Chủ tịch CLB Đại điền Hải Phòng: "Gần 10 năm nay, tôi tự trả lương 50 triệu đồng mỗi tháng"
Chủ tịch CLB Đại điền Hải Phòng: "Gần 10 năm nay, tôi tự trả lương 50 triệu đồng mỗi tháng"
Tố Loan
Thứ hai, ngày 06/01/2025 07:30 AM (GMT+7)
Đã gần 10 năm gắn bó với "xí nghiệp giữa đồng" ở thôn Dương Tiền (xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng), anh Trần Mạnh Hùng vẫn giữ nguyên nụ cười đầy tự tin cũng như bản lĩnh của người luôn tính toán trước mọi công việc, dự đoán được cả xu hướng tất yếu của anh em đại điền trong tương lai.
Trong "căn cứ" giữa đồng của mình, Trần Mạnh Hùng treo bức thư pháp viết chữ "Thuận" đối diện với cửa ra vào. Đó cũng chính là mong muốn lớn nhất của anh trên hành trình sản xuất nông nghiệp mà với anh chưa bao giờ dễ dàng. Hành trình ấy, Trần Mạnh Hùng đi một mình.
"Thuận" trong bức thư pháp của Hùng chính là "thuận buồm xuôi gió", là "mưa thuận gió hòa" - thứ mà người nông dân luôn phải lệ thuộc vào ngoại cảnh, là yếu tố khách quan không tự mình quyết định được. Còn tất cả những điều kiện đảm bảo cho thành công, Hùng có thừa. Và anh gọi nó là "tư liệu sản xuất" có sẵn trong đầu.
Đã gần 10 năm gắn bó với "xí nghiệp giữa đồng" ở thôn Dương Tiền (xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng), anh vẫn giữ nguyên nụ cười đầy tự tin cũng như bản lĩnh của người luôn tính toán trước mọi công việc, dự đoán được cả xu hướng tất yếu của anh em đại điền trong tương lai. Gần 10 năm, anh tạo dựng được khối tài sản máy móc trị giá 5 tỷ đồng, hiện không vay nợ đồng nào. Anh cũng là người khởi nghiệp khi đã 36 tuổi nhưng dự định nghỉ hưu lúc 56 tuổi chỉ để… đi chơi!
Nội dung: Tố Loan | Ảnh - Media: Nguyễn Chương - NVCC | Thiết kế: Hữu Anh
Người tự tin nhất cũng chưa bao giờ dám "coi thường" việc tích tụ ruộng đất để canh tác lớn, nói nôm na là làm "đại điền". Còn anh không những nhận 45ha ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, mà còn làm mọi thứ một mình. Anh không thấy mình quá gan và liều sao?
- Ai không biết thì thấy liều, chứ bản thân tôi điều đó rất bình thường. Trước khi khởi nghiệp bằng mô hình canh tác lúa trên diện tích lớn, tôi đã tính toán hết rồi và bằng chứng là gần 10 năm qua tôi vẫn vững vàng, vẫn làm một mình, chưa cần sự trợ giúp của bất cứ ai.
Anh có hơi tự tin thái quá không?
- Trông tôi thế này thôi nhưng tôi xuất thân là kỹ sư nông nghiệp chính gốc đấy. Tôi tốt nghiệp Khoa nông học của Đại học Hải Phòng, sau đó về làm tại Công ty cổ phần Kỹ thuật cao Hải Phòng. Suốt những năm tháng làm việc ở đây, tôi đã trải qua nhiều vị trí khác nhau, từ làm thị trường, nghiên cứu giống, chuyển giao kỹ thuật, rồi triển khai trồng, canh tác thực tế… Đến năm 2015, tôi nghỉ việc và bắt đầu tích tụ ruộng đất để lập nghiệp. Những kinh nghiệm trong suốt thời gian đi làm cho doanh nghiệp đủ để tôi tự tin trong mọi quyết định của mình.
Ngay từ đầu trong tư tưởng của mình tôi tâm niệm: đã làm là phải làm lớn, nên khi về xã Trấn Dương tôi đặt vấn đề thuê nguyên khoảnh đất 45ha. Diện tích này trước đây do một đơn vị thuê trồng ớt nhưng khi tôi về thì đang bị bỏ hoang, rất khó chuyển đổi mô hình sản xuất. Tôi đã tìm gặp Chủ nhiệm HTX đặt vấn đề: nếu địa phương có chủ trương thì xin cho tôi thuê lại và sẽ thuê toàn bộ 45ha, không xé lẻ.
Với sự tự tin đó, mùa vụ đầu tiên của anh bắt đầu như thế nào?
- Sau khi địa phương đồng ý cho thuê đất, tôi đề nghị Chủ nhiệm HTX dẫn tôi ra cánh đồng để "mục sở thị". Ra đến nơi tôi "sốc" vô cùng. Cỏ dại mọc lút đầu người, hệ thống kênh mương thủy lợi xuống cấp và đặc biệt là chuột nhiều vô kể.
Vụ đầu tiên tôi gần như không làm được gì, mọi công sức tiền của chỉ đầu tư để chỉnh sửa lại "cơ ngơi đi thuê 45ha", và tập trung… diệt chuột. Dù đã dùng mọi biện pháp nhưng chuột vẫn nhiều vô kể. May mắn là tôi tìm được một người chuyên săn chuột, nhờ họ đến bắt cho. Đi một bờ mà 2 thùng sơn đầy ắp chuột, có lỗ tới 5-6 con to. Cái đáng mừng là vụ đó nhờ tập trung diệt chuột mà tôi đã bảo vệ được lúa, dù có lợi nhuận nhưng không đáng kể.
Vụ đầu tôi cũng phải thuê toàn bộ máy móc bởi lúc đó tiền thuê đất đã ngốn gần hết số vốn tự có. Bắt đầu từ vụ thứ hai, thứ ba trở đi, tôi mới dần sắm sửa được những trang thiết bị cơ bản. Cũng trong mấy năm đầu tiên đó, tôi xoay sở từ nguồn lực mỏng manh của mình và tất nhiên cả huy động anh em, bạn bè, họ hàng nữa. Tôi cũng là khách vay tiềm năng của ngân hàng đấy, nợ ngân hàng nhiều lắm. Mỗi năm lãi được bao nhiêu tôi dành một phần trả nợ, phần còn lại đổ vào sắm sửa máy móc và tái đầu tư sản xuất.
Đôi khi vợ con ở nhà than phiền khi thấy bố đi làm suốt mà tiền thì không mang về. Bố mẹ tôi còn bảo nhau: "không biết nó làm ăn kiểu gì mà bây giờ cứ thấy đầu tư thôi, hết cái máy này đến máy khác". Thế nhưng đến giờ mọi thứ cũng gần như ổn định, xí nghiệp của tôi đã có lãi, mỗi vụ lên thăm tôi vợ con yên tâm hơn, bố mẹ cũng bớt dần những hoang mang, lo lắng.
Tổng số tiền anh đã đầu tư cho "xí nghiệp ngoài trời" này là bao nhiêu rồi?
- Hiện tại, tính hết máy móc, kho tàng, nhà xưởng là khoảng 5 tỷ đồng.
Số tiền đó anh đã đầu tư vào những gì?
- Về sản xuất cơ bản tôi đã đầy đủ hết với 1 máy gặt này, 2 máy bay (drone), 1 máy cấy, 1 máy gieo mạ, 1 máy chở thóc, 1 máy cày, 1 máy sấy lúa, 2 kho nhà xưởng với tổng diện tích 700m2.
Nhờ dàn máy móc này mà tôi tiết kiệm được kha khá nhân công lao động, thông thường mỗi máy tôi giao đứt cho 1-2 người luân phiên nhau sử dụng. Trước không có máy thì tiền nhân công cao, chứ có máy rồi mỗi mùa vụ tôi chỉ cần 10 người là "chạy ro ro" tất cả các quy trình. Bản thân tôi cũng là nhân lực tích cực, máy nào tôi cũng điển khiển được hết, kể cả máy bay không người lái.
Ngoài phần tích cóp tái đầu tư, anh có phải vay gì mượn thêm không?
- Đến thời điểm này tôi đã trả hết nợ và chưa phải vay mượn gì, chủ yếu vẫn xoay vần vụ này vụ kia để có vốn sắm sửa máy móc, trang thiết bị và sửa sang lại xí nghiệp cho khang trang, sạch đẹp hơn.
Người ta nói "Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân". Gần 10 năm khởi nghiệp anh vẫn chỉ có một mình với 45ha, sao anh không học tập người khác thành lập doanh nghiệp hay đại loại là HTX để thuận tiện hơn trong sản xuất cũng như có hướng phát triển lâu dài sau này?
- Thứ nhất, tìm được người đồng hành cùng chí hướng, cùng quan điểm, cùng mục tiêu không hề dễ. Tôi cũng đã nhiều lần thử kết hợp với các anh em khác nhưng đều không khả thi.
Thứ hai, với khối lượng công việc như hiện tại, tôi vẫn có thể cáng đáng một mình mà không cần trợ giúp. Kể cả không có mặt ngoài đồng tôi vẫn có thể biết được năng suất làm việc của nhân công tôi thuê. Ví dụ thuê người đi rắc đạm, tôi tính được ngay 1 sào cần bao nhiêu đạm, 1 người làm mất bao lâu, 2 người cần khoảng thời gian mấy tiếng… Cứ thế tôi cho chở đúng khối lượng đạm cần rắc để sẵn trên bờ, quy định thời gian rồi căn đúng giờ quay lại kiểm tra. Ai làm như thế nào tôi biết ngay, nếu không đúng tôi sẽ nhắc nhở và yêu cầu thực hiện nghiêm túc những quy định tôi đề ra.
Trước mỗi mùa vụ trong đầu tôi đã hiện sẵn hàng loạt phép tính: tiền giống, phân bao nhiêu, nhân công như thế nào, chi phí phát sinh gồm những gì, giá bán trong khoảng bao nhiêu thì có lãi, rủi ro có thể xảy ra là những gì… Tôi ghi chép lại rồi theo dõi từng vụ. Tự tính toán được lỗ lãi để điều chỉnh qua mỗi năm, tất nhiên con số không chính xác tuyệt đối nhưng chuẩn tới 80% và chưa khi nào tôi tính sai. Thế thì tôi đâu cần phải nặng nề việc làm một mình hay cần người trợ giúp?
Còn vấn đề thành lập doanh nghiệp hay HTX, không phải tôi chưa nghĩ tới, nhưng vận hành một tổ chức khác với khi anh canh tác đơn thuần. Chưa kể chi phí vận hành còn rất lớn, đòi hỏi anh phải biết cách quản lý và xử lý những vấn đề phát sinh một cách nhuần nhuyễn. Tôi xác định đầu tư máy móc trước mắt là phục công việc của mình nên tôi chỉ chuyên tâm canh tác chứ không làm dịch vụ, không cho thuê.
Trong gần 10 năm, anh đã thất bại bao nhiêu lần?
- Tôi đã lăn lộn rất nhiều vụ với "xí nghiệp ngoài trời" này rồi, mỗi vụ lại có khó khăn riêng, không vụ nào giống nhau. Vụ thì mưa bão, vụ lại sâu bệnh, vụ lại do thiên tai, dịch hại… nhưng chưa bao giờ tôi nản lòng, lùi bước. Điều duy nhất tôi băn khoăn, trăn trở chính là câu hỏi: "Vì sao mình lại thất bại?". Từ câu hỏi đó, tôi cố gắng tìm ra giải pháp để thay đổi và chọn hướng đi phù hợp hơn với mình.
Ví dụ như năm nay mà thấy cái sâu đục thân cuối vụ nhiều, sang năm mình đẩy lịch thời vụ lên để tránh nạn sâu thân gây hại. Rồi mô hình sản xuất tập trung như tôi đang theo đuổi sẽ liên quan đến cả cộng đồng chứ không phải "mạnh ai nấy làm". Khi bà con đồng loạt lấy nước thì mình cũng tranh thủ khoảng thời gian đó lấy nước về đồng cho kịp lịch thời vụ.
Rồi chọn giống để canh tác thì nên lựa chọn loại năng suất cao, giá thành ổn định hay chọn loại mà thị trường có nhu cầu…? Những điều đó qua mỗi vụ tôi lại tự đúc kết và rút kinh nghiệm để hoàn thiện tốt hơn.
Vụ thì mưa bão, vụ lại sâu bệnh, vụ lại do thiên tai, dịch hại… nhưng chưa bao giờ anh Trần Mạnh Hùng nản lòng, lùi bước.
Nếu để chia sẻ kinh nghiệm cho những người sắp bước vào con đường đại điền, anh sẽ nói với họ những gì?
- Đại điền không phải là cuộc đua về diện tích lớn, mà quan trọng là chúng ta làm gì với diện tích có trong tay. Nếu năng lực của anh chỉ phù hợp với 20-30ha thì anh cũng không nên "so sánh" chính mình với các anh em khác. Năng lực và tiềm năng sức khỏe là cái mà không mua được bằng tiền cũng không cố được khi bản thân thiếu hụt quá nhiều, nếu không ý thức được điều này sẽ rất dễ thất bại.
Bản thân tôi ngay từ đầu đã xác định được đâu là diện tích phù hợp với mình, thế nên gần 10 năm qua tôi chưa từng nghĩ đến việc gia tăng diện tích, mà chủ yếu đầu tư vào sản xuất hiện đại để tiết kiệm chi phí, nhân công và "đẩy" lợi nhuận lên mức cao nhất.
Nhưng rõ ràng phải có diện tích đủ lớn thì anh mới áp dụng được khoa học kỹ thuật, mới có thể lấy số lượng lớn để bù cho khoản lãi nhỏ từ trồng lúa như anh tính toán bấy lâu. Liệu có mâu thuẫn gì ở đây không?
- Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp đất là tư liệu sản xuất quan trọng nhất nhưng không phải là yếu tố quyết định thành công.
Như tôi đã nói ở trên, cái chính là phải lượng được sức mình để thuê được diện tích phù hợp và khi đã có diện tích rồi phải có định hướng chung mang tính tổng quát, cụ thể là gì? Là xây dựng hệ thống thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu ra sao? Rồi đồng đất mình đang có phù hợp với loại giống gì? Giá trị kinh tế của sản phẩm mà mình canh tác có phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng không, bán có được giá cao hay không?
Trong Hội đại điền của tôi nhiều anh em cũng chỉ làm 5 ha, 10 ha, nhưng cũng có những anh em làm gấp đôi số diện tích của tôi, lên tới hơn 70ha và họ đều thành công với lựa chọn của mình. Cái chính là họ biết được đâu là vừa sức mình, là cách làm mà mình dễ chạm đến kết quả cuối cùng tốt nhất.
Anh Hùng vẫn tin với kết quả mà những người theo đuổi đại điền mang lại trong thời gian qua, sẽ là cơ sở để Đảng, Nhà nước cho ra đời nhiều chính sách, chủ trương khuyến khích để người nông dân mạnh dạn làm lớn.
Việc thuê đất để làm đại điền ở nhiều địa phương không hề đơn giản, nhiều hộ hoặc không chịu đổi ruộng hoặc khi cho thuê rồi thấy người khác làm ăn hiệu quả lại muốn lấy về; rồi cũng có trường hợp không canh tác nhưng giữ đất không cho thuê… Anh có gặp phải những cản trở đó không?
- Tôi may mắn hơn là khi bắt đầu khởi nghiệp thì tìm được diện tích lớn do xã quản lý, giao cho một HTX tổ chức đấu thầu. Trước tôi đã có một doanh nghiệp thuê trồng ớt như tôi kể ở trên, vì thế tôi không phải đi vận động từng nhà để tập hợp đất. Cũng có trường hợp thấy tôi làm ăn được thì muốn đòi lại không cho thuê nữa nhưng tôi không làm việc nhỏ lẻ với từng hộ mà ký hợp đồng với chính quyền địa phương.
Xã sẽ giao cho trưởng thôn tổ chức họp dân và có biên bản bàn giao đất rõ ràng, trên cơ sở đó đất sẽ được đấu thầu và tôi ký trực tiếp với ông trưởng thôn, tiền thuê cũng thông qua ông trưởng thôn để trả cho bà con chứ không làm việc lẻ tẻ từng hộ một. Ba năm tôi ký lại hợp đồng một lần.
Ở nhiều địa phương, việc không thuận lợi trong tích tụ ruộng đất cũng là một trong những nguyên nhân khiến phong trào đại điền không phát triển, hoặc nhỏ lẻ, không tập trung. Nhưng tôi tin rằng thời của anh em đại điền không còn xa nữa đâu, chỉ dăm bảy năm nữa đất đai sẽ nằm hết trong tay anh em đại điền. Người già sẽ không còn sức làm ruộng cũng sẽ phải cho thuê lại đất, còn thanh niên, hay trung niên 40-50 tuổi mà đã làm công nhân hay có công việc ổn định họ cũng rất khó quay lại với ruộng đồng, trừ khi họ cũng lựa chọn đại điền để phát triển và thay đổi tư duy canh tác truyền thống. Lúc đó sẽ là cơ hội để tập trung, tích tụ ruộng đất.
Bên cạnh đó, tôi vẫn tin với những kết quả mà chúng tôi - những người theo đuổi đại điền mang lại trong thời gian qua, sẽ là cơ sở để Đảng, Nhà nước cho ra đời nhiều chính sách, chủ trương khuyến khích những người như chúng tôi mạnh dạn làm lớn.
Năm 2022, khi trả lời phỏng vấn lần đầu với tôi, anh vẫn đang là nông dân đi đầu trong phong trào đại điền, còn giờ là Chủ tịch CLB đại điền Hải Phòng với hơn 100 thành viên. Anh thích được nhìn nhận với tư cách nào hơn?
- Chủ tịch CLB đại điền hay nông dân đại điền đều là tôi, và tôi cũng chỉ cố gắng làm tốt nhất để phong trào đại điền phát triển hiệu quả, rộng khắp không chỉ ở Hải Phòng mà còn nhiều nơi trong cả nước.
Nói chủ tịch thì to tát chứ thực tế anh em chúng tôi cũng chỉ tập hơn nhau lại để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Chúng tôi hoạt động hoàn toàn tự phát, tự động viên nhau, tự kết nối, tự giúp đỡ, tự bảo vệ nhau… vì thế, chức danh chỉ là để anh em dễ nhận biết chứ thực tế tôi vẫn là nông dân thứ thiệt (cười).
Dù tự phát nhưng chúng tôi cũng hoạt động quy củ, hiệu quả lắm đấy. Ngoài Chủ tịch CLB còn có Phó Chủ tịch, Thư ký. Ở mỗi huyện sẽ có một trưởng nhóm, khi có việc gì anh em sẽ thảo luận với các trưởng nhóm, sau đó trưởng nhóm triển khai tới các anh em trên địa bàn. Chúng tôi cũng có nhóm zalo để trực tiếp trao đổi máy móc, chia sẻ lịch thời vụ, giá bán nông sản và kết nối, giới thiệu cho nhau tiêu thụ sản phẩm sao cho được giá nhất, lợi nhuận cao nhất.
Nhưng cũng vì tự phát nên anh em còn nhiều tâm tư lắm. Chúng tôi tuy nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, lãnh đạo địa phương nhưng để có một tổ chức được công nhận, được hỗ trợ giúp đỡ, cấp kinh phí hoạt động thì chưa. Chính sách để khuyến khích phát triển đại điền cũng được Đảng, Nhà nước lưu tâm nhưng trên thực tế việc tích tụ ruộng đất, chuyển đổi mục đích sử dung cũng như cấp chứng nhận sử dụng đất diện tích lớn vẫn còn nhiều hạn chế. Anh em cứ động viên nhau, thôi thì "gái có công, chồng chẳng phụ", mình làm để thuận tiện cho mình trước đã, có kết qủa cụ thể sẽ tiếp tục kiến nghị, đề xuất thêm.
45ha, mỗi năm canh tác 2 vụ, tính nhẩm cũng thấy anh có thể thu tiền tỷ mỗi năm. Liệu tôi có tính hao hụt chỗ nào không?
- Làm nông nghiệp không thể có con số chính xác và mỗi vụ sẽ lại khác nhau. Nếu canh tác lúa tẻ thì năng suất sẽ khoảng 1,8 – 2 tạ/sào, lúa nếp thấp hơn độ 1,4 – 1,5 tạ/sào. Đấy là năng suất, còn một yếu tố cấu thành khác là giá bán, "anh" này lại càng không thể biết trước được. Cũng là giống BC-15 nhưng đang trung bình 8.000 – 9.000 đồng/kg mà có năm xuống còn 5.300 đồng/kg thóc tươi tôi vẫn phải bán. Vì thế thu nhập cũng tùy từng vụ, có năm chi phí cao mà giá bán thấp thì thu nhập chắc chắn ít.
Nên làm nông nghiệp, nhất là trồng lúa mà bảo thu nhập cao cũng hơi "ưu ái" chúng tôi rồi, nếu làm khéo mỗi sào sẽ lãi được 300 – 400 nghìn đồng, tương 15 – 16 triệu/ha, nhân với 45 ha, một năm cũng có tiền tỷ như chị tính thật. Nhưng có phải vụ nào cũng thuận lợi suôn sẻ đâu. Như vụ vừa rồi, đầu tư một sào lúa cũng mất trên 1 triệu đồng, thế mà bây giờ mà năng suất không đạt được đến 1,5 tạ/sào là lỗ.
Nếu làm khéo, mỗi sào anh Hùng sẽ lãi được 300 – 400 nghìn đồng, tương 15 – 16 triệu/ha, nhân với 45 ha, một năm cũng có tiền tỷ.
Nhưng rõ ràng so với nông dân trồng lúa ở những nơi khác thì anh vẫn đang lãi hơn họ rất nhiều?
- Đấy là vì họ sản xuất theo quan điểm cũ, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Tôi khẳng định luôn nếu đi thuê từng miếng ruộng một, không áp dụng cơ giới hóa đồng bộ thì trồng lúa chắc chắn lỗ chứ không thể có lãi.
Chị cứ thử làm phép so sánh nhé: giờ đi làm công nhân lương cũng phải 300 nghìn/ngày công. Nhưng phun một bình thuốc sâu cho 1 sào họ lấy công cũng 40.000 đồng, nhưng tôi đầu tư máy bay, mua một lần sử dụng mãi mãi và chi phí tính ra chỉ 5 – 10 nghìn đồng/sào. Chị tính xem khoảng 10.000 đến 40.000 là gấp bao nhiêu lần rồi?. Do vậy nếu cứ sản xuất theo truyền thống là lỗ, còn không phải làm đại điền như anh em chúng tôi, áp dụng cơ giới hóa vào chắc chắn sẽ có lãi.
Và tất nhiên, làm phải có lãi thì tôi mới bỏ việc công ty để tự mình làm chủ chứ. Nhiều người cũng hỏi tôi đang làm công ty yên ổn, tự dưng lại về ra giữa đồng ở, đang đêm dậy bơm cống, tháo nước rồi mùa vụ thì bận hơn con mọn, không có thời gian chăm lo cho gia đình, không thấy khổ sao?. Thời điểm năm 2015, khi tôi bắt đầu nghỉ việc, lương của tôi lúc đó hơn 10 triệu/tháng, mức lương không hề thấp thời bấy giờ. Nhưng so với 50 triệu mà tôi tự trả cho mình mỗi tháng, không phải áp lực công việc, không áp lực doanh thu, không phải chịu sự quản lý của ai… là chị, chị sẽ chọn cách nào?
Tôi chưa từng nghe đến dự định làm lúa chất lượng cao của anh, chẳng lẽ anh không nghĩ đến một thương hiệu gạo cho riêng mình?
- Thời điểm này tôi xác định làm để có lãi và tích lũy trước, chứ không mơ mộng rồi mất tập trung và đầu tư dàn trải, lãng phí. Đã làm lúa hữu cơ, xây dựng thương hiệu gạo là phải bài bản và có mức đầu tư xứng đáng chứ không phải cứ nghĩ xong để đó. Có thể vài năm nữa khi tài chính ổn định hơn, tôi sẽ bắt đầu với gạo hữu cơ. Tôi cố gắng làm 10 năm nữa rồi nghỉ hưu, lúc đấy chỉ dành thời gian đi chơi thôi.
Khởi nghiệp khi đã 36 tuổi, 10 năm nữa anh mới 56 tuổi mà đã tính nghỉ hưu là hơi sớm đó. Nhiều lão nông hơn 70 tuổi vẫn rất đam mê với nông nghiệp trong khi anh đã tính nghỉ hưu sao?
- Nghề nào cũng thế thôi, phải nghỉ hưu chứ. Cơ ngơi này tôi sẽ nhượng lại cho một anh em nào đó trong hội đại điền để họ tiếp tục phát triển mà đổi mới hơn trên nền tảng những thứ tôi đã dựng xây. Còn tôi sẽ dành thời gian đến nhà anh em, nay nhà này, mai nhà khác; chỉ rong chơi và trợ giúp các bạn trẻ kinh nghiệm, cách phát triển và kết nối họ với nhau.
Tôi vẫn ao ước một ngày nào đó Hội Đại điền sẽ được công nhận như một tổ chức chính thức, được quan tâm và cấp kinh phí hoạt động, được hướng dẫn, trợ giúp bài bản như hội viên Hội Nông dân bây giờ.
Cánh đồng 45 ha của Trần Mạnh Hùng những ngày cuối năm chỉ toàn cỏ cháy nhưng không hề gợi cho người ta cái cảm giác hiu hắt, ảm đạm. Từng thửa đất cày ải vẫn đang phơi mình chờ vụ mới không xa. Khoảng sân rộng cạnh văn phòng cũng đã đổ nền đất cát ẩm để gieo sạ, kho ngay gần đó cũng xếp kín vật tư sẵn sàng xuống ruộng. 2 chiếc máy bay không người lái cũng được chủ nhân lôi ra giữa sân lau chùi, kiểm tra kỹ càng.
Với Trần Mạnh Hùng, anh không có thời gian nông nhàn, anh đã bắt đầu ngay khi người khác đang nghỉ ngơi…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.