Thôi, cứ lấy "Bách khoa toàn thư mở Wikipedia", trích dẫn từng dấu chấm dấu phẩy là đã đủ rồi. "Hoàng Thị Minh Hồng là một nhà hoạt động môi trường người Việt Nam. Năm 2019, tạp chí Forbes đã bình chọn bà là một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được lựa chọn để đặt chân lên Nam Cực vào năm 1997 và cũng là người Việt đầu tiên đầu tiên giành được học bổng của Quỹ mang tên cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Đại học Columbia. Nhà hoạt động môi trường Hoàng Minh Hồng hiện là giám đốc, người sáng lập tổ chức CHANGE, một tổ chức cổ vũ việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường trong giới trẻ. Vào năm 2018, trên tài khoản Twitter cá nhân của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, ông đã viết rằng Hoàng Minh Hồng là một trong những người trẻ đã truyền cảm hứng cho ông trong năm".

“Cứu thế giới” sau hành trình mở mắt, mở não, mở trái tim… - Ảnh 2.

Chắc chị bị người ta hỏi nhiều quá về chuyến đi Nam Cực huyền thoại của mình rồi, giờ hỏi lại tôi thấy mình vô duyên tệ!

- Đi Nam Cực. Năm 1996, 24 năm đã trôi qua rồi. Lúc nhận tin là cuối năm 1996, còn tập tành chuẩn bị nhiều thứ. Cuối tháng 12 lên đường, tháng 1 năm 1997 đến Nam Cực.

Lúc ấy, họ tuyển người tham gia chương trình này trên toàn cầu. Cuối cùng lựa chọn ra 35 người tham gia từ 25 quốc gia. Trong đó, một số nước có 2 người tham gia. Tôi đoán mình cũng hội tụ được vài ưu điểm người ta cần lúc đó, nên mới trúng tuyển. Ví dụ họ cần một người phải hoạt ngôn một chút. Vì trong nhóm phỏng vấn ứng tuyển cũng nhiều ngôi sao sáng như một MC nổi tiếng của VTV, hay những người rất giỏi tiếng Anh.

“Cứu thế giới” sau hành trình mở mắt, mở não, mở trái tim… - Ảnh 3.

Hồi ấy tôi không phải "siêu sao", chỉ đang làm ở Báo Vietnam Investment Review (VIR); thấy có cả bạn làm bên Bộ ngoại giao cùng "tranh cử" đi Nam Cực thì "ngại" lắm, nghĩ  mình chỉ là con bé tẹp nhẹp làm ở phòng maketting và thích đi lang thang với dân báo. Ngày ấy 24 tuổi, "bụi đời", học ngoại ngữ ra, không liên quan gì nhiều với báo chí.

Trước đó tôi học ở đại học ngoại ngữ, còn học tiếng Nga, về sau mới chuyển sang tiếng Anh. Báo VIR hồi đó được Úc đầu tư, thuộc TOP mười doanh nghiệp "mạnh" nhất Hà Nội. Lương cao rồi đi với Tây, hồi ấy vênh váo cuộc đời lắm.

Trước khi tới Nam Cực, tôi bay sang Argentina, họ huấn luyện 3 tuần. Huấn luyện rất nhiều thứ, đặc biệt là những kỹ năng sinh tồn ở vùng đất khắc nghiệt bậc nhất địa cầu kia. Đối với tôi những thứ đó là quá mới. Bạn cứ hình dung khi đó tôi "nhà quê" lắm, không biết gì cả, cứ thấy không vứt rác là bảo vệ môi trường rồi. Chứ những điều mang tầm "quốc tế" thế kia, mình có biết gì đâu. Sang đó, đầu tiên phải học về biến đổi khí hậu, nghe là "điếc" toàn tập, vì kiến thức không có gì nhiều. Kỹ năng sinh tồn ngoài thiên nhiên khắc nghiệt cũng gần như là không có.

Đối với tôi, việc huấn luyện kĩ năng sinh tồn là quá vất vả. Còn với nhiềubạnTây trong đoàn thì chắc chỉ là điều bình thường. Leo núi bằng dây thừng hay bơi xuồng cao su trong điều kiện nước xiết thì họ đi nhiều và quen rồi. Còn phải học đánh lửa bằng bùi nhùi hay dựng lều trong điều kiện gió mạnh, cũng đâu có dễ. Tôi vật lộn với những thứ "lần đầu tiên" ấy, rồi tự nhiên dần lột xác, trở thành một người khác là vì thế. Hoàn cảnh khắc nghiệt khiến mình phải cố hết sức.

Cú sốc Nam Cực và câu hỏi: mình là ai, sinh ra trên đời này để làm gì?

- Và do thế, chuyến đi ấy, cũng là cú "sốc văn hóa" khiến tôi tự hỏi rằng mình là ai, sinh ra trên đời này để làm gì. Ông Robert Swan, Trưởng đoàn tổ chức là người rất có khả năng truyền cảm hứng, rất đam mê và dũng cảm. Ông ấy là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã đi bộ đến cả Bắc Cực và Nam Cực. Sau 2 chuyến thám hiểm lịch sử đó, ông ấy đã kì công thuyết phục Liên Hiệp quốc và các nhà tài trợ tổ chức cuộc thám hiểm Nam Cực lần đầu tiên dành cho thanh niên thế giới, để giới trẻ toàn cầu cùng lên tiếng với các nhà lãnh đạo thế giới về những vấn đề môi trường. Trái đất đang nóng lên, nguy hiểm; năm 1996, hầu như không có mấy ai tin vào điều đó cả. Không có ai quan tâm.

“Cứu thế giới” sau hành trình mở mắt, mở não, mở trái tim… - Ảnh 4.

Bấy giờ có ai dặn dò chị là phải thế này hay phải thế kia khi sắp trở thành người Việt Nam đầu tiên khám phá miền băng giá huyền thoại Nam Cực không?

- Không. Hồi ấy, nhà tài trợ của tôi là ngân hàng ABN AMRO của Hà Lan, họ mới vào Việt Nam chắc cũng mạnh, cũng có tổ chức họp báo khi công bố kết quả lựa chọn đại diện của Việt Nam, cũng PR, báo chí đông đảo.

Trong chuyến đi ấy, ông trưởng đoàn Robert Swan đã truyền cảm hứng cho tôi, chắc cũng giống như tôi bây giờ nói với các bạn trẻ về con người đang tàn phá môi trường như thế nào, rồi vì sao trái đất lại nóng lên, nóng lên thì băng tan ra làm sao, rồi kêu gọi thanh niên "giải cứu" thế giới... Tôi nghe cũng chỉ hiểu lơ mơ, nhưng ông ấy khiến tôi phải "dừng lại", thắc mắc: "Tại sao lại có những người "hâm đơ" như thế - đi quan tâm những thứ có vẻ như chẳng liên quan gì đến mình?"

Ông ấy đã chọn 35 người chúng tôi theo cách của ông ấy - khá kì lạ. Phải 2 tuần sau khi tham gia đoàn, tôi mới nhận ra ông ấy muốn chọn nhóm người trẻ đa dạng nhất có thể, để đại diện cho toàn thế giới: người da màu, người da trắng; người giàu, người nghèo; đứa học thật giỏi, đứa ít học; đa dạng các tôn giáo, nghề nghiệp, đa dạng tầng lớp xã hội; thậm chí có cả những người đã từng… nghiện ma tuý.

“Cứu thế giới” sau hành trình mở mắt, mở não, mở trái tim… - Ảnh 5.

Ban đầu, tôi hơi sốc khi biết rằng có những người đã từng nghiện ma túy trong đoàn. Việc họ được tham gia hành trình, góp phần chứng minh thêm một điều, rằng: Không phải cứ nghiện ma túy là ở đáy xã hội luôn, ai cũng có thể mắc sai lầm, ai cũng có thể sửa chữa sai lầm và trở thành người có ích. Thời gian học tập, huấn luyện ở Argentina cùng thời gian tiếp xúc gần gũi với các bạn làm tôi thực sự ngộ ra chân lý trên.

Trước đó, ở Việt Nam, tôi thường có những suy nghĩ một chiều. Đúng là tham gia hành trình huyền thoại ấy, tôi thấy mình như bị "tẩy não"về mọi mặt, chứ không phải chỉ về vấn đề môi trường. Còn quan điểm của ông Robert Swan là: nếu như bảo vệ môi trường mà chỉ nói người tốt bảo vệ môi trường,mà không nhắc đến những người có mặt này, mặt khác -thì chắc chắn chúng ta không bao giờ vận động được tất cả các sức mạnh tích cực trên toàn thế giới, để cùng tham gia.

“Cứu thế giới” sau hành trình mở mắt, mở não, mở trái tim… - Ảnh 6.

Tóm lại, những người tổ chức đoàn chinh phục Nam Cực hồi ấy, mục đích của họ là gì?

- Bạn hình dung, 35 thanh niên từ 17-24 tuổi, đều trẻ và "điên cuồng". Lúc đầu còn rụt rè, nhưng sau 3 tuần tập huấn, đến những phần tiếp lửa, tâm sự với nhau, thì dần dần hiểu và thân nhau hết.

Ngoài sự đa dạng về thành phần hay tính cách, hồi đó ông Robert Swan cũng chọn chúng tôi theo một tiêu chí thú vị khác: chọn người từ các quốc gia hay vùng lãnh thổ đang có hiềm khích với nhau: như Nga với Chechnya, rồi thì Serbia, Croatia với Bosnia-Herzegovina, Israel với Palestine v.v., và tất nhiên là cả những nước có chiến tranh trong quá khứ như Mỹ hay Pháp với Việt Nam.

Ông ấy chọn mỗi nước tham chiến một người, sắp xếp sống với nhau, cùng học tập và làm việc với nhau.Qua đó ông ấy cho thấy: "chỉ thanh niên mới có thể là những người sẽ bất chấp các hiềm khích chính trị để cùng giải quyết các vấn đề chung của thế giới".Thông điệp của Robert Swan rất rõ: già trẻ, gái trai, nghèo hèn, sang trọng, quốc gia phát triển hay không, đều phải đoàn kết cùng với nhau làm một sứ mệnh nào đó cao cả - vì cộng đồng.

Khi tổ chức chương trình năm 1996, chắc ông Robert Swan cũng không nghĩ đó là sự nghiệp nhiều năm của mình, ông chỉ nghĩ đó là một việc "cần phải làm" vào thời điểm đó thôi, không kỳ vọng quá nhiều. Ông là người lãng mạn và ưa hành động, thấy lo lắng trước hiện tượng biến đổi khí hậu và muốn làm gì đó vì sự bình an, bền vững cho loài người. Nhưng cuối cùng,hơn hai chục năm sau đó, cho tới tận bây giờ, ông ấy vẫn tiếp tục tổ chức được các chuyến thám hiểm tới Nam Cực, để tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng ngàn người trên toàn thế giới. Tất nhiên là không phải ai đi về cũng tiếp tục theo đuổi mục đích chung. Hầu như mọi người đều quay lại cuộc sống riêngvới những mối ưu tiên riêng của họ. Nhưng cũng có những người theo đuổi tới cùng, và đó chính là những tác động mà ông ấy tự hào. 

Tôi đã học được những điều đó một cách hết sức tâm đắc. Khi tôi tổ chức các hoạt động ở CHANGE, tôi cũng theo quan điểm: Các vấn đề của cộng đồng, thì cộng đồng phải tự làm chứ tôi không thể làm hết tất cả mọi việc được. Cũng không thể trông đợi là tất cả những người tham gia các chương trình đều sẽ trở thành những "anh hùng môi trường". Nhưng chỉ cần tỷ lệ những người tiếp tục theo đuổi khoảng 20% là đã mừng lắm rồi.

“Cứu thế giới” sau hành trình mở mắt, mở não, mở trái tim… - Ảnh 7.

Cuối cùng thì mọi người đã đến Nam Cực ra sao, cảnh vật và câu chuyện ở đó như thế nào?

- Khi được tin tôi đi Nam Cực, ba mẹ tôi không "dám" can ngăn vì biết tính tôi vốn "dở hơi". Nhưng một số họ hàng hay bạn bè của ba mẹ tôi lại gàn rất mạnh. Nhất là khi nhiệt độở Nam Cực vào mùa đông có thể xuống tới -87 độ C. Ba mẹ tôi chắc cũng lo lắm.

“Cứu thế giới” sau hành trình mở mắt, mở não, mở trái tim… - Ảnh 8.

Chuyến đi khá vất vả, việc chuẩn bị kéo dài hơn dự kiến, vì tàu bị hỏng, thành thử, hành trình tới Nam Cực bị rút ngắn chỉ còn 16 ngày. "Thử thách" ở chỗ, đó là cuộc hành trình đầu tiên đến Nam Cực của những người trẻ tuổi không có chút kinh nghiệm thám hiểm nào. Chúng tôi lang thang trên châu lục đó 9 ngày, đi bộ ròng rã, mệt quá lại về tàu. Vì là bảo vệ môi trường nên mỗi thành viên được phát một cái canđể… đi vệ sinh. Balo nặng trĩu vì rất nhiều đồ, bởi là chuyến đi đầu tiên, cũng chẳng biết cái gì cần thiết, cái gì không - nên cứ mang hết đi, nặng lắm mà tôi thì bé xíu. Các bạn Tây to cao phải xách bớtđồ hộ,vì tôi cứ ngã lên ngã xuống. Nói chung khá là mệt. Chưa kể có nhiều rủi ro, như hội chứng mù tuyết, hoặc ngón tay, chân bị hoại tử vì quá lạnh.

Nhưng châu lục đó thì đẹp vô cùng. Biển xanh thẳm. Băng tuyết trắng toát mênh mang tới tận chân trời.

Ông Robert Swan đưa mọi người đi đến "tận cùng thế giới" để mọi người nhìn thấy thế giới này với các câu chuyện cần phải hành động. Ông giao đề bài "Các bạn đã nhìn thấy vấn đề như vậy rồi; vậy thì các bạn tự cho giải pháp, xem các bạn có thể làm được gì cho thế giới này nhé". Để rồi ông ấy mang những câu chuyện này ra chia sẻ khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu. Để nói rằng 5 châu lục đều có những người trẻ đang tham gia vào "giải pháp cứu thế giới".

Thật ra tôi nghĩ các giải pháp của chúng tôicũngkhông giải quyết được gì nhiều đâu. Nhưng quan trọng là chúng tôi được giác ngộ và có ý thức hành động. Chúng tôi, đến giờ vẫn liên lạc với nhau, hỗ trợ động viên nhau đi tiếp con đường khó khăn này.

“Cứu thế giới” sau hành trình mở mắt, mở não, mở trái tim… - Ảnh 9.

Khi từ Nam Cực trở về, chị đã thay đổi thế nào và đã làm được những gì cho môi trường ở Việt Nam?

- Năm 1997, từ Nam Cực về, tôi bỏ việc và người ta mời đi nói chuyện rất nhiều,và tôi cũng sống trong sự phấn khích của mình. Cả năm đi quay phim, lên tivi, diễn thuyết các nơi. Sau đó chuyển vào Sài Gòn và năm 1998 tổ chức cả một chuyến tái hội ngộ với những người bạn Nam Cực. Có 5 bạn bay sang vì thích Việt Nam quá, muốn khám phá và vì tôi cũng nói nhiều về Việt Nam. Chúng tôi tổ chức họp báo, rồi tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, đi nói chuyện môi trường ở cảtrường dành cho học sinh khiếm thị - trường Nguyễn Đình Chiểu, đi nhặt rác ở bờ biển Mũi Né (tỉnh Bình Thuận).Sáu người lang thang khắp nơi, tự bỏ tiền ra mà đi, mà làm, vui lắm.

Tôi đã có 6 tháng sống ở Sài Gòn, không có tiền, không gì hết, ở nhờ nhà một người bạn. Người Sài Gòn rất hào phóng, bạn bè nuôi tôi suốt thời gian đó. Tôi sốngnhư vậy một thời gian rất dài, trong khi đi tìm kiếm một con đường mới. Có những lúc cũng đi làm cho một công ty truyền thông. Ccó năm lại đi làm cho một dự án xóa đói giảm nghèo của Bộ LĐ-TBXH, để học thêm những kỹ năng mới, và được đi lang thang các tỉnh thành. Đi mãi, đi mãi và mong chờ một ngày mình sẽ tìm được công việc mơ ước.

          (còn nữa)

“Cứu thế giới” sau hành trình mở mắt, mở não, mở trái tim… - Ảnh 10.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem