Đạo diễn Trần Lực: Ai trong đời cũng một lần mơ về Hoa Cúc Xanh - Ảnh 1.

Thế là anh lại quay về nơi bắt đầu? Một sân khấu dân tộc tối giản theo phong cách ước lệ của tuồng cổ, chính tại Nhà hát Tuồng. Cảm giác của đạo diễn Trần Lực thế nào khi bắt tay vào dựng Hoa Cúc Xanh (sẽ diễn ra vào 2 đêm 5-6/10 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội)?

- Chính là cảm giác "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" đấy. Cảm giác khi tôi còn rất bé, đứng cánh gà nhìn bố tôi tập chèo cho mẹ và các cô các chú. Thực ra thì Nhà hát Chèo giờ đã ở chỗ khác rồi (Kim Mã - PV), nơi chúng tôi đang tập chỉ ở trong khu vực đó thôi (Khu Văn Công Mai dịch của những năm 70-90 của thế kỷ trước gồm hàng loạt đơn vị Nghệ thuật như Nhà hát Chèo, Nhà hát Tuồng, Trường Múa, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch, Dàn Nhạc Giao Hưởng, Đoàn Kịch Quân đội, Đại học Sân khấu Điện ảnh...). Nhưng tôi thích cảm giác này. Một sân khấu hoàn toàn mở cho trí tưởng tượng. Không có bục bệ dây dợ, ánh sáng tối giản, đạo cụ tối giản. Dàn âm thanh cũng tối giản. Chỉ có một tấm lụa khổ rất lớn, một bộ gõ rất nhỏ, và một tiếng tiêu. Học trò của tôi cũng đang rất phấn khích, các cô các cậu ấy được khuyến khích nên để cho khán giả tưởng tượng ra Hoa Cúc Xanh theo cách của mình, trên cái đầm lầy riêng của mỗi người.

Nhưng rõ ràng trước đó, trong suốt bao nhiêu năm sống giữa giới sân khấu, và trong những năm tháng thanh xuân của cuộc đời mình, anh chắc hẳn đã có một hình ảnh riêng của mình về thơ Xuân Quỳnh và về Hoa Cúc Xanh?

- Thực ra thì tôi ít gặp chị Quỳnh, dù hai nhà thân nhau. Bố tôi là đạo diễn và là nhà nghiên cứu chèo, bác Lưu Quang Thuận là tác giả chèo. Bác Khánh (vợ bác Thuận) và mẹ tôi cũng khá thân thiết, anh Trí tôi là đàn em của anh Lưu Quang Vũ, các anh chơi với nhau theo hệ "đọc rộng hiểu nhiều", tôi chỉ là thằng nhóc con ham chơi bời lêu lổng, "tuổi gì" mà nói chuyện hay bảo là "hiểu" về chị Quỳnh và thơ chị?!

Nhưng lớn lên, trưởng thành, rồi vấp ngã, thì tôi thích và mê kịch anh Vũ, mê cả thơ anh ấy, mê luôn cả thơ của người anh ấy yêu và yêu anh ấy. Thế là chúng tôi biết vì sao anh Vũ viết kịch bản "Hoa cúc xanh trong đầm lầy" - vì chị Quỳnh có bài thơ tên như thế. Chỉ chừng đó cũng đủ cho câu hỏi "Hoa cúc xanh có hay là không có? Trong đầm lầy tuổi nhỏ của ta xưa" neo vào đầu vào tim cả một thế hệ chúng tôi.

Cái câu hỏi ấy, mỗi giai đoạn cuộc đời lại thấy có một câu trả lời khác nhau. Rất khác. Thật đấy!

Đạo diễn Trần Lực: Ai trong đời cũng một lần mơ về Hoa Cúc Xanh - Ảnh 2.

Anh nói vậy, như thể đã có lúc nào đó anh sống rất khác với điều anh mơ ước?

- Nhiều chứ. Rất nhiều khúc ngoặt trong cuộc đời tôi sống rất khác với tôi trước và sau đó. Thuở bé tôi sống với bố mẹ trong khu Văn công Mai Dịch. Cả nước nghèo, nhà tôi cũng nghèo, nhưng vui và mơ mộng. Tôi được xem bác Cả Tam, bác Mạnh Tuấn, cô Diễm Lộc, mẹ tôi diễn Quan Âm Thị Kính, Xuý Vân, Lưu Bình Dương Lễ...  Tôi nghe và thuộc lòng mọi làn điệu chèo, thuộc kiểu nhập tâm chứ tuyệt nhiên không có ý học hỏi gì.

Cuộc sống cứ thế trôi đến nỗi tôi nghĩ mình chả có mơ ước gì, ngoài việc trốn học đi chơi đừng để bố mẹ biết và mỗi năm cố gắng lên một lớp để khỏi bị cả nhà so sánh với anh Trí, chị Mây. Anh chị tôi thì chăm ngoan học giỏi nổi tiếng, là niềm tự hào của bố mẹ tôi.

Nhưng rồi 2 biến cố lớn đã xảy ra. Biến cố lớn nhất là chiến tranh biên giới. Sau năm 79, dù chiến sự tạm lắng nhưng tình hình biên giới rất căng thẳng. Những năm 80-85, thanh niên đến tuổi làm nghĩa vụ quân sự đều được gọi nhập ngũ nếu không vào đại học. Anh Trí tôi học rất giỏi, đỗ đầu ĐH Bách Khoa, là sinh viên xuất sắc. Còn tôi trượt đại học, đương nhiên là tôi nhập ngũ rồi. Có ai tưởng tượng thằng Lực kều lông bông lại thành anh bộ đội.

May mà quân đội lại có 2 đoàn nghệ thuật lớn: Đoàn Kịch Quân đội và Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần. Chắc bên quân lực thấy tôi thư sinh, lại là con ông Giám đốc Nhà hát Chèo nên huấn luyện tân binh xong cho tôi về Đoàn Chèo ngay. Thế là tôi thành chú bộ đội văn công.

Biến cố kinh khủng thứ hai trong đời tôi là anh Trí mất. Tôi mải chơi, mải bạn bè, vào bộ đội vẫn còn ham chơi, tháng được về nhà một lần chỉ để... xin tiếp tế (mì tôm, ruốc, muối lạc, muối vừng, trứng... mẹ để dành cho thằng út đi bộ đội hết). Tôi nhớ lần cuối cùng về nhà là anh ốm nặng rồi, anh nằm trong chăn nói vọng ra: đồ ăn anh nấu sẵn để trên bếp, hai đứa ăn đi rồi đạp xe về đơn vị cho kịp điểm danh. Anh đau lắm mà tôi không biết.

Anh đi sớm quá, trẻ quá. Bố mẹ tôi suy sụp. Thầy cô, bạn bè, ai cũng bảo anh sẽ là nhà khoa học tài năng. Anh hiền lành và ít nói. Anh là con trưởng, đích tôn của dòng họ, là niềm vui của mẹ, niềm tự hào của bố, người bảo vệ của chị Mây. Tất cả những vai trò đó, tôi hiểu, từ giây phút ấy, tôi sẽ là người phải nhận lấy, dù tôi không hề định làm điều đó, và mãi mãi cũng không thể làm tròn được, như anh Trí.

Đạo diễn Trần Lực: Ai trong đời cũng một lần mơ về Hoa Cúc Xanh - Ảnh 3.

Đạo diễn Trần Lực: Ai trong đời cũng một lần mơ về Hoa Cúc Xanh - Ảnh 4.

Và thế là anh bộ đội văn công Trần Lực đã trưởng thành? Và thành tài tử Trần Lực, nam thần định danh bộ đội, thương binh, thầy giáo làng... trên màn bạc và "người cha quốc dân", "gà trống nuôi con" ngoài đời?

- Vâng, tôi đã cố gắng để không bị một lần kỷ luật nào suốt 3 năm nghĩa vụ, rồi đèn sách thi lại vào ĐH Sân khấu Điện ảnh, được chọn đi học đạo diễn ở Bulgaria. Tôi đã cố gắng cho bố mẹ bớt buồn vì sự ra đi của anh Trí, và cái chính là để họ yên tâm về tôi - thằng con trai út của họ Trần Cổ Am (quê gốc của ông nội tôi, nhà văn Trần Tiêu- một trong 7 thành viên đầu tiên của Tự lực văn đoàn ở Cổ Am- Vĩnh Bảo- Hải Phòng).

Tôi cũng không hiểu sao trong mắt khán giả tôi lại hiền lành, giàu đức hy sinh, tốt bụng đến mức thánh thiện như thế?!

Vì ngoài những vai bộ đội có dấu ấn thực sự trong các phim Lênh Đênh, Ăn mày dĩ vãng, Tiếng gọi bên sông, Mẹ chồng tôi... hay vai lãnh tụ như Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông... thì tôi còn đóng khá nhiều vai ... đa diện (tôi không muốn nói phản diện) trong Chuyện tình bên dòng sông, Chiến dịch trái tim bên phải, Trở về... Chưa kể vai diễn chạm ngõ điện ảnh của tôi là một vai diễn cực kỳ ngây thơ ngớ ngẩn, hẳn là yêu đương với hai bậc đàn chị Phương Thanh và Như Quỳnh.

Tôi tự thấy trên màn ảnh tôi đa dạng, không hoàn hảo, nhiều sai lầm, trả giá nhiều, nhưng lạc quan và hướng thiện... như tôi ngoài đời vậy.

Đạo diễn Trần Lực: Ai trong đời cũng một lần mơ về Hoa Cúc Xanh - Ảnh 5.

Còn về hình ảnh "gà trống nuôi con", nói thế tôi lại hơi xấu hổ.

Con trai tôi ở với tôi là do chúng tôi thoả thuận và thấy như thế tốt hơn cho con. Lúc cưới nhau ở bên Sofia, cả hai đứa đều còn trẻ và đều không hình dung được thế nào là cuộc sống gia đình thực sự với cơm áo gạo tiền, đều không biết thế nào là "chồng giận thì vợ bớt lời", "cơm sôi nhỏ lửa". Sự tan vỡ nó cũng tự nhiên như tuyết mùa hè. Tôi mang con về nước trước, và mẹ tôi nuôi cháu như một lẽ tự nhiên.

Con trai tôi suốt một thời gian dài toàn gọi bà nội là Mẹ Nội. Tôi đi làm phim hàng tháng trời, nó ở với bà, bà đưa nó đi học, ru nó ngủ... có những thời gian bẵng đi đến 3-4 tháng tôi mới về nhà, sững sờ nhìn thấy con trai đã lớn vọt lên còn mẹ mình bên cạnh già sọp hẳn đi. Với con tôi, bà nội là quan trọng nhất trần đời. Không ai thay thế được. Khi mẹ tôi mất, nó đã 30 tuổi mà vẫn thẫn thờ như một đứa trẻ mất mẹ, rất lâu. Vì thế khi có ai bảo tôi "gà trống nuôi con", tôi càng thấy có lỗi với mẹ tôi.

Đạo diễn Trần Lực: Ai trong đời cũng một lần mơ về Hoa Cúc Xanh - Ảnh 6.

Có phải muốn "phải khác đi", mà rất nhiều năm vắng bóng trên màn ảnh, anh lại trở lại với một vai diễn không thể "ngược đời" hơn được nữa: Trịnh Công Sơn?

- Đúng là như thế đấy. Tôi đã không muốn đóng phim nữa, chuyên tâm với sân khấu Luc Team, và đi dạy.

Nhưng êkip làm phim và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã thuyết phục được tôi. Thứ nhất là họ làm tôi thích thú với cách họ nhìn về Trịnh Công Sơn. Thứ hai là họ làm tôi tin là mình có thể... giảm cân để trở thành một Trịnh Công Sơn Version Trần Lực 2022. Tôi đã cân nhắc khá lâu để đồng ý. Những gì xảy ra sau đó thì mọi người biết rồi. Tôi thấy Trịnh Công Sơn thực sự là một trải nghiệm thú vị không chỉ với tôi mà với cả đoàn làm phim và với cả khán giả, cả những người yêu nhạc Trịnh nữa. Người ta nên thử yêu một cách khác đi.

Đạo diễn Trần Lực: Ai trong đời cũng một lần mơ về Hoa Cúc Xanh - Ảnh 7.

Chừng đó gạch đá với anh chưa đủ hay sao mà anh còn khuyên các tín đồ nhạc Trịnh nên yêu ông ấy một cách khác đi? Anh thực sự tự tin là mình đã thành công với vai Trịnh Công Sơn - rất cao - không gầy lm - đa tình và hơi nghịch ngợm này à?

- Nếu chỉ căn cứ vào gạch đá và lời ong tiếng ve trên mạng thì rõ là không ai nên làm gì nữa cả. Với tôi thì tôi thấy đây là một thành công của cá nhân tôi: tôi đã tập chơi guitare trở lại. Bao nhiêu ngón đàn từ thuở văn công quân đội, đi biểu diễn phục vụ bộ đội trên chốt giờ tôi mang ra luyện lại hết. Tất nhiên nhạc trong phim là lồng tiếng. Nhưng có chơi đàn được tử tế thì mới diễn tự tin được. Tôi cũng luyện giọng trở lại. Rõ là tôi không thể làm ca sĩ, nhưng trong vai một nhạc sĩ tự chuyển tải bài hát của mình thì tôi nghĩ tôi đạt yêu cầu. Thành công lớn nữa là tôi đã ... giảm được 8kg. Từ 72 xuống 64kg, nếu so với chiều cao 1m78 thì tôi đủ gầy để làm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ, đầy nhiệt huyết, chưa ốm đau. Chế độ ăn uống và luyện tập hà khắc mà nhà sản xuất yêu cầu tôi phải thực hiện đã tỏ ra rất hiệu quả và tôi nghĩ sẽ duy trì chế độ này với bản thân và với các học trò của mình. Tôi là thầy mà, thấy cái gì tốt cho team của mình thì phải học ngay.

Còn hiệu quả thực sự của bộ phim, hãy đến rạp, giới trẻ đi xem Trịnh version 2022 nhìn nhận khác hẳn những người ở tuổi chúng ta, những người nghe Trịnh Công Sơn bằng ký ức chiến tranh, qua băng cối. Tôi đã đến giao lưu với hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên Huế, "thánh địa" của nhạc Trịnh. Người trẻ nghe tôi ôm đàn hát Huyền thoại mẹ và hát theo. Thế là đủ, với tôi.

Đạo diễn Trần Lực: Ai trong đời cũng một lần mơ về Hoa Cúc Xanh - Ảnh 8.

Nói tiếp về việc tập luyện một cách kỷ luật, sau một thời gian dài khép mình vào kỷ luật sắt không phải ca quân đội mà của nhà sản xuất như vậy, anh có thấy rằng kỷ luật về việc giữ gìn hình ảnh (bao gồm hình thể và ứng xử nơi công cộng) của người nghệ sĩ cần phải được đưa vào giáo trình của các trường đại học nghệ thuật hay không?

- Thú thực là tôi chưa nghĩ xa đến thế nhưng đã và sẽ áp dụng cho các nghệ sĩ của Luc Team. Từ rất lâu rồi tôi đã sợ nhìn thấy mình và bạn bè với cái bụng bia và ánh mắt lạc thần vì hơi men. Tôi nghĩ cái giá phải trả rẻ nhất cho sự nổi tiếng chính là sự tiết chế lời ăn tiếng nói- bao gồm cả "ăn" và "nói". Ăn gì nói gì để giữ hình thể và hình ảnh cho đẹp là sự lựa chọn bắt buộc và cần thiết của người nghệ sĩ. Những người bạn thân mà tôi mời hợp tác với Luc Team đều là những người như vậy: NSND Trung Anh và NSND Lê Khanh là những người "giữ mình" rất tốt, theo mọi nghĩa.

"Giữ mình" kỹ càng theo nhiều nghĩa vậy rồi, mà hình như anh vẫn chưa thực sự nắm bắt được cái mà mình theo đuổi? Anh cảm thấy mình thiếu cái gì để đạt được điều đó?

- Đúng là tôi không tìm được điều mình cần ở những nơi tưởng sẽ tìm thấy nó. Thành công trong sự nghiệp, nổi tiếng... hoàn toàn không phải mục đích của tôi. Tôi đạt được nó bằng lao động nghiêm túc cộng với chút may mắn nhưng thực ra cũng không mấy khó khăn. Nhưng sự bình an và hạnh phúc thì không như thế. Con người ta, muốn đạt được điều đó, ngoài mong muốn và cố gắng ra còn cần có chút duyên nữa, mà thầy nào xem cho tôi cũng bảo tôi không có, thế thì chịu thôi.

Đạo diễn Trần Lực: Ai trong đời cũng một lần mơ về Hoa Cúc Xanh - Ảnh 9.

Đạo diễn Trần Lực: Ai trong đời cũng một lần mơ về Hoa Cúc Xanh - Ảnh 10.

Đạo diễn Trần Lực: Ai trong đời cũng một lần mơ về Hoa Cúc Xanh - Ảnh 11.

Vậy có phải mơ ước của anh về hạnh phúc nó hơi cao xa và... khác người quá không?

- Tôi không biết. Tôi nghĩ tôi mong ước rất ít. Một gia đình bình thường với những đứa trẻ bình thường, chén trà sớm cho người già, chiếc pizza cho trẻ con, bữa tối quây quần bố con ông cháu, những chuyến về quê đủ 4 thế hệ trên xe. Và không bao giờ có drama cõi mạng len vào một gia đình trót có vài người nổi tiếng. Tôi đã cố gắng để làm được điều đó, để bố tôi thật vui khi con cái, cháu, chắt quây quần quanh ông, để các con tôi cảm nhận được hương vị tình thân dù chúng không cùng một mẹ sinh ra. Tôi cảm động và nhẹ nhõm thấy chúng yêu quý nhau một cách bản năng, từ máu thịt. Và đó là tất cả những gì tôi có thể làm được.

Khi tập Hoa Cúc Xanh, tôi nói với hai diễn viên đóng hai phiên bản thực và ảo, xưa và nay: hãy hình dung ra một người phụ nữ cụ thể, đó chính là Xuân Quỳnh. Chị Quỳnh chân thành và quyết liệt, giản dị mà thanh cao, cả tin mà sắc sảo, thơ ngây nhưng thấu suốt. Hai người chính là hai nửa của Xuân Quỳnh, ráp lại chính là bông hoa cúc xanh trong đầm lầy mà chúng ta vẫn hướng về. Thế thôi. Mà có vẻ khó, với cả thầy lẫn trò.

Bởi vì, tôi cũng... chưa từng được gặp người phụ nữ thật sự nào như chị Quỳnh. Người như chị, có nhưng mà rất hiếm, ở gần nhưng không phải ai cũng nhận ra. Chỉ khi mất, ta mới biết ta không bao giờ có lại. Nhưng tôi nghĩ cũng chính vì thế mà ai trong đời cũng một lần mơ gặp Hoa Cúc Xanh. 

- Xin cảm ơn đạo diễn Trần Lực. Chúc anh và Luc Team sẽ có hai đêm diễn thật thành công với Hoa Cúc Xanh.

ĐÓN XEM 2 ĐÊM THƠ - NHẠC - KỊCH HOA CÚC XANH TẠI NHÀ HÁT LỚN HÀ NỘI

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh Xuân Quỳnh (6/10/1942 – 6/10/2022), gia đình nữ thi sĩ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ kết hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cùng ê-kíp Se sẽ chứ tổ chức đêm thơ – nhạc – kịch mang tên "Hoa cúc xanh", diễn ra vào 20h ngày 5 và 6/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tên "Hoa cúc xanh" được lấy ý tưởng từ bài thơ cùng tên "Hoa cúc xanh" của thi sĩ Xuân Quỳnh và vở kịch nổi tiếng "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Chương trình quy tụ ê-kíp sáng tạo hùng hậu và tài năng với Tổng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp; Nhạc sĩ Quốc Trung – Giám đốc Âm nhạc; NSƯT Trần Lực – Đạo diễn Sân khấu; Họa sĩ Hà Nguyên Long – Thiết kế sân khấu…

Chương trình sẽ có 4 chương được đặt tên bằng những thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Xuân Quỳnh: Bầu trời trong quả trứng (chương I"; Sóng (chương II); Tự hát (chương III) và Hoa cúc xanh (chương IV).

Chương trình hứa hẹn sẽ mang đến nhiều điều bất ngờ và thú vị cho khán giả. Đặc biệt, sẽ có nhiều tiết mục lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu với các ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, nhạc sĩ Giáng Son, nhạc sĩ Lưu Quang Minh, ca sĩ Bùi Lan Hương viết riêng cho chương trình.

Tất cả các ca khúc này đều được khơi gợi cảm hứng từ các bài thơ trong tập "Xuân Quỳnh – Không bao giờ là cuối" của nhà thơ Xuân Quỳnh, Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2011.

Đạo diễn Trần Lực: Ai trong đời cũng một lần mơ về Hoa Cúc Xanh - Ảnh 12.

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem