Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper: Sự thay đổi đằng sau những bản fax, kết nối làm việc cồng kềnh
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper: Sự thay đổi đằng sau những bản fax, kết nối làm việc cồng kềnh
Mỹ Hằng
Thứ hai, ngày 30/12/2024 07:30 AM (GMT+7)
Cuộc phỏng vấn của Dân Việt với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper phải đổi lịch tới vài lần trong những ngày cuối năm 2024 bận rộn dày đặc các hoạt động của Đại sứ. Việt Nam là cái tên quen thuộc của ông với 2 nhiệm kỳ ngoại giao trong 20 năm, khoảng thời gian mà ông đã chứng kiến những thay đổi lớn.
Sau một năm nâng cấp quan hệ hai nước, chúng ta đã chứng kiến các công ty công nghệ của Mỹ đầu tư vào Việt Nam, Đại sứ nhìn nhận thế nào về những kết quả đó?
- Chúng tôi rất hài lòng với định hướng và tốc độ của mối quan hệ Mỹ - Việt kể từ khi Tổng thống Biden đến Hà Nội tháng 9 năm ngoái và cùng với Tổng Bí thư khi đó là ông Nguyễn Phú Trọng nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước.
Một trong những yếu tố chính của việc nâng cấp và tuyên bố chung là cam kết của Mỹ hợp tác với Việt Nam để phát triển một hệ sinh thái nhằm thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn.
Vì mục đích đó, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ và các tổ chức khác để cố gắng giúp tạo một hệ sinh thái, bao gồm đào tạo nhân lực bán dẫn, đảm bảo tiếp cận năng lượng sạch và ổn định, đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin an toàn, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ… Tất cả nhằm cố gắng tạo ra một môi trường hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư.
Một số công ty công nghệ lớn của Mỹ đã đến và đầu tư vào Việt Nam, như Amkor, Synopsys, Barbell và các công ty khác. Chúng tôi vẫn tiếp tục thấy rất nhiều sự quan tâm. Chúng tôi có một số thỏa thuận vẫn đang chờ xử lý, như thỏa thuận Vietnam Airlines mua máy bay Boeing và chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo rằng thỏa thuận đó có thể được hoàn tất.
Hy vọng sớm thôi, chúng tôi sẽ hợp tác với một công ty năng lượng của Mỹ tên là AES, công ty này hy vọng sẽ xây dựng một nhà máy điện chạy bằng khí đốt cũng như một nhà máy khí hóa lỏng ở miền Trung Việt Nam
Chúng ta đã thấy những xu hướng tuyệt vời và quỹ đạo tích cực trong quan hệ thương mại và đầu tư. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ. Chúng ta đã thấy những khoản đầu tư tốt vào lĩnh vực công nghệ cao.
Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Rất nhiều công ty Mỹ mong muốn có những thay đổi, cải thiện quy trình quản lý để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, tiến bộ trong việc phát triển lực lượng lao động có tay nghề, phát triển lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Vài tháng trước tại Việt Nam đã công bố cơ chế thỏa thuận mua điện trực tiếp, cho phép các công ty đến đây và ký hợp đồng trực tiếp với các trang trại năng lượng mặt trời, và đây chắc chắn sẽ là yếu tố rất quan trọng để thu hút đầu tư.
Những người khác nói rằng đầu tư của Mỹ ở đây vẫn còn khá khiêm tốn, vì vậy tôi chắc chắn muốn thấy nhiều khoản đầu tư hơn từ Mỹ.
20 năm từ lần đầu tới Việt Nam, ông thấy Việt Nam cũng như quan hệ Việt – Mỹ thay đổi thế nào? Ngoài những con số về tăng trưởng thương mại, trao đổi sinh viên số lượng khách du lịch, có những thay đổi nào mà chúng ta nên đặc biệt tôn vinh?
- Tôi đến Việt Nam năm 2004, rời đi năm 2007. Tôi trở lại vào năm 2022, đó là lần đầu tiên kể từ khi tôi rời đi, không phải vì tôi không muốn quay lại, chỉ là tôi không có cơ hội.
Và khi trở lại năm 2022, tôi thực sự bị choáng ngợp, không chỉ bởi thành phố này, đất nước này đã thay đổi nhiều như thế nào. 15 năm là một khoảng thời gian dài để phát triển. Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng đều đặn trong suốt 15 năm đó.
Thật tuyệt vời khi thấy có bao nhiêu nhà hàng, cửa hàng mới và mọi thứ phát triển. Nhưng điều thực sự gây ấn tượng với tôi sau 15 năm là các công việc chính phủ được tiến hành dễ dàng hơn nhiều.
Khi tôi ở đây vào năm 2005 - 2006, nếu chúng tôi muốn họp với viên chức chính phủ, chúng tôi thường phải gửi fax đề nghị, rất cồng kềnh và kém hiệu quả.
Nhưng bây giờ, chúng tôi gửi tin nhắn WhatsApp và nói, tôi cần thảo luận một số điều với các vị. Và điều đó thật dễ dàng. Tôi nghĩ rằng việc này không chỉ phản ánh sự thuận lợi của công nghệ, mà còn phản ánh lòng tin chính trị, phản ánh cảm giác chung về sứ mệnh chung, sự thiện chí, rằng chúng ta chia sẻ mục tiêu, chia sẻ lợi ích, chia sẻ giá trị trong một số trường hợp.
Có lẽ 15 năm trước, vẫn còn câu hỏi về việc Mỹ muốn gì? Ý định của Mỹ là gì? Mỹ chân thành đến mức nào?
Vào thời điểm đó, sự hợp tác của chúng ta khá khiêm tốn. Hai bên đã làm việc trong một số lĩnh vực nhất định. Một trong những lĩnh vực lớn là hợp tác y tế qua chương trình PEPFAR về phòng chống HIV.
Một lĩnh vực khác và vẫn tiếp tục đang diễn ra là về di sản chiến tranh. Nhưng vào những ngày đó, chúng ta thậm chí còn chưa bắt đầu cùng nhau làm việc về dioxin. Nhưng ngày nay, chúng ta đã làm sạch sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa. Chúng tôi cũng hỗ trợ những người khuyết tật.
Thương mại, đầu tư tăng trưởng, hợp tác y tế mở rộng bao gồm cả phòng chống Covid-19. Tất cả những điều này đã xây dựng nên cảm giác tin tưởng, sứ mệnh chung, tương lai chung.
Và tôi nghĩ rằng việc nâng cấp năm ngoái thực sự đã giúp củng cố ý tưởng rằng chúng ta cùng nhau làm việc, rằng thành công của Việt Nam là của Mỹ. Tôi nghĩ rằng việc nâng cấp là một lời khẳng định rất công khai và rất lớn rằng chúng tôi và Việt Nam là đối tác vì hữu nghị. Chúng ta đang cùng nhau làm việc vì sự thịnh vượng chung, an ninh chung, sức khỏe chung của chúng ta.
Với tôi, đó là sự khác biệt lớn nhất.
Vẫn còn những hoài nghi về những gì Mỹ đang cố gắng làm. Nhưng tôi hy vọng phần lớn những người bạn Việt Nam hiểu rằng chúng tôi ở đây vì chúng tôi tin vào Việt Nam. Chúng tôi tin vào mối quan hệ này. Chúng tôi tin rằng Việt Nam thịnh vượng, mạnh mẽ, độc lập là điều tốt cho Mỹ, và Việt Nam có thể bảo vệ biên giới, có thể bảo vệ lợi ích, có thể bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình là điều tốt cho Mỹ, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục những gì chúng tôi đang làm.
Việt Nam đang trải qua những bước tiến rất mạnh mẽ để bước vào kỷ nguyên mới khi chúng ta chưa nói đến điều cao nhất, vậy ông có kỳ vọng nào với Việt Nam? Mối quan hệ Việt – Mỹ có thể đóng góp như thế nào vào tầm nhìn đó?
- Đây là những thay đổi mà Việt Nam đang thực hiện dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, do chính Việt Nam quyết định, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào không thể nói Việt Nam nên làm điều này điều kia.
Đây là một nỗ lực quan trọng mà chúng tôi ghi nhận, và tôi tin rằng kết quả sẽ là tích cực. Khi Việt Nam tinh giản bộ máy hành chính, khi Việt Nam tạo ra một chính phủ hiệu quả hơn, điều này sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư tin tưởng rằng chính phủ có thể đưa ra quyết định, phê duyệt giấy phép nhanh chóng và nhà đầu tư có thể tiếp cận năng lượng sạch, có thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu của họ, họ sẽ có một lực lượng lao động mạnh mẽ tại đây.
Đây là tất cả những lợi ích mà những nỗ lực tái cấu trúc này sẽ mang lại. Và vì vậy, tôi nghĩ chắc chắn một lần nữa, tôi có thể nói tôi tin rằng kết quả sẽ là tích cực.
Và sẽ có nhiều nhà đầu tư hơn, gồm cả các nhà đầu tư Mỹ đến đây để tham gia, để hưởng lợi từ việc đóng góp vào nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam.
Tôi đoán rằng chính phủ Việt Nam sẽ muốn tham khảo ý kiến của phía nước ngoài, chẳng hạn về tổng kết 40 năm đổi mới, hay đạt được mục tiêu 100 năm. Vậy theo ông Việt Nam nên làm gì để đạt được những mục tiêu đó?
- Có rất nhiều tiềm năng ở Việt Nam, và cần giải phóng tiềm năng bằng cách giải phóng các quy trình phê duyệt, để cho phép những người sáng tạo và khởi nghiệp của Việt Nam được phát huy tinh thần doanh nhân và thành công.
Với một dân số trẻ, năng động, tràn đầy sức sống, Việt Nam có rất nhiều cơ hội, và tôi muốn đảm bảo rằng những người trẻ không nản lòng, rằng họ cảm thấy họ đang ở trong một nền kinh tế mà họ có thể có ý tưởng, họ có thể thực hiện và tạo ra một doanh nghiệp, thành công và kiếm được tiền.
Điều tệ nhất là những người trẻ cảm thấy thất vọng hoặc chán nản. Và tôi nghĩ một trong những điểm mạnh của Việt Nam chính là mọi người lạc quan như thế nào về tương lai, hy vọng như thế nào về việc ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay.
Việt Nam vừa trải qua sự thay đổi về lãnh đạo. Ông có thể chia sẻ ông nghĩ gì về sự thay đổi đó?
- Tổng Bí thư Tô Lâm, khi ông là Bộ trưởng Công an, ông là người đóng góp rất tích cực cho mối quan hệ Mỹ - Việt. Tôi nghĩ ông rất hiểu biết về mối quan hệ này, và sẵn sàng hợp tác với Mỹ để giúp củng cố mối quan hệ hai nước.
Khi ông được bầu làm Chủ tịch nước rồi sau đó là Tổng Bí thư, tôi không nghi ngờ gì rằng ông sẽ tiếp tục đóng góp, cho mối quan hệ tích cực giữa hai bên.
Chúng ta đã thấy điều đó rồi. Ông đã đến New York khi ông ấy là Chủ tịch nước và Tổng Bí thư để tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ông đã gặp Tổng thống Mỹ, đã phát biểu tại Đại học Columbia, phát biểu tại Hội Châu Á, gặp Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ. Ông cũng có các cuộc họp với các công ty Mỹ như Boeing, Google, Meta…
Ông rất nhiệt huyết và rất sẵn lòng gặp gỡ các công ty, các nhà đầu tư Mỹ, lắng nghe mối quan tâm của họ, lợi ích của họ. Những điều đó cho tôi thấy rằng ông rất tích cực về mối quan hệ Mỹ - Việt và ông sẵn sàng hành động để cải thiện mối quan hệ đó.
Và tôi rất lạc quan, rõ ràng là Việt Nam đã đưa ra lựa chọn củng cố nền kinh tế, củng cố mối quan hệ với Mỹ, hội nhập nhiều hơn với nền kinh tế toàn cầu, các chính sách nền tảng cơ bản sẽ vẫn như vậy trong tương lai.
Hàng năm Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN – Mỹ đều đưa một phái đoàn đến Việt Nam, mỗi lần họ đến, trên cương vị Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm luôn tiếp họ. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của chúng tôi biết ông. Ông biết họ.
Vì vậy, các cuộc họp ở New York gồm những lời chúc mừng vị trí mới của ngài bộ trưởng, và hai bên tiếp tục nói về việc củng cố mối quan hệ giữa hai nước, củng cố mối quan hệ kinh doanh giữa hai nước, tìm cách tăng cường đầu tư của Hoa Kỳ, tìm cách để làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác của chúng ta.
Hai nước đang đến gần kỷ niệm 50 năm ngày chiến tranh kết thúc. Tôi rất ấn tượng khi biết Đại sứ đã đi thăm những di tích của Việt Nam ở Quảng Trị, viếng Đài Liệt sỹ Bắc Sơn. Tôi cũng biết rằng cha của Đại sứ là cựu binh trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Liệu có liên kết nào giữa những điều đó không, thưa Đại sứ?
- Tôi đã đến những khu vực cha tôi đóng quân. Ông đã ở Đà Nẵng 2 tháng, và trong 10 tháng ông ở phía bắc Huế. Tôi nghĩ tôi đã tìm thấy nơi ông ấy từng ở nhưng tôi chưa từng đến nơi ông ấy thực sự chiến đấu.
Nhưng chắc chắn, trong thời gian tôi lớn lên, tôi đã nghe ông kể về chiến tranh, nhưng cũng kể về đất nước Việt Nam xinh đẹp như thế nào, và ông muốn quay lại đây và chứng kiến hòa bình và sự thịnh vượng đến mức nào.
Điều đó luôn luôn ảnh hưởng đến tôi. Bất cứ khi nào tôi đi công tác, ở mỗi tỉnh tôi đến, tôi đều cố gắng đi thăm các đài tưởng niệm liệt sĩ.
Trải nghiệm của cha tôi ở đây đã ảnh hưởng đến tôi theo một cách rất, rất tích cực, bởi vì tôi cảm thấy rằng tôi có một trách nhiệm đặc biệt với tư cách là con trai của một người đã tham chiến ở đây, để làm những gì tôi có thể nhằm đem lại hòa giải, sự hiểu biết, để giúp xây dựng cây cầu giữa hai quốc gia hướng tới tương lai.
Đừng bao giờ quên quá khứ, nhưng đừng để quá khứ làm lu mờ chúng ta, và hãy hướng tới tương lai. Tôi luôn rất xúc động khi đến thăm những địa điểm này. Tôi nhìn những ngôi mộ của những người đã khuất và hiểu rằng, cha tôi là một người may mắn. Chúng tôi là những người may mắn. Ông ấy đã về nhà.
Có một chuyến thăm đến Thái Nguyên, hôm ấy trời mưa to, và điểm dừng chân đầu tiên của tôi là Đài tưởng niệm liệt sỹ. Hầu hết các ngôi mộ ở đó là những người đã hy sinh khi mới 18 - 19 tuổi.
Và ngay sau đó, chúng tôi đến thăm Đại học Thái Nguyên. Những sinh viên chúng tôi gặp cũng 18 - 19 tuổi, và điều đó thực sự khiến tôi suy ngẫm về sự mất mát những người trẻ tuổi trong chiến tranh. Thực sự đó từng là một thảm kịch khủng khiếp, nhưng quá khứ đã lùi lại, còn những người trẻ tuổi ngày nay là hy vọng.
Tại Đại học Thái Nguyên có một "Không gian Hoa Kỳ", ở đó chúng tôi giúp các bạn trẻ học tiếng Anh và tìm cơ hội học tập, hợp tác, nghiên cứu tại Hoa Kỳ. Đó là tương lai, là những gì dẫn dắt hai quốc gia tiến về phía trước.
Hai năm là Đại sứ ở Việt Nam, ông đã đi qua bao nhiêu tỉnh thành?
- Tổng cộng có thể là 40 tỉnh hoặc hơn. Có những nơi tôi đã đến không dưới 2 lần kể cả từ nhiệm kỳ trước. Có những nơi tôi chưa đến và rất muốn đến. Tôi chưa tới cực bắc và cực nam. Nhưng tôi đã thấy rất nhiều nơi ở đất nước xinh đẹp này.
Thật khó để nói điều gì, điều gì là ấn tượng nhất. Tôi chỉ nghĩ rằng sức mạnh để Việt Nam tiến xa như vậy trong vòng 50 năm thật đáng chú ý.
Để đi từ sự tàn phá của chiến tranh, từ đói nghèo đến bây giờ - một nền kinh tế nằm trong top 30 thế giới, một nơi ngày càng trở thành trung tâm đổi mới công nghệ hàng đầu trong những năm tới, và cho dù lịch sử khủng khiếp, bi thảm của chúng ta, Việt Nam là một người bạn và đối tác của Mỹ, điều này đã được Tổng thống Biden nhắc tới hai lần tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Điều này rất đặc biệt. Cần có lòng dũng cảm từ những con người ở Việt Nam, ở Mỹ sau chiến tranh, để thực hiện các bước đi mà thường bị những người khác chỉ trích khi họ cố gắng tìm đường trở lại cùng nhau.
Đây là một câu chuyện thực sự quan trọng mà tôi hy vọng nhiều người có thể biết đến vào ngày kỷ niệm năm sau, 30 năm bình thường hóa hay kỷ niệm về sau này nữa, tôi hy vọng rằng nhiều người Mỹ hơn có thể biết đến câu chuyện này.
Thật không may, khi nói đến Việt Nam, hầu hết người Mỹ vẫn nghĩ đến chiến tranh. Nhưng tôi muốn nhiều người Mỹ biết đến một nền văn hóa lịch sử phong phú đến thế nào - văn hóa ẩm thực, văn hóa nghệ thuật, văn hóa âm nhạc mà Việt Nam có.
Việt Nam không chỉ là một cuộc chiến tranh trong quá khứ. Đây là một đất nước có nền văn hóa và lịch sử rất độc đáo, rất đặc biệt. Năm tới sẽ là cơ hội để khuyến khích nhiều người Mỹ hơn đến thăm hay tìm hiểu về Việt Nam.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper.
Có người Việt Nam nào mà ông muốn nói lời cảm ơn không?
- Hồi năm 2005, tạp chí Time của Mỹ đã thực hiện một ấn bản đặc biệt về những anh hùng Châu Á, và một trong số họ là một phụ nữ trẻ từ Hải Phòng tên là Phạm Thị Huệ. Cô được coi là một "anh hùng", vì cô đã bị nhiễm HIV từ chồng mình nhưng đã thực sự trở thành một người ủng hộ mạnh mẽ cho các nạn nhân của HIV.
Cô là tiếng nói mạnh mẽ chống lại sự kỳ thị, sự định kiến, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Tôi đã gặp cô khi cô đến đại sứ quán. Vì vậy, khi tôi trở lại Việt Nam hai năm trước, tôi đã nói chuyện với các đồng nghiệp CDC của chúng tôi, hỏi thăm cô ấy. Cô vẫn còn sống, cô lùi lại một chút khỏi các hoạt động của mình, nhưng cô vẫn vậy. Tôi đã đã đến Hải Phòng gặp cô ấy. Và cô khỏe mạnh, đã là một người mẹ, và vẫn là một "anh hùng".
Ông có nghĩ rằng mình đã học được điều gì đó ở Việt Nam, hay Việt Nam đã đem lại điều gì đó cho ông không?
- Vâng, tôi đã học được rất nhiều điều nhưng lại không học giỏi tiếng Việt. Thực ra có hàng triệu điều tôi đã học được ở đây, nhưng tôi nghĩ một điều quan trọng, là sức mạnh của sự hòa giải, sức mạnh của hai quốc gia từng là kẻ thù khủng khiếp như vậy, cuối cùng đã tìm được cách quay lại với nhau.
Hãy nhớ lại năm 1945. Năm tới chúng ta sẽ có một dịp kỷ niệm nữa, đó là kỷ niệm 80 năm khi Việt Minh chiến đấu cùng với lực lượng OSS của Mỹ chống phát xít Nhật năm 1945. Đó là thời điểm chúng ta gần như là đồng minh.
Và sau đó, lịch sử, số phận đã thay đổi, và lý do địa chính trị nên mọi thứ khác đã biến mất, chúng ta trở thành kẻ thù trong một cuộc chiến tranh khủng khiếp, nhưng chúng ta đã tìm thấy con đường quay lại, chậm nhưng cuối cùng cũng đến được nơi chúng ta đang đứng ở hiện tại.
Đó là câu chuyện mà tôi hy vọng có nhiều người hiểu hơn. Hai quốc gia của chúng ta đã cùng nhau trải qua rất nhiều điều, đến mức chúng ta nhận thức được nhau một cách độc đáo.
Chúng ta có một vị thế độc đáo để không có bất kỳ rào cản nào giữa chúng ta cả, bởi vì chúng ta đã cùng nhau trải qua rất nhiều điều, đến mức, về cơ bản, không gì có thể ngăn cách chúng ta theo cách như chúng ta đã làm.
Xin cảm ơn Đại sứ về những câu chuyện rất thú vị và cảm xúc của ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.