đơn giản là những lời hẹn trước đó của tôi đều nhầm thời điểm. Khi thì Huyền bận đi tập huấn, thi đấu hoặc tranh thủ về thăm gia đình trong những ngày ngắn ngủi sau mỗi giải đấu; lúc lại đến lượt tôi bận công việc mải miết theo các giải đấu thể thao trong nước.

Trước thềm SEA Games 32, dù rất ngại nhưng Huyền cũng đành từ chối phỏng vấn nhưng có một lời hẹn: "Sau SEA Games, mình cũng sẽ gặp anh nhé!".

Vậy mà sau khi Nguyễn Thị Huyền lập hat-trick HCV (400m rào, 4x400m tiếp sức hỗn hợp nam nữ, 4x400m tiếp sức nữ) trên đất Campuchia để trở thành VĐV giữ kỷ lục giành nhiều HCV SEA Games nhất với 13 tấm, cuộc hẹn này vẫn phải hoãn lại vì Huyền bận đi Đài Bắc Trung Hoa thi đấu giải điền kinh quốc tế và tiếp tục giành thêm 1 HCV 400m rào.

Sau cùng, cuộc hẹn giữa Dân Việt và Nguyễn Thị Huyền chỉ được thực hiện vào 8 giờ sáng 8/6/2023 – đúng ngày kỷ niệm 13 năm thành lập Dân Việt. Có phải là "duyên" không với con số 13, tôi nghĩ...

Nhìn lại 15 năm theo đuổi niềm đam mê điền kinh, tính từ khi giành được những tấm HCV cấp huyện, cấp tỉnh năm 2008, ngay ở những bước chập chững theo đuổi niềm đam mê, Huyền có nghĩ mình sẽ thành công như lúc này?

- Những gì đã qua với tôi như một "giấc mơ có thật". Tôi xuất thân trong một gia đình nghèo, cha của tôi mất sớm, nhà chỉ có ba mẹ con, chị gái tôi bị bệnh nên không nhận biết được mọi thứ xung quanh, cứ như một đứa trẻ vậy.

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 3.

Cả nhà chỉ biết trông vào hạt thóc để mưu sinh, trang trải việc học hành cho tôi. Cứ sau giờ học là tôi và chị lại lao vào mò cua, bắt ốc giúp mẹ mang ra chợ bán.

Kỷ niệm thuở nhỏ là khi hai chị em ra đồng mò cua, bắt ốc, tôi chỉ làm qua loa rồi đi chơi. Xong rồi quay lại, lấy ốc của chị cho vào giỏ của mình, về khoe với mẹ. Câu chuyện vui đó cứ theo tôi suốt sau này. Càng nghĩ, tôi càng thương chị nhiều hơn. Từ khi xa nhà đi tập điền kinh chuyên nghiệp, tôi đã có ý thức rất rõ việc phải tiết kiệm tiền gửi về nhà giúp mẹ trang trải cuộc sống, lo cho chị.

Tôi tập trung vào từng bước nhỏ, phấn đấu từng giải nhỏ, cố gắng giành HCV giải trẻ, giải vô địch quốc gia, Đại hội TDTT toàn quốc. Khi tập ở đội tuyển tỉnh, nhìn các anh chị thi đấu tôi đã thầm nhủ sao các anh chị giỏi thế, thi đấu toàn giành HCV và ước sao mình có ngày được như các anh chị.

Lên ĐTQG, nhìn thấy các "tượng đài" điền kinh Việt Nam như chị Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, anh Vũ Văn Huyện, anh Nguyễn Đình Cương... tôi chỉ dám đứng từ xa ngưỡng mộ, không dám bắt chuyện. Ngày ấy, tôi bẽn lẽn và ngại ngùng, dù anh chị rất hòa đồng.

Nhìn lại cả hành trình, tôi cảm thấy mình may mắn khi sự nghiệp rất suôn sẻ. Nhiều bạn cùng lứa cũng cố gắng như mình, cũng rất giỏi nhưng không may mắn bị chấn thương; hoặc khi tập tốt, khi thi đấu lại không đạt được thành tích như ý và không có cơ hội thể hiện mình trên đấu trường quốc tế.

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 4.

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 5.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Huyền trong những ngày đầu theo nghiệp điền kinh?

- Có lẽ ấn tượng lớn nhất của mọi người về tôi trong những ngày đầu ấy là một cô bé ngày nào cũng khóc vì nhớ nhà, nhớ mẹ, chẳng chịu ăn uống gì. Đến mức ngay trước khi thi đấu, các thầy ở đội trẻ Nam Định còn phải chở tôi về nhà gặp mẹ cho đỡ nhớ rồi ra sân chạy luôn và... giành HCV.

Tôi nghĩ là thể thao, điền kinh đã chọn mình. Khi học ở trường, lúc nào cũng nổi bật hơn các bạn trong trò chơi đuổi bắt. Các bạn nam không thể bắt kịp tôi. Năm 2007, các thầy cô thấy tôi có tố chất nên chọn đi thi huyện và được giải nhất.

Sau đó, tôi được tập trung đội tuyển tỉnh nhưng tôi đã xin về, không thi nữa vì rất nhớ mẹ.

Sang năm 2008, tôi lại đi thi huyện và lại giành HCV. Cứ thi nội dung nào là giành HCV nội dung đó, từ nhảy cao, nhảy xa, chạy 800m... Nhưng cứ ai nói lên tập trung đội tuyển trẻ của tỉnh, phải xa nhà là tôi lại lắc đầu.

Bất đắc dĩ, các thầy cô phải tạo điều kiện cho tôi đạp xe 10km từ nhà lên đội tập vào buổi sáng rồi lại đạp xe về, ngày nào cũng vậy trong vòng một tháng. Hội khỏe phù đổng tỉnh năm 2008, tôi thắng một bạn tập chuyên nghiệp ở cự ly... 100m, sau đó được thi Hội khỏe phù đổng toàn quốc 2008 và giành HCV.

Năm 2009, tôi được lên đội tuyển trẻ điền kinh quốc gia tập trung ở Từ Sơn, sau đó lên ĐTQG năm 2011, thi đấu kỳ SEA Games đầu tiên tại Indonesia, giành HCĐ tiếp sức.

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 6.

Trong khuôn viên Trung tâm HLTTQG Hà Nội (Nhổn) quen thuộc, câu chuyện của chúng tôi cứ tiếp tục trôi ngược về quá khứ. Huyền bảo, cô cảm ơn những ngày tháng tuổi thơ nhọc nhằn. Chính suy nghĩ về hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên dù tập luyện rất mệt, phải đối mặt với những chấn thương nhưng Huyền luôn tự động viên mình phải cố gắng vượt qua, thay đổi cuộc sống, giúp mẹ và chị có một cuộc sống dễ chịu hơn. Chính gia đình là động lực giúp Huyền có được thành công như hôm nay.

Trong đời, ai cũng có những giấc mơ, đặc biệt khi còn nhỏ, các cậu bé thì mơ làm bộ đội, công an; các cô bé thì mơ làm ca sĩ, cô giáo... Huyền hãy "bật mí" ước mơ thuở còn thơ của mình?

- Hoàn cảnh của gia đình tôi quá khó khăn nên thuở nhỏ, tôi chẳng có ước mơ gì cả. Tôi biết chắc chắn mẹ mình không thể nuôi mình ăn học hết cấp 3, chứ đừng nói tới việc học Đại học mà nghĩ xa xôi thêm.

Điền kinh đã thay đổi đời tôi. Nếu không là VĐV, chắc tôi cũng chỉ có thể theo mẹ làm ruộng hay làm công nhân trong một nhà máy nào đó gần nhà rồi lập gia đình.

Ngày ấy, tôi chỉ ước sau này sẽ đi làm, có tiền mua cho mẹ cái tủ lạnh. Mùa hè rất nóng, trẻ con thèm uống nước đá, mọi nhà có nhưng nhà mình thì chỉ biết... ước!

Những ngày tháng tập đội trẻ, tiền gần như không có. Nhìn thấy các bạn mua cái quần, cái áo, mình không dám mua. Các bạn có đi ăn quà, rủ mình mấy lần may ra mình mới đi một lần, vì nghĩ tới mẹ và chị ở nhà còn vất vả.

Cuối năm 2008, tôi nhớ chỉ được 200.000 - 300.000 đồng tiền thưởng tết, tôi đi ra chỗ bán đồ cũ, mua cho mẹ và chị cái áo gọi là có quà tết mang về.

Và Huyền đã thực hiện được "ước mơ tủ lạnh" từ lâu?

- Năm 2009, sau khi có tiền thưởng 12 triệu đồng từ giải trẻ Đông Nam Á, tôi đã mua ngay cái tủ lạnh về nhà. Ngày đó, tôi đã nói với mẹ: "Con không biết sau này con tập luyện được như thế nào. Nhưng con sẽ cố gắng hàng tháng gửi tiền về cho mẹ, mẹ làm ít thôi và đừng lo gì cho con nữa...".

Với số tiền thưởng năm 2009 đó, tôi còn giúp mẹ xây lại cái bếp. Nhà tôi ở ngay cạnh đồng, bếp mái ngói hay bị dột, cứ mưa gió bão là tốc hết mái. Cái bếp xây xong, dù không nói ra nhưng tôi biết mẹ vui và tự hào về tôi lắm.

Đến giờ mọi thứ đã ổn, nhưng mẹ tôi thì vẫn... làm ruộng. Bà bảo không làm thì bà buồn tay buồn chân, không chịu được.

Cùng với những khó khăn về kinh tế trong cuộc sống, Huyền còn phải đối mặt và vượt qua những chấn thương luôn ám ảnh mọi VĐV chuyên nghiệp...

- Kỳ SEA Games đầu tiên tôi được tham dự là năm 2011 tại Indonesia và chỉ giành được HCĐ tiếp sức 4x400m nữ. Tới SEA Games 2013, tôi đã tới Myanmar nhưng không thể thi đấu vì chỉ hai ngày trước khi bước vào đường chạy, tôi bị chấn thương rách cơ đùi sau trong một buổi tập.

Thời điểm đó mình còn trẻ, hừng hực khí thế nên chỉ cảm thấy hơi buồn một chút. Thành tích tập luyện của tôi đang rất tốt và đang rất tự tin bước vào thi đấu, vậy mà... phải làm lại từ đầu.

SEA Games hai năm mới có một lần và chấn thương đồng nghĩa với công sức suốt cả hai năm của thầy và trò bỏ sông bỏ biển.

Khoảng thời gian sau đó, tôi cảm ơn HLV của mình (HLV Vũ Ngọc Lợi – PV) rất nhiều. Bác đã luôn động viên, có những giáo án điều chỉnh phù hợp giúp tôi sớm hồi phục. Các đồng đội cũng hỗ trợ tôi rất nhiều. Có bạn không thi đấu SEA Games sẵn sàng "dẫn" cho tôi tập, sau đó trở lại thi đấu tốt nhất ở SEA Games 2015.

Với tôi, chấn thương ấy có ý nghĩa tích cực nhiều hơn tiêu cực. Tôi nghĩ, khi có điều gì xảy ra trong cuộc sống, dù là thuận lợi hay trở ngại thì đều là bài học để mình trưởng thành hơn.

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 7.

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 8.

Cá tính, niềm đam mê, khát khao, quyết tâm khẳng định mình đã giúp Nguyễn Thị Huyền vượt qua chấn thương rách cơ đùi cuối năm 2013 để trở lại và tỏa sáng trên đường chạy SEA Games 28 vào tháng 6/2015 tại Singapore. Nhưng cũng chính những "đặc tính" ấy của tuổi trẻ đã khiến Huyền suýt chút nữa đánh mất mình. Sau SEA Games 2015, Huyền bị cho là mắc "bệnh sao". HLV Vũ Ngọc Lợi đã rất giận, xin nghỉ huấn luyện để dưỡng bệnh. Lý do chính khiến ông Lợi "báo bệnh" đến từ việc Huyền tập trung cho những chuyện bên lề, hậu trường (lên truyền hình, trả nợ môn học...) hơn là... ra sân tập luyện, trau dồi, nâng cao khả năng chuyên môn. "Đó là một thi tuổi trẻ bốc đồng. Tôi không nghĩ là mình mắc bệnh "sao". Đơn giản là lúc ấy tôi thích làm theo ý mình, bác Lợi nói mình không hiểu nên thy bác rất khó tính...", Huyền nhớ lại "nốt trầm" trong sự nghiệp.

Sau mỗi tấm HCV mà Huyền giành được trên đấu trường quốc tế, hình ảnh quen thuộc được các phóng viên ghi lại là ánh mắt tìm kiếm HLV Vũ Ngọc Lợi, và ngày sau đó, Huyền chạy tới ôm thy cùng nụ cười rạng rỡ...

- Không thể có Nguyễn Thị Huyền ngày nay nếu không có HLV Vũ Ngọc Lợi. Bác là người đã đào tạo tôi từ khi chưa có thành tích gì, chỉ là một cô bé từ Nam Định ra Hà Nội theo đuổi đam mê.

Trong thâm tâm của mình, tôi luôn kính trọng và biết ơn bác. Thời điểm sau SEA Games 2015, tôi đạt được những dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp, được truyền thông chú ý đến nhiều và trong phút giây bốc đồng của tuổi trẻ, tôi đã từng "kệ" những lời khuyên, sự nghiêm khắc của bác.

Đơn giản là tôi thích làm theo ý mình và nghĩ rằng điều đó đâu có gì là sai (?!). Tôi cảm thấy bác quá khó tính. Đi qua "khúc cua" đó trong sự nghiệp, khi trưởng thành hơn, trải qua nhiều chuyện, tôi càng cảm ơn, trân trọng bác nhiều hơn. Bác có nghiêm khắc cũng chỉ mong tôi tốt hơn và tiến xa hơn mà thôi. Bác có thương mới mắng để mình nhận ra những thiếu sót.

Với tôi, bác không chỉ là một HLV mà còn như một người thân trong gia đình, một người cha thứ hai của tôi. Bác rất chăm lo cho tôi. Mỗi khi tôi nói cháu mệt, khó ngủ, ăn uống không tốt vì đau dạ dày, bác còn sắc thuốc cho tôi uống. Bác có thể mắng tôi rất nhiều nhưng khi cần, luôn đứng ra bảo vệ, yêu thương tôi.

Trước thềm SEA Games 32 vừa qua, bác có bảo tôi về thăm nhà một chút rồi trở lại tập luyện trước khi sang Campuchia. Nhưng tôi xin ở lại đội vì nếu về nhà, đi lại có làm sao thì bao công sức của thầy trò sẽ trở thành vô nghĩa.

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 9.

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 10.

Đồng hành với thành công của những VĐV luôn có bóng dáng của một người thầy...

- Một người thầy rất quan trọng với VĐV. Với VĐV điền kinh chúng tôi, giáo án phải chạy 3 vòng nhưng có lúc mình chạy 2 vòng đã mệt lắm rồi, mình chịu và muốn nghỉ.

Lúc đó thì HLV lại phải ép. Ép VĐV phải vượt qua, hoàn thành giáo án thì mới có thể tích lũy đủ khối lượng, vượt ngưỡng, vượt qua những giới hạn. Hôm nay làm được, thì ngày mai khi đối diện với thách thức đó sẽ không có gì phải e ngại nữa.

Thế hệ chúng tôi giờ cũng đã bước dần sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp, chu kỳ ngắn lại. Kinh nghiệm, sự chuyên nghiệp trong sinh hoạt của chúng tôi tốt hơn rất nhiều so với thời trẻ, nhưng lại không còn đủ thể trạng để bứt phá.

Tôi mong các em VĐV trẻ sau thế hệ chúng tôi, ngoài việc học hỏi, noi theo tấm gương của các anh chị như cách chúng tôi đã làm, còn biết khắc phục những hạn chế mà chúng tôi từng vấp phải, chuyên tâm hơn trong nghề để sớm gặt hái được những thành tích tốt trên đấu trường SEA Games, tạo bước đệm đột phá trên đấu trường ASIAD và xa hơn nữa là Olympic.

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 11.

Huyền lúc này đã là "thần tượng" trong lòng rất nhiều VĐV trẻ. Nhìn lại, Huyền có thể chia sẻ về những "thần tượng" của chính mình?

- Tôi thấy mình may mắn khi những năm tháng thanh xuân đã được tập luyện, sinh hoạt bên cạnh những VĐV rất giỏi và tôi luôn nghĩ họ là "tượng đài" của điền kinh Việt Nam.

Mỗi người có một sở trường riêng. Chị Vũ Thị Hương ("nữ hoàng tốc độ" đã thống trị đường chạy 100m, 200m SEA Games suốt từ năm 2005 đến 2013; HCĐ 100m, HCB 200m ASIAD 2010, từng dự Olympic Bắc Kinh 2008 – PV) có tốc độ cực tốt.

Chị Trương Thanh Hằng (thống trị đường chạy SEA Games nội dung 800m, 1500m từ năm 2005 đến 2011 và đang giữ kỷ lục SEA Games ở hai nội dung này; 2 HCB 800m, 1500m ASIAD 2010 – PV) rất bền bỉ, thành tích rất "khủng" (thông số 2 phút 00 giây 91 cho 800m và 4 phút 09 giây 58 cho 1500m mà Trương Thanh Hằng đạt tới tại ASIAD 2010 vẫn là kỷ lục quốc gia chưa ai phá nổi – PV).

Anh Vũ Văn Huyện được mệnh danh "người thép" với những tấm "vàng mười" đích thực (thống trị nội dung 10 môn phối hợp 4 kỳ SEA Games liên tiếp từ 2005 đến 2011, HCĐ ASIAD 2010) hay anh Nguyễn Đình Cương (HCV 800m, 1500m nam SEA Games 2007, 2009, đang giữ kỷ lục SEA Games nội dung 1500m với thành tích 3 phút 45 giây 31 lập tại SEA Games 2007).

Gần nhất là anh Nguyễn Văn Lai (6 HCV 5000m, 10.000m SEA Games và đang giữ kỷ lục SEA Games nội dung 5000m với thông số 14 phút 04 giây 82 lập tại SEA Games 2015). Lúc này, anh Lai còn chuyển sang chinh phục đường chạy marathon ở tuổi 40, thật sự đáng nể phục và là tấm gương cho tôi học hỏi, nhìn vào đó để cố gắng hơn nữa.

Huyền thường có cú nước rút rất tuyệt vời trên đường chạy 400m, 400m rào. Đâu là bí quyết?

- Nội dung 400m và 400m rào của tôi cần cả hai yếu tố: tốc độ và sự bền bỉ, ý chí trong những mét cuối cùng. Nếu thiếu yếu tố nào đều không thể đạt thành tích tốt.

Nếu VĐV 400m không có tốc độ không thể bứt lên ở đoạn đầu, gặp VĐV có tốc độ, họ "đè" là mình "cứng" luôn trong đoạn đua còn lại. Còn nếu không có sức bền chỉ chạy được 300m đến 350m, đến khoảng 50m cuối là không thể đẩy lên được nữa.

Mọi người hay nói VĐV 400m như con "dao pha", rất đa năng, có thể chạy 200m hoặc 800m. Chúng tôi chạy tiếp sức cũng tốt khi chạy được cả đoạn ngắn lẫn đoạn dài.

Những gì tôi có được đơn giản là sự tích lũy, là một quá trình. Ban đầu, tôi tập 800m chứ không phải 400m. Nhưng sau một thời gian, HLV nhận thấy tôi có một chút tố chất về tốc độ nên đã chuyển tôi sang 400m. Phần cũng vì ở nội dung 800m, chị Trương Thanh Hằng lúc đó đã khẳng định được mình ở vị trí số 1.

Sức bền của 800m cộng với quá trình tập luyện, thi đấu ở nhiều giải quốc tế đã giúp tôi có được sự đúc kết, luôn rất tỉnh táo, ý chí trong 50m - 100m cuối, thời điểm mà nhiều VĐV cạnh tranh đều rất mỏi.

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 12.

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 13.

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 14.

Không chỉ là một VĐV điền kinh hàng đầu, một tấm gương về ý chí, nghị lực cả trong cuộc sống và trên đường chạy, Nguyễn Thị Huyền còn tự trang bị, chuẩn bị tất cả cho một hành trình mới – hành trình nối tiếp HLV Vũ Ngọc Lợi để đào tạo ra những VĐV tài năng cho điền kinh Nam Định nói riêng và điền kinh Việt Nam nói chung.

Nguyễn Thị Huyền đã tốt nghiệp Đại học TDTT Bắc Ninh, mỗi khi đi tập huấn, thi đấu quốc tế, cô luôn dành thời gian quay clip, ghi lại từng bài tập, phong thái của các VĐV hàng đầu thế giới trước, trong và sau khi thi đấu: "Với tôi, kỳ Olympic Rio 2016 mang rất nhiều ý nghĩa. Tôi được mở mang rất nhiều về mọi mặt và hy vọng có thể truyền những kinh nghiệm ấy cho lớp VĐV sau này".

Đến lúc này, điều làm nhiều người ngạc nhiên nhất về Huyền không chỉ là 13 tấm HCV SEA Games, mà còn là cách Huyền đã trở lại, tỏa sáng sau khi sinh con. Sức mạnh nào giúp Huyền làm được điều đó?

- Thực lòng, khi quyết định lập gia đình và có bầu, tôi không nghĩ mình sẽ trở lại thi đấu. Tôi xác định sinh em bé xong sẽ nghỉ, chuyển sang công tác huấn luyện. Tôi cũng đã đi tuyển quân để sẵn sàng ra đường chạy với tư cách HLV.

Nhưng có lẽ cái duyên của tôi với đường chạy vẫn chưa hết. Thời điểm ASIAD 2018 diễn ra từ trung tuần tháng 8 tới đầu tháng 9, tôi bế con mới sinh được vài tháng, dõi theo truyền hình cổ vũ các VĐV Việt Nam thi đấu mà thấy hồi hộp như chính mình ra đường chạy.

Đúng là "bệnh nghề nghiệp" và ngay thời điểm đó, suy nghĩ lóe lên trong đầu tôi là "Mình thèm thi đấu quá, mình sẽ tập lại, thi đấu lại có được không nhỉ?".

Tiếp theo đó là "cú hích" quyết định tại Đại hội TDTT toàn quốc 2018. Tôi và chồng tôi là giảng viên điền kinh Đại học TDTT Bắc Ninh đều thích xem các VĐV điền kinh so tài. Vậy là hai vợ chồng "thay ca", mỗi người trông con một ngày và người kia được đi xe máy từ nhà ở Từ Sơn tới Cung điền kinh Mỹ Đình để hòa mình vào bầu không khí sôi nổi của môn điền kinh. Đến đây, tôi thực sự thích quá rồi, quyết tâm quay lại.

Một vài hôm sau, tôi nói chuyện với chồng: "Em sẽ quay lại tập luyện, thi đấu thôi". Rất may mọi người trong gia đình đều ủng hộ. Mẹ chồng tôi chỉ lo không biết tôi có thể chạy nổi không. Tôi cũng không dám chắc 100% nhưng tự nhủ phải thử, phải chinh phục những gì mình chưa làm được. Tôi đã xin được tập lại và được phía Nam Định đồng ý, tạo điều kiện cho tôi tự tập ở Từ Sơn, tiện bề chăm con nhỏ.

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 15.

Khoảng thời gian bắt đầu trở lại ấy thực sự gian nan, đúng là một thách thức lớn đúng không Huyền?

- Khi trở lại tập luyện, tôi béo lắm, tăng cân rất nhiều. Với VĐV chuyên nghiệp, chỉ cần nghỉ vài ngày, tập lại đã mệt. Tôi nghỉ gần một năm, tập lại đau toàn thân, đặc biệt là ống đồng, gối, cổ chân. Thời gian ấy, có lúc tôi đã muốn buông bỏ. Mình vừa tập, vừa chăm con, rồi làm sao có đủ sữa cho con nữa. Tôi không thể chịu nổi khi một lúc làm 3 việc như vậy.

Và 5 tháng sau khi sinh, con tôi đã phải chịu thiệt thòi, bị cai sữa sớm, cả nhà đều rất buồn vì chuyện này. Tôi buộc phải tách con, để con ngủ với bố và bà. Thương con lắm nhưng mình đã lựa chọn rồi! Tính tôi từ xưa khi đã đặt mục tiêu thì phải tập trung hoàn toàn vào đó để làm thật tốt. Thương con bao nhiêu, tôi càng cố tập luyện bấy nhiêu với niềm tin sau này, con mình khi lớn lên có thể tự hào về mình.

Những nỗ lực của tôi và sự ủng hộ của gia đình đã được đền đáp bằng hai tấm HCV SEA Games 2019 tại Philippines. Nhờ hai HCV đó, tôi mới có thêm động lực tiếp tục theo đuổi niềm đam mê. Nếu thời điểm đó, tôi không thể đạt thành tích tốt nhất, có lẽ tôi đã nghỉ và sẽ không có những tấm HCV SEA Games 31 tại Việt Nam và SEA Games 32 ở Campuchia tháng 5 vừa qua.

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 16.

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 17.

Cột mốc 52 giây với 400m và 56 giây 06 với 400m rào (HCV SEA Games 2017) là thành tích tốt nhất của Huyền tính tới lúc này. Huyền nghĩ mình có thể tiếp tục vượt ngưỡng?

- Tôi nghĩ là không thể! Thời đó tôi còn trẻ, chưa có gia đình, chưa sinh con. Vấn đề tuổi tác là câu chuyện mà mọi VĐV phải đối mặt. Sau mỗi buổi tập, tôi vẫn bị đau gối, cổ chân, đó là những chấn thương mãn tính. Với sự hỗ trợ của chồng cùng HLV với giáo án phù hợp, tôi chỉ có thể tập sao cho đỡ ảnh hưởng nhiều, đỡ đau chứ không thể khỏi hoàn toàn.

Tại SEA Games 32 vừa qua, tôi chạy 56 giây 29 để giành HCV 400m rào, tôi nghĩ như vậy đã là rất tốt rồi. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng thi đấu tốt tại giải vô địch điền kinh châu Á vào tháng 7 tại Thái Lan và tiếp theo là ASIAD 19 vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 tại Hàng Châu (Trung Quốc).

Thành tích đối với tôi lúc này chỉ là một trong những điều mà tôi muốn chinh phục. Tôi cần lắng nghe cơ thể, xem mình có thể chạy tới bao giờ, có thể giành thêm HCV SEA Games hay không?

Tôi cũng muốn các nữ VĐV sau này có thể tự tin lập gia đình, sinh con và trở lại đường chạy như tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Phúc (HCV nhiều kỳ SEA Games, giành vé chính thức dự Olympic London 2012, sinh con và trở lại với tấm HCV đi bộ 20km nữ SEA Games 32 – PV), Bùi Thị Thu Thảo (HCV nhảy xa SEA Games 2017, HCV ASIAD 2018, sinh con, trở lại giành HCB SEA Games 31 và SEA Games 32 – PV), Phạm Thị Huệ...; thay vì ám ảnh với suy nghĩ đã lập gia đình, sinh con xong thì không thể tiếp tục thi đấu đỉnh cao.

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 18.

Trên facebook cá nhân, Huyền từng đăng ảnh, clip ghi lại hình ảnh chạy cùng con gái. Và sau những gì đã trải qua, Huyền có ủng hộ con gái theo nghiệp điền kinh?

- Điều tôi ước ao và muốn làm được sau khi giã từ đường chạy là phát hiện, đào tạo được những VĐV trẻ tài năng cho điền kinh Việt Nam. Các em sẽ giúp tôi thực hiện những điều còn dang dở trong sự nghiệp như một tấm huy chương ASIAD, thậm chí là huy chương Olympic.

Tôi may mắn đã được dự Olympic Rio 2016 và nhiều giải đấu quốc tế lớn nên đã học được nhiều thứ, trong đó có những bài tập bổ trợ. Tôi luôn để ý tác phong của các VĐV hàng đầu thế giới trước, trong và sau khi thi đấu. Họ rất chuyên nghiệp, đáng để mình học hỏi. Những tư liệu quý ấy tôi đều đã ghi hình, lưu giữ lại để trau dồi thêm cho bản thân và sau này sẽ rất có ích cho công tác huấn luyện.

Con gái tôi năm nay mới gần 5 tuổi. Cháu rất thích chạy. Khi mới 3-4 tuổi, khi theo mẹ đến đội tập, cháu đã chạy được vài vòng sân. Không ai bảo nhưng khi mệt cũng biết đi bộ, sau đó đỡ mệt mới chạy tiếp.

Giờ cháu còn nhỏ và chưa thể nói trước điều gì. Nhưng nếu con gái tôi đam mê mà có thể theo nghiệp điền kinh tiếp bước mẹ thì đó là điều vô cùng tuyệt vời.

Cảm giác sẽ thật đặc biệt, hạnh phúc, tự hào khi chính con gái mình là người làm được những điều mà tôi còn chưa đạt tới trong sự nghiệp.

Xin cảm ơn Nguyễn Thị Huyền về cuộc trò chuyện cởi mở này!

"Cô gái vàng" điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Ngày nhỏ, lúc nào tôi cũng phải mò cua, bắt ốc - Ảnh 19.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem