img
 
img

imgsố 10 đại lộ Thăng Long. Đi từ xa đã nhìn thấy bên tay phải đường tấm biển hiệu Tập đoàn Y dược Bảo Long với logo Con Rồng Vàng trên nền hai gam màu Đỏ và Xanh lá quen thuộc. Bức tường ngay cổng vào có hai dòng chữ: “Biết đủ thì đủ, chờ đủ biết đến bao giờ”, và “Chịu thiệt một tí, để bạn mình vui”. Bên tay trái lối vào là gian giới thiệu sản phẩm. Trong phòng khám ở gian kế tiếp, một dãy bệnh nhân đang ngồi chờ đến lượt được lương y Nguyễn Hữu Khai chẩn bệnh.

Ở tuổi 65 lưng ông vẫn rất thẳng, dáng vóc con nhà võ vẫn gọn gàng, nhanh nhẹn. Chân đi giày thể thao trắng, áo blouse trắng, ông dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi. Giọng nói vẫn sang sảng, khuôn mặt vẫn cương nghị. Nhưng trong câu chuyện, trong ánh nhìn đâu đó cũng đã bắt đầu thấy không giấu được đôi nét mệt mỏi. Âu cũng là dễ hiểu thôi. Ngần nấy tuổi tác, ngần nấy thử thách…

Phân xưởng đóng gói thuốc. Dây chuyền dập vỏ con nhộng. Phòng OTK. Phía ngoài sân, mấy công nhân đang bào củ dáy, chắc làm nguyên liệu cho một loại thuốc nào đó. Một gian nhà đầy bao tải gừng, cam thảo, vị thơm của các nguyên liệu làm thuốc ngan ngát khắp dãy nhà.

Cơ ngơi rộng tổng cộng 6000 mét vuông này ông thuê lại của một người bạn với giá tương đối “phải chăng". Cơ sở mới chính thức đi vào hoạt động được 3,4 tháng. Những học trò, đệ tử thân tín nhất của Bảo Long vang bóng một thời được ông gọi về gây dựng lại tất cả từ đầu. Ông Khai khoe: Hiện nay đã được 96 người rồi!...

Vâng, 96 người, chỉ là một con số lẻ so với hơn 1.000 người lúc đó. 6.000 mét vuông, chỉ là một góc của cái cơ ngơi hoành tráng, đồ sộ rộng gần 6 héc ta ở Sơn Tây dạo nào.

img

Còn nhớ nơi đó lúc nào cũng rộn ràng. Những đội hình môn sinh của Trường võ thuật Bảo Long rầm rập tập võ. Những bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa Bảo Long thảnh thơi ngồi sưởi nắng trước sân. Đại diện của giới truyền thông, cơ quan báo đài dập dìu ra vào, phỏng vấn…

Câu chuyện của Dân Việt với doanh nhân Nguyễn Hữu Khai, Tổng giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long bắt đầu từ hồi ức về một thời oanh liệt của tập đoàn y dược Bảo Long. Giọng ông Khai không khỏi bùi ngùi:

Tieu thuyet duong doi cua Hoang Du

Bảo Long thành lập năm 1990. Trong suốt khoảng 10 năm sau đó, Bảo Long đã xây dựng được một mô hình khép kín từ gieo trồng, sản xuất đông dược, mỹ phẩm thảo dược, thực phẩm chức năng, khám chữa bệnh, văn hóa, giáo dục – đào tạo, du lịch điều dưỡng…

Dưới trướng tập đoàn Bảo Long thời đó có 15 đơn vị thành viên. Sản phẩm đông dược của Bảo Long không chỉ phủ kín thị trường các tỉnh, thành phố trong nước mà còn thành lập chi nhánh tại Liên bang Nga, CHLB Đức để xuất khẩu sản phẩm. Hàng chục sản phẩm của Bảo Long được cấp giấy phép lưu hành ở Nga, Latvia, Ukraina, CH Czech…

Đặc biệt, Trung Quốc, cái nôi của nền y học phương Đông cũng đã cấp giấy phép cho Bảo Long thành lập chi nhánh và lưu hành sản phẩm mang tên “Thanh Long” đặc trị bệnh tiểu đường.

Để chủ động cung cấp nguồn dược liệu sạch và chất lượng trong việc sản xuất thuốc và khám chữa bệnh, Bảo Long đã khôi phục nông trường dược liệu tại cao nguyên Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Nơi đây có thể trồng và phát triển hầu hết các chủng loại dược liệu có ở Trung Quốc.

Tập đoàn đã xây dựng Bệnh viện đa khoa Bảo Long thành một điểm đến đáng tin cậy của bệnh nhân cả nước và cả Việt kiều, đặc biệt đã được các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào, Campuchia tin tưởng, thường xuyên đến thăm khám, chữa bệnh.

Thời đó bệnh viện đa khoa Bảo Long đã điều trị thành công nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Kết quả này giúp thương hiệu, uy tín của Bệnh viện đa khoa Bảo Long và các cơ sở khám chữa bệnh Bảo Long đường đến với đông đảo công chúng trong ngoài nước.

img
img
img
img

Vậy cơn cớ từ đâu mà đang trên đỉnh vinh quang, mọi thứ lại sụp đổ nhanh như vậy?

Trong giai đoạn làm ăn thuận lợi, Bảo Long luôn tính việc củng cố và phát triển. Mua thêm đất đai, xây dựng thêm xưởng, phát triển thêm sản phẩm, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tài trợ nhân đạo… Thế rồi ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế toàn cầu và trong nước kéo dài triền miên đã chặn đứng lộ trình phát triển của tập đoàn Bảo Long.

Tieu thuyet duong doi cua Hoang Du

Nợ nần tín dụng. Ngân hàng rút vốn không cho đáo hạn. Một số cổ đông đã rút vốn bởi lãi vay ngoài thị trường cao hơn nhiều so với lãi cổ phần. Cũng thời điểm ấy, Bảo Long lại làm ăn sa sút. Việc xuất khẩu bị ngừng trệ bởi các nước bạn thay đổi điều kiện nhập khẩu, thuốc Đông dược cũng phải đạt tiêu chuẩn GMP. Để xây dựng nhà máy đạt chuẩn GMP thì phải tốn hàng trăm tỷ đồng.

Cả đời tôi bôn ba thương trường, cũng đã từng chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, những tưởng chỉ sáu tháng, cùng lắm 1 năm. Vậy mà lần này cứ kéo dài mãi. 1 năm, 2 năm, rồi 3 năm. Vẫn chưa thấy “lối thoát cuối đường hầm”.

Bảo Long đã vay lãi cá nhân với lãi suất gấp nhiều lần ngân hàng, có thời điểm tới hơn 20%/tháng, để cố gắng trụ lại, nào ngờ ngày càng khó khăn, mấy năm liền không gượng lên được.

Trước tình thế đó, Bảo Long đã quyết định phải chuyển nhượng một phần tài sản, vốn cổ phần, pháp danh, thương hiệu của 3 đơn vị để trang trải công nợ và làm vốn kiện toàn, phát triển những đơn vị còn lại. Tuy nhiên, trong thời gian này, thị trường bất động sản lại đóng băng, khiến cho ý định đó kéo dài cả năm không thực hiện được…

Và đến đầu năm 2011, đối tác xuất hiện, người tưởng như có thể ném một cái phao để cứu cả con tàu Bảo Long sắp đắm…

Vâng, khi đối tác này xuất hiện, tôi mừng lắm, tưởng như “chết đuối vớ được cọc”. Ông ta không phải là người xa lạ gì, mà vốn là một bệnh nhân của tôi, nay là một đại gia trong lĩnh vực bất động sản, khách sạn. Hai bên thỏa thuận đối tác sẽ đầu tư khoảng 50 triệu USD để nâng cấp toàn bộ Bảo Long.Ông ta làm Chủ tịch HĐQT. Tôi làm Tổng giám đốc.

Nhưng rồi thương vụ giữa hai bên không trót lọt…

Vì quá tin đối tác nên hợp đồng giữa hai bên chúng tôi làm không chặt. Khoản tiền hơn 232 tỷ mà đối tác trả cho Bảo Long thực chất mới chỉ là tiền trả cho diện tích đất thuộc quyền sử dụng của Bảo Long và tài sản trên đất. Còn bao nhiêu giá trị khác thì họ không hề tính.

Tập đoàn Vina Capital mua 20% thương hiệu Yến Việt với giá 7,5 triệu USD, tương đương 150 tỉ đồng. Đầu năm 2011, Công ty Unicharm (Nhật Bản) mua thương hiệu Diana với giá 184 triệu USD, tương đương 4.000 tỷ đồng. Năm 2012, tập đoàn Bia Calsberg (Đan Mạch) mua thương hiệu bia Huda với giá 2.200 tỷ đồng…

Vậy mà thương hiệu Bảo Long – được tôn vinh là thương hiệu mạnh Việt Nam, thương hiệu hàng đầu top 100 Doanh nghiệp, rồi bệnh viện Bảo Long, trường võ thuật Bảo Long, tất cả những thương hiệu đó phải trị giá tới hàng nghìn tỉ đồng ấy chứ, vậy mà họ tính bề nuốt gọn mà không trả một xu…

Chỉ 11 ngày sau khi ký hợp đồng, họ phế tôi khỏi chức vụ Tổng Giám đốc. Rồi họ làm thủ tục thay đổi giấy chứng nhận doanh nghiệp, thay hết tên các thành viên cũ trong Ban lãnh đạo Bảo Long bằng người bên họ. Rồi họ mời các cơ quan truyền thông đến tuyên bố đã hoàn tất việc chuyển nhượng 100% tập đoàn y dược Bảo Long.

Và ông bị đối tác kiện ra tòa. Một trong những vụ kiện rất nổi đình nổi đám lúc đó…

Vâng, lúc đầu họ kiện tôi trong việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng trước Tòa Dân sự thành phố Hà Nội. Tòa án cho 2 bên đối chất, sau 5 tháng họ đuối lý và buộc phải rút đơn khởi kiện với lý do: “Để có thời gian củng cố thêm tài liệu, chứng cớ phục vụ giải quyết vụ án và có thêm thời gian thỏa thuận với bị đơn”.

Tuy nhiên không phải vì lý do ấy mà họ đổi thủ thuật bằng cách gửi đơn tới phòng An ninh kinh tế nhờ xử lý. Cơ quan An ninh kinh tế sau hàng năm trời “bới đất lật cỏ” truy tìm tội lỗi của “Bảo Long- Nguyễn Hữu Khai” nhưng không kết quả. Cuối cùng họ đã lấy bản hợp đồng “Khoán kinh doanh và khoán đầu tư” giữa Bảo Sơn với Bảo Long để khép tội “Sử dụng trái phép tài sản” theo Khoản 3 Điều 142 Bộ Luật Hình sự rồi bắt tôi vào tù ! Thực sự tôi bị oan. Bản chất của hợp đồng này là Bảo Long vay tiền (10 tỷ) để mua nguyên liệu phục vụ sản xuất. Nhưng vì vay trong thời hạn 1 năm mà sản xuất phải có tiến độ, không thể liền một lúc đầu tư hết vào mua nguyên liệu nên chúng tôi có dùng một ít cho các hoạt động sản xuất kinh doanh khác của Tập đoàn, như: Trả nợ tiền góp vốn, trả lương, chi phí quản lý hành chính…

Đây là quan hệ dân sự giữa hai bên. Nếu muốn thì bên cho vay có thể đòi lại tiền. Thực tế, khoản vay cũng đã được thanh toán cả gốc lẫn lãi. Vậy mà không hiểu sao Tòa lại hình sự hóa một vụ việc dân sự. Thật là quá oan ức!

img

Tại sao ông không kêu oan?

Tôi đã làm đơn kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm, chủ tọa phiên tòa đã nhận định: “Tòa sơ thẩm định tội sai”. Tuy nhiên không minh oan cho tôi mà lại khuyên tôi nên rút đơn kêu oan ! Ông Chủ tọa phiên tòa phân tích: Nếu tôi chấp nhận bản án sơ thẩm thì chỉ sau hai tháng nữa là ngày Quốc khánh (Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước) Tôi đã có nhiều công lao đóng góp cho xã hội và đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng 3 thì ắt sẽ được đặc xá ! Nếu không rút đơn kêu oan thì tòa phúc thẩm sẽ ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và gửi trả hồ sơ để điều tra lại. Việc điều tra lại là không có thời hạn và không biết bao giờ mới được về…!

Tôi suy nghĩ mãi và vẫn không chấp nhận rút đơn kêu oan. Tòa đã cho nghỉ giải lao. Lúc này bạn bè, gia đình có cơ hội gặp tôi, ai cũng khuyên tôi rút đơn kêu oan để được về rồi sẽ tính sau. Cuối cùng tôi đã đồng ý rút đơn kêu oan và quả nhiên tôi đã được Chủ tịch nước Đặc xá !

Giờ làm lại sự nghiệp, ông sẽ rút ra kinh nghiệm gì?

Tôi sẽ cẩn thận hơn, nghiên cứu kỹ các văn bản, pháp lý. Sẽ không bao giờ đặt bút ký vào một văn bản mà mình chưa nắm chắc. Và cuối cùng, không bao giờ mù quáng đặt hết niềm tin vào một con người mà lòng dạ họ mình chưa đo được.

Ông có hận người đã đẩy ông vào vòng lao lý không?

Nói không hận thì không ai tin. Nhưng quả thật, tôi xem thường bụng dạ tiểu nhân của đối thủ! Đã đổ tiền của ra để mua lấy tội ác! Vậy nên tôi không chấp và ngoảnh mặt làm ngơ để tập trung lo những công việc hữu ích. Thay vì hận thù tức tối để mang bệnh vào mình …!

Cuộc đời ông có nhiều kẻ thù không?

Tôi nghĩ là không nhiều. Nhưng trước hết phải định nghĩa thế nào là kẻ thù! Người phương Đông xưa có câu: “Hữu thù bất báo phi quân tử, hữu ân bất báo bất vi nhân” . Nhưng phương Tây họ lại nghĩ khác. Người Pháp nói: “Muốn thắng kẻ thù phải biến kẻ thù thành bạn”. Biến thù thành bạn cuộc sống sẽ không đeo đẳng hận thù và thanh thản hơn, khỏe mạnh hơn.

Suốt cuộc đời ông rất nhiều nỗ lực, cố gắng, luôn đối xử tốt với mọi người, vậy mà có vẻ như lại gặp quá nhiều tai ương?

Nhiều lúc tôi cũng thấy như thế. Mình có làm điều gì xấu đâu mà sao gặp hết nạn này lại đến nạn khác. Những lúc đó tôi lại lấy câu chuyện Tây Du Ký ra để tự an ủi mình. Đường Tăng có xấu đâu, có hại ai bao giờ đâu, vậy mà cũng phải chịu đến 82 kiếp nạn. Vậy vận hạn với mình là chưa đáng kể…!

Cuộc đời có may có rủi, có mất có được. Cuối đời nhìn lại, cái được cái mất nó chẳng chênh nhau là mấy. Nhiều người còn thiệt thòi, oan trái hơn mình nhiều. Thôi cứ nghĩ thế cho đỡ tủi thân anh ạ…

img
img

Ông có vẻ là một người đàn ông đào hoa, đã 4 lần lập gia đình. Những người phụ nữ có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời ông?

Cuộc đời tôi bao giờ cũng tôn trọng và đề cao phụ nữ. Đầu tiên là Mẹ. Phúc đức tại mẫu. Tất cả những người đàn ông thành đạt đều có một người mẹ đôn hậu.

Tiếp đến là chuyện tình yêu lứa đôi, chuyện vợ chồng âu cũng do mệnh số. Đức Khổng tử một vĩ nhân mà qua 9 đời vợ vẫn chẳng được bà nào tử tế. Ngài phải than rằng ta đi giáo huấn cho người mà không lo được hạnh phúc cho mình! Thế rồi Ngài đã phải chọn một cô bé mới sinh ra, cùng gia đình chăm chút, dạy dỗ chỉnh chu rồi khi trưởng thành cưới về làm vợ. Vậy mà khi về làm vợ lại vẫn hư hỏng.

Cuối cùng ngài phải công nhận: Tử vi đúng, gặp cung thê xấu thì có lựa chọn thế nào cũng không được người vợ tử tế. Người đàn ông may mắn thì lấy được người vợ dung dị, biết chiều chồng, biết nhường nhịn. Thế còn vợ chồng khi xảy ra mâu thuẫn, xô xát thì bao giờ chẳng là chuyện tại anh tại ả…

Khi gặp hoạn nạn, có người phụ nữ nào chìa tay giúp đỡ ông không?

Lần gần đây nhất thì không ! Nhưng tôi chẳng trách họ. Thứ nhất là tôi biết họ lo thân họ cũng rất vất vả rồi, làm sao giúp được tôi. Thứ hai là tôi cũng chẳng cần. Đàn ông mình làm mình chịu, mình giỏi mình được, mình kém mình mất. Chẳng nên oán trách ai, oán trách phụ nữ lại càng không…

Ông có định tìm một người bầu bạn lúc xế chiều?

Ở tuổi này, với tinh thần này, nếu muốn tôi vẫn có thể lấy vợ, và có thể vẫn có ai đó cảm mến tôi. Nhưng thôi, tôi muốn toàn tâm toàn ý cho công việc. Quỹ thời gian còn lại của tôi có hạn. Tôi cần tập trung cho việc chính yếu và sẵn sàng hy sinh những gì cho bản thân mình. Việc cần bây giờ là khôi phục và phát triển sự nghiệp Y dược Bảo Long.

Cái gì làm cũng được không làm cũng được thì bỏ qua. Đó là chuyện tìm hạnh phúc cho riêng mình. Lấy người nhiều tuổi thì vướng đủ thứ chuyện. Lấy người trẻ tuổi thì không đủ điều kiện chiều chuộng, chăm sóc cho chu đáo, như thế thấy cũng không đành. Nên tóm lại là tôi sẽ chẳng nghĩ tới việc lấy vợ nữa…!

Nhiều người vẫn còn nhớ tới danh võ sư Nguyễn Hữu Khai, người sáng lập Bảo Long Y võ lừng lẫy. Giờ ông còn luyện võ hàng ngày không?

Vẫn luyện đều chứ. Để luyện sức khỏe, rèn tinh thần. Nhưng ở tuổi này tôi chỉ tập Tĩnh công là chính, Động công (dùng sức, cơ bắp) thì bắt đầu cảm thấy nặng rồi. Những bài công phá, giao đấu, cận chiến… phải nhường cho các đệ tử thể hiện…

img
img

Ngày 2-9-2015 ông nhận Quyết định đặc xá của Chủ tịch Nước và chính thức ra tù. Từ đó đến nay đã hơn 2 năm rồi, ông sống ra sao?

Khi tôi ra tù, anh em, bạn bè, đệ tử dù không khá giả nhưng đã tập trung lo cho tôi một cơ sở khám chữa bệnh với đầy đủ y cụ tại Mỗ Lao, Hà Đông. Tôi làm được nửa năm, khách đến chẩn trị đông lắm. Nhưng sau đó tôi nghĩ không thể việc sản xuất, nên lại về quê, An Mỹ, Mỹ Đức, Hà Tây cũ. Địa phương giúp tôi một trang trại chăn nuôi. Tại đây tôi mở phòng mạch kết hợp với sản xuất thuốc. Trong lòng tôi luôn nung nấu quyết tâm “phục thù”, “khởi nghiệp”, lập lại Bảo Long.

Cách đây mấy tháng, tôi thuê cơ sở cơ sở mới lớn hơn, bắt đầu xây dựng nhà xưởng. Gọi bạn bè anh em cũ về. Đi đăng ký lại các mẫu mã thuốc trước kia. Bộ Y tế, Sở Y tế cũng tạo điều kiện. Người bình thường mất cả năm trời, nhưng tôi thì được cấp sớm. Những danh hiệu trong nghề Y của tôi như lương y, Thầy thuốc Ưu tú, các huân, huy chương ... vẫn còn nguyên giá trị. Người bệnh gần xa cũng vẫn chưa quên tôi…

Hai năm hai tháng trong tù đã lấy đi của ông những gì?

Khi bị bắt vào tù, tôi mất tất cả. Mất toàn bộ tài sản. Mất tất cả những tri thức về nghề thuốc lưu trữ trong máy vi tính. Mất sức khỏe. Tôi lâm bệnh nặng, vào tù không có thuốc. Người nhà gửi thuốc họ không cho nhận. Chân tôi sưng phù, không đi nổi. Đi cũng phải có người khiêng ra ghế đá ngồi hỏi cung.

Khi vào tù tôi đã ngoại sáu mươi nhưng mắt vẫn tinh nhanh lắm. Vậy mà ở tù ít lâu hai mắt suy sụp, đứng cách 2 mét không nhìn rõ, chỉ thấy lờ mờ những hình những bóng… Cũng may sau này tôi có nghề thuốc, nên được ra bệnh xá làm, đỡ khổ hơn…

Phải nói là các cán bộ quản giáo, các bạn tù cũng rất quý tôi, họ biết tôi qua báo chí, qua phim ảnh. Họ cũng biết tôi bị oan ức.

Được biết tiểu thuyết “Đường đời dốc đứng” được ông viết trong tù. Ông có thể kể lại quá trình viết tác phẩm này?

Theo quy định của trại giam thì phạm nhân không được sử dụng giấy bút. Nếu bị phát hiện ra là bị phạt có thể bị cùm chân. Cho nên phải giấu giếm. Viết bằng vỏ tip thuốc ghẻ, bằng cái ruột bút bi. Viết trên vỏ bao thuốc lá, giấy gói quà, trên áo ba lỗ, trên quần áo trắng rồi tìm mọi cách gửi về. Khi tôi ra tù, tất cả những tư liệu đã viết đựng đầy 2 bao tải, thế rồi chia ra cho mấy học trò đánh máy rồi tôi chắp lại và chỉnh sửa.

Trong tiểu thuyết “Đường đời dốc đứng” ông viết rất nhiều về những người bạn tù. Điều đọng lại nhất trong ông về những bạn tù này là gì?

“Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Con người ta sinh ra ai cũng lương thiện, cũng muốn có cuộc sống tốt lành, hạnh phúc. Chỉ có điều may mắn hay không may mắn, ranh giới giữa cái thiện và cái ác nhiều khi chỉ mong manh như cái cân tiểu ly, do hoàn cảnh xô đẩy mà một phút sa chân rồi lâm vòng tù tội.

Trong tù tôi đã gặp một sĩ quan công an rồi trở thành giang hồ, bảo kê cho tội phạm. Gặp một cô hoa hậu chẳng có tội tình gì, chỉ vì trót yêu một “thiếu gia” con lãnh đạo cao cấp, bị bà mẹ của “thiếu gia” đó dùng nhiều thủ đoạn đẩy vào tù. Điều đáng sợ nhất, trong tù không hiếm những trường hợp oan ức như thế…!

img

Nhìn lại cuộc đời ông thật ba chìm bảy nổi. Động lực nào giúp ông vượt qua ngần nấy thử thách?

Thứ nhất, nghiệp võ đã giúp tôi tính kiên cường, sức bền, ý chí quyết chiến quyết thắng. Con nhà võ dù bị đánh ngã lại đứng dậy chiến đấu tiếp chứ không bỏ cuộc.

Thứ hai, tôi đã bỏ ra hàng chục năm trời học tập, đi theo nghề thuốc. Nay thấy mình vẫn còn sức, còn bao nhiêu tri thức có thể chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Thứ ba, tôi cảm thấy mình vẫn còn nặng nợ với đời. Nợ tình nghĩa, nợ tiền bạc. Có những món nợ tình nợ nghĩa biết hết đời vẫn không trả hết nhưng vẫn phải cố gắng. Để chứng tỏ mình không phải là người xấu như những kẻ hại mình vẫn rêu rao. “Nợ đời trả mãi chẳng xong / Leo bao nhiêu núi vẫn mong cứu người”

Nhưng lần này sao ông không chọn một sự quay trở lại dễ dàng hơn? Chẳng hạn như mở một phòng khám của lương y Nguyễn Hữu Khai. Với tên tuổi của ông, chắc chắn bệnh nhân sẽ đông. Việc kiếm tiền tỉ không phải là không thể. Mà lại nhàn hạ hơn, ít rủi ro hơn, phù hợp hơn với điều kiện sức khỏe, tuổi tác…

Đúng, nhiều người cũng nói với tôi như vậy. Nhưng nếu ngồi xem mạch kê đơn, bốc thuốc, khám bệnh thì tối đa mỗi ngày tôi cũng chỉ khám được cho 30 bệnh nhân. Còn nếu sản xuất thuốc thì mỗi ngày tôi có thể chữa bệnh cho hàng nghìn người. Tôi cũng sẽ tạo được nhiều công ăn việc làm hơn cho anh em, học trò. Về mặt kinh tế cũng sẽ tốt hơn chứ. Bây giờ tôi gần như tay trắng rồi mà…

Ông hy vọng thế nào về tương lai của Bảo Long?

Sẽ chỉ có tốt lên mỗi ngày. Tuần qua, vừa có một đối tác mới đặt hàng tôi sản xuất một lượng thuốc trị giá 2 tỉ đồng/tháng. Trả tiền trước 50%. Khách hàng cũ quay lại ngày càng nhiều.

Trước ngày Bảo Long sụp đổ, tôi chỉ có hơn 140 sản phẩm. Nay đã có 161 loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Công nhân của tôi đang làm ngày, làm đêm mới đáp ứng hết các đơn hàng.

Thời hoàng kim, Bảo Long đạt TOP 100 thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Vậy mà ngày Doanh nhân 13.10. 2017 vừa rồi, Bảo Long được công nhận TOP 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Tôi tin Trời chẳng phụ lòng người.

img
img

Nội dung: Lưu Quang Định

Nhiếp Ảnh:Đàm Duy

Mỹ thuật: Việt Anh

Kỹ thuật: Tuấn Anh

img

Xin cảm ơn nhà văn Hoàng Dự đã giúp đỡ
chúng tôi thực hiện cuộc trò chuyện này.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem