Giá tiêu tăng lên 48%, nông dân trồng tiêu bị "xao động" vì cơn "sốt đất" ở Tây Nguyên

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 18/02/2022 11:32 AM (GMT+7)
Hiện ở các vùng trồng tiêu lớn ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu, giá tiêu tăng cao so với cách đây 1 năm nên bà con rất phấn khởi. Hiện giá tiêu dao động quanh mức 85.000-87.000 đồng/kg.
Bình luận 0

Giá tiêu tăng lên 48%, nông dân trồng tiêu bị xao động vì cơn "sốt đất" ở Tây Nguyên

Theo khảo sát của PV Dân Việt, hiện giá tiêu nguyên liệu tại các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ duy trì ổn định ở mức cao so với cùng kì năm ngoái. 

Cụ thể, giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông đang ở mức 85.500 đồng/kg, giá tiêu tại Gia Lai khoảng 84.000 đồng/kg. Giá tiêu ở Bình Phước đạt 86.000 đồng/kg; trong khi ở Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay đạt 87.000 đồng/kg.

So với cùng kì năm 2021, giá tiêu hôm nay tăng tới hơn 48%.

Giá tiêu tăng lên 48%, nông dân trồng tiêu bị "xao động" vì cơn "sốt đất" ở Tây Nguyên - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thu (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Trần Hiền

Hiện mùa vụ thu hoạch hồ tiêu 2022 đã bắt đầu ở Đắk Nông khi nhiều nông dân đang tiến hành thu hái, tuy nhiên sản lượng chưa nhiều. 

Do ảnh hưởng của thời tiết thất thường nên đánh giá sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho thấy, sản lượng vụ thu hoạch hồ tiêu ở các tỉnh trọng điểm sẽ giảm so với năm 2021. 

Trong đó, Đắk Nông được coi là "thủ phủ" của hồ tiêu Việt Nam, chiếm khoảng 40% sản lượng. Hồ tiêu là cây trồng chủ lực ở đây nên bà con nông dân coi hồ tiêu là "vàng đen". Vụ 2022 mặc dù có vùng bị ảnh hưởng của thời tiết, nhưng cũng có vùng cho năng suất và sản lượng tốt, vì vậy dự báo các vườn tiêu sẽ cho sản lượng thu hoạch tương đương năm 2021.

Theo VPA, giá tiêu hiện đang tăng khoảng 48% so với thời điểm đầu năm và hiện đang đứng ở mức trên dưới 85.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá tiêu hôm nay, người nông dân trồng tiêu vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi giá phân thuốc, nhân công tăng do lạm phát và ảnh hưởng đại dịch. 

Đáng chú ý, tình trạng "sốt đất" tại một số tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ trong thời gian qua càng làm cho tâm lý người nông dân trồng tiêu bị xao động, không chuyên tâm vào canh tác hồ tiêu. 

Một số hộ dân trồng tiêu sẵn sàng bán vườn, chuyển đổi canh tác khi đất được giá. Thực tế một số nông hộ trồng tiêu trước đây cũng đã chuyển sang làm điện gió.

Đơn cử như tại tỉnh Đắk Nông, trước thông tin các dự án lớn về du lịch đang được đầu tư, giá đất khu vực ven hồ Tà Đùng, huyện Đắk Glong tăng chóng mặt, nhất là thời điểm cuối năm 2021. Có những lô đất nông nghiệp được đẩy giá lên hàng tỉ đồng, thậm chí hàng chục tỉ đồng/ha.

Tại các nhóm hội mua bán đất rẫy - vườn trên mạng xã hội, rất nhiều chủ tài khoản rao bán đất rẫy trồng cây ăn quả, đất trồng tiêu, cà phê. 

Bên cạnh đó, giá tiêu tại thị trường nội địa thời gian vừa qua cũng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu của Trung Quốc. Sau khi tiệm cận mức giá tiêu 89.000 đồng/kg vào giữa tháng 10/2021, giá tiêu giảm 2.000-3.000 đồng cho tuần tiếp theo trước khi tăng trở lại mức 89.000 đồng/kg vào đầu tháng 11/2021. 

Tuy nhiên, kể từ đó cho đến nay, giá tiêu liên tục giảm và có thời điểm xuống 78.000 đồng/kg vào những ngày cuối tháng 12/2021. Việc Trung Quốc mua chậm hoặc thậm chí ngừng mua tùy thời điểm cũng là một nguyên nhân quan trọng làm ảnh hưởng đến giá tiêu. Theo VPA, từ mức thu mua bình quân 3.000-4.000 tấn hồ tiêu/tháng, trong tháng 10 Trung Quốc chỉ mua 546 tấn tiêu, tháng 11 mua 463 tấn, tháng 12 mua 513 tấn.

Thống kê sơ bộ của VPA, trong năm 2021 Việt Nam xuất khẩu được 263.692 tấn hồ tiêu các loại, bao gồm 231.676 tấn tiêu đen và 32.016 tấn tiêu trắng. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 948,7 triệu USD, tiêu đen đạt 792,1 triệu USD, tiêu trắng đạt 156,6 triệu USD. Giá tiêu năm 2021 cho thấy, việc tăng giá đã giúp tăng khoảng 42,7% giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu, trong khi lượng giảm 7,8%.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem