Ngành chức năng tỉnh Đồng Nai không cho đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt ở một cái hồ nước ngọt nổi tiếng

Hạ Di (Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai) Thứ sáu, ngày 21/06/2024 10:08 AM (GMT+7)
Nhiều ngư dân ở xã Phú Ngọc (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn đề nghị xin tiếp tục gia hạn khai thác thủy sản trên hồ Trị An. Tiếp nhận và trả lời đơn đề nghị của người dân, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức khẳng định, không thể tiếp tục cho khai thác thủy sản bằng ngư cụ kiểu tận diệt...
Bình luận 0

Nhiều ngư dân ở xã Phú Ngọc (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn đề nghị xin tiếp tục gia hạn khai thác thủy sản trên hồ Trị An. Tiếp nhận và trả lời đơn đề nghị của người dân, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức khẳng định, không thể tiếp tục cho khai thác thủy sản bằng ngư cụ kiểu tận diệt ở lòng hồ Trị An.

Cấm các hoạt động khai thác gây tác động xấu đến lòng hồ

Mới đây, nhiều ngư dân làm nghề te, dồn, đăng cào ốc hến, cá tôm lâu năm trên hồ Trị An đã có đơn kiến nghị với huyện Định Quán và UBND tỉnh Đồng Nai về việc xin gia hạn thời gian đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An đến hết năm 2024, để các hộ dân vừa duy trì cuộc sống hiện tại, vừa dần chuyển đổi nghề; đồng thời, tiếp cận nguồn vốn vay để chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.

Liên quan đến đề nghị này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngày 15-11-2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT về việc hướng dẫn bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. 

Trong đó, Phụ lục II quy định danh mục nghề nêu rõ: Cấm sử dụng ngư cụ bằng khung sắt có kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông); quy định này cấm khai thác thủy sản ở vùng ven bờ và vùng nội đồng. 

Còn nghề cào nhuyễn thể bằng các ngư cụ không kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi vẫn được phép hoạt động bình thường.

Ngành chức năng tỉnh Đồng Nai không cho đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt ở một cái hồ nước ngọt nổi tiếng- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra và lập biên bản một ngư dân sử dụng phương tiện đánh bắt thủy sản tận diệt trên hồ Trị An.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai) Đỗ Thị Thu Thủy, việc sử dụng các ngư cụ gây hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên hồ Trị An đã gây nhiều tác động tiêu cực đến nguồn lợi thủy sản ở sông hồ.

Do đó, tại nhiều buổi đối thoại với các hộ ngư dân ở đây, chi cục đã giải thích các tiêu chí khi đưa các ngư cụ bằng khung sắt có kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông) vào danh mục cấm khai thác theo quy định.

Bởi các ngư cụ này gây nguy hại đến môi trường sống của các loài thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh và đã được cơ quan chuyên môn đánh giá tác động, hướng tới mục đích cuối cùng là bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản gắn với khai thác hợp lý và hướng tới thế hệ tương lai.

Theo lộ trình của tỉnh Nai, từ năm 2021 đến tháng 1-2022, cấm hoàn toàn phương tiện và ngư cụ hoạt động nghề te, nghề đáy, nghề lồng xếp, nghề đăng được làm bằng sắt có công cụ kéo dưới đáy sông hồ và tất cả các ngư cụ có sử dụng điện.

Tích cực hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề

Mới đây tại buổi tiếp dân của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán Ngô Tấn Tài cho biết, thực hiện Quyết định số 2022/QĐ-UBND ngày 6-9-2023 của UBND huyện Định Quán về việc phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ ngư dân chấm dứt nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản cho các hộ dân trên địa bàn xã Phú Ngọc, ông Nguyễn Văn Khiêm và các hộ dân đã thống nhất nhận kinh phí hỗ trợ, cam kết tự nguyện dừng hoạt động và giao nộp các ngư cụ cấm khai thác thủy sản. 

Thông qua đối thoại, các cơ quan và địa phương vận động, khuyến khích các hộ ngư dân chấp hành theo quy định hiện hành, đồng thời định hướng chuyển đổi nghề, sử dụng ngư cụ phù hợp trong khai thác thủy sản hoặc chuyển đổi sang các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác.

Để hỗ trợ các ngư dân chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống, UBND huyện Định Quán đã thông tin đến các hộ dân về chính sách hỗ trợ tại địa phương đối với các hộ dân muốn đào tạo, chuyển đổi nghề và tiếp cận nguồn vốn vay. 

Cụ thể, các hộ dân có nhu cầu đào tạo nghề thì đăng ký danh sách với UBND xã Phú Ngọc; hàng năm, UBND huyện tổng hợp và có kế hoạch đào tạo nghề cho các công dân tùy theo học vấn của từng người. Cụm công nghiệp Đồng Phú Cường đang tuyển lao động, nếu các hộ có nhu cầu thì liên hệ, xin vào làm việc.

“Còn về nhu cầu vay vốn, các hộ dân có thể tham gia Hội Nông dân xã hoặc các đoàn thể khác như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh xã… để được tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội theo hình thức ủy thác bảo lãnh của hội” - Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán Ngô Tấn Tài cho biết.

Tại buổi tiếp công dân ngày 26- 3 vừa qua, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đề nghị UBND huyện Định Quán làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai để hướng dẫn các ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay theo quy định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem