Hành trình đưa quả sầu riêng từ ĐBSCL đến cửa khẩu biên giới

Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 1.

Tôi gặp Ngô Quang Sung (tên nhân vật đã được thay đổi, tài xế lái xe container thuộc một Công ty vận tải) giữa tháng 11/2023. Lúc này, Sung đã "vạ vật" ở Cai Lậy (Tiền Giang) được hơn một tuần. "Vào đây chờ dài cổ để được đến lượt bốc hàng thôi anh ơi, chưa biết đến bao giờ mới được đi", Sung cho hay.

Sung có thâm niên gần chục năm lái xe container đường dài, từ Bắc chí Nam. Sung nhận lệnh của Công ty chở hàng vào Bình Dương, rồi xuôi xe rỗng vào Tiền Giang chờ bốc hàng sầu riêng chở ra Lạng Sơn, xuất khẩu sang Trung Quốc.

Xe container nằm chờ hàng ở bãi xe Ngọc Hương (đường tránh Thị xã Cai Lậy). Lúc này, bãi xe đã kín chỗ, 50 chiếc container xếp hàng gọn gàng chờ đến lượt di chuyển. "Công ty tôi đã điều 10 xe vào chờ nhận hàng, anh em ở suốt từ đầu tháng đến giờ", Sung nói.'

Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 2.
Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 3.
Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 4.
Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 5.

Các bãi đỗ xe container kín chỗ khiến nhiều xe đến sau phải đỗ ven quốc lộ tại thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

Không chỉ bãi xe Ngọc Hương, các bãi xe dọc tuyến Quốc lộ 868 cũng như tuyến tránh Thị xã Cai Lậy hầu hết các đã chật kín xe container. Tại một bãi xe, Khôi lấy đồ dùng cá nhân để vào khu nghỉ tập thể dành cho tài xế. "Mấy ngày nay, cả nghìn tài xế đổ về đây rồi đấy chứ. Đi đâu cũng gặp thợ hái sầu, tài xế xe tải chờ việc", Khôi ước tính.

Mỗi tài xế như Sung hay Khôi từ phía Bắc vào vùng sầu riêng ở ĐBSCL phải đợi ít nhất một tuần hay nửa tháng, thậm chí phải xếp lốt cả tháng mới đến lượt bốc hàng. Khi nhận được lệnh bốc hàng, phải mất trung bình hai ngày đêm để bốc hàng.

Sung gọi việc hàng dài xe nằm chờ hàng này là "bắt đáy sầu riêng". Bởi nhà xe phụ thuộc nguồn hàng, còn thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu một là phụ thuộc thời vụ, hai là canh mức giá sầu riêng. Nếu được giá, lời nhiều, họ sẽ đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, vận chuyển, xe sẽ sớm có hàng. Việc gom hàng cùng phụ thuộc vào đối tác phía Trung Quốc chốt giá hay không, được giá họ mới đặt hàng, thương lái mới gom quả từ vườn của nông dân. 

Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 6.
Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 7.
Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 8.
Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 9.
Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 10.

Các tài xế đợi đến lượt đi bốc hàng sầu riêng

Dù chưa vào chính vụ, các doanh nghiệp vận tải vẫn cử xe tiện chuyến nườm nượp vào nằm chờ. Mỗi chuyến vận chuyển từ miền Bắc vào phía Nam, nhà xe có thể thu được chi phí 30 – 50 triệu đồng, tùy quãng đường, loại hàng hóa. "Trả hàng xong, xe không được điều vào đây nằm luôn, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí. Nếu có hợp đồng trước, xe nằm chờ đối tác cũng phải trả chi phí, hoặc lúc cao điểm doanh nghiệp lại tăng cước vận tải lên", một tài xế tiết lộ.

Cụ thể, khi tôi có mặt ở đây, vào đầu mùa trái vụ ở ĐBSCL, cước vận chuyển một chuyến xe container từ Cai Lậy (Tiền Giang) đến Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) được phát giá 68 – 70 triệu đồng. Đây là giá cước bao chuyến, mọi chi phí phát sinh dọc đường đơn vị vận tải sẽ chịu. 

Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 11.

Trong những ngày sinh hoạt cùng các tài xế, chúng tôi được nghe liệt kê những chi phí của chuyến đi dài khoảng 1939km để đưa quả sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Cụ thể, chi phí nhiên liệu khoảng 30 triệu đồng, cước phí đường bộ hơn 6 triệu đồng, chi phí lái xe, chi phí chạy máy lạnh, chi phí xe chờ bốc hàng, chi phí bốc hàng, chi phí "bắt sâu", chi phí bảo quản, chi phí kho bãi, chi phí kiểm dịch, chi phí vào cửa khẩu, … Một tài xế kê kín một trang giấy cho chúng tôi xem các loại chi phí để vận chuyển sầu riêng đi xuất khẩu. "Nếu tính từ khi xe lăn bánh, đến cửa khẩu chúng tôi đã phải đóng gần 20 loại chi phí. Nói là rừng chi phí cũng không sai anh ạ"- Sung chia sẻ.

Đến trưa, tại bãi xe Ngọc Hương, các tài xế í ới gọi nhau vào bữa trưa. Mỗi mâm khoảng 6 – 8 người cùng ăn, rồi cùng chia tiền trả. Tôi được tài xế Sung giới thiệu là phụ xe, ngồi cùng mâm với các tài xế. Tùy theo món ăn được gọi, bà chủ quán thu từ 75 – 150 nghìn đồng/người.

Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 12.
Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 13.
Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 14.

Những tài xê trong lúc nằm chờ cũng giúp chủ quán làm những suất cơm chay miễn phí

Để tiết kiệm tiền ngủ nghỉ, nhiều tài xế lên xe ngủ hoặc "xin điện" chủ quán để chạy điều hòa ở xe. Có người sắm chiếc võng giá 120 nghìn đồng mắc dưới gầm xe nghỉ để nghỉ trưa. Mỗi tài xế có cách "giết thời gian" khác nhau trong lúc chờ hàng. Nhưng tựu chung, ai cũng nghĩ cách tiết kiệm tối đa các chi phí sinh hoạt để không lạm vào tiền nhà xe chi trả.

Tôi được Sung cho ngủ nhờ trên khoang lái xe container nhập khẩu từ Mỹ, đời 2013. Trong khoang có một giường sắt rộng khoảng 1m, dài hơn 2m, có xe thiết kế hai giường nhỏ. Hai người có vóc dáng vừa phải có thể đảo "đầu đuôi" nằm ngủ, nên có lúc gác cả chân lên mặt nhau. Không gian trong buồng lái đủ các vật dụng cần thiết cho một tài xế lái xe đường dài. Sung cảnh báo, ngủ trên xe được cái tiết kiệm chi phí nhưng phải đối mặt với đàn muỗi từ miệt vườn đêm đến lại kéo ra bãi xe "thịt" tài xế.

"Mỗi ngày chờ hàng, nhà xe chi trả 300 nghìn đồng tiền ăn, 100 nghìn đồng bến bãi. Đối với xe đã có hợp đồng, nếu chờ quá 3 ngày, công ty vận tải có kèm điều kiện phạt đối tác muốn vận chuyển sầu riêng, mỗi ngày chờ thêm 1 triệu đồng. Nhưng Công ty chỉ chi cho tài xế mức trên thôi, phải hết sức tiết kiệm mới có tiền về nhà sau cả tháng chạy xe", tài xế Sung cho hay.

Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 15.

Chi phí vận tải ước tính để vận chuyển sầu riêng từ Tiền Giang đến Lạng Sơn, với mức giá bao chuyến là 70 triệu đồng.

Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 16.

Mệnh lệnh các tài xế muốn nghe nhất khi nằm chờ hàng là: "Đi bốc hàng anh em ơi!". Đến những ngày cuối tháng 11/2023, nhóm tài xế tôi quen biết đã nhận được lệnh trên. 

Hàng chục người hồ hởi gọi nhau, đồng loạt kéo ra bãi xe như những đứa trẻ được gọi đến giờ phát quà. Xe container nối đuôi nhau từ bãi xe ra quốc lộ, mỗi đợt di chuyển xe đến một vựa trái cây cũng mất nửa giờ đồng hồ, cả đoạn đường quốc lộ tạm thời ùn dài.

Khu vực gần vựa hàng không có bãi đỗ xe rộng rãi như ở các bãi ven quốc lộ hoặc đường tránh Thị xã, vì vậy, các tài xế phải xếp lốt, lần lượt vào lấy hàng. Khu vực vựa trái cây chật kín xe container, các xe khác phải xếp hàng dọc quốc lộ, lúc cao điểm hàng xe dài gần chục km.

Nhìn đồng nghiệp được gọi đi bốc hàng, một tài xe công quê Hải Phòng cảm thán: "Mình chờ gần một tháng rồi, chưa biết được khi nào đi, chưa thấy báo gì, có khi đang nằm đây mai báo có hàng. Mấy nay giá cao, phía Trung Quốc không mua hàng chững lại, mấy nữa xuống giá Trung Quốc lại mua, hàng lại đi".

Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 17.
Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 18.

 


Phóng viên Báo NTNN/Điện tử Dân Việt ghi lại tư liệu ngay trong quá trình ăn nghỉ cùng tài xế dưới gầm xe container

Trên đường di chuyển dài 10km đến điểm bốc hàng, tài xế Sung giải thích cho tôi về cách thức đóng thùng, bảo quản sầu riêng trong container. Tùy theo chủ hàng yêu cầu 6 hoặc 3 quả/thùng, mỗi thùng trọng lượng dao động từ 18 đến 19kg, có thể đóng trong thùng bìa các tông, hoặc từng sọt cho lên xe công lạnh. Sau khi bốc được một nửa xe phải nghỉ để chạy lạnh cho thùng container. Đến khi đạt mức nhiệt độ cho phép, thợ bốc xếp mới được đưa hàng lên tiếp. Khi đã đầy hàng, xe tiếp tục chạy lạnh đến khi dưới 19 độ C mới được di chuyển.

Sau hai ngày đêm bốc hàng và chạy lạnh, sáng 28/11 chúng tôi nhận lệnh theo hợp đồng vận chuyển đã ký, xe được phép di chuyển. Có hai điều tài xế phải khắc cốt ghi tâm trong hành trình sầu riêng: một là thời gian, hai là nhiệt độ.

"Mình phải chạy xe liên tục, di chuyển đến cửa khẩu kịp thời nhất… để quả sầu đến tay người dùng sớm nhất và tiết kiệm chi phí" - Sung nói, rồi vặn chìa khóa nổ máy cho đủ hơi, về số, nhả côn, nhấn ga lên đường.

Chuyến xe chở thành quả của người nông dân, hy vọng của thương lái và cả những kỳ vọng  về con số xuất khẩu kỷ lục bắt đầu lăn bánh hướng về thị trường Trung Quốc.

Kinh nghiệm từ các chuyến đi trước của Sung cho thấy, để di chuyển từ Tiền Giang đến cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) trung bình khoảng 52 giờ đồng hồ, xe tiêu thụ khoảng 1.200 lít dầu diezel. Chở hàng nóng có thể thoải mái hơn, còn hàng lạnh, phải cố gắng đi liên tục để trả sầu riêng sang bên kia biên giới. Tất nhiên, những tài xế như Sung phải tuân thủ quy định về giờ giấc lái xe, nghỉ ngơi và đặc biệt là tuân thủ quy định Luật Giao thông. Do đó, sức ép về thời gian càng lớn, phải căn ke từng phút một. 

Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 19.
Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 20.
Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 21.

Những chuyến xe chở sầu riêng di chuyển từ phía nam ra phía bắc để đưa hàng sang Trung Quốc tiêu thụ

"Đợt này sầu vỏ mỏng nên phải đi nhanh không sầu nứt. Nếu sầu riêng hỏng, không đạt chất lượng là mình phải đền. Xe container có gắn chip định vị, họ biết mình đi đến đâu, tốc độ thế nào", Sung chia sẻ kinh nghiệm.

Chiếc công từ từ bò ra tuyến tránh Thị xã Cai Lậy lên đường cao tốc HCM - Trung Lương, qua Hồ Chí Minh rồi tiếp tục đi theo tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết rồi xuôi theo quốc lộ 1A ra phía Bắc.

Tôi chú ý, trong quá trình lái xe, hay dừng nghỉ, tài xế luôn phải chú ý đến nhiệt độ thùng container để bảo quản 19 tấn sầu riêng. Bảng nhiệt độ thùng container gắn ở phía mặt thùng gần đầu xe, cứ hai giờ một lần, Sung lại dừng xe xuống chụp ảnh để gửi về Công ty, chủ hàng.

Theo Sung, với thời tiết mùa này (mát mẻ) để nhiệt độ dưới 19 độ C, còn nếu chở hàng sầu riêng vào mùa hè phải điều chỉnh nhiệt độ dưới mức 16 độ C bởi thùng container kín, dễ hấp hơi, tăng nhiệt độ.

Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 22.

Lái xe container chở sầu riêng dừng xe kiểm tra nhiệt độ của công và chụp ảnh bảng điện tử thể hiện nhiệt độ gửi chủ hàng

Tài xế này kể, có lần di chuyển vào mùa hè xe đã để mức nhiệt độ 13 độ C nhưng khi dừng nghỉ chẳng may bị chết máy, máy phát điện bị tắt. Lúc Sung tỉnh giấc, nhiệt độ thùng xe đã lên đến hơn 17 độ C. "Tôi phải chạy lạnh lại đến lúc xuống dưới 13 độ C mới di chuyển xe", Sung nhớ lại.

Trong hành trình chở loại quả đặc biệt này, cũng có những trường hợp tài xế bị Công ty yêu cầu phạt, phải đền hàng vì để nhiệt độ tăng cao, sầu riêng không đạt chất lượng. Khi đó, hai bên lại căn cứ vào khá nhiều quy định để kiểm tra lại xem lỗi ở đâu, có phải do tài xế hay không hay do điều kiện kỹ thuật.

Sung vừa vần vô lăng vừa lý giải cho chúng tôi về chi tiết này: "Ra đến nơi mà quả sầu bị hỏng, họ sẽ chạy lại chip để kiểm tra. Nếu mình đi đúng, để đúng nhiệt độ mà quả vẫn hỏng sẽ không phải lỗi của mình. Còn mình điều chỉnh sai, không chú ý để bị ngắt điện, thùng container nóng là mình phải đền".

Có những tài xế gần như làm không công vì bị phạt do lỗi để hỏng sầu riêng, xe phải quay đầu về bán nội địa. Mỗi chuyến xe vài tỷ bạc chứ ít ỏi gì đâu. 

Sau hơn một ngày di chuyển, chúng tôi nghỉ tại một trạm xăng dầu ở chân đèo Bình Đê nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi lúc 2 giờ 30 phút sáng 29/11. Với sức ép về mặt thời gian, Sung đã có thêm một tài xế nữa để cùng nhau "chia lửa", vừa đảm bảo sức khỏe vừa kịp đưa hàng đến cửa khẩu.

Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 23.
Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 24.
Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 25.

Xe chở sầu riêng của chúng tôi di chuyển xuyên đêm trên trục đường Nam - Bắc để kịp giao hàng

Đến 5 giờ 30 sáng 29/11, chuông đồng hồ báo thức dậy, chúng tôi vệ sinh cá nhân, đổ dầu rồi di chuyển theo quốc lộ 1A, qua một số tuyến cao tốc từ Quảng Ngãi đến Huế, mua đồ ăn nhanh trên xe rồi tiếp tục di chuyển ra đến đường tránh Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nghỉ ăn tối.

"Chạy hàng này không dám nghỉ nhiều, mỗi xe chở trung bình 17 - 20 tấn, nếu hỏng tiền đâu mà đền. Mỗi công sầu trị giá gần 3 tỷ" – tài xế giục tôi nhanh bước lên xe sau khoảng thời gian nghỉ tắm, chợp mắt và tranh thủ ăn uống, quần áo bẩn buộc kín trong túi bóng. Hai tài xế lên xe, tôi là khách được nhường buồng phía sau. Tôi liếc nhìn bảng đồng hồ hiện trên xe, đang là 19 giờ 30 phút. Dự kiến, hai tài xế sẽ thay nhau lái xuyên đêm.

Anh Sung vừa nhìn hai bên gương để quan sát, di chuyển xe ra khỏi bãi rồi nói: "Mình đi từ hôm qua tới giờ chưa có các chú Cảnh sát giao thông "hỏi thăm". Nói thật là các anh CSGT nhìn xe chở sầu riêng là biết, xe chở hàng này có định lượng rồi, hiếm khi quá tải, ít bị phạt".

Trên đường di chuyển chở loại quả xuất khẩu chủ lực năm 2023, chúng tôi gặp nhiều chốt tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT trên đường. Như lời tài xế nói, chiếc xe di chuyển đúng tốc độ, đúng làn, đều được lực lượng CSGT hướng dẫn đi qua, không phải xuống xe kiểm tra lần nào.

Chiếc xe di chuyển xuyên đêm dọc đường ven biển từ Hà Tĩnh qua cầu Cửa Hội ra tỉnh Nghệ An, lên cao tốc từ Diễn Châu, xen kẽ là những lần nghỉ ngơi của tài xế. Đến trạm xăng dầu 201 thuộc thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình tài xế dừng nghỉ để xe tiếp nhiên liệu. Lúc này đồng hồ chỉ 2 giờ kém 15 phút rạng sáng 30/11. Gió lạnh ùa vào khoang lái, đối nghịch với thời tiết nắng ấm ở những vườn sầu riêng đang vào vụ trong Tiền Giang.

Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 26.

 


Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 27.

 


Chiếc xe chúng tôi di chuyển gần 50 giờ đồng hồ từ Tiền Giang đến Bến xe Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn chờ thông quan sang Trung Quốc

Hai lái xe tiếp tục hành trình trong đêm đến thành phố Lạng Sơn lúc 7 giờ sáng 30/11. Chúng tôi nhận được thông tin qua điện thoại, xe sẽ đỗ ở Bến xe Tân Thanh thuộc Công ty Cổ phần vận tải thương mại Bảo Nguyên chờ xuất hàng sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh.

Sau gần 50 giờ đồng hồ di chuyển từ Thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đến tỉnh Lạng Sơn, chiếc xe container chở đầy ắp sầu riêng đã gần đến tay bạn hàng Trung Quốc. Tài xế Sung thở nhẹ một hơi: "90% hành trình đã hoàn thành, nhưng 10% nữa mới quyết định thành bại chuyến hàng. Chủ hàng, công ty vận tải, rồi đến tài xế như bọn em đều mong ngóng vượt qua được những thủ tục còn lại, đưa hàng sang cho đối tác".

Chuyến xe sầu riêng trải qua gần 2000km "xuôi chèo mát mái", nhưng với những tài xế như Sung, vài km đến cửa khẩu qua bên kia biên giới mới nhiều thấp thỏm, gập ghềnh cần phải vượt qua.

Gian nan hành trình gần 2.000km đưa sầu riêng đến cửa khẩu- Ảnh 28.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem